BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 562/QĐ-TCTK | Hà Nội, ngày 16 tháng 08 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC TIẾN HÀNH KHẢO SÁT MỨC SỐNG DÂN CƯ NĂM 2011
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THỐNG KÊ
Căn cứ Luật Thống kê ngày 26 tháng 6 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 54/2010/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Căn cứ Quyết định số 43/2010/QĐ-TTg ngày 02 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia;
Căn cứ Chỉ thị số 1752/CT-TTg ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức tổng điều tra hộ nghèo trên toàn quốc phục vụ cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2011 - 2015, trong đó giao Tổng cục Thống kê công bố tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của cả nước và các địa phương hàng năm, làm cơ sở để xây dựng kế hoạch và thực hiện các chính sách an sinh xã hội;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thống kê Xã hội và Môi trường,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Phương án Khảo sát mức sống dân cư năm 2011 nhằm thu thập thông tin về thu nhập của hộ dân cư làm căn cứ đánh giá tình trạng nghèo đói và phân hóa giàu nghèo của dân cư phục vụ công tác hoạch định các chính sách, kế hoạch và các chương trình mục tiêu quốc gia của Đảng và Nhà nước.
Điều 2. Vụ trưởng Vụ Thống kê Xã hội và Môi trường chủ trì, phối hợp với Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Vụ trưởng Vụ Phương pháp chế độ thống kê và Công nghệ thông tin và Thủ trưởng các đơn vị khác liên quan hướng dẫn, giám sát thực hiện cuộc khảo sát.
Các Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức, chỉ đạo thực hiện cuộc khảo sát này theo đúng phương án quy định.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Thủ trưởng các đơn vị có tên ở Điều 2 có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TỔNG CỤC TRƯỞNG |
PHƯƠNG ÁN
KHẢO SÁT MỨC SỐNG DÂN CƯ NĂM 2011
(Ban hành kèm theo Quyết định số 562/QĐ-TCTK ngày 16/8/2011 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê)
1. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU KHẢO SÁT
Thu thập thông tin về thu nhập của hộ dân cư làm căn cứ đánh giá tình trạng nghèo đói và phân hóa giàu nghèo của dân cư phục vụ công tác hoạch định các chính sách, kế hoạch và các chương trình mục tiêu quốc gia của Đảng và Nhà nước nhằm không ngừng nâng cao mức sống dân cư trong cả nước, các vùng và các địa phương.
2. ĐỐI TƯỢNG, ĐƠN VỊ VÀ PHẠM VI KHẢO SÁT
2.1. Đối tượng khảo sát: Hộ dân cư và các thành viên hộ.
2.2. Đơn vị khảo sát: Hộ dân cư.
2.3. Phạm vi khảo sát: 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh).
3. THỜI ĐIỂM, THỜI KỲ VÀ THỜI GIAN KHẢO SÁT
3.1. Thời điểm, thời kỳ khảo sát: Cuộc khảo sát được tiến hành trong 1 kỳ. Thời điểm khảo sát bắt đầu từ ngày 10 tháng 9 năm 2011.
3.2. Thời gian khảo sát: Thời gian thu thập thông tin tại địa bàn là 45 ngày.
4. NỘI DUNG KHẢO SÁT
- Thu nhập của hộ dân cư từ tiền công, tiền lương; hoạt động sản xuất tự làm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; hoạt động ngành nghề sản xuất kinh doanh, dịch vụ phi nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản của hộ; thu khác.
- Những đặc điểm chính về nhân khẩu học của các thành viên trong hộ gồm: tuổi, giới tính, dân tộc và tình trạng hôn nhân.
5. PHIẾU THU THẬP SỐ LIỆU VÀ CÁC BẢNG DANH MỤC SỬ DỤNG TRONG KHẢO SÁT
5.1. Các loại phiếu thu thập số liệu
- Phiếu số 1-PVH/KSMS11: Phiếu phỏng vấn hộ.
- Phiếu số 2-PT/KSMS11: Phiếu phúc tra hộ.
- Phiếu số 3A-KSCL/KSMS11: Bảng phân công khối lượng công việc.
