ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5845/QĐ-UBND-NC | Nghệ An, ngày 29 tháng 12 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
V/V BAN HÀNH ĐỀ ÁN “NÂNG CAO HIỆU QUẢ XÓA BỎ CÁC ĐỊA BÀN PHỨC TẠP VỀ MA TÚY Ở NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2011 - 2015”
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
- Luật Phòng, chống ma túy ngày 09 tháng 12 năm 2000, sửa đổi bổ sung ngày 03 tháng 6 năm 2008;
- Chiến lược Quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
Xét đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An tại Tờ trình số 2357/CAT(PC47), ngày 08/11/2011,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Nâng cao hiệu quả xóa bỏ các địa bàn phức tạp về ma túy ở Nghệ An giai đoạn 2011 - 2015”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc các Sở, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
ĐỀ ÁN
NÂNG CAO HIỆU QUẢ XÓA ĐỊA BÀN PHỨC TẠP VỀ MA TÚY Ở NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 5845/QĐ-UBND-NC ngày 29/12/2011 của UBND tỉnh Nghệ An)
Ngày 03/12/2004, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 4639/QĐ- UBND-NC về phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả xóa bỏ các địa bàn phức tạp về ma túy ở Nghệ An giai đoạn 2005 - 2010”. Quá trình triển khai thực hiện đạt được nhiều kết quả quan trọng; từng bước nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền; phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia công tác phòng, chống ma túy. Nhiều đường dây, ổ nhóm tội phạm ma túy lớn được khám phá bóc gỡ, nhiều địa bàn phức tạp về ma túy được triệt xoá, góp phần kìm giữ tốc độ gia tăng của tội phạm và tệ nạn ma túy.
I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “NÂNG CAO HIỆU QUẢ XOÁ BỎ CÁC ĐỊA BÀN PHỨC TẠP VỀ MA TÚY Ở NGHỆ AN” GIAI ĐOẠN 2005 - 2010
1. Đánh giá một số kết quả đạt được
a) Ưu điểm: Thông qua việc thực hiện Đề án xóa bỏ địa bàn ma túy phức tạp giai đoạn 2005 - 2010 của UBND tỉnh Nghệ An. Lực lượng Công an các cấp đã chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, cấp ủy và chính quyền địa phương xây dựng, chỉ đạo triển khai nhiều phương án, kế hoạch triệt xóa các địa bàn phức tạp về ma túy ở Nghệ An, thu được nhiều kết quả quan trọng. Trong 5 năm triển khai thực hiện đề án (từ tháng 1/2005 đến tháng 12/2010), lực lượng kiểm soát ma túy ở Nghệ An phát hiện, bắt giữ 4.007 vụ, 5.156 đối tượng (trong đó có 06 đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm, dùng lựu đạn, súng chống trả lực lượng vây bắt như Vi Văn May, Vy Quang Kỷ, Nguyễn Trọng Điệp và những tên đầu sỏ từng hoạt động ở Việt Nam bị công an Nghệ An truy nã trốn sang nước bạn Lào, tổ chức thành những đường dây ma túy lớn hoạt động táo tợn như: Trần Văn Hợi, Nguyễn Văn Cẩn, Nguyễn Chiến Thắng). Thu giữ: 74,32 kg Hêrôin, 25.518 viên ma túy tổng hợp, 51,13 kg thuốc phiện, 05 kg Paraxêtamol, 11 lựu đạn, 22 khẩu súng, 204 viên đạn các loại và nhiều vật chứng tài sản khác có liên quan đến hoạt động phạm tội về ma túy. Trong đó, trong quá trình triệt xóa các địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy, lực lượng kiểm soát ma túy ở Nghệ An đã triệt phá 100 đường dây ma túy lớn bắt 324 đối tượng. Thu giữ 52,8kg hêrôin, 12.314 viên, 12,39 gam ma túy tổng hợp; 101,3 gam ma túy dạng đá; 13 khẩu súng cùng với 152 viên đạn; 07 lựu đạn; 01 máy ép Hêrôin; 03 ô tô các loại; 32 xe máy; 60.000 USD; 13.000 Kíp Lào. Tài sản thu giữ hơn 1,5 tỷ đồng tiền Việt Nam. Khởi tố điều tra 3.691 vụ, 4.721 bị can. So với giai đoạn 2000 - 2005, phát hiện bắt giữ tăng 1.050 vụ (27,32%), 1.635 đối tượng (32,12%); số hêrôin thu giữ tăng 31,3kg, MTTH tăng 15.096 viên nhưng số thuốc phiện giảm 112,27kg. Tòa án nhân dân hai cấp xét xử 3.704 vụ, 4.695 bị cáo (trong đó tổ chức xét xử lưu động tại các địa bàn trọng điểm 164 vụ), tuyên phạt tử hình 36 bị cáo, tù chung thân 75 bị cáo, số còn lại tù có thời hạn, góp phần giáo dục, răn đe ngăn chặn tội phạm ma túy. Làm giảm hẳn tính chất phức tạp ở 09 địa bàn, đó là: huyện Tương Dương (Xốp Mạt, Xá Lượng, thị trấn Hoà Bình); huyện Đô Lương (thị trấn Đô Lương, xã Đà Sơn); huyện Thanh Chương (Võ Liệt, Thanh Long, Đồng Văn, Ngọc Sơn, Thanh Mỹ, Hạnh Lâm, Thanh Đức, Thanh Thủy); huyện Hưng Nguyên (Hưng Long, Hưng Xá); huyện Quế Phong (thị trấn Kim Sơn, Bản Mồng, Kim Khê, Mường Mừn, bản Tạng, Na Ka, Na Phí); huyện Quỳ Hợp (thị trấn, Thọ Hợp, Nghĩa Xuân); huyện Tân Kỳ (Nghĩa Hoàn, Nghĩa Đồng, Nghĩa Dụng); huyện Diễn Châu (Diễn Kỷ, Diễn Ngọc, Diễn Thành); Tp Vinh (Tây Nam TP. Vinh, khu vực Bến xe - hồ Tây Sâm, Nghi Phú); Nổi bật nhất là chiến công xuất sắc trong việc thực hiện Kế hoạch số 109KH/CANA-PC17 tại khu vực rừng núi các xã Châu Kim, Châu Thôn, Mường Nọc, Hạnh Dịch, thuộc huyện Quế Phong, xã Lượng Minh huyện Tương Dương, xã Mỹ Lý huyện Kỳ Sơn. Chỉ trong vòng tám tháng (7/2008 - 02/2009) các lực lượng Công an, BĐBP, Hải quan đã phát hiện bắt giữ: 38 vụ 87 đối tượng (Trong đó: phá 21 chuyên án bắt 63 đối tượng phạm tội về ma túy; Triệt xóa 05 địa bàn phức tạp về ma túy gồm: Bù Con Cắng; Bản Tạng; Châu Kim; Mường Nọc - Quế Phong và khu vực giáp 3 xã Lượng Minh, Thạch Giám, Xá Lượng - Tương Dương). Tiêu diệt 03 đối tượng người nước ngoài phạm tội về ma túy, thu giữ: 13,895 kg Hêrôin, 2,2 kg thuốc phiện, 722 viên Ma túy tổng hợp, 0,5 gam Hồng phiến, 10 điếu tài mà, 04 khẩu Súng, 74 viên đạn, 01 lựu đạn, 01 ôtô, 04 xe máy, 24 ĐTDĐ, 06 cân tiểu ly, 41USD, 13.000 Kíp Lào, 1.152.210.000VND và nhiều tài sản phương tiện có liên quan đến hoạt động của bọn tội phạm ma túy. Đến nay, cơ bản các đường dây tổ chức tội phạm ma túy lớn đã bị triệt xoá, vì vậy tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy đã được kìm giữ và giảm đáng kể.
