NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC TRUNG ƯƠNG
| VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
|
Số: 575-QĐ | Hà Nội, ngày 07 tháng 11 năm 1964 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH BẢN THỂ LỆ CHO VAY THU MUA LƯƠNG THỰC
TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Căn cứ nghị định số 171-CP ngày 26-10-1961 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Để cải tiến công tác cho vay thu mua lương thực nhằm tăng cường kỷ luật tín dụng, tăng cường quản lý tiền mặt tạo điều kiện cho ngành lương thực hoàn thành tốt kế hoạch thu mua của Nhà nước.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. - Nay ban hành kèm theo quyết định này, bản thể lệ cho vay thu mua lương thực để thay thế biện pháp tạm thời cho vay thu mua đối với các tổ chức thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán ban hành ngày 17-4-1962 về phần cho vay thu mua lương thực.
Điều 2. - Bản thể lệ này được áp dụng kể từ vụ thu mua vụ mùa năm 1964.
Điều 3. - Các ông Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục cho vay thương nghiệp, Vụ trưởng Vụ Phát hành Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm thi hành quyết định này.
| TỔNG GIÁM ĐỐC |
THỂ LỆ CHO VAY THU MUA LƯƠNG THỰC
(Ban hành kèm theo quyết định số 575-QĐ ngày 07-11-1964)
ĐIỀU KHOẢN CHUNG
Mục A - Mục đích cho vay:
Điều 1. - Thể lệ cho vay thu mua lương thực này nhằm mục đích:
a) Giúp các cửa hàng thu mua lương thực thanh toán đầy đủ và kịp thời tiền thu mua, tạo điều kiện cho ngành lương thực hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch thu mua lương thực của Nhà nước.
b) Thúc đẩy các cửa hàng thu mua lương thực nộp các chứng từ đã thu mua được vào Ngân hàng nhanh và đều đặn.
c) Giúp Ngân hàng kiểm soát được chặt chẽ tiến trình thu mua của các cửa hàng lương thực, thực hiện được nguyên tắc cho vay theo chứng từ nhập kho, tăng cường kỷ luật tín dụng, ngăn chặn việc sử dụng vốn sai mục đích.
Mục B –Điều kiện để cho vay:
Điều 2. - Để phục vụ kịp thời cho công tác thu mua lương thực, các Chi điếm Ngân hàng được trực tiếp cho vay thu mua đối với các Phòng Lương thực huyện chưa hạch toán kinh tế độc lập với điều kiện dưới đây:
a) Sở hay Ty Lương thực phải có giấy ủy nhiệm cho các Phòng Lương thực được trực tiếp vay vốn tại Chi điếm Ngân hàng để thu mua.
b) Trước vụ thu mua một tháng Sở hay Ty Lương thực phải lập kế hoạch thu mua cho tất cả các Phòng Lương thực trong tỉnh gửi cho Chi nhánh Ngân hàng để chuẩn bị vốn phân phối cho các Chi điếm. (Kế hoạch lập theo mẫu số 1 kèm theo) ([1]).
c) Trước vụ thu mua 20 ngày Phòng Lương thực huyện phải gửi cho Chi điếm Ngân hàng hai bảng kế hoạch sau đây để Chi điếm Ngân hàng chuẩn bị vốn và tiền mặt cho từng cửa hàng thu mua:
- Một là kế hoạch thu mua cho từng cửa hàng (làm theo mẫu số 1).
- Hai là kế hoạch xin vay trước một số tiền mặt để dự trữ thường xuyên tại quỹ thu mua làm vốn luân chuyển thu mua cho từng cửa hàng theo từng giai đoạn thu mua: đầu vụ, giữa vụ, cuối vụ (lập theo mẫu số 2 kèm theo) (2).
d) Các Phòng Lương thực và Cửa hàng Lương thực phải chịu sự kiểm soát của Chi điếm Ngân hàng và thường xuyên báo cáo kết quả thu mua cho Chi điếm Ngân hàng.
e) Cuối vụ thu mua phải thanh toán trả hết các khoản tiền vay thu mua cho Ngân hàng.
Mục C – Đối tượng cho vay:
Điều 3. - Đối tượng được vay là những sản phẩm về lương thực chính và phụ như thóc, ngô, khoai, sắn v.v… mà ngành lương thực có nhiệm vụ thu mua theo kế hoạch của Nhà nước.