- Phiếu số 3B-KSCL/KSMS11: Báo cáo công tác kiểm tra giám sát tại địa bàn.
- Phiếu số 3C-KSCL/KSMS11: Phiếu kiểm tra bảng câu hỏi.
- Phiếu số 3D-KSCL/KSMS11: Phiếu dự phỏng vấn hộ điều tra.
5.2. Các bảng danh mục
- Danh mục các dân tộc Việt Nam được ban hành theo Quyết định số 121-TCTK/PPCĐ ngày 02 tháng 3 năm 1979 của Tổng cục Thống kê (được in sẵn trong phiếu khảo sát).
- Danh mục nghề nghiệp được ban hành theo Quyết định số 114/1998/QĐ-TCTK ngày 29 tháng 3 năm 1998 của Tổng cục Thống kê (được in sẵn trong phiếu khảo sát).
- Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam được ban hành kèm theo Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ (được in sẵn trong phiếu khảo sát).
- Bảng danh mục các đơn vị hành chính Việt Nam 2010 được ban hành theo Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ và những thay đổi đã được Tổng cục Thống kê cập nhật đến thời điểm 31 tháng 12 năm 2010.
6. LOẠI ĐIỀU TRA VÀ PHƯƠNG PHÁP THU THẬP SỐ LIỆU
6.1. Loại điều tra
Khảo sát mức sống dân cư (KSMS) năm 2011 là cuộc điều tra chọn mẫu với các thông tin về mẫu khảo sát như sau:
6.1.1. Cỡ mẫu:
Mẫu khảo sát được chọn từ 3.133 địa bàn của mẫu chủ gồm 46.995 hộ dân cư, mỗi địa bàn chọn 15 hộ để khảo sát theo các bước sau:
- Bước 1: chọn 3.133 địa bàn khảo sát (883 địa bàn thành thị và 2.250 địa bàn nông thôn) từ 16.470 địa bàn khảo sát của mẫu chủ độc lập theo hai khu vực thành thị và nông thôn theo phương pháp ngẫu nhiên hệ thống.
- Bước 2: chọn 20 hộ từ bảng kê danh sách các hộ dân cư của địa bàn được chọn (sau khi đã được cập nhật). Từ 20 hộ được chọn, chọn 15 hộ chính thức và 5 hộ dự phòng, cách chọn như hướng dẫn trong Sổ tay Khảo sát mức sống dân cư 2010.
Vụ Thống kê Xã hội và Môi trường thực hiện bước 1 chọn địa bàn khảo sát. Các Cục Thống kê tỉnh thực hiện bước 2 chọn hộ dân cư theo hướng dẫn thống nhất của Vụ Thống kê Xã hội và Môi trường. Danh sách hộ dân cư được chọn được lưu giữ tại hai nơi: Cục Thống kê tỉnh và Vụ Thống kê Xã hội và Môi trường để phục vụ việc tổ chức thực hiện và theo dõi, kiểm tra, giám sát, phúc tra.
6.1.2. Phân bổ mẫu cho các tỉnh:
Vụ Thống kê Xã hội và Môi trường phân bổ mẫu KSMS 2011 cho các tỉnh theo phương pháp căn bậc hai. Phương pháp này phân bổ số hộ theo một tỷ lệ cao hơn đối với các tỉnh có quy mô dân số nhỏ và ngược lại.
Số lượng hộ dân cư phân bổ cho mỗi tỉnh được nêu trong Bảng phân bổ mẫu KSMS 2011 đính kèm.
Vụ Thống kê Xã hội và Môi trường gửi danh sách địa bàn đã chọn cho các Cục Thống kê tỉnh để rà soát và cập nhật. Các Cục Thống kê tỉnh rà soát, nếu thật cần thiết thì đề nghị và xin ý kiến Tổng cục Thống kê điều chỉnh một số địa bàn cho phù hợp hơn với các đặc điểm địa lý, kinh tế, xã hội thực tế của địa phương, đảm bảo tính đại diện cao (Tỷ lệ điều chỉnh không quá 5% số địa bàn được phân bổ).
