ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 539/QĐ-UBND | Quy Nhơn, ngày 07 tháng 7 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN THÔNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY TỈNH BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 1294/QĐ-BVHTT ngày 28/3/2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin về việc phê duyệt Chương trình truyền thông phòng chống ma túy giai đoạn 2006 - 2010;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Chương trình truyền thông phòng chống ma túy tỉnh Bình Định giai đoạn 2006 - 2010.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở Văn hóa - Thông tin, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
CHƯƠNG TRÌNH
TRUYỀN THÔNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY TỈNH BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 539/QĐ-UBND ngày 07/7/2006 của UBND tỉnh)
Phần thứ nhất
ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN GIÁO DỤC PHÒNG CHỐNG MA TÚY GIAI ĐOẠN 2001 - 2005
I. ĐÁNH GIÁ CHỈ ĐẠO, TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG TRUYỀN THÔNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY:
Qua 5 năm thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma túy giai đoạn 2001 - 2005 với sự nỗ lực của các sở, ngành, đoàn thể, các chính quyền địa phương công tác thông tin tuyên truyền phòng chống các tệ nạn xã hội nói chung và tuyên truyền phòng chống ma túy nói riêng đã được đẩy mạnh, mang lại kết quả thiết thực có tác động tích cực trong đời sống xã hội. Do có sự phối hợp chỉ đạo chặt chẽ giữa các sở, ngành và địa phương nên công tác truyền thông đã phản ánh được thực trạng bức xúc của tệ nạn ma túy, những yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời phổ biến, hướng dẫn nhiệm vụ, nội dung, biện pháp hoạt động phòng chống ma túy trên các lĩnh vực. Bằng cách giới thiệu kinh nghiệm, mô hình của phong trào, khắc phục những tồn tại, khuyết điểm, công tác truyền thông đã có tác dụng tích cực làm thay đổi hành vi, từ hiểu được sự bức xúc của tệ nạn ma túy, HIV/AIDS đến sự cần thiết và nhiệt tình tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng chống có hiệu quả.
UBND tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo kịp thời việc phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, đoàn thể, các địa phương thông qua các hội nghị, giao ban, bản tin truyền thông để chỉ đạo các đơn vị tổ chức nội dung tuyên truyền bám sát nhiệm vụ và yêu cầu trong từng lĩnh vực phòng chống ma túy. Hình thức hoạt động và phối hợp hoạt động giữa các sở, ngành, đoàn thể, địa phương ngày càng phong phú, bổ ích và thiết thực.
II. NHỮNG KẾT QUẢ CHỦ YẾU:
Hoạt động truyền thông đã được tổ chức rộng rãi ở các huyện, thành phố bằng với những nội dung và hình thức đa dạng, đặc biệt là trong tháng cao điểm phòng chống ma túy hàng năm. Nhận thức của toàn xã hội trong giai đoạn vừa qua đã nâng lên đáng kể, góp phần hạn chế sự gia tăng số người nghiện mới, động viên cán bộ và nhân dân tham gia thực hiện các nhiệm vụ phòng chống tệ nạn ma túy.
Đến nay đã có hơn 30 cơ quan, đơn vị thông tin đại chúng gồm báo viết, báo hình, báo nói, đội thông tin lưu động, tuyên truyền lưu động, tổ chức thông tin rộng rãi về các vấn đề cần giải quyết để nâng cao hiểu biết của nhân dân về biện pháp phòng ngừa từng loại tệ nạn. Báo chí đã đi đầu trong hoạt động thông tin tuyên truyền, Báo Bình Định mở chuyên mục về phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội. Nội dung phòng chống ma túy được tuyên truyền thường xuyên với nhiều loại hình như tin, bài, phóng sự, tranh đả kích, thơ châm biếm, ảnh. Các chương trình phát thanh, truyền hình đã góp phần cung cấp kiến thức về phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội cho đông đảo quần chúng nhân dân, đặc biệt là dân cư ở những vùng thành phố, thị trấn, tập trung vào những địa bàn có nguy cơ cao.
Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh, Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao các huyện, thành phố; các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, các đoàn nghệ thuật không chuyên, đội văn nghệ quần chúng đã sử dụng đa dạng các hình thức như ca khúc, sân khấu, mít tinh, triển lãm, biểu diễn ca nhạc, treo áp phích, khẩu hiệu, dựng cụm panô để tuyên truyền phòng chống tệ nạn ma túy. Các chương trình vui chơi giải trí trên truyền hình như “Văn nghệ chủ nhật” nhiều tiết mục tham gia thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền phòng chống ma túy rất ấn tượng, được công chúng nhiệt liệt đón nhận.
Rất nhiều thể loại phim như tài liệu, thời sự, phóng sự, hoạt hình, phim truyện… đề cập đến vấn đề ma túy, HIV/AIDS, tội phạm… trong cuộc sống đã được chiếu trên truyền hình Bình Định, tiếp sóng kênh truyền hình Việt Nam và hệ thống chiếu phim lưu động. Rất nhiều tiểu phẩm, hài kịch của các đội thông tin lưu động tỉnh và các huyện, thành phố được sử dụng phổ biến ở các địa phương cơ sở trong tỉnh.
Sở Văn hