ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 542/QĐ-CT-UBT | Biên Hòa, ngày 25 tháng 02 năm 2003 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC ỦY QUYỀN CHO UBND CÁC HUYỆN, THÀNH PHỐ BIÊN HÒA QUYẾT ĐỊNH THÀNH LẬP VÀ BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM VĂN HÓA – THỂ THAO XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Điều 52 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 21/6/1994;
Căn cứ Chỉ thị số 03/2000/CT-TTg ngày 24/01/2000 về việc đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em;
Căn cứ Công văn số 69/UBTDTT-TC ngày 20/01/2003 của Ủy ban Thể dục thể thao về việc thống nhất tên gọi của Trung tâm Văn hóa Thể thao cấp xã;
Xét đề nghị của Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh Đồng Nai tại Tờ trình số 11/TT-DSGĐTE ngày 29/10/2001 và của Trưởng ban Ban Tổ chức chính quyền tỉnh tại Công văn số 105/BTC ngày 21 tháng 02 năm 2003 “Về việc đề nghị ủy quyền cho UBND các huyện, thành phố Biên Hòa quyết định thành lập và ban hành Quy chế Tổ chức và hoạt động của Trung tâm Văn hóa – Thể thao cấp xã”;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ủy quyền cho Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Biên Hòa quyết định thành lập và ban hành bản Quy chế Tổ chức và hoạt động của Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã, phường, thị trấn trên địa bàn các huyện, thành phố Biên Hòa.
- Tùy tình hình thực tế của địa phương và trên cơ sở bản Quy chế mẫu được đính kèm theo Quyết định này, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Biên Hòa quyết định thành lập và ban hành bản Quy chế Tổ chức và hoạt động của Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã, phường, thị trấn trên địa bàn cho phù hợp.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh, Giám đốc các Sở: Văn hóa thông tin, Thể dục thể thao, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh Đồng Nai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Biên Hòa và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH UBND TỈNH ĐỒNG NAI |
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM VĂN HÓA – THỂ THAO XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: /QĐ.UBH(UBTP) ngày tháng năm của UBND huyện (thành phố…..)
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã, phường, thị trấn (gọi tắt là Trung tâm) là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí cho trẻ em và mọi đối tượng có nhu cầu ở cơ sở. Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã, phường, thị trấn được thành lập theo quyết định của Ủy ban nhân dân huyện (thành phố) trong tổng thể quy hoạch của huyện (thành phố) và do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn quản lý trực tiếp và toàn diện, đồng thời chịu sự hướng dẫn, tổ chức sinh hoạt của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xã, phường, thị trấn.
Điều 2. Chức năng chủ yếu của Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã, phường, thị trấn:
2.1. Hướng dẫn các đối tượng có nhu cầu tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao và vui chơi giải trí nhằm mục đích giáo dục “đức, trí, thể, mỹ”.
2.2. Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các câu lạc bộ thể dục thể thao… nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, thể thao của nhân dân trên địa bàn, thông qua đó giáo dục tình yêu gia đình, tổ quốc và đặc biệt là phát hiện những đối tượng có năng khiếu để đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện phục vụ cho các hoạt động văn hóa thể thao của địa phương.
Chương 2:
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN LỢI
Điều 3. Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã, phường, thị trấn có các nhiệm vụ chính như sau:
3.1. Căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chương trình công tác của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; kế hoạch học tập nội, ngoại khóa của các trường mầm non, tiểu học, trung học; chương trình công tác của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xã, phường, thị trấn và chương trình hướng dẫn sinh hoạt của Hội đồng đội, của Nhà thiếu nhi cấp huyện, tỉnh để xây dựng kế hoạch, nội dung hoạt động theo tháng, quý, năm phù hợp với yêu cầu vui chơi học tập của trẻ em và nhân dân trên địa bàn.
3.2. Tổ chức các hoạt động vui chơi tại chỗ như: các trò chơi tập thể; hội thi đọc sách, kể chuyện và thi đấu các môn thể dục thể thao; hướng dẫn vui chơi tự do như: đu quay, cầu trượt, bập bênh, nhảy ngựa, xích đu… và một số trò chơi xếp hình.