b) Tồn tại: Mục tiêu của Đề án Phấn đấu đến năm 2010 Nghệ An không còn là địa bàn trọng điểm về ma túy chưa đạt được, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn diễn biến hết sức phức tạp cả về tính chất, phương thức, thủ đoạn, phạm vi, quy mô hoạt động. Thể hiện rõ ở tính liên kết tội phạm từ xã, phường đến liên huyện, liên tỉnh và xuyên quốc gia. Đặc biệt là tình hình ma túy thẩm lậu qua biên giới, vận chuyển, mua bán, tàng trữ và tổ chức sử dụng trái phép ma túy tổng hợp. Từ đó hình thành các tổ chức đường dây tội phạm, các địa bàn phức tạp về ma túy có xu hướng lây lan, một số địa bàn đã triệt xóa có nguy cơ bùng phát. Đây đang là vấn đề nổi cộm gây bức xúc lo lắng trong trong nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ANTT trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
2. Nguyên nhân
a) Khách quan
- Nghệ An là tỉnh có đường biên giới dài, nhiều đường tiểu ngạch, núi non hiểm trở nên việc kiểm soát ma túy thẩm lậu qua biên giới rất khó khăn. Bên cạnh đó, công tác kiểm hóa tại các Cửa khẩu Quốc tế trong tỉnh và tỉnh bạn có nhiều sơ hở, bọn tội phạm đã triệt để lợi dụng để vận chuyển ma túy qua cửa khẩu.
- Do tác động của tình hình tội phạm ma túy trên thế giới và trong nước. Nhất là sau khi lực lượng PCTPMT các nước Châu Á có sự phối hợp truy quét mạnh nên bọn tội phạm ma túy ở khu vực tam giác vàng, tràn qua nước láng giềng vào Việt Nam (trong đó có Nghệ An) nhiều hơn, với khối lượng ma túy vận chuyển rất lớn. Ngoài ra, hiện nay tội phạm sản xuất, chế biến, mua bán ma túy tổng hợp ở các nước Thái Lan, Trung Quốc ngày càng gia tăng, việc mở cửa lưu thông hàng hóa, du lịch cùng với việc kiểm soát chưa chặt chẽ của lực lượng PCMT ở tuyến biên giới, các cửa khẩu, tuyến hàng không và trên biển nên tội phạm ma túy lợi dụng mua bán, vận chuyển MTTH vào Việt Nam ngày càng nhiều.
- Do tập quán lâu đời của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao là trồng cây thuốc phiện; cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng kém, trình độ dân trí thấp. Hiệu quả các chương trình, dự án kinh tế chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thay thế cây thuốc phiện đạt thấp nên việc xóa bỏ trồng cây thuốc phiện gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ tái trồng cao.
- Do siêu lợi nhuận trong việc buôn bán ma túy nên bọn tội phạm không từ một thủ đoạn nào để hoạt động, kể cả đổi tính mạng của mình và của người thân.
- Đặc thù của ma túy là dễ nghiện khó cai, đối tượng mua bán ma túy ở các địa bàn, tụ điểm phức tạp về ma túy thường là người nghiện ma túy nên rất khó khăn trong việc “giảm cầu”. Đây cũng là một trong những điều kiện làm lây lan nhanh người nghiện ma túy. Công tác cai nghiện, quản lý sau cai tuy đã thực hiện quyết liệt nhưng hiệu quả còn hạn chế.
b) Nguyên nhân chủ quan
- Một số Cấp ủy, Chính quyền địa phương, một số ngành, đoàn thể chưa quan tâm đúng mức đến công tác phòng chống ma túy có lúc còn bỏ mặc cho lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan...
- Một bộ phận nhân dân (kể cả cán bộ, đảng viên) nhận thức chưa đầy đủ về trách nhiệm trong công tác phòng chống ma túy.
- Công tác tuyên truyền phòng chống ma túy chưa đủ mạnh để làm chuyển biến ý thức tự giác phòng chống ma túy trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hiệu quả việc cai nghiện ma túy và giải quyết việc làm sau cai chưa tương xứng với tình hình.
- Sự phối hợp giữa các lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy của Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng ở khu vực Cửa khẩu, Sân bay, Bến cảng có lúc hiệu quả còn hạn chế.
- Phương tiện và kinh phí phục vụ phòng, chống ma túy tuy được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa tương xứng yêu cầu công tác nhiệm vụ phòng, chống ma túy.
- Đội ngũ cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách ở cấp cơ sở (phường, xã, thị trấn) còn thiếu, yếu, bất cập.
II. KHÁI QUÁT THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH ĐỊA BÀN PHỨC TẠP VỀ MA TÚY
1. Khái niệm địa bàn phức tạp về ma túy
Địa bàn phức tạp về ma túy là địa bàn mà ở đó có nhiều người nghiện ma túy, tệ nạn và bọn tội phạm ma túy hoạt động phức tạp, khó kiểm soát. Địa bàn phức tạp về ma túy có thể là một hoặc nhiều địa bàn hành chính xã, phường, thị trấn.
