ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 60/2008/QĐ-UBND | Đà Nẵng, ngày 22 tháng 12 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ BIỂN TÊN CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC THUỘC UBND THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG QUẢN LÝ
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế văn hoá công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước;
Căn cứ Thông tư số 05/2008/TT-BNV ngày 07 tháng 8 năm 2008 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về biển tên cơ quan hành chính nhà nước;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ và Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về biển tên cơ quan hành chính nhà nước thuộc UBND thành phố Đà Nẵng quản lý.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VỀ BIỂN TÊN CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC THUỘC UBND THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG QUẢN LÝ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 60/2008/QĐ-UBND ngày 22 tháng 12 năm 2008 của UBND thành phố Đà Nẵng)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
Quy định này quy định về biển tên cơ quan hành chính nhà nước (sau đây gọi tắt là cơ quan) thuộc UBND thành phố Đà Nẵng quản lý, bao gồm:
1. UBND thành phố, quận, huyện, phường, xã;
2. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, có tư cách pháp nhân, có trụ sở riêng;
3. Các chi cục và tương đương thuộc cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn cấp thành phố, có tư cách pháp nhân, có trụ sở riêng;
4. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện, có tư cách pháp nhân, có trụ sở riêng.
Điều 2. Nguyên tắc thực hiện
Việc thực hiện biển tên phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
1. Phù hợp với truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc;
2. Phù hợp với quy định của pháp luật về văn hoá, văn minh công sở và yêu cầu cải cách hành chính;
3. Mỗi cơ quan chỉ được đặt một biển tên tại cổng chính trụ sở.
Điều 3. Mục đích
Việc thực hiện biển tên nhằm các mục đích sau đây:
1. Bảo đảm tính trang nghiêm, thẩm mỹ;
2. Tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân đến liên hệ, làm việc.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Cách thể hiện biển tên cơ quan
Cơ quan phải có biển tên được đặt tại cổng chính trụ sở, trên đó ghi rõ tên gọi đầy đủ bằng tiếng Việt và địa chỉ của cơ quan theo mẫu thống nhất. Cách thể hiện biển tên được quy định như sau:
1. Về tên gọi của cơ quan ghi trên biển tên:
a) Tên gọi của cơ quan ghi trên biển phải chính xác với tên cơ quan quy định tại văn bản của cơ quan có thẩm quyền thành lập và được thể hiện đầy đủ bằng tiếng Việt (chữ in hoa, phông chữ Times New Roman), không được viết tắt.
b) Đối với các cơ quan nếu cần thể hiện tên gọi bằng tiếng Anh thì tên gọi bằng tiếng Anh được thực hiện theo hướng dẫn thống nhất của Bộ Ngoại giao và bố trí ở phía dưới tên gọi bằng tiếng Việt; cỡ chữ tiếng Anh có chiều cao không lớn hơn 2/3 cỡ chữ tiếng Việt thể hiện trên biển tên cơ quan (chữ in hoa, phông chữ Times New Roman).
2. Về địa chỉ, số điện thoại, biểu tượng ngành (logo) của cơ quan:
a) Địa chỉ, số điện thoại của cơ quan được thể hiện trên biển tên cơ quan bằng tiếng Việt (chữ in hoa, phông chữ Times New Roman), có cỡ chữ không lớn hơn 1/3 cỡ chữ của tên cơ quan bằng tiếng Việt.
b) Đối với các cơ quan có biểu tượng ngành (logo) thì biểu tượng ngành (logo) được bố trí trên biển tên cơ quan. Vị trí biểu tượng ngành (logo) được đặt tại vị trí chính giữa và ở phía trên tên gọi cơ quan. Kiểu dáng, màu sắc của biểu tượng ngành (logo) phải phù hợp với biểu tượng (logo) mẫu đã đăng ký theo quy định của pháp luật.
c) Trường hợp trụ sở cơ quan ở sâu, ở xa đường trục chính phải có biển chỉ dẫn.
