ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 54 /2004/QĐ-UBBT | Phan Thiết, ngày 13 tháng 7 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC: BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH, THU HÚT ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP – TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP VÀ LÀNG NGHỀ CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân đã được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ tư thông qua ngày 26/11/2003;
- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp Bình Thuận tại Tờ trình số 346 CN/NVTH ngày 25/6/2004,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này: "Quy định về một số chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển các ngành sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3: Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân Tỉnh, Giám đốc Sở Công nghiệp, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Thuận, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các Huyện, Thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN |
QUY ĐỊNH
MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH THU HÚT ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP VÀ LÀNG NGHỀ CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 54/2004/QĐ-UBBT ngày 13/7/2004 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận).
CHƯƠNG I
NHŨNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Phạm vi áp dụng.
Quy định này được áp dụng đối với các lĩnh vực sản xuất và các hoạt động sau đây:
1. Các lĩnh vực sản xuất được hưởng ưu đãi đầu tư:
a) Chế biến hải sản xuất khẩu, đóng hộp hải sản.
b) Chế biến nông sản xuất khẩu, chế biến đóng hộp trái cây, chế biến trái Thanh long.
c) Chế biến các sản phẩm từ nguyên liệu rừng trồng, sản xuất gỗ ván sợi, ván ép, bột giấy.
d) May mặc, giầy da xuất khẩu
e) Sản xuất phân bón, thức ăn gia súc, thức ăn cho tôm, cá, thuốc thú y phục vụ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc và nuôi thủy sản.
f) Sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp gồm sứ vệ sinh, vật liệu chịu lửa, đá ốp lát, gốm mỹ nghệ.
g) Chế biến muối và các hoá chất từ muối, sau muối.
h) Cơ khí sản xuất phụ tùng ôtô - xe gắn máy - máy động lực và trang thiết bị khác. Cơ khí sửa chữa máy móc thiết bị - công cụ phục vụ nông - lâm - ngư nghiệp, đóng mới tàu thuyền công suất từ 90 CV trở lên.
i) Sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ mây, tre, lá, gỗ, vỏ ốc, các sản phẩm thêu, đan tay, dệt và chế tác sản phẩm từ thổ cẩm, các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp truyền thống.
2. Các hoạt động được áp dụng:
a) Đầu tư thành lập mới cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
b) Đầu tư mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ sản xuất.
c) Đầu tư kết cấu hạ tầng làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
d) Dạy nghề, truyền nghề truyền thống, nghề tiểu thủ công nghiệp nhằm phát triển, nhân nghề trong nhân dân.
3. Địa bàn áp dụng:
a) Địa bàn khu vực I: Gồm các phường nội thành thành phố Phan Thiết (trừ các xã ngoại thành thành phố Phan Thiết).
b) Địa bàn khu vực II: Gồm các thị trấn và xã đồng bằng (kể cả các xã ngoại thành thành phố Phan Thiết).
c) Địa bàn khu vực III: Các xã của các huyện còn lại.
Đối với huyện Phú Quý có chính sách riêng.
Điều 2: Đối tượng áp dụng:
Các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế có hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp quy mô vừa và nhỏ hoạt động dưới các hình thức:
1. Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã.
2. Công ty cổ phần.
3. Công ty trách nhiệm hữu hạn.
4. Công ty hợp danh.
5. Doanh nghiệp tư nhân.
6. Cá nhân, hộ gia đình, nhóm sản xuất kinh doanh.
Các đối tượng trên, sau đây gọi tắt là cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
Điều 3: Điều kiện ưu đãi.
Các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn Tỉnh thuộc Điều 1, Điều 2 bản Quy định này đáp ứng 1 trong 2 điều kiện sau đây sẽ được ưu đãi đầu tư:
1. Sử dụng lao động bình quân trong năm ít nhất:
a) Địa bàn khu vực I: có từ 30 lao động/cơ sở trở lên.
b) Địa bàn khu vực II: có từ 20 lao động/cơ sở trở lên.
c) Địa bàn khu vực III: có từ 10 lao động/cơ sở trở lên.
