THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 55/2010/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 10 tháng 09 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
THẨM QUYỀN, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CHỨNG NHẬN TỔ CHỨC, CÁ NHÂN HOẠT ĐỘNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO, CHỨNG NHẬN TỔ CHỨC, CÁ NHÂN NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ CAO VÀ CÔNG NHẬN DOANH NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Công nghệ cao ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thẩm quyền chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao và công nhận doanh nghiệp công nghệ cao
Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận hoạt động) và cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao.
Điều 2. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận hoạt động
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận hoạt động của tổ chức, cá nhân gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Bộ Khoa học và Công nghệ. Hồ sơ được lập thành 02 bộ, trong đó có 01 bộ hồ sơ gốc và 01 bộ hồ sơ phô tô
1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận hoạt động của tổ chức, bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận hoạt động của tổ chức theo mẫu quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ;
b) Bản sao có công chứng của một trong các loại giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận đầu tư; Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ; Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ;
c) Bản thuyết minh dự án ứng dụng công nghệ cao, đề tài, đề án nghiên cứu và phát triển công nghệ cao (công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển);
d) Xác nhận bằng văn bản của cơ quan chủ quản đối với các nội dung đã trình bày trong Bản thuyết minh dự án ứng dụng công nghệ cao, đề tài, đề án nghiên cứu và phát triển công nghệ cao (đối với tổ chức thuộc quyền quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ); xác nhận bằng văn bản của Sở Khoa học và Công nghệ nơi tổ chức hoạt động ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao (đối với tổ chức không thuộc quyền quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ)
2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận hoạt động của cá nhân, bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận hoạt động của cá nhân theo mẫu quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ, kèm theo 02 ảnh cỡ 4x6 cm;
b) Bản phô tô Giấy chứng minh hoặc Hộ chiếu còn giá trị;
c) Bản thuyết minh dự án ứng dụng công nghệ cao, đề tài, đề án nghiên cứu và phát triển công nghệ cao (công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển);
d) Xác nhận bằng văn bản của Sở Khoa học và Công nghệ đối với các nội dung đã trình bày trong Bản thuyết minh dự án ứng dụng công nghệ cao, đề tài, đề án nghiên cứu và phát triển công nghệ cao nơi cá nhân hoạt động ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao.
3. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ khi nhận được đơn đề nghị xác nhận của tổ chức, cá nhân hoạt động ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm kiểm tra và xác nhận bằng văn bản các nội dung đã trình bày trong Bản thuyết minh dự án ứng dụng công nghệ cao, đề tài, đề án nghiên cứu và phát triển công nghệ cao. Trường hợp từ chối xác nhận thì phải thông báo lý do bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị xác nhận.
4. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì Bộ Khoa học và Công nghệ phải có công văn yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận hoạt động. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được công văn yêu cầu của Bộ Khoa học và Công nghệ, tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận hoạt động có trách nhiệm bổ sung, sửa chữa và gửi lại Bộ Khoa học và Công nghệ.
5. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận hoạt động do tổ chức, cá nhân gửi, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và cấp Giấy chứng nhận hoạt động và gửi cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận hoạt động. Trường hợp từ chối cấp thì phải thông báo lý do bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận hoạt động.
6. Mẫu Giấy chứng nhận hoạt động, giấy xác nhận quy định tại điểm d khoản 1 và điểm d khoản 2 Điều này do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.
Điều 3. Thu hồi Giấy chứng nhận hoạt động
1. Tổ chức, cá nhân bị thu hồi Giấy chứng nhận hoạt động thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận hoạt động không triển khai dự án ứng dụng công nghệ cao, đề tài, đề án nghiên cứu và phát triển công nghệ cao đã được phê duyệt;
b) Thực hiện không đúng các nội dung của dự án ứng dụng công nghệ cao, đề tài, đề án nghiên cứu và phát triển công nghệ cao đã được phê duyệt;
c) Có đơn đề nghị chấm dứt thực hiện dự án ứng dụng công nghệ cao, đề tài, đề án nghiên cứu và phát triển công nghệ cao đã được phê duyệt;
d) Giả mạo hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận hoạt động;
đ) Vi phạm một trong các điều cấm của Luật Công nghệ cao.
2. Bộ Khoa học và Công nghệ ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận hoạt động của tổ chức, cá nhân vi phạm một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 4. Hiệu lực của Giấy chứng nhận hoạt động
1. Giấy chứng nhận hoạt động có hiệu lực kể từ ngày cấp và có giá trị đến khi kết thúc dự án, đề tài, đề án.
2. Giấy chứng nhận hoạt động chỉ có giá trị đối với từng dự án ứng dụng công nghệ cao, đề tài, đề án nghiên cứu và phát triển công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và là căn cứ để tổ chức, cá nhân được hưởng ưu đãi, hỗ trợ quy định tại khoản 1 Điều 10, khoản 1 Điều 12 Luật Công nghệ cao và các ưu đãi, hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao
1. Việc công nhận doanh nghiệp công nghệ cao được thực hiện dưới hình thức cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao.
2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Bộ Khoa học và Công nghệ. Hồ sơ được lập thành 02 bộ, trong đó có 01 một bộ hồ sơ gốc và 01 bộ hồ sơ phô tô, bao gồm:
a) Đơn đề nghị công nhận doanh nghiệp công nghệ cao theo mẫu quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ;
b) Bản sao có công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ;
c) Bản thuyết minh doanh nghiệp đã đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Công nghệ cao.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức lấy ý kiến của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan.
4. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì Bộ Khoa học và Công nghệ phải có công văn yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện cho doanh nghiệp đề nghị công nhận doanh nghiệp công nghệ cao. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được công văn yêu cầu của Bộ Khoa học và Công nghệ, doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao có trách nhiệm bổ sung, sửa chữa và gửi lại Bộ Khoa học và Công nghệ.
5. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức cuộc họp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan để làm rõ những vấn đề nêu trong hồ sơ đề nghị công nhận doanh nghiệp công nghệ cao.
6. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm thẩm định và cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao và gửi cho doanh nghiệp. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao thì phải thông báo lý do bằng văn bản cho doanh nghiệp đề nghị công nhận doanh nghiệp công nghệ cao.
7. Mẫu Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.
Điều 6. Thu hồi Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao
1. Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao mà doanh nghiệp không hoạt động;
b) Giả mạo hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao;
c) Vi phạm một trong các điều cấm của Luật Công nghệ cao;
d) Không còn đáp ứng các quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật Công nghệ cao trong quá trình hoạt động.
2. Bộ Khoa học và Công nghệ ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao của doanh nghiệp vi phạm một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 7. Hiệu lực của Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao
1. Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao có hiệu lực 5 năm (năm năm) kể từ ngày cấp.
2. Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao là căn cứ để doanh nghiệp được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật Công nghệ cao và các ưu đãi, hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ
Chịu trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Quyết định này; làm đầu mối giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định những vấn đề vượt quá thẩm quyền.
Điều 9. Xử lý vi phạm
Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại Quyết định này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, hậu quả gây ra sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 10. Hiệu lực thi hành, trách nhiệm thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26 tháng 10 năm 2010.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.