ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 54/2008/QĐ-UBND | Quảng Ngãi, ngày 31 tháng 3 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ HÌNH THÀNH, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ KHUYẾN CÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định 134/2004/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 36/2005/TTLT-BTC-BCN ngày 16/5/2005 của Liên Bộ: Tài chính và Công nghiệp hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với hoạt động khuyến công;
Căn cứ Quyết định số 55/2007/QĐ-TTg ngày 23/4/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn giai đoạn 2007-2010, tầm nhìn đến năm 2020 và một số chính sách khuyến khích phát triển;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp tại Tờ trình số 538/SCN ngày 28/9/2007 về việc ban hành Quy định về hình thành, quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi (kèm theo ý kiến của Sở Tài chính tại Công văn số 1165/TC-HCSN ngày 12/7/2007 và Sở Tư pháp tại Báo cáo thẩm định số 105/BC-STP ngày 13/7/2007),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về hình thành, quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Điều 2. Giám đốc Sở Công nghiệp có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài chính và các địa phương trong việc kiểm tra, hướng dẫn và triển khai thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Công nghiệp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thủ trưởng các Sở, Ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân sử dụng kinh phí khuyến công chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM.UỶ BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VỀ HÌNH THÀNH, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ KHUYẾN CÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 54/2008/QĐ-UBND ngày 31/3/2008 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Quy định này quy định việc hình thành, quản lý và sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế của tỉnh để thực hiện các hoạt động khuyến công, nhằm khuyến khích, hướng dẫn và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Kinh phí khuyến công được hỗ trợ cho các hoạt động khuyến công, thúc đẩy phát triển ngành nghề truyền thống, du nhập nghề mới, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, phố nghề, phát triển các cụm công nghiệp ở địa phương góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá, tạo việc làm và thực hiện phân công lao động xã hội.
Điều 2. Hình thành kinh phí khuyến công của tỉnh
1. Khuyến công là một nhiệm vụ quan trọng, để phát triển công nghiệp trên địa bàn, Sở Công nghiệp chịu trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh quản lý các hoạt động khuyến công trên địa bàn. Hàng năm, UBND tỉnh bố trí kinh phí cho hoạt động khuyến công từ nguồn ngân sách tỉnh.
Trên cở sở xem xét nhu cầu của hoạt động khuyến công, ngân sách tỉnh bố trí kinh phí khuyến công.
2. Kinh phí khuyến công được hình thành từ các nguồn :
- Ngân sách của UBND tỉnh cấp hàng năm ;
- Tài trợ và đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;
- Hỗ trợ từ kinh phí khuyến công quốc gia;
- Các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Nội dung sử dụng kinh phí khuyến công
Sử dụng kinh phí khuyến công để thực hiện các hoạt động khuyến công theo kế hoạch hàng năm, gồm:
1. Hoạt động hướng dẫn tổ chức, cá nhân khởi sự doanh nghiệp lập dự án đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn, tìm kiếm mặt bằng sản xuất, tuyển dụng, đào tạo lao động, huy động vốn, xin ưu đãi đầu tư và các thủ tục hành chính khác theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp theo vùng, lãnh thổ và địa phương.
2. Các hoạt động hướng dẫn cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn nâng cao năng lực quản lý, hợp lý hoá sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.
3. Các hoạt động hướng dẫn, tư vấn cho cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.
4. Cung cấp thông tin về thị trường, giá cả, sản phẩm và công nghệ của thị trường trong và ngoài nước; tiếp thị, tìm kiếm thị trường, đối tác kinh doanh và tổ chức triển lãm, hội chợ, giới thiệu sản phẩm.
5. Hỗ trợ chi phí để tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề.
6. Hỗ trợ chi phí cho cơ sở sản xuất thuê mặt bằng tham gia hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm ở trong nước.
7. Hỗ trợ chi phí để tổ chức các hoạt động trao đổi kinh nghiệm, tham quan, khảo sát trong nước; hỗ trợ và tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế, tham gia các hiệp hội ngành nghề.
8. Hỗ trợ chi phí để xây dựng thí điểm mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và thực hiện dịch vụ tư vấn khoa học - công nghệ để hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp nông thôn.
9. Chi tuyên truyền cho công tác khuyến công trong phạm vi địa phương.
10. Chi hỗ trợ xây dựng chương trình, kế hoạch khuyến công từng giai đoạn và hàng năm tại địa phương.
11. Chi kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động khuyến công tại cơ sở.
12. Chi mua sắm thiết bị phục vụ công tác khuyến công.
13. Hỗ trợ chi phí sản xuất thử nghiệm ( sản phẩm mới; nguyên liệu, phụ liệu thay thế hàng nhập khẩu) hoàn thiện công nghệ, thiết bị mới tiên tiến trước khi ứng dụng vào sản xuất quy mô công nghiệp.