2. Sản xuất các sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp xuất khẩu, đạt giá trị trên 50% doanh thu của cơ sở trong năm tài chính.
Điều 4: Một số quy định khác.
1. Những ưu đãi cho các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo quy định này là ưu đãi thêm của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận. Các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp được hưởng ưu đãi theo Quy định này đương nhiên được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ và quy định khác của Uỷ ban nhân dân Tỉnh nếu các cơ sở này đáp ứng những điều kiện các quy định tương ứng trên đây.
2. Các dự án đầu tư trong các khu công nghiệp của Tỉnh được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ và của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận.
3. Đối với các dự án hoạt động trước khi ban hành Quy định này có đầu tư đầu tư mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ sản xuất, các ưu đãi tại chương II bản Quy định này chỉ áp dụng đối với phần tăng thêm so với trước khi tiến hành mở rộng sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ.
4. Các dự án hội đủ điều kiện để hưởng cùng lúc nhiều mức ưu đãi cho một loại ưu đãi thì được hưởng mức ưu đãi cao nhất trong các mức ưu đãi đạt được. Hỗ trợ cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp về tiền thuê đất và các loại thuế là khoản tiền thuê đất, tiền thuế đã nộp vào Ngân sách nhưng được Ngân sách Tỉnh cấp lại cho nhà đầu tư để hoàn vốn đầu tư hoặc tái đầu tư.
5. Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận bảo đảm thực hiện ổn định các chính sách khuyến khích đầu tư cho các nhà đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn Tỉnh. Những thay đổi về chính sách ưu đãi gây thiệt hại cho các nhà đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư thì Uỷ ban nhân dân Tỉnh sẽ xem xét và có hỗ trợ thỏa đáng để bù đắp thiệt hại cho nhà đầu tư.
CHƯƠNG II
CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ
Điều 5: Về tiền thuê đất:
Ngân sách Tỉnh hỗ trợ thông qua hình thức miễn tiền thuê đất sau thời gian đã được miễn, giảm theo quy định của Chính phủ. Điều kiện và mức miễn cụ thể như sau:
1. Dự án đầu tư thuộc địa bàn khu vực I đáp ứng được 1 trong 2 điều kiện quy định tại Điều 3 – Quy định này thì được miễn tiền thuê đất trong 02 năm.
2. Dự án đáp ứng được 1 trong 2 điều kiện quy định tại Điều 3 – Quy định này, nếu:
- Đầu tư trên địa bàn thuộc khu vực II thì được hỗ trợ miễn tiền thuê đất trong 03 năm;
- Đầu tư trên địa bàn thuộc khu vực III thì được hỗ trợ miễn tiền thuê đất trong 06 năm;
3. Dự án đáp ứng cả 2 điều kiện quy định tại Điều 3 – Quy định này, nếu:
- Đầu tư trên địa bàn thuộc khu vực II thì được hỗ trợ miễn tiền thuê đất trong 05 năm;
- Đầu tư trên địa bàn thuộc khu vực III thì được hỗ trợ miễn tiền thuê đất trong 10 năm.
Điều 6: Về Thuế:
Ngân sách Tỉnh hỗ trợ tái đầu tư trên số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp sau thời gian được miễn, giảm theo quy định của Chính phủ. Điều kiện và mức hỗ trợ cụ thể như sau:
1. Dự án đáp ứng được 1 trong 2 điều kiện quy định tại Điều 3 – Quy định này, nếu:
- Đầu tư trên địa bàn thuộc khu vực II thì được hỗ trợ 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 03 năm;
- Đầu tư trên địa bàn thuộc khu vực III thì được hỗ trợ 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 06 năm;
2. Dự án đáp ứng cả 2 điều kiện quy định tại Điều 3 – Quy định này, nếu:
- Đầu tư trên địa bàn thuộc khu vực II thì được hỗ trợ 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 05 năm;
- Đầu tư trên địa bàn thuộc khu vực III thì được hỗ trợ 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 10 năm.
