ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 58/2014/QĐ-UBND | Phan Rang - Tháp Chàm, ngày 13 tháng 8 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004;
Căn cứ Luật Du lịch năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch;
Căn cứ Nghị định số 180/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch;
Căn cứ Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về việc quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và quảng cáo;
Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch Ninh Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 971/TTr-SVHTTDL ngày 21 tháng 7 năm 2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp quản lý hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 58/2014/QĐ-UBND ngày 13 tháng 8 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
a) Hành vi nghiêm cấm;
b) Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan đến hoạt động kinh doanh du lịch;
c) Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm;
2. Đối tượng áp dụng: các tổ chức, cá nhân và cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan đến hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Dịch vụ du lịch là việc cung cấp các dịch vụ về lữ hành, vận chuyển, lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, thông tin, hướng dẫn và những dịch vụ khác nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
2. Bán hàng rong là hoạt động bán hàng hoá, dịch vụ không có điểm cố định và được thực hiện trên dụng cụ, phương tiện bán hàng di động.
3. Đeo bám, chèo kéo khách du lịch là hoạt động quấy rối khách du lịch thông qua việc giới thiệu hàng hoá, dịch vụ trái với sở thích và gây phiền nhiễu cho khách du lịch.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH DU LỊCH
Điều 3. Những hành vi bị nghiêm cấm
1. Làm phương hại đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.
2. Xây dựng công trình du lịch không theo quy hoạch đã được công bố.
3. Sử dụng tư cách pháp nhân của tổ chức khác hoặc cho người khác sử dụng tư cách pháp nhân của mình để hoạt động kinh doanh trái pháp luật.
4. Kinh doanh du lịch không có giấy phép, không có đăng ký kinh doanh hoặc kinh doanh không đúng ngành, nghề, phạm vi kinh doanh.
5. Phân biệt đối xử với khách du lịch; các hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp thu lợi bất chính từ khách du lịch.
6. Ăn xin, bán hàng rong, chèo kéo tranh giành khách, ép khách mua hàng hoá, dịch vụ kém chất lượng, tùy tiện nâng giá hàng hoá, dịch vụ cao hơn giá đã kê khai, đăng ký và niêm yết.
7. Bán hàng hoá, dịch vụ hoặc cho các tổ chức, cá nhân thuê địa điểm bán hàng hoá, dịch vụ trái với quy định của nhà nước.
8. Xả rác, chất thải, bùn đất, dầu, nhớt trực tiếp ra môi trường.
9. Gây tác hại đến nguồn lợi tự nhiên và môi trường sống của các loài.
10. Xâm hại tài nguyên du lịch, các hệ sinh thái: san hô, bãi triều, hệ sinh thái đáy, hệ sinh thái trên các đảo.
11. Khai thác thủy sản bằng cách sử dụng chất nổ, xung điện, hoá chất, cào, đào xới đáy biển khai thác thủy sản.
Điều 4. Quy định đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh vận chuyển khách du lịch
Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch ngoài việc chấp hành các quy định tại Điều 3 của Quy chế này phải chấp hành các quy định sau:
1. Đối với hoạt động kinh doanh vận chuyển khách du lịch bằng đường bộ:
a) Kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn của xe trước khi khởi hành;
b) Có thái độ văn minh, lịch sự, hướng dẫn hành khách ngồi đúng nơi quy định;
c) Có biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản của hành khách đi xe, giữ gìn trật tự, vệ sinh trong xe;
d) Cho thuê xe phải có hợp đồng bằng văn bản cụ thể với khách, hợp đồng thể hiện rõ hành trình, tuyến, điểm tham quan, giá, dịch vụ, không thay đổi hành trình, dịch vụ, … khi chưa có sự đồng ý của khách;
đ) Thực hiện nghiêm các quy định của cơ quan quản lý cảng, bến, điểm tham quan, điểm du lịch, khu vực công cộng, khu di tích, bảo tàng;
e) Hướng dẫn viên du lịch phải đảm bảo đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 73 Luật Du lịch năm 2005.
