ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 57/2001/QĐ-UB | Hà Nội, ngày 20 tháng 07 năm 2001 |
QUYẾT ĐỊNH
(VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH KHẢO SÁT VÀ GIẢI QUYẾT TÌNH TRẠNG CHƯA ĐĂNG KÝ HỘ TỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2001)
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND các cấp ngày 05/7/1994;
Căn cứ Quyết định số 08/2001/QĐ-UB ngày 28/2/2001 của UBND Thành phố về việc ban hành Kế hoạch chỉ đạo triển khai công tác Tư pháp trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2001;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 817/TT-STP ngày5/7/2001;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này “Kế hoạch khảo sát và giải quyết tình trạng chưa trạng đăng ký hộ tịch trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2001”.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3: Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch UBND các Quận, Huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| T/M. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
KẾ HOẠCH
KHẢO SÁT VÀ GIẢI QUYẾT TÌNH TRẠNG CHƯA ĐĂNG KÝ HỘ TỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2001
(Ban hành kèm theo quyết định số 57/2001/QĐ- UB ngày 20/7/2001 của ubnd thành phố hà nội)
Thực Hiện Chỉ Thị Số 01/2001/Ct- Btp Ngày 15/01/2001 Của Bộ Trưởng Bộ Tư pháp và quyết định số 08/2001/QĐ-UB ngày 28/02/2001 của UBND Thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch chỉ đạo, triển khai công tác tư pháp trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2001.
Trong những năm qua, trên địa bàn Thành phố Hà Nội vẫn còn tồn đọng tình trạng trẻ em sinh ra chưa được đăng ký khai sinh, các đôi nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn; người chết không được khai tử… Để từng bước khắc phục tình trạng trên, đưa công tác quản lý nhà nước về hộ tịch của thành phố đi vào nền nếp, UBND Thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch triển khai khảo sát và giải quyết tình trạng chưa đăng ký hộ tịch trên địa bàn thành phố Hà Nội như sau:
I- MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:
- Thực hiện quản lý nhà nước về công tác đăng ký hộ tịch ở cấp chính quyền cơ sở.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch đến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, tổ chức xã hội, tạo ra sự chuyển biến về nhận thức của người dân trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đăng ký hộ tịch.
- Tổ chức khảo sát trên diện rộng các trường hợp chưa được đăng ký hộ tịch (bao gồm: chưa đăng ký khai sinh, chưa đăng ký kết hôn và chưa đăng ký khai tử). Phân loại để có kế hoạch giải quyết theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch. Đồng thời tiến hành việc đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn, đồng loạt trên toàn thành phố được tổ chức vào các ngày bảy, chủ nhật tại UBND phường, xã, thị trấn.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI KHẢO SÁT:
1. Đăng ký khai sinh:
- Về độ tuổi: Trẻ em sinh ra từ sau 30 ngày đến đủ 18 tuổi chưa đăng ký khai sinh.
Những trẻ em mới khai sinh dưới 30 ngày tuổi, UBND xã, phường, thị trấn tiến hành đăng ký khai sinh bình thường theo quy định.
- Về tình trạng cư trú của đối tượng khảo sát: Bản thân hoặc người mẹ có hộ khẩu thường trú, hay tạm trú có thời hạn liên tục trên 6 tháng tại địa phương.
Việc khai sinh cho trẻ em ở nơi sinh ra được đăng ký theo yêu cầu của người mẹ.
2. Đăng ký kết hôn:
- Nam, nữ chung sống như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 nhưng chưa đăng ký kết hôn.
- Nam, nữ chung sống như vợ chồng sau ngày 03/01/1987 đến trước ngày 01/01/2001 nhưng chưa đăng ký kết hôn.
Phạm vi khảo sát theo điểm B.1 mục I của Thông tư số 12/1999/TT-BTP ngày 25/6/1999 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Nghị định số 83/CP về đăng ký hộ tịch.