3.3. Tổ chức các câu lạc bộ (cờ vua, văn nghệ, âm nhạc, vườn cổ tích, sinh hoạt kỹ năng, thể thao…) nhằm rèn luyện kỹ năng, phát hiện những trẻ em có năng khiếu và tạo sân chơi lành mạnh cho những đối tượng khác.
Điều 4. Quyền lợi của Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã, phường, thị trấn:
4.1. Được ưu tiên cung cấp trang thiết bị vui chơi giải trí chuyên dùng, các loại sách, báo, băng đĩa nhạc, băng đĩa hình…
4.2. Được cung cấp thông tin, đào tạo kỹ năng nhằm hoàn thiện và mở rộng các hoạt động vui chơi, giải trí.
4.3. Được tổ chức giao lưu văn hóa, thể dục thể thao trong các lứa tuổi giữa các địa phương; tham gia hội thi, hội thao, hội diễn văn nghệ, thể thao ở các cụm văn hóa thông tin, Trung tâm Văn hóa thông tin – Thể thao huyện, thành phố và tỉnh.
Chương 3:
CƠ SỞ VẬT CHẤT, TỔ CHỨC CÁN BỘ, KINH PHÍ
Điều 5. Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã, phường, thị trấn được xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn khác ngoài ngân sách, được xác định trong quy hoạch sử dụng đất của xã, phường, thị trấn. Cơ sở vật chất của Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã, phường, thị trấn bao gồm:
- Sân chơi (sân cỏ, sân bóng đá, công viên cây xanh…)
- Nhà đa năng (phòng câu lạc bộ, phòng chiếu phim, phòng đọc sách…)
- Các thiết bị học tập và các thiết bị vui chơi giải trí chuyên dùng như: bàn bóng bàn, cầu trượt, đu quay, bập bênh, ghế đá, cầu lông, khối xếp hình, cờ vua, cờ tướng, cờ cá ngựa…).
Điều 6. Tổ chức bộ máy và nhân sự của Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã, phường, thị trấn: Tổ chức bộ máy của Trung tâm có Giám đốc, Phó Giám đốc và các Ban chuyên môn.
6.1. Giám đốc Trung tâm do Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đảm nhiệm.
6.2. Phó Giám đốc Trung tâm do lãnh đạo Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc cán bộ phụ trách công tác Văn hóa thông tin – Thể thao xã, phường, thị trấn đảm nhiệm.
6.3. Cán bộ phụ trách các Ban chuyên môn của Trung tâm do cán bộ phụ trách công tác Dân số, Gia đình và Trẻ em; Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, cán bộ phụ trách các lĩnh vực có liên quan thuộc Ủy ban nhân dân và giáo viên các trường học của xã, phường, thị trấn đảm nhiệm.
6.4. Giám đốc Trung tâm có kế hoạch hoạt động, quản lý cơ sở vật chất, tổ chức liên kết với các đơn vị, đoàn thể ở địa phương và cán bộ phụ trách những lĩnh vực có liên quan để hỗ trợ Trung tâm Văn hóa – Thể thao tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao; đánh giá, tổng kết công tác theo định kỳ và theo từng đợt hoạt động nhân dịp lễ, tết, hè; hàng năm, tổ chức hội thi, hội thao… và có báo cáo định kỳ (hoặc đột xuất) cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
6.5. Cán bộ phụ trách các Ban chuyên môn của Trung tâm gồm những cán bộ (có năng khiếu sinh hoạt) phụ trách các lĩnh vực có liên quan thuộc Ủy ban nhân dân và các đoàn thể ở địa phương, có nhiệm vụ tổ chức, phục vụ thực hiện kế hoạch của Giám đốc Trung tâm và được hưởng thù lao tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương (do ngân sách xã, phường, thị trấn cấp).
Điều 7. Việc bổ nhiệm, phân công nhiệm vụ cán bộ của Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã, phường, thị trấn:
7.1. Giám đốc Trung tâm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện (thành phố) quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm.
