ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT |
Số: 55/QĐ-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 4 năm 1986 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ VÀ XỬ LÝ VI PHẠM VỀ KỶ LUẬT GIÁ Ở TP. HỒ CHÍ MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1983 ;
- Căn cứ vào Điều lệ quản lý giá ban hành kèm theo Nghị định 33/HĐBT ngày 27 tháng 2 năm 1984 của Hội đồng Bộ trưởng ;
- Căn cứ thông tư Liên bộ số 17/LB-TT ngày 20 tháng 6 năm 1985 của Ủy ban vật giá Nhà nước – Bộ Tài chánh – Bộ Tư pháp “hướng dẫn việc xử lý những vi phạm kỷ luật Nhà nước về giá cả khen thưởng những đơn vị, cá nhân có thành tích trong công tác kiểm tra, thanh tra giá” ;
- Căn cứ Quyết định 75/QĐ-UB ngày 16 tháng 4 năm 1985 của Ủy ban nhân dân thành phố về phân cấp quản lý giá ở thành phố ;
- Theo đề nghị của đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban vật giá thành phố.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Nay ban hành kèm theo quyết định này bản quy định về chế độ quản lý giá và xử lý các vi phạm về kỷ luật giá ở thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành và thay thế các quyết định số 2150/QĐ-UB ngày 21-7-1976 và 121/QĐ-UB ngày 20-4-1983 của Ủy ban nhân dân thành phố.
Điều 3: Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố, Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá thành phố, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành đoàn thể, Mặt trận, Báo, Đài, Thông tấn xã và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
QUY ĐỊNH
VỀ CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ GIÁ VÀ XỬ LÝ CÁC VI PHẠM VỀ KỶ LUẬT GIÁ Ở TP. HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 55/QĐ-UB ngày 12-4-1986)
Giá cả dưới chủ nghĩa xã hội một mặt biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hóa và mặt khác biểu hiện tổng hợp các hoạt động kinh tế, tài chánh và nhiều mối quan hệ lớn trong xã hội. Do đó có ý nghĩa rất lớn về kinh tế và chánh trị. Cho nên việc thực hiện đúng đắn các chánh sách, chế độ quản lý giá và hệ thống giá chỉ đạo của Nhà nuớc có tác dụng quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất phát triển, giải quyết đúng đắn các mối quan hệ lớn trong đời sống kinh tế xã hội.
Quy định này ban hành nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm túc chánh sách chế độ quản lý giá, các hệ thống giá chỉ đạo của Nhà nước.
Chương I
VỀ CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ GIÁ
Điều 1: Các ngành, các cấp, các đơn vị kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, hợp tác kinh doanh và cá thể nằm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đều phải tuân thủ chế độ quản lý giá quy định dưới đây.
Điều 2: Tất cả các đơn vị kinh tế quốc doanh, tập thể, cá thể (dưới đây gọi tắt là các đơn vị sản xuất kinh doanh phải đúng theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành về việc chiết tính giá thành, lập phương án giá và trình cơ quan có thẩm quyền duyệt (theo quyết định số 75/QĐ-UB ngày 16 tháng 4 năm 1985 của Ủy ban nhân dân thành phố về phân cấp quản lý giá).
Điều 3: Các cơ quan đơn vị được UBND. TP phân cấp quy định giá phải đề cao trách nhiệm trong nghiên cứu thẩm tra xét duyệt và công bố giá để đảm bảo kịp thời, chính xác.
Điều 4: Việc công bố và phổ biết giá chỉ đạo phải tiến hành bằng văn bản.
- Đối với vật tư hàng hóa, phải ghi rõ tên gọi (hàng nhập phải phiên âm tiếng Việt), đơn vị, ký hiệu, quy cách, phẩm chất, số lượng, màu sắc, điều kiện bao bì, phụ tùng phụ kiện, mức giá, địa điểm và các thức giao nhận, phương thức phân phối và thời gian thi hành.
