BỘ CÔNG NGHIỆP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 60/1999/QĐ-BCN | Hà Nội, ngày 08 tháng 09 năm 1999 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ YÊU CẦU KỸ THUẬT CHUNG ĐỐI VỚI DÂY CHUYỀN CÔNG NGHỆ LẮP RÁP XE GẮN MÁY HAI BÁNH LOẠI HÌNH IKD
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP
Căn cứ Nghị định số 74/CP ngày 01 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công nghiệp;
Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 631/CP-KTTH ngày 19 thánh 6 năm 1999 về việc: tình hình sản xuất và nhu cầu sử dụng xe gắn máy;
Trên cơ sở ý kiến thống nhất của các Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Thương mại;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Quản lý Công nghệ và Chất lượng sản phẩm và Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về yêu cầu kỹ thuật chung đối với dây chuyền công nghệ lắp ráp xe gắn máy hai bánh loại hình IKD”.
Điều 2. Quy định có hiệu lực từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục quản lý nhà nước chuyên ngành thuộc Bộ và các Doanh nghiệp có dây chuyền lắp ráp xe máy dạng IKD chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
QUY ĐỊNH
VỀ YÊU CẦU KỸ THUẬT CHUNG ĐỐI VỚI DÂY CHUYỀN CÔNG NGHỆ LẮP RÁP XE GẮN MÁY HAI BÁNH LOẠI HÌNH IKD
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 60 /1999/QĐ-BCN, ngày 8 tháng 9 năm 1999 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp)
1. Phạm vi đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, được thành lập theo luật pháp Việt Nam và đề ra các yêu cầu kỹ thuật chung cho dây chuyền công nghệ lắp ráp xe gắn máy hai bánh (sau đây gọi tắt là xe máy) từ các chi tiết, bộ phận nhập khẩu mới và các chi tiết, bộ phận được chế tạo trong nước theo loại hình sản xuất lắp ráp IKD.
Quy định này không áp dụng đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
2. Quy định chung
2.1. Tiêu chuẩn loại hình sản xuất, lắp ráp xe máy trong Quy định này được áp dụng theo Quyết định số 648/1999/QĐ-BKHCNMT ngày 17/4/1999 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
2.2. Phương pháp tính tỉ lệ nội địa hoá cho xe máy được áp dụng thống nhất theo Thông tư liên tịch số 176/1998/TTLT-BTC-BCN-TCHQ ngày 25/12/1998 của Bộ tài chính, Bộ Công nghiêp và Tổng cục Hải quan; Thông tư hướng dẫn đăng ký xác nhận điều kiện áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu theo tỉ lệ nội địa hoá số 01/1999/TT-BCN ngày 12/3/1999 của Bộ Công nghiệp.
3. Các yêu cầu chủ yếu đối với dây chuyền công nghệ lắp ráp xe máy
3.1. Cơ sở phải có quy trình công nghệ lắp ráp và kiểm tra xe máy phù hợp với luận chứng đầu tư được phê duyệt và không trái với Quy định này. Sơ đồ mặt bằng công nghệ của xưởng lắp ráp phải được bố trí hợp lý theo các khu vực: lắp cụm, lắp tổng thành và kiểm tra cuối cùng.
3.2. Các thiết bị, dụng cụ, đồ gá chủ yếu bắt buộc phải đầu tư cho lắp ráp, bao gồm:
- Dây chuyền lắp ráp phù hợp với quy trình công nghệ đã đăng ký,
- Hệ thống cung cấp khí nén, bao gồm máy nén khí, dàn phân phối khí,
- Palăng nâng hạ,
- Súng xiết bulông, đai ốc bằng khí nén,
- Thiết bị cân vành,
- Bàn lắp động cơ,
- Máy vào lốp,
- Xe đẩy chuyên dùng các loại,
- Hệ thống đèn chiếu sáng, quạt chống nóng,
- Các loại gá lắp công nghệ: lắp phuốc, cụm khung, động cơ vào khung, cụm đầu xe, bình xăng, cụm càng trước, lắp tổng thành, kiểm tra,v.v...
- Các trang bị phụ và phục vụ sửa chữa như: êtô, máy mài đá, khoan tay, bàn nguội, máy hàn điện, bộ dụng cụ đồ nghề, các loại giá đỡ, khay đựng dụng cụ, chi tiết,v.v...
Số lượng cụ thể và đặc tính kỹ thuật chính cho từng loại trang thiết bị chủ yếu của dây chuyền lắp ráp phải phù hợp với sản lượng đã được duyệt trong luận chứng đầu tư và do doanh nghiệp tự kê khai theo mẫu Phụ lục 1 kèm theo công văn số 479/BKHCNMT-TĐC ngày 25/02/1999 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
3.3. Thiết bị, dụng cụ chủ yếu được trang bị cho kiểm tra
3.3.1. Cơ sở lắp ráp phải có đầy đủ thiết bị kiểm tra các chỉ tiêu chất lượng xuất xưởng cho loại xe đã đăng ký. Các thiết bị kiểm tra tối thiểu phải được đầu tư để kiểm tra các chỉ tiêu chất lượng sau đây:
- Độ trùng vết bánh xe,
- Hiệu quả phanh,
- Đồng hồ tốc độ,
- Đèn chiếu sáng (cường độ, toạ độ chụm ánh sáng),
- Nồng độ khí thải (CO và HC),
- Độ ồn.