2. Tiêu chí đánh giá, phân loại xã, phường, thị trấn trọng điểm về tệ nạn ma túy: (Theo Quyết định số 3122/2010/QĐ-BCA ngày 09/8/2010 ban hành tiêu chí phân loại cho xã phường thị trấn trọng điểm về tệ nạn ma túy).
Xã, phường, thị trấn trọng điểm được phân theo các loại: loại I, loại II, loại III. Căn cứ để phân loại xã, phường, thị trấn trọng điểm theo các tiêu chí:
a) Xã, phường, thị trấn trọng điểm loại I có một trong những tiêu chí sau:
- Có từ 100 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trở lên;
- Có từ 05 tụ điểm tệ nạn ma túy trở lên;
- Có diện tích trồng cây có chứa chất ma túy từ 2.000m2 trở lên;
- Tỷ lệ đối tượng phạm tội về ma túy so với dân số tại xã, phường, thị trấn từ 0,5% trở lên;
- Có ít nhất một trong các tiêu chí tại mục 2.2 và nằm trên tuyến trọng điểm về buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, có nhiều đường giao thông huyết mạch.
b) Xã, phường, thị trấn trọng điểm loại II có một trong những tiêu chí sau:
- Có từ 60 đến dưới 100 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý.
- Có từ 3 đến 4 tụ điểm tệ nạn;
- Có diện tích trồng cây có chất ma túy từ 1.000m2 trở lên;
- Tỷ lệ đối tượng phạm tội về ma túy so với dân số tại xã, phường, thị trấn từ 0,3% đến dưới 0,5%;
- Có ít nhất một trong các tiêu chí tại mục 2.3 và nằm trên tuyến trọng điểm về buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, có nhiều đường giao thông huyết mạch.
c) Xã, phường, thị trấn trọng điểm loại III có một trong những tiêu chí sau:
- Có từ 20 đến dưới 60 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý.
- Có từ 1 đến 2 tụ điểm tệ nạn;
- Có diện tích trồng cây có chất ma túy dưới 1.000m2 trở lên;
- Tỷ lệ đối tượng phạm tội về ma túy so với dân số tại xã, phường, thị trấn từ 0,1% đến dưới 0,3%;
3. Thực trạng tình hình chung
Chính phủ vẫn xác định Nghệ An là một trong những địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy, bởi vì:
a) Nghệ An là địa bàn có nguy cơ tái trồng cây thuốc phiện, cần sa
Do tuyến biên giới Việt - Lào rất dài (419,5 km) có 10 huyện miền núi, một bộ phận đồng bào thuộc ba huyện miền núi rẻo cao (Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong) có tập quán trồng cây thuốc phiện từ lâu đời. Mặc dù đến nay cơ bản đã xóa bỏ, nhưng hàng năm vẫn tái trồng. Năm 2009 tại cột mốc Y7 thuộc địa phận bản Piêng Cọc, xã Mai Sơn có 05 rẫy tổng diện tích khoảng 3.100 m2 cây thuốc phiện. Ở bản Pủng Vái, xã Phà Đánh, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn - Lào có 05 hộ dân tộc H'Mông trồng trên đất Việt Nam 04 rẫy, diện tích 2.200m2. Năm 2010 phát hiện và triệt xóa 2.000m2 cây thuốc phiện, từ tháng 12/2010 đến tháng 5/2011 tại các huyện Tương Dương, Quế Phong, Kỳ Sơn vẫn còn tình trạng tái trồng cây thuốc phiện, cây thuốc phiện trồng xen kẽ trong các rẫy rau cải, xâm canh khu vực giáp ranh giữa các huyện trên với các địa phương thuộc nước bạn (Lào) nên khó phát hiện và xác định chính xác.
b) Ma túy thẩm lậu ở khu vực biên giới với số lượng lớn
Nghệ An giáp với 3 tỉnh bạn Lào là Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bôlykhămxay với 02 Cửa khẩu Nậm Cắn (Kỳ Sơn), Thanh Thủy (Thanh Chương) và hàng trăm đường tiểu ngạch. Bên cạnh đó có các cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), Lao Bảo (Quảng Trị), Cha Lo (Quảng Bình) là những cửa khẩu mà bọn tội phạm lợi dụng vận chuyển ma túy về Nghệ An. Do hậu quả của tình hình ma túy thẩm lậu trong thời gian qua, đặc biệt là các nhóm đối tượng người nước ngoài xâm nhập sâu vào địa bàn các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong hoạt động tàng trữ vũ khí quân dụng, tổ chức mua bán ma túy số lượng lớn trong một thời gian dài (2004-2008) nên ở một số bản, làng thuộc các huyện Quế Phong, Tương Dương và Kỳ Sơn vẫn tồn tại các tụ điểm ma túy phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự của địa phương.
c) Là địa bàn trung chuyển ma túy đến các địa phương khác
Thời gian vừa qua Công an tỉnh, BĐBP tỉnh và các lực lượng chức năng triển khai thực hiện nhiều kế hoạch, phá nhiều chuyên án lớn đã bắt giữ triệt xóa nhiều đường dây, ổ nhóm, trùm ma túy lớn. Đặc biệt, đã xây dựng và triển khai thực hiện thành công Kế hoạch số 109KH/CANA(PC17) và chuyên án 037X của Tổng cục Cảnh sát về tấn công vũ trang các đối tượng mang theo vũ khí nóng và số lượng ma túy lớn xâm nhập trái phép cấu kết tội phạm ma túy trong nội địa dựng lều lán công khai mua bán ma túy, vì vậy tình hình tội phạm ma túy trên tuyến biên giới ở các huyện Kỳ Sơn, tương Dương, Quế Phong đã giảm đáng kể. Tuy nhiên đến nay, một số nhóm vẫn tiếp tục mang theo vũ khí nóng, hoạt động kín đáo và mang tính cơ động hơn trước. Qua công tác đấu tranh khám phá các chuyên án lớn trong toàn quốc cho thấy, hầu hết trong các đường dây tội phạm ma túy đều có đối tượng người Nghệ An, lượng ma túy thẩm lậu vào địa bàn Nghệ An chủ yếu được trung chuyển đi các địa phương khác và cả ra nước ngoài.