7.2. Phó Giám đốc Trung tâm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện (thành phố) quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Trung tâm.
7.3. Cán bộ phụ trách các Ban chuyên môn và các cán bộ giúp việc của Trung tâm do Giám đốc Trung tâm quyết định phân công.
Điều 8. Kinh phí hoạt động:
Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã, phường, thị trấn là đơn vị sự nghiệp, hoạt động theo cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng đầu tư, được phép huy động sự đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân ở địa phương và những nơi khác. Kinh phí hoạt động của Trung tâm gồm:
- Kinh phí do ngân sách xã, phường, thị trấn cấp.
- Vận động tài trợ.
- Thu từ hoạt động vui chơi giải trí của Trung tâm.
Chương 4:
CƠ CHẾ QUẢN LÝ VÀ LÀM VIỆC
Điều 9. Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã, phường, thị trấn do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trực tiếp quản lý về cán bộ, nội dung hoạt động và cơ sở vật chất, trang thiết bị hoạt động.
9.1. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và cán bộ phụ trách các lĩnh vực có liên quan thuộc Ủy ban nhân dân của xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm hướng dẫn về nội dung, kế hoạch hoạt động và liên kết với các ngành, các giới để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cho trẻ em và các đối tượng khác có nhu cầu ở địa phương.
9.2. Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã, phường, thị trấn có trách nhiệm duy trì hoạt động văn hóa, thể thao tại chổ (hoặc tổ chức giao lưu) gắn với chương trình nội, ngoại khóa của các trường học ở địa phương theo kế hoạch đã thống nhất với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và cán bộ phụ trách các lĩnh vực có liên quan thuộc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
Điều 10. Trách nhiệm của Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã, phường, thị trấn trong quan hệ công tác với các cơ quan ở địa phương:
10.1. Quan hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương để xin ý kiến chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, phương hướng hoạt động và đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất.
10.2. Quan hệ với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xã, phường, thị trấn trong công tác tổ chức hướng dẫn hoạt động.
10.3. Quan hệ với Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể khác để phối hợp, đề nghị hỗ trợ về cơ sở vật chất, kinh phí và các hoạt động cụ thể.
10.4. Quan hệ với Cụm Văn hóa – Thể thao, Phòng Văn hóa – xã hội huyện (thành phố) để định hướng phát triển và tham gia các hoạt động nghiệp vụ của huyện (thành phố) tổ chức.
10.5. Quan hệ với các Nhà văn hóa thiếu nhi huyện (thành phố) và tỉnh trong việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho cán bộ phụ trách, xây dựng các mô hình hoạt động ở cơ sở.
Chương 5:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Quy chế này được áp dụng thống nhất cho các Trung tâm Văn hóa – Thể thao ở xã, phường, thị trấn, khu dân cư, khu liên xã trong trên địa bàn huyện (thành phố).
Điều 12. Phòng Văn hóa – Xã hội, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện (thành phố) và các ngành liên quan của huyện (thành phố) căn cứ vào Quy chế để phối hợp tổ chức thực hiện, đồng thời chỉ đạo các cơ quan cấp dưới thuộc cùng ngành, lĩnh vực hướng dẫn các Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã, phường, thị trấn hoạt động có hiệu quả.
Điều 13. Khen thưởng, kỷ luật:
13.1. Những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức và hoạt động của Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã, phường, thị trấn đều được xét khen thưởng theo quy định hiện hành.
13.2. Tổ chức, cá nhân có những hành vi vi phạm, gây ảnh hưởng xấu đến công tác tổ chức và hoạt động của Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã, phường, thị trấn, tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 14. Bản Quy chế này gồm 5 chương, 14 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế do Phòng Văn hóa – Xã hội chủ trì phối hợp cùng Phòng Tổ chức – Lao động huyện (thành phố) và các ngành liên quan đề xuất Ủy ban nhân dân huyện (thành phố) quyết định./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN (TP)… |
* Ghi chú: Đây là bản Quy chế mẫu để hướng dẫn cho UBND các huyện, TP. Biên Hòa xây dựng và ban hành Quy chế chính thức.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.