Điều 5: Tất cả các đơn vị kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, các hộ tư nhân kinh doanh công thương nghiệp và dịch vụ trên địa bàn thành phố đều phải niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.
a) Đối với các đơn vị kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể hợp tác kinh doanh, thuộc các ngành thương nghiệp, lương thực, dịch vụ, cung ứng vật tư, vận tải phải niêm giá cụ thể từng mặt hàng hoặc công phục vụ theo giá được cơ quan có thẩm quyền quyết định theo quy định phân cấp quản lý giá hiện hành.
Việc niêm yết giá phải được thực hiện như sau :
- Giá hàng hóa và dịch vụ được ghi trên một tấm bảng có đề rõ tên hàng (hay công dịch vụ) nhãn hiệu, quy cách phẩm chất, đơn vị đo lường và giá bán một đơn vị sản phẩm (tên dịch vụ, chất lượng phục vụ và tiền công) treo ở cửa hàng, quầy hàng, sạp hàng nơi khách hàng dễ nhìn thấy nhất. Đồng thời phải được ghi trên hàng hóa; phải có thẻ giá của từng mặt hàng, quy cách phẩm chất và giá bán một đơn vị khớp với giá ghi trên bảng giá, thẻ này phải được để liền với mặt hàng bày bán để khách hàng dễ nhìn thấy.
- Trường hợp cơ sở kinh doanh có ít mặt hàng, ít loại dịch vụ, có thể niêm yết bằng một bảng giá chung, ghi rõ giá từng mặt hàng, giá từng loại dịch vụ theo phẩm cấp.
- Việc thay đổi mức giá đã niêm yết phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận (theo Quyết định số 75/QĐ-UB ngày 16 tháng 4 năm 1985 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc quy định tạm thời về quản lý giá ở thành phố Hồ Chí Minh)
Văn bản chỉ đạo về mức giá phải được lưu trữ tại cửa hàng và xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan, cán bộ kiểm tra về giá.
b) Đối với các hộ tư nhân, các tổ ngành hàng kinh doanh thương nghiệp và dịch vụ :
Nếu là hàng mà đơn vị nhận đại lý bán hoặc ủy thác mua cho đơn vị quốc doanh thì phải niêm yết giá như đơn vị quốc doanh có ghi rõ là hàng đại lý bán hoặc ủy thác mua.
Nếu là hàng tự kinh doanh, công phục vụ thì phải niêm yết theo gái đã đăng ký và được duyệt của Phòng Vật giá, Ban Quản lý chợ hoặc Ủy ban nhân dân phường, xã tùy theo tình hình cụ thể của từng quận huyện. Căn cứ vào hướng dẫn của thành phố mà Ủy ban nhân dân, quận huyện chỉ đạo Phòng Vật giá, Ban quản lý chợ, Ủy ban nhân dân phường, xã xét duyệt mức giá đăng ký của các hộ tư nhân, các tổ ngành hàng kinh doanh thương nghiệp, dịch vụ.
c) Đối với các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp.
d) Đối với hàng ký gửi ở các cửa hàng liên hiệp xã tiểu thủ công nghiệp.
e) Giá niêm yết phải ghi bằng tiền Ngân hàng nhà nước Việt Nam và theo đơn vị đo lường thống nhất của Nhà nước, có ghi rõ ký mã hiệu hàng hóa hoặc nội dung công dịch vụ để nơi khách hàng dễ thấy. Các niêm yết giá là phải có bảng giá tổng hợp và bảng giá bán từng mặt hàng cụ thể (như đã nói ở trên).
Điều 6: Các đơn vị sản xuất kinh doanh phải chịu sự kiểm tra giá và báo cáo định kỳ tình hình giá thành, giá cả với cơ quan có thẩm quyền theo quy định hiện hành. Thủ trưởng các ngành, các cấp, các đơn vị kinh doanh, chủ hộ cá thể là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về tình hình chấp hành kỷ luật Nhà nước về giá cả của đơn vị mình.
Điều 7: Cơ quan tài chính được quyền từ chối không cho thanh toán nếu không đúng giá chỉ đạo của cơ quan thẩm quyền và người tiêu thụ có quyền đòi hỏi người bán phải chấp hành đúng giá đó.