2. Đối với hoạt động kinh doanh vận chuyển khách du lịch bằng đường thủy nội địa:
a) Kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn của ca nô kéo diều, ca nô lướt ván, tàu đáy kính và tàu chở khách trước khi rời bến;
b) Có thái độ văn minh, lịch sự, hướng dẫn hành khách ngồi đúng nơi quy định;
c) Trang bị đầy đủ 100% áo phao cứu sinh cho du khách. Niêm yết nội quy phương tiện (áp dụng cho hành khách), bảng hướng dẫn sử dụng trang thiết bị cứu sinh, cứu hoả tại những nơi dễ thấy trên phương tiện; đối với phương tiện vận tải không thể niêm yết trên phương tiện được thì phải niêm yết tại cầu cảng (hoặc bến tàu). Phải thu gom rác thải, dầu thải, nước thải và xả thải đúng nội quy, quy định. Tàu vận chuyển khách tham quan du lịch phải có nhà vệ sinh, giỏ thu gom rác thải;
d) Vận chuyển khách tham quan đúng theo chương trình, tuyến điểm và thời gian tham quan đã được ký kết hợp đồng với khách du lịch;
đ) Nghiêm cấm việc đưa khách đến các khu vực cấm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép trừ các trường hợp khẩn cấp, cứu nạn hoặc bất khả kháng;
e) Nghiêm cấm việc tranh giành, chèo kéo khách giữa các phương tiện tàu, thuyền vận chuyển khách tham quan;
g) Việc niêm yết giá phải được thực hiện công khai, rõ ràng trên từng tàu, thuyền du lịch. Giá niêm yết phải đúng với giá đã kê khai với cơ quan chức năng;
h) Không được để các phương tiện khác đeo bám vào phương tiện của mình để mua bán hàng hoá, dịch vụ, trừ các trường hợp khẩn cấp, cứu nạn;
i) Thực hiện nghiêm các nội quy, quy định của cơ quan quản lý cảng, bến, điểm tham quan, điểm du lịch;
k) Hướng dẫn viên du lịch phải đảm bảo đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 73 Luật Du lịch năm 2005.
Chương III
TỔ CHỨC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH DU LỊCH
Điều 5. Nguyên tắc và trách nhiệm quản lý
1. Nguyên tắc quản lý:
Công tác quản lý hoạt động kinh doanh du lịch được thực hiện theo địa giới hành chính và theo ngành, lĩnh vực.
Tùy tình hình thực tế, quy mô, tính đặc thù riêng của các khu, điểm du lịch, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thành lập các tổ, đội, Ban quản lý nhằm triển khai thực hiện tốt Quy chế này.
2. Trách nhiệm quản lý:
a) Giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trong trường hợp xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật và Quy chế này thuộc phạm vi quản lý;
b) Người đại diện trước pháp luật của các tổ chức, cá nhân có hoạt động, kinh doanh du lịch: chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ phạm vi vùng đất, vùng nước, trong các cơ sở kinh doanh, trên các tàu, ôtô du lịch được giao quản lý; phối hợp với cơ quan chức năng trong việc quản lý các vấn đề về hoạt động kinh doanh du lịch trong phạm vi quản lý.
Điều 6. Phân công trách nhiệm
1. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch:
a) Là cơ quan thường trực, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp phối hợp quản lý hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn và đôn đốc các địa phương, cơ quan liên quan, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện Quy chế này; định kỳ tổng hợp kết quả báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh;
b) Chỉ đạo Đoàn kiểm tra liên ngành (đã được thành lập theo Quyết định số 2670/QĐ-UBND ngày 12 tháng 11 năm 2013) tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chấn chỉnh các hành vi vi phạm Quy chế này vào thời điểm lễ, hội, Tết, tháng cao điểm du lịch, tại các bến xe, nhà ga, khu, điểm du lịch tập trung đông khách; đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý, xử phạt các hành vi vi phạm Quy chế này theo quy định của pháp luật.
