BAN CHỈ ĐẠO CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 54/QĐ-BCĐCCHC | Hà Nội, ngày 30 tháng 07 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA CHÍNH PHỦ
TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 34/2007/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành;
Căn cứ Quyết định số 442/QĐ-TTg ngày 28 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các thành viên Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| TRƯỞNG BAN |
QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA CHÍNH PHỦ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 54/QĐ-BCĐCCHC ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
Quy chế này quy định về nguyên tắc, chế độ làm việc; trách nhiệm và quyền hạn của thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo); chế độ họp, thông tin, báo cáo và kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Điều 2. Nguyên tắc và chế độ làm việc
1. Ban Chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và phát huy trí tuệ tập thể của các thành viên; bảo đảm yêu cầu phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành và trao đổi thông tin giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thành viên được pháp luật quy định.
2. Thành viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; có trách nhiệm tham gia đầy đủ các hoạt động của Ban Chỉ đạo, thực hiện và chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban Chỉ đạo về những nhiệm vụ được phân công.
Chương II
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CÁC THÀNH VIÊN BAN CHỈ ĐẠO
Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Ban Chỉ đạo
1. Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nhiệm vụ được giao.
2. Lãnh đạo, điều hành hoạt động của Ban Chỉ đạo; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; triệu tập, chủ trì các cuộc họp định kỳ và đột xuất của Ban Chỉ đạo.
3. Quyết định những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo.
4. Trong trường hợp cần thiết, ủy quyền cho Phó Trưởng ban giải quyết công việc thuộc thẩm quyền của mình.
5. Được sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo - Bộ trưởng Bộ Nội vụ
1. Giúp Trưởng Ban Chỉ đạo trực tiếp điều phối các hoạt động của Ban Chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban Chỉ đạo về toàn bộ hoạt động của Ban Chỉ đạo; thay mặt Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì và điều phối hoạt động chung của Ban Chỉ đạo khi Trưởng ban vắng mặt hoặc được ủy quyền; chủ trì các cuộc họp của Ban Chỉ đạo theo sự ủy quyền của Trưởng Ban Chỉ đạo.
2. Tham mưu cho Trưởng Ban Chỉ đạo để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phương hướng, biện pháp giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác cải cách hành chính và việc thực hiện Chương trình cải cách hành chính của Chính phủ.
3. Kiểm tra, đánh giá, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo về sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính của Chính phủ.
4. Được sử dụng con dấu của Bộ Nội vụ.
Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Trưởng Ban Chỉ đạo - Thứ trưởng Bộ Nội vụ
1. Thực hiện các nhiệm vụ do Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng Ban thường trực giao.
2. Tham mưu cho Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo các biện pháp, giải pháp đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhà nước.
3. Được sử dụng con dấu của Bộ Nội vụ.
Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của các Ủy viên Ban Chỉ đạo
1. Nhiệm vụ chung:
a) Chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban Chỉ đạo về kết quả các nhiệm vụ được phân công.
b) Tham dự đầy đủ các cuộc họp của Ban Chỉ đạo, chuẩn bị ý kiến đóng góp về các vấn đề thuộc nội dung chương trình họp của Ban Chỉ đạo.
c) Báo cáo kịp thời công việc và ý kiến giải quyết của Ban Chỉ đạo cho Thủ trưởng cơ quan nơi công tác về các công việc thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ, ngành mình; đề xuất, kiến nghị với Ban Chỉ đạo các chủ trương, giải pháp, cơ chế, chính sách để đẩy mạnh triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính theo kế hoạch, chương trình của Chính phủ đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, ngành.
d) Ký các văn bản theo nhiệm vụ được phân công và sử dụng con dấu của cơ quan mình.
đ) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Trưởng Ban Chỉ đạo.
2. Nhiệm vụ cụ thể:
a) Ủy viên Ban Chỉ đạo là Thứ trưởng Bộ Tư pháp: Tham mưu, giúp Trưởng Ban Chỉ đạo các biện pháp, giải pháp đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính;
b) Ủy viên Ban Chỉ đạo là Thứ trưởng Bộ Tài chính: Tham mưu, giúp Trưởng Ban Chỉ đạo các biện pháp, giải pháp đẩy mạnh cải cách tài chính công, đổi mới cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công.
c) Ủy viên Ban Chỉ đạo là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: Tham mưu, giúp Trưởng Ban Chỉ đạo về giải pháp đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; thông báo kết luận, chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo.
d) Ủy viên Ban Chỉ đạo là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Tham mưu, giúp Trưởng Ban Chỉ đạo các biện pháp, giải pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và những nội dung khác theo phân công của Thủ tướng Chính phủ.