Mục D - Mở tài khoản cho vay:
Điều 4. – Căn cứ vào giấy ủy nhiệm của Sở hay Ty Lương thực, kèm theo mẫu dấu và chữ ký của người phụ trách Phòng Lương thực (trưởng phòng và kế toán trưởng) Chi điếm Ngân hàng mở cho mỗi Phòng Lương thực một “tiểu khoản cho vay thu mua” nằm trong “tài khoản cho vay thu mua” của Sở, Ty Lương thực (lấy số hiệu tài khoản của Sở, Ty). Còn đối với từng cửa hàng thu mua thì cán bộ tín dụng phải mở sổ theo dõi riêng.
Chương 2
PHƯƠNG PHÁP CHO VAY VÀ THU NỢ BẰNG TIỀN MẶT
Mục A – Cho vay trước một số tiền mặt để làm quỹ thu mua theo từng giai đoạn thu mua:
Điều 5. - Bắt đầu vào vụ thu mua Chi điếm Ngân hàng căn cứ vào đơn xin vay của Phòng Lương thực huyện, có thể giao trực tiếp cho từng cửa hàng thu mua lương thực một số tiền mặt để làm quỹ thu mua đảm bảo cho việc thu mua hàng ngày không bị gián đoạn.
Điều 6. - Mức tiền mặt cho từng cửa hàng thu mua lương thực vay trước trong từng giai đoạn thu mua được tính toán theo công thức sau đây:
Số ngày dự trữ tiền mặt cần thiết để thu mua trong một định kỳ luân chuyển gồm:
- Số ngày giữa hai kỳ các cửa hàng đến Chi điếm nộp chứng từ để vay tiền.
- Số ngày một lần đi và về để thanh toán chứng từ và vay tiền.
- Số ngày dự phòng.
Các số ngày nói trên nhiều hay ít là tùy theo cửa hàng thu mua ở xa hay gần Chi điếm Ngân hàng, cho nên phải căn cứ vào tình hình cụ thể mà Chi điếm Ngân hàng và Phòng Lương thực cùng nhau thảo luận để tính toán quy định mức tiền để làm quỹ thu mua cho thích hợp.
Ví dụ: Số lượng tiền mặt phải trả bình quân trong một ngày thu mua của cửa hàng A trong giai đoạn đầu vụ là 1.000đ, cửa hàng đó ở cách xa Chi điếm 20 cây số, thì số ngày dự trữ tiền mặt cần thiết cho thu mua trong một định kỳ luân chuyển có thể bằng:
- Số ngày giữa hai kỳ các cửa hàng nộp chứng từ thu mua và lĩnh tiền mặt là: 3 ngày.
- Số ngày một lần đi và về để thanh toán và vay là: 2 ngày
- Số ngày dự phòng: 1 ngày
Cộng là : 6 ngày
Như vậy cửa hàng A được Chi điếm cho vay trước một số tiền mặt là 1.000đ x 6 ngày = 6.000 đồng để dự trữ thường xuyên tại quỹ thu mua trong giai đoạn đầu vụ.
Điều 7. - Muốn nhận được tiền vay Phòng Lương thực phải căn cứ vào định mức dự trữ tiền mặt thường xuyên tại quỹ thu mua của từng cửa hàng lương thực theo quy định ở điều 6 để phát hành cho mỗi cửa hàng một “tờ séc lĩnh tiền mặt” để đến vay tiền mặt ở Chi điếm Ngân hàng, (trên tờ séc phải có dấu và chữ ký của Trường Phòng Lương thực đúng với mẫu của Sở, Ty Lương thực đã đăng ký ở Ngân hàng).
Điều 8. – Khi phát tiền cho vay cán bộ tín dụng phải mở sổ theo dõi riêng cho từng cửa hàng lương thực và cán bộ kế toán hành tự:
Nợ: Cho vay thu mua.
Có: Tiền mặt.
Mục B - Thủ tục khi tiếp tục cho vay theo các chứng từ đã thu mua bằng tiền mặt và điều chỉnh mức tiền mặt làm quỹ thu mua:
Điều 9. - Muốn được Ngân hàng cho vay để bù đắp lại số tiền mặt của quỹ thu mua bị giảm xuống do đã trả tiền thu mua lương thực được thì cửa hàng lương thực lập vốn liên bảng kê số lượng và giá trị lương thực đã thu mua bằng tiền mặt, giữ lại một liên còn ba liên đính theo biên lai thu mua đưa đến Phòng Lương thực huyện xác nhận và lấy “séc lĩnh tiền mặt” của Phòng sang Chi điếm Ngân hàng vay tiền.
