UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 591/2012/QĐ-UBND | Hà Giang, ngày 13 tháng 4 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ THEO ĐỒ ÁN QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG KHU KINH TẾ CỬA KHẨU THANH THUỶ, TỈNH HÀ GIANG ĐẾN NĂM 2030
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Quyết định số 125/QĐ-TTg ngày 02/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thuỷ, tỉnh Hà Giang đến năm 2030;
Theo đề nghị của Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thuỷ tại Tờ trình số 10/TTr-BQL ngày 10/4/2012 về việc ban hành Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thuỷ, tỉnh Hà Giang đến năm 2030,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thuỷ tỉnh Hà Giang đến năm 2030.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình và hoạt động xây dựng trong khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thuỷ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
QUẢN LÝ THEO ĐỒ ÁN QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG KHU KINH TẾ CỬA KHẨU THANH THUỶ, TỈNH HÀ GIANG ĐẾN NĂM 2030
Ban hành kèm theo Quyết định số 591/2012/QĐ-UBND ngày 13/4/2012 của UBND tỉnh Hà Giang)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định về quản lý hoạt động xây dựng theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thuỷ tỉnh Hà Giang đến năm 2030.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Các tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng công trình và hoạt động xây dựng trong khu kinh tế cửa khẩu (sau đây viết tắt là KKTCK) Thanh Thuỷ.
Điều 3. Nguyên tắc quản lý
1. Tổ chức, cá nhân thực hiện đầu tư xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa công trình kiến trúc, công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở phải phù hợp với quy hoạch chi tiết đô thị đã được phê duyệt và theo quy định của pháp luật về xây dựng.
2. Công trình xây dựng hiện có phù hợp với quy hoạch đô thị nhưng chưa phù hợp về kiến trúc thì được tồn tại theo hiện trạng; trường hợp cải tạo, nâng cấp, sửa chữa công trình thì phải bảo đảm yêu cầu về kiến trúc theo quy định của pháp luật.
3. Công trình xây dựng hiện có không phù hợp với quy hoạch đô thị thì phải di dời theo kế hoạch, tiến độ thực hiện quy hoạch đô thị. Trong thời gian chưa di dời, nếu chủ công trình có nhu cầu cải tạo, nâng cấp sửa chữa thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, cấp giấy phép xây dựng tạm theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Chương II
QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ XÂY DỰNG THEO ĐỒ ÁN QUY HOẠCH
Điều 4. Quản lý về phát triển không gian đô thị
1. Định hướng phát triển không gian
a) Phát huy bản sắc cảnh quan, kiến trúc truyền thống địa phương, nhấn mạnh yếu tố mặt nước, cảnh quan núi rừng. Hạn chế tối đa san ủi, giữ môi trường thiên nhiên trong khu vực.
b) Kết nối với thành phố Hà Giang trong một tổng thể không gian thống nhất dựa trên hệ thống khung giao thông liên kết chặt chẽ, các khu chức năng bổ trợ lẫn nhau, cùng nhau phát triển.
c) Phát triển các khu vực xây dựng tập trung tại một số điểm có quỹ đất tương đối lớn, có đủ quy mô để hội tụ thành các khu chức năng hoạt động hiệu quả.
2. Các trục không gian chính
a) Phát triển hai trung tâm giao lưu kinh tế tại cửa khẩu Thanh Thuỷ và cửa khẩu Lao Chải.
b) Phát triển các trục không gian chính bao gồm trục hành lang bắc nam là quốc lộ 2, trục hành lang đông tây là quốc lộ 4, các trục liên kết là đường từ khu vực Lao Chải, Xín Chải về thành phố Hà Giang.