Điều 8: Các ngành, các cấp, Công ty chợ, Ban quản lý chợ các đơn vị sản xuất kinh doanh phải kịp thời tổ chức, thực hiện giá chỉ đạo theo đúng thời hạn công bố ghi trong văn bản chỉ đạo giá (kể cả giá mới và giá điều chỉnh). Trong trường hợp không thể thực hiện đúng thời gian đã công bố phải báo cáo lý do xin hoãn bằng văn bản trong thời hạn 5 ngày (năm ngày) kể từ ngày nhận được văn bản chỉ đạo giá.
Điều 9: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị sản xuất kinh doanh, các chủ hộ sản xuất kinh doanh cá thể là người có trách nhiệm cung cấp các tài liệu và số liệu cần thiết cho việc nghiên cứu giá, kiểm tra giá.
Tài liệu cung cấp phải kịp thời, đầy đủ và trung thực. Người được cung cấp tài liệu, số liệu về giá phải tuyệt đối giữ bí mật, nếu để lộ bí mật phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Chương II
VIỆC XỬ LÝ CÁC VI PHẠM KỶ LUẬT GIÁ
A. NHỮNG HÀNH VI VI PHẠM KỶ LUẬT GIÁ
Điều 10: Những hành vi dưới đây đựơc coi như vi phạm kỷ luật Nhà nước về giá thành phố :
1. Quyết định giá không đúng thẩm quyền, không đúng chế độ quy định.
2. Tự ý thay đổi mức giá, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa hoặc địa điểm giao nhận hàng hóa đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định.
3. Báo cáo không trung thực chi phí sản xuất, chi phí lưu thông làm cho giá thành, phí lưu thông và giá cả sai lệch (tăng lên hoặc hạ xuống) gây thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân.
4. Cung cấp không đầy đủ, không chính xác, không kịp thời những tài liệu và số liệu cần thiết cho việc lập phương án giá xét duyệt và quyết định giá, kiểm tra và thanh tra giá, trốn tránh hoặc gây khó khăn cho việc kiểm tra, thanh tra giá.
5. Làm chậm trễ việc xét duyệt giá và công bố giá, không công bố thi hành giá đúng thời hạn đã ghi trong văn bản quyết định giá.
6. Không thi hành đúng chế độ đăng ký niêm yết giá, bán hàng không đúng giá niêm yết.
Các trường hợp sau đây là vi phạm chế độ đăng ký và niêm yết giá:
- Không đăng ký giá, không trình duyệt giá, không niêm yết giá theo quy định.
- Niêm yết cao hơn giá đăng ký.
- Có đăng ký nhưng không niêm yết giá.
- Bán hàng hoặc lấy tiền phục vụ cao hơn giá niêm yết (xin thêm tiền, bắt ép mua cao hơn giá niêm yết, bán kèm hàng hóa khách hàng không cần mua) kể cả trường hợp nâng giá dưới hình thức cân, đong, đo, đếm thiếu, bán hàng hoặc phục vụ không đúng chất lượng đã đăng ký.
- Có hành động gian dối khác để tránh né việc kiểm tra đăng ký niêm yết giá như niêm yết bảng giá 2 mặt.
7. Lợi dụng, tham ô, móc ngoặc, hối lộ trong việc xây dựng phương án giá, xét duyệt giá, công bố giá.
8. Tiết lộ bí mật về giá.
9. Việc tranh mua, tranh bán gây rối loạn giá cả thị trường, được coi là trường hợp vi phạm nghiêm trọng.
B. HÌNH THỨC XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 11: Người, đơn vị vi phạm kỷ luật Nhà nước về giá nêu ở Điều 10 sẽ bị xử lý như sau :
a) Đối với các trường hợp vi phạm kỷ luật giá này gây thiệt hại cho Nhà nước, cho khách hàng thì bị phạt tiền từ 100đ trở lên. Nếu đối tượng vi phạm là đơn vị sản xuất kinh doanh Nhà nước hoặc tập thể thì nguồn nộp phạt phải được trích từ phần lợi nhuận để lại của đơn vị vi phạm. Nếu đối tượng vi phạm là cá nhân thì nguồn nộp phạt là thu nhập của cá nhân đó.
