UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 60/2003/QĐ-UB | Tam Kỳ, ngày 16 tháng 6 năm 2003 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ QUY HOẠCH CHI TIẾT NUÔI TÔM NƯỚC LỢ Ở CÁC HUYỆN, THỊ XÃ VEN BỂN TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2010
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (sửa đổi) ngày 21 tháng 6 năm 1994;
Căn cứ Nghị định 68/2001/NĐ-CP ngày 01/10/2001 của Chính phủ về Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai;
Căn cứ Quyết định số 75/2002/QĐ-UB ngày 19/12/2002 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết nuôi tôm nước lợ ở các huyện, thị xã ven biển tỉnh Quảng Nam đến năm 2010;
Xét đề nghị của Sở Thuỷ sản Quảng Nam tại Tờ trình số 135/TT-KH ngày 05/5/2003 về việc đề nghị ban hành quy định quản lý quy hoạch chi tiết nuôi tôm nước lợ ở các huyện, thị xã ven biển tỉnh Quảng Nam đến năm 2010,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định quản lý quy hoạch chi tiết nuôi tôm nước lợ ở các huyện, thị xã ven biển tỉnh Quảng Nam đến năm 2010.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng HĐND&UBND tỉnh, Giám đốc Sở Thủy sản, Thủ trưởng các Sở, Ban ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và các đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM |
QUY ĐỊNH
QUẢN LÝ QUY HOẠCH CHI TIẾT NUÔI TÔM NƯỚC LỢ Ở CÁC HUYỆN, THỊ XÃ VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 60/2003/QĐ-UB ngày 16/6/2003 của UBND tỉnh Quảng Nam)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quy định này quy định những nội dung quản lý quy hoạch chi tiết nuôi tôm nước lợ ở các huyện, thị xã ven biển tỉnh Quảng Nam đến năm 2010 nhằm mục đích phát triển nuôi tôm hiệu quả, bền vững và theo đúng quy hoạch.
Điều 2. Đối tượng và phạm vi áp dụng :
1. Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nuôi trồng thuỷ sản trong vùng quy hoạch chi tiết nuôi tôm nước lợ trên phạm vi các huyện, thị xã ven biển của tỉnh.
2. Các cơ quan nghiên cứu, quản lý có liên quan.
Chương II
QUY ĐỊNH VỀ VIỆC QUẢN LÝ QUY HOẠCH CHI TIẾT NUÔI TÔM NƯỚC LỢ Ở CÁC HUYỆN, THỊ XÃ VEN BIỂN
Điều 3. Các dự án đầu tư và xây dựng các ao, hồ nuôi tôm, các đối tượng nuôi nước lợ khác và xây dựng kết cấu hạ tầng như : điện, đường giao thông, các hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước phục vụ cho công tác nuôi trồng phải thực hiện theo đúng quy hoạch được duyệt.
Điều 4. Các chủ đầu tư các dự án, các chủ hộ, cơ sở nuôi tôm khi đầu tư xây dựng hoặc nâng cấp ao hồ nuôi tôm phải xin phép cơ quan có thẩm quyền.
Điều 5. Các hoạt động nuôi tôm nước lợ trong vùng quy hoạch phải tuân thủ các quy định về lịch mùa vụ, về phòng chống dịch bệnh cho động vật thuỷ sản, về chất lượng hàng hoá chuyên ngành thuỷ sản, vệ sinh an toàn thực phẩm... do các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước ban hành.
Chương III
TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ TỔ CHỨC, CÁ NHÂN, HỘ GIA ĐÌNH LIÊN QUAN
Điều 6. Trách nhiệm của UBND các cấp : trên cơ sở quy hoạch chi tiết vùng nuôi tôm nước lợ và phương án giao đất, mặt nước nuôi trồng thuỷ sản đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; UBND các cấp có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra việc tuân thủ theo đúng qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất, mặt nước nuôi trồng thủy sản và thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất theo qui định.
1- UBND tỉnh giao, cho thuê và cấp giấy CNQSD đất, mặt nước cho các tổ chức kinh tế trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê đất, mặt nước nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam.
2- UBND huyện, thị xã thuộc tỉnh giao, cho thuê và cấp giấy CNQSD đất, mặt nước nằm trong vùng qui hoạch thuộc phạm vi quản lý của huyện, thị xã cho các hộ gia đình, cá nhân.
