BỘ NÔNG NGHIỆP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 60/QĐ-BNN-TY | Hà Nội, ngày 09 tháng 01 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TIÊM PHÒNG VẮC XIN CÚM GIA CẦM NĂM 2009
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
- Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ - CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Căn cứ công văn số 2281/TTg-KTN ngày 23 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc Dự án sử dụng vắc xin cúm gia cầm giai đoạn III (2009-2010);
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Thú y, Trưởng ban chỉ đạo tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm năm 2009
(có bản kế hoạch chi tiết kèm theo).
Điều 2. Trên cơ sở bản kế hoạch này:
- Cục trưởng Cục Thú y chỉ đạo chuẩn bị vắc xin đủ về số lượng và chủng loại; tổ chức hội nghị triển khai, hướng dẫn các địa phương chuẩn bị kế hoạch tiêm phòng.
- Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm cấp tỉnh, Giám đốc các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch tiêm phòng ở cấp tỉnh, tổ chức hội nghị triển khai, tập huấn kỹ thuật tiêm phòng, triển khai việc tiêm phòng theo kế hoạch.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Thú y, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ và Giám đốc các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này .
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
KẾ HOẠCH
TIÊM PHÒNG VẮC XIN CÚM GIA CẦM NĂM 2009
(Ban hành kèm theo Quyết định số 60 /QĐ-BNN-TY ngày 09 tháng 01 năm 2009 về việc phê duyệt kế hoạch tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm năm 2009)
Thực hiện Dự án sử dụng vắc xin nhằm khống chế và thanh toán bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao H5N1 giai đoạn III (2009 - 2010) đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt tại Quyết định số 47/QĐ-BNN- TY ngày 07 tháng 01 năm 2009 và để triển khai đồng bộ, có hiệu quả công tác tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm trong năm 2009, đề nghị Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện theo kế hoạch sau:
1. Mục tiêu:
- Gây được miễn dịch cho đàn gia cầm, thủy cầm và duy trì mức kháng thể bảo hộ thường xuyên trong quần thể gia cầm, thủy cầm ở các vùng của dự án để phòng bệnh cúm gia cầm;
- Hạn chế sự lây nhiễm vi rút H5N1 cho người và đảm bảo an toàn cho người tham gia tiêm phòng.
2. Thời gian tiêm phòng:
2.1 Tiêm phòng đợt chính:
Trong năm 2009, Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm cấp tỉnh tổ chức tiêm phòng tập trung, toàn diện trong hai đợt chính:
- Đợt 1: Tiêm trong tháng 4 và tháng 5/2009.
- Đợt 2: Tiêm trong tháng 10 và tháng 11/2009.
2.2 Tiêm phòng bổ sung: Trong các tháng còn lại, giao cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm cơ sở chủ động tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm, thủy cầm chưa đến tuổi tiêm phòng hoặc bị bỏ sót trong đợt tiêm chính, đàn nuôi mới, đàn hết thời gian miễn dịch.
2.3. Cục Thú y hướng dẫn cụ thể việc tiêm phòng tại 5 tỉnh gồm: Nam Định, Ninh Bình, Quảng Bình, Sóc Trăng, Hậu Giang theo kế hoạch của Dự án GETS do Cơ quan hợp tác phát triển Hoa Kỳ (USDA) tài trợ thông qua Tổ chức FAO.
3. Đối tượng và phạm vi tiêm phòng:
3.1 Đối tượng tiêm phòng:
3.1.1. Đối tượng bắt buộc tiêm phòng
- Đối với gà: Gà đẻ trứng giống và trứng thương phẩm.
- Đối với thuỷ cầm: Vịt đẻ trứng giống và trứng thương phẩm.
- Đàn gà thịt, vịt thịt nuôi thả rông trong phạm vi khu dân cư.
3.1.2. Đối tượng không bắt buộc tiêm phòng
- Đối với gà: Gà nuôi thịt được nuôi nhốt;
- Đối với thuỷ cầm: Ngan các loại, vịt nuôi thịt chạy đồng (vịt chỉ ở ngoài đồng), vịt nuôi thịt được nuôi nhốt.
3.2 Phạm vi tiêm phòng
3.2.1. Các tỉnh tiêm phòng bắt buộc toàn địa bàn
Tiêm phòng toàn địa bàn 32 tỉnh, thành phố gồm: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Tiền Giang, Long An, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Hậu Giang.