Điều 7: Về hỗ trợ đầu tư:
Các dự án đầu tư sản xuất trên địa bàn khu vực III được hỗ trợ 100% chi phí lập dự án nhưng tối đa không quá 50 triệu đồng.
Hình thức hỗ trợ là nhà đầu tư ứng trước vốn chuẩn bị đầu tư và được thanh toán sau khi hoàn thành giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản.
Điều 8: Về hỗ trợ đền bù:
Ngân sách Tỉnh hỗ trợ đền bù giải toả trong phạm vi dự án, với điều kiện và mức hỗ trợ cụ thể như sau:
- Nếu dự án đầu tư trên địa bàn thuộc khu vực II thì được hỗ trợ 30% kinh phí đền bù, giải toả;
- Nếu dự án đầu tư trên địa bàn thuộc khu vực III thì được hỗ trợ 50% kinh phí đền bù, giải toả.
Điều 9: Về hỗ trợ đầu tư cho làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp:
- Đối với làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp vùng đồng bằng, nếu được Uỷ ban nhân dân Tỉnh công nhận thì được ngân sách Nhà nước hỗ trợ với mức tối đa 60% kinh phí đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng theo quyết toán được cấp thẩm quyền phê duyệt.
- Đối với làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn được hỗ trợ 100% kinh phí đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng theo quyết toán được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Điều 10: Về ưu đãi đối với cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp di dời vào khu quy hoạch sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp:
Các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thuộc các thành phần kinh tế di dời ra khỏi khu dân cư đến các khu quy hoạch sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp được hưởng các ưu đãi theo quy định này như doanh nghiệp mới thành lập.
Điều 11: Chính sách đào tạo.
1. Dự án đầu tư đáp ứng cả hai điều kiện theo Điều 3 – Quy định này thì được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề lần đầu đối với lao động phổ thông có hộ khẩu thường trú tại Bình Thuận. Điều kiện và mức hỗ trợ cụ thể như sau:
- Nếu dự án đầu tư trên địa bàn khu vực I thì được hỗ trợ 30% tiền học phí nhưng tối đa không quá 300.000 đồng/lao động.
- Nếu dự án đầu tư trên địa bàn khu vực II thì được hỗ trợ 50% tiền học phí nhưng tối đa không quá 500.000 đồng/lao động.
- Nếu dự án đầu tư trên địa bàn khu vực III thì được hỗ trợ 70% tiền học phí nhưng tối đa không quá 700.000 đồng/lao động.
2. Đối với việc du nhập nghề mới, khôi phục nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống, đào tạo truyền nghề trong các làng có nghề, làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thì mức chi phí cho người dạy nghề như sau:
- Đối với người dạy được Nhà nước công nhận là Nghệ nhân thì mức trợ cấp 5.000.000 đồng/tháng nhưng không quá 30.000.000 đồng cho 1 khoá dạy.
- Đối với người chưa được Nhà nước công nhận là Nghệ nhân nhưng thực tế được xã hội tôn vinh là thợ giỏi thì mức trợ cấp 3.000.000 đồng/tháng nhưng không quá 18.000.000 đồng cho 1 khóa dạy.
+ Đối với việc truyền nghề, nhân nghề trợ cấp 1.500.000 đồng/tháng cho người dạy.
Mỗi khóa đào tạo nghề có tối thiểu 20 người học nghề, sau khoá học tối thiểu có 2/3 người học nghề đạt yêu cầu qua kiểm tra nghề với chứng nhận của người dạy.
Điều 12: Tài chính - Tín dụng.
1. Hằng năm, Uỷ ban nhân dân Tỉnh trích một phần ngân sách thông qua Chương trình khuyến công để bố trí đào tạo nghề, hỗ trợ lập dự án đầu tư; cân đối từ nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, nguồn thu từ nguyên đất, khoáng sản để hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
2. Uỷ ban nhân dân Tỉnh thành lập “Quỹ Bảo lãnh” để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc vay vốn từ các Chi nhánh Ngân hàng thương mại; tổ chức tín dụng nhằm đầu tư phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ.