14. Chi khen thưởng, chi phí khác theo quy định.
Điều kiện hỗ trợ kinh phí khuyến công được thực hiện theo quy định của Thông tư Liên tịch 36/2005/TTLT-BTC-BCN ngày 16/5/2005 của Bộ Tài chính và Bộ Công nghiệp, các văn bản pháp luật hiện hành. Giám đốc Sở Công nghiệp xem xét quyết định các đề nghị hỗ trợ kinh phí của của các đối tượng, làm cơ sở xây dựng và thực hiện kế hoạch khuyến công hàng năm.
Hàng năm, vào quý 4 năm trước, Sở Công nghiệp lập dự toán kinh phí thực hiện kế hoạch khuyến công của địa phương, gửi Sở Tài chính tổng hợp trình UBND tỉnh quyết định cấp kinh phí khuyến công từ nguồn ngân sách tỉnh.
Điều 4. Mức hỗ trợ
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân và cơ sở sử dụng kinh phí khuyến công của nhà nước cho các hoạt động khuyến công phải thực hiện theo đúng định mức chế độ chi tiêu tài chính hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Quy định này hướng dẫn cụ thể thêm một số khoản chi sau:
1. Về xây dựng thí điểm mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ sản xuất tiên tiến.
Mức hỗ trợ cho từng cơ sở sản xuất, được Sở Công nghiệp xem xét quyết định đối với từng trường hợp cụ thể phù hợp với quy mô đầu tư, tính chất ngành, công nghệ, sản phẩm... của dự án, nhưng không vượt quá mức 50 triệu đồng cho 1 mô hình. Riêng đối với các sản phẩm mới, quy trình sản xuất mới cần xây dựng mô hình trình diễn, thì mức hỗ trợ tối đa không quá 150 triệu đồng cho 1 mô hình.
2. Về hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn thuê diện tích tham gia hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm ở trong nước:
Cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn được xem xét hỗ trợ 50% chi phí thuê diện tích gian hàng tham gia hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm trong nước; Riêng hội chợ tổ chức tại các vùng miền núi, Tây Nguyên, vùng cao thì mức hỗ trợ tối đa là 80%.
Kinh phí hỗ trợ không quá 5 triệu đồng cho một đơn vị.
3. Về hỗ trợ các tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ khuyến công như: tư vấn, đào tạo, chuyển giao công nghệ, cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại và các hoạt động liên quan đến đầu tư sản xuất công nghiệp nông thôn.
Tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện và khả năng thực hiện dịch vụ khuyến công, được xem xét hỗ trợ kinh phí để thực hiện. Sở Công nghiệp đề xuất cho UBND tỉnh quyết định kinh phí hỗ trợ cho từng trường hợp cụ thể, theo khả năng đảm bảo của nguồn kinh phí khuyến công hàng năm của tỉnh.
4. Về hỗ trợ công tác chuẩn bị dự án, được Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp hướng dẫn, giúp đỡ để hoàn thành công tác chuẩn bị dự án. Trong quá trình thực hiện dự án được hỗ trợ kinh phí theo quy định đối với từng loại công việc.
5. Hỗ trợ đào tạo nâng cao nghề, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm cho các cơ sở sản xuất, nhưng tối đa không quá 300.000 đồng/người/tháng và không quá 1.000.000đồng/người/khoá học nghề. Đối với cơ sở sản xuất hàng thủ công xuất khẩu, được xem xét hỗ trợ chi phí cho việc đào tạo nghề mới, nhưng không quá 1.500.000đồng/ người/khoá học nghề
6. Hỗ trợ nghiên cứu học tập thực tế ở trong nước về phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp do Sở công nghiệp tổ chức. Trường hợp đơn vị cơ sở tự thực hiện theo kế hoạch khuyến công hàng năm, thì được hỗ trợ một phần tiền tàu xe.
7. Các cơ sở sản xuất thuộc ngành công nghiệp ưu tiên, mũi nhọn giai đoạn 2007-2010, tầm nhìn đến năm 2020, được ban hành theo Quyết định số 55/2007/QĐ- TTg ngày 23/4/2007 của Thủ tướng Chính phủ, thì cơ sở được hỗ trợ 50%, nhưng không quá 150 triệu, đối với chi phí sản xuất thử nghiệm (sản phẩm mới; nguyên liệu, phụ liệu thay thế hàng nhập khẩu) nhằm hoàn thiện công nghệ, thiết bị mới tiên tiến trước khi ứng dụng vào sản xuất quy mô công nghiệp.
