ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 571/1998/QĐ-UB | Đà Nẵng, ngày 23 tháng 01 năm 1998 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC HỖ TRỢ NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG CẢI THIỆN NHÀ Ở TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994;
- Căn cứ Quyết định số 118/TTg ngày 27/02/1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công với Cách mạng cải thiện nhà ở;
- Căn cứ Chỉ thị số 166/TTg ngày 19/3/1996 của Thủ tướng Chính phủ v/v tổ chức thực hiện Quyết định số 118/TTg ngày 27/02/1996 của Thủ tướng Chính phủ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 584/TT ngày 25/12/1997.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1:Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định về việc hỗ trợ người có công với Cách mạng cải thiện nhà ở trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Điều 2:Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày tháng năm 1998 và thay thế Quyết định số 2723/QĐ-UB ngày 04/8/1997 của UBND lâm thời thành phố Đà Nẵng về việc hỗ trợ người có công với Cách mạng cải thiện nhà ở trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và Quyết định số 3883/QĐ-UB ngày 21/10/1997 của UBND thành phố Đà Nẵng v/v bổ sung, sửa đổi Quyết định số 2723/QĐ-UB ngày 04/8/1997 của UBND lâm thời thành phố Đà Nẵng.
Điều 3:Ông Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Tài chính - Vật giá, Kế hoạch và Đầu tư, Địa chính - Nhà đất, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan, Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC HỖ TRỢ NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG CẢI THIỆN NHÀ Ở TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 571/1998/QĐ-UB ngày 23/01/1998 của UBND thành phố Đà Nẵng)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Mục đích ban hành bản Quy định:
Bản Quy định này nhằm cụ thể hóa một bước chính sách, chế độ của Nhà nước được quy định tại Quyết định số 118/TTg ngày 27/02/1996 và Chỉ thị số 166/TTg ngày 19/3/1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ để cải thiện nhà ở đối với người có công với Cách mạng thực sự có khó khăn về nhà ở.
Điều 2: Đối tượng, nguyên tắc, điều kiện hỗ trợ cải thiện nhà ở:
1/ Đối tượng
Người có công với Cách mạng là đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ để cải thiện nhà ở được nêu trong Bản quy định này bao gồm:
a. Người hoạt động cách mạng trước Cách mạng tháng 8/19945;
b. Gia đình liệt sĩ;
c. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lao động;
d. Thương binh, bệnh binh, người được hưởng chính sách như thương binh;
e. Người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày;
f. Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế;
g. Người có công giúp đỡ Cách mạng;
2/ Nguyên tắc hỗ trợ:
a. Triển khai từng bước với điều kiện kinh tế - xã hội và ngân sách của địa phương;
b. Căn cứ vào công lao và hoàn cảnh khó khăn thực sự về nhà ở cụ thể của từng người;
c. Không hỗ trợ đồng loạt và bình quân cho tất cả các đối tượng;
d. Một người thuộc nhiều diện ưu đãi được xét hỗ trợ để cải thiện nhà ở thì căn cứ vào chế độ ưu đãi cao nhất mà người đó được hưởng để hỗ trợ;
e. Trong một hộ gia đình có nhiều thành viên thuộc diện được ưu đãi về nhà ở thì được cộng chế độ ưu đãi của từng người thành chế độ ưu đãi của cả hộ, nhưng mức hỗ trợ tối đa không vượt quá mức ưu đãi cao nhất được nêu trong bản Quy định này.
f. Các hình thức hỗ trợ được nêu tại Điều 3 bản Quy định này đối với người có công với Cách mạng chỉ xét hỗ trợ một lần và chỉ áp dụng một trong các hình thức hỗ trợ cho một hộ gia đình
g. Người có công với Cách mạng gặp khó khăn được quan tâm hỗ trợ cải thiện nhà ở trước.
3/ Điều kiện hỗ trợ:
a. Các đối tượng có công với Cách mạng được xét hỗ trợ để cải thiện nhà ở theo bản Quy định này phải có hồ sơ gốc quản lý tại Sơ Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố và đang thực sự khó khăn về nhà ở;
b. Nếu là đối tượng để xét làm nhà ở thì phải có đủ điều kiện để được giao đất theo quy định của Luật đất đai và các văn bản cụ thể về đất ở có liên quan của Nhà nước;
c. Đối với mỗi hình thức hỗ trợ được nêu trong bản Quy định này có điều kiện hỗ trợ cụ thể cho từng đối tượng cụ thể.
Điều 3: Các hình thức hỗ trợ:
Tùy theo điều kiện và khả năng của địa phương, việc hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở có thể áp dụng một trong các hình thức sau:
1/ Tặng nhà tình nghĩa;
2/ Hỗ trợ kinh phí để cải tạo hoặc sửa chữa nhà ở;
3/ Hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần tiền sử dụng đất khi được mua nhà của Nhà nước;
4/ Hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần tiền sử dụng đất khi được giao đất làm nhà ở.
