BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 564/QĐ-BVHTTDL | Hà Nội, ngày 21 tháng 9 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA NGÀNH DU LỊCH
BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
Căn cứ Nghị quyết số 01/2007/QH12 ngày 31 tháng 7 năm 2007 của Quốc hội khoá XII về cơ cấu tổ chức của Chính phủ và số Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ khoá XII;
Căn cứ Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới;
Căn cứ Nghị định số 09/NĐ-CP ngày 08 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ về việc chuyển Tổng cục Du lịch vào Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;
Xét đề nghị của Tổng cục Du lịch,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt và ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình Hành động của Ngành Du lịch nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
CỦA NGÀNH DU LỊCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ SAU KHI VIỆT NAM GIA NHẬP TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI (WTO) GIAI ĐOẠN 2007 - 2012
(Ban hành kèm theo Quyết định số 564/QĐ-BVHTTDL ngày 21/9/2007)
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Chương trình Hành động của ngành Du lịch được thực hiện nhằm triển khai Chương trình Hành động của Chính phủ (được ban hành kèm theo Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP ngày 27/02/2007 của Chính phủ) thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Chương trình này xác định rõ nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương và địa phương, của các doanh nghiệp du lịch nhằm tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, đưa du lịch nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới, nhanh, mạnh và bền vững, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu đã đề ra trong Chiến lược Phát triển Du lịch Việt Nam giai đoạn 2001-2010.
2. Mục tiêu cụ thể
- Về đón khách quốc tế: phấn đấu đến năm 2010, Du lịch Việt Nam sẽ đón được 5,5-6,0 triệu lượt khách quốc tế với nhịp độ tăng trưởng trung bình đạt 11,4%, 25 triệu lượt khách du lịch nội địa.
- Về thu nhập du lịch: phấn đấu năm 2010, doanh thu du lịch đạt 4,0 - 4,5 tỷ USD, đưa tổng sản phẩm du lịch (GDP) năm 2010 đạt 5,3% tổng GDP của cả nước với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 11,0 – 11,5%/năm.
- Về phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch: điều tra, lập quy hoạch và đầu tư xây dựng và hoàn thiện 4 khu du lịch tổng hợp quốc gia và 16 khu du lịch chuyên đề quốc gia; nâng cấp các tuyến điểm du lịch quốc gia và quốc tế, các khu du lịch có ý nghĩa vùng và địa phương; đầu tư xây mới và nâng cấp hệ thống khách sạn, phấn đấu đến năm 2010 có trên 250.000 phòng khách sạn, đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách.
- Về tạo việc làm cho xã hội: đến năm 2010 Du lịch tạo 1,4 triệu việc làm cho xã hội, trong đó có 350.000 việc làm trực tiếp.
- Phấn đấu đến năm 2020 đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu trong khu vực.
II. NHỮNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU
1. Nhóm nhiệm vụ xuất phát từ việc cụ thể hoá Chương trình Hành động của Chính phủ
1.1. Về công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức
- Tổ chức nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Du lịch nhận thức sâu sắc quan điểm của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế, gia nhập WTO, những cơ hội và thách thức của du lịch Việt Nam khi Việt Nam là thành viên của WTO, phát huy mọi tiềm lực để nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, đưa du lịch Việt Nam phát triển nhanh và bền vững sau khi Việt Nam gia nhập WTO.
- Tổ chức các cuộc hội thảo, các lớp tập huấn để trao đổi, phổ biến nội dung các cam kết cụ thể trong lĩnh vực du lịch và các lĩnh vực có liên quan cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Ngành nhằm nâng cao hiểu biết về nội dung cam kết, về qui tắc và luật lệ của WTO để đảm bảo việc tuân thủ đúng luật, đúng qui tắc và cam kết trong quá trình quản lý và kinh doanh.
- Tổ chức các chương trình truyền thông để phổ biến về những cơ hội và thách thức đối với du lịch Việt Nam khi Việt Nam gia nhập WTO thông qua các phương tiện thông tin đại chúng nhằm định hướng thông tin phù hợp đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
- Phối hợp với các địa phương tổ chức phổ biến Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Hình thành diễn đàn trao đổi thông tin, kinh nghiệm về phát triển du lịch với việc tuân thủ các cam kết khi gia nhập, qui tắc và luật lệ của WTO trên mạng thông tin ngành Du lịch.
1.2. Về công tác xây dựng pháp luật, thể chế và cải cách hành chính
- Tiến hành rà soát hệ thống văn bản pháp luật về du lịch hiện hành, loại bỏ những quy định chồng chéo, không phù hợp với các cam kết; soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể, phù hợp cam kết, đảm bảo môi trường kinh doanh thông thoáng cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch;
- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch quốc gia và vùng làm cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch chi tiết phát triển du lịch các khu vực có tiềm năng và xác định các dự án đầu tư cụ thể.