3. Quy định về quy mô khu vực cần bảo tồn; các khu vực hạn chế phát triển; khu vực không được phép xây dựng
a) Các khu vực cần bảo vệ: Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Côn Lĩnh, các hành lang hai bên sông, suối đảm bảo hành lang thoát lũ. Đối với các làng bản dân tộc hiện hữu trong khu vực được định hướng gắn với các vùng nguyên liệu, trang trại sinh thái nông lâm nghiệp, hạn chế tối đa tăng mật độ xây dựng. Chỉ phát triển xây dựng các công trình hạ tầng xã hội, công trình phục vụ du lịch. Khuyến khích sử dụng vật liệu xây dựng truyền thống, thân thiện với môi trường.
b) Các khu vực cấm xây dựng bao gồm hành lang hai bên các quốc lộ 2, quốc lộ 4 theo quy định hiện hành (từ chỉ giới đường đỏ sang mỗi bên 20m). Các khu vực đất quân sự, điểm có cao độ phục vụ công tác an ninh quốc phòng.
c) Các khu vực nâng cấp, cải tạo: Các khu vực có kiến trúc, cảnh quan đặc thù như khu vực có nhà sàn truyền thống, có thửa ruộng bậc thang, cảnh rừng núi tự nhiên.
d) Các khu vực hạn chế xây dựng: Các khu cây xanh, đồi núi, mặt nước trong khu vực tập trung xây dựng. Định hướng xây dựng các khu vực này thành các công viên cảnh quan, không gian mở kết hợp du lịch, liên kết với không gian đồi núi cây xanh tự nhiên xung quanh khu vực tập trung xây dựng.
e) Các khu vực triển khai xây dựng mới giáp với khu vực xây dựng hiện hữu cần đảm bảo kết nối hài hoà, chặt chẽ, hỗ trợ cho khu vực hiện trạng về hạ tầng cơ sở. Các khu vực triển khai xây dựng mới cần được tận dụng để xây dựng các khu chức năng hoàn chỉnh có hạ tầng đồng bộ với chất lượng cao.
Điều 5. Quản lý về phát triển hạ tầng xã hội
Các công trình hạ tầng xã hội, đầu tư xây dựng trong KKTCK Thanh Thuỷ phải tuân thủ theo quy hoạch được duyệt. Định hướng đến năm 2030 quy hoạch xây dựng các công trình hạ tầng xã hội:
1. Về Y tế: Xây dựng 01 bệnh viện, 01 trạm y tế khu vực, 01 nhà hộ sinh.
2. Về giáo dục: Xây dựng 03 trường phổ thông trung học, dạy nghề; 07 trường trung học cơ sở; 11 trường phổ thông cơ sở.
3. Về văn hoá: Xây dựng Bảo tàng; triển lãm; nhà văn hoá; Cung thiếu nhi; Trung tâm văn hoá đa năng; Thư viện (trong đó có thể nghiên cứu phương án xây dựng nhà hợp khối).
4. Các khu trung tâm công cộng, dịch vụ thương mại (DVTM): 05 trung tâm bao gồm: Khu trung tâm công cộng; DVTM Thanh Thuỷ; Lao Chải; Phương Tiến; Phương Độ và Phong Quang.
5. Các khu trung tâm hành chính: Cải tạo, nâng cấp 07 trung tâm hành chính hiện hữu, đóng vai trò là trung tâm hành chính, văn hoá, sinh hoạt văn hoá cộng đồng...cho dân cư từng xã. Xây dựng 01 trung tâm hành chính kết hợp trung tâm công cộng cấp tiểu vùng tại xã Phong Quang. Tổng diện tích các khu khoảng 50ha.
6. Các khu du lịch sinh thái (khu trang trại nông nghiệp kết hợp với thôn bản truyền thống): Xây dựng 03 khu du lịch sinh thái gắn với hồ thuỷ điện suối Làng Pinh, suối Sửu, suối Nậm Tha. Diện tích khoảng: 2700ha. Mật độ xây dựng < 5%. Tầng cao trung bình: 1 - 2 T.
7. Các khu công viên cây xanh, TDTT: Xây dựng 05 khu công viên cây xanh cảnh quan kết hợp với du lịch vui chơi, giải trí gồm: Công viên cây xanh suối làng Pinh; Hà Phương; núi Pắc Miều; Phong Quang, núi Đá Đỏ. Diện tích khoảng 527 ha. Mật độ xây dựng dưới 5%. Tầng cao trung bình: 1 - 2 T. Tại các khu trung tâm mỗi xã bố trí 01 trung tâm TDTT gắn với công viên cây xanh, nhà văn hoá khu vực.
