NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
| VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
|
Số: 564-QĐ | Hà Nội, ngày 13 tháng 09 năm 1965 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH THỂ LỆ TẠM THỜI CHO VAY DÀI HẠN ĐỐI VỚI HỢP TÁC XÃ MUA BÁN XÃ
TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
Căn cứ vào Nghị định số 171-CP ngày 26-10-1961 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Để giúp hợp tác xã mua bán xã có thêm vốn mua sắm các phương tiện sản xuất, chế biến, các phương tiện vận tải nhằm mở rộng kinh doanh tăm thêm lực lượng hàng hóa, hỗ trợ cho mậu dịch quốc doanh phục vụ tốt các nhu cầu về sản xuất, chiến đấu và đời sống.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. – Nay ban hành bản thể lệ tạm thời cho vay dài hạn đối với hợp tác xã mua bán xã kèm theo quyết định này.
Điều 2. – Thể lệ này được áp dụng kể từ ngày ban hành.
Điều 3. – Các ông Chánh Văn phòng, Giám đốc Vụ, Cục ở Ngân hàng trung ương và các ông Trưởng Chi nhánh, Chi điếm ngân hàng chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| TỔNG GIÁM ĐỐC |
THỂ LỆ TẠM THỜI
CHO VAY DÀI HẠN ĐỐI VỚI HỢP TÁC XÃ MUA BÁN XÃ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 564-QĐ ngày 13-9-1965 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)
Chương 1
ĐIỀU KHOẢN CHUNG
A. MỤC ĐÍCH CHO VAY
Điều 1. – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho các hợp tác xã mua bán xã vay vốn dài hạn nhằm mục đích:
a) Giúp thêm vốn cho hợp tác xã mua bán xã mua sắm các phương tiện sản xuất, chế biến, các phương tiện vận tải nhằm mở rộng kinh doanh, tăng thêm lực lượng hàng hóa, hỗ trợ cho mậu dịch quốc doanh, phục vụ tốt các nhu cầu về sản xuất, chiến đấu và đời sống.
b) Thông qua công tác cho vay, Ngân hàng phát huy vai trò kiểm soát bằng đồng tiền giúp hợp tác xã mua bán xã củng cố chế độ hạch toán kinh tế, thực hiện tốt các kế hoạch sản xuất, kinh doanh và hợp đồng kinh tế.
B. ĐIỀU KIỆN CHO VAY
Điều 2. – Các hợp tác xã mua bán xã muốn vay vốn dài hạn phải có các điều kiện sau đây:
a) Vay về phương tiện sản xuất, chế biến:
- Hợp tác xã mua bán xã phải có khả năng mở rộng kinh doanh, có chuyên môn về sản xuất, chế biến và nếu sản xuất, chế biện bằng máy móc, cơ khí thì phải có người biết sử dụng máy móc, cơ khí đó;
- Những mặt hàng sản xuất, chế biến phải có sẵn nguyên liệu ở địa phương và phải nhằm phục vụ sản xuất, chiến đấu và đời sống theo sự ủy nhiệm phân công của hợp tác xã mua bán huyện, đồng thời phải đảm bảo có hiệu quả kinh tế;
- Hàng sản xuất, chế biến ra chủ yếu là ký hợp đồng bán cho hợp tác xã mua bán huyện, các xí nghiệp thương nghiệp quốc doanh, bán cho nhân dân trong xã hoặc có thể bán cho các hợp tác xã mua bán xã bán theo sự giới thiệu của hợp tác xã mua bán huyện; tuyệt đối không bán cho tiểu thương.
b) Vay về phương tiện vận tải:
Hợp tác xã mua bán xã phải có khả năng sử dụng các phương tiện vận tải và phải có đủ hàng của mình để vận tải là chủ yếu, ngoài ra mới kết hợp chuyên chở thuê một phần nhỏ của ngoài.
c) Có sổ sách kế toán ghi chép rành mạch theo đúng chế độ đã quy định, quản lý kinh doanh, tài vụ tương đối tốt. Có các kế hoạch sản xuất chế biến, vận tải, các báo cáo tài sản, tiền vốn, báo cáo kết quả kinh doanh v.v… gửi tới Ngân hàng Nhà nước hàng tháng, quý, năm.