- Rà soát các thủ tục hành chính để loại bỏ các giấy tờ, thủ tục, giấy phép không cần thiết, công bố công khai, minh bạch mọi chính sách, cơ chế quản lý, quy trình tác nghiệp, người chịu trách nhiệm và thời hạn giải quyết công việc của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch để mọi tổ chức, cá nhân thực hiện và giám sát việc thực hiện.
- Ban hành hệ thống phân cấp mới theo đề án tổng thể của Chính phủ đảm bảo tính hệ thống, ban hành cơ chế kiểm tra việc thực hiện phân cấp, gắn phân cấp với kiểm tra, giám sát.
- Tiếp tục hoàn thiện dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Du lịch theo hướng đẩy mạnh phân cấp, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
- Xây dựng cơ chế hỗ trợ đầu tư và phát triển sản phẩm du lịch.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành và quản lý theo hướng xây dựng công sở điện tử, phục vụ đắc lực cho cải cách hành chính.
- Xác định các nội dung liên quan đến du lịch trong cam kết gia nhập WTO có thể thực hiện trực tiếp và nội dung cần phải nội luật hoá để xây dựng kế hoạch sửa đổi Luật Du lịch và các văn bản dưới luật liên quan.
- Hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật ngành phù hợp với các quy định quốc tế để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
- Xây dựng cơ chế tham vấn đối với các đối tượng được quản lý, các doanh nghiệp du lịch trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật theo nguyên tắc công khai, minh bạch của WTO.
- Xây dựng hệ thống thống kê du lịch phù hợp với Luật Thống kê và thông lệ quốc tế.
1.3. Về hợp tác quốc tế
- Nghiên cứu, đề xuất cụ thể hoá các hiệp định về hợp tác du lịch song phương và đa phương giữa Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế.
- Tăng cường hợp tác nhằm đẩy mạnh tuyên truyền hình ảnh đất nước và du lịch giữa Việt Nam với các nước.
- Tăng cường mối quan hệ hợp tác phát triển giữa Hiệp hội Du lịch Việt Nam với Hiệp hội Du lịch các nước, giữa các hiệp hội nghề du lịch Việt Nam với hiệp hội nghề du lịch các nước.
- Khuyến khích hợp tác, liên kết, liên doanh giữa địa phương với địa phương, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp góp phần phát triển mối quan hệ giữa du lịch Việt Nam với du lịch các nước.
- Tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch; tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế để thu hút chuyên gia, hỗ trợ kỹ thuật, thu hút tài trợ từ các nước có du lịch phát triển, triển khai hiệu quả các dự án về phát triển nguồn nhân lực du lịch; liên kết trao đổi học sinh sinh viên giữa các cơ sở đào tạo du lịch của Việt Nam và các nước.
- Tăng cường hợp tác với các nước láng giềng, các nước tiểu vùng sông Mê Kông và các nước ASEAN, xây dựng các chương trình phát triển chung để thu hút đầu tư nước ngoài.
2. Nhóm nhiệm vụ xuất phát từ chiến lược phát triển ngành
2.1. Về phát triển cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch
- Chủ động phối hợp với các ngành liên quan trong xây dựng và thực hiện các kế hoạch phát triển và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là mạng lưới giao thông phục vụ phát triển du lịch.
- Xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật Ngành trong đó ưu tiên phát triển các cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế nhằm khắc phục tình trạng thiếu các cơ sở lưu trú du lịch nói chung và cơ sở lưu trú du lịch cao cấp nói riêng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
- Xác định danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong lĩnh vực du lịch theo từng giai đoạn đến năm 2020 trong đó ưu tiên các dự án đầu tư xây dựng các công trình nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, khách sạn, hạ tầng du lịch có chất lượng cao theo quy hoạch, ưu tiên các dự án phát triển loại hình du lịch thân thiện với môi trường và góp phần xoá đói, giảm nghèo.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các dự án đầu tư xây dựng các công trình du lịch (khách sạn, khu du lịch, khu vui chơi giải trí...) có ý nghĩa quốc gia.
2.2. Về tăng cường năng lực đội ngũ lao động trong ngành du lịch
Tổ chức triển khai thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực du lịch đến 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm phát triển nguồn nhân lực du lịch đủ về số lượng, cao về chất lượng và hợp lý về cơ cấu; là động lực thúc đẩy du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Nội dung chủ yếu của chương trình bao gồm: tăng cường năng lực hệ thống quản lý phát triển nguồn nhân lực du lịch; Đào tạo lại, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý và lao động trong Ngành; Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên, đào tạo viên du lịch; Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và tăng cường năng lực quản lý của cơ sở đào tạo du lịch; Phát triển chương trình, giáo trình; xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp du lịch; ứng dụng công nghệ mới trong phát triển nguồn nhân lực du lịch; Nâng cao nhận thức cộng đồng về du lịch.
2.3. Về xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch
- Xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với xu hướng thị trường và có sức cạnh tranh trong khu vực. Trong đó, ưu tiên phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hoá lịch sử và thể thao, vui chơi giải trí.
