BỘ Y TẾ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 589-BYT/QĐ | Hà Nội, ngày 23 tháng 7 năm 1994 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ SỐ 589-BYT/QĐ NGÀY 23 THÁNG 7 NĂM 1994 VỀ VIỆC QUY ĐỊNH NHIỆM VỤ CÁC VỤ, VĂN PHÒNG VÀ THANH TRA BỘ Y TẾ
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
- Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay quy định nhiệm vụ của các Vụ, Văn phòng và Ban Thanh tra Bộ Y tế (có bản quy định kèm theo).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các Quyết định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Các ông: Chánh Văn phòng, Vụ trưởng và Chánh Thanh tra Bộ Y tế chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Nguyễn Trọng Nhân (Đã ký) |
BẢN QUY ĐỊNH NHIỆM VỤ CÁC CÁC VỤ, VĂN PHÒNG VÀ THANH TRA BỘ Y TẾ
(Ban thành theo Quyết định của Bộ Y tế số 589/BYT-QĐ ngày 23-7-1994)
1. Văn phòng:
1.1. Phục vụ công tác điều hành của lãnh đạo Bộ: thu thập, tổng hợp các thông tin về những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; nghiên cứu đề xuất với lãnh đạo Bộ để vận dụng và thực hiện vào công tác của ngành; phục vụ công tác điều hành của lãnh đạo Bộ; đề xuất xin ý kiến quyết định của Bộ, Thứ trưởng về những công việc đột xuất chưa phân rõ thuộc nhiệm vụ của Vụ nào hoặc việc đó liên quan đến nhiều Vụ. Tổ chức công tác phòng chống lụt bão, thiên tai và làm thường trực Ban chỉ huy phòng chống bão lụt của Bộ.
1.2. Hướng dẫn và thẩm tra về mặt pháp lý các văn bản pháp quy trước khi trình Bộ ký ban hành, hoặc trình Nhà nước ban hành. Hệ thống hoá các văn bản pháp quy của Bộ và hướng dẫn các đơn vị trực thuộc Bộ, địa phương thực hiện. Lập kế hoạch, tổ chức xây dựng và tổng hợp dự án luật, pháp lệnh và văn bản pháp quy trình Chính phủ ban hành. Tuyên truyền giáo dục pháp luật trong toàn ngành. Tham gia thanh tra, kiểm tra, tổng hợp, đánh giá tình hình chấp hành luật pháp trong toàn ngành. Làm đầu mối trong việc tham gia góp ý các văn bản pháp luật của Nhà nước, các Bộ, ngành gửi đến xin ý kiến. Quản lý việc sử dụng dấu của các đơn vị trực thuộc Bộ.
1.3. Hướng dẫn và tổng hợp công tác tuyên truyền, thi đua trong toàn ngành, xây dựng quy trình làm việc và tiến hành các thủ tục đề nghị Bộ hoặc Nhà nước xét danh hiệu thi đua, danh hiệu thầy thuốc, danh hiệu Nhà giáo, huy chương vì sự nghiệp bảo vệ sức khoẻ nhân dân và các loại huân chương, huy chương khác. Riêng việc xét các huân huy chương Kháng chiến Độc lập... do Vụ Tổ chức cán bộ làm.
1.4. Quản lý công tác hành chính, văn thư, lưu trữ, thông tin liên lạc, đánh máy, in ấn, sao chụp công văn tài liệu của toàn cơ quan Bộ. Thực hiện việc tiếp khách và hiếu, hỷ theo quy định. Chịu trách nhiệm về công việc khánh tiết trong các ngày lễ, ngày tết, các ngày kỷ niệm, hội nghị và các công việc đột xuất khác liên quan đến hành chính, văn thư lưu trữ.
1.5. Cung ứng và quản lý các trang bị phương tiện để đảm bảo điều kiện làm việc, tổ chức công tác dịch vụ cho các hoạt động của toàn cơ quan (điện, nước, ánh sáng, vệ sinh, trang thiết bị, xăng, xe, phương tiện đi lại, chăm sóc sức khoẻ cho CBNV cơ quan Bộ và các công việc đột xuất khác liên quan đến quản trị.
1.6. Thực hiện công tác tài chính kế toán (bao gồm cả ngoại tệ) trong cơ quan Bộ. Quản lý vật tư tài sản của cơ quan do kinh phí Nhà nước cấp và viện trợ quốc tế.
1.7. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch lao động công ích xây dựng nội quy và tổ chức phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ cơ quan, tổ chức khám tuyển nghĩa vụ quân sự và huấn luyện tự vệ cơ quan.
1.8. Làm đầu mối tổng hợp tình hình và đánh giá hành nghề y, dược tư nhân trong cả nước.
2. Vụ Tổ chức cán bộ:
2.1. Xây dựng phương án và quy hoạch tổ chức bộ máy cho toàn ngành. Xây dựng các loại hình tổ chức trong toàn ngành cho phù hợp với từng địa phương và từng giai đoạn. Xem xét để trình Bộ phê duyệt điều lệ tổ chức hoạt động của các đơn vị trong ngành.
