ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 60/2004/QĐ-UB | Sơn La, ngày 28 tháng 5 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CỦA THANH TRA NHÀ NƯỚC TỈNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số: 136/QĐ-TTg ngày 17/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010;
Căn cứ Quyết định số: 181/2003/QĐ-TTg ngày 04/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành qui chế thực hiện cơ chế “một cửa” tại cơ quan hành chính Nhà nước địa phương;
Xét đề nghị của Thanh tra Nhà nước Tỉnh tại công văn số: 50/CV-TTr ngày 14/5/2004 về việc đề nghị phê duyệt Đề án cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” và đề nghị của Sở Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án cải cách thủ tục hành chính của Thanh tra Nhà nước Tỉnh Thị về qui trình tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
Điều 2. Giao cho Chánh Thanh tra Nhà nước Tỉnh có kế hoạch triển khai đến cán bộ công chức trong cơ quan, đơn vị và giao nhiệm vụ cho các phòng ban, bộ phận tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án này.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Chánh Thanh tra Nhà nước Tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THị |
ĐỀ ÁN
CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH VỀ QUI TRÌNH TIẾP CÔNG DÂN - GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI TỐ CÁO
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 60/2004/QĐ –UB ngày 28 tháng 5 năm 2004 của UBND Tỉnh, Sơn La)
Phần I
MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, CĂN CỨ, CƠ SỞ THỰC HIỆN CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH VỀ TRÌNH TỰ THỦ TỤC TIẾP CÔNG DÂN - GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI TỐ CÁO
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích: Tăng cường tính dân chủ, công khai, đối thoại trực tiếp, phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân khi thực hiện việc khiếu nại tố cáo (sau đây gọi tắt là KNTC); Nâng cao tinh thần trách nhiệm và hiệu quả việc giải quyết KNTC; Nhằm hạn chế phát sinh đơn thư tái khiếu, tái tố, vụ việc nức tạp kéo dài; Bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, công dân, góp phần làm ổn định tình hình chính trị, xã hội ở địa phương.
2. Yêu cầu: Trình tự, thủ tục phải được quy định cụ thể, chi tiết, rõ ràng đúng pháp luật, để giải quyết các vụ việc KNTC được kịp thời, đảm bảo tính chính xác, khách quan, trung thực, có hiệu quả.
II. CĂN CỨ, CƠ SỞ THỰC HIỆN
1. Căn cứ
- Căn cứ Luật Khiếu nại, tố cáo ngày 02/12/1998.
- Căn cứ Pháp lệnh Thanh tra ngày 01/4/1990.
- Căn cứ Nghị định số: 67/1999/NĐ-CP ngày 07/8/1999 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại, tố cáo. Nghị định số: 89/CP ngày 07/8/1997 của Chính phủ về việc ban hành quy chế tổ chức tiếp công dân.
2. Cơ sở
Thực hiện Nghị quyết số: 38/CP ngày 04/5/1994 của Chính phủ về cải cách một bước các thủ tục hành chính; Quyết định số 136/2001/QĐ- TTg ngày 17/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001 - 2010; Quyết định số 181/2003/QĐ-TTg ngày 04/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa.
- Thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính Tỉnh Sơn La giai đoạn 2003 - 2010 (Ban hành kèm theo quyết định số: 187/2003/QĐ-UB ngày 17 tháng 12 năm 2003 của UBND Tỉnh Sơn La)
Khiếu nại, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân. Giải quyết khiếu nại tố cáo là trách nhiệm, là nghĩa vụ của các cơ quan Nhà nước. Bao gồm những nội dung chính như sau:
- Tiếp công dân và phân loại, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo.
- Giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền.
- Thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo.
Phần II
TRÌNH TỰ THỦ TỤC CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT ĐƠN THƯ KHIẾU NẠI TỐ CÁO THUỘC THẨM QUYỀN
I. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, NỘI DUNG TIẾP CÔNG DÂN
1. Công việc tiếp xúc ban đầu
- Phải có thái độ cởi mở, khiêm tốn, lịch sự trong mọi trường hợp. Hướng dẫn công dân trình bày nội dung cần thiết. Nếu công dân có tâm lý căng thẳng, nặng nề thì nhẹ nhàng động viên họ bình tĩnh trình bày sự việc thật chi tiết, cụ thể, có căn cứ.
- Công dân có thái độ không đúng đắn cần phải bình tĩnh, giải thích và yêu cầu họ thực hiện theo qui chế tiếp công dân.
2. Quá trình làm việc
- Phân loại, xác định tính chất, mức độ yêu cầu của công dân về khiếu nại, tố cáo để xem xét, giải quyết.
+ Nếu yêu cầu là khiếu nại thì xử lý theo qui định tại điều 33, nếu là tố cáo thì xử lý theo điều 65 Luật khiếu nại, tố cáo.
