UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 54/QĐ-UBND | Kon Tum, ngày 13 tháng 01 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG THƯƠNG TỈNH KON TUM GIAI ĐOẠN 2011-2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội;
Căn cứ Quyết định số 55/2008/QĐ-BCT ngày 30/12/2008 của Bộ Công Thương về ban hành Quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển lĩnh vực công nghiệp;
Căn cứ Thông tư số 17/2010/TT-BCT , ngày 5/5/2010 của Bộ Công Thương về Ban hành quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển ngành Thương mại;
Xét đề nghị của Sở Công thương tại Tờ trình số 60/TT-SCT ngày 28/12/2010 về việc phê duyệt Dự án Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Công Thương giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến 2025 (kèm theo Biên bản thẩm định ngày 16/12/2010 của Hội đồng thẩm định được thành lập tại Quyết định số 829/QĐ-UBND ngày 16/8/2010 của UBND tỉnh),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Công Thương tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2025 (kèm theo Dự án Quy hoạch do Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp - Bộ Công thương đơn vị tư vấn lập), với các nội chủ yếu sau:
I. Quan điểm quy hoạch:
1. Về công nghiệp
- Đảm bảo tăng trưởng nhanh, ổn định, bền vững, hiệu quả, thân thiện với môi trường trên cơ sở đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, có giá trị gia tăng lớn làm động lực cho quá trình phát triển các ngành kinh tế quốc dân khác.
- Huy động mọi nguồn lực, thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư và sản xuất công nghiệp. Chuyển dịch cơ cấu sản xuất công nghiệp theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến.
- Chú trọng phát triển thuỷ điện, công nghiệp chế biến nông-lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản. Tập trung thu hút đầu tư vào các khu cụm công nghiệp tập trung đã được quy hoạch trên địa bàn.
- Từng bước phục hồi và phát triển các nghề truyền thống có giá trị tôn vinh bản sắc dân tộc, đặc thù của các dân tộc Tây Nguyên. Phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp ở những nơi có điều kiện nhất để làm động lực, lan toả ra diện rộng, chú trọng vào các khu đô thị, khu tập trung dân cư và các khu vực kinh tế, công nghiệp.
2. Về thương mại
- Khuyến khích đầu tư phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch và tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu theo hướng đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao chất lượng và hiệu quả của các loại hình dịch vụ, nhanh chóng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại và đóng góp tỷ trọng cao nhất trong GDP của tỉnh.
- Phát triển xuất khẩu của tỉnh trên cơ sở phát huy lợi thế về vị trí địa - kinh tế, là cầu nối quan trọng của ba nước vùng biên và khu vực Tây Nguyên, thúc đẩy phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, xây dựng - dịch vụ và nông lâm nghiệp, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
- Chú trọng phát triển thương mại nội địa, đưa hoạt động thương mại từ đô thị tới các vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng thị trường nông thôn và khu vực các vùng sâu, vùng cao, đảm bảo cung cấp đầy đủ mặt hàng chính sách xã hội.
- Phát huy nội lực, kết hợp với nguồn lực từ bên ngoài để phát triển ngành thương mại trở thành ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, chất lượng cao trong lĩnh vực dịch vụ của Kon Tum và bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng.
- Tăng cường xây dựng cơ chế điều tiết, khống chế và ứng phó khẩn cấp, đảm bảo cho thị trường ổn định và có trật tự.
II. Mục tiêu quy hoạch:
1. Mục tiêu tổng quát:
1.1. Về công nghiệp
Trong những năm tới, mục tiêu phát triển công nghiệp Kon Tum vẫn là tiếp tục phát triển với tốc độ cao, bền vững, thân thiện với môi trường và hỗ trợ tối đa cho các ngành nông nghiệp và dịch vụ phát triển, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân Kon Tum, đưa nền kinh tế của Kon Tum lên một bước phát triển mới.
Giá trị sản xuất công nghiệp trong giai đoạn đến 2015 tăng bình quân 21%/năm, đạt khoảng 3.550 tỷ đồng (giá 94); bình quân 2016-2020 tăng 16%/năm, đạt 7.460 tỷ đồng đến 2020 . Từ 2021-2025 tăng bình quân khoảng 14%, đạt 14.400 tỷ đồng vào 2025.