2.2. Xây dựng hoặc đề nghị sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn phân loại, phân hạng, việc thành lập, giải thể, thay đổi các tổ chức của ngành.
2.3. Xây dựng hoặc đề nghị sửa đổi, bổ sung chức danh tiêu chuẩn nghiệp vụ công chức, viên chức ngành Y tế, cũng như hướng dẫn ứng dụng chức danh và tiêu chuẩn nghiệp vụ công chức, viên chức ngành Y tế vào bộ máy trong toàn ngành. Nghiên cứu xây dựng chức năng nhiệm vụ cho các tổ chức mới thành lập.
2.4. Hướng dẫn các cơ sở lập quy hoạch cán bộ, tổng hợp quy hoạch cán bộ để trình lãnh đạo Bộ và Ban cán sự. Theo dõi việc thực hiện quy hoạch này. Phân cấp quản lý cán bộ theo hướng dẫn cấp trên.
2.5. Tổng hợp, cân đối và đề xuất với lãnh đạo Bộ, Nhà nước các chính sách chế độ đối với cán bộ y tế cơ sở đến trung ương.
2.6. Tham gia xây dựng thang bảng lương, các hình thức trả lương, chế độ nâng bậc lương, chuyển ngạch công chức, viên chức trong ngành Y tế, các chế độ phụ cấp quanh lương, đồng thời kiểm tra việc thực hiện ở các cơ sở.
2.7. Thống kê theo dõi chung số lượng công chức, viên chức ngành Y tế, tham gia lập kế hoạch bổ sung, đào tạo cho phù hợp với yêu cầu.
2.8. Thực hiện việc tiếp nhận, điều động cán bộ theo nhu cầu, kế hoạch và đối tượng được phân cấp. Xây dựng kế hoạch cán bộ hàng năm. Theo dõi số lượng và diễn biến hàng năm của đội ngũ cán bộ y tế trong toàn ngành và diễn biến hàng năm của đội ngũ cán bộ y tế trong toàn ngành. Quản lý hồ sơ cán bộ theo đúng hướng dẫn của Nhà nước (phối hợp với bộ phận Thống kê tin học).
2.9. Cùng với các Vụ chức năng xây dựng kế hoạch đào tạo, bổ túc cán bộ y tế dài hạn, ngắn hạn ở trong và ngoài nước. Làm các thủ tục cho cán bộ đi học, học tập, tham quan nước ngoài. Làm đầu mối tổng hợp các báo cáo văn bản của cán bộ đi họp, học tập, công tác ở nước ngoài.
2.10. Tham gia đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ tổ chức và quản lý của ngành y tế.
Định kỳ sơ kết và tổng kết công tác tổ chức cán bộ trong toàn ngành.
2.11. Theo dõi và hướng dẫn thực hiện công tác bảo vệ chính trị nội bộ và an toàn kinh tế, xây dựng cơ quan an toàn và phối hợp với cấp uỷ địa phương trong công tác quản lý cán bộ, xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể quần chúng ở các đơn vị trực thuộc Bộ đóng tại địa phương theo quy định của Trung ương.
2.12. Thực hiện việc khen thưởng đối với cán bộ thuộc diện chính sách được thưởng huân chương, huy chương, Kháng chiến, Độc lập v.v... Thu thập tài liệu, lập hồ sơ, chuẩn bị các thủ tục theo quy định để trình lãnh đạo Bộ xét kỷ luật những cán bộ vi phạm pháp luật. Trong quá trình chuẩn bị thủ tục cần tham khảo ý kiến các Vụ có liên quan và phòng Pháp chế Văn phòng Bộ.
2.13. Phối hợp với các Vụ liên quan để quản lý tổ chức Y tế ngành.
2.14. Phụ trách công tác quản lý cán bộ ở cơ quan Bộ.
3. Vụ Khoa học Đào tạo:
3.1. Đầu mối tổ chức xây dựng dự báo phương hướng chiến lược, các dự án kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn về phát triển khoa học chuyên ngành và đào tạo, đào tạo liên tục chuyên môn kỹ thuật y dược, y học cộng đồng, nghiệp vụ quản lý, ngoại ngữ cho cán bộ nhân viên trong ngành y tế.
3.2. Tổ chức xét duyệt hoặc đề nghị xét duyệt đề tài cấp Bộ và Nhà nước, thực hiện đăng ký các đề tài công nghệ và theo dõi tiến độ triển khai, tổ chức kiểm tra, đánh giá hiệu quả việc triển khai kế hoạch khoa học công nghệ ở các đơn vị trực thuộc Bộ.