Điều 6. Quy định về cung cấp thông tin và cấp chứng chỉ quy hoạch
Ban Quản lý KKTCK Thanh Thuỷ có trách nhiệm cung cấp các thông tin về quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt để nhà đầu tư lập quy hoạch chi tiết xây dựng và thiết kế hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp hoặc các khu chức năng trong khu kinh tế; cấp chứng chỉ quy hoạch xây dựng cho các nhà đầu tư khi có yêu cầu để lập dự án đầu tư xây dựng theo quy định.
Điều 7. Việc cấp giấy phép quy hoạch
1. Những trường hợp phải có giấy phép quy hoạch
a) Điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị để thực hiện dự án đầu tư xây dựng.
b) Dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung, riêng lẻ trong vùng quy hoạch chưa có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, trừ nhà ở riêng lẻ.
2. Giấy phép quy hoạch là cơ sở để chủ đầu tư dự án tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết hoặc lập dự án đầu tư xây dựng; là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án đầu tư xây dựng.
3. Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp giấy phép quy hoạch cho các dự án trong khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thuỷ.
Điều 8. Giấy phép xây dựng công trình
1. Trước khi khởi công xây dựng công trình trong vùng quy hoạch, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng, trừ những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định 12/2009/NĐ-CP. Các công trình xây dựng trong vùng quy hoạch chỉ được cấp phép theo đúng chức năng sử dụng theo định hướng quy hoạch đã được duyệt tại Quyết định số 125/QĐ-TTg .
2. Ban Quản lý khu kinh tế có trách nhiệm xem xét chấp thuận việc đấu nối hạ tầng kỹ thuật của các dự án đầu tư xây dựng trong khu kinh tế.
Điều 9. Quy hoạch giao thông
1. Các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật quy định
Tổng diện tích đất giao thông ≈ 477,5ha, trong đó: Diện tích đất giao thông đối ngoại ≈ 155,8ha, diện tích đất giao thông đô thị ≈ 302,8ha; các chỉ tiêu kỹ thuật của các tuyến: Độ dốc dọc đường lớn nhất: Imax = 4%, bán kính đường cong bằng nhỏ nhất: Rmin = 90m, chiều rộng một làn xe ô tô: 3,5m ÷ 3,75m.
2. Định hướng phát triển: Nâng cấp, cải tạo kết hợp xây dựng mới hệ thống giao thông đối ngoại kết nối đồng bộ với hành lang giao thông biên giới phía bắc, bao gồm:
a) Nâng cấp, cải tạo quốc lộ 4 hiện hữu; giai đoạn đầu giữ nguyên cấp hiện tại, xử lý các đoạn sụt trượt, cải tạo mặt đường đồng thời xây mới hoàn thiện đoạn từ trung tâm xã Lao Chải sang Hoàng Su Phì; giai đoạn dài hạn nâng cấp tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp III, chiều dài tuyến khoảng 30km.
b) Xây mới quốc lộ 4 kéo dài, điểm đầu từ giao cắt giữa quốc lộ 4 hiện trạng với quốc lộ 2 tại Km 309 +600, vượt qua sông Lô, sát sườn núi phía đông sông Lô, vào thung lũng Phong Quang, đi sát sườn núi phía nam kết nối với đường Quang Trung thành phố Hà Giang. Chiều dài tuyến trong khu vực nghiên cứu khoảng 15 km.
c) Xây dựng mới tuyến tránh quốc lộ 2, điểm đầu từ Km 307+950 quốc lộ 2 đi dọc theo sườn núi phía tây sông Lô nối với tuyến tránh quốc lộ 2 (đường đôi cầu Mè - Hà Phương), bề rộng nền đường 18m, có đường gom dân sinh. Chiều dài tuyến trong khu vực nghiên cứu khoảng 14km.
d) Xây dựng tuyến đường chạy dọc theo đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc, quy mô đường cấp V - IV miền núi.
3. Xây dựng hệ thống giao thông trong các khu chức năng chính của khu kinh tế theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt.