Điều 10. - Số tiền ghi trên tờ “séc lĩnh tiền mặt” phải bằng tổng số tiền trên bảng kê của các chứng từ thu mua bằng tiền mặt (trừ trường hợp cửa hàng xin điều chỉnh mức tiền mặt làm quỹ thu mua do trước đây quy định không sát hay do thay đổi giai đoạn thu mua”.
Điều 11. – Sau khi cán bộ tín dụng kiểm soát, đối chiếu giữa bảng kê chứng từ và “tờ séc lĩnh tiền mặt” thấy đúng thì đóng dấu “Cho vay” lên góc bên trái của tờ séc, rồi chuyển tờ séc cùng với chứng từ và bảng kê thu mua bằng tiền mặt cho bộ phận kế toán.
Cán bộ kế toán căn cứ vào tờ séc lĩnh tiền mặt hành tự:
Nợ: Cho vay thu mua.
Có: Tiền mặt.
Và giữ lại bảng kê cùng chứng từ thu mua để đến cuối ngày hành tự thu nợ cho vay thu mua một lần.
Điều 12. – Yêu cầu tiền mặt để làm quỹ thu mua của từng giai đoạn đầu vụ, giữa vụ và cuối vụ thu mua của từng cửa hàng có khác nhau cho nên khi chuyển từ giai đoạn thu mua có mức tiền mặt thấp (ví dụ: đầu vụ mức tiền mặt cần thiết là 6.000đ) sang giai đoạn thu mua có mức tiền mặt cao (ví dụ mức tiền mặt cần thiết cho giữa vụ là 10.000đ) thì Ngân hàng sẽ cho vay bổ sung thêm cho phù hợp với yêu cầu tiền mặt của giai đoạn mới. Số tiền mặt phải cho vay thêm này bằng số chênh lệch định mức tiền mặt của quỹ thu mua giữa hai giai đoạn, (theo ví dụ trên là 10.000đ – 6000đ = 4.000đ).
Điều 13. – Khi cho vay cán bộ tín dụng phải ghi số tiền mặt cho vay thêm này vào sổ theo dõi để tăng mức tồn quỹ thu mua cho cửa hàng.
Điều 14. - Trường hợp cửa hàng kết hợp việc vay thêm tiền mặt để tăng định mức tồn quỹ thu mua với việc thanh toán các chứng từ đã thu mua bằng tiền mặt thì số tiền mặt cho vay thêm sẽ bằng số chênh lệch giữa mức tiền mặt của giai đoạn cao so với giai đoạn thấp (ví dụ trên là 4.000đ) cộng với tổng số tiền trên các chứng từ đã thu mua bằng tiền mặt.
Ví dụ: Đến hết giai đoạn đầu vụ thu mua, cửa hàng lương thực mang nộp vào Ngân hàng bảng kê kèm theo biên lai thu mua bằng tiền mặt tổng số tiền là 3000đ cùng với một tờ séc lĩnh tiền mặt là 7000đ. (số tiền 7000đ là bao gồm 4000đ được vay thêm do thay đổi định mức tiền mặt tại quỹ thu mua cộng (+) với 3000đ giá trị các chứng từ đã thu mua bằng tiền mặt). Muốn được vay thêm 4000đ Phòng Lương thực phải làm đơn xin vay điều chỉnh mức tiền mặt cho cửa hàng đó.
Điều 15. – Sau khi cán bộ tín dụng kiểm soát và làm đầy đủ thủ tục như đã hướng dẫn ở điều 11 thì cán bộ kế toán hành tự:
Nợ: Cho vay thu mua
Có: Tiền mặt
Và giữ lại bảng kê với chứng từ thu mua của số tiền 3000đ để cuối ngày hành tự thu nợ về cho vay thu mua.
Điều 16. - Trường hợp trong cùng một giai đoạn thu mua nếu có sự xin điều chỉnh kế hoạch để tăng định mức quỹ tiền mặt thu mua cho phù hợp với thực tế thì cũng làm thủ tục như trên.
