ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 54/2011/QĐ-UBND | Long An, ngày 20 tháng 12 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÂN CẤP QUẢN LÝ CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi số 32/2001/PL-UBTVQH10 ngày 04/4/2001 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
Căn cứ Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi; Nghị định số 115/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số 65/2009/TT-BNNPTNT ngày 12/10/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn tổ chức hoạt động và phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại tờ trình số 2150/TTr-SNN ngày 14/12/2011,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Quy định việc phân cấp quản lý công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Long An cụ thể như sau:
1. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh
a) Quy định này phân cấp quản lý, khai thác, bảo vệ các hệ thống công trình thủy lợi, đê điều (sau đây gọi tắt là công trình thủy lợi) được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn tập thể được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc từ các nguồn vốn khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, đã được đưa vào khai thác sử dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An, trừ những công trình do ngành giao thông quản lý.
b) Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ quản lý, khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
2. Nguyên tắc phân cấp
a) Tùy theo quy mô, năng lực, mức độ phức tạp về kỹ thuật và vị trí của công trình để phân cấp cho các cấp chịu trách nhiệm quản lý (tỉnh, huyện và thành phố, xã, phường và thị trấn).
b) Công trình do cấp nào quản lý thì cấp đó trực tiếp tổ chức quản lý và đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp theo đúng quy định của Nhà nước. Trong một hệ thống công trình nếu có từ hai cấp quản lý trở lên thì cấp quản lý cao hơn chủ trì đề xuất tổ chức và thống nhất về quy trình vận hành hệ thống để đảm bảo hài hòa lợi ích chung.
c) Việc tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi phải đảm bảo tính hệ thống của công trình, UBND tỉnh thống nhất quản lý nhà nước công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
3. Phân loại công trình
a) Đối với sông, rạch, kênh mương
- Hệ thống kênh tạo nguồn, kênh trục chính, các sông, rạch, kênh làm nhiệm vụ dẫn nước tưới, tiêu liên tỉnh, liên huyện, có ý nghĩa chiến lược cho một khu vực rộng lớn (gọi tắt là hệ thống trục chính);
- Hệ thống kênh cấp I là các kênh, rạch tưới, tiêu nối trực tiếp với hệ thống trục chính;
- Hệ thống kênh cấp II là các kênh, rạch tưới, tiêu nối trực tiếp với hệ thống kênh cấp I;
- Hệ thống kênh cấp III là các kênh, rạch tưới, tiêu nối trực tiếp với hệ thống kênh cấp II;
- Hệ thống kênh nội đồng là các kênh tưới, tiêu nối trực tiếp với hệ thống kênh cấp III.
b) Đối với công trình đê, bờ kênh
- Đê ngăn mặn, ngăn triều cường là đê ven sông, rạch lớn làm nhiệm vụ chính là ngăn mặn, ngăn triều cường không cho tràn vào trong đồng;
- Đê bao vùng cây công nghiệp, cây ăn trái là đê chống lũ, ngăn mặn, phèn để bảo vệ cây công nghiệp, cây ăn trái;
- Đê bao khu vực dân cư, khu công nghiệp là đê bao bảo vệ khu dân cư, khu công nghiệp;
- Đê bao lửng vùng Đồng Tháp Mười là đê bao tạm thời có cao trình thấp, xây dựng cho từng khu vực nhỏ trong vùng ngập lụt để bảo vệ sản xuất trong một thời gian ngắn;
- Bờ kênh là phần đất cập hai bên lòng kênh, có thể làm nhiệm vụ ngăn lũ, ngăn mặn hoặc kết hợp làm đường giao thông.
c) Đối với cống
- Cống cấp I là các cống nhận nước từ hệ thống kênh trục chính, làm nhiệm vụ dẫn nước cho hệ thống kênh cấp I, các cống điều tiết trên hệ thống trục chính;
- Cống cấp II là các cống nhận nước từ hệ thống kênh cấp I, làm nhiệm vụ dẫn nước cho hệ thống kênh cấp II, các cống điều tiết trên hệ thống kênh cấp I;
- Cống cấp III là các cống nhận nước từ hệ thống kênh cấp II, làm nhiệm vụ dẫn nước cho hệ thống kênh cấp III, các cống điều tiết trên hệ thống kênh cấp II;
- Cống nội đồng là các cống đầu kênh và điều tiết trên kênh nội đồng.
d) Đối với trạm bơm
- Trạm bơm lớn là trạm bơm có quy mô phục vụ tưới, tiêu trên 2.000ha;
- Trạm bơm vừa là trạm bơm có quy mô phục vụ tưới, tiêu từ 500 đến 2.000 ha;
- Trạm bơm nhỏ là trạm bơm có quy mô phục vụ tưới, tiêu dưới 500ha.
