BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5839/QĐ-BCT | Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG THỰC HIỆN CUỘC VẬN ĐỘNG “NGƯỜI VIỆT NAM ƯU TIÊN DÙNG HÀNG VIỆT NAM” CỦA BỘ CHÍNH TRỊ
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương;
Căn cứ Thông báo Kết luận số 264-TB/TW ngày 31 tháng 7 năm 2009 của Bộ Chính trị về việc tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của Bộ Công Thương thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Các đơn vị thuộc cơ quan Bộ, Công đoàn ngành Công thương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn, tổng công ty và các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
THỰC HIỆN CUỘC VẬN ĐỘNG “NGƯỜI VIỆT NAM ƯU TIÊN DÙNG HÀNG VIỆT NAM” CỦA BỘ CHÍNH TRỊ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 5839/QĐ-BCT ngày 19 tháng 11 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)
I. MỤC TIÊU
Trong những năm vừa qua, nền kinh tế nước ta liên tục tăng trưởng với tốc độ khá cao; sản xuất trong nước ngày một đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất và tiêu dùng xã hội. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta còn bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập. Sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, giá thành nguyên vật liệu cấu thành sản phẩm, hàng hóa cao hơn các nước. Là nước có tiềm năng lớn để phát triển thị trường nội địa nhưng chưa quan tâm khai thác.
Trước đòi hỏi đưa nền kinh tế đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển nhanh, bền vững, giải quyết an sinh xã hội, ngày 31 tháng 7 năm 2009, Bộ Chính trị ra Thông báo kết luận số 264-TB/TW tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm phát huy lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam không chỉ là giải pháp mang tính chất tình thế, ngắn hạn mà còn có ý nghĩa cơ bản lâu dài, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất trong nước phát triển ngày càng nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Chương trình hành động xác minh những mục tiêu của Bộ Công Thương, thực hiện Thông báo Kết luận số 264-TB/TW ngày 31 tháng 7 năm 2009 của Bộ Chính trị như sau:
1. Phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, tinh thần tự lực tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam. Nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ quan, doanh nghiệp trong việc cải tiến chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, cải tiến chất lượng kinh doanh phục vụ, lôi cuốn người tiêu dùng Việt Nam hướng về hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam.
2. Rà soát, bổ sung, sửa đổi, tiến tới hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất, tiêu dùng trong nước, bảo vệ thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước.
3. Phát triển sâu rộng trên cả nước các hoạt động hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ như: điều tra, khảo sát thị trường, nghiên cứu nhu cầu người tiêu dùng, tổ chức mạng lưới phân phối, đưa hàng Việt về nông thôn, đô thị, khu công nghiệp và vùng sâu vùng xa.
4. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chấn chỉnh, đổi mới công tác quản lý thị trường, hải quan, thuế; quản lý và nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa đi đôi với đề cao kỷ cương pháp luật và trật tự thị trường.
II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU
Để thực hiện những nội dung trên, ngoài những nhiệm vụ đã được phân công theo chức năng và nhiệm vụ, các đơn vị thuộc cơ quan Bộ, Công đoàn ngành Công Thương, các Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn, tổng công ty và các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương tổ chức triển khai những nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
1. Đẩy mạnh công tác tổ chức thông tin, tuyên truyền, định hướng và vận động người tiêu dùng Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam, coi đó là thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng người Việt Nam.
2. Rà soát, ban hành bổ sung luật pháp, cơ chế chính sách bảo vệ sản xuất, bảo vệ thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước, không trái với quy định của WTO.
3. Hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các hoạt động liên quan đến thị trường trong nước theo các chương trình dự án, đề án được giao.
4. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường các hoạt động quản lý thị trường.
(Nhiệm vụ chủ yếu của từng đơn vị thể hiện trong kế hoạch triển khai kèm theo)
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trên cơ sở những nhiệm vụ chủ yếu trong Chương trình này và chức năng nhiệm vụ đã được phân công, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương xây dựng và triển khai chương trình cụ thể và chi tiết của mình, bảo đảm thực hiện kịp thời và hiệu quả những nội dung của Chương trình hành động của Bộ.