- Thúc đẩy phát triển các loại hình du lịch mới, đặc biệt là du lịch đường bộ liên quốc gia, du lịch đường biển. Nghiên cứu khảo sát xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo của các địa phương, các vùng và sản phẩm liên quốc gia để thu hút khách quốc tế và đẩy mạnh thu hút khách nội địa
- Lập đề án phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng tổng hợp cao cấp ở khu vực ven biển và vùng núi có khí hậu ôn hoà nhằm hình thành hệ thống các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách.
- Xây dựng đề án phát triển các cơ sở vui chơi giải trí, hệ thống các cửa hàng dịch vụ đạt chuẩn nhằm đáp ứng nhu cầu, kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của khách du lịch.
- Lập kế hoạch và tổ chức các sự kiện văn hoá, thể thao, du lịch tầm cỡ quốc tế nhằm thu hút khách du lịch và quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam.
2.4. Về công tác xúc tiến quảng bá, phát triển thị trường
- Xây dựng và thực hiện chiến lược xúc tiến du lịch với các nhiệm vụ cơ bản gồm:
+ Nghiên cứu xác định nhu cầu thị trường và các thị trường trọng điểm cần ưu tiên trong tình hình hiện tại.
+ Nghiên cứu, đầu tư nâng cao chất lượng của công tác xúc tiến quảng bá du lịch ở nước ngoài nhằm đảm bảo hiệu quả quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam ra thị trường và thu hút khách.
+ Đa dạng hoá các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch cả trong nước và ở nước ngoài nhằm mở rộng thị trường khách cả trong và ngoài nước, góp phần vào sự tăng trưởng của du lịch Việt Nam.
+ Mở rộng phạm vi các công cụ sử dụng trong công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch Việt Nam, trong đó vai trò của internet được coi trọng đặc biệt.
+ Xây dựng và hoàn thiện cơ chế tiếp nhận và sử dụng các nguồn tài trợ cho công tác xúc tiến du lịch.
+ Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến ở trung ương và các địa phương.
2.5. Bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững
- Triển khai tổ chức các sự kiện quảng bá du lịch Việt Nam ở nước ngoài, ở trong nước. Trong đó, tập trung tối đa cho việc tổ chức các sự kiện quan trọng như năm du lịch Cần Thơ 2008, diễn đàn du lịch các nước ASEAN 2009.
- Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng đề án bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực quan trắc, ứng phó với các sự cố môi trường tại các khu du lịch quốc gia.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường cho phát triển du lịch bền vững.
- Nghiên cứu xây dựng đề án ứng phó khủng hoảng, rủi ro trong du lịch, đặc biệt là thiên tai và dịch bệnh.
- Nghiên cứu xây dựng đề án phát triển du lịch gắn với xoá đói giảm nghèo.
- Xây dựng chiến lược phát triển du lịch bền vững nhằm thực hiện chương trình Nghị sự 21 Việt Nam.
- Xây dựng chương trình bảo vệ môi trường của ngành du lịch, lồng ghép vào kế hoạch đào tạo, phổ biến thông tin và thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ môi trường của Ngành.
- Nghiên cứu xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường trong du lịch.
3. Nhóm nhiệm vụ xuất phát từ kết quả đánh giá về tác động của hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và gia nhập WTO nói riêng
3.1. Về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch
- Thực hiện hiệu quả sâu rộng quá trình xã hội hoá, hiện đại hoá và nâng cao chất lượng đào tạo, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế, các đối tượng trong nước và ngoài nước tham gia vào đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch.
- Thực hiện đào tạo theo nhu cầu xã hội, áp dụng mô hình đào tạo linh hoạt theo tín chỉ, thực hiện việc hợp tác liên kết đa dạng, đào tạo theo địa chỉ, thu hút sự tham gia của doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng đúng với nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu người học và nhu cầu của xã hội.
3.2. Về phối hợp liên ngành
- Phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất việc điều chỉnh một số mức thuế đối với hoạt động du lịch, xây dựng và áp dụng chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hoá mua tại Việt Nam cho khách du lịch.
- Phối hợp với Bộ Thương mại phát triển hệ thống cửa hàng dịch vụ đạt chuẩn để khuyến khích hoạt động mua sắm, tăng chi tiêu của khách khi đến Việt Nam.
- Phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các Bộ, Ngành liên quan xây dựng và thực hiện đề án phát triển hệ thống trạm dừng chân phục vụ khách du lịch dọc các tuyến đường quốc lộ, đặc biệt là các tuyến đường trùng với tuyến du lịch quốc gia; xây dựng đề án với lộ trình cụ thể về việc mở rộng phạm vi hoạt động cho các đoàn xe du lịch tay lái bên phải, các đoàn xe caravan và xe mô tô phân khối lớn vào Việt Nam; triển khai việc quy định tiêu chuẩn, kiểm định chất lượng, cấp biển hiệu và kiểm tra hoạt động của các loại phương tiện vận chuyển khách du lịch (ô tô, tàu thuyền).
- Phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu khả năng cấp visa tại cửa khẩu, miễn visa song phương và đơn phương cho khách du lịch tại một số thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam.
- Phối hợp với Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tổng cục Hải quan xây dựng đề án nâng cao chất lượng dịch vụ công tại các đầu mối tiếp xúc với du khách.
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, Ngành liên quan trong việc xác định danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong lĩnh vực du lịch và tổ chức các diễn đàn kêu gọi đầu tư cả ở trong nước và nước ngoài.
- Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí ở trung ương và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về du lịch và quảng bá xúc tiến du lịch.
- Phối hợp với các ngành, các địa phương thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát đối với các dự án đầu tư xây dựng các công trình du lịch (khách sạn, khu du lịch, khu vui chơi giải trí...) có ý nghĩa quốc gia.
3.3. Nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực du lịch
- Xây dựng đề án nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực du lịch, trong đó đề xuất các chính sách vĩ mô nhằm khai thác tối đa tiềm năng về lịch sử văn hoá, về sinh thái của nước ta, phát huy lợi thế của xã hội ổn định, hoà bình và mến khách.
- Xây dựng chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch với các nội dung cơ bản gồm:
+ Phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam lựa chọn một số doanh nghiệp điển hình để phân tích khả năng cạnh tranh, làm cơ sở cho các doanh nghiệp trong Ngành tự phân tích khả năng cạnh tranh của mình.
+ Tổ chức đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ cho doanh nghiệp du lịch Việt Nam, phù hợp xu thế và trình độ quốc tế.
+ Thúc đẩy hợp tác quốc tế, hợp tác trong nước giữa các doanh nghiệp để nâng cao vị thế của du lịch Việt Nam.
+ Xây dựng kế hoạch mở rộng thị trường trên cơ sở phân tích khả năng cạnh tranh của sản phẩm du lịch Việt Nam và chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
- Xây dựng và triển khai đề án nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm du lịch Việt Nam với các hoạt động bao gồm :
+ Tăng cường khảo sát, nghiên cứu các vùng, các địa phương để khai thác, phát hiện các nguồn tiềm năng cho xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc thù của các địa phương (văn hoá bản địa đặc sắc, cảnh quan thiên nhiên kỳ thú...).
+ Xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mạo hiểm đặc thù của Việt Nam (lặn biển, leo núi, thám hiểm hang động...), tổ chức các cuộc đua, các hoạt động chuyên đề... để thu hút khách du lịch.
+ Xây dựng các sản phẩm du lịch liên vùng, liên quốc gia để hội nhập các sản phẩm du lịch Việt Nam với khu vực.
- Xây dựng kế hoạch củng cố, mở rộng và nâng cao năng lực của các hiệp hội nghề du lịch.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
- Trên cơ sở những nội dung, nhiệm vụ chủ yếu trong chương trình hành động này và căn cứ chức năng, nhiệm vụ đã được phân công, Văn phòng Tổng cục Du lịch, các Vụ, Cục và các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch hành động cụ thể của đơn vị mình.
- Đối với những nhiệm vụ cần triển khai theo chương trình, đề án, Lãnh đạo các Vụ, Văn phòng, Cục và các đơn vị trực thuộc chịu trách nhiệm chỉ đạo việc xây dựng các đề án, chương trình của đơn vị mình với các mục tiêu, nội dung, giải pháp thực hiện và phương án tổ chức triển khai cụ thể trình Lãnh đạo Bộ trước ngày 31 tháng 10 năm 2007.
- Đối với những nhiệm vụ không phải triển khai theo chương trình, đề án, các đơn vị cần tổ chức triển khai thực hiện ngay để bảo đảm thực hiện kịp thời và hiệu quả những nội dung của Chương trình Hành động.
- Các sở quản lý du lịch căn cứ Chương trình Hành động của địa phương và nội dung của Chương trình này, xây dựng kế hoạch hành động của đơn vị mình trình UBND tỉnh phê duyệt và gửi báo cáo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch để phối hợp chỉ đạo trước ngày 31 tháng 10 năm 2007./.