Điều 4: Nguồn kinh phí hỗ trợ người có công với Cách mạng cải thiện nhà ở:
1/ Nguồn kinh phí hỗ trợ người có công với Cách mạng cải thiện nhà ở bao gồm:
a. Nguồn Ngân sách Nhà nước;
b. Quỹ đền ơn đáp nghĩa;
c. Tiền sử dụng đất (khi Nhà nước giao quyền sử dụng đất)
d. Các khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân;
e. Các nguồn khác.
2/ Nguồn kinh phí để giải quyết hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công với cách mạng phải được thể hiện rõ trong Phương án hỗ trợ cụ thể của các địa phương theo nguyên tắc: Người có công với Cách mạng có hộ khẩu thường trú tại địa phương nào thì địa phương đó chịu trách nhiệm lập phương án cân đối các nguồn kinh phí hỗ trợ (bao gồm kinh phí của địa phương và phần kinh phí đề nghị cấp trên hỗ trợ) và quỹ đất ở tại địa phương.
Chương II
TẶNG NHÀ TÌNH NGHĨA - HỖ TRỢ KINH PHÍ CẢI TẠO HOẶC SỬA CHỮA NHÀ Ở
Điều 5: Tặng nhà tình nghĩa:
1/ Đối tượng và điều kiện được xét tặng nhà tình nghĩa:
Người hoạt động cách mạng trước Cách mạng tháng 8/1945; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lao động; Thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh có tỉ lệ thương tật từ 81% trở lên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không thể tạo lập được nhà ở, chưa được thuê nhà của Nhà nước, hiện đang phải ở nhờ nhà người khác mà không phải là thân nhân chủ yếu của họ hoặc bị mất nhà do thiên tai, hỏa hoạn thì được xét tặng nhà tình nghĩa.
2/ Diện tích nhà tình nghĩa phải đạt tối thiểu 24m2 và phải có công trình phụ.
3/ Diện tích đất để xây dựng Nhà tình nghĩa được quy định như sau:
a. Không quá 70m2/trường hợp (bảy mươi mét vuông) đối với các phường thuộc quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà và phường Bắc Mỹ An thuộc quận Ngũ Hành Sơn;
b. Không quá 100m2/trường hợp (một trăm mét vuông) đối với các đất tại xã, phường còn lại trên địa bàn thành phố.
4/ Kinh phí hỗ trợ để xây dựng một Nhà tình nghĩa không quá 20.000.000đ ( hai mươi triệu đồng).
Điều 6: Hỗ trợ kinh phí để cải tạo hoặc sửa chữa nhà ở:
1/ Đối tượng và điều kiện được xét hỗ trợ:
Người có công với Cách mạng quy định tại Điều 2 khoản 1 bản Quy định này đã có nhà ở thuộc sỏ hữu của mình nhưng nhà ở đã quá hư hỏng, dột nát, hoặc diện tích 6m2/người (tính trên số người có đăng ký hộ khẩu thường trú trong cùng một hộ gia đình) mà không có khả năng khắc phục thì được xét hỗ trợ kinh phí để cải tạo hoặc sửa chữa nhà ở.
2/ Mức kinh phí hỗ trợ:
Mức kinh phí hỗ trợ để cải tạo hoặc sửa chữa nhà ở cho mỗi đối tượng được xét cấp tối đa không quá 50% giá trị xây dựng một Nhà tình nghĩa.
Chương III
HỖ TRỢ TIỀN SỬ DỤNG ĐẤT KHI MUA NHÀ CỦA NHÀ NƯỚC HOẶC KHI ĐƯỢC GIAO ĐẤT LÀM NHÀ Ở
Điều 7: Hỗ trợ tiền sử dụng đất khi mua nhà của Nhà nước:
1/ Đối tượng;
Người có công với cách mạng được quy định tại Điều 2 khoản 1 bản Quy định này đang thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước mà có nhu cầu mua nhà đang thuê và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét bán theo Nghị định 61/Cp ngày 05/7/1994 của Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở thì được xét hỗ trợ tiền sử dụng đất.