4. Tổ chức các nút giao thông cùng mức kết nối liên thông giữa đường bộ đối ngoại với mạng lưới đường chính của khu kinh tế.
5. Xây dựng hệ thống cầu tràn bê tông vượt khe suối, mở rộng khẩu độ thoát lũ của hệ thống cầu, cống, bao gồm:
a) Xây dựng cầu mới qua sông Lô tại các vị trí: Km 299+500 quốc lộ 2, Km 305+700 quốc lộ 2 kết nối quốc lộ 4, khu thung lũng Phong Quang với quốc lộ 2. Nâng cấp, cải tạo: Cầu Thanh Thuỷ, cầu Thanh Sơn, cầu Suối Sửu, cầu Nà Cáp, cầu Phương Độ, cầu Làng Lúp.
b) Xây mới các cầu qua suối tại các khu vực xây mới trong khu vực, khẩu độ cầu phù hợp với các loại mặt cắt đường tương ứng.
6. Xây dựng hệ thống bến xe khách: Xây dựng mới 1 bến xe tại vị trí Km 299+900 quốc lộ 2 gần tuyến đường liên kết quốc lộ 2 với thung lũng Phong Quang, quy mô bến xe khoảng 3 - 4 ha.
7. Xây dựng các bãi đỗ xe: Bố trí các bãi đỗ xe gắn với các chức năng, khu dân cư, khu du lịch sinh thái, quá trình đầu tư xây dựng phân kỳ theo sự hình thành và phát triển của đô thị. Tổng diện tích các bãi đỗ xe trong khu vực khoảng 15ha.
Điều 10. Quy định về chuẩn bị kỹ thuật xây dựng
1. Cao độ xây dựng phải được tính toán, xác định trên cơ sở mực nước ngập lũ thực đo hàng năm và địa hình tự nhiên ở từng khu vực. Cần có kè chắn ổn định và giải pháp trồng cây xanh giữ nước chống xói lở.
2. Hệ thống thoát nước mưa phải được thiết kế cho từng khu vực riêng biệt, từng lưu vực. Tại các khu chức năng mới xây dựng sẽ áp dụng hệ thống thoát nước mưa riêng biệt, tại các khu dân cư mật độ không cao sẽ áp dụng hệ thống thoát chung với nước thải.
3. Phải thường xuyên tiến hành nạo vét mở rộng lòng các khe suối thoát nước mưa, cải tạo mở rộng khẩu độ cầu, cống hiện có, xây dựng mạng lưới đường ống đồng bộ tại các khu chức năng, di dân ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng lũ quét và trượt lở, ổn định nền xây dựng tạo taluy mái dốc và kè bờ chống sạt lở bảo đảm cảnh quan.
Điều 11. Quy định về cấp điện, cấp nước
1. Cấp điện
a) Tiêu chuẩn cấp điện: Tính toán theo chỉ tiêu áp dụng đối với đô thị loại IV. Tổng phụ tải điện dài hạn là 32 MVA.
b) Nguồn cấp điện: Cấp từ lưới điện quốc gia và lưới điện cao áp trong tỉnh thông qua: Trạm biến áp 110KV thành phố Hà Giang và xây mới trạm 110 KV riêng cho khu kinh tế cửa khẩu. Xây dựng mới và nâng công suất các nhà máy thuỷ điện như Thanh Thuỷ Hạ Thành....và các trạm thuỷ điện công suất nhỏ phân tán đủ đáp ứng cho khu vực.
c) Lưới điện hạ thế tại khu vực cửa khẩu trong giai đoạn đầu cải tạo đường dây cũ giai đoạn sau dần thay thế sử dụng cáp ngầm. Các điểm dân cư khác được cấp điện bằng đường dây nổi. Lưới điện chiếu sáng trong khu kinh tế được bố trí đi cùng mạng lưới điện hạ thế.