1.2. Về thương mại
* Mục tiêu phát triển thương mại nội địa
Xây dựng và phát triển theo hướng hiện đại, có cơ cấu hợp lý với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, vận hành trong môi trường cạnh tranh có sự quản lý và điều tiết của Nhà nước. Trên cơ sở đó, nâng cao giá trị gia tăng thương mại; thu hút lao động xã hội, tạo việc làm mới; kết nối sản xuất và tiêu dùng, điều tiết sản xuất, nhu cầu thị trường; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân .
Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn đến 2015 tăng gấp 1,2-1,3 lần mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh (khoảng 15,6-16%/năm); giai đoạn 2016-2020 tăng gấp 1,3-1,4 lần mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh (khoảng 16-17%/năm)
* Mục tiêu phát triển xuất khẩu
Đến năm 2015, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá đạt 250-260 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt khoảng 125-130 triệu USD; đến năm 2020 đạt 550-600 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 300-320 triệu USD. Tốc độ tăng trưởng bình quân của hoạt động xuất nhập khẩu giai đoạn 2011-2015 đạt 16,7%/năm, trong đó kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 19-20%/năm, nhập khẩu tăng 13-14%/năm; đến giai đoạn 2016-2020, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 19-20%/năm, trong đó xuất khẩu tăng bình quân 20,7-21%/năm và nhập khẩu tăng 16,5%/năm.
2. Mục tiêu cụ thể:
- Mức tăng trưởng GDP bình quân cho từng giai đoạn (%/năm) và tỷ trọng GDP công nghiệp - thương mại trong cơ cấu kinh tế tỉnh (%):
Chỉ tiêu/giai đoạn | 2011-2015 | 2016-2020 | Bỡnh quân GĐ 2011-2020 |
Tăng trưởng GDP toàn tỉnh (giá 1994) | 15,0 | 14,5 | 14,75 |
Tăng trưởng GDP CN-XD (giá 1994) | 20,0 | 17,5 | 18,75 |
Trong đó: GDP công nghiệp | 19,0 | 17,0 | 18,0 |
Tăng trưởng GDP TM-DV (giá 1994) | 16,5 | 15,9 | 16,2 |
Trong đó: GDP thương mại | 15,0 | 14,5 | 14,75 |
Cơ cấu kinh tế (%) | năm 2011 | năm 2015 | năm 2020 |
Công nghiệp | 11 | 15 | 20 |
Thưong mại – Dịch vụ | 34,5 | 38,1 | 40,5 |
- Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân cho từng giai đoạn (%/năm) và cơ cấu các ngành công nghiệp (%):
Chỉ tiêu/giai đoạn | 2011-2015 | 2016-2020 | Bỡnh quân GĐ 2011-2020 |
Tăng trưởng giá trị SXCN (%) | 21,2 | 16 | 18,6 |
- Chế biến nông-lâm sản vả thực phẩm | 13,0 | 10,0 | 11,5 |
- Sản xuất VLXD | 15,0 | 12,0 | 13,5 |
- Sản phẩm dệt, may, da và giả da | 6,0 | 6,0 | 6,0 |
- Công nghiệp hoá chất, dược phẩm | 35 | 80 | 57,5 |
- Công nghiệp cơ khí, điện tử | 25 | 20 | 22,5 |
- Sản xuất và phân phối điện nước | 30 | 12 | 21 |
- Khai thác mỏ | 15 | 10 | 12,5 |
- Công nghiệp khác | 32 | 25 | 28,5 |
Cơ cấu công nghiệp (%) | năm 2010 | năm 2015 | năm 2020 |
Toàn ngành công nghiệp | 100,00 | 100,00 | 100,00 |
- Chế biến nông-lâm sản và thực phẩm | 32,71 | 23,05 | 17,65 |
- Sản xuất VLXD | 6,77 | 5,2 | 4,36 |
- Sản phẩm dệt, may, da và giả da | 3,96 | 2,03 | 1,29 |
- Công nghiệp hoá chất, dược phẩm | 0,43 | 0,74 | 6,67 |
- Công nghiệp cơ khí, điện tử | 10,37 | 12,1 | 14,32 |
- Sản xuất và phân phối điện nước | 17,02 | 24,16 | 20,25 |
- Khai thác mỏ | 3,02 | 2,32 | 1,78 |
- Công nghiệp khác | 1,06 | 1,63 | 2,37 |
III. Nội dung quy hoạch phát triển:
1. Định hướng phát triển công nghiệp
Phát triển công nghiệp gắn chặt với phát triển dịch vụ, thúc đẩy quá trình đô thị hoá trên địa bàn tỉnh; phát triển các cơ sở công nghiệp trực tiếp thúc đẩy phát triển nông thôn và một số ngành công nghiệp có lợi thế.