Đoàn kiểm tra liên ngành là cơ quan đầu mối tiếp nhận các thông tin phản ánh các hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh du lịch, các khiếu nại của khách du lịch; có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, ngăn chặn, xử lý và báo cáo kết quả về Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời chỉ đạo;
c) Thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức du lịch cộng đồng, về môi trường du lịch, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong cộng đồng dân cư; trong các doanh nghiệp du lịch;
d) Hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch triển khai các giải pháp nhằm bảo vệ an toàn cho du khách; tăng cường áp dụng hệ thống tiêu chuẩn ngành; đánh giá và quản lý chất lượng ngành du lịch tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; tuyên truyền, phổ biến và thực hiện công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm ăn uống đạt chuẩn…;
đ) Hàng năm vào tháng 5 và tháng 10 gửi danh sách lái xe và nhân viên phục vụ trên xe đã hoàn thành tập huấn nghiệp vụ du lịch đến Sở Giao thông Vận tải để phối hợp quản lý.
2. Sở Công Thương: chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường chủ động phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các đơn vị và địa phương có liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định về đăng ký kinh doanh, niêm yết giá bán và bán theo giá niêm yết, quy định về ghi nhãn hàng hoá, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, … đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
3. Sở Giao thông Vận tải:
a) Chủ trì, hướng dẫn, kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh phương tiện vận chuyển khách du lịch thực hiện Quy chế này;
b) Chỉ đạo các cơ quan quản lý bến tàu, bến xe ôtô xây dựng các phương án, quy định để quản lý, ngăn chặn các hành vi làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh du lịch tại khu vực, vùng nước của cảng bến;
c) Chỉ đạo, hướng dẫn các nhà ga, bến xe tuyên truyền cho cán bộ, nhân viên và hành khách nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng; tăng cường các phương tiện kỹ thuật, thông tin hỗ trợ; chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát, nâng cao chất lượng phương tiện, dịch vụ vận tải hành khách, bảo đảm an toàn cho khách du lịch khi tham gia giao thông, đặc biệt chú trọng đối với giao thông đường bộ và đường thủy nội địa;
d) Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm các quy định về vận chuyển khách như: phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật; chở quá số người quy định; đón, trả khách không đúng nơi quy định; dùng xe hợp đồng vận chuyển khách du lịch hoặc vận chuyển khách nhưng không có hợp đồng vận chuyển với hành khách. Kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo, tăng giá, ép khách đối với chủ các phương tiện tham gia vận chuyển khách du lịch;
đ) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan khảo sát, đặt biển báo để xe ôtô vận chuyển khách du lịch được ưu tiên nơi dừng đỗ để đón, trả khách du lịch tại bến xe, nhà ga, sân bay, bến cảng, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2011/TTLT-BVHTTDL-BGTVT ngày 26 tháng 01 năm 2011 quy định về vận chuyển khách du lịch bằng ôtô và cấp biển hiệu cho xe ôtô vận chuyển khách du lịch.
Thường xuyên phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho nhân viên phục vụ, lái xe ôtô vận chuyển khách du lịch, taxi; tháng 5 và tháng 10 hàng năm gửi Thống kê số lượng phương tiện đã cấp biển hiệu xe ôtô vận chuyển khách du lịch đến Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch để phối hợp quản lý;
e) Có kế hoạch thường xuyên duy trì, nâng cấp, bảo dưỡng các tuyến đường giao thông dẫn đến các khu, điểm du lịch.
4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
a) Phối hợp và hướng dẫn các địa phương, đơn vị, tổ chức có liên quan thực hiện việc tập trung các đối tượng lang thang, ăn xin vào cơ sở bảo trợ xã hội để quản lý tạm thời hoặc trả về địa phương;
b) Chủ trì việc đề xuất chính sách về an sinh xã hội cho các đối tượng lang thang, ăn xin; biện pháp chuyển đổi nghề đối với người bán hàng rong...
5. Sở Thông tin và Truyền thông:
a) Chủ trì, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Ninh Thuận và các cơ quan truyền thông có kế hoạch thông báo rộng rãi nội dung Quy chế này tại các khu vực công cộng như nhà ga, bến xe, khu du lịch, điểm du lịch, chợ, siêu thị; trên các phương tiện thông tin đại chúng như website, trên các ấn phẩm quảng bá du lịch, báo chí, truyền hình, … gắn với việc công bố danh sách tên, địa chỉ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch của địa phương; thông tin về các cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, dịch vụ ăn uống đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, phương tiện đủ điều kiện vận chuyển khách du lịch;
b) Công bố các vi phạm của tổ chức, cá nhân lên các phương tiện thông tin đại chúng.