6.2. Phương pháp thu thập số liệu
Cuộc khảo sát áp dụng phương pháp phỏng vấn trực tiếp. Điều tra viên đến gặp chủ hộ và những thành viên trong hộ có liên quan để phỏng vấn và ghi thông tin vào phiếu phỏng vấn hộ. Cuộc khảo sát không sử dụng phương pháp khảo sát gián tiếp hoặc sao chép các thông tin từ các nguồn có sẵn khác vào phiếu phỏng vấn.
7. TỔNG HỢP, BIỂU ĐẦU RA VÀ CÔNG BỐ KẾT QUẢ
Vụ Thống kê Xã hội và Môi trường thiết kế biểu đầu ra chuyển Trung tâm Tin học Thống kê khu vực I tổng hợp từ số liệu khảo sát. Các chỉ tiêu đầu ra bao gồm:
- Thu nhập bình quân đầu người 1 tháng chia theo nguồn thu, nhóm thu nhập, thành thị/nông thôn, vùng, tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
- Tỷ lệ hộ nghèo chia theo thành thị/nông thôn, vùng, tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
- Hệ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập (hệ số GINI) chia theo thành thị/nông thôn, vùng, tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
- Chênh lệch thu nhập bình quân đầu người của nhóm hộ có thu nhập cao nhất so với nhóm hộ có thu nhập thấp nhất chia theo thành thị/nông thôn, vùng, tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
Kết quả của khảo sát sẽ được công bố dưới dạng các báo cáo và ấn phẩm.
8. KẾ HOẠCH TIẾN HÀNH
- Tháng 7 - 8/2011: Trình duyệt Phương án, Kế hoạch khảo sát và Phiếu phỏng vấn.
- Tháng 8/2011: Chuẩn bị mẫu khảo sát; In tài liệu khảo sát và gửi các địa phương.
- Tháng 9 - 10/2011: Thu thập thông tin tại các địa bàn.
- Tháng 11/2011: Tổng cục Thống kê kiểm tra, nghiệm thu phiếu khảo sát tại địa bàn; Nhập tin và làm sạch số liệu tại Cục Thống kê tỉnh.
- Tháng 11 - 12/2011: Tổng cục Thống kê kiểm tra, nghiệm thu bộ số liệu gốc.
- Tháng 12/2011: Tổng hợp kết quả.
- Tháng 01/2012: Công bố kết quả.
9. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
9.1. Các cấp thực hiện
9.1.1. Cấp Trung ương
Vụ trưởng Vụ Thống kê Xã hội và Môi trường chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về tổ chức chỉ đạo toàn diện cuộc khảo sát. Thành lập tổ chuyên viên của Vụ để giúp công tác tổ chức, chỉ đạo và thực hiện các công việc khảo sát gồm: thiết kế phương án, biểu mẫu, kiểm tra giám sát quá trình thu thập số liệu tại địa bàn, nghiệm thu, kiểm tra làm sạch, tổng hợp, phân tích và công bố kết quả khảo sát.
Trong quá trình thực hiện, Vụ trưởng Vụ Thống kê Xã hội và Môi trường phối hợp với Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Chánh Thanh tra Tổng cục và Vụ trưởng các Vụ, Thủ trưởng các đơn vị liên quan bố trí các chuyên viên đi địa phương để kiểm tra, giám sát và giải quyết các vướng mắc về nghiệp vụ nhằm bảo đảm cuộc khảo sát được thực hiện đúng phương án quy định.
9.1.2. Cấp tỉnh/thành phố
Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về tổ chức, chỉ đạo thực hiện toàn diện cuộc khảo sát trong phạm vi địa phương mình, gồm tổ chức lực lượng khảo sát, triển khai thực hiện thu thập số liệu tại địa bàn, kiểm tra, giám sát, phúc tra, nghiệm thu, nhập tin, kiểm tra làm sạch, tổng hợp kết quả khảo sát theo phương án quy định và chịu trách nhiệm về chất lượng số liệu khảo sát.
9.1.3. Cấp huyện/quận
Chi cục trưởng Chi cục Thống kê huyện/quận chịu trách nhiệm chỉ đạo việc triển khai thực hiện khảo sát tại các xã/phường được chọn thuộc phạm vi mình phụ trách.