PHỤ LỤC 1:
NHỮNG CÔNG VIỆC TRIỂN KHAI NGAY TRONG NĂM 2007
(Ban hành kèm theo Quyết định số 564/QĐ-BVHTTDL ngày 21/9/2007)
TT | Nội dung công việc | Đơn vị chủ trì | Sản phẩm | Thời gian | Ghi chú |
1. | Về công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức | ||||
1.1 | Tổ chức chiến dịch truyền thông nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức về quan điểm của Đảng, Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế và gia nhập WTO trên Tạp chí Du lịch, Báo Du lịch, trang web của TCDL. Lập diễn đàn trao đổi thông tin, kinh nghiệm về phát triển du lịch với việc tuân thủ các cam kết khi gia nhập, qui tắc và luật lệ của WTO trên mạng thông tin ngành Du lịch | Trung tâm Tin học, Tạp chí Du lịch Việt Nam, Báo Du lịch
| Các bài viết đăng trên các ấn phẩm tạp chí, báo du lịch và báo điện tử, diễn đàn trên mạng thông tin động
| 2007 - 2008 |
|
1.2 | Tổ chức triển khai văn bản hướng dẫn Luật Du lịch tới các địa phương và các doanh nghiệp du lịch, tập huấn nghiệp vụ thẩm định hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh lữ hành, quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch | Vụ Pháp chế ,Vụ Lữ hành, Vụ Khách sạn, Thanh tra TCDL | Các Hội nghị theo từng địa phương | Năm 2007 |
|
2 | Về phát triển cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật Ngành | ||||
2.1 | Xây dựng và triển khai đề án phát triển cơ sở lưu trú du lịch ở Việt Nam trong đó ưu tiên phát triển các cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế | Vụ Khách sạn | Đề án cụ thể | 2007 và những năm tiếp theo |
|
2.2 | Kiểm tra giám sát các dự án đầu tư xây dựng các công trình du lịch có tầm cỡ quốc gia. | Vụ Kế hoạch Tài chính |
| 2007 – 2010 |
|
2.3 | Nghiên cứu, xác định danh mục các cơ quan tư vấn qui hoạch, đầu tư trong lĩnh vực du lịch (gồm năng lực, kinh nghiệm, đầu mối liên hệ) | Viện NCPT Du lịch | Danh mục cơ quan tư vấn | 2007 – 2008 |
|
2.4 | Công bố danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực du lịch ở các địa phương trong cả nước | Vụ Kế hoạch Tài chính | Danh mục các dự án đầu tư | 2007 |
|
2.5 | Phối hợp với các Bộ, Ngành tổ chức diễn đàn kêu gọi đầu tư ở nước ngoài | Vụ Kế hoạch Tài chính, Cục XTDL |
| 2007 và các năm tiếp theo |
|
3 | Về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực | ||||
3.1 | Phê duyệt chương trình Phát triển nguồn nhân lực du lịch đến 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, tổ chức triển khai chương trình. | Vụ Tổ chức cán bộ | Chương trình | Tháng 9/2007 |
|
3.2 | Hoàn chỉnh đề án thành lập Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng và Trường (trung tâm) đào tạo cán bộ quản lý du lịch, đề nghị Bộ Giáo dục đào tạo quyết định thành lập | Vụ Tổ chức cán bộ | Thành lập trường | Tháng 10/2007 |
|
4. | Về công tác xây dựng pháp luật, thể chế và cải cách hành chính | ||||
4.1 | Hoàn tất việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Du lịch trình cấp có thẩm quyền ban hành. Kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật về du lịch; trình cấp có thẩm quyền danh sách văn bản quy phạm pháp luật về du lịch hết hiệu lực. | Vụ Pháp chế | Dự thảo văn bản gửi cấp có thẩm quyền, hệ thống văn bản QPPL về du lịch còn hiệu lực thi hành | Năm 2007 |
|
4.2 | Hoàn thiện tiêu chuẩn xếp hạng các loại CSLTDL; tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch chung các nước tiểu vùng sông Mêkông; xây dựng tiêu chuẩn nhãn sinh thái cho các CSLTDL | Vụ Khách sạn | Các bộ tiêu chuẩn | 12/2007 |
|
4.3 | Xây dựng để cấp thẩm quyền ban hành quy chế quản lý khu du lịch | Vụ Lữ hành | Quy chế | 2007 – 2008 |
|
4.4 | Rà soát các văn bản, thủ tục hành chính liên quan đến du lịch, cải cách thủ tục hành chính và công khai chính sách, quy trình tác nghiệp, người chịu trách nhiệm và thời hạn giải quyết trong thẩm định, xếp hạng CSLTDL, trong cấp phép lữ hành quốc tế và cấp thẻ hướng dẫn viên | Vụ Pháp chế, Vụ Khách sạn, Vụ Lữ hành | Các báo cáo rà soát, báo cáo quy trình tác nghiệp | 2007 |