4. Phân cấp quản lý công trình thủy lợi
a) Công trình thủy lợi phân cấp tỉnh quản lý
- Các kênh trục chính, kênh cấp I, kênh cấp II, các kênh có diện tích phục vụ từ 300 ha trở lên; các kênh liên tỉnh, liên huyện, các kênh giáp ranh tỉnh, huyện; sông, rạch, kênh ven biên giới Việt Nam – Campuchia;
- Đê ngăn lũ, ngăn triều cường ven sông, rạch lớn;
- Các cống cấp I và các cống dưới đê do cấp tỉnh quản lý.
b) Công trình thủy lợi phân cấp cho huyện, thành phố Tân An quản lý (gọi tắt là cấp huyện quản lý)
- Các công trình thủy lợi ngoài các danh mục quy định thẩm quyền cấp tỉnh quản lý được phân cấp giao cấp huyện quản lý;
- UBND các huyện, thành phố Tân An căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để thực hiện phân cấp công trình thủy lợi cho xã, phường, thị trấn trực tiếp quản lý (gọi tắt là cấp xã).
5. Trách nhiệm quản lý công trình thủy lợi được phân cấp
a) Trách nhiệm chung
- Việc phân cấp cho mỗi cấp trực tiếp quản lý các công trình thủy lợi phải thống nhất nguyên tắc quản lý của hệ thống. Bảo vệ công trình thủy lợi, bảo vệ nguồn nước là trách nhiệm của mọi tổ chức, người dân, do đó chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở phải tuyên truyền, giáo dục và vận động nhân dân tham gia bảo vệ công trình và phát hiện những hành vi vi phạm để báo cho các cơ quan chức năng và chính quyền xử lý theo quy định của pháp luật, không phân biệt công trình do cấp nào quản lý;
- Khi công trình có sự cố hư hỏng đột xuất xảy ra, chính quyền địa phương huy động lực lượng và phương tiện tại chỗ để xử lý kịp thời bảo vệ người và tài sản, hạn chế sự phát triển hư hỏng, bảo vệ an toàn công trình. Đồng thời báo cáo cho cấp trực tiếp quản lý để có phương án sửa chữa ổn định.
b) Trách nhiệm các cấp
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo các nội dung sau:
+ Lập quy hoạch thủy lợi tỉnh, vùng; xây dựng quy trình vận hành cho các hệ thống công trình thủy lợi mà cấp tỉnh trực tiếp quản lý;
+ Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch vận hành, bảo vệ, tu bổ, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo định kỳ và đột xuất các công trình thủy lợi được phân cấp quản lý;
+ Cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung, đình chỉ hiệu lực, thu hồi giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều phân cấp tỉnh quản lý theo quy định của pháp luật;
+ Thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền về quản lý, khai thác bảo vệ công trình thủy lợi và đê điều trên địa bàn tỉnh.
- Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt, bão tham mưu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp tổ chức rà soát cập nhật bổ sung các công trình thủy lợi, đê điều, đề xuất phân cấp quản lý các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Long An.
- Trung tâm quản lý khai thác công trình thủy lợi là đơn vị tham mưu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp quản lý các công trình thủy lợi, đê điều phân cấp tỉnh quản lý.
- UBND các huyện, thành phố Tân An thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo các nội dung sau:
+ Lập quy hoạch thủy lợi nội đồng; xây dựng quy trình vận hành cho các công trình thủy lợi được phân cấp cho cấp huyện trực tiếp quản lý (kể cả công trình phân cấp xã quản lý);
+ Phân cấp và hướng dẫn cấp xã trực tiếp quản lý công trình theo khả năng và tình hình thực tế;
+ Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch vận hành, bảo vệ, tu bổ, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo định kỳ và đột xuất các công trình thủy lợi được phân cấp quản lý;
+ Cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung, đình chỉ hiệu lực, thu hồi giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều phân cấp huyện quản lý theo quy định của pháp luật;
+ Thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền về quản lý, khai thác bảo vệ công trình thủy lợi và đê điều trên địa bàn huyện.
- Các huyện, thành phố Tân An có Trạm Quản lý khai thác công trình thủy lợi trực thuộc Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi theo hệ thống chuyên ngành phối hợp với phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng Kinh tế tham mưu UBND huyện, thành phố thực hiện quản lý các công trình thủy lợi phân cấp cho cấp huyện quản lý.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 58/2006/QĐ-UBND ngày 21/11/2006 của UBND tỉnh về việc phân cấp quản lý công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Long An.
Căn cứ vào các tiêu chí và điều kiện cụ thể nêu trên, căn cứ tình hình thực tế từng thời điểm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm lập danh mục các công trình do tỉnh quản lý, danh mục các công trình phân cấp cho cấp huyện quản lý trình UBND tỉnh phê duyệt thực hiện.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; thủ trưởng các sở, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Tân An, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.