b)Bên vi phạm phải trả lại toàn bộ khoản chênh lệch bán sai giá và bồi thương chênh lệch mua sai giá (kể cả chênh lệch tăng và chênh lệch giảm so với giá đã được cấp có thẩm quyền quyết định, do việc quyết định hay điều chỉnh không đúng thẩm quyền, không đúng chế độ) toàn bộ khoản chênh lệch bán cao hơn giá niêm yết theo đúng quy định nộp cho ngân sách Nhà nước hoặc trả lại cho khách hàng (trường hợp không trả lại được cho khách hàng thì nộp vào ngân sách Nhà nước). Nguồn hoàn trả được quy định theo điểm (a) nêu trên.
c) Trường hợp bên ký hợp đồng cung ứng, giao vật tư hàng hóa không đúng địa điểm quy định, khách hàng phải tự tổ chức bốc xếp thì bên cung ứng phải hoàn trả cho khách hànng khoản chi phí vận chuyển bốc xếp thực tế hợp lý mà bên khách hàng đã cố gắng làm thay. Nếu giao vật tư hàng hóa không đúng tiêu chuẩn chấp lượng thì phải tính lại giá vật tư, hàng hóa theo nguyên tắc giá phải tương xứng với chất lượng, trên cơ sở đó xác định mức bồi thường cho khách hàng. Nguồn hoàn trả được quy định theo điểm (a) nêu trên.
d)Vi phạm chế độ niêm yết giá :
- Đối với sản xuất kinh doanh cá thể và các đơn vị hợp tác kinh doanh.
- Cảnh cáo kiểm điểm trong đơn vị, trước tổ ngành hàng, tổ dân phố nêu trên đài, loa phát thanh.
- Rút giấy phép kinh doanh 30 ngày đến 45 ngày nếu vi phạm lần thứ hai: rút giấy phép kinh doanh không thời hạn nếu vi phạm lần ba. Vi phạm trong các dịp lễ, Tết thì ngay lần đầu cũng bị rút giấy phép kinh doanh có thời hạn hay không thời hạn tuy theo mức độ vi phạm nặng hay nhẹ.
- Đối với cán bộ công nhân viên Nhà nước phải xem xét xử lý kỷ luật vê mặt hành chánh như điều 25 bản quy định về “Chế độ trách nhiệm, chế độ kỷ luật, chế độ bảo vệ của công và chế độ phục vụ nhân dân” ban hành kèm theo Nghị định số 217/CP ngày 8-6-1979 của Hội đồng Chính phủ.
- Đối với đơn vị quốc doanh và công tư hợp doanh vi phạm kỷ luật Nhà nước về giá không được công nhận là hoàn thành kế hoạch toàn diện.
e) Trong trường hợp có hành động cản trở, chống đối việc thanh tra kiểm tra giá, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong việc xây dựng phương án giá, xét duyệt giá, công bố giá; gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý hành chánh về vi phạm chế độ đăng ký niêm yết giá rồi mà còn sai phạm sẽ bị truy tố ra tòa xét xử, bị cho cư trú bắt buộc khỏi thành phố, bị xóa tên khỏi đơn vị.
C. THẨM QUYỀN XỬ LÝ
Điều 12:
1. Thủ trưởng các cơ sở quản lý sản xuất kinh hạch toán kinh tế độc lập, cơ sở quản lý sản xuất kinh doanh có thẩm quyền :
a) Xử lý những đơn vị, cá nhân thuộc mình quản lý vi phạm kỷ luật Nhà nước về giá theo các hình thức nêu ở điều 11 đồng thời báo cáo với Ủy ban Vật giá thành phố việc xử lý trong nội bộ đơn vị mình.
b) Nếu đơn vị, cá nhân không thuộc mình quản lý vi phạm kỷ luật về giá gây thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh của cơ sở mình thì lập biên bản và kiến nghị Ủy ban Vật giá thành phố xử lý.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã, Trưởng ban quan lý chợ, trưởng đoàn kiểm tra giá cấp quận, huyện, thành phố được quyền xử phạt các trường hợp vi phạm chế độ đăng ký niêm yết giá mà giá trị hàng hóa không qua 10.000 đồng theo các hình thức xử lý sau :
a) Cảnh cáo, buộc kiểm điểm trước tổ ngành hàng, tổ dân phố.
b) Phạt tiền không quá 100đ.