Xây dựng các khu, công nghiệp tập trung, tạo cơ sở để hình thành các vùng kinh tế động lực. Xây dựng trên địa bàn cấp huyện các cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và làng nghề để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá nông thôn.
Phát triển công nghiệp trên cơ sở sử dụng năng liệu tiết kiệm và hiệu quả, chú trọng phát triển vùng nguyên liệu, hạn chế phát triển các ngành công nghiệp gây ô nhiễm.
Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chế biến sâu và các ngành sản xuất các sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định, có hiệu quả kinh tế, thu hút nhiều lao động tại địa phương. Đó là các ngành chế biến nông - lâm sản, thực phẩm (chế biến gỗ, giấy, chế biến cà phê, cao su, chè, mía đường, tinh bột sắn, hoa quả, dược liệu…). Phát triển ngành sản xuất vật liệu xây dựng để đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh về xây dựng và phát triển đô thị, các cơ sở công nghiệp, thuỷ lợi, cơ sở hạ tầng.
2. Định hướng phát triển thương mại
Phấn đấu xây dựng nền thương mại và dịch vụ trên địa bàn theo hướng công bằng, dân chủ, văn minh, hiện đại, bền vững; chuẩn bị tốt nhất các điều kiện KTXH ở Kon Tum để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Khuyến khích mạnh mẽ mọi tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, kể cả đầu tư nước ngoài tham gia vào sản xuất kinh doanh phát triển thương mại.
Củng cố và tăng cường phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất- kỹ thuật thương mại theo hướng xây dựng và khai thác có hiệu quả mạng lưới chợ, đẩy mạnh việc phát triển các chợ đầu mối và chợ nông thôn, các trung tâm giao dịch hàng hoá, kho dự trữ. Xây dựng và nâng cao chất lượng của hệ thống thông tin thị trường và xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
Tăng cường kỷ cương, trật tự thị trường; ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại; sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, người sản xuất và doanh nghiệp.
3. Quy hoạch phát triển ngành:
3.1. Ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản:
- Xây dựng các cơ sở sản xuất phù hợp với quy hoạch của vùng, địa phương và của toàn ngành, trên cơ sở phát huy lợi thế sẵn có về tài nguyên thiên nhiên và hệ thống giao thông;
- Thay đổi dần công nghệ sản xuất lạc hậu nhằm tiết kiệm nguyên liệu và tránh ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các sản phẩm gạch nung, sản xuất đá xây dựng;
- Khuyến khích đầu tư khai thác, chế biến các loại khoáng sản có giá trị kinh tế cao như: Nước khoáng thiên nhiên, Cao lanh, Điatomit, Đôlômit, Vàng, Puzơlan, Pensfat, Wolfram, đá quý, bán quý...
3.2. Ngành công nghiệp chế biến nông - lâm sản, thực phẩm:
- Mở rộng quy mô sản xuất các sản phẩm hiện có khả năng phát triển vùng nguyên liệu tại chỗ, theo hướng đầu tư cho phát triển công nghệ cao, công nghệ sinh học để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm và hạn chế chế biến thô;
- Các sản phẩm cần khuyến khích đầu tư như: Chế biến cao su, cà phê, tinh bột sắn, cồn sinh học, chế biến đường, phân vi sinh, thức ăn gia súc... Sản xuất bột giấy, giấy, ván nhân tạo, đồ gỗ xuất khẩu…
- Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các cơ sở chế biến qui mô vừa và nhỏ. Áp dụng các biện pháp sơ chế và bảo quản nông sản tại chỗ ngay sau thu hoạch nhằm đảm bảo chất lượng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.
