ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 56/2002/QĐ-UB | TP.Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 05 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ VỀ BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO XỬ LÝ, SẮP XẾP NHÀ ĐẤT THUỘC SỞ HỮU NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994;
Căn cứ Quyết định số 80/2001/QĐ-TTg ngày 24 tháng 5 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý, sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh;
Theo Thông tư số 83/2001/TT-BTC ngày 04 tháng 10 năm 2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc xử lý, sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh;
Theo Quyết định số 111/2001/QĐ-UB ngày 12 tháng 11 năm 2001 của Ủy ban nhân dân thành phố về thành lập Ban chỉ đạo xử lý, sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh ;
Xét đề nghị của Thường trực Ban chỉ đạo 80 (Sở Tài chánh-Vật giá) tại Công văn số 802/TCVG-CS ngày 13 tháng 3 năm 2002 về ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo 80;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.- Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo xử lý, sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là Ban chỉ đạo 80).
Điều 2.- Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3.- Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban Tổ chức Chính quyền thành phố, Giám đốc các sở-ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện và các Ông, Bà có tên tại Điều 1 và Điều 3 Quyết định số 111/2001/QĐ-UB ngày 12 tháng 11 năm 2001 của Ủy ban nhân dân thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO 80
(Ban hành kèm theo Quyết định số 56 /2002/QĐ-UB ngày 22 tháng 5 năm 2002 của Ủy ban nhân dân thành phố)
Để thực hiện Quyết định số 80/2001/QĐ-TTg ngày 24 tháng 5 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý, sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Ban chỉ đạo 80 đã được thành lập theo Quyết định số 111/2001/QĐ-UB ngày 12 tháng 11 năm 2001 của Ủy ban nhân dân thành phố, nay hoạt động theo các quy định như sau:
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.- Ban chỉ đạo 80 do Ủy ban nhân dân thành phố chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính ra quyết định thành lập với đầy đủ các thành phần theo quy định tại Thông tư số 83/2001/TT-BTC ngày 01 tháng 10 năm 2001 của Bộ Tài chính để thực hiện các nhiệm vụ quy định quy định tại Quyết định số 80/2001/QĐ-TTg ngày 24 tháng 5 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 83/2001/TT-BTC ngày 04 tháng 10 năm 2001 của Bộ Tài chính và các quy định của Nhà nước.
Chương 2:
TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO 80
Điều 2.- Ban chỉ đạo 80 làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, trường hợp ý kiến nhất trí và không nhất trí bằng nhau, thì Trưởng Ban chỉ đạo quyết định, Ban chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
Điều 3.- Nhiệm vụ của các thành viên trong Ban chỉ đạo 80:
3.1- Trưởng ban: chịu trách nhiệm chung, điều hành hoạt động của Ban chỉ đạo, chủ trì các phiên họp của ban chỉ đạo, quyết định xử lý các vấn đề lớn của Ban chỉ đạo.
3.2- Phó Trưởng ban: giúp Trưởng ban chỉ đạo trong việc điều hành hoạt động của Ban chỉ đạo, thay mặt Trưởng ban chỉ đạo điều hành công việc của Ban chỉ đạo khi Trưởng ban chỉ đạo vắng mặt, xem xét và cho ý kiến về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực nghiệp vụ trong công tác xử lý, sắp xếp nhà đất thuộc sở hữu nhà nước và các yếu tố pháp lý về nhà đất.
3.3- Ủy viên thường trực: chịu trách nhiệm giúp Ban chỉ đạo xử lý tổng hợp về việc xử lý, sắp xếp nhà đất; xây dựng quy trình bán nhà thuộc sở hữu nhà nước, quy trình cấp phát tiền bán nhà thuộc sở hữu nhà nước. Thay mặt Ban chỉ đạo điều hành các công việc nội bộ của Ban chỉ đạo.
Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo thuộc Bộ Tài chính chịu trách nhiệm nghiên cứu đề xuất các quy chế tháo gỡ các chính sách, cải tiến thủ tục hành chính... làm đầu mối trong việc phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn thành phố để hướng dẫn kê khai sắp xếp, kiểm tra cụ thể.
3.4- Các Ủy viên khác:
3.4.1- Văn phòng Kiến trúc sư trưởng:
- Chịu trách nhiệm xác định các vị trí nhà đất cần xử lý phù hợp với qui hoạch gì của thành phố ? ( khu dân cư, khu thương mại, khu công nghiệp, khu vực an ninh quốc phòng...).
- Công bố công khai quy hoạch đô thị chi tiết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho các đơn vị để thực hiện việc xử lý sắp xếp lại nhà đất.