2. Cấp nước: Hệ thống cấp nước trong khu vực phải đảm bảo định hướng:
a) Tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt áp dụng trong quy hoạch đợt đầu là 100lít/người/ngày đêm, giai đoạn sau là 160lít/ngưòi/ngày đêm.
b) Tổng công suất cấp nước khoảng 9500m3 /ngđ.
c) Nguồn cấp nước: Dự kiến sử dụng nguồn nước mặt từ các suối lớn và các suối nhánh, xây dựng công trình đầu mối cấp nước cho từng khu vực riêng. Riêng khu vực xã Phong Quang được bổ sung từ xã Phương Tiến và Phương Độ.
d) Mạng lưới đường ống được thiết kế bảo đảm an toàn cấp nước cho từng khu vực.
Điều 12. Các quy định về thoát nước thải, vệ sinh môi trường và quản lý nghĩa trang
1. Quy định về xây dựng hệ thống thoát nước thải
Đảm bảo giải quyết được khả năng xử lý tổng lượng nước thải khoảng 9.000m3/ngày đêm. Hệ thống thoát nước thải được thiết kế tuỳ theo từng khu vực đảm bảo bám sát địa hình tự nhiên và hiệu quả vận hành hệ thống.
2. Quy định về thu gom và xử lý chất thải rắn
a) Đảm bảo khả năng xử lý được tổng khối lượng chất thải rắn dự kiến: 99,5 tấn/ngày đêm, trong đó chất thải rắn sinh hoạt: 1,2 kg/người/ngày đêm, chất thải rắn công nghiệp: 0,3 tấn/ha/ngày đêm. Phải đảm bảo:
b) Chất thải rắn được thu gom và phân loại tại nguồn. Chất thải rắn sinh hoạt được chôn lấp tại hai bãi chôn lấp (sau phát triển thành nhà máy xử lý tái sản xuất làm phân bón và các sản phẩm khác) có quy mô mỗi bãi chôn lấp khoảng 2 ha và 24 ha.
c) Chất thải công nghiệp và y tế phải được xử lý theo quy định. Khu xử lý chất thải rắn tập trung của khu kinh tế được bố trí tại khu vực gần trung tâm xã Xín Chải có quy mô khoảng 2 ha xử lý cho xã Xín Chải, Lao Chải, Thanh Đức. Khu xử lý thứ 2 tại xã Phong Quang thu gom và xử lý cho các xã Thanh Thuỷ, Phương Tiến, Phương Độ, Phong Quang, quy mô khoảng 24 ha. Các vùng đều có trạm trung chuyển và thu gom phân loại rác theo tiêu chuẩn.
3. Quy định về xây dựng các nghĩa trang
Chỉnh trang cải tạo các nghĩa trang hiện trạng thành khu công viên nghĩa trang. Xây dựng các nghĩa trang nhân dân riêng cho xã Lao Chải, xã Xín Chải, xã Thanh Đức, quy mô mỗi nghĩa trang khoảng 1 ha. Đối với xã Thanh Thuỷ, Phương Tiến, Phương Độ, Phong Quang có một nghĩa trang tập trung tại xã Phong Quang, quy mô khoảng 10 ha chôn lấp hợp vệ sinh.
Điều 13. Các quy định chủ yếu về kiểm soát và bảo vệ môi trường đô thị đối với hệ sinh thái tự nhiên (sông, hồ, rừng, cây xanh, núi...), địa hình cảnh quan, nguồn nước, không khí, tiếng ồn...
Thực hiện theo báo cáo đánh giá tác động môi trường của đồ án, các giải pháp về kỹ thuật: Xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, sử dụng các vật liệu và công nghệ tiên tiến ít ảnh hưởng đến môi trường như:
a) Rác thải phải được thu gom và tái chế sơ bộ tại nguồn thải có hệ thống thiết bị thu gom tiên tiến sử dụng trong quá trình sản xuất nông lâm nghiệp.
b) Hệ thống cống thoát nước sử dụng ga thoát nước đồng bộ và hệ thống cống thoát nước sử dụng vật liệu tiên tiến cũng như xây dựng trạm bơm, trạm xử lý đảm bảo yêu cầu cách ly cũng như các công nghệ tiên tiến bảo vệ môi trường.
c) Hệ thống cấp điện đi ngầm.