|
4.5 | Lập đề án xây dựng hệ thống thống kê du lịch phù hợp với thông lệ quốc tế | Vụ Kế hoạch Tài chính | Dự án chi tiết | 2007 |
|
4.6 | Xây dựng và triển khai đề án hoàn thiện hệ thống quản lý hướng dẫn viên trên mạng. | Vụ Lữ hành | Đề án cụ thể | 2007 |
|
5 | Về xây dựng và phát triển sản phẩm | ||||
5.1 | Ban hành và triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm tăng cường thu hút khách quốc tế đến Việt Nam | Vụ Lữ hành | Báo cáo | Năm 2007 |
|
5.2 | Nghiên cứu phát triển các loại hình du lịch đường bộ và các sản phẩm du lịch phục vụ cho loại hình này | Vụ Lữ hành | Báo cáo | 2007 – 2008 |
|
6 | Về công tác xúc tiến quảng bá | ||||
6.1 | Xây dựng chiến lược xúc tiến du lịch Việt Nam đến năm 2020 | Cục xúc tiến du lịch | Chiến lược đến năm 2020 | Năm 2007 |
|
6.2 | Xây dựng kế hoạch xúc tiến du lịch của Việt Nam đối với từng thị trường cụ thể | Cục xúc tiến du lịch | Kế hoạch chi tiết | 2007 – 2008 |
|
6.3 | Hoàn thiện kế hoạch tổ chức diễn đàn du lịch các nước ASEAN | Vụ HTQT, | Kế hoạch chi tiết | Năm 2007 |
|
6.4 | Hoàn thiện kế hoạch hỗ trợ tổ chức năm du lịch Cần Thơ 2008, tổ chức hội chợ TRAVEX kế hoạch xúc tiến du lịch Việt Nam ra nước ngoài năm 2008. | Cục xúc tiến du lịch | Kế hoạch chi tiết | Năm 2007 |
|
6.5 | Xây dựng hệ thống thông tin các điểm đến của du lịch Việt Nam trên mạng Internet | Trung tâm Tin học | Cơ sở dữ liệu | 2007 – 2008 |
|
7 | Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững | ||||
7.1 | Triển khai thực hiện nhiệm vụ môi trường năm 2007 | Các Vụ, Văn phòng, Cục, đơn vị trực thuộc |
| Năm 2007 |
|
7.2 | Lập kế hoạch và triển khai thực hiện quản lý công tác BVMT đối với hệ thống CSLTDL, đối với việc khai thác tài nguyên và phòng chống TNXH, HIV/AIDS trong ngành du lịch | Thanh tra | Kế hoạch chi tiết | Năm 2007 và thời gian tiếp theo |
|
8 | Về hợp tác quốc tế | ||||
8.1 | Nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan cụ thể hoá nội dung hợp tác trong các hiệp định về hợp tác du lịch giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. | Vụ Hợp tác quốc tế | Dự thảo chương trình hợp tác cụ thể theo giai đoạn, nội dung. | 2007 – 2008 |
|
8.2 | Xây dựng kế hoạch mở rộng quan hệ hợp tác phát triển giữa Hiệp hội Du lịch Việt Nam với Hiệp hội Du lịch các nước, giữa các hiệp hội nghề du lịch Việt Nam với hiệp hội nghề du lịch các nước. | Hiệp hội Du lịch Việt Nam | Kế hoạch cụ thể | 2007 – 2008 |
|
9 | Về phối hợp liên ngành | ||||
9.1 | Nghiên cứu đề xuất phương án cấp visa tại cửa khẩu, miễn visa song phương và đơn phương cho khách du lịch tại một số thị trường du lịch trọng điểm. | Vụ Hợp tác quốc tế | Kế hoạch chi tiết | 2007 – 2008 |
|
9.2 | Nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh một số mức thuế đối với các hoạt động du lịch hiện hành và áp dụng chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách du lịch quốc tế khi xuất cảnh | Vụ Kế hoạch Tài chính | Kế hoạch chi tiết | 2007- 2008 |
|
9.3 | Xây dựng tiêu chuẩn chất lượng để cấp biển hiệu và phân hạng phương tiện vận chuyển khách du lịch | Vụ Lữ hành | Bộ tiêu chuẩn | 2007 – 2008 |
|
10 | Nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực du lịch | ||||
10.1 | Tổ chức phân tích khả năng cạnh tranh của một số doanh nghiệp điển hình để làm cơ sở cho các doanh nghiệp trong Ngành tự phân tích khả năng cạnh tranh của mình | Hiệp hội Du lịch Việt Nam | Các cuộc hội thảo
| Năm 2007 |
|
10.2 | Xây dựng đề án nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực du lịch (bao gồm cả năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm) | Vụ Lữ hành, Vụ Khách sạn, Hiệp hội Du lịch VN | Đề án cụ thể | 2007 – 2008 |
|
PHỤ LỤC 2:
NHỮNG CÔNG VIỆC TRIỂN KHAI TỪ NĂM 2007 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO
(Ban hành kèm theo Quyết định số 564/QĐ-BVHTTDL ngày 21/9/2007)
TT | Nội dung công việc | Đơn vị chủ trì | Sản phẩm | Thời gian | Ghi chú |