Riêng Chủ tịch Ủy ban nhân dân Phường (xã) được quyền thi hành kỷ luật hành chánh đối với cán bộ nhân viên phường (xã) hợp tác xã mua bán, tiêu thụ phường (xã) thuộc mình quản lý vi phạm kỷ luật Nhà nước về giá theo sự phân cấp quản lý cán bộ hiện hành.
3. Trưởng phòng Vật giá quận, huyện được quyền :
a) Kiến nghị với Ủy ban nhân dân quận (huyện) :
- Hủy bỏ những giá mà cá nhân, đơn vị thuộc quận, huyện quản lý quyết định hay điều chỉnh không đúng thẩm quyền.
- Sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định xử lý kỷ luật về giá của những đơn vị thuộc quận, huyện quản lý ban hành khi xét thấy không đúng.
- Rút giấy phép kinh doanh có thời hạn hoặc không có thời hạn các hộ kinh doanh công thương nghiệp, dịch vụ tập thể, tư nhân thuộc quận, huyện quản lý, vi phạm kỷ luật Nhà nước về giá.
b) Không công nhân hoàn thành kế hoạch toàn diện các đơn vị thuộc quận, huyện quản lý vi phạm kỷ luật Nhà nước về giá.
c) Cảnh cáo, buộc kiểm điểm trước tổ ngành hàng, tổ dân phố các cá nhân và hộ kinh doanh thương nghiệp dịch vụ tư nhân vi phạm chế độ đăng ký niêm yết giá.
d) Phạt tiền các vụ vi phạm chế độ đăng ký niêm yết giá của cá nhân, đơn vị thuộc bất cứ cấp nào quản lý hoạt động trên địa bàn quận, huyện mình mà giá trị hàng hóa không quá 50.000 đồng và mức phạt không quá 500đ.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện được quyền :
a) Xử lý những cá nhân, đơn vị thuộc mình quản lý vi phạm kỷ luật Nhà nước về giá theo các hình thức đã nêu ở điều 11. Trong đó được quyền phạt tiền không quá 5.000đ.
b) Sửa đổi hoặc bãi bỏ nhưng quyết định xử lý kỷ luật về giá của những đơn vị mình quản lý ban hành khi xét thấy không đúng.
c) Đối với những đơn vị, cá nhân thuộc các ngành Trung ương thành phố hay quận, huyện khác hoạt động trên phạm vi quận, huyện mình vi phạm kỷ luật Nhà nước về giá thì kiến nghị với Thủ trưởng các cơ quan chủ quản những đơn vị, cá nhân đó xử lý, đồng thời thông báo cho cơ quan Vật giá cùng cấp với cơ quan xử lý để theo dõi việc xử lý.
d) Riêng đối với các hành vi vi phạm chế độ đăng ký niêm yết giá của cá nhân, đơn vị thuộc bất cứ cấp nào quản lý hoạt động trên địa bàn quận huyện mình mà giá trị hàng hóa không quá 200.000đ thì được phạt tiền không quá 5.000đ.
5. Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá thành phố được quyền :
a) Yêu cầu các cơ quan cấp thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện hủy bỏ :
- Những giá mà cá nhân, đơn vị quyết định hay điều chỉnh không đúng thẩm quyền.
- Các phương án giá, mức giá được xây dựng từ những số liệu báo cáo không trung thực, không đầy đủ, không chính xác hoặc bị sự lợi dụng, tham ô, móc ngoặc, hối lộ đã làm mất tính đúng đắn của luận cứ kinh tế về giá.
b) Yêu cầu Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường (xã), Thủ trưởng các cơ quan đơn vị thi hành kỷ luật hành chánh đối vói cán bộ công nhân viên trực thuộc vi phạm kỷ luât Nhà nước về giá.
c) Yêu cầu Ủy ban nhân dân quận, huyện rút giấy phép kinh doanh có thời hạn hoặc không thời hạn các hộ kinh doanh công thương nghiệp dịch vụ tập thể, tư nhân thuộc quận, huyện quản lý vi phạm kỷ luật Nhà nước về giá.