3. Đăng ký khai tử:
Tất cả các trường hợp đã chết nhưng chưa báo tử, khai tử tại UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú cuối cùng của người chết và chưa cắt hộ khẩu thường trú.
III. THỜI GIAN THỰC HIỆN:
1- Từ 15/7/2001 đến 30/7/2001 UBND thành phố giao cho Sở Tư pháp ban hành kế hoạch và phát hành mẫu, biểu khảo sát.
2- Từ 01/8/2001 đến 15/10/2001 UBND các quận, huyện giao cho phòng Tư pháp xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai khảo sát. Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn giải quyết dứt điểm những trường hợp khai sinh, khai tử, kết hôn có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, đồng thời đề xuất những trường hợp còn vướng mắc, tổng hợp kết quả, báo cáo UBND Thành phố (qua Sở Tư pháp).
3- Từ 16/10/2001 đến 31/12/2001 thành phố tổng hợp kết quả khảo sát, phân loại và chỉ đạo giải quyết các trường hợp vướng mắc của cơ sở.
IV. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM
1- Sở Tư pháp: Là cơ quan thường trực có trách nhiệm giúp UBND Thành phố chuẩn bị nội dung mẫu, biểu khảo sát; tổ chức triển khai, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch; Tổng hợp kết quả khảo sát của các quận, huyện báo cáo UBND thành phố.
- Hướng dẫn nghiệp vụ cho các quận, huyện; xã phường, thị trấn trong việc tổ chức đăng ký khai sinh quá hạn, khai tử quá hạn, đăng ký kết hôn cho những trường hợp có đủ điều kiện nhưng chưa đăng ký.
- Tổng hợp, phân loại những trường hợp không đủ điều kiện pháp lý, đề xuất phương án báo cáo Bộ Tư pháp cho ý kiến giải quyết.
2. Công an thành phố:
- Phối hợp với Sở Tư pháp thống nhất đối tượng và phương án giải quyết đối với các trường hợp có liên quan đến quản lý và đăng ký hộ khẩu.
3. Uỷ ban dân số, gia đình và trẻ em Thành phố:
- Phối hợp với Sở Tư pháp tham gia về nội dung mẫu, biểu khảo sát.
- Tổng hợp phân tích, đối chiếu số liệu trẻ em chưa được đăng ký khai sinh (phân tích chi tiết độ tuổi trẻ em, tình trạng hôn nhân của cha mẹ trẻ và tình trạng cư trú của trẻ).
- Chỉ đạo, hướng dẫn ngành dọc phối hợp tham gia khảo sát ở cơ sở.
4. Cục Thống kê:
- Phối hợp với Sở Tư pháp thống nhất nội dung mẫu, biểu khảo sát.
- Trực tiếp chỉ đạo, theo dõi và đôn đốc phòng thống kê các quận, huyện thu thập và tổng hợp số liệu theo mẫu, biểu khảo sát.
5. Sở Văn hoá Thông tin:
- Phối hợp với Sở Tư pháp có kế hoạch soạn thảo các tài liệu tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân qua các phương tiện thông tin đại chúng để vận động nhân dân thực hiện quyền và nghĩa vụ có liên quan đến khai sinh, kết hôn, khai tử,…
6. Sở Tài chính- Vật giá:
- Trên cơ sở đề nghị của Sở Tư pháp, Sở Tài chính- Vật giá hướng dẫn lập dự toán, cấp kinh phí phục vụ cho việc thực hiện kế hoạch đúng Luật Ngân sách, bảo đảm tiết kiệm.
7. UBND các quận, huyện:
- Có kế hoạch chỉ đạo và cấp kinh phí cho các Ban, ngành cùng cấp và UBND các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện theo kế hoạch khảo sát của Thành phố.
- Nhận được kế hoạch này các Sở, ban ngành có liên quan, UBND các quận, huyện có kế hoạch chỉ đạo triển khai đồng loạt trên địa bàn các quận, huyện. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có gì vướng mắc báo cáo kịp thời với UBND thành phố (qua Sở Tư pháp) để phối hợp giải quyết./.
| T/M. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.