8. Chi hỗ trợ quản lý kiểm tra đánh giá, giám sát hoạt động khuyến công tại địa phương và cơ sở. Mức chi tối đa là 5% trên tổng số chi cho hoạt động khuyến công.
9. Chi phí khác có liên quan đến đầu tư phát triển của cơ sở và thực hiện mục tiêu phát triển ngành. Mức chi được Sở Công nghiệp quyết định, trên cơ sở xem xét yêu cầu cần tập trung cho việc triển khai thực hiện quy hoạch công nghiệp và khả năng đáp ứng của nguồn kinh phí khuyến công hàng năm.
Điều 5. Quản lý nguồn kinh phí khuyến công
1. Sở Công nghiệp là cơ quan giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch khuyến công. Sở Công nghiệp có nhiệm vụ quản lý đối với kinh phí khuyến công như sau:
- Xây dựng chương trình, kế hoạch khuyến công hàng năm, kế hoạch các nguồn kinh phí khuyến công trình UBND tỉnh. Tổ chức chỉ đạo và thực hiện các chương trình, kế hoạch khuyến công được Bộ Công thương và UBND tỉnh phê duyệt.
- Quyết định hình thức, mức hỗ trợ kinh phí cho các đối tượng và phương thức sử dụng kinh phí khuyến công .
- Kiểm tra các hoạt động sử dụng kinh phí khuyến công trên địa bàn.
- Xây dựng tổng hợp dự toán kinh phí khuyến công hàng năm để Sở Tài chính thẩm tra, làm cơ sở cho việc triển khai sử dụng. Phối hợp với Sở Tài chính tiến hành kiểm tra kết quả sử dụng nguồn kinh phí khuyến công của đơn vị cơ sở.
- Thanh quyết toán kinh phí khuyến công theo quy định hiện hành.
2. Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Quảng Ngãi, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở, giúp Sở Công nghiệp tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công chủ yếu trên địa bàn tỉnh, có nhiệm vụ sau:
- Tham mưu cho Sở Công nghiệp về xây dựng chương trình, kế hoạch khuyến công, nguồn kinh phí khuyến công, nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh của cơ sở công nghiệp nông thôn.
- Xây dựng dự toán kinh phí khuyến công được giao hàng năm, để Sở Công nghiệp thẩm định, làm cơ sở cho việc triển khai sử dụng.
- Tổ chức quản lý có hiệu quả nguồn kinh phí được giao. Hướng dẫn các đối tuợng sử dụng kinh phí theo đúng quy định hiện hành.
- Tham mưu cho Sở Công nghiệp ban hành các văn bản hướng dẫn các đối tượng sử dụng kinh phí khuyến công về nội dung yêu cầu, hồ sơ, thủ tục của việc sử dụng kinh phí khuyến công theo quy định.
- Thực hiện thanh quyết toán theo quy định.
3. Các đơn vị cơ sở được hỗ trợ kinh phí khuyến công có trách nhiệm sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả, thanh quyết toán kịp thời, chịu sự kiểm tra của Sở Công nghiệp và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 6. Tổ chức thực hiện
1. Tuỳ theo quy mô, tính chất, đặc điểm của các hoạt động khuyến công, năng lực của đơn vị thực hiện, Sở Công nghiệp chọn một trong những phương thức thực hiện việc sử dụng kinh phí khuyến công, gồm:
- Sở Công nghiệp trực tiếp thực hiện.
- Sở Công nghiệp giao nhiệm vụ cho Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp thực hiện hoặc hợp đồng với tổ chức dịch vụ khuyến công thực hiện.
- Cơ sở sản xuất công nghiệp tự thực hiện, Sở Công nghiệp hỗ trợ trực tiếp kinh phí khuyến công.
2. Sở Công nghiệp phối hợp với Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố tiến hành kiểm tra định kỳ, đột xuất tình hình thực hiện nhiệm vụ khuyến công, bảo đảm việc quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công đúng mục đích và hiệu quả.
3. Trong quá trình thực hiện quy định này có vướng mắc cần điều chỉnh, các đơn vị phản ảnh về UBND tỉnh (thông qua Sở Công nghiệp) để kịp thời tổng hợp, sửa đổi bổ sung./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.