2/ Mức hỗ trợ tiền sử dụng đất:
a. Đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều hộ: Hỗ trợ toàn bộ tiền sử dụng đất cho tất cả các đối tượng thuộc khoản 1 điều 7 trên đây.
b. Đối với nhà ở một tầng và nhà ở nhiều tầng một hộ: Được xem xét hỗ trợ cho các đối tượng theo các mức sau:
* Nhóm 1: Người hoạt động cách mạng trước Cách mạng tháng 8/1945; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lao động; Thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh bị mất sức lao động từ 81%; Thân nhân của liệt sĩ đang hưởng tiền tuất nuôi dưỡng hàng tháng được hỗ trợ tối đa không quá 28.000.000đ (Hai mươi tám triệu đồng);
* Nhóm 2: Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh bị mất sức lao động từ 61% đến 80% được hỗ trợ tối đa không quá 25.200.000đ (Hai mươi lăm triệu hai trăm ngàn đồng);
* Nhóm 3: Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh bị mất sức lao động từ 41% đến 00% được hỗ trợ tối đa không quá
22.200.000đ (Hai mươi triệu bốn trăm ngàn đồng);
* Nhóm 4: Thân nhân của liệt sĩ, người có công giúp đỡ Cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng; Thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh bị mất sức lao động từ 21% đến 40% được hỗ trợ tối đa không quá 19.600.000đ (Mười chín triệu sáu trăm ngàn đồng);
* Nhóm 5: Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày: Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhất hoặc Huân chương chiến thăng hạng nhất được hỗ trợ tối đa không quá 18.200.000đ (mười tám triệu hai trăm ngàn đồng);
3/ Đối với những trường hợp sau khi tính toán thực tế, mức hỗ trợ thấp hơn mức khống chế tối đa thì mức hỗ trợ được hưởng là mức tính toán theo thực tế.
Điều 8: Hỗ trợ tiền sử dụng đất khi giao đất làm nhà ở:
1/ Đối tượng:
Người có công với Cách mạng được quy định tại Điều 2 khoản 1 bản Quy định này mà có hoàn cảnh thực sự khó khăn, chưa có nhà ở, chưa được hưởng một trong những hình thức hỗ trợ được nêu tại khoản 1,2,3 Điều 3 bản Quy định này thì được ưu tiên xét giao đất làm nhà ở trên cơ sở quy hoạch đất xây dựng làm nhà ở của thành phố.
2/ Diện tích đất để tính hỗ trợ tiền sử dụng khi giao đất làm nhà ở được tính tối đa không quá 70m2/trường hợp (bảy mươi mét vuông) đối với đất tại các phường thuộc quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà và phường Bắc Mỹ An thuộc quận Ngũ Hành Sơn và không quá 100m2/trường hợp (một trăm mét vuông) đối với các đất tại các xã, phường còn lại trên địa bàn thành phố.
3/ Mức hỗ trợ chính sách có nhu cầu được cấp diện tích đất ở rộng hơn mức đất ở được quy định tại khoản 2 Điều này hoặc ở vị trí đất thuận lợi hơn và được cấp có thẩm quyền giao đất làm nhà ở thì phải trả phần chênh lệch tiền sử dụng đất theo giá đất do UBND thành phố quy định tại Quyết định số 1834/QĐ-UB ngày 01/7/1997 của UBND lâm thời thành phố Đà Nẵng.
Chương IV
THỦ TỤC, THẨM QUYỀN XÉT DUYỆT
Điều 9: Hồ sơ xét duyệt:
1/ Hồ sơ để xét hỗ trợ cải thiện nhà ở:
a. Đơn của người có công với cách mạng đề nghị hỗ trợ cải thiện nhà ở;
b. Các giấy tờ chứng nhận người có công với cách mạng do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp.
2/ Hồ sơ được lập thành 4 bộ, trong đó UBND xã, phường nơi có người có công với cách mạng đăng ký thường trú giữ một bộ và UBND quận, huyện giữ 3 bộ để làm các thủ tục trình duyệt phương án.
Điều 10: Thủ tục và thẩm quyền xét duyệt:
1/ UBND xã, phường có trách nhiệm:
a. Tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ cải thiện nhà ở của người có công với Cách mạng có đăng ký thường trú tại địa phương;
b. Tiến hành kiểm tra thực tế;
c. Lập phương án hỗ trợ cải thiện nhà ở trình UBND quận, huyện.