3- UBND xã, phường, thị trấn cho thuê đất, mặt nước thuộc quỹ công ích của xã, phường, thị trấn trong vùng qui hoạch từ 2ha trở xuống với thời hạn thuê đất không quá 5 năm.
4- Thẩm quyền chấp thuận về địa điểm, diện tích đất, mặt nước đối với những dự án đầu tư không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước qui định tại Điều 19 Luật Đất đai.
Cơ quan có thẩm quyền chấp thuận về địa điểm, diện tích đất, mặt nước đối với những dự án đầu tư không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để làm căn cứ quyết định giao, cho thuê đất, mặt nước là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao, cho thuê đất, mặt nước nêu tại điểm 1,2,3 Điều này.
5- Việc chứng nhận biến động đất, mặt nước trên giấy CNQSD đất, mặt nước theo qui định:
- Sở Địa chính chứng nhận biến động đối với những trường hợp do UBND tỉnh cấp giấy CNQSD đất, mặt nước.
- Phòng Địa chính chứng nhận biến động đối với những trường hợp do UBND huyện, thị xã cấp giấy CNQSD đất, mặt nước.
- Việc tổ chức đăng ký, xét cấp giấy CNQSD đất, mặt nước nuôi trồng thủy sản được thực hiện theo qui định tại Thông tư số 1990/2001/TT-TCĐC ngày 30/11/2001 của Tổng cục Địa chính về việc hướng dẫn đăng ký đất đai lập hồ sơ địa chính và cấp giấy CNQSD đất.
Điều 7. Trách nhiệm của cơ quan địa chính các cấp.
1- Căn cứ quyết định phê duyệt qui hoạch của UBND tỉnh, cơ quan địa chính có trách nhiệm:
- Niêm yết công khai qui hoạch chi tiết nuôi tôm của địa phương tại cơ quan địa chính cấp tỉnh, cấp huyện và tại trụ sở UBND cấp xã.
- Hướng dẫn việc triển khai thực hiện qui hoạch. Trực tiếp cung cấp thông tin có liên quan đến qui hoạch cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tuyên truyền, phổ biến thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
2- Tham mưu cho UBND cùng cấp về việc điều chỉnh, bổ sung qui hoạch chi tiết nuôi tôm phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của từng thời kỳ.
3- Thanh tra, giám sát việc thực hiện qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất, mặt nước nuôi trồng thủy sản; phát hiện, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm về qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất, mặt nước nuôi trồng thủy sản.
Điều 8. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nuôi trồng thủy sản trong vùng qui hoạch:
1- Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định được nêu tại chương II của qui định này và các qui định khác của Nhà nước ;
2- Cung cấp trung thực và đầy đủ các thông tin về diện tích đất, mặt nước đã và đang sử dụng, diễn biến môi trường, thời gian thả giống, dịch bệnh trong các ao, hồ nuôi tôm của cơ sở mình cho cơ quan chức năng có thẩm quyền khi có yêu cầu và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thu mẫu về môi trường, bệnh phẩm để việc phân tích mẫu và tìm nguyên nhân gây bệnh đạt độ chính xác cao.
3- Phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan nghiên cứu của ngành thủy sản và cơ quan chức năng của địa phương thực hiện việc xử lý sự cố môi trường, khống chế và dập tắt dịch bệnh, đề xuất ý kiến với các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong quá trình thực hiện quy định này.
Chương iv
XỬ LÝ VI PHẠM VÀ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO:
Điều 9. Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình vi phạm qui định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo qui định của pháp luật.
Điều 10. Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có quyền khiếu nại, tố cáo cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong việc thực hiện qui định này. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện theo qui định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Chương v
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 11. Sở Địa chính, Sở Thủy sản, Sở Nông nghiệp & PTNT, Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, UBND các huyện, thị xã ven biển theo trách nhiệm và quyền hạn của mình hướng dẫn thực hiện Qui định này.
Điều 12. Sở Thủy sản là cơ quan đầu mối tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thực hiện qui định này. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vấn đề gì vướng mắc cần bổ sung hoặc sửa đổi, các tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Sở Thủy sản tổng hợp, trao đổi thống nhất với các cơ quan liên quan trình UBND tỉnh xem xét và quyết định.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.