d) Là địa bàn tiêu thụ ma túy lớn
Theo số liệu thống kê đến 31/12/2010 trên địa bàn còn có 5.596 người nghiện ma túy, tăng 12% (5.596/4.564) so với năm 2005. Trong đó, có 3.419 người đang sống tại cộng đồng, 2.177 người đang cai nghiện tại các trung tâm Giáo dục Lao động xã hội, tại các Trại giam, Trại tạm giam và di chuyển địa phương khác. Công tác cai nghiện còn nhiều bất cập, trên thực tế số người nghiện trên địa bàn vẫn chưa kiểm soát hết. Trên địa bàn toàn tỉnh đang còn 262/479 xã, phường có người nghiện ma túy. Các đối tượng mua bán lẻ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy luôn thay đổi thủ đoạn, vẫn đang tiềm ẩn nhiều phức tạp. Đặc biệt, việc mua bán, tổ chức sử dụng MTTH trên địa bàn TP Vinh và các huyện phụ cận vẫn còn tiềm ẩn, phức tạp.
4. Các chất ma túy và tuyến buôn bán vận chuyển ma túy
a) Về các chất ma túy
Qua trực tiếp đấu tranh cho thấy ngoài thuốc Phiện; Hêrôin; Hồng phiến Methaphetamin; Amphetamin đang xuất hiện thêm nhiều loại ma túy tổng hợp như: Ketamin, Ecstasy và Paramethoxymethamphetamine (viết tắt PMMA)... Có tài liệu phản ánh tại Nghệ An đã xuất hiện tội phạm sản xuất MTTH từ các loại tiền chất, loại ma túy được tổng hợp có mẫu mã rất đa dạng khó phát hiện, khó kiểm soát và gây khó khăn cho việc giám định, điều tra, truy tố, xét xử.
b) Tuyến trung chuyển ma túy
Các tuyến mua bán, vận chuyển ma túy chính hiện nay gồm:
- Tuyến từ Lào xâm nhập vào Nghệ An qua các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong.
- Tuyến từ Lào xâm nhập vào Nghệ An qua Quốc lộ 46 (Thanh Thuỷ, Thanh Chương), Quốc lộ 8A (Cầu Treo, Hương Sơn, Hà Tĩnh), Quốc lộ 9A (Lao Bảo, Quảng Trị), Cho Lo (Quảng Bình), ma túy từ nước ngoài vận chuyển về Đô Lương, Diễn Châu, thành phố Vinh, Hưng Nguyên và các địa phương khác.
- Tuyến từ Quế Phong đi thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam.
- Tuyến từ Quế Phong đi Hà Nội, các tỉnh phía Bắc.
- Tuyến từ Kỳ Sơn, Tương Dương đi Hà Nội, các tỉnh phía Bắc.
- Tuyến từ Kỳ Sơn, Tương Dương đi thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam.
- Tuyến nội tỉnh: Ma túy từ các huyện miền núi được vận chuyển về thành phố Vinh, Hưng Nguyên, Đô Lương, Diễn Châu và các địa phương khác trong tỉnh.
- Tuyến từ Nghệ An đi các tỉnh phía Bắc: Ma túy từ thành phố Vinh, Hưng Nguyên, Đô Lương, Diễn Châu và các địa phương khác trong tỉnh đi Ninh Bình, Nam Định, Hà Nội, Thái Nguyên...
- Tuyến từ Nghệ An đi các tỉnh phía Nam: Ma túy từ thành phố Vinh, Hưng Nguyên, Diễn Châu, Đô Lương và các địa phương khác trong tỉnh vận chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và các tỉnh phía Nam.
5. Địa bàn phức tạp về ma túy
Qua khảo sát, điều tra cơ bản ở tỉnh Nghệ An 100% đơn vị huyện, thành, thị đều đã có ma túy xâm nhập nhưng ở mức độ phức tạp khác nhau và tính chất từng địa bàn khác nhau. Theo số liệu thống kê toàn tỉnh hiện nay vẫn tồn tại 16 xã, phường, thị trấn trọng điểm phức tạp về ma túy loại I; 29 xã phường, thị trấn trọng điểm phức tạp về ma túy loại II; 76 xã phường, thị trấn trọng điểm phức tạp về ma túy loại III; trong đó có 13 đường dây, 56 tụ điểm và 151 điểm bán lẻ ma túy.
Để tập trung giải quyết tình hình nêu trên, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục ban hành và thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả xóa bỏ địa bàn phức tạp về ma túy ở Nghệ An giai đoạn 2011-2015”, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, sử dụng đồng bộ các biện pháp giữa phòng và chống, giữa “chặn cung” và “giảm cầu” ma túy đối với các địa bàn trọng điểm, phức tạp ma túy với các nội dung, giải pháp cụ thể như sau:
III. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN
1. Mục tiêu chung
Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị nhằm triệt xóa các đường dây, ổ nhóm, phát hiện bắt giữ các đối tượng phạm tội ma túy, triệt xóa các địa bàn phức tạp về ma túy; triệt xóa địa bàn phức tạp phải gắn với củng cố chính quyền cơ sở, xây dựng địa bàn trong sạch, lành mạnh, không để tái phức tạp trở lại, không để phát sinh địa bàn phức tạp mới. Ngăn chặn không để ma túy xâm nhập vào các địa bàn sạch về ma túy. Tiếp tục phấn đấu đến năm 2015 đưa tỉnh Nghệ An ra khỏi danh sách tỉnh trọng điểm phức tạp về ma túy
2. Mục tiêu cụ thể
a) Làm giảm mức độ phức tạp về ma túy ở các địa bàn trọng điểm, từ chưa kiểm soát chặt chẽ đến kiểm soát chặt chẽ, tiến tới xóa bỏ tình hình phức tạp về ma túy, làm trong sạch địa bàn.
b) Giữ vững 100% các địa bàn đang là địa bàn sạch về ma túy và không để phát sinh hoặc tái phức tạp trở lại ở các địa bàn đã được triệt xoá, đảm bảo tính bền vững. Xây dựng 60 - 70% xã phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy.
c) Đảm bảo 100% người nghiện ma túy ở các địa bàn được lập hồ sơ quản lý; đến năm 2015 tổ chức cai nghiện cho 100% người nghiện có hồ sơ quản lý, có mặt tại cộng đồng, hạ thấp tỷ lệ tái nghiện. Phấn đấu mỗi năm làm giảm 10 - 12% người nghiện và hạn chế thấp nhất việc phát sinh người nghiện mới.