3.3. Phối hợp các Vụ có liên quan để tổ chức xây dựng tiêu chuẩn ngành, quản lý các tiêu chuẩn đã ban hành, phổ biến, hướng dẫn và theo dõi việc áp dụng tiêu chuẩn ở các cấp.
Làm đầu mối tổng hợp, hướng dẫn về công tác tiêu chuẩn đo lường, kiểm tra chất lượng sản phẩm chuyên ngành Y, Dược.
3.4. Tổng hợp đánh giá sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, phát minh sáng chế và hoạt động sở hữu công nghiệp trong toàn ngành.
Đề xuất các mức khen thưởng cho các tác giả có sáng kiến, sáng chế.
3.5. Tổng hợp, theo dõi đánh giá việc thực hiện kế hoạch hợp tác khoa học công nghệ với nước ngoài. Kiến nghị với Bộ trưởng điều chỉnh hoặc bổ sung các nội dung và hình thức hợp tác cho phù hợp với tình hình thực tế và khả năng thực hiện trong kỳ kế hoạch.
3.6. Quản lý công tác thông tin KH-CN, giáo dục sức khoẻ, xuất bản các loại sách, báo, tạp chí trong ngành.
3.7. Tổ chức thực hiện chính sách phát triển KH-CN, chế độ quản lý KH-CN của Nhà nước và các quy định của Bộ về hoạt động KH-CN chuyên ngành trong phạm vi ngành.
3.8. Làm thường trực cho các hội đồng:
- Hội đồng khoa học kỹ thuật Bộ.
- Hội đồng xét duyệt sáng kiến, sáng chế.
- Các Hội đồng kiểm tra và đánh giá việc thực hiện kế hoạch KH-CN.
3.9. Xây dựng và đề xuất mô hình đào tạo, mạng lưới đào tạo, danh mục trang thiết bị cho các trường đại học, cao đẳng, trung học y tế và tham gia xây dựng tiêu chuẩn định mức sử dụng, bảo quản các trang thiết bị, phương tiện dạy học của các trường.
3.10. Phối hợp với các Vụ có liên quan để xác định nhu cầu đào tạo, danh mục cán bộ y dược, xây dựng mục tiêu, nội dung chương trình và phương thức đào tạo, đào tạo liên tục cho từng đối tượng trong ngành.
3.11. Hướng dẫn thực hiện quy chế của Bộ Giáo dục - Đào tạo trong công tác đào tạo, đào tạo liên tục cán bộ y dược, nghiên cứu đề nghị sửa đổi, bổ sung Quy chế đào tạo cho phù hợp với ngành.
3.12. Tham gia xây dựng tiêu chuẩn cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu đồng thời quy hoạch đội ngũ giáo viên, nghiên cứu viên trong toàn ngành.
3.13. Tham gia tuyển chọn và hướng dẫn quy chế học tập, nghiên cứu cho cán bộ Y dược, sinh viên, học sinh nước ngoài vào học tập, nghiên cứu và tham gia hội thảo ở nước ta.
3.14. Xây dựng hoặc đề nghị sửa đổi, bổ sung Quy chế về thủ tục đăng ký nội dung chương trình, phương pháp tổ chức các lớp học, hội thảo khoa học y tế, đồng thời hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện.
3.15. Hướng dẫn và tổ chức việc biên soạn và ban hành sách giáo khoa, tài liệu tham khảo cho các đối tượng đào tạo trong ngành y tế theo quy định của Nhà nước.
3.16. Thanh tra, kiểm tra giám sát và đánh giá công tác đào tạo, quản lý học sinh, sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng, trung học y, dược.
3.17. Thực hiện nhiệm vụ thường trực của Uỷ ban 10 - 80.
4. Vụ Hợp tác quốc tế:
4.1. Xây dựng phương hướng, kế hoạch khai thác liên doanh liên kết, kế hoạch đoàn ra, đoàn vào và khả năng hợp tác khoa học kỹ thuật về y dược và trang thiết bị y tế đối với các nước và các tổ chức quốc tế. Chịu trách nhiệm theo dõi và đôn đốc việc thực hiện kế hoạch đó.
4.2. Khai thác viện trợ, trao đổi tài liệu thông tin khoa học kỹ thuật, sách báo y học, thuốc men, hoá chất, vật phẩm v.v... làm đầu mối cho việc liên doanh liên kết về lĩnh vực y tế. Xây dựng hoặc đề nghị sửa đổi, bổ sung cá quy chế về hợp tác quốc tế.
4.3. Hướng dẫn việc thực hiện các quy định của Nhà nước và các quy chế của Bộ về hợp tác quốc tế. Xây dựng quy trình, nguyên tắc thủ tục của đoàn ra, đoàn vào theo đúng nghi thức ngoại giao. Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nguyên tắc, quy chế trên.