+ Nếu yêu cầu có tính cấp bách (thường là tố cáo) xử lý theo điều 43 khoản 2 Nghị định 62/2002/NĐ-CP ngày 14/6/2002 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/1999/NĐ-CP ngày 07/8/1999 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại, tố cáo.
- Giải thích chính sách, pháp luật liên quan đến nội dung mà công dân yêu cầu nếu người đó chưa rõ.
3. Bước kết thúc
- Nếu công dân gửi đơn thì vào sổ tiếp công dân, ghi trích yếu nội dung đơn và viết phiếu nhận đơn gan công dân. Nếu công dân không gửi đơn mà trình bày yêu cầu trực tiếp thì cán bộ tiếp công dân phải lập thành biên bản. Yêu cầu công dân cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung khiếu nại hay tố cáo và ghi giấy biên nhận.
- Nếu công dân chỉ yêu cầu giải thích chính sách, pháp luật thì ghi vào sổ tiếp công dân, việc ghi sổ tiếp công dân phải đầy đủ, rõ ràng giờ, ngày, tháng, năm, nội dung, ký xác nhận.
II . TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI
A. BƯỚC MỘT: TIẾP NHẬN VÀ XỬ LÝ ĐƠN KHIẾU NẠI
1. Tiếp nhận, phân loại, xác định nội dung đơn khiếu nại
- Vào sổ nhận đơn, xác định tính chất, phân loại đơn.
- Tóm tắt nội dung vụ việc khiếu nại, kiểm tra các yếu tố, điều kiện bắt buộc theo qui định tại điều 1 của Nghị định 67/1999/NĐ-CP .
- Hướng dẫn, thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại biết cơ quan có thẩm quyền giải quyết (Chỉ thông báo một lần) trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn.
2. Xử lý đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền
- Tóm tắt nội dung đơn khiếu nại, đánh giá sơ bộ tính chất vụ việc, báo cáo người có thẩm quyền giải quyết.
- Thiết lập ban đầu hồ sơ vụ việc.
B. BƯỚC HAI: CHUẨN BỊ GIẢI QUYẾT ĐƠN KHIẾU NẠI THUỘC THẨM QUYỀN
1. Nghiên cứu sơ bộ vụ việc
- Củng cố, làm rõ nội dung vụ việc thông qua hồ sơ, người khiếu nại.
- Đề xuất, kiến nghị thụ lý hay không thụ lý giải quyết (Thông báo cho người khiếu nại bằng văn bản)
2. Thụ lý vụ việc giải quyết khiếu nại
- Dự thảo quyết định, ban hành quyết định giải quyết.
- Bàn giao hồ sơ ban đầu cho người được giao thụ lý giải quyết vụ việc khiếu nại
3. Xây dựng kế hoạch giải quyết vụ việc khiếu nại
Nêu rõ các công việc phải làm, tiến độ, thời gian thực hiện, dự kiến các tình huống phát sinh, các điều kiện đảm bảo cần thiết khi tiến hành giải quyết vụ việc (Tuỳ theo tính chất, mức độ của từng vụ việc) kế hoạch phải được người ra quyết định thụ lý giải quyết duyệt. Thời gian không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết; đối với vụ việc phức tạp không quá 45 ngày.
4. Tập hợp, nghiên cứu các tài liệu liên quan đến vụ việc
Sưu tầm, tập hợp các văn bản, tài liệu liên quan đến nội dung vụ việc khiếu nại, liên quan đến việc bảo vệ, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại.
C. BƯỚC BA: THẨM TRA, XÁC MINH CHỨNG CỨ, VIẾT BÁO CÁO KẾT QUẢ XÁC MINH GIẢI QUYẾT (ĐÂY LÀ BƯỚC HẾT SỨC QUAN TRỌNG)
1. Làm việc với người khiếu nại, người bị khiếu nại và những người khác có liên quan.
- Khai thác thông tin, yêu cầu cung cấp chứng cứ, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại.
- Xác định những vấn đề, nội dung cần quan tâm để xác minh.
2. Kiểm tra, xác minh đối chiếu, xem xét thực tế
- Chuẩn bị xác định các yếu tố như văn bản, số liệu, hiện vật, địa điểm cần kiểm tra, xác minh.
- Xây dựng kế hoạch tổ chức đi kiểm tra xác minh (Nêu rõ nội dung, phương pháp, điều kiện phương tiện phục vụ cho công tác kiểm tra xác minh)
3. Yêu cầu giám định (nếu cần thiết) để xác định tính đúng đắn, tính trung thực của tài, chứng cứ.
4. Tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người khiếu nại, người bị khiếu nại và những người có liên quan để chứng minh tính đúng đắn, thống nhất, trung thực của tài liệu, chứng cứ.