d) Hệ thống thoát nước mưa phân chia lưu vực hợp lý tránh ngập úng, cải tạo hệ thống các suối thoát lũ và sông Lô.
e) Cần phân vùng và phân bố cốt san nền từng khu vực nhằm tạo hệ thống thoát nước hợp lý.
f) Trồng cây xanh cho các khu đô thị và khu đồi núi, khu nghĩa trang cây xanh và các khu vườn dạo công viên cây xanh trong đô thị.
g) Cải tạo chỉnh trang các khu di tích theo kiến trúc truyền thống.
h) Xây dựng các công trình mới có kiến trúc phù hợp với văn hoá bản địa.
i) Trong quá trình xây dựng hình thành dự án cần có biện pháp kỹ thuật tổng thể để nhằm đảm bảo hạn chế thấp nhất gây ô nhiễm môi trường.
Điều 14. Quy định khác
1. Đảm bảo các quy định theo các lô đất cụ thể bao gồm các yếu tố: Mục đích sử dụng, mật độ xây dựng, tầng cao xây dựng, hình thức xây dựng và các hướng dẫn theo mục tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, thiết kế đô thị của đồ án Quy hoạch chung xây dựng KKTCK Thanh Thuỷ, tỉnh Hà Giang đến năm 2030. Chi tiết các chỉ tiêu từng lô đất xem bản đồ định hướng quy hoạch sử dụng đất (KT - 04) của bộ hồ sơ sản phẩm đồ án Quy hoạch chung xây dựng KKTCK Thanh Thuỷ tỉnh Hà Giang đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2. Đảm bảo các quy định về lộ giới, chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng các tuyến đường theo nội dung đồ án Quy hoạch chung xây dựng KKTCK Thanh Thuỷ, tỉnh Hà Giang đến năm 2030: Chi tiết các quy định trên theo từng tuyến đường xem bản đồ định hướng quy hoạch giao thông (KTh - 07) của bộ hồ sơ sản phẩm đồ án Quy hoạch chung xây dựng KKTCK Thanh Thuỷ, tỉnh Hà Giang đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
3. Ngoài những quy định cụ thể nêu trên các quy định khác chưa quy định trong quy định quản lý này thì tuân thủ theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam: QCXD VN 01:2008/BXD ngày 03/4/2008 của Bộ Xây dựng về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15. Phân công trách nhiệm
1. Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thuỷ
a) Tổ chức công bố, công khai đồ án Quy hoạch chung xây dựng KKTCK Thanh Thuỷ, tỉnh Hà Giang đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan biết thực hiện; làm đầu mối phối hợp với các Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông định kỳ hàng năm cập nhật đầy đủ các dự án triển khai theo nội dung của đồ án Quy hoạch chung xây dựng KKTCK Thanh Thuỷ, tỉnh Hà Giang, đến năm 2030 làm cơ sở quản lý, đánh giá tiến độ thực hiện.
b) Quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan... trong phạm vi quy hoạch, chủ trì phối hợp với UBND thành phố Hà Giang, UBND huyện Vị Xuyên, các ngành chức năng kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư xây dựng và các hoạt động xây dựng liên quan đến quy hoạch chung xây dựng KKTCK Thanh Thuỷ, tỉnh Hà Giang đến năm 2030.
c) Quản lý toàn diện các hoạt động quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị đúng đồ án quy hoạch được duyệt và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh Hà Giang về công tác thực hiện theo quy hoạch.
2. Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang
Giúp UBND tỉnh Hà Giang quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan toàn đô thị và một số khu vực có giá trị kiến trúc, cảnh quan đặc biệt theo sự phân công của UBND tỉnh Hà Giang.
Điều 16.
Ban Quản lý khu kinh tế của khẩu Thanh Thuỷ căn cứ Quy định về quản lý hoạt động xây dựng theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thuỷ tỉnh Hà Giang đến năm 2030, quản lý toàn bộ các hoạt động quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị đúng đồ án quy hoạch được duyệt và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh Hà Giang về công tác thực hiện theo quy hoạch.
Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có những vấn đề khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Sở Xây dựng, Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thuỷ để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung kịp thời cho phù hợp./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.