3.2.2. Các tỉnh bắt buộc tiêm ở các huyện đồng bằng
Tiêm phòng tại các huyện đồng bằng, khu vực có nguy cơ cao (gần đường quốc lộ, gần đầm lầy, sông, hồ tự nhiên,..) ở 14 tỉnh, gồm: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận và Lâm Đồng.
3.2.3. Các tỉnh không bắt buộc tiêm phòng.
Không bắt buộc tiêm phòng tại 12 tỉnh miền núi phía Bắc và 4 tỉnh Tây Nguyên, gồm: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, Lao Cai, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông.
4. Loại vắc xin sử dụng:
- Vắc xin H5N1 vô hoạt của Trung Quốc dùng chung cho gà và vịt,
- Vắc xin H5N2 vô hoạt của hãng Intervet - Hà Lan dùng cho gà
- Việc sử dụng vắc xin và kỹ thuật tiêm phòng theo Hướng dẫn số 1181/TY-DT ngày 19/8/2006 của Cục Thú y.
5. Kinh phí thực hiện:
Thực hiện theo văn bản số 3832/VPCP-NN ngày 12/7/2005 của Văn phòng Chính phủ về sử dụng vắc xin phòng chống dịch cúm gia cầm; văn bản số 10620 BTC-NSNN ngày 23/8/2005 của Bộ Tài chính về hướng dẫn, bố trí sử dụng kinh phí tiêm vắc xin phòng dịch cúm gia cầm, văn bản 1205/TTg-NN ngày 04/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ kinh phí phòng chống dịch gia súc, gia cầm trong các đơn vị chăn nuôi của quân đội; Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc; công văn số 2281/TTg-KTN ngày 23 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc Dự án sử dụng vắc xin cúm gia cầm giai đoạn III (2009-2010).
Các Vụ Tài chính, Kế hoạch thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư bố trí ngân sách theo Dự án đã được phê duyệt.
Các tỉnh, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Vĩnh Phúc phải bố trí kinh phí tiêm phòng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 2281/TTg-KTN ngày 23 tháng 12 năm 2008.
6. Tổ chức thực hiện
6.1 Quy định chung
Tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm chỉ có kết quả trên cơ sở tổ chức thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch như: vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; an toàn sinh học; quản lý việc ấp nở, chăn nuôi thủy cầm theo Quyết định 1405/QĐ-TTg ngày 16/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
Tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm phải đảm bảo đúng kỹ thuật (cách tiêm, vị trí tiêm, liều tiêm), đúng thời gian quy định, đủ số mũi tiêm nếu không sẽ gây hậu quả xấu là dịch vẫn xảy ra và tăng nguy cơ biến đổi vi rút.
Các tỉnh miền núi phía Bắc, 4 tỉnh Tây Nguyên nêu trên và các huyện miền núi của 14 tỉnh nêu tại Mục 3.2.2 không thuộc vùng phải bắt buộc tiêm phòng vắc xin chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống dịch tổng hợp như: thực hiện nuôi nhốt đàn gia cầm, thủy cầm; áp dụng các biện pháp an toàn sinh học (nuôi cách ly đàn mới mua về để theo dõi, không nuôi lẫn gia cầm với thủy cầm và với các loại động vật khác, có biện pháp hạn chế sự tiếp xúc của gia cầm với chim hoang dã...); thường xuyên tiêu độc, khử trùng môi trường, chuồng trại, khu vực chăn nuôi; kiểm soát chặt chẽ gia cầm được vận chuyển qua biên giới quốc gia,.. Trường hợp có dịch xảy ra, thực hiện tiêm phòng khẩn cấp bao vây ổ dịch đối với tất cả gia cầm, thuỷ cầm chưa được tiêm phòng và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch khác theo quy định, Ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí chống dịch theo quy định của Chính phủ.
6.2 Trách nhiệm cụ thể:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban quản lý Dự án tiêm phòng vắc xin chịu trách nhiệm Điều hành chung; thành lập các đoàn công tác đi đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện tiêm phòng tại các địa phương trọng điểm và công tác chủ động phòng chống dịch tại một số địa phương. Tổ chức đánh giá công tác tiêm phòng để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm cấp tỉnh, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên cơ sở bản Kế hoạch này, xây dựng Kế hoạch tiêm phòng, Chương trình giám sát sau tiêm phòng năm 2009 của địa phương và đề xuất phương án thực hiện để trình UBND tỉnh phê duyệt (Kế hoạch tiêm phòng của địa phương gửi về Cục Thú y trước ngày 28/2/2009). Chỉ đạo chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, kinh phí, hoá chất, dụng cụ, trang bị bảo hộ phục vụ tiêm phòng. Kết thúc đợt tiêm phòng năm 2008, đồng thời tổ chức hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác tiêm phòng năm 2008 để chuẩn bị cho chiến lược tiêm phòng các năm 2009-2010. Sau khi kết thúc đợt tiêm phòng chịu trách nhiệm thanh quyết toán hoá đơn, chứng từ theo quy định.
Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể của địa phương chuẩn bị đầy đủ lực lượng, kinh phí, vật tư, hóa chất, trang bị bảo hộ cá nhân và hỗ trợ ngành thú y tổ chức tiêm phòng. Chủ động thành lập các đoàn chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc tiêm phòng đặc biệt tại tuyến cơ sở, báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia.
Các Dự án trong và ngoài nước có các hoạt động liên quan đến cung cấp con giống gia cầm, thủy cầm phải nghiêm túc thực hiện việc tiêm phòng vắc xin cho con giống trước khi đưa vào các địa phương.
Người tham gia tiêm phòng, các tổ chức, cá nhân có chăn nuôi gia cầm nghiêm túc thực hiện các quy định về tiêm phòng vắc xin cúm cho đàn gia cầm, thực hiện tiêm đủ liều, đủ lần, đúng kỹ thuật.
6.3 Nhập khẩu, cung ứng và phân phối vắc xin
Cục Thú y chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đấu thầu nhập khẩu vắc xin theo quy định hiện hành của Chính phủ. Bảo đảm có vắc xin trong tháng 3/2009 để tổ chức tiêm phòng.
Các công ty trúng thầu làm việc cụ thể với Cục Thú y để thống nhất số lượng, chủng loại vắc xin cung cấp cho các địa phương trong Dự án, đồng thời chịu trách nhiệm nhập khẩu, vận chuyển, bảo quản theo đúng yêu cầu kỹ thuật và phân phối số lượng vắc xin theo hướng dẫn của Cục Thú y.
Cục Thú y chỉ đạo, giám sát các đơn vị liên quan nhập khẩu, kiểm nghiệm và bảo quản vắc xin theo quy định; phân bổ và Điều chỉnh kế hoạch cấp vắc xin cho từng tỉnh dựa trên kế hoạch tiêm phòng đã được UBND cấp tỉnh phê duyệt; phát hiện và xử lý những vướng mắc, theo dõi tiến độ tiêm phòng báo cáo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm.
6.4 Tập huấn và bảo vệ sức khỏe cho người tham gia tiêm phòng
Chi cục Thú y các tỉnh, thành phố tổ chức tập huấn bổ sung về kỹ thuật tiêm phòng, cách sử dụng, bảo quản vắc xin cũng như trang bị bảo hộ cá nhân như khẩu trang, quần áo bảo hộ, mũ, kính, găng tay, ủng đối với những người tham gia tiêm phòng.
Phối hợp chặt chẽ với y tế địa phương giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp nghi nhiễm hoặc nhiễm vi rút cúm gia cầm ở người tham gia tiêm phòng.
Các đội tiêm phòng phụ trách địa bàn phải trực tiếp tiêm, không giao vắc xin cho chủ trại để tự tiêm phòng, trừ những cơ sở giống gia cầm của Nhà nước, các trang trại chăn nuôi gia cầm có nhân viên thú y đã tham gia các lớp tập huấn tiêm phòng.
6.5 Chuẩn bị dụng cụ tiêm phòng
Các địa phương rà soát lại số lượng bơm tiêm, loại bỏ những bơm tiêm không đạt yêu cầu kỹ thuật, mua sắm bơm tiêm mới chất lượng tốt; bổ sung thùng giữ lạnh nếu thiếu; mua sắm trang bị bảo hộ lao động cho người tiêm phòng và người bắt giữ gia cầm, chuẩn bị dụng cụ, xà phòng, hoá chất sát trùng cho đội tiêm phòng để làm vệ sinh trước khi tiêm đàn gia cầm mới.
6.6 Giám sát sau tiêm phòng
Cục Thú y chủ trì thực hiện và hướng dẫn cụ thể các địa phương, các Dự án quốc tế triển khai chương trình giám sát sau mỗi đợt tiêm phòng nhằm đánh giá công tác tổ chức tiêm phòng tại địa phương, đánh giá sự lưu hành hoặc biến đổi của vi rút cúm.
Các đơn vị có liên quan, tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ được phân công triển khai thực hiện Kế hoạch này để đảm bảo công tác tiêm phòng năm 2009 đạt kết quả tốt nhất./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.