4.4. Chuẩn bị các văn bản, công hàm, hiệp định để lãnh đạo Bộ trao đổi, tiếp xúc, thông tháo kiến nghị và ký kết với các nước và các tổ chức trên thế giới trong lĩnh vực Y tế. Tổ chức việc ký kết các hiệp định, kiểm tra đôn đốc, tổng hợp và đánh giá hiệu quả việc thực hiện các hiệp định đó.
4.5. Tiến hành các thủ tục của công tác lễ tân, bảo đảm thủ tục cho các đoàn ra, đoàn vào theo đúng quy định.
4.6. Quản lý người nước ngoài đến làm việc, học tập, nghiên cứu, chữa bệnh tại Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế. Nắm tình hình và đề xuất cách giải quyết đối với tất cả cán bộ công nhân viên trong ngành đi học tập, trao đổi, nghiên cứu ở nước ngoài đối với mói tình huống xảy ra từ khi xuất cảnh cho đến khi hết nhiệm vụ về nước.
4.7. Biên dịch nhanh một số thông tin y học thế giới quan trọng, cấp thiết để báo cáo lãnh đạo Bộ. Bảo đảm việc phiên dịch cho các đồng chí lãnh đạo Bộ khi làm việc với các đoàn Quốc tế theo kế hoạch của Vụ.
4.8. Phối hợp với Vụ kế hoạch - tài chính kế toán để điều phối các chương trình viện trợ quốc tế cho ngành y tế, theo dõi quá trình tổ chức thực hiện và đánh giá hiệu quả của viện trợ quốc tế.
5. Vụ kế hoạch - tài chính kế toán:
5.1. Xây dựng quy hoạch phát triển ngành trong cả nước. Hướng dẫn địa phương xây dựng quy hoạch ngành ở địa phương. Tổ chức hướng dẫn thực hiện quy hoạch phát triển ngành.
5.2. Hướng dẫn các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch theo trình tự quy định. Tổng hợp cân đối mọi nguồn lực trong và ngoài nước. Tổng hợp cân đối và điều tiết các dự án kế hoạch của các đơn vị trực thuộc Bộ, các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và y tế ngành để xây dựng kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm của ngành bao gồm các mặt kế hoạch phát triển hoạt động bảo vệ sức khoẻ, kế hoạch màng lưới, kế hoạch lao động, kế hoạch khoa học công nghệ và đào tạo cán bộ trong và ngoài nước, kế hoạch sản xuất phối hợp kinh doanh, kế hoạch thuốc và trang thiết bị y tế, kế hoạch ngân sách và kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản, kế hoạch hợp tác và viện trợ quốc tế v.v... kế hoạch theo vùng kinh tế - xã hội, kế hoạch động viên thời chiến, kế hoạch theo các nhiệm vụ trọng tâm.
5.3. Tổ chức bảo vệ kế hoạch, thay mặt Bộ giao chỉ tiêu kế hoạch cho các đơn vị địa phương sau khi được Bộ hoặc Nhà nước duyệt tổ chức hướng dẫn đôn đốc kiểm tra đánh giá việc thực hiện kế hoạch toàn ngành. Kịp thời phát hiện các mất cân đối để trình Bộ và Nhà nước điều chỉnh. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
5.4. Hướng dẫn thống nhất việc thực hiện các chế độ phương pháp kế hoạch hoá do Nhà nước ban hành. Xây dựng các chế độ nghiệp vụ công tác kế hoạch của ngành y tế.
5.5. Xây dựng kế hoạch thu chi, kế hoạch phân phối các nguồn ngân sách trong toàn ngành và riêng cho các đơn vị trực thuộc, các chương trình y tế quốc gia. Hướng dẫn các đơn vị trực thuộc Bộ xây dựng kế hoạch thu chi ngân sách.
5.6. Tổng hợp, phân tích đánh giá hoạt động kinh tế trong ngành, đề xuất những phương án và biện pháp có hiệu quả nhằm từng bước đổi mới cơ chế quản lý tài chính trong ngành và xây dựng cơ chế hoạt động hạch toán kinh tế ứng dụng vào các đơn vị trực thuộc Bộ. Quản lý chỉ đạo công tác bảo hiểm y tế về lĩnh vực kinh tế.
5.7. Tổng hợp quy hoạch và kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản, xây dựng kế hoạch nâng cấp các công trình y tế (cả xây dựng mới và sửa chữa) cho các cơ sở trực thuộc Bộ. Phối hợp với Uỷ ban khoa học Nhà nước, Bộ Tài chính xây dựng và tổng hợp kế hoạch ngân sách xây dựng cơ bản các cơ sở trực thuộc Bộ và nâng cấp các công trình y tế trong toàn ngành.
5.8. Căn cứ mục tiêu phát triển của ngành và mục đích tôn chỉ của tổ chức viện trợ để nghiên cứu xây dựng chiến lược, kế hoạch dài hạn và kế hoạch hàng năm về công tác hợp tác và viện trợ quốc tế trong toàn ngành.