Điều 17. – Khi chuyển từ giai đoạn thu mua có mức quỹ tiền mặt cao (ví dụ giai đoạn giữa vụ thu mua có mức quỹ thu mua 10.000đ) sang giai đoạn thu mua có mức quỹ tiền mặt thấp (ví dụ giai đoạn cuối vụ mức quỹ tiền mặt cần thiết chỉ cần 3000đ) thì Ngân hàng sẽ thu hồi bớt số tiền mặt đã cho vay về.
Số tiền mặt được rút bớt về bằng số chênh lệch của định mức quỹ tiền mặt giữa hai giai đoạn (theo ví dụ trên là 10.000đ – 3000đ = 7000đ).
Điều 18. – Khi thu nợ bớt về cán bộ tín dụng phải ghi vào sổ theo dõi để giám định mức tiền mặt làm quỹ thu mua cho cửa hàng.
Điều 19. - Trường hợp cửa hàng lương thực trả nợ bằng các chứng từ thu mua bằng tiền mặt mà tổng số tiền trên các chứng từ đó lại nhiều hơn số tiền mặt phải thu hồi bớt về thì Ngân hàng sẽ cho vay lại số tiền trả thừa bằng chứng từ đó.
Ví dụ: đến hết giai đoạn giữa vụ thu mua cửa hàng lương thực đem nộp vào Ngân hàng bảng kê kèm theo các biên lai thu mua bằng tiền mặt tổng số tiền là 9000đ cùng với một tờ séc tiền mặt với số tiền là 2000đ (số tiền 2000đ là kết quả của tổng giá trị các chứng từ thu mua bằng tiền mặt 9000đ trừ đi 7000đ của quỹ tiền mặt thu mua phải thu bớt về).
Điều 20. – Sau khi cán bộ tín dụng kiểm soát các chứng từ và làm đầy đủ thủ tục như đã hướng dẫn ở điều 11, cán bộ kế toán hành tự:
Nợ: Cho vay thu mua 2000đ;
Có: Tiền mặt 2000đ;
Và giữ lại bảng kê cùng chứng từ thu mua 9000đ để cuối ngày hành tự thu nợ về cho vay thu mua.
Mục C - Thủ tục thu nợ:
Điều 21. - Cuối mỗi ngày cán bộ kế toán của Chi điếm sử dụng các bảng kê và biên lai thu mua bằng tiền mặt của các cửa hàng nộp vào để hành tự:
Có: Cho vay thu mua;
Nợ: Liên hàng đi.
Đồng thời làm giấy báo nợ liên hàng đi kèm theo liên 1 và liên 2 của bảng kê và biên lai mua bằng tiền mặt gửi về Chi nhánh Ngân hàng tỉnh. Còn “liên 3 của bảng kê” dùng làm chứng từ bên Có của tiêu khoản cho vay thu mua và “liên 3 của giấy báo nợ” liên hàng đi dùng làm chứng từ bên Nợ của tài khoản liên hàng đi.
Điều 22. – Khi nhận được giấy báo nợ liên hàng đi, cán bộ kế toán của Ngân hàng tỉnh hành tự:
Nợ: Cho vay dự trữ và luân chuyên.
Có : Liên hàng đến.
Liên 1 của bảng kê kèm theo các biên lai thu mua dùng làm chứng từ ghi nợ cho vay dự trữ và luân chuyển còn liên 2 của bảng kê dùng làm giấy báo Nợ cho Sở, Ty Lương thực.
Điều 23. – Trong các trường hợp phải giảm định mức tiền mặt của quỹ thu mua của cửa hàng, nếu tiền mặt chưa sử dụng còn cao hơn định mức mới thì cửa hàng phải nộp lại phần tiền mặt vượt định mức đó vào Ngân hàng.
Điều 24. – Căn cứ vào giấy nộp tiền (mẫu 2NK-1) ([2]) cán bộ tín dụng ghi vào sổ theo dõi để giảm định mức tiền mặt của quỹ thu mua cho cửa hàng và cán bộ kế toán hành tự:
Nợ: Tiền mặt;
Có: Cho vay thu mua.