9.1.4. Cấp xã/phường
Đề nghị lãnh đạo xã/phường có địa bàn khảo sát tạo mọi điều kiện thuận lợi cho độ khảo sát hoàn thành nhiệm vụ. Lãnh đạo xã/phường cần họp với các hộ được chọn để quán triệt mục đích khảo sát và động viên các hộ tích cực tham gia cung cấp thông tin theo yêu cầu của cuộc khảo sát. Đối với các xã vùng sâu, vùng xa, địa bàn gặp khó khăn cần giao trách nhiệm cho Tổ trưởng Tổ dân phố, Trưởng thôn/ấp/bản trực tiếp đến các hộ được chọn để vận động các hộ tích cực tham gia cuộc khảo sát.
9.2. Tuyển chọn điều tra viên và đội trưởng
Các Cục Thống kê tỉnh phải sử dụng lực lượng điều tra viên và đội trưởng đã tham gia Khảo sát mức sống dân cư 2010.
9.3. Tập huấn nghiệp vụ
Do phiếu phỏng vấn hộ chỉ bao gồm các thông tin rút gọn được lấy từ Phiếu phỏng vấn hộ của Khảo sát mức sống dân cư năm 2010 nên các Cục Thống kê tỉnh không phải tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng khảo sát.
9.4. Công tác tuyên truyền
Tổng cục Thống kê sẽ in thư gửi hộ dân cư tham gia khảo sát để động viên, làm rõ mục đích và ích lợi của cuộc khảo sát nhằm giúp hộ xác định được trách nhiệm và vinh dự, sẵn sàng phối hợp và cung cấp thông tin chính xác cho điều tra viên.
Tại xã, phường, thị trấn có địa bàn khảo sát cần tổ chức họp các hộ dân cư được chọn phỏng vấn.
9.5. Triển khai thu thập số liệu
Các Cục Thống kê tỉnh triển khai thu thập số liệu tại địa bàn bắt đầu từ ngày 10 tháng 9 năm 2011.
Tại mỗi xã, phường, thị trấn có địa bàn khảo sát, đội trưởng báo cáo và thống nhất với lãnh đạo xã, phường, thị trấn kế hoạch phỏng vấn hộ. Sau khi thống nhất, đội trưởng và cán bộ thôn, ấp bản thông báo kế hoạch này cho hộ để chủ hộ và các thành viên có liên quan biết nhiều thông tin nhất trong hộ chủ động sắp xếp công việc để có mặt ở nhà tiếp điều tra viên. Kế hoạch này cần phải được thông báo trước thời điểm điều tra viên đến phỏng vấn khoảng 3-5 ngày.
Đội trưởng lập bảng phân công khối lượng công việc cho từng điều tra viên và báo cáo Cục Thống kê tỉnh để bố trí kế hoạch kiểm tra, giám sát ở địa bàn.
Căn cứ vào kế hoạch do đội trưởng bố trí, điều tra viên phải trực tiếp gặp chủ hộ và thành viên trong hộ để phỏng vấn thu thập thông tin, tuyệt đối không được sử dụng bất kỳ một tài liệu sẵn có nào để thay thế cho phỏng vấn trực tiếp.
Điều tra viên phải tuân thủ quy trình phỏng vấn hộ trong Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ KSMS 2010.
Quy định thời gian từ khâu thu thập thông tin đến khi hoàn thiện phiếu được nghiệm thu là 1 ngày xong 1 hộ.
9.6. Công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra
Tổng cục Thống kê và các Cục Thống kê tỉnh thực hiện việc giám sát, kiểm tra kết hợp thanh tra thường xuyên hoặc đột xuất trong suốt thời gian thu thập, tổng hợp số liệu khảo sát.
Lực lượng giám sát, kiểm tra, thanh tra ở Tổng cục gồm cán bộ của Vụ Thống kê Xã hội và Môi trường, Vụ Kế hoạch tài chính, Thanh tra Tổng cục và các đơn vị liên quan khác.