IV. MỘT SỐ MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Mục tiêu
a) Làm giảm tình hình phức tạp về ma túy từng địa bàn cụ thể mà chủ yếu là: “Chặn cung” và “giảm cầu” ma túy.
b) Kiểm soát, ngăn chặn không để ma túy xâm nhập, lây lan diện rộng ở các địa bàn sạch ma túy và những địa bàn sau khi được tổ chức triệt xoá.
c) Vừa tổ chức triệt xoá, vừa tuyên truyền, vận động làm cho mọi tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong phòng chống ma túy.
2. Nhiệm vụ
a) Tổ chức khảo sát ĐTCB từ tổ dân cư, khối phố, thôn, xóm, bản, phường xã, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh để xác định, lập danh sách các địa bàn phức tạp về ma túy, các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm số đối tượng phạm tội ma túy và người nghiện ma túy trên từng địa bàn.
b) Củng cố, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, trước hết là cán bộ chủ trì Đảng, chính quyền, đoàn thể, sự phối hợp các ngành, các lực lượng trong PCMT.
c) Tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.
d) Tổ chức đấu tranh với tội phạm ma túy, trước hết bóc gỡ các đường dây tổ chức mua bán ma túy, các tụ điểm phức tạp, các điểm bán lẻ ma túy.
đ) Tổ chức cai nghiện cho người nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng dân cư, tại Trung tâm cai nghiện tập trung.
e) Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách về PCMT.
3. Các giải pháp chủ yếu
a) Cấp ủy, chính quyền các cấp ở các địa bàn phức tạp về ma túy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một cách thường xuyên, quyết liệt công tác PCMT, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, đồng thời quan tâm củng cố xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cụ thể sau:
- Làm tốt công tác tuyên truyền, tuyên truyền về tác hại ma túy để phòng tránh; tuyên truyền về trách nhiệm phát hiện tố giác tội phạm và tệ nạn ma túy ngay từ cơ sở.
- Tiếp tục chỉ đạo sơ kết, tổng kết, đánh giá, kiểm điểm và đẩy mạnh các nội dung giải pháp thực hiện các đề án thuộc chương trình quốc gia phòng chống ma túy; Chiến lược quốc gia PCMT…
- Cấp ủy, chính quyền các cấp nơi có địa bàn phức tạp về ma túy phải triển khai các nhiệm vụ làm trong sạch địa bàn:
+ Tổ chức tốt công tác cai nghiện ma túy cho người nghiện tại gia đình và cộng đồng.
+ Chỉ đạo đẩy mạnh công tác lập hồ sơ đưa các đối tượng vi phạm pháp luật vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng.
+ Tổ chức chỉ đạo các lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách tăng cường tuần tra kiểm soát phát hiện bắt giữ, xử lý các đối tượng liên quan tội phạm và tệ nạn ma túy; không để ma túy xâm nhập hoặc tái phức tạp sau khi triệt xoá.
- Tổ chức lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội gắn với chương trình hành động phòng chống ma túy; chỉ đạo các chương trình dự án tạo việc làm cho người lao động và nhất là người sau cai nghiện.
- Củng cố kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở. Đảm bảo đủ sức lãnh đạo, điều hành phát triển KT- XH và Quốc phòng - An ninh gắn với nâng cao năng lực hành động của Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, phòng chống AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm các cấp, nhất là năng lực kiểm tra, hướng dẫn tổ chức chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy của thành viên Ban chỉ đạo.
- Kiểm điểm trong ban chấp hành Đảng bộ, Chính quyền, Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể theo tinh thần Chỉ thị số 07-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường đấu tranh phòng chống ma túy. Tiếp tục làm trong sạch bộ máy, kiên quyết đưa những người có liên quan đến tội phạm ma túy ra khỏi hệ thống chính trị ở cơ sở.
- Tổ chức thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ của Chính quyền các cấp về PCMT theo quy định của luật phòng chống ma túy và Chỉ thị 07-CT/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy. Tổ chức phát giác người nghiện, người tham gia buôn bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy.
- Chỉ đạo điều hành sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện đề án.
- Tổ chức phát động phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ, đặc biệt là ở các địa bàn phức tạp về ma túy. Nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân tích cực tham gia PCMT. Nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa, tự quản của mỗi một công dân và gia đình. Đẩy mạnh xã hội hóa mạnh mẽ công tác PCMT.
- Tập trung đầu tư phương tiện, kinh phí cho phương án xóa địa bàn phức tạp về ma túy.
b) Lực lượng Công an các cấp chủ trì phối hợp với các lực lượng, các ban, ngành liên quan tiến hành đấu tranh triệt xóa các đường dây, ổ nhóm, các tụ điểm, điểm bán lẻ, tổ chức sử dụng trái phép ma túy:
- Trong thời gian tới tiếp tục củng cố Ban chỉ đạo xóa bỏ địa bàn ma túy phức tạp. Tổ chức chỉ đạo lực lượng chức năng khảo sát xác định chính xác số địa bàn phức tạp về ma túy trên cơ sở đó tiến hành điều tra cơ bản 100% địa bàn phức tạp về ma túy.
- Giao cho Phòng PC47 Công an tỉnh Nghệ An chủ trì phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Hải quan và Công an các huyện xây dựng kế hoạch, tổ chức triệt xóa 16 xã phường, thị trấn trọng điểm phức tạp về ma túy loại I; 29 xã phường, thị trấn trọng điểm phức tạp về ma túy loại II (có phụ lục kèm theo.
- Công an các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm phối hợp với các ngành liên quan tiếp nhận, giữ sạch địa bàn phức tạp về ma túy đã triệt xóa, không để tái phức tạp trở lại. Chủ trì, phối hợp với Công an các xã phường, thị trấn xây dựng kế hoạch triệt xóa 76 xã phường, thị trấn trọng điểm phức tạp về ma túy loại III (có phụ lục kèm theo).
- Phối hợp Sở Lao động Thương binh và Xã hội rà soát chính xác người nghiện, lập hồ sơ đưa đối tượng đi cai nghiện ma túy ở các trung tâm cai nghiện bắt buộc, tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng.
- Tiếp tục làm tốt chức năng Thường trực phòng chống tội phạm - phòng chống ma túy nhất là tham mưu theo dõi, đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện nội dung kế hoạch xóa địa bàn phức tạp về ma túy.