Tổng hợp các nguồn viện trợ để đưa vào cân đối nguồn lực chung của toàn ngành.
Đề xuất và soạn thảo trình lãnh đạo Bộ ban hành các văn bản quy định liên quan tới công tác quản lý viện trợ trong toàn ngành.
5.9. Theo dõi quản lý viện trợ quốc tế trong toàn ngành cụ thể:
- Trình lãnh đạo Bộ, các cơ quan liên quan và Chính phủ duyệt các dự án viện trợ.
- Hướng dẫn cơ sở xây dựng tài liệu dự án.
- Tổ chức xét duyệt các dự án liên doanh với nước ngoài trong lĩnh vực y tế (Bệnh viện, xí nghiệp, công ty liên doanh).
- Theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện dự án viện trợ trên kế hoạch đã được thoả thuận.
- Hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện các thủ tục tiếp nhận hàng, tiền viện trợ và thanh toán trị giá viện trợ vào ngân sách qua hệ thống tài chính kế toán theo quy định của Nhà nước.
- Tổng hợp kế hoạch phân phối các mặt hàng viện trợ do Bộ quản lý.
5.10. Cung cấp và báo cáo các số liệu về tình hình tiếp nhận và quản lý viện trợ quốc tế của ngành.
5.11. Xây dựng các phương án, kế hoạch động viên quân sự thời chiến. Xây dựng kế hoạch và nội dung huấn luyện quân sự cho các đơn vị tự vệ cơ quan - xí nghiệp trực thuộc Bộ. Tổ chức và theo dõi thực hiện luật nghĩa vụ quân sự trong ngành. Quản lý đội ngũ sĩ quan và quân dự bị trong các đơn vị trực thuộc Bộ. Thường trực cho Ban Chủ nhiệm chương trình số 12.
5.12. Tổ chức thực hiện hoạt động thống kê tin học trong toàn ngành. Ban hành và quản lý thống nhất các biểu mẫu, phương pháp thống kê và các chỉ tiêu thống kê y tế cùng quy trình, quy chế cung cấp và sử dụng các số liệu thống kê y tế.
- Tổng hợp, phân tích số liệu thống kê y tế định kỳ hàng năm, 5 năm và là đầu mối duy nhất cung cấp số liệu để Bộ trưởng công bố trong và ngoài nước. Kiểm tra, đánh giá và thông báo bằng số liệu việc thực hiện kế hoạch y tế hàng năm của toàn ngành.
- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thống kê và tin học trong toàn ngành, nghiên cứu ứng dụng và xây dựng các bộ chương trình phần mềm tin học hoá trong quản lý ngành.
- Tổ chức các cuộc điều tra đánh giá tình hình sức khoẻ và môi trường cũng như điều tra đánh giá hiệu quả của chương trình viện trợ quốc tế và chương trình quốc gia về y tế.
5.13. Xét duyệt dự toán và quyết toán của các đơn vị trực thuộc và các chương trình y tế quốc gia; quản lý điều động, cấp phát kiểm tra việc sử dụng các loại vốn của đơn vị trực thuộc (kể cả ngoại tệ). Tổng hợp quyết toán ngân sách toàn ngành.
5.14. Xây dựng và đề xuất bổ sung các chế độ định mức chi tiêu tài chính, chế độ quản lý, sử dụng tài sản vật tư, chế độ thể lệ về tổ chức kế toán, về biểu mẫu sổ sách chứng từ, báo biểu... thống nhất toàn ngành. Tổ chức hướng dẫn và thông báo các chế độ, thể lệ về tài chính và kiểm tra việc thực hiện đối với các đơn vị do Bộ trực tiếp đầu tư kinh phí.
5.16. Xây dựng hoặc đề nghị sửa đổi, bổ sung các loại giá, phí và lệ phí.
5.17. Điều hoà vốn cố định, vốn lưu động. Điều động các vật tư tài sản giữa các đơn vị trực thuộc Bộ.Hướng dẫn các đơn vị thực hiện và kiểm tra việc kiểm kê, thanh sử lý tài sản, giải quyết vật tư tồn kho và vốn ứ đọng của các đơn vị trực thuộc Bộ.
6. Vụ điều trị:
6.1. Xây dựng phương hướng kế hoạch phòng bệnh, chữa bệnh, điều dưỡng, phục hồi chức năng và phương hướng phát triển khoa học kỹ thuật trong các cơ sở khám chữa bệnh, điều dưỡng và phục hồi chức năng.
6.2. Xây dựng quy chế phân cấp chuyên môn kỹ thuật trong điều trị và xây dựng cơ cấu giường bệnh cho các chuyên khoa trong mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh.
6.3. Xây dựng quy chế phân cấp chuyên môn kỹ thuật, phác đồ điều trị, chăm sóc bệnh nhân cho các chuyên khoa; theo dõi chỉ đạo công tác y tá điều dưỡng của toàn ngành.