2. Vụ Thị trường trong nước chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan đôn đốc việc thực hiện Chương trình, định kỳ sáu tháng báo cáo Lãnh đạo Bộ, Ban chỉ đạo cuộc vận động và các cơ quan liên quan.
3. Trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình hành động này, nếu cần sửa đổi, bổ sung, Thủ trưởng các đơn vị chủ động báo cáo Lãnh đạo Bộ, Ban chỉ đạo cuộc vận động xem xét, quyết định./.
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CUỘC VẬN ĐỘNG “NGƯỜI VIỆT NAM ƯU TIÊN DÙNG HÀNG VIỆT NAM”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 5839/QĐ-BCT ngày 19 tháng 11 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)
Nhiệm vụ | Đơn vị chủ trì | Đơn vị phối hợp | Thời hạn |
1. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền |
|
|
|
a. Trách nhiệm, vai trò của doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Thực hiện các cam kết bảo vệ người tiêu dùng. | Các báo, tạp chí thuộc Bộ. | - Các đơn vị thuộc cơ quan Bộ; - Viện Nghiên cứu Thương mại; - Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách Công nghiệp; - Cục Quản lý Cạnh tranh; - Sở Công thương Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. | Thường xuyên, bắt đầu từ 2009 đến khi kết thúc cuộc vận động. |
b. Phát động phong trào hưởng ứng “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tạo đà cho các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, người tiêu dùng nhận thức đúng đắn về chất lượng hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam | - Công đoàn ngành Công thương. - Các báo, tạp chí thuộc Bộ | Các đơn vị liên quan | Thường xuyên, bắt đầu 2009 đến khi kết thúc cuộc vận động |
c. Tổ chức các cuộc hội thảo, các chương trình tôn vinh doanh nghiệp sản xuất, phân phối sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước được người tiêu dùng ưa chuộng và đạt doanh thu cao. | Vụ Thị trường trong nước | - Văn phòng ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế; - Cục Xúc tiến Thương mại; - Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương | Thường xuyên, bắt đầu từ 2009 đến khi kết thúc cuộc vận động |
2. Rà soát, bổ sung, ban hành luật pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng trong nước, bảo vệ người tiêu dùng, không trái với quy định của tổ chức thương mại thế giới (WTO) |
|
|
|
a. Phối hợp giữa các cơ quan trong và ngoài Bộ nghiên cứu chính sách bảo hộ hợp lý một số mặt hàng sản xuất trong nước, phù hợp với các cam kết quốc tế. | - Vụ Thị trường trong nước; - Vụ Xuất nhập khẩu; - Vụ Công nghiệp nặng; - Vụ Công nghiệp nhẹ; - Vụ Năng lượng. | - Vụ Pháp chế; - Vụ Đa biên; - Văn phòng Ủy ban quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế. | Theo tiến độ của Bộ và các đơn vị liên quan |
b. Tham gia phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ xác định khối lượng, giá trị, chủng loại nguyên nhiên vật liệu và hàng hóa nhập khẩu có thể thay thế bằng hàng hóa sản xuất trong nước. | Vụ Xuất nhập khẩu | - Vụ Công nghiệp nặng; - Vụ Công nghiệp nhẹ; - Vụ Năng lượng; - Cục Công nghiệp địa phương. | Theo tiến độ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. |
c. Rà soát sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về ưu đãi, hỗ trợ sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước, thay thế các trợ cấp phải loại bỏ theo cam kết gia nhập WTO. | Vụ Pháp chế | Các đơn vị liên quan | Theo kế hoạch triển khai chi tiết do đơn vị xây dựng. |
d. Nghiên cứu chính sách hỗ trợ xây dựng văn hóa doanh nghiệp, cải tiến công nghệ, kỹ năng kinh doanh, chế độ hậu mãi, chăm sóc khách hàng … nhằm gia tăng hiệu quả kinh doanh. | Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương | Các đơn vị liên quan | Theo tiến độ các đơn vị liên quan. |
e. Nghiên cứu, dự báo những mặt hàng Việt Nam có thể sản xuất được trong thời gian tới, tối đa hóa sử dụng nguyên vật liệu, trang thiết bị, công nghệ và lao động trong nước, hạn chế tối đa hàng nhập khẩu trong các chương trình, dự án sử dụng nguồn ngân sách nhà nước. | - Viện nghiên cứu chiến lược và chính sách Công nghiệp; - Các tập đoàn, tổng công ty và các công ty trực thuộc Bộ | Các đơn vị liên quan | Theo kế hoạch triển khai chi tiết do đơn vị xây dựng |