- Công an tỉnh chủ trì lập dự toán hỗ trợ kinh phí chi tiết theo từng nội dung của Đề án và từng cơ quan thực hiện, trình cấp có thẩm quyền quyết định.
c) Sở Lao động Thương binh và Xã hội
- Chủ trì và phối hợp với Công an tỉnh, Sở Y tế và các ngành liên quan xây dựng và thực hiện có hiệu quả chương trình cai nghiện ma túy và quản lý sau cai cho người nghiện ma túy theo chương trình đã được phê duyệt.
- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 16/10/2004 và Nghị định số 94/2010/CP ngày 09/9/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cai nghiện ma túy tại cộng đồng. Tổ chức cho 100% người nghiện ma túy ở các địa bàn phức tạp về ma túy được cai nghiện và quản lý sau cai đúng theo quy định của Nghị định số 94/2009/NĐ-CP ngày 26/10/2009 quy định chi tiết thi hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống ma túy về quản lý sau cai nghiện ma túy. Thường xuyên rà soát lập hồ sơ quản lý người nghiện ma túy, chống nghiện mới và hạ thấp tỷ lệ tái nghiện sau cai.
d) Sở Y tế
- Chịu trách nhiệm tổ chức cắt cơn cho 100% người cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Hướng dẫn phác đồ điều trị cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác cắt cơn giải độc cho người nghiện ma túy và chữa trị phục hồi chức năng cho người nghiện ma túy, trước hết là ở các địa bàn phức tạp về ma túy.
- Chỉ đạo củng cố, xây dựng hệ thống phòng cắt cơn, điều trị, cai nghiện ở 100% các xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy. Trước hết là các xã, phường, thị trấn được xác định là địa bàn phức tạp về ma túy. Đồng thời, tăng cường cán bộ y tế đảm bảo 100% các xã, phường, thị trấn, các địa bàn phức tạp về ma túy phải có đủ Y, Bác sỹ đủ sức làm công tác cai nghiện, chữa trị phục hồi cho người nghiện ma túy.
- Tổ chức tập huấn và cấp chứng chỉ về công tác cai nghiện cho 100% đội ngũ cán bộ y tế làm công tác cai nghiện ma túy từ tỉnh đến cơ sở, xã, phường, thị trấn.
- Quản lý chặt chẽ các loại thuốc tân dược gây nghiện, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Công Thương, Sở Tài chính và các ngành liên quan kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến các tiền chất ma túy dùng vào mục đích y tế, theo đúng Quyết định số 52/2011/QĐ-TTg ngày 21/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Triển khai phương pháp điều trị dùng Methadone thay thế nghiện các chất ma túy dạng thuốc phiện tại Nghệ An.
- Chỉ đạo và tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành trong việc cấp phát và kinh doanh thuốc tân dược gây nghiện và các loại tiền chất, thanh tra kiểm tra công tác cai nghiện của hệ thống y tế từ tỉnh xuống cơ sở.
đ) Sở Công Thương
- Phối hợp với Công an tỉnh, Sở Y tế, Sở Tài chính và các ngành liên quan thực hiện có hiệu quả công tác quản lý tiền chất, theo Quyết định số 52/2011/QĐ- TTg ngày 21/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.
- Chỉ đạo và tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành trong việc cấp phát và kinh doanh các loại tiền chất, thanh tra kiểm tra công tác quản lý, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất và sử dụng tiền chất từ tỉnh xuống cơ sở.
e) Sở Thông tin - Truyền thông; Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch
- Phối hợp với các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục phòng, chống ma túy nhất là ở các địa bàn phức tạp về ma túy.
- Chuẩn bị nội dung bài giảng về tuyên truyền, chú ý hình thức tuyên truyền dễ nhớ, dễ hiểu, đa dạng nhất là sân khấu hóa nội dung tuyên truyền.
- Đưa tiêu chí sạch về ma túy vào khi xét tặng danh hiệu phường, xã, thị trấn, khối phố, làng bản, cơ quan, gia đình văn hóa.
- Phối hợp với Sở Giáo dục Đào tạo, Sở Tư pháp để đưa nội dung giáo dục về phòng, chống ma túy vào trường học.
- Thống nhất chỉ đạo và định hướng công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy cho các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức đoàn thể, các tổ tuyên truyền lưu động, tuyên truyền miệng... Đảm bảo nội dung, thời lượng và tính thường xuyên liên tục, sâu rộng nhất là tuyên truyền đến đối tượng và địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy (Học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên, nhóm người nghiện...).
g) Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
- Chủ động phối hợp với ngành Công an để hỗ trợ cho công tác tuần tra giải tán các tụ điểm phức tạp về ma túy tại các địa bàn phức tạp về ma túy nhất là vùng sâu, vùng xa, hiểm trở, hẻo lánh, tấn công vũ trang TPMT ở khu vực biên giới. Tổ chức tốt công tác phòng, chống ma túy trong toàn quân.
- Chỉ đạo các lực lượng Quân sự cấp huyện, thành, thị phối hợp các lực lượng chức năng thực hiện các nội dung kế hoạch đấu tranh triệt xóa địa bàn phức tạp về ma túy do cấp huyện chủ trì.
- Chỉ đạo lực lượng dân quân tự vệ tuần tra bảo vệ làm sạch địa bàn về ma túy.
h) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
- Triển khai lực lượng chuyên trách đấu tranh chống tội phạm ma túy ở các Đồn thuộc tuyến biên giới, Cửa khẩu và tuyến biển theo Đề án “Tổ chức lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy của Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển” đã được Chính phủ phê duyệt.
- Tổ chức điều tra cơ bản các địa bàn tuyến biên giới, cửa khẩu; chủ trì phối hợp với ngành Công an, để xây dựng các giải pháp ngăn chặn ma túy qua tuyến biên giới, cửa khẩu và trên biển theo Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 133/2002/TTg ngày 9/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ.
- Khảo sát, xây dựng kế hoạch chủ động đấu tranh xóa các tụ điểm, điểm phức tạp về ma túy ở khu vực biên giới, cửa khẩu.
- Phối hợp với bạn Lào nắm tình hình và cung cấp thông tin liên quan đến ma túy ở nội và ngoại biên, phục vụ công tác xóa địa bàn phức tạp về ma túy và kiểm soát ma túy ở khu vực biên giới và các Cửa khẩu Cầu Treo, Cha Lo, Lao Bảo… của các tỉnh bạn.
