BỘ NGOẠI THƯƠNG*******
| VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ ******* Hà Nội, ngày 03 tháng 08 năm 1962 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH ĐIỀU LỆ TẠM THỜI TỔ CHỨC CÔNG TY KINH DOANH HÀNG XUẤT KHẨU Ở ĐỊA PHƯƠNG
BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 203-CP ngày 23-11-1961 của Hội đồng Chính phủ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Ngoại thương;
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Ngoại thương;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: - Công bố Điều lệ tạm thời tổ chức Công ty kinh doanh hàng xuất khẩu ở địa phương.
Điều 2: - Ông Chánh Văn phòng Bộ, các ông Vụ trưởng, Cục trưởng thuộc Bộ, các ông Giám đốc các Tổng công ty xuất nhập khẩu có liên quan và ông Chủ nhiệm Công ty kinh doanh hàng xuất khẩu có trách nhiệm thi hành quyết định này.
| K.T BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI THƯƠNG THỨ TRƯỞNG
Lý Ban |
ĐIỀU LỆ TẠM THỜI
TỔ CHỨC CÔNG TY KINH DOANH HÀNG XUẤT KHẨU Ở ĐỊA PHƯƠNG
Chương 1:
NGUYÊN TẮC CHUNG
Điều 1: - Công ty kinh doanh hàng xuất khẩu ở địa phương là một đơn vị kinh doanh của ngành Ngoại thương trực thuộc Ủy ban hành chính địa phương, có nhiệm vụ thực hiện kế hoạch Nhà nước vì sản xuất, chế biến gia công thu mua hàng xuất khẩu để phục vụ sản xuất, góp phần cải thiện đời sống nhân dân và tăng tích lũy xã hội chủ nghĩa.
Điều 2: - Công ty kinh doanh hàng xuất khẩu ở địa phương là một xí nghiệp thương nghiệp, kinh doanh theo chế độ hạch toán kinh tế, có vốn và tài sản riêng, có tư cách pháp nhân về phương diện pháp luật, có con dấu riêng theo quy định chung của Nhà nước.
Điều 3: - Công ty kinh doanh hàng xuất khẩu ở địa phương chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Ngoại thương về đường lối, phương châm, chính sách nghiệp vụ xuất khẩu, chỉ tiêu kế hoạch ngoại thương, chịu sự lãnh đạo của Ủy ban hành chính địa phương về mọi mặt công tác.
Chương 2:
NHIỆM VỤ CỦA CÔNG TY
Điều 4: - Công ty kinh doanh hàng xuất khẩu ở địa phương có những nhiệm vụ như sau:
1. Căn cứ vào kế hoạch kinh doanh đã được xét duyệt, căn cứ vào tình hình và khả năng kinh tế của địa phương, xây dựng kế hoạch sản xuất, chế biến gia công, thu mua các loại hàng xuất khẩu và đảm bảo hoàn thành tốt kế hoạch ấy.
2. Ký kết và đôn đốc thực hiện hợp đồng với các tổ chức nội thương (mậu dịch quốc doanh, hợp tác xã), các nông trường, công trường, lâm trường xí nghiệp quốc doanh, v.v… tổ chức thu mua những mặt hàng được phân công trực tiếp thu mua. Những mặt hàng này do Ủy ban Kế hoạch Nhà nước hoặc Liên Bộ Nội thương, Ngoại thương quy định. Ngoài ra tuỳ hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương. Ủy ban hành chính tỉnh có thể quy định thêm một số mặt hàng.
3. Ký kết hợp đồng cung cấp hàng hóa, vật tư xuất khẩu với các Tổng công ty, các Công ty xuất nhập khẩu và các xí nghiệp thuộc Bộ Ngoại thương.
4. Đối với những tỉnh biên giới (Việt – Trung, Việt - Lào) Công ty kinh doanh hàng xuất khẩu còn có nhiệm vụ làm công tác xuất nhập khẩu biên giới (mậu dịch địa phương, mậu dịch cửa khẩu).
5. Tổ chức sản xuất, chế biến, gia công và hướng dẫn về quy cách phẩm chất cho các cơ sở sản xuất, gia công các loại hàng theo đúng yêu cầu xuất khẩu. Tổ chức bảo quản đóng gói bao bì giao nhận và vận chuyển hàng hóa theo đúng hợp đồng đã ký với các Tổng công ty, các Công ty xuất nhập khẩu và các xí nghiệp thuộc Bộ Ngoại thương.
6. Làm nhiệm vụ trung chuyển đối với những nơi có trạm trung chuyển.
7. Nghiên cứu, phát triển mặt hàng mới, cải tiến kỹ thuật, cải tiến phương thức kinh doanh.
8. Bảo quản tốt và có kế hoạch sử dụng hợp lý tài sản của Công ty.
Đảm bảo việc sử dụng và động viên các nguồn vốn được hợp lý, tổ chức lãnh đạo thực hiện tốt công tác hạch toán kinh tế của Công ty, tăng tích luỹ cho Nhà nước, chấp hành nghiêm chỉnh chính sách tài chính của Nhà nước.
9. Căn cứ chính sách cán bộ của Đảng và Chính phủ trong phạm vi quyền hạn của mình, theo quy định của Bộ và của Ủy ban hành chính tỉnh, tiến hành việc tuyển lựa, phân phối, điều động, đề bạt, giáo dục, khen thưởng, kỷ luật công nhân viên chức, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ của Công ty.