Điều 25. – Sau khi kết thúc vụ thu mua thì tất cả các cửa hàng thu mua lương thực phải thanh toán hết số tiền mặt đã vay để làm quỹ thu mua cho Ngân hàng tức là tiểu khoản cho vay thu mua của Phòng Lương thực ở Chi điếm Ngân hàng phải được tất toán, nhưng không phải chờ đến khi nào tất cả các cửa hàng đều kết thúc thu mua với thanh toán một lần mà thanh toán dần dần với từng cửa hàng. Cửa hàng nào thu mua xong trước thì thanh toán trước với cửa hàng đó, cửa hàng nào thu mua xong sau thì thanh toán sau. Nói chung là nên thanh toán thu mua và thanh toán nợ vay thu mua nhanh gọn. Trường hợp cá biệt đối với những nơi thu mua kéo dài thì chậm nhất cũng phải thanh toán xong nợ vay thu mua trước khi bắt đầu thu mua vụ sau, nhất thiết không được để nợ vay thu mua dây dưa từ vụ này sang vụ khác.
Điều 26. – Khi cửa hàng thu mua lương thực đem tiền mặt đến trả nợ để tất toán tiền vay thu mua thì cán bộ tín dụng ghi vào sổ theo dõi để tất toán tiền vay thu mua cho cửa hàng đó và cán bộ kế toán hành tự:
Nợ: Tiền mặt;
Có: Cho vay thu mua.
Điều 27. - Nếu cửa hàng trả nợ một phần bằng tiền mặt và một phần bằng chứng từ thu mua bằng tiền mặt thì phần tiền mặt Chi điếm Ngân hàng sẽ thu nợ như nói trên, (điều 26) còn phần bằng chứng từ thu mua bằng tiền mặt thì để đến cuối ngày thu nợ qua liên hàng di chuyển về Chi nhánh Ngân hàng tỉnh như hướng dẫn ở điều 21.
Điều 28. - Trường hợp vụ thu mua đã kết thúc mà cửa hàng không có đầy đủ chứng từ và tiền mặt nộp vào Ngân hàng để tất toán tiền vay thu mua thì cán bộ kế toán ở Chi điếm phải lập ba liên bảng kê để ghi “Có tiểu khoản cho vay thu mua” số tiền còn thiếu đó và ghi “Nợ liên hàng đi” về Chi nhánh nhưng trong bảng kê phải chú thích rõ là “số tiền cho vay thu mua chưa trả hết” để Chi nhánh Ngân hàng tỉnh ghi thẳng vào Nợ quá hạn, đồng thời trích ngay tài khoản tiền gửi thanh toán của Sở, Ty Lương thực để thu về. Nếu tài khoản tiền gửi thanh toán không có tiền thì chờ đến các ngày sau sẽ trích theo trật tự ưu tiên để thu về cho đến khi hết số nợ quá hạn đó.
Sau đó Chi điếm Ngân hàng và Phòng Lương thực huyện cùng nhau kiểm điểm để tìm nguyên nhân thiếu nợ, lập biên bản gửi về Sở, Ty Lương thực và Chi nhánh Ngân hàng tỉnh để báo cáo.
Chương 3
PHƯƠNG PHÁP CHO VAY VÀ THU NỢ ĐỂ TRẢ NHỮNG CHỨNG TỪ THU MUA KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT
(Thường gọi là thu mua chuyển khoản)
Điều 29. - Mỗi lần cửa hàng lương thực mang bảng kê và biên lai thu bằng tiền mặt đến Chi điếm Ngân hàng để vay thì đồng thời cũng phải mang bảng kê và biên lai thu mua bằng chuyển khoản do hợp tác xã nông nghiệp tự nguyện gửi tiền bán lương thực vào Ngân hàng, hoặc do thu nợ ứng trước, thu nợ hộ Nhà nước và các ngành khác đến Ngân hàng để cùng vay một lần.
Điều 30. – Căn cứ vào bảng kê và biên lai thu mua bằng chuyển khoản của cửa hàng đưa đến (đã được Phòng Lương thực xác nhận) cán bộ tín dụng kiểm soát lại và cho Cửa hàng vay để chuyển vào tài khoản của các đơn vị được hưởng. Cán bộ kế toán hành tự:
Nợ: Cho vay thu mua (tổng giá trị chứng từ thu mua bằng chuyển khoản của Cửa hàng đưa đến).
Có: Các tài khoản đối ứng liên quan như:
Có: Tiền gửi hợp tác xã vay mượn (phần tiền bán lương thực của hợp tác xã nông nghiệp chưa mở tài khoản tiền gửi ở Ngân hàng).
Có: Tiền gửi hợp tác xã nông nghiệp (phần tiền bán lương thực của hợp tác xã nông nghiệp đã mở tài khoản tiền gửi ở Ngân hàng).