Lực lượng giám sát, kiểm tra, thanh tra ở địa phương là cán bộ, công chức của Phòng Dân số Văn xã, Thanh tra Cục Thống kê và các phòng liên quan khác.
Mục đích của công tác giám sát, điều tra, thanh tra nhằm phát hiện và giải quyết tại chỗ, kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình khảo sát.
Nội dung kiểm tra, thanh tra gồm việc tổ chức và thực hiện các quy trình khảo sát, số lượng (đủ hộ theo kế hoạch, đủ phiếu, mục và các chỉ tiêu khảo sát) và chất lượng (ghi đúng dòng, cột, mã số, đơn vị tính, tính toán số học; tính logic giữa các cột, dòng, các chỉ tiêu, quan hệ giữa các biểu, tính hợp lý khi đối chiếu một số chỉ tiêu với thực tế địa phương hoặc các tài liệu thống kê liên quan khác), cách hỏi và ghi phiếu của từng điều tra viên, chấp hành các thủ tục hành chính như báo cáo tiến độ theo quy định, điền các mẫu phiếu kiểm soát chất lượng, kiểm tra thực địa tại địa bàn, công tác nhập tin, làm sạch số liệu.
Đội trưởng chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra tất cả các phiếu khảo sát đã hoàn thành của đội mình về nội dung, phương pháp tính, tính logic, kiểm tra số học, đối chiếu một số chỉ tiêu với thực tế địa phương hoặc các tài liệu thống kê liên quan khác, dự phỏng vấn của điều tra viên để kiểm tra kỹ năng giao tiếp, việc thu thập và ghi thông tin.
Đối với khâu thu thập số liệu tại địa bàn, ở cả hai cấp Trung ương và địa phương đều phải có kế hoạch chỉ đạo chặt chẽ công tác giám sát, kiểm tra nhằm uốn nắn kịp thời những sai sót của điều tra viên để tránh những lỗi hệ thống.
9.7. Công tác phúc tra
Các Cục Thống kê tỉnh chọn ngẫu nhiên 10% số hộ đã phỏng vấn để phúc tra nhằm đánh giá chất lượng khảo sát. Để bảo đảm chất lượng của phúc tra, Cục Thống kê cần lựa chọn những cán bộ, công chức có kinh nghiệm, nhiệt tình, nắm vững nghiệp vụ trực tiếp tới hộ được chọn để phúc tra. Có thể sử dụng điều tra viên đã thu thập thông tin tại địa bàn được chọn làm cán bộ phúc tra, nhưng không phân công những người này phúc tra những hộ do chính họ đã khảo sát để bảo đảm tính khách quan. Cán bộ phúc tra ngoài việc thu thập các thông tin trực tiếp tại hộ còn có thể gặp gỡ cán bộ chủ chốt của xã, phường, thị trấn (Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch, Trưởng thôn, ấp, bản, cụm dân cư) để thu thập một số thông tin liên quan đến công tác phúc tra. Khi làm việc này, cán bộ phúc tra tuyệt đối không được để lộ những thông tin của hộ khảo sát, ngay cả đối với chính quyền địa phương. Sau phúc tra các Cục Thống kê tỉnh phải báo cáo kết quả theo mẫu quy định về Tổng cục (xem hướng dẫn công tác phúc tra trong Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ KSMS 2010).
9.8. Nghiệm thu kết quả
Chi cục Thống kê huyện/quận nghiệm thu từng phiếu khảo sát do điều tra viên thực hiện thuộc phạm vi phụ trách.
Cục Thống kê tỉnh nghiệm thu từng phiếu khảo sát của các huyện/quận có điểm khảo sát.
Vụ Thống kê Xã hội và Môi trường nghiệm thu phiếu khảo sát, kết quả tổng hợp và bộ số liệu gốc của tất cả các tỉnh.
9.9. Xử lý, tổng hợp và công bố kết quả
Trung tâm Tin học Thống kê khu vực I xây dựng, cung cấp và hướng dẫn cho các Cục Thống kê tỉnh chương trình nhập tin 2 lần, chương trình kiểm tra, chương trình tổng hợp một số chỉ tiêu chủ yếu.