d) Đề nghị với Ủy ban nhân dân thành phố xử lý các đơn vị cá nhân thuộc thành phố quản lý vi phạm kỷ luật Nhà nước về giá theo điều 25 của Nghị định số 217/HĐCP ngày 8 tháng 6 năm 1979 của Hội đồng Chánh phủ.
e) Được phạt tiền đến 15.000đồng và đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố phạt tiền trên mức 15.000đồng đối với các hành vi vi phạm và đăng ký niêm yết giá và bán không đúng giá niêm yết.
f) Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân thành phố xem xét truy tố ra Tòa các vụ vi phạm nghiêm trọng.
g) Sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định xử lý kỷ luật Nhà nước về giá của các ngành, các cấp thuộc thành phố quản lý ban hành khi xét thấy không đúng.
h) Đề nghị các ngành Trung ương hay địa phương khác xử lý các đơn vị, cá nhân được quyền hoạt động trên địa bàn thành phố vi phạm kỷ luật Nhà nước về giá.
Phòng Thanh tra Ủy ban Vật giá thành phố có trách nhiệm giúp Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá thành phố trong việc xử lý các vụ vi phạm kỷ luật Nhà nước về giá ở thành phố.
6. Ủy ban nhân dân thành phố được quyền :
- Xử lý, cao hơn các mức xử lý của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện và Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá thành phố.
- Quyết định cho đi cư trú bắt buộc khỏi thành phố.
D. THỦ TỤC XỬ LÝ
Điều 13:
1. Việc xử lý các vụ vi phạm kỷ luật Nhà nước về giá phải được công bố bằng quyết định của các cấp có thẩm quyền xử lý như đã nêu ở trên (việc kiểm tra, xử lý vi phạm phải do tập thể tiến hành, không được thỏa thuận tay đôi).
2. Quyết định xử lý phải gởi đến đương sự để thi hành đồng thời gởi các cơ quan Tài chánh, Vật giá, Ngân hàng, Thanh tra, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp để theo dọi thực hiện.
Phòng vật giá Quận, Huyện có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân quận, huyện tổng hợp tình hình xử lý các vụ vi phạm kỷ luật về giá ở quận, huyện mình báo về Ủy ban vật giá thành phố.
Ủy ban Vật giá thành phố có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân thành phố tổng hợp tình hình xử lý các vụ vi phạm kỷ luật Nhà nước về giá ở thành phố.
3. Khi thu tiền phạt phải cấp biên lai cho đương sự, biên lai thu tiền phạt cũng như các thủ tục về cấp phát giao nhận thanh toán, quản lý và sử dụng sẽ do Sở Tài chánh phát hành và quy định thống nhất. Tiền thu phạt phải đăng ký cập nhật vào sở sách và nộp vào tài khoản 651 của cơ quan xử lý ở Ngân hàng quận, huyện mà cơ quan này trú đóng. Thủ trưởng đơn vị quản lý tiền nộp phạt về vi phạm kỷ luật Nhà nước về giá kể cả số tiền chênh lệch giá không trả được cho khách hàng có trách nhiệm nộp vào Ngân sách và chịu trách nhiệm về mọi sự mất mát (kể cả việc sử dụng riêng hay chung cho đơn vị), nhầm lẫn tiền bạn và chứng từ thu nhập. Người bị phạt có quyền hỏi các chứng từ này và người có trách nhiệm thu nhập phải cung cấp.
E. QUYỀN KHIẾU NẠI CỦA ĐƠN VỊ CÁ NHÂN VI PHẠM KỶ LUẬT GIÁ
Điều 14: Quyền được khiếu nại của đơn vị, cá nhân và đối tượng đã bị kiểm tra giá :
1. Thủ trưởng đơn vị hay cá nhân không nhất trí với kết luận xử lý các cấp có thẩm quyền thì trong thời hạn 15 ngày (mười lăm ngày) kể từ ngày ký quyết định xử lý được quyền khiếu nại tới cơ quan ra quyết định xử lý và cơ quan thanh tra Nhà nước về giá cấp trên xem xét.
2. Đơn khiếu nại phải được xem xét và giải quyết chậm nhất không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại. Trong khi chờ việc xét khiếu nại, đương sự phải chấp hành quyết định xử lý hiện hành.