2/ Ủy ban nhân dân quận, huyện:
a. Tiếp nhận hồ sơ đề nghị cải thiện nhà ở của người có công với Cách mạng do UBND xã, phường chuyển;
b. Lập phương án trình Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 118/TTg của thành phố đối với từng trường hợp cụ thể về việc hỗ trợ người có công với Cách mạng. Trong phương án phải nêu rõ thực trạng đất xây dựng, kinh phí huy động ở từng cấp, kinh phí bổ sung của gia đình hoặc bản thân đối tượng và phần đề xuất UBND thành phố hỗ trợ;
3/ Ủy ban nhân dân thành phố:
a. Tổ chuyên viên giúp việc cho Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 118/TTg của thành phố có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ đề nghị của UBND quận, huyện tiến hành việc kiểm tra, lập báo cáo trình Ban chỉ đạo về từng trường hợp cụ thể để hỗ trợ cải thiện nhà ở;
b. Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định số 118/TTg của thành phố họp xét và thống nhất lập Tờ trình của Ban chỉ đạo để trình UBND thành phố quyết định;
c. UBND thànhphố ra Quyết định cụ thể về việc hỗ trợ người có công với Cách mạng cải thiện nhà ở.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11: Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 118/TTg:
1/ Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 118/TTg của Thủ tướng Chính phủ được thành lập ở thành phố và các quận, huyện. Thành phần Ban chỉ đạo gồm Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch UBND) làm Trưởng ban, đại diện lãnh đạo ngành Lao động - Thương binh và Xã hội là Phó ban và thành viên của Ban là đại diện Văn phòng UBND và các ngành: Xây dựng, Địa chính - Nhà đất, Tài chính - Vật giá, Thuế, Ban Tổ chức chính quyền. Mời đại diện Ban tổ chức cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội cựu chiến binh cùng cấp tham gia Ban chỉ đạo.
2/ Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 118/TTg các cấp của thành phố có trách nhiệm giúp UBND cùng cấp tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với Cách mạng cải thiện nhà ở.
Điều 12: Trách nhiệm của các cấp:
1/ Ủy ban nhân dân xã, phường"
a. Kiểm tra, thống kê, phân loại tình hình nhà ở, hoàn cảnh khó khăn về nhà ở của từng người có công với Cách mạng tại địa phương;
b. Đề xuất các hình thức hỗ trợ phù hợp cho từng trường hợp trình các cấp có thẩm quyền giải quyết;
c. Tổ chức huy động các nguồn lực để góp phần thực hiện việc hỗ trợ cải thiện nhà ở cho các đối tượng chính sách trên địa bàn.
2/ Ủy ban nhân dân quận, huyện:
a. Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, có trách nhiệm lập Phương án hỗ trợ người có công với Cách mạng tại địa phương; Tổ chức thực hiện phương án sau khi được UBND thành phố phê duyệt;
b. Phối hợp với các ngành chức năng chỉ đạo các xã, phường, các tổ chức kinh tế xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân thực hiện cuộc vận động xây dựng "Quỹ đền ơn đáp nghĩa" và phong trào chăm lo, cải thiện điều kiện nhà ở cho các đối tượng chính sách gặp khó khăn;
c. Thường xuyên báo cáo tình hình tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với Cách mạng cải thiện nhà ở tại địa phương về Thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định số 118/TTg của thành phố và Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.
Điều 13: Trách nhiệm của các ngành:
1/ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 118/TTg của thành phố Đà Nẵng, có trách nhiệm:
a. Phối hợp với các cơ quan có chức năng, giúp Ban chỉ đạo theo dõi chặt chẽ việc tổ chức thực hiện Quyết định 118/TTg và bản Quy định này tại các quận, huyện;
b. Tổng hợp, đề xuất UBND thành phố kịp thời bổ sung, điều chỉnh các quy định của UBND cho phù hợp với pháp luật và tình hình thực tế tại địa phương;
c. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố phát động và theo dõi phong trào tặng Nhà tình nghĩa, mở sổ vàng ghi nhận sự đóng góp của các tổ chức và cá nhân vào công trình Nhà tình nghĩa tại các địa phương trong thành phố.
2/ Sở Xây dựng, Sở Địa chính - Nhà đất và các ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm giúp đỡ UBND thành phố trong việc lập dự án quy hoạch đất ở, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng trên quỹ đất dự kiến cho các đối tượng chính sách làm nhà ở.
3/ Sở Tài chính - Vật giá, Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm cân đối trong kế hoạch ngân sách hàng năm một khoản kinh phí để cùng với "Quỹ đền ơn đáp nghĩa" và các nguồn khác hỗ trợ người có công với Cách mạng cải thiện nhà ở thông qua các Phương án của các quận, huyện được UBND thành phố phê duyệt.
Sở Tài chính - Vật giá cùng với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí đóng góp ủng hộ xây dựng Nhà tình nghĩa.
Điều 14: Khen thưởng - Xử lý vi phạm:
1/ Tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với Cách mạng cải thiện nhà ở được xét khen thưởng theo quy định chung của Nhà nước.
2/ Người nào có hành vi vi phạm trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với Cách mạng cải thiện nhà ở thì tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính. Trong trường hợp nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại về mặt vật chất thì còn phải bồi thương theo quy định chung của Nhà nước.
Điều 15:Bản Quy định này được phổ biến rộng rãi đến tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố. Mọi tổ chức, cá nhân có liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành. Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc, các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về UBND thành phố để điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.