6. Sở Tài chính:
a) Hướng dẫn, đôn đốc các tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng, dịch vụ thuộc đối tượng phải đăng ký giá, kê khai giá thực hiện kê khai giá, đăng ký giá theo quy định. Thực hiện rà soát, kiểm tra hồ sơ đăng ký giá, kê khai giá;
b) Tổ chức kiểm tra, xử lý các quy định về giá, phí, lệ phí theo thẩm quyền.
7. Sở Kế hoạch và Đầu tư: chủ trì, kiểm tra việc cấp, quản lý các doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh liên quan đến du lịch; thông báo cho Sở Giao thông Vận tải và Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch khi có doanh nghiệp được cấp giấy đăng ký kinh doanh liên quan đến lĩnh vực du lịch để phối hợp quản lý.
8. Công an tỉnh: chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Công an các địa phương tham mưu hướng dẫn và trực tiếp phối hợp với các ngành có liên quan, phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh kịp thời các hành vi vi phạm về an ninh trật tự trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh du lịch.
9. Đề nghị Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh:
a) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường tuần tra, kiểm soát các phương tiện hoạt động kinh doanh thể thao, giải trí trên biển, phối hợp với các ngành có liên quan chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện và đấu tranh có hiệu quả các hành vi vi phạm về an ninh, trật tự trong hoạt động kinh doanh du lịch và các hoạt động thể thao, giải trí trên biển;
b) Phối hợp, liên kết với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hoà, Bình Thuận để hướng dẫn các tàu thuyền du lịch của tỉnh Khánh Hoà và Bình Thuận đưa du khách đến các điểm tham quan của tỉnh Ninh Thuận thực hiện tốt Quy chế này.
10. Ban Quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa và Vườn quốc gia Phước Bình:
a) Chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan chức năng quản lý, kiểm tra, xử lý các vấn đề về hoạt động kinh doanh du lịch trong phân khu được giao quản lý theo quy định Nhà nước; kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng các vi phạm để áp dụng các biện pháp ngăn chặn;
b) Chủ trì việc tổ chức tuyên truyền, vận động cộng đồng dân cư, tổ chức ký cam kết với cộng đồng dân cư dân thực hiện các quy định của nhà nước và các quy định của Quy chế này;
c) Công bố các nội quy, quy định của vườn, nội dung của quy chế này tại địa bàn do Vườn quản lý nhằm hướng dẫn các tổ chức, cá nhân và du khách thực hiện tốt Quy chế này.
11. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan có biện pháp xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm được quy định tại Điều 3 của Quy chế này;
b) Chủ trì việc tổ chức ký cam kết với các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch trong việc thực hiện quy định của nhà nước và quy định của Quy chế này;
c) Tổ chức đặt các biển cấm bán hàng rong, đeo bám tại các khu vực công viên, khu vực công cộng; quy hoạch quản lý các điểm bán hàng, tại các khu du lịch, khu vực công cộng;
d) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân nhằm xây dựng phong cách ứng xử văn minh, lịch sự, đảm bảo an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường để phát triển du lịch;
đ) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện các quy định của nhà nước có liên quan và quy định tại Quy chế này; phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn.
Điều 7. Công tác phối kết hợp
1. Cơ quan được phân công trách nhiệm thực hiện tại Điều 6 Quy chế này có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan trong việc thực hiện các biện pháp quản lý Nhà nước về lĩnh vực hoạt động kinh doanh du lịch trong phạm vi địa bàn, khu vực đã được phân công. Các cơ quan chức năng liên quan có trách nhiệm tham gia phối hợp để kiểm tra, xử lý các vi phạm và giải quyết các vấn đề có liên quan.
2. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, các cơ quan quản lý các khu, điểm du lịch, di tích, … có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng để tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh du lịch của khu vực được giao quản lý, khai thác theo đúng quy định pháp luật và theo Quy chế này.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Tổ chức thực hiện
1. Các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy chế này theo chức năng, nhiệm vụ đã được giao. Định kỳ hàng 6 tháng, năm, báo cáo tình hình về Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Trong quá trình triển khai thực hiện Quy chế, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, các đơn vị phản ánh bằng văn bản về Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.