Điều 5. Nội dung biển tên cơ quan
Nội dung biển tên cơ quan được thể hiện theo thứ tự từ trên xuống dưới đối với các cơ quan như sau:
1. Đối với UBND các cấp:
a) UBND thành phố:
- Tên cơ quan: thể hiện bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
- Địa chỉ cơ quan bao gồm các yếu tố: số nhà, tên đường phố, tên quận, huyện và cách nhau bằng dấu phẩy (,).
b) UBND quận, huyện:
- Tên cơ quan: thể hiện bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
- Địa chỉ cơ quan bao gồm các yếu tố: số nhà, tên đường phố, tên phường, xã và cách nhau bằng dấu phẩy (,).
c) UBND phường, xã:
- Tên cơ quan: thể hiện bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
- Địa chỉ cơ quan bao gồm các yếu tố: số nhà, tên đường phố và cách nhau bằng dấu phẩy (,).
2. Đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố:
a) Tên cơ quan chủ quản (UBND thành phố): thể hiện bằng tiếng Việt, cỡ chữ không lớn hơn 1/2 cỡ chữ của tên cơ quan.
b) Tên cơ quan: thể hiện bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
c) Địa chỉ cơ quan bao gồm các yếu tố: số nhà, tên đường phố, tên quận, huyện và cách nhau bằng dấu phẩy (,).
3. Đối với các cơ quan hành chính trực thuộc cơ quan chuyên môn của thành phố (Chi cục và tương đương):
a) Tên cơ quan chủ quản (cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố quản lý trực tiếp): thể hiện bằng tiếng Việt, cỡ chữ không lớn hơn 1/2 cỡ chữ của tên cơ quan.
b) Tên cơ quan: thể hiện bằng tiếng Việt. Nếu cơ quan có giao dịch với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì có thể thêm phụ đề tiếng Anh; cách thể hiện tên cơ quan bằng tiếng Anh thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Quy định này.
c) Địa chỉ cơ quan bao gồm các yếu tố sau: số nhà, tên đường phố, tên quận, huyện và cách nhau bằng dấu phẩy (,).
4. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện:
a) Tên cơ quan chủ quản (UBND quận, huyện): thể hiện bằng tiếng Việt, cỡ chữ không lớn hơn 1/2 cỡ chữ tên cơ quan.
b) Tên cơ quan: thể hiện bằng tiếng Việt và tiếng Anh (nếu cần).
c) Địa chỉ cơ quan bao gồm các yếu tố: số nhà, tên đường phố, tên phường, xã và cách nhau dấu phẩy (,).
Điều 6. Chất liệu, kích thước, màu sắc và vị trí gắn biển tên cơ quan
1. Biển tên được làm bằng chất liệu bền, chắc, phù hợp với điều kiện môi trường của mỗi địa phương và tổng thể cảnh quan chung của trụ sở cơ quan, bảo đảm tính trang nghiêm của các cơ quan hành chính nhà nước.
2. Kích thước của biển tên được thiết kế hài hoà với kích thước cổng chính cơ quan gắn biển nhưng không nhỏ hơn kích thước sau:
a) Chiều rộng: 450 mm
b) Chiều cao: 350 mm.
3. Màu sắc của biển tên cơ quan:
Nền biển và chữ trên biển tên cơ quan được sử dụng hai màu khác nhau, phải bảo đảm sự tương quan, hài hoà về màu sắc, bền đẹp và rõ. Cụ thể gồm các tổ hợp màu sắc như sau:
a) Biển đồng (màu vàng), chữ màu đỏ cờ
b) Biển inox (màu trắng), chữ màu đỏ cờ
c) Biển bằng chất liệu đá:
- Nền màu ghi, xám, chữ màu đỏ cờ
- Nền màu đỏ, chữ màu vàng hoặc inox (màu trắng).
4. Vị trí gắn biển tên cơ quan:
Biển tên cơ quan được gắn tại cổng chính, phải đảm bảo tính trang nghiêm và phù hợp với kiến trúc của công trình.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố, các quận, huyện, phường, xã và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Quy định này.
Điều 8. Giám đốc Sở Nội vụ có trách nhiệm chủ trì tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện Quy định này, định kỳ hàng năm báo cáo UBND thành phố.
Điều 9. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, phát sinh, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan kịp thời phản ánh về Sở Nội vụ để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.