6.4. Nghiên cứu, xây dựng hoặc đề nghị sửa đổi, bổ sung các nguyên tắc, tiêu chuẩn chuyên môn kỹ thuật nghiệp vụ cho các tổ chức và cán bộ làm công tác bảo vệ sức khoẻ cho cán bộ trung, cao cấp và khám chữa bệnh cho người nước ngoài tại Việt Nam.
6.5. Xây dựng hoặc đề nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật hành nghề y tư nhân; quản lý hành nghề y tư nhân trong cả nước kể cả các cơ sở khám, chữa bệnh có vốn đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam.
6.6. Quản lý mạng lưới khám bệnh và chữa bệnh trong cả nước, giám định y khoa, giám định pháp y và pháp y tâm thần; xây dựng hoặc đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy chế về chuyên môn kỹ thuật y tế và điều lệ công tác bệnh viện.
6.7. Phân tích đánh giá diễn biến mô hình bệnh tật, xây dựng quy trình và phương pháp quản lý sức khoẻ cho các đối tượng kể cả người nước ngoài tại Việt Nam.
6.8. Nghiên cứu đề xuất nhu cầu về thuốc, trang thiết bị y tế, xây dựng tiêu chuẩn định mức sử dụng thuốc, trang thiết bị cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh,điều dưỡng và phục hồi chức năng.
6.9. Quản lý, chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện công tác bảo hiểm y tế trong cả nước.
6.10. Kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn, tổng hợp và phân tích đánh giá các mặt hoạt động chuyên môn kỹ thuật của hệ thống khám, chữa bệnh điều dưỡng, phục hồi chức năng.
6.11. Xây dựng quy trình và phương pháp về việc thực hiện công tác phòng chống dịch, bảo vệ sức khoẻ tại nơi làm việc và nhà ở cho các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, phục vụ y tế cho các hội nghị quan trọng của Đảng và Nhà nước.
7. Vụ Vệ sinh phòng dịch.
7.1. Xây dựng phương hướng, phương án kế hoạch về công tác vệ sinh công cộng, vệ sinh lao động, vệ sinh xây dựng, vệ sinh học đường, vệ sinh thực phẩm v.v... và về phòng chống ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch, bệnh. Phòng chống bệnh nghề nghiệp. Tham gia phòng chống chiến tranh vi sinh vật, chiến tranh hoá học.
7.2. Xây dựng hoặc đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy chế, các quy định chuyên môn nghiệp vụ về vệ sinh và phòng chống dịch, bệnh, các bệnh do vi sinh vật, ký sinh trùng. Hướng dẫn các đơn vị, các địa phương tổ chức thực hiện.
7.3. Xây dựng hoặc đề nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về vệ sinh, tiêu chuẩn vệ sinh.
7.4. Xây dựng tiêu chuẩn, chế độ kiểm tra việc sản xuất các loại vác xin và chế phẩm sinh vật, nhu cầu xuất, nhập khẩu và phân phối các loại vác xin phòng chống dịch bệnh.
7.5. Xây dựng phương hướng các nội dung tuyên truyền giáo dục vệ sinh, phòng chống dịch bệnh cho nhân dân. Xây dựng danh mục, quy định các nghề không được sử dụng hoặc sử dụng hạn chế một số đối tượng lao động.
7.6. Quản lý tình hình dịch trong cả nước, thông báo dịch trong cả nước và quốc tế. Hướng dẫn chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, xây dựng tiêu chuẩn định mức sử dụng thuốc, phương tiện phòng chống dịch của các địa phương, các ngành và các đơn vị.
7.7. Xây dựng phương án và nội dung hoạt động chuyên môn của y tế ngành.
7.8. Kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp, phân tích đánh giá các hoạt động chuyên môn kỹ thuật của hệ thống màng lưới vệ sinh phòng dịch trong cả nước.
7.9. Thường trực của Uỷ ban Quốc gia phòng chống AIDS.
7.10. Quản lý công tác kiểm dịch Quốc tế và vệ sinh thực phẩm.
8. Vụ Y học cổ truyền.
8.1. Xây dựng phương hướng, kế hoạch về thừa kế, phát huy vốn y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại.
8.2. Chỉ đạo công tác phát triển thuốc y học cổ truyền, châm cứu, động viên Lương y trong cả nước tham gia vào công tác phòng bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ ban đầu.
8.3. Xây dựng hoặc đề nghị, bổ sung quy chế về phòng bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền có dùng thuốc và không dùng thuốc.
8.4. Xây dựng hoặc đề nghị sửa đổi, bổ sung quy chế hành nghề y dược học cổ truyền, phân khoa, phân hạng các lương y, các cá nhân hành nghề y dược học cổ truyền trong toàn quốc, trên cơ sở đó phát hiện các lương y giỏi để thừa kế và sử dụng.