Chương 2
CÁCH CHO VAY VÀ THU NỢ
A. ĐỐI TƯỢNG CHO VAY
Điều 3. – Ngân hàng cho các hợp tác xã mua bán xã vay vốn dài hạn để mua sắm các phương tiện cơ bản sau đây:
a) Các phượng tiện sản xuất, chế biến gồm:
Đồ chứa đựng như chum, vại, thùng, bể xi măng, v.v…
Các công cụ sản xuất như máy cơ khí nhỏ, máy xay xát, máy nổ, các máy thủ công nửa cơ khí v.v…
Riêng về xây dựng nhà để sản xuất chế biến và nhà kho thì chủ yếu là do hợp tác xã mua bán xã tự lực cánh sinh là chính. Trường hợp thật cần thiết phải vay vốn Ngân hàng để xây dựng, thì phải tính toán kỹ nếu thấy có hiệu quả kinh tế lớn, Ngân hàng có thể cho hợp tác xã mua bán xã vay.
b) Các phương tiện vận tải gồm: xe đạp thồ, xe trâu, bò hay ngựa kéo cải tiến, ngựa thồ, súc vật kéo xe, thuyền gỗ, thuyền nan loại vừa và nhỏ v.v…
Ngoài các đối tượng nêu trên đây, hiện nay Ngân hàng chưa cho hợp tác xã mua bán xã vay để mua sắm các phương tiện cơ bản khác như xây dựng cửa hàng, nhà ở, quầy, tủ đựng hàng, các phương tiện dùng vào phục vụ ăn uống, quán trọ, giặt là v.v…
Cần chú ý là đối với các phương tiện cơ bản thuộc đối tượng cho vay, nhưng nếu hợp tác xã mua bán xã vay mượn được của các tổ chức đoàn thể và nhân dân trong xã, thì Ngân hàng trừ số đã vay mượn được, chỉ cho vay số thực tế còn thiếu.
B. MỨC TIỀN CHO VAY
Điều 4. – Trước hết hợp tác xã mua bán xã phải dùng phần vốn tự có của mình để mua sắm và chi phí xây dựng cơ bản, còn thiếu bao nhiêu thì Ngân hàng mới cho vay.
Điều 5. – Về mức phán quyến cho vay quy định như sau:
Nếu nhu cầu vốn của từng hợp tác xã mua bán xã xin vay để mua sắm phương tiện cơ bản cho toàn bộ kế hoạch sản xuất chế biến và vận tải dưới 5.000 đồng thì do Chi nhánh nghiệp vụ hay Chi điếm quyết định cho vay, trên 5.000 đồng đến 10.000 đồng thì do Chi nhánh Ngân hàng trung tâm quyết định, trên 10.000 đồng thì Chi nhánh trung tâm phải thỉnh thị xin ý kiến của Ngân hàng trung ương.
C. THỜI HẠN CHO VAY
Điều 6. – Thời hạn cho vay nói chung không được quá thời gian sử dụng của tài sản cho vay, nên phải tùy theo từng đối tượng mà định thời hạn cho sát, nhưng tối đa không được quá 5 năm. Trường hợp có những khoản thật cần thiết phải kéo dài trên 5 năm thì phải do Trưởng chi nhánh Ngân hàng trung tâm quyết định.
D. CÁCH THU NỢ
Điều 7. – Khi hợp tác xã mua bán xã đưa các phương tiện vay vốn của Ngân hàng vào sản xuất, chế biến, có thành phẩm bán ra và khi bắt đầu sử dụng các phương tiện vận tải thì Ngân hàng sẽ thu nợ dần về theo hàng tháng bằng tiền vốn khấu hao cơ bản, một phần vốn tích lũy và một phần vốn cổ phần tăng lên của các tháng đó. Trường hợp các phương tiện này chưa sản xuất ra thành phẩm bán ra, nhưng quỹ tích lũy và quỹ cổ phần tăng lên có khả năng trả nợ Ngân hàng trước thì Ngân hàng cũng thu nợ dần số tiền cho vay về.