- Phối hợp lực lượng Công an, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch tấn công vũ trang TPMT ở khu vực biên giới.
i) Hải quan Nghệ An
- Phối hợp với ngành Công an, để xây dựng các giải pháp ngăn chặn ma túy qua tuyến biên giới, cửa khẩu và trên biển theo Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 133/2002/TTg ngày 9/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ.
- Phối hợp với bạn Lào nắm tình hình và cung cấp thông tin liên quan đến ma túy ở nội và ngoại biên; kiểm soát ma túy ở khu vực các cửa khẩu: Nậm Cắn, Thanh Thuỷ, Cầu Treo, Cha Lo, Lao Bảo… của các tỉnh bạn; Sân bay Vinh; bến cảng Cửa Lò, Cửa Hội… phục vụ công tác xóa địa bàn phức tạp về ma túy.
k) Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Toà án nhân dân tỉnh
- Thực hiện tốt chức năng kiểm sát và công tố, xét xử các vụ án về ma túy, nhất là các vụ án lớn, tăng cường xét xử lưu động tại các địa bàn trọng điểm để nâng cao hiệu quả vấn đề giáo dục. Thực hiện các giải pháp của đề án theo chức năng nhiệm vụ của ngành phân công.
- Thường xuyên phối hợp, trao đổi và thống nhất cao trong việc đánh giá chứng cứ tội phạm ma túy, không để sót lọt tội phạm, tránh oan sai.
- Có biện pháp để tuyên phạt tiền và truy thu tài sản do phạm tội mà có đối với các đối tượng buôn bán ma túy lớn trong quá trình truy tố, xét xử.
l) Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài chính cân đối ngân sách, cấp kinh phí phục vụ công tác đấu tranh xóa địa bàn phức tạp về ma túy trên toàn tỉnh, kiểm tra, giám sát việc sử dụng các nguồn kinh phí phòng chống ma túy.
m) Tỉnh đoàn Nghệ An
- Triển khai thành lập và đưa vào hoạt động Tổng đội thanh niên xung phong cai nghiện và đẩy nhanh tiến độ xây dựng trung tâm sau cai Phúc Sơn quản lý sau cai theo Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt.
- Tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan nhân rộng mô hình đoàn thanh niên chủ động phòng chống ma túy ở cơ sở tại các địa bàn phức tạp về ma túy như: nhóm: “Bạn giúp bạn”; “Câu lạc bộ pháp luật”...v.v.
- Triển khai đề án Đoàn Thanh niên chủ động phòng, chống ma túy ở địa bàn phường Lê Lợi - T.P Vinh.
- Thực hiện tốt chương trình công tác Thanh niên, làm giảm tỷ lệ tội phạm và tệ nạn ma túy trong lứa tuổi thanh thiếu niên ở các địa bàn phức tạp về ma túy.
n) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các thành viên liên quan (Phụ nữ, Liên đoàn Lao động, Cựu chiến binh, Hội Nông dân)
- Chủ trì phối hợp với các ngành liên quan và các tổ chức thành viên của MTTQ tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án: “Xây dựng xã, phường, cơ quan, đơn vị không có tệ nạn ma túy” gắn với việc tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, đoàn thể trong công tác vận động nhân dân tham gia giữ gìn ANTT và xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ.
- Có các giải pháp tích cực để phòng ngừa ma túy vào ngành và người thân của hội viên, đoàn viên, cán bộ công nhân viên.
- Giúp đỡ hội viên hoặc gia đình hội viên có người thân liên quan đến ma túy trong công tác cai nghiện, quản lý sau cai, hướng nghiệp và tái hòa nhập cộng đồng một cách bền vững sau khi cai hoặc mãn hạn tù.
- Phát động thi đua thực hiện các phong trào xóa đói, giảm nghèo, phong trào xây dựng làng, xã, cơ quan, đơn vị, gia đình văn hóa.
V. ĐIỀU KIỆN ĐẢM BẢO THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Về lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy
UBND tỉnh có công văn tiếp tục đề xuất Bộ Công an; Tổng cục Hải quan; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Y tế tăng cường biên chế, thành lập lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy đủ mạnh ở địa phương:
a) Đối với lực lượng Công an
- Tăng biên chế cho lực lượng Công an chuyên trách phòng chống ma túy cấp tỉnh thuộc phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy lên từ 60 Đ/c đến 65 Đ/c so với 46 Đ/c hiện có. Lực lượng này cần phải có trình độ Đại học, trẻ, sức khoẻ tốt, tâm huyết với nghề nghiệp.
- Tăng biên chế lên từ 25 đến 30 người cho đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an thành phố Vinh.
- Tăng biên chế lên từ 12 đến 15 người cho đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an các huyện có địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy loại I (có phụ lục kèm theo)
b) Đối với Hải quan, Bộ đội Biên phòng
- Tăng cường lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy thuộc lực lượng Hải quan ở tỉnh, các Trạm Cửa khẩu.
- Phối hợp với Lực lượng Công an kiểm soát ở sân bay, bến cảng, các đường tiểu ngạch để ngăn chặn ma túy thẩm lậu vào Nghệ An.
c) Đối với ngành Y tế: Tăng cường đội ngũ Y tế cơ sở (xã, phường, thị trấn) đảm bảo 100% địa bàn phức tạp về ma túy đều có cán bộ Y tế đủ sức làm nhiệm vụ cai nghiện và chữa trị, phục hồi chức năng cho người nghiện.
d) Sở Lao động TBXH: Tăng cường biên chế cho lực lượng chuyên trách thuộc ngành làm nhiệm vụ đảm bảo tổ chức thực hiện công tác cai nghiện và quản lý sau cai cho 100% huyện, thành, thị có địa bàn phức tạp về ma túy.
đ) Các xã, phường, thị trấn: Là địa bàn phức tạp về ma túy phải có một Cán bộ là phó Công an xã chuyên trách theo dõi công tác PCMT.
(Trong thời gian chờ các Bộ, ngành Trung ương giải quyết, đề nghị Đảng ủy và Lãnh đạo các ngành nêu trên rà soát bổ sung lực lượng ít nhất phải đảm bảo yêu cầu tối thiểu cho công tác phòng, chống ma túy).