3.4.2- Sở Địa chính - Nhà đất: Chịu trách nhiệm giúp Ban chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị trình tự thủ tục:
- Xác lập sở hữu nhà nước đối với nhà đất;
- Chuyển công năng trụ sở, nhà-xưởng thành nhà ở;
- Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất.
3.4.3- Sở Xây dựng: Chịu trách nhiệm giúp Ban chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị thủ tục cần thiết về duyệt thiết kế dự toán các công trình đầu tư xây dựng, nâng cấp sửa chữa trụ sở của các đơn vị.
3.4.4. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chịu trách nhiệm giúp Ban chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị xây dựng phương án lập dự án đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư chiều sâu để mở rộng quy mô sản xuất. Nghiên cứu đề xuất Ban chỉ đạo việc cải tiến trình tự lập thủ tục đầu tư.
3.5- Tổ chuyên viên:
a) Giai đoạn 1 (từ 01/01/2002 đến 31/5/2002): Thành lập 02 nhóm công tác:
- Nhóm 1: ông Lê Ngọc Khoa, Tổ phó tổ chuyên viên làm nhóm trưởng và các chuyên viên của Cục Tài chính doanh nghiệp, Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), chịu trách nhiệm tiếp nhận, xử lý hồ sơ của các đơn vị thuộc trung ương.
- Nhóm 2: ông Trần Nam Trang, Tổ trưởng Tổ chuyên viên làm nhóm trưởng và các chuyên viên của Phòng Quản lý công sản, Chi cục Tài chánh doanh nghiệp (Sở Tài chánh-Vật giá) chịu trách nhiệm tiếp nhận, xử lý hồ sơ của các đơn vị thuộc thành phố và quận-huyện.
Nhóm trưởng các nhóm chịu trách nhiệm:
+ Phân công các thành viên của nhóm trong việc tiếp nhận kiểm tra, phân loại, tổng hợp lên kế hoạch kiểm tra thực tế nhà đất để đề xuất với Ban Chỉ đạo 80. Đồng thời, phân công người mở sổ theo dõi cũng như nhập dữ liệu vào máy vi tính theo mẫu 2A, 2B theo thứ tự đơn vị chủ quản, đơn vị báo cáo kê khai, địa chỉ nhà đất báo cáo kê khai...;
+ Tiếp nhận, kiểm tra, phân loại, tổng hợp phương án xử lý sắp xếp nhà đất của các cơ quan đơn vị;
- Chuẩn bị phương án đề xuất và lập biên bản các phiên họp của Ban chỉ đạo, báo cáo kết qủa công tác định kỳ với Ban chỉ đạo;
- Chuyển hồ sơ báo cáo và phương án xử lý, sắp xếp nhà đất cho các nhóm chuyên viên được phân công ở giai đoạn 2.
b) Giai đoạn 2 (từ 01/6/2002 về sau): Thành lập 4 nhóm công tác, gồm 01 nhóm thường trực và 03 nhóm kiểm tra thực tế hiện trạng nhà đất.
- Nhóm 1 (Nhóm thường trực):
+ Tiếp nhận, chu chuyển, quản lý hồ sơ, chuẩn bị nội dung các cuộc họp, thư mời họp và lập biên bản các phiên họp của Tổ chuyên viên và Ban chỉ đạo, chuẩn bị các phương án về việc xử lý, sắp xếp nhà đất cụ thể của các đơn vị để đề xuất Ban chỉ đạo 80 xem xét thông qua;
+ Lập dự toán và quyết toán chi phí của Ban chỉ đạo 80;
+ Xử lý số liệu tổng hợp trên máy vi tính, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất cho Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ;
+ Hướng dẫn các đơn vị thực hiện các qui trình về xác lập quyền sở hữu nhà nước, chuyển công năng làm nhà ở, bán nhà thuộc sở hữu nhà nước, cấp phát tiền bán nhà thuộc sở hữu nhà nước...
- Ba nhóm kiểm tra thực tế hiện trạng nhà đất:
+ Căn cứ phương án đề xuất của các đơn vị tiến hành kiểm tra thực tế hiện trạng nhà đất (lập biên bản kiểm tra), đối chiếu với các nguyên tắc được qui định tại phần II của Thông tư 83/2001/TT-BTC ngày 04/10/2001 của Bộ Tài chính để báo cáo đề xuất phương án xử lý, sắp xếp nhà đất với Ban chỉ đạo 80;
+ Trong tuần các nhóm công tác chủ động sắp xếp lịch đi kiểm tra thực tế nhà đất ít nhất một ngày;
+ Chiều thứ hai hàng tuần họp tổ chuyên viên, nghe các nhóm báo cáo kết quả công tác và đề xuất phương án xử lý nhà đất của từng trường hợp cụ thể;
+ Các ngày còn lại trong tuần, các nhóm công tác kiểm tra thực tế bố trí một ngày hoặc một buổi để tổng hợp kết quả kiểm tra thực tế nhà đất của từng cơ quan đơn vị, báo cáo đề xuất với tổ chuyên viên vào thứ hai hàng tuần, thời gian còn lại trong tuần xử lý công tác chuyên môn của cơ quan.