Các Cục Thống kê tỉnh tiến hành nhập tin 2 lần, làm sạch và tổng hợp số liệu của các hộ được khảo sát theo đúng chương trình và hướng dẫn của Trung tâm Tin học Thống kê khu vực I để bảo đảm xử lý, tổng hợp thống nhất.
Tất cả các phiếu khảo sát sau khi được giám sát viên của tỉnh nghiệm thu đạt yêu cầu mới được đưa vào nhập tin, làm sạch và tổng hợp kết quả.
Việc nhập tin và làm sạch số liệu cần được hoàn thành trong vòng 1 tháng sau khi kết thúc việc thu thập số liệu tại địa bàn.
Sau khi kết thúc nhập tin và làm sạch số liệu, các Cục Thống kê tỉnh gửi số liệu gốc đã nhập về Trung tâm Tin học Thống kê khu vực I.
Vụ Thống kê Xã hội và Môi trường phối hợp với Trung tâm Tin học Thống kê khu vực I và các Cục Thống kê tỉnh tổng hợp số liệu cả nước và của các tỉnh.
Tổng cục Thống kê công bố kết quả KSMS năm 2011 vào tháng 01/2012.
9.10. Chuyển giao tài liệu
Điều tra viên và đội khảo sát chuyển giao tài liệu khảo sát cho Chi cục Thống kê huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh trong vòng 5 ngày sau khi kết thúc phỏng vấn.
Chi cục Thống kê huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh chuyển giao tài liệu khảo sát cho Cục Thống kê tỉnh chậm nhất là 12 ngày tính từ ngày kết thúc phỏng vấn tại địa bàn.
Các Cục Thống kê tỉnh gửi số liệu gốc đã nhập tin về Trung tâm Tin học Thống kê khu vực I vào ngày 30/11/2011.
Các Cục Thống kê tỉnh chịu trách nhiệm bảo quản phiếu phảo sát cho đến khi Tổng cục Thống kê thông báo hủy.
10. KINH PHÍ
Kinh phí của KSMS 2011 do Ngân sách Nhà nước cấp, các chế độ tài chính trong KSMS 2011 được thực hiện theo quy định tại:
- Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 6 tháng 7 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập;
- Thông tư số 120/2007/TT-BTC ngày 15 tháng 10 năm 2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra từ nguồn vốn sự nghiệp của ngân sách Nhà nước;
- Thông tư số 58/2011/TT-BTC ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê;
- Thông tư số 48/2007/TT-BTC ngày 05 tháng 5 năm 2007 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí các cuộc Tổng điều tra do Thủ tướng Chính phủ quyết định;
- Thông tư số 43/2008/TTLT-BTC-BTTTT ngày 26 tháng 05 năm 2008 hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí chi ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước;
- Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;
- Một số văn bản về quản lý tài chính khác.
Tổng cục Thống kê thông báo kinh phí được phân bổ cho mỗi địa phương trên cơ sở quy mô, tính chất phức tạp và điều kiện thực tế về tổ chức chỉ đạo KSMS 2011. Cục Thống kê tỉnh bố trí sử dụng kinh phí hợp lý và đúng quy định để bảo đảm cuộc khảo sát hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng cao.
Kinh phí để chi cho các khâu công việc của cuộc khảo sát, gồm: Chọn mẫu, cập nhật mẫu khảo sát, chuẩn bị phương án, biên soạn các tài liệu hướng dẫn khảo sát, ghi chép thông tin, tuyên truyền, tổ chức chỉ đạo, công tác kiểm tra, giám sát khảo sát, thù lao cho điều tra viên, người dẫn đường, phiên dịch, bồi dưỡng làm ngoài giờ cho cán bộ làm công tác cán bộ làm công tác kiểm tra, phúc tra, sửa chữa, làm sạch phiếu khảo sát, nhập tin, kiểm tra kết quả nhập tin, tổng hợp kết quả khảo sát, kiểm tra kết quả tổng hợp, nghiệm thu, viết báo cáo phân tích, công bố kết quả khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu khảo sát./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.