Chương III
KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT
Điều 15: Khen thưởng
1. Đối tượng được thưởng bao gồm những đơn vị, cá nhân có thành tích thật sự góp công sức vào việc điều tra, kiểm tra phát hiện những vụ vi phạm kỷ luật Nhà nước về giá. Tiền thưởng được trích từ khoản chênh lệch mua bán sai giá do bên vi phạm kỷ luật giá nộp vào ngân sách hoặc trả lai cho khách hàng và khỏan tiền phạt đơn vị, cá nhân vi phạm kỷ luật giá.
2. Mức trích thưởng được quy định như sau :
a) Từ 5 – 10% số tiền phạt do vi phạm một trong các hành vi về kỷ luật giá nêu ở trên.
b) Trích 3% trên tổng số tiền chênh lệch giá mua giá bán sai giá nộp vào ngân sách hay trả lại cho khách hàng của khu vực kinh tế quốc doanh, công tư hợp doanh, tập thể hay cá thể.
Tỷ lệ trích này được áp dụng cho từng vụ vi phạm kỷ luật về giá. Mức tối đa trích thưởng mỗi vụ không quá 5.000đồng.
3. Thủ tục nộp tiền chênh lệch do mua bán sai giá và tiền phạt vào ngân sách.
a) Các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm tổ chức các cuộc thanh tra như: Ủy ban Vật giá thành phố, Ủy ban thanh tra thành phố, Ban quản lý thị trường thành phố, Sở Thương binh thành phố, Phòng giá quận huyện, quản lý thị trường quận huyện, phường xã và các cơ quan tương đương đều được mở tại Ngân hàng Nhà nước cung cấp tài khoản 651. Tiền gởi nộp phạt về chênh lệch giá vào ngân sách Nhà nước thủ tục sẽ do Ngân hàng Nhà nước thành phố, Sở Tài chánh thành phố hướng dẫn cụ thể.
b) Tổng số tiền nộp vào Ngân sách Nhà nước cùng cấp nêu trên là khoản đã trừ 5 – 10% tiền phạt hoặc 3% tiền chênh lệch do mua bán sai giá.
c) Số tiền trích thưởng sẽ nộp vào ngân sách sau khi cấp có thẩm quyền quyết định 15 ngày mà đương sự không khiếu nại gì.
Điều 16: Kỷ luật
1. Những cán bộ kiểm tra, thanh tra giá (kể cả trưởng, phó đoàn, tổ trưởng, tổ phó kiểm tra) khi thi hành nhiệm vụ nếu mắc khuyết điểm như: làm dụng cương vị công tác để tham ô, móc ngoặc, hối lộ… ngoài việc phải trả lại những khoản đã tham ô, móc ngoặc, hối lộ… còn bị cơ quan quản lý trực tiếp xử lý kỷ luật hành chánh như điều 25 của Nghị định 217/HĐBT ngày 08-6-1979 của Hội đồng Chánh phủ.
2. Trường hợp sai phạm nặng thì chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền (Viện kiểm sát, Công an) để truy tố trước pháp luật.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 17: Ủy ban Vật giá thành phố có trách nhiệm phối hợp với các ngành hữu quan và là cơ quan chủ trì trong việc tổ chức kiểm tra, xử lý việc chấp hành kỷ luật giá.
Mỗi ngành quản lý sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… chịu trách nhiệm kiểm tra việc chấp hành kỷ luật ở các cơ quan trong ngành mình và có sự hỗ trợ của Ủy ban Vật giá thành phố. Cơ quan chủ quản do đơn vị trực thuộc vi phạm kỷ luật giá chịu trách nhiệm liên đới.
Điều 18: Ủy ban Vật giá thành phố, Sở Tài chánh, Công an thành phố, Ban Quản lý thị trường thành phố và Ủy ban Thanh tra thành phố nghiên cứu trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành cụ thể chức năng nhiệm vụ và lề lối làm việc của các đoàn kiểm tra và thanh tra giá.
Điều 19: Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành và phối hợp với các ngành hữu quan: Ban Quản lý thị trường, Sở Tài chánh, Công an thành phố, các đoàn thể thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã tổ chức thực hiện quy định này.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.