- Tăng cường thu mua nguyên liệu nông - lâm sản từ các vùng lân cận, nhất là từ 2 tỉnh biên giới của Campuchia và Lào để đảm bảo cho công nghiệp chế biến trên địa bàn phát huy hết công suất thiết bị.
- Khuyến khích đầu tư sản xuất các sản phẩm có giá trị mỹ thuật từ các nguồn gỗ hợp pháp để phục xuất khẩu và tiêu dùng trong nước;
- Khuyến khích đầu tư các cơ sở mới tại khu vực quy hoạch phát triển làng nghề, khu vực nông thôn để giải quyết việc làm nhàn rỗi.
3.3. Ngành công nghiệp sản xuất VLXD:
Ngành sản xuất VLXD của Kon Tum được xây dựng và phát triển từ nền sản xuất thủ công, qui mô nhỏ, phân tán, thị trường tiêu thụ hạn hẹp với điểm xuất phát thấp. Do đó cần khuyến khích đầu tư sản xuất với qui mô lớn, công nghệ tiên tiến để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời nghiên cứu sản xuất những mặt hàng mới có khả năng thay thế dần các loại nguyên liệu xây dựng truyền thống, nhất là các sản phẩm VLXD không nung
3.4. Ngành công nghiệp hoá chất, dược phẩm, nhựa, phân bón:
Từng bước hình thành các vùng chuyên canh dược liệu, nhất là các cây dược liệu có thế mạnh trên địa bàn, đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh.
Các sản phẩm hoá chất, đồ nhựa và dược phẩm hầu như chưa phát triển trên địa bàn Kon Tum; trong khi đó nhu cầu tiêu dùng trong dân ngày càng cao.
3.5. Ngành công nghiệp cơ khí, luyện kim, điện tử và gia công kim loại:
- Đầu tư chiều sâu, đổi mới thiệt bị công nghệ hiện đại cho các cơ sở hiện có.
- Nâng cao năng lực cơ khí sửa chữa và chế tạo phụ tùng thay thế để phục vụ đắc lực cho các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh (như ngành chế biến nông - lâm sản, xây dựng, giao thông, thiết bị thuỷ điện và các máy móc canh tác, tiêu dùng).
- Phát triển các cụm cơ khí nhỏ theo địa bàn để đáp ứng kịp thời những nhu cầu tại chỗ và thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá nông thôn.
3.6. Ngành công nghiệp sản xuất xuất và phân phối điện, nước:
Phát huy có hiệu quả tiềm năng thủy điện của tỉnh trên cơ sở kiểm tra rà soát và sắp xếp hợp lý các công trình thủy điện vừa và nhỏ đang được đầu tư trên địa bàn tỉnh trên cơ sở giảm thiểu tác động đến môi trường nhằm hạn chế ảnh hưởng tới khu vực nông nghiệp và môi trường vùng hạ lưu.
Đến năm 2020 đạt 100% số xã có điện lưới và từ 98 đến 100% số hộ được sử dụng điện và đảm bảo phụ tải cho các khu công nghiệp tập trung, các cụm công nghiệp trên địa bàn..
3.7. Phát triển thương mại:
Hình thành các công ty lớn làm đầu mối xuất nhập khẩu của tỉnh; xây dựng hệ thống chợ theo hướng văn minh, hiện đại với quy mô phù hợp trên từng địa bàn. Chú trọng phát triển các khu trung tâm thương mại, các trung tâm mua sắm, các siêu thị tổng hợp và chuyên doanh, cửa hàng bách hóa tổng hợp, các đường phố thương mại kết hợp truyền thống với hiện đại, cửa hàng tiện lợi.