2. Về phương tiện trang bị cho lực lượng kiểm soát ma túy
Căn cứ nhu cầu và mức kinh phí được bố trí hàng năm, giao Công an tỉnh chủ trì có trách nhiệm định kỳ kiểm tra, rà soát các phương tiện đã trang bị cho lực lượng chuyên trách phục vụ đấu tranh, phòng chống tội phạm ma túy cần sửa chữa, thay thế phục vụ nhiệm vụ được giao để giải quyết theo đúng quy định.
3. Về kinh phí
Căn cứ dự toán hỗ trợ kinh phí do cơ quan chủ trì thực hiện Đề án (Công an tỉnh) lập và ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, giao Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính có trách nhiệm phối hợp với các ngành có liên quan cân đối, tổng hợp kinh phí vào dự toán ngân sách hàng năm báo cáo UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh quyết định phân bổ kinh phí thực hiện Đề án.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, phòng chống AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh tham mưu chỉ đạo các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện toàn diện, nội dung Đề án này từ tỉnh đến cơ sở.
2. Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, phòng chống AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm và các cấp, các ngành có kế hoạch, giúp UBND cùng cấp triển khai chỉ đạo có hiệu quả kế hoạch xóa địa bàn phức tạp về ma túy.
3. Các ngành chủ trì các nội dung, giải pháp đã phân công có kế hoạch phải cụ thể hóa nhiệm vụ của mình thành chương trình chi tiết đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ xóa địa bàn phức tạp về ma túy, trong đó:
- Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các địa phương xây dựng các phương án xóa các đường dây ổ nhóm buôn bán ma túy lớn, xây dựng kế hoạch xóa các tụ điểm, các điểm bán lẻ và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy ở từng địa bàn phức tạp về ma túy.
- Sở Lao động, Thương binh và xã hội: Tổ chức công tác cai nghiện tạo việc làm và quản lý sau cai nghiện ma túy ưu tiên các đối tượng ở các địa bàn phức tạp về ma túy.
- Sở Y tế: Tổ chức công tác khám chữa bệnh cho người nghiện ma túy và phục hồi chức năng cho người cai nghiện.
4. Hội đồng thi đua các cấp cụ thể hóa nội dung xóa địa bàn phức tạp về ma túy thành tiêu chí bắt buộc khi xét tặng danh hiệu thi đua và tặng danh hiệu làng, xã, khối phố, gia đình văn hóa.
5. Các giai đoạn thực hiện Đề án
a) Giai đoạn 1: Từ tháng 11/2011 đến tháng 11/2013, nhiệm vụ của giai đoạn này:
Cấp tỉnh: Tiếp tục tập trung thực hiện các phương án, kế hoạch phối hợp lực lượng đấu tranh triệt xóa các địa bàn: Hưng Nguyên (Hưng Long - Hưng Xá, Hưng Tây); Đô Lương (thị Trấn, Đà Sơn, Đặng Sơn, Lưu Sơn); Diễn Châu (Diễn Kỷ, Diễn Hồng, Diễn Tháp, Diễn Phúc, Diễn Trung); Tương Dương (thị Trấn, Lưu Kiền, Lượng Minh, Yên Na, Yên Hoà, Yên Tĩnh, Nga My, Xiêng My, Thạch Giám, Tam Thái, Hữu Khuông, Mai Sơn); Kỳ Sơn (Mỹ Lý, Mường Lống, Chiêu Lưu, Hữu Lập); Quế Phong (xã Tri Lễ, Châu Thôn, Châu Kim, Mường Nọc, Kim Sơn, Cắm Muộn); thành phố Vinh (Cửa Nam, Đội Cung, Lê Lợi, Đông Vĩnh, Quang Trung, Hồng Sơn, Hưng Bình, Hưng Dũng, Vinh Tân, Trung Đô, Bến Thuỷ, Hưng Lộc) và các đường dây, tổ chức hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy liên tỉnh, xuyên Quốc gia.
Cấp huyện: Công an các huyện, thành phố, thị xã ngoài việc kìm giữ không để các địa bàn đã triệt xóa tái phức tạp. Trực tiếp chủ trì, tham mưu Cấp ủy, Chính quyền cùng cấp xây dựng kế hoạch, chỉ đạo triệt xóa các địa bàn các địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy loại III, các tụ điểm phức tạp còn lại đang tồn tại trên địa bàn thuộc phạm vi trách nhiệm đơn vị, địa phương mình quản lý.
b) Giai đoạn 2: Từ tháng 11/2013 đến 2015
- Tiếp tục áp dụng các biện pháp giữ vững các địa bàn đang được coi là sạch về ma túy.
- Kiên quyết không để phát sinh hoặc tái địa bàn phức tạp về ma túy sau khi đã được xoá, đảm bảo tính bền vững.
- Tiếp tục tập trung chỉ đạo xóa các địa bàn trọng điểm, phức tạp nếu chưa được xóa dứt điểm ở giai đoạn 1 hoặc các địa bàn phát sinh và tổ chức xóa địa bàn ít phức tạp do cấp huyện chủ trì triệt xoá.
6. Giao đồng chí Phó giám đốc Công an tỉnh, Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, phòng chống AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm và phụ trách phòng chống tội phạm - phòng chống ma túy trực tiếp chỉ đạo thực hiện Đề án; tổng hợp kết quả thực hiện Đề án báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh.
- Quá trình tổ chức thực hiện Đề án (từ tháng 11/2011) định kỳ 6 tháng, 1 năm các địa phương, cơ quan, ban, ngành liên quan có báo cáo sơ kết tình hình kết quả thực hiện đề án và rút kinh nghiệm. Báo cáo gửi về Bộ phận thường trực PCMT Công an tỉnh để tổng hợp tình hình, kết quả trình UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện.
- Quý 4/2013 tổ chức họp sơ kết giai đoạn 1 rút kinh nghiệm tiếp tục chỉ đạo thực hiện giai đoạn 2 và tiến hành sơ tổng kết 5 năm thực hiện Đề án vào quý 4 năm 2015.
7. Đề nghị Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy đưa vào chương trình kiểm tra hàng năm đối với các cấp ủy Đảng trong việc tổ chức thực hiện đề án. Nhất là các tổ chức Đảng ở các địa bàn phức tạp về ma túy và các cấp ủy Đảng ở các sở, ban, ngành, đoàn thể được phân công tại Đề án./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.