Tổ chức việc đào tạo, giáo dục, không ngừng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ cho cán bộ công nhân viên của Công ty.
10. Thực hiện các chế độ lao động và tiền lương của Nhà nước thích hợp với đặc điểm của Công ty, để không ngừng nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống của công nhân viên chức, đảm bảo việc kinh doanh đảm bảo sức khỏe của công nhân viên chức.
11. Tổ chức việc bảo vệ kinh tế, phòng chống hỏa và bão lụt, kịp thời ngăn chặn mọi hiện tượng tham ô, lãng phí.
12. Cùng Công đoàn tổ chức và mở rộng phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa, không ngừng nâng cao nhiệt tình lao động của toàn thể công nhân viên chức trong mọi hoạt động của Công ty.
Chương 3:
TỔ CHỨC BỘ MÁY CÔNG TY
Điều 5: - Công ty do một Chủ nhiệm phụ trách, có một hoặc nhiều Phó chủ nhiệm giúp việc.
Điều 6: - Công ty có các phòng hoặc bộ phận chuyên trách về từng mặt hoặc nhiều mặt công tác để đảm nhiệm các phần việc quản lý của Công ty.
Phòng do một Trưởng phòng phụ trách, có một phó phòng giúp việc. Trưởng phòng chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ nhiệm công ty.
Trên tinh thần triệt để sử dụng các màng lưới thu mua của các công ty mậu dịch nội địa, các hợp tác xã mua bán ở các huyện và xã, và để đảm bảo công việc sản xuất, chế biến gia công thu mua hàng hoá, vật tư xuất khẩu, trong những trường hợp cần thiết, công ty kinh doanh hàng xuất khẩu có thể đặt những trạm thu mua, chế biến sản xuất ở vùng sản xuất tập trung, những thứ hàng mà quy cách phức tạp hay ở những nơi chưa có cơ sở thu mua của nội thương.
Các trạm chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ nhiệm Công ty.
Điều 7: - Việc thiết lập, bãi bỏ, sửa đổi tổ chức các phòng các trạm và xây dựng biên chế bộ máy làm việc của công ty do Chủ nhiệm Công ty căn cứ vào tình hình nhiệm vụ, đề nghị với Ủy ban hành chính tỉnh quyết định và báo cáo Bộ.
CHƯƠNG 4:
1. NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA CHỦ NHIỆM VÀ PHÓ CHỦ NHIỆM CÔNG TY.
Điều 8: - Chủ nhiệm Công ty do Ủy ban hành chính địa phương bổ nhiệm có thẩm quyền cao nhất về phương diện kinh doanh và hành chính ở trong Công ty. Chủ nhiệm chịu trách nhiệm về việc quản lý Công ty về mọi mặt, chấp hành đúng đắn đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ và các thể lệ chế độ của cấp trên có liên quan đến Công ty.
Điều 9: - Chủ nhiệm Công ty có nhiệm vụ tổ chức và chỉ đạo thực hiện hoàn thành và hoàn thành mức toàn bộ các chỉ tiêu kế hoạch.
Điều 10: - Chủ nhiệm Công ty được quyền thay mặt Công ty trong việc ký kết hợp đồng kinh tế và giao dịch với các cơ quan đoàn thể quần chúng, các tổ chức kinh doanh của Nhà nước và các tổ chức nhân dân.
a) Được quyền sử dụng mọi tài sản vốn của Công ty vào công việc kinh doanh theo đúng các thể lệ và chế độ hiện hành.
b) Được quyền quản lý cán bộ, công nhân viên chức theo sự phân cấp của Bộ và của Ủy ban hành chính tỉnh.
c) Được quyền tố tụng trước pháp luật.
2. NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA PHÓ CHỦ NHIỆM
Điều 11: - Một hoặc nhiều Phó chủ nhiệm tuỳ theo quy mô hoạt động của Công ty, do Ủy ban hành chính địa phương bổ nhiệm, sẽ giúp Chủ nhiệm trong việc lãnh đạo chung và có thể được Chủ nhiệm Ủy nhiệm chỉ đạo từng phần công tác của Công ty.
Điều 12: - Phó Chủ nhiệm được giải quyết mọi công việc trong phạm vi phụ trách theo sự phân công của Chủ nhiệm Công ty. Về những vấn đề có tầm quan trọng đến cả Công ty thì phải do Chủ nhiệm quyết định.
a) Khi cần thiết được Chủ nhiệm ủy quyền ra chỉ thị hướng dẫn nghiệp vụ, chuyên môn về công tác thuộc phạm vi mình phụ trách cho cấp dưới.
b) Có thể được ủy quyền thay Chủ nhiệm khi vắng mặt.
Chương 5:
ĐIỀU KHOẢN CHUNG
Điều 13: - Điều lệ này áp dụng chung đối với tất cả các Công ty thuộc hệ thống tổ chức bộ máy của Bộ Ngoại thương.
Điều 14: - Việc sửa đổi điều lệ này do Bộ Ngoại thương quyết định theo đề nghị của Ủy ban hành chính địa phương, của Chủ nhiệm Công ty và Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ Bộ Ngoại thương.
Ban hành kèm theo Quyết định số 552-BNT-QĐ-TCCB ngày 03 tháng 8 năm 1962.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.