Hình thành mạng lưới chợ nông thôn; các cửa hàng thương mại vùng sâu vùng xa của tỉnh, phát triển mạng lưới thương nhân là những hộ buôn bán nhỏ, hộ kinh doanh cá thể, hộ nông dân vừa sản xuất vừa kinh doanh
Hình thành và phát triển hệ thống thương mại phù hợp với sự phát triển đô thị hóa của tỉnh, mở rộng và phát triển các loại hình thương mại - dịch vụ tại các khu, cụm công nghiệp, hình thành các siêu thị phục vụ người lao động.
5. Các giải pháp hỗ trợ phát triển chủ yếu:
5.1. Các giải pháp quản lý nhà nước về Công Thương:
- Tăng cường công tác quy hoạch phát triển công nghiệp trên phạm vi quốc gia, vùng và địa phương, để việc xác định mục tiêu phát triển có căn cứ và không trùng lắp;
- Phổ biến rộng rãi định hướng phát triển quy hoạch để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực được khuyến khích;
- Triển khai kịp thời quy hoạch chi tiết các khu, cụm công nghiệp để tạo điều kiện cho việc xây dựng mới các cơ sở sản xuất, đồng thời bố trí qũy đất cho phát triển các khu công nghệ cao, khu công nghiệp có chức năng riêng biệt;
- Bố trí ngân sách cho công tác lập quy hoạch và phê duyệt quy hoạch chi tiết các khu, cụm công nghiệp và tài trợ cho các chương trình xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại;
5.2. Các giải pháp chủ yếu khác
- Hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước để xúc tiến công tác đào tạo và tái đào tạo nhân sự cho các doanh nghiệp, nhằm tạo nguồn nhân lực có đủ năng lực và trình độ thực hiện yêu cầu phát triển sản xuất công nghiệp;
- Hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho công tác nghiên cứu khoa học để thực hiện các chương trình phát triển sản xuất công nghiệp, theo hướng giảm chi phí sản xuất và thay thế nguyên liệu nhập khẩu;
- Đẩy mạnh việc xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài khu, cụm công nghiệp, hạ tầng kinh tế như giao thông, điện, cấp thóat nước.
6. Tổng mức và nguồn vốn đầu tư (dự kiến):
- Công nghiệp:
Tổng mức đầu tư:
Giai đoạn 2011 - 2015: 3.000 tỷ đồng;
Giai đoạn 2016 - 2020: 5.900 tỷ đồng;
(chưa tính nhu cầu vốn cho phát triển công trình thuỷ điện Quốc gia)
- Thương mại:
Tổng mức đầu tư:
Giai đoạn 2011 - 2015: 754 tỷ đồng;
Giai đoạn 2016 - 2020: 383 tỷ đồng;
- Nguồn vốn: Ngân sách + Vốn trong dân và doanh nghiệp + Vốn tín dụng + Thu hút đầu tư + Vốn tài trợ.
7. Danh mục dự án dự kiến đầu tư: Có Dự án Quy hoạch kèm theo.
Điều 2. Tổ chức thực hiện.
1. Giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện các nội dung của quy hoạch, theo dõi, đôn đốc việc triển khai quy hoạch và thực hiện chức năng tham mưu giúp UBND tỉnh trên lĩnh vực quản lý nhà nước về lĩnh vực công thương theo quy định.
- Trong quá trình triển khai, trường hợp cần sửa đổi, bổ sung quy hoạch để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội qua từng năm hoặc từng thời kỳ, Sở Công thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố có liên quan lập hồ sơ theo quy định trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Công thương xem xét cân đối và huy động các nguồn lực; cân đối, bố trí vốn ngân sách kể cả vốn hỗ trợ của Trung ương và các nguồn khác theo kế hoạch hàng năm và 5 năm, trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện các nội dung nhiệm vụ có liên quan theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Dự thảo, tổ chức lấy ý kiến tham gia của các cơ quan liên quan và tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt, ban hành các cơ chế, chính sách làm cơ sở kêu gọi thu hút đầu tư, phát triển ngành công thương theo định hướng của quy hoạch.
Điều 3. Các Ông (Bà): Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các đơn vị: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Kho bạc Nhà nước tỉnh, các sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Giám đốc Sở Công thương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.