đ) Ủy viên Ban Chỉ đạo là Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: Tham mưu, giúp Trưởng Ban Chỉ đạo các biện pháp, giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước;
e) Ủy viên Ban Chỉ đạo là Thứ trưởng Bộ Y tế: Tham mưu giúp Trưởng Ban Chỉ đạo các biện pháp, giải pháp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế công, đổi mới chính sách bảo hiểm y tế;
g) Ủy viên Ban Chỉ đạo là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Tham mưu, giúp Trưởng Ban Chỉ dạo các biện pháp, giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ giáo dục công lập;
h) Ủy viên Ban Chỉ đạo là Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Tham mưu, giúp Trưởng Ban Chỉ đạo các biện pháp, giải pháp đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương đối với người lao động trong các loại hình doanh nghiệp, chính sách bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công;
i) Ủy viên Ban Chỉ đạo là Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ: Tham mưu, giúp Trưởng Ban Chỉ đạo các biện pháp, giải pháp đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ và cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập; đẩy mạnh áp dụng hệ thống quản lý chất lượng trong hoạt động của cơ quan nhà nước;
k) Ủy viên Ban Chỉ đạo là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tham mưu, giúp Trưởng Ban Chỉ đạo các biện pháp, giải pháp đổi mới cơ chế, chính sách và xã hội hóa trong các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch;
l) Ủy viên Ban Chỉ đạo là Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam và Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam: Tham mưu, giúp Trưởng Ban Chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền cải cách hành chính; xây dựng chuyên mục, chuyên trang về cải cách hành chính để tuyên truyền và phản hồi ý kiến của người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức về cải cách hành chính.
m) Nhiệm vụ của các Ủy viên Ban Chỉ đạo là Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh: Giúp Trưởng Ban Chỉ đạo các biện pháp, giải pháp đẩy mạnh công tác theo dõi, giám sát, phản biện và tuyên truyền cải cách hành chính.
n) Nhiệm vụ của Ủy viên thư ký - Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ:
- Tổng hợp, xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm của Ban Chỉ đạo trình Trưởng Ban Chỉ đạo phê duyệt.
- Là đầu mối duy trì liên hệ giữa các thành viên Ban Chỉ đạo trong triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
- Chuẩn bị các cuộc họp định kỳ hoặc đột xuất của Ban Chỉ đạo.
- Tổ chức kiểm tra, theo dõi, đánh giá tình hình triển khai kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo và tổng hợp, báo cáo tình hình, kết quả triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
Chương III
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC, BÁO CÁO VÀ KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG
Điều 7. Chế độ làm việc và báo cáo
1. Ban Chỉ đạo họp định kỳ 06 tháng một lần để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành của các thành viên Ban Chỉ đạo và xác định chương trình, kế hoạch công tác cho thời gian tiếp theo.
2. Khi có yêu cầu hoặc khi cần chỉ đạo theo từng chuyên đề, Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định họp đột xuất toàn thể Ban Chỉ đạo hoặc họp với một số thành viên Ban Chỉ đạo. Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định việc mời đại biểu không thuộc Ban Chỉ đạo tham dự các cuộc họp của Ban Chỉ đạo.
3. Các phiên họp của Ban Chỉ đạo phải được thông báo bằng văn bản về nội dung, thời gian và địa điểm trước 03 ngày làm việc và kèm theo các tài liệu liên quan.
4. Kết Iuận của Trưởng Ban Chỉ đạo hoặc Phó Trưởng Ban Chỉ đạo được thể hiện bằng văn bản thông báo.
5. Trường hợp thành viên Ban Chỉ đạo đi công tác, học tập hoặc vì lý do khác không thể thực hiện nhiệm vụ của thành viên Ban Chỉ đạo từ 06 tháng trở lên hoặc có sự thay đổi về nhân sự thì cơ quan chủ quản phải có văn bản báo cáo Phó Trưởng Ban thường trực để tổng hợp báo cáo.
6. Các thành viên của Ban Chỉ đạo có trách nhiệm định kỳ (6 tháng/lần) báo cáo tình hình triển khai nhiệm vụ theo lĩnh vực được phân công.
7. Giúp việc Ban Chỉ đạo có Văn phòng Ban Chỉ đạo đặt tại Bộ Nội vụ do Phó trưởng ban thường trực, Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định thành lập.
Điều 8. Kinh phí hoạt động
1. Nguồn kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo do ngân sách nhà nước cấp hàng năm và được tổng hợp chung vào kinh phí của Bộ Nội vụ.
2. Việc lập, quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 9. Trách nhiệm thi hành
1. Trưởng Ban Chỉ đạo và các thành viên Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm thi hành Quy chế này.
2. Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế này do Trưởng Ban Chỉ đạo xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của cơ quan thường trực và các thành viên Ban Chỉ đạo./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.