Đối với những cơ sở có sản xuất, lắp ráp động cơ, cụm điện, khung xe, giảm xóc trước và sau, thì bắt buộc phải trang bị các thiết bị chuyên dùng để kiểm tra chất lượng của các cụm chi tiết đó. Ngoài ra phải trang bị đủ dụng cụ kiểm tra cần thiết như cờ lê lực, đồng hồ đo áp suất lốp, panme, thước cặp,v.v...
Danh mục trang thiết bị, dụng cụ cho kiểm tra do doanh nghiệp tự kê khai theo mẫu Phụ lục 2 kèm theo công văn số 479/BKHCNMT-TĐC ngày 25/02/1999.
3.3.2. Phương pháp kiểm tra, đánh giá các chỉ tiêu chất lượng của xe xuất xưởng được áp dụng theo chỉ dẫn của nhà cung cấp thiết bị đo và phải phù hợp với các tiêu chuẩn hiện hành của nhà nước.
3.3.3. Yêu cầu lắp đặt, vận hành thiết bị kiểm tra
Đối với các thiết bị kiểm tra chất lượng xe xuất xưởng được chế tạo trong nước, thì chỉ có các cơ sở được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hành nghề và chứng nhận chất lượng mới được chế tạo và cung cấp thiết bị đo kiểm.
Tất cả các thiết bị đo kiểm phải được lắp đặt bảo đảm độ tin cậy, chính xác, an toàn theo thiết kế và chỉ dẫn của nhà cung cấp.Việc kiểm định và hiệu chuẩn các thiết bị đo phải được thực hiện theo các quy định hiện hành của nhà nước.
3.4. Các quy định khác
3.4.1. Nhà xưởng, kho bãi, văn phòng phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn lao động, vệ sinh môi trường sau đây:
- Có hệ thống thông gió và chiếu sáng phù hợp với các chỉ tiêu vệ sinh công nghiệp và an toàn lao động được quy định trong các Tiêu chuẩn Việt Nam tương ứng (TCVN 3288-79 Hệ thống thông gió, TCVN3743-83 Chiếu sáng, TCVN3985-85 Tiếng ồn, TCVN 5738-93 Hệ thống báo cháy-Yêu cầu kỹ thuật).
- Có biện pháp loại trừ khí thải ra khỏi nhà xưởng.
- Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động như: quần áo, mũ, tủ thuốc y tế, dụng cụ phòng cháy nổ,...
3.4.2. Cơ sở lắp ráp phải có đủ lực lượng cán bộ, công nhân kỹ thuật đáp ứng cho các hoạt động quản lý và các công đoạn lắp ráp, kiểm tra. Khi làm việc, cán bộ công nhân của xưởng phải mặc đồng phục và đeo phù hiệu ghi rõ tên, chức danh.
3.4.3. Các doanh nghiệp lắp ráp xe máy phải thiết lập mạng lưới theo dõi chất lượng sản phẩm và bảo hành xe sau bán hàng.
3.5. Việc đánh giá năng lực công nghệ, yêu cầu kỹ thuật chung đối với dây chuyền lắp ráp xe máy được thực hiện theo phương pháp chuyên gia và theo quy định tại mục 4.2 đưới đây.
4. Điều khoản thi hành
4.1. Doanh nghiệp có đủ các điều kiện nêu tại mục 2 và 3 và đã được lãnh đạo Bộ Công nghiệp chấp thuận về nguyên tắc trước khi có công văn số 631/CP-KTTH ngày 19/6/1999 đều có thể gửi hồ sơ kèm theo công văn đăng ký về Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), Bộ Công nghiệp (Vụ Quản lý Công nghệ và Chất lượng sản phẩm) và Bộ Giao thông vận tải (Cục Đăng kiểm Việt Nam) đề nghị xác nhận năng lực dây chuyền công nghệ lắp ráp xe máy loại hình IKD. Nội dung bộ hồ sơ đăng ký được quy định tại công văn số 479/BKHCNMT-TĐC ngày 25/02/1999.
4.2. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Công nghiệp và Bộ Giao thông vận tải tổ chức kiểm tra và thông báo xác nhận năng lực dây chuyền công nghệ lắp ráp xe máy loại hình IKD cho các doanh nghiệp theo các tiêu chuẩn tại Quy định này.
4.3. Các doanh nghiệp có dây chuyền lắp ráp xe máy loại hình IKD đã được liên Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Công nghiệp và Bộ Giao thông vận tải kiểm tra đánh giá trước khi Quy định này được ban hành đều có trách nhiệm bổ sung hoàn thiện trang thiết bị cho dây chuyền lắp ráp của mình và thực hiện các yêu cầu kỹ thuật phù hợp với Quy định này./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.