8.5. Hướng dẫn thống nhất sử dụng các cây, con làm thuốc chữa bệnh theo y học cổ truyền. Đề xuất nhu cầu thuốc y học cổ truyền, dược liệu, trang thiết bị cho các cơ sở nghiên cứu điều trị về y học cổ truyền.
8.6. Kiểm tra, tổng hợp, phân tích và đánh giá các hoạt động của các cơ sở y học cổ truyền từ Trung ương đến địa phương.
8.7. Là đầu mối quan hệ giữa Bộ Y tế với cơ quan Trung ương Hội Y học cổ truyền. Hội Châm cứu Việt Nam.
8.8. Quản lý hành nghề Y, Dược học cổ truyền tư nhân trong cả nước, kể cả các cơ sở hành nghề Y dược học cổ truyền có vốn đầu tư nước ngoài và của tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
9. Vụ trang thiết bị và công trình y tế:
9.1. Xây dựng và đề xuất kế hoạch dài hạn, kế hoạch hàng năm, nhu cầu hợp lý về trang thiết bị, hoá chất xét nghiệm chuyên dùng cho các tuyến y tế của toàn ngành trên cơ sở đó lập kế hoạch xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất trong nước, sửa chữa và phân phối.
9.2. Xây dựng hoặc đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy chế về quản lý trang thiết bị y tế, sử dụng, bảo quản, sửa chữa và kiểm tra các loại trang thiết bị y tế.
9.3. Xây dựng các quy trình, định mức kỹ thuật, trong sản xuất, lưu thông và phân phối trang thiết bị y tế thiết yếu.
9.5. Hướng dẫn các đơn vị trực thuộc Bộ và địa phương xây dựng nhu cầu về vật tư thiết bị thông dụng và chuyên dùng phục vụ cho phòng bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ ban đầu.
9.6. Nghiên cứu xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn chất lượng về trang thiết bị y tế và giám sát việc thực hiện.
9.7. Nghiên cứu đề xuất việc điều động vật tư thiết bị thông dụng và chuyên dùng tại các đơn vị trực thuộc Bộ.
9.8. Quản lý sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu trang thiết bị y tế. Tổng hợp và đánh giá việc sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu trang thiết bị y tế, sử dụng và bảo quản vật tư, trang thiết bị y tế trong toàn ngành để báo cáo lãnh đạo Bộ. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật quản lý trang thiết bị y tế.
9.9. Thẩm tra luận chứng kinh tế kỹ thuật các công trình thiết kế và dự toán, quyết toán khối lượng các công trình được đầu tư. Làm thường trực cho Hội đồng tư vấn về trang thiết bị y tế.
9.10. Kiểm tra theo dõi việc thực hiện vốn đầu tư hàng năm của các công trình trực thuộc Bộ và điều chỉnh ưu tiên cho các công trình trọng điểm theo chỉ đạo của Bộ.
9.11. Hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ kỹ thuật xây dựng cơ bản cho các Ban quản lý công trình. Hướng dẫn các đơn vị trực thuộc Bộ và địa phương áp dụng các thiết kế mẫu, quy trình, quy phạm, định mức đơn giá, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, các chế độ chính sách của Nhà nước về xây dựng cơ bản. Nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về xây dựng cơ bản chuyên ngành y tế.
9.12. Thường trực Hội đồng thẩm tra luận chứng kinh tế kỹ thuật và thiết kế kỹ thuật các công trình được đầu tư.
10. Vụ Dược:
10.1. Tham mưu cho lãnh đạo Bộ để xây dựng chiến lược phát triển ngành dược Việt Nam, xây dựng và chỉ đạo việc thực hiện đường lối quốc gia về thuốc. Phối hợp chỉ đạo việc sử dụng thuốc an toàn và hợp lý.
10.2. Xây dựng hoặc đề nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về dược.
10.3. Theo dõi, kiểm tra và giám sát việc thực hiện các văn bản pháp luật về dược.
10.4. Quản lý việc đảm bảo chất lượng thuốc để ngày càng nâng cao chất lượng thuốc và giám sát việc thực hiện.
10.5. Quản lý Nhà nước đối với các tổ chức kinh doanh xuất nhập khẩu thuốc ở trong và ngoài nước. Xét duyệt các đơn hàng xuất nhập khẩu thuốc. Đăng ký thuốc sản xuất trong nước và nước ngoài.
10.6. Quản lý hoạt động các thông tin về thuốc để trình lãnh đạo Bộ và phổ biến cho các cơ sở khi có nhu cầu.
10.7. Tham gia kế hoạch về đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, thử lâm sàng thuốc và giám sát việc thực hiện.