g. Rà soát, nghiên cứu và đề xuất các ý kiến bổ sung cho việc xây dựng cơ chế, chính sách bảo vệ người tiêu dùng trong nước, sản xuất trong nước không trái với quy định của WTO, khuyến khích tiêu dùng trong nhân dân | Cục Quản lý thị trường. | - Cục Quản lý cạnh tranh; - Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị liên quan. | Theo kế hoạch triển khai chi tiết do các đơn vị xây dựng |
h. Phối hợp đánh giá lại quá trình sản xuất, tiêu thụ hàng hóa. Kiểm soát chặt chẽ những hàng hóa không rõ xuất xứ. Nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ nông dân mua máy móc nông cụ sản xuất trong nước thông qua việc cho vay vốn ưu đãi phù hợp với cam kết gia nhập WTO. | - Vụ Thị trường trong nước; - Cục Quản lý thị trường. | Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương | Theo kế hoạch triển khai chi tiết do đơn vị xây dựng |
3. Hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường trong nước |
|
|
|
a. Đề xuất việc ban hành các cơ chế tài trợ cho các chương trình, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, chú trọng hỗ trợ đổi mới, phát triển sản phẩm có tính cạnh tranh cao, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. | - Cục Quản lý cạnh tranh; - Cục Công nghiệp địa phương. - Cục Xúc tiến Thương mại. | - Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Các doanh nghiệp vừa và nhỏ; - Các đơn vị liên quan. | Theo tiến độ triển khai chi tiết do đơn vị xây dựng |
b. Phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, chỉ đạo triển khai có hiệu quả cao Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước năm 2009, trên cơ sở đó xây dựng thành chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước hàng năm. | Vụ Thị trường trong nước | Các đơn vị liên quan. | Theo tiến độ của Bộ và Bộ Tài chính |
c. Nghiên cứu, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ ngành liên quan sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư nhằm phát triển hạ tầng thương mại, đặc biệt tại các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa. | - Vụ Thị trường trong nước; - Vụ Thương mại miền núi. | Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. | Theo tiến độ của Bộ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
4. Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính |
|
|
|
a. Nghiên cứu, ban hành hướng dẫn hoạt động chi tiêu của đơn vị, cá nhân trong Bộ hưởng ứng cuộc vận động. | Văn phòng Bộ |
| Năm 2009, 2010 |
b. Tiếp tục rà soát hệ thống giấy phép, điều kiện, thủ tục cấp phép, đảm bảo công khai, minh bạch và đơn giản hóa thủ tục, giảm gánh nặng chi phí cho các doanh nghiệp. | - Vụ Xuất nhập khẩu; - Các đơn vị thuộc cơ quan Bộ. | Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan. | Theo tiến độ triển khai chi tiết do đơn vị xây dựng. |
c. Phối hợp với Bộ Tài chính rà soát các quy định liên quan đến chính sách thuế, thủ tục hải quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi mở rộng thị trường nội địa. | - Vụ Thị trường trong nước; - Vụ Thương mại miền núi; - Vụ Xuất nhập khẩu. | Các đơn vị liên quan. | Theo tiến độ của Bộ Tài chính |
d. Phối hợp với Bộ Y tế và các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý thị trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng, chống hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc trên thị trường. | - Cục Quản lý thị trường; - Vụ Công nghiệp nhẹ; - Vụ Thị trường trong nước. | Các đơn vị liên quan. | Theo tiến độ của Bộ, Bộ Y tế và các đơn vị liên quan. |
e. Tăng cường theo dõi, tổng kết và đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30/2008/NQ-CP về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. | - Các đơn vị trực thuộc cơ quan Bộ; - Các sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương | Các đơn vị liên quan | Theo kế hoạch triển khai chi tiết do đơn vị xây dựng. |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.