5. Xác nhận của cơ quan có thẩm quyền (Nếu cần thiết) để làm căn cứ xem xét, đánh giá kết luận.
6. Sử dụng các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ (Nếu cần thiết) như máy ảnh, máy ghi âm, ghi hình...
7. Phân tích, tổng hợp toàn bộ các tài liệu các chứng cứ qua kết quả thẩm tra, xác minh. Đối chiếu với các qui định về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước.
8. Báo cáo kết quả xác minh, giải quyết. Theo nội dung khiếu nại, căn cứ vào kết quả xác minh, kết luận rõ đúng sai, kiến nghị biện pháp giải quyết
D. BƯỚC BỐN: BAN HÀNH QUY ĐỊNH GIẢI QUYẾT, CÔNG BỐ QUYẾT ĐỊNH GIẢI QUYẾT
1. Để đảm bảo vụ việc giải quyết được khách quan, chính xác, đúng luật cần tham khảo, tranh thủ ý kiến của các bên hữu quan, các cơ quan, ngành đoàn thể có liên quan, mở hội nghị tư vấn (Nếu vụ việc phức tạp) trình phương án giải quyết lên cấp có thẩm quyền quyết định.
2. Ban hành quyết định giải quyết bảo đảm về hình thức, nội dung của quyết định như nội dung khiếu nại, kết luận nội dung khiếu nại, tính chất, mức độ đúng, sai, căn cứ pháp luật. Kết quả thẩm tra, xác minh kết luận giải quyết trước đó (Nếu là quyết định giải quyết lần 2).
3. Tuỳ theo tính chất vụ việc khiếu nại có thể tổ chức hay không tổ chức công bố quyết định giải quyết khiếu nại.
Đ. BƯỚC NĂM: THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI VÀ LƯU TRỮ HỒ SƠ VỤ VIỆC
1. Áp dụng các biện pháp cần thiết, phù hợp, kiểm tra đôn đốc để quyết định giải quyết được thực hiện nghiêm túc theo quy định.
2. Thủ trưởng cơ quan bị khiếu nại kịp thời thay thế hay sửa đổi quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính (Nếu khiếu nại đúng hay đúng một phần).
3. Yêu cầu các biện pháp khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp cho người bị thiệt hại theo qui định của pháp luật.
4. Lập phụ lục theo thứ tự, có túi đựng hồ sơ vụ việc và bàn giao đưa vào lưu trữ theo quy định tại điều 47 Luật Khiếu nại, tố cáo.
III. TRÌNH TỰ - THỦ TỤC GIẢI QUYẾT TỐ CÁO
A. BƯỚC MỘT: CHUẨN BỊ THỤ LÝ ĐƠN TỐ CÁO
1. Nghiên cứu đơn và các tài liệu, chứng cứ ban đầu, có thể liên hệ với người tố cáo để tìm hiểu thêm sự việc (Nhưng phải đảm bảo nguyên tắc giữ bí mật cho người tố cáo).
2. Viết tóm tắt nội dung tố cáo, xác định cụ thể từng nội dung tố cáo, họ tên, địa chỉ, chức vụ người bị tố cáo. Phạm vi, tính chất, mức độ về hành vi bị tố cáo và đề xuất những biện pháp giải quyết.
3. Xây dựng kế hoạch giải quyết theo các nội dung:
- Phạm vi sự việc cần làm rõ, các bước tiến hành.
- Các bằng chứng liên quan cần xác minh với ai, ở đâu.
- Thời gian cần thiết để tiến hành.
- Các điều kiện khác như trưng cầu giám định, yêu cầu các cơ quan chức năng khác cử người tham gia.
B. BƯỚC HAI: THỤ LÝ GIẢI QUYẾT ĐƠN TỐ CÁO
1. Thủ trưởng cơ quan thuộc thẩm quyền ra quyết định thụ lý giải quyết đơn tố cáo trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, đây là căn cứ pháp lý để tiến hành công việc giải quyết tố cáo. Thời hạn giải quyết không quá 60 ngày kể từ ngày thụ lý giải quyết, vụ việc phức tạp không quá 90 ngày.
2. Người được giao thụ lý giải quyết tiến hành thẩm tra, xác minh
- Tiếp xúc với người tố cáo, yêu cầu họ cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ (Nếu có) để làm rõ thêm sự việc.
- Làm việc với người bị tố cáo về những nội dung mà người tố cáo nêu ra. Yêu cầu người bị tố cáo giải trình bằng văn bản (Đưa ra những chứng cứ để chứng minh, tự bảo vệ mình). Nếu giải trình không rõ, tài liệu chứng cứ không đảm bảo tính pháp lý thì tạo điều kiện, yêu cầu giải trình lại thật cụ thể.
- Tiến hành thu thập, kiểm tra xác minh thông tin, tài liệu để làm rõ nội dung sự việc, củng cố chứng cứ.