- Nhóm Trưởng các nhóm chịu trách nhiệm điều hành công việc của nhóm mình, các thành viên của từng nhóm có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ được phân công; nhóm Trưởng các nhóm xây dựng bảng phân công cụ thể cho từng thành viên trong nhóm báo cáo Tổ chuyên viên và Trưởng Ban chỉ đạo.
Điều 4.- Ngoài số cán bộ kiêm nhiệm theo Quyết định số 111/2001/QĐ-UB ngày 12 tháng 11 năm 2001 của Ủy ban nhân dân thành phố, Ban Chỉ đạo 80 được ký hợp đồng thu nhận lao động theo yêu cầu của khối lượng công việc phát sinh, dưới hình thức cộng tác viên hoặc hợp đồng có thời hạn, hợp đồng vụ việc theo quy định của Pháp luật về lao động.
Chương 3:
QUI TRÌNH CHU CHUYỂN XỬ LÝ HỒ SƠ NHÀ ĐẤT
Điều 5.- Qui trình chu chuyển xử lý hồ sơ:
5.1- Nhóm thường trực:
- Cung cấp hồ sơ ban đầu cho các nhóm công tác kiểm tra thực tế nhà đất;
- Tiếp nhận hồ sơ báo cáo đề xuất phương án từ các nhóm công tác kiểm tra thực tế nhà đất;
- Tổng hợp phương án xử lý, sắp xếp nhà đất của từng cơ quan đơn vị ; họp tổ chuyên viên thống nhất phương án (lập biên bản) đề xuất với Ban chỉ đạo 80;
- Chuẩn bị nội dung các cuộc họp, thư mời và lập biên bản các cuộc họp Ban chỉ đạo 80, lập Tờ trình của Ban Chỉ đạo 80 báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố quyết định phương án xử lý, sắp xếp nhà đất của các đơn vị thuộc địa phương quản lý hoặc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án xử lý, sắp xếp nhà đất của các đơn vị khối trung ương.
- Tham mưu Ban chỉ đạo 80 triển khai thực hiện các quyết định, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ;
- Khi có quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền, chuyển giao hồ sơ cho các sở-ngành thành phố có liên quan để xử lý phần công việc của sở - ngành theo chức năng nhiệm vụ (nếu cần).
5.2- Các nhóm kiểm tra thực tế hiện trạng nhà đất:
Tiếp nhận hồ sơ ban đầu của nhóm thường trực để tiến hành kiểm tra thực tế hiện trạng nhà đất (lập biên bản kiểm tra thực tế nhà đất); tổng hợp báo cáo, lên phương án xử lý, sắp xếp nhà đất của từng đơn vị; chuyển giao toàn bộ hồ sơ và phương án xử lý, sắp xếp nhà đất cho nhóm thường trực đảm bảo thời gian (giải quyết trong tuần).
Chương 4:
KINH PHÍ, MỘC DẤU HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO 80
Điều 6.- Nguồn kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo 80 do Ủy ban nhân dân thành phố quy định.
Điều 7.- Kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo 80 được dùng để chi cho các nội dung sau:
- Chi mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc;
- Chi văn phòng phẩm;
- Chi phí xăng dầu phục vụ công tác kiểm tra thực tế;
- Chi bồi dưỡng cho hoạt động kiểm tra thực tế hiện trạng nhà đất;
- Chi công tác kiểm tra, thẩm định hồ sơ báo cáo xử lý sắp xếp nhà đất;
- Chi hoạt động sơ kết, tổng kết;
- Chi bồi dưỡng thành viên Ban chỉ đạo, tổ chuyên viên và các cơ quan phối hợp;
- Chi phí khác (quan hệ các cơ quan hữu quan ).
Điều 8.- Trưởng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo 80 sử dụng con dấu của Ủy ban nhân dân thành phố và Phó Trưởng ban - Thứ trưởng Bộ Tài chính- sử dụng con dấu của Bộ Tài chính để giao dịch.
Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo 80 được sử dụng con dấu của Bộ Tài Chính (đối với Cục trưởng Quản lý Công sản) hoặc Sở Tài chánh-Vật giá (đối với Giám đốc Sở Tài chánh - Vật giá) để giao dịch.
Chương 5:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9.- Các thành viên Ban chỉ đạo 80 và Tổ chuyên viên có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc quy chế này./.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.