10.8. Tham gia các Hội đồng liên quan đến thuốc.
10.9. Quản lý Nhà nước hệ thống doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống hành nghề dược tư nhân trong cả nước kể cả các cơ sở hành nghề dược có vốn đầu tư của nước ngoài, của tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
10.11. Làm đầu mối trong việc xây dựng quy chế phòng chống thuốc giả, phòng chống lạm dụng thuốc gây nghiện trong ngành.
11. Vụ Bảo vệ bà mẹ trẻ em và kế hoạch hoá gia đình.
11.1. Nghiên cứu, xây dựng, đề xuất những biện pháp nhằm từng bước nâng cao các chỉ số về sức khoẻ bà mẹ, trẻ em và kế hoạch hoá gia đình.
11.2. Xây dựng hoặc đề nghị sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn về chuyên môn kỹ thuật và dịch vụ kế hoạch hoá gia đình, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em cho các tuyến y tế để làm cơ sở kiểm tra và đánh giá.
11.3. Xây dựng kế hoạch lồng ghép và phối hợp với các cơ quan có liên quan đến chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em - kế hoạch hoá gia đình như Uỷ ban quốc gia dân số và kế hoạch hoá gia đình, Uỷ ban bảo vệ chăm sóc trẻ em Việt Nam, các tổ chức xã hội, các chương trình y tế quốc gia để đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ bảo vệ sức khoẻ bà mẹ trẻ em - kế hoạch hoá gia đình.
11.4. Tổng hợp tình hình sức khoẻ, bệnh tật, tai biến do thai nghén, sinh đẻ, đề xuất những biện pháp phòng ngừa, hạn chế những tai biến đó.
11.5. Tham gia nghiên cứu và đề xuất những biện pháp nhằm từng bước nâng cao các chỉ số sức khoẻ của trẻ em Việt Nam.
11.6. Tham gia nghiên cứu, đề xuất xây dựng những chính sách chế độ lao động cho phụ nữ trong khi có thai, khi sinh đẻ và cho con bú.
11.7. Chỉ đạo về nội dung chuyên môn kỹ thuật trong công tác tuyên truyền giáo dục sức khoẻ phụ nữ, giáo dục sức khoẻ bà mẹ trẻ em và kế hoạch hoá gia đình.
11.8. Xây dựng, củng cố mạng lưới bảo vệ sức khoẻ bà mẹ trẻ em và kế hoạch hoá gia đình trong cả nước bao gồm cả nhân lực, trang bị và huấn luyện. Tìm kiếm thêm nguồn vốn cho dịch vụ bảo vệ sức khoẻ bà mẹ trẻ em - kế hoạch hoá gia đình. Phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế để tăng cường lĩnh vực hợp tác quốc tế về bảo vệ sức khoẻ bà mẹ trẻ em và kế hoạch hoá gia đình.
11.9. Phối hợp với các Vụ có liên quan để tổ chức thực hiện các công trình nghiên cứu, điều tra đánh giá các dịch vụ kỹ thuật về bảo vệ sức khoẻ bà mẹ trẻ em - kế hoạch hoá gia đình. Tổ chức việc nghiên cứu, thử nghiệm, kết luận để trình Bộ cho phép áp dụng các kỹ thuật mới, các kỹ thuật đang sử dụng và các phương pháp y học cổ truyền v.v...
11.10. Chỉ đạo, kiểm tra và giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách và quy định về chuyên môn kỹ thuật trong công tác bảo vệ sức khoẻ trẻ em và kế hoạch hoá gia đình trong cả nước.
12. Thanh tra Bộ Y tế:
12.1. Thanh tra việc chấp hành pháp luật về vệ sinh của các tổ chức Nhà nước, tổ chức xã hội, tập thể, tư nhân và mọi công dân trong cả nước.
12.2. Thanh tra việc chấp hành pháp luật về khám, chữa bệnh của các cơ sở khám chữa bệnh Nhà nước, tập thể và tư nhân kể cả người nước ngoài trong phạm vi cả nước.
12.3. Thanh tra việc chấp hành pháp luật về Dược trong sản xuất, lưu thông phân phối xuất nhập khẩu thuốc, sử dụng thuốc và nguyên liệu làm thuốc và trang thiết bị kỹ thuật y tế của các cơ sở Nhà nước, tập thể và tư nhân trong phạm vi cả nước.
12.4. Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ được giao của các đơn vị trực thuộc Bộ và xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.
12.5. Thanh tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch phòng chống thuốc giả, thuốc gây nghiện trong ngành.
12.6. Chỉ đạo công tác tổ chức và nghiệp vụ Thanh tra đối với các cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý trực tiếp của Bộ Y tế. Hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành cho thanh tra Sở Y tế.
12.7. Tham gia nghiên cứu, xây dựng và đề nghị sửa đổi bổ sung các văn bản pháp quy về điều lệ quản lý ngành.
12.8. Tổng hợp, phân tích và đánh giá tình hình hoạt động thanh tra Y tế trong cả nước.
12.9. Đào tạo và bổ túc nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành y tế cho các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.