- Kiểm tra lại các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ việc (Đánh giá, xác định mức độ tin cậy của chứng cứ). Đối chiếu với các quy định của chính sách, pháp luật có hiệu lực trong thời gian xảy ra vụ việc. Xác định rõ tính chất, mức độ đúng sai của từng nội dung tố cáo.
C. BƯỚC BA: KẾT LUẬN GIẢI QUYẾT TỐ CÁO, VÀ QUYẾT ĐỊNH XỬ LÝ TỐ CÁO
1. Viết dự thảo kết luận giải quyết đơn tố cáo.
2. Tổ chức thông báo dự thảo kết luận cho người bị tố cáo, những cá nhân tổ chức có liên quan (ghi biên bản).
3. Nếu người bị tố cáo hoặc cá nhân, tổ chức liên quan chưa nhất trí điểm nào, nội. dung nào thì yêu cầu đưa ra tài liệu, chứng cứ để làm rõ và đi đến thống nhất.
4. Hoàn chỉnh kết luận giải quyết tố cáo.
- Kết luận phải rõ ràng, viện dẫn điều luật hoặc chính sách, quy định... đầy đủ chính xác. Phải khách quan, thấu lý đạt tình, văn bản kết luận đảm bảo về hình thức và đầy đủ nội dung (theo nội dung tố cáo)
- Công bố kết luận giải quyết tố cáo.
- Thông báo bằng văn bản cho người tố cáo biết kết quả giải quyết đơn tố cáo (Nếu người tố cáo yêu cầu)
5. Ban hành quyết định giải quyết tố cáo.
- Nếu người bị tố cáo có vi phạm pháp luật, vi phạm các qui định của nhà nước phải xử phạt hành chính hoặc xử lý kỷ luật (Tuỳ mức độ vi phạm).
- Nếu hành vi của người bị tố cáo có dấu hiệu tội phạm thì chuyển hồ sơ vụ việc cho Cư quan điều tra hoặc Viện kiểm sát để giải quyết theo pháp Luật Tố tụng hình sự.
- Nếu người bị tố cáo không vi phạm pháp luật hay các quy định về công vụ thi thông báo bằng văn bản cho người bị tố cáo, cơ quan quản lý người bị tố cáo biết. Đồng thời xử lý hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử lý người cố tình tố cáo sai sự thật.
D. BƯỚC BỐN: XỬ LÝ SAU GIẢI QUYẾT TỐ CÁO
- Tổ chức rút kinh nghiệm, hoàn chỉnh hồ sơ lưu trữ theo quy định.
- Đôn đốc, giám sát việc thực hiện quyết định xử lý tố cáo.
- Giải quyết trả lời những khiếu nại quyết định xử lý tố cáo (nếu có).
Phần III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Giao Chánh Thanh tra Tỉnh tổ chức triển khai thực hiện và chỉ đạo các phòng chuyên môn thực hiện nghiêm túc những quy định về trình tự, thủ tục giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của tổ chức và công dân. Đồng chí Chánh thanh tra Tỉnh trực tiếp phụ trách công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Thực hiện theo quy định tại khoản 1 điều 27, điều 62, khoản 2 điều 7 Luật Khiếu nại tố cáo.
2. Thanh tra Tỉnh cử 1 cán bộ có kinh nghiệm, có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ tham gia thường trực tại Phòng tiếp công dân của HĐND, UBND Tỉnh để tham mưu làm tết công tác tiếp công dân, phân loại xử lý, xác định đúng thẩm quyền giải quyết đơn thư KNTC.
3. Bố trí 1 cán bộ chuyên trách thường trực tiếp công dân tại phòng tiếp công dân của Thanh tra Tỉnh theo đúng quy định tại Nghị định 89/CP. Tăng cường biên chế đối với Phòng thanh tra xét khiếu tố có năng lực, trình độ chuyên môn để kịp thời giải quyết dứt điểm đơn thư KNTC thuộc thẩm quyền và được uỷ quyền.
4. Tăng cường kiểm tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND các Huyện, Thị xã; Giám đốc các Sở, Ngành trong việc thực hiện tổ chức tiếp công dân, giải quyết KNTC thuộc thẩm quyền nhằm nâng cao trách nhiệm việc thực hiện Luật KNTC, giải quyết dứt điểm các khiếu kiện ngay tại cơ sở, hạn chế đơn thư gửi vượt cấp, tình trạng tái khiếu, tái tố.
5. Thanh tra Tỉnh thực hiện tết chức năng tham mưu, làm đầu mối thu thập thông tin. Hàng tháng, quý tổng hợp, đánh giá tình hình KNTC, kết quả tiếp công dân, giải quyết đơn thư KNTC trên địa bàn toàn Tỉnh báo cáo UBND Tỉnh./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.