Có: Ngân sách (phần tiền thu nợ hộ Tài chính).
Có: Ngân hàng (phần tiền thu nợ hộ Ngân hàng).
Có: Cho vay ứng trước thu mua (phần tiền thu nợ ứng trước thu mua của ngành lương thực v.v….)
Điều 31. - Cuối ngày cán bộ kế toán Chi điếm chuyển toàn bộ số tiền cho vay này về Chi nhánh để cho vay luân chuyển và dự trữ hàng hóa bằng cách hành tự:
Nợ: Liên hàng đi (Chi nhánh).
Có: Cho vay thu mua.
(Nên lập chung một giấy báo Nợ cùng với các chứng từ cho vay bằng tiền mặt theo quy định ở điều 21).
Điều 32. - Muốn được vay để trả những chứng từ thu mua lương thực bằng chuyển khoản, các cửa hàng lương thực phải lập bảng kê kèm theo biên lai thu mua thóc chuyển khoản có phân tích riêng tiền của từng đối tượng được hưởng.
Điều 33. – Do phương pháp cho vay và thu nợ về thu mua như trên nên dư Nợ của tiểu khoản cho vay thu mua luôn luôn phản ảnh số tiền mặt mà Ngân hàng đã cho Phòng Lương thực vay trước bằng tiền mặt để dự trữ thường xuyên tại quỹ thu mua của các cửa hàng. Còn doanh số bên Có của tiểu khoản đó (sau khi trừ số tiền mặt của cửa hàng nộp lại (nếu có) để trả nợ bớt khi giám định mức tiền mặt của quỹ thu mua và khi thanh toán nợ thu mua cuối vụ) sẽ phản ánh số tiền Ngân hàng cho vay thu mua mà đơn vị đã thực tế thu mua được kể cả tiền mặt và chuyển khoản.
Chương 4
TÍNH THU LÃI TIỀN CHO VAY VÀ TRẢ LÃI TIỀN GỬI
Mục A - Tính thu lãi tiền cho vay thu mua tại Chi điếm Ngân hàng:
Điều 34. - Đối với những khoản tiền mặt cho vay trước để làm quỹ thu mua thì tính lãi kể từ ngày cho vay. Còn những khoản tiền mặt cho vay theo những chứng từ thu mua bằng tiền mặt khi cửa hàng nộp vào Ngân hàng thì không tính lãi.
Đối với những khoản cho vay để trả những chứng từ thu mua bằng chuyển khoản để chuyển vào tài khoản tiền gửi của hợp tác xã vay mượn và hợp tác xã nông nghiệp thì tính lãi kể từ ngày ghi trên biên lai thu mua. Còn những khoản cho vay để trả những chứng từ thu mua bằng chuyển khoản để trả cho các ngành được hưởng và để trả nợ ứng trước thu mua của ngành lương thực thì không tính lãi.
Điều 35. - Lợi suất cho vay thu mua từ nay đến 31-12-1964 là 0,3% (ba phần nghìn) một tháng. Bắt đầu từ 01-01-1965 trở đi thì áp dụng theo tỷ lệ lãi suất mới là 0,24% (hai mươi bốn phần vạn) một tháng.
Điều 36. - Cuối mỗi tháng Chi điếm Ngân hàng căn cứ vào tiểu khoản cho vay thu mua của Phòng Lương thực để tính lãi theo tích số. Sau khi tính lãi xong thì lập bốn liên bảng kê theo mẫu 19/NK, có chữ ký xác nhận của Phòng Lương thực rồi chuyển về Chi nhánh Ngân hàng tính hai liên bảng kê (liên 1 và 2) kèm theo giấy báo Nợ liên hàng đi để thu ở Sở, Ty Lương thực. Cán bộ kế toán hành tự:
Nợ: Liên hàng đi (Chi nhánh).
Có: Thu nghiệp vụ.
Khi Chi ngánh Ngân hàng tỉnh nhận được các giấy tờ trên thì hành tự:
Nợ: Tiền gửi thanh toán của Ty Lương thực.
Có: Liên hàng đến.
Mục B – Tính thu lãi cho vay luân chuyển và dự trữ hàng hóa tại Chi nhánh Ngân hàng tỉnh.