|
1. | Về công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức |
| ||||
1.1 | Tổ chức nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết, các lớp tập huấn phổ biến nội dung các cam kết cụ thể trong lĩnh vực du lịch và các lĩnh vực có liên quan cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Du lịch nhận thức sâu sắc quan điểm của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế, gia nhập WTO, những cơ hội và thách thức của du lịch Việt Nam khi gia nhập WTO | Vụ Kế hoạch Tài chính, Vụ Lữ hành, Vụ Khách sạn, Thanh tra TCDL | Các khoá tập huấn triển khai, tài liệu hướng dẫn | 2007- 2008 |
|
|
1.2 | Phổ biến Luật Du lịch, Nghị định và thông tư hướng dẫn, phổ biến các tiêu chuẩn ngành | Vụ Pháp chế, Vụ Khách sạn, Vụ Lữ hành, Thanh tra TCDL | Các khoá tập huấn triển khai | 2008 và thời gian tiếp theo |
|
|
1.3 | Duy trì diễn đàn trao đổi thông tin, kinh nghiệm về phát triển du lịch khi gia nhập WTO. | Trung tâm Tin học | Diễn đàn trên mạng thông tin động | 2008 – 2010 |
|
|
1.4 | Tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình | Vụ Lữ hành | Báo cáo hội thảo | Năm 2010 |
|
|
2 | Về phát triển cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật Ngành |
| ||||
2.1 | Xây dựng và triển khai đề án phát triển các công trình thể thao, vui chơi giải trí phục vụ khách du lịch ở Việt Nam. | Vụ Khách sạn, Vụ Lữ hành |
| 2008 - 2010 |
|
|
2.2 | Tiếp tục triển khai kiểm tra giám sát các dự án đầu tư xây dựng các công trình du lịch có tầm cỡ quốc gia. | Vụ Kế hoạch Tài chính |
| 2008 và những năm tiếp theo |
|
|
3 | Về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực |
| ||||
3.1 | Triển khai dự án đầu tư xây dựng trường trung cấp du lịch Cần Thơ, Đà Lạt, Nha Trang và trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng, trường đào tạo cán bộ quản lý du lịch trung ương | Trường TCDL Cần Thơ, Đà Lạt, Nha Trang, CĐDL Đà Nẵng, Trường ĐT cán bộ QLDLTW | Hoạt động ban đầu của Trường; báo cáo tiến độ
| Từ 2008 và liên tục các năm tiếp theo |
|
|
3.2 | Thực hiện các dự án thuộc Chương trình Phát triển Nguồn nhân lực Du lịch đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 | Vụ Tổ chức cán bộ | Hệ thống tổ chức, chính sách được đề xuất đổi mới ; báo cáo dự án | Từ 2008 |
|
|
3.3 | Thành lập Trường trung cấp DL tại Kiên Giang, Bình Thuận, Nghệ An, Thái Nguyên, Lào Cai | Vụ Tổ chức cán bộ | Thành lập trường | 2008 – 2010 |
|
|
3.4 | Triền khai chương trình hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo về nội dung đào tạo theo nhu cầu xã hội | Tổ điều phối | Hiệu quả đào tạo du lịch được nâng cao | 2008 và những năm tiếp theo |
|
|
4. | Về công tác xây dựng pháp luật, thể chế và cải cách hành chính |
| ||||
4.1 | Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ du lịch, Luật Du lịch | Vụ Pháp chế | Dự thảo văn bản của TCDL trình Chính phủ | Năm 2008 |
|
|
4.2 | Phối hợp liên ngành xây dựng cơ chế hỗ trợ đầu tư và kinh doanh lưu trú du lịch, vận chuyển khách du lịch | Vụ Khách sạn, Vụ Lữ hành | Dự thảo báo cáo trình phê duyệt.
| 2007-2008 |
|
|
4.3 | Nghiên cứu đề xuất cơ chế cho đầu tư, kinh doanh và phát triển các loại hình vui chơi có thưởng tại Việt Nam. | Vụ Kế hoạch Tài chính, Vụ Lữ hành, Vụ Khách sạn | Dự thảo báo cáo trình cấp thẩm quyền | 2008-2010 |
|
|
4.4 | Xây dựng tiêu chí, quy chế quản lý khu du lịch sinh thái, quy định về quy hoạch sử dụng đất trong khu du lịch | Vụ Kế hoạch Tài chính | Báo cáo hệ thống tiêu chí, dự thảo quy chế, quy định | 2008 – 2009 |
|
|
4.5 | Triển khai đề án xây dựng hệ thống thống kê du lịch phù hợp với thông lệ quốc tế |
| Dự án chi tiết | Năm 2008 và những năm tiếp theo |
|
|
5 | Về xây dựng và phát triển sản phẩm |
| ||||
5.1 | Xây dựng và triển khai các đề án phát triển sản phẩm du lịch đường bộ, sản phẩm du lịch đường sắt và sản phẩm du lịch đường biển | Vụ Lữ hành | Các đề án cụ thể
| 2008-2010 |
|
|