Điều 13: Về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ.
1. Hằng năm, Ủy ban nhân dân Tỉnh dành không dưới 25% kinh phí đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ để đầu tư cho các đề tài áp dụng tiến bộ kỹ thuật - công nghệ phục vụ phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn Tỉnh.
2. Cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đáp ứng có cải tiến kỹ thuật công nghệ có thể nhân điển hình cho các cơ sở cùng ngành được hỗ trợ kinh phí ứng dụng tiến bộ kỹ thuật - công nghệ như sau:
- Cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đăng ký, được Uỷ ban nhân dân Tỉnh chấp thuận đưa vào kế hoạch khuyến công hằng năm được hỗ trợ 50% kinh phí chuyển giao công nghệ mới nếu hoạt động tại địa bàn khu vực II và 100% kinh phí nếu hoạt động tại địa bàn khu vực III sau khi triển khai có hiệu quả công nghệ mới được chuyển giao. Nhưng mức hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng/dự án chuyển giao công nghệ và được ngân sách thanh toán từng năm không quá số thực nộp ngân sách của doanh nghiệp. Công nghệ mới là công nghệ chưa được sử dụng trên địa bàn Tỉnh đến thời điểm được chuyển giao.
Điều 14: Về tư vấn pháp luật, cung cấp thông tin và hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại.
1. Các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp được tư vấn miễn phí các vấn đề pháp lý liên quan về đầu tư, điều hành doanh nghiệp tại Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư), tại các Sở, Ngành, Uỷ ban nhân dân các Huyện, Thành phố trong Tỉnh. Khi có tranh chấp pháp lý được Hội Luật gia của Tỉnh cử người tư vấn, bào chữa để bảo vệ quyền lợi chính đáng theo quy định của pháp luật.
2. Các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp được khuyến khích tham gia thương mại điện tử, đặc biệt là các cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu. Cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp đáp ứng Điều 2 được xem xét đưa vào kế hoạch khuyến công hỗ trợ 30% chi phí đào tạo cán bộ quản lý có trình độ A tin học, cán bộ quản trị mạng, cài đặt, nối mạng Internet nếu cơ sở hoạt động tại địa bàn khu vực I; 50% chi phí nếu cơ sở hoạt động tại địa bàn khu vực II và 70% chi phí nếu hoạt động tại địa bàn khu vực III. Nhưng mức hỗ trợ tối đa không quá 5 triệu đồng/doanh nghiệp.
3. Cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đáp ứng Điều 2 được hỗ trợ xây dựng trang Web, đăng ký phần mềm và được ký gởi từ 2 - 5 Mb thông tin miễn phí trên trang Web của Tỉnh. Được cung cấp miễn phí các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương, các thông tin thị trường, giá cả,... trên các trang Web chuyên mục của Tỉnh, của các Sở, Ngành trong Tỉnh và các trang Web Tỉnh có đặt hàng cung cấp thông tin.
4. Các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp được khuyến khích tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp không phân biệt địa bàn được hỗ trợ 50% chi phí tham gia hội chợ triển lãm tổ chức trong nước. Nhưng mức hỗ trợ tối đa không quá 05 triệu đồng/năm/cơ sở.
CHƯƠNG III:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15: Giao cho Giám đốc Sở Công nghiệp theo dõi thực hiện quy định này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, khó khăn, Thủ trưởng các cơ quan Sở, Ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các Huyện, Thành phố chủ động phối hợp nhà đầu tư và đối tượng liên quan để xử lý. Nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo Uỷ ban nhân dân Tỉnh (thông qua Sở Công nghiệp) để xem xét, giải quyết.
Điều 16: Các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đã được thụ hưởng các ưu đãi đầu tư trước thời điểm văn bản này có hiệu lực thi hành, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy định này và vẫn tiếp tục thực hiện các ưu đãi đã được cấp trước đây cho thời gian còn lại của dự án./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.