Điều 37. - Đối với những khoản cho vay để trả các chứng từ thu mua lương thực kể cả bằng tiền mặt và chuyển khoản do Chi điếm chuyển lên thì Ngân hàng tỉnh tính lãi theo lợi suất cho vay luân chuyển và dự trữ hàng hóa kể từ ngày chuyển lên.
Lãi suất cho vay luân chuyển và dự trữ hàng hóa từ nay đến 31-12-1964 là 0,5% (năm phần nghìn) một tháng. Bắt đầu từ 01-01-1965 trở đi thì áp dụng theo tỷ lệ lãi suất mới là 0,42% (bốn phẩy hai phần nghìn) một tháng.
Mục C – Chi điếm tỉnh trả lãi tiền gửi cho hợp tác xã vay mượn và hợp tác xã nông nghiệp.
Điều 38. – Đối với tiền bán lương thực của hợp tác xã nông nghiệp, của xã viên và nông dân cá thể gửi vào Ngân hàng thông qua tài khoản của hợp tác xã vay mượn và tiền bán lương thực của hợp tác xã nông nghiệp gửi trực tiếp vào Ngân hàng thì Chi điếm tỉnh trả lãi cho hợp tác xã vay mượn và hợp tác xã nông nghiệp kể từ ngày ghi trên biên lai thu mua chuyển khoản và tính theo chế độ lợi suất hiện hành.
Chương 5
KIỂM TRA SỬ DỤNG VỐN VAY
Mục A - Nội dung và phương pháp kiểm tra:
Điều 39. – Trong mỗi vụ thu mua Chi nhánh và Chi điếm Ngân hàng cần tập trung cán bộ để kiểm tra trực tiếp từng cửa hàng thu mua ít nhất là mỗt lần.
Điều 40. - Nội dung kiểm tra là:
a) Tìm hiểu số lượng tiền mặt cần thiết để làm quỹ thu mua của từng cửa hàng đã hợp lý chưa bằng cách đối chiếu mức tiền mặt thực tế phải trả bình quân một ngày với mức kế hoạch đã quy định.
b) Xem việc sử dụng vốn vay thu mua bằng tiền mặt có đúng mục đích không bằng cách lấy tồn quỹ tiền mặt thu mua cộng (+) với giá trị biên lai đã thu mua lương thực bằng tiền mặt chưa nộp vào Ngân hàng có bằng số tiền mặt mà Ngân hàng đã cho cửa hàng vay để làm quỹ thu mua không.
Mục B - Xử lý trong kiểm tra:
Điều 41. - Mỗi lần kiểm tra phải lập biên bản kiểm tra có chữ ký xác nhận của đôi bên để làm hồ sơ theo dõi.
Trong khi kiểm tra nếu xét thấy mức vay trước bằng tiền mặt để làm quỹ thu mua của cửa hàng không hợp lý (quá cao hay quá thấp) thì Chi điếm Ngân hàng bàn bạc ngay với Phòng Lương thực để điều chỉnh lại cho phù hợp với tình hình thực tế (cho vay thêm hay rút bớt về).
Nếu phát hiện được cửa hàng sử dụng vốn sai mục đích, hay để mất mát, tham ô thì cán bộ kiểm tra đem biên bản kiểm tra về Phòng Lương thực xác nhận. Trên cơ sở đó Chi điếm Ngân hàng chuyển ngay số tiền đã sử dụng sai hay mất mát đó về Chi nhánh (kèm theo với biên bản) để Chi nhánh Ngân hàng tỉnh chuyển vào nợ quá hạn đồng thời trích ngay tài khoản tiền gửi thanh toán của Ty, Sở Lương thực để thu hồi về như trường hợp không trả được nợ khi kết thúc vụ thu mua đã nói ở điều 28.
Số tiền thu hồi về đó có thể cho vay lại để bổ sung số tiền mặt của cửa hàng đã bị hao hụt nếu xét thấy cần thiết.
Chương 6
ĐIỀU KHOẢN PHỤ
Điều 42. - Thể lệ cho vay thu mua lương thực này được thi hành kể từ vụ thu mua vụ mùa 1964 này và thay thế cho “biện pháp tạm thời cho vay thu mua đối với các tổ chức thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán” ngày 17-4-1962 về phần cho vay thu mua lương thực.
Điều 43. – Trong quá trình thực hiện có thể bổ sung thêm cho được hoàn chỉnh hơn.
([1] +2) Các bảng mẫu không đăng Công báo
([2]) Mẫu không đăng công báo.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.