5.2 | Xây dựng và áp dụng Tiêu chuẩn VSATTP cho hệ thống CSLTDL. | Vụ Khách sạn | Tiêu chuẩn | 2008 – 2009 |
|
|
5.3 | Xây dựng và triển khai đề án phát triển các khu vui chơi giải trí và hệ thống các cửa hàng dịch vụ đạt chuẩn | Vụ Lữ hành, Vụ Khách sạn | Đề án cụ thể
| 2008 – 2010 |
|
|
5.4 | Xây dựng và triển khai chiến lược phát triển hệ thống tuyến điểm du lịch Việt Nam | Vụ Lữ hành, Vụ Khách sạn, Vụ Kế hoạch Tài chính |
| 2008 và những năm tiếp theo |
|
|
6 | Về công tác xúc tiến quảng bá |
| ||||
6.1 | Triển khai chiến lược xúc tiến du lịch chung cho du lịch Việt Nam | Cục Xúc tiến du lịch |
| 2008 và những năm tiếp theo |
|
|
6.2 | Mở văn phòng đại diện du lịch Việt Nam ở nước ngoài (Nhật, Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan, Pháp, Nga) | Cục Xúc tiến du lịch | Các Văn phòng đại diện | 2008 – 2009 |
|
|
6.3 | Tổ chức năm du lịch Cần Thơ 2008, hội chợ TRAVEX năm 2009 và các sự kiện quảng bá du lịch Việt Nam ở nước ngoài | Cục Xúc tiến du lịch |
| 2008-2010 |
|
|
7 | Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững |
| ||||
7.1 | Xây dựng chiến lược phát triển du lịch bền vững nhằm thực hiện chương trình Nghị sự 21 Việt Nam | Viện NCPT Du lịch | Chiến lược đến năm 2020 | Năm 2008 |
|
|
7.2 | Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường của ngành du lịch, xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường trong du lịch | Các Vụ, Văn phòng, Cục, Thanh tra, đơn vị trực thuộc |
| 2008 và những năm tiếp theo |
|
|
7.3 | Xây dựng và triển khai đề án bảo vệ môi trường du lịch, nâng cao năng lực quan trắc, ứng phó với các sự cố môi trường tại các khu du lịch quốc gia, duy trì công tác kiểm tra, giám sát việc khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường cho phát triển du lịch bền vững; | Các Vụ, Văn phòng, Cục, Thanh tra, đơn vị trực thuộc
|
| 2008 và những năm tiếp theo |
|
|
8 | Về hợp tác quốc tế | |||||
8.1 | Xây dựng và triển khai đề án hợp tác, liên kết với các cơ sở đào tạo của nước ngoài đào tạo nghiệp vụ, ngoại ngữ cho đội ngũ hướng dẫn viên | Vụ Tổ chức cán bộ |
| 2008 – 2010 và những năm tiếp theo |
| |
8.2 | Triển khai các chương trình hợp tác với các nước đã ký kết các hiệp định khung về hợp tác phát triển du lịch với Việt Nam | Vụ Hợp tác quốc tế |
| 2008 – 2010 |
| |
8.3 | Tổ chức diễn đàn du lịch các nước ASEAN | Vụ Hợp tác quốc tế |
| 2009 |
| |
9 | Về phối hợp liên ngành | |||||
9.1 | Xây dựng và triển khai đề án phát triển hệ thống trạm dừng chân phục vụ khách du lịch dọc các tuyến đường quốc lộ, đặc biệt là các tuyến đường trùng với tuyến du lịch quốc gia | Vụ Lữ hành |
| 2008 - 2010 |
| |
9.2 | Xây dựng kế hoạch và triển khai việc mở rộng phạm vi hoạt động cho các đoàn xe du lịch tay lái bên phải vào Việt Nam | Vụ Lữ hành |
| Năm 2009 |
| |
9.3 | Triển khai kiểm định chất lượng, cấp biển hiệu và kiểm tra hoạt động của các loại phương tiện vận chuyển khách du lịch | Vụ Lữ hành |
| 2008 và những năm tiếp theo |
| |
9.4 | Xây dựng và triển khai đề án nâng cao chất lượng dịch vụ công tại các đầu mối tiếp xúc với du khách | Vụ Lữ hành |
| Năm 2009 |
| |
10 | Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch | |||||
10.1 | Triển khai đề án nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực du lịch cấp quốc gia | Vụ Lữ hành, Vụ Khách sạn |
| 2008 và những năm tiếp theo |
| |
10.2 | Xây dựng và triển khai kế hoạch mở rộng thị trường khách quốc tế đến Việt Nam | Cục Xúc tiến du lịch |
| 2008 và những năm tiếp theo |
| |
10.3 | Xây dựng đề án thành lập Hiệp hội khách sạn, hiệp hội lữ hành, hiệp hội hướng dẫn viên... | Vụ Lữ hành, Vụ Khách sạn | Đề án cụ thể
| 2008 - 2009 |
| |
10.4 | Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn “khách sạn xanh”, hướng dẫn các địa phương quản lý, cấp và kiểm tra nhãn sinh thái đối với hệ thống CSLTDL | Vụ Khách sạn | Bộ Tiêu chuẩn | 2009 và những năm tiếp theo |
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.