E. THỦ TỤC CHO VAY VÀ THỦ TỤC GIẤY TỜ BÁO CÁO
Điều 8. – Trước khi vay vốn, hợp tác xã mua bán xã phải xây dựng và gửi tới Ngân hàng các kế hoạch sau đây đã được Ban quản lý hợp tác xã mua bán huyện duyệt:
1. Kế hoạch sản xuất chế biến, tiêu thụ và kế hoạch vận chuyển hàng hóa (nếu có) trong đó có tính toán được hiệu quả kinh tế,
2. Kế hoạch vay trả Ngân hàng.
Điều 9. – Khi cho vay vốn, Ngân hàng mở cho hợp tác xã mua bán xã một tài khoản cho vay dài hạn để theo dõi riêng các khoản vay trả về dài hạn.
Về thủ tục kế toán cho vay, thu nợ áp dụng theo đúng chế độ kế toán cho vay số 27-KTCĐ/E. 48 ngày 19-3-1965.
Điều 10. – Khi cho vay, Ngân hàng sẽ phát tiền dần theo mức thực tế mua sắm các phương tiện cơ bản được vay.
Điều 11. – Ngày 5 (chậm nhất là ngày 10) của các tháng, quý, năm sau hợp tác xã mua bán xã phải gửi các báo cáo sau đây của các tháng, quý, năm trước cho Ngân hàng:
1. báo cáo kết quả mua sắm các phương tiện cơ bản,
2. báo cáo tài sản tiền vốn và các báo cáo kết quả kinh doanh (theo chế độ đã quy định).
G. LÃI SUẤT CHO VAY
Điều 12. – Lãi suất cho vay dài hạn đối với hợp tác xã mua bán xã áp dụng như lợi suất cho vay dài hạn đối với hợp tác xã cấp cao về thủ công nghiệp, vận tải, tức là 0,3% (ba phần nghìn) một tháng, theo chế độ lợi suất ban hành trong nghị định số 94-TTg/TN ngày 10-10-1964 của Hội đồng Chính phủ.
Chương 3
KIỂM TRA SỬ DỤNG VỐN VÀ KỶ LUẬT TÍN DỤNG
Điều 13. – Trước khi cho vay, Ngân hàng cần nghiên cứu kỹ kế hoạch sản xuất, chế biến và vận tải của hợp tác xã mua bán xã, tính toán kỹ hiệu quả kinh tế, đảm bảo vốn cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích, không lãng phí vốn,
Sau khi cho vay, phải theo dõi kiểm tra việc sử dụng vốn, việc thực hiện kế hoạch và tăng cường kiểm tra tại chỗ để góp ý kiến vào quá trình kinh doanh và sử dụng phương tiện của hợp tác xã mua bán xã.
Điều 14. – Các đơn vị hợp tác xã mua bán xã có vay tiền phải chịu sự kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước, trong khi kiểm tra, nếu thấy số tiền Ngân hàng cho vay không có vật tư đảm bảo hoặc hợp tác xã mua bán xã sử dụng vốn sai mục đích thì Ngân hàng sẽ thu hồi ngay số tiền cho vay không có vật tư đảm bảo ngay sử dụng sai mục đích đó về, đồng thời phản ảnh cho Ủy ban hành chính xã và hợp tác xã mua bán huyện biết để kịp thời giải quyết.
Điều 15. – Các đơn vị hợp tác xã mua bán xã vay vốn Ngân hàng phải chấp hành đúng các chế độ, thể lệ về tín dụng, quản lý tiền mặt và thanh toán của Ngân hàng Nhà nước, nếu vi phạm thì tùy theo nặng, nhẹ mà Ngân hàng sẽ áp dụng kỷ luật tín dụng như thu hồi vốn về, chuyển qua nợ quá hạn, cho đến đình chỉ cho vay.
Chương 4
ĐIỀU KHOẢN PHỤ
Điều 16. – Thể lệ tạm thời cho vay dài hạn đối với hợp tác xã mua bán xã này được thi hành kể từ ngày ban hành và trong quá trình thực hiện có thể sửa đổi, bổ sung thêm cho được hoàn chỉnh hơn.
Điều 17. – Mọi điều sửa đổi hoặc bổ sung thêm trong quá trình áp dụng đều do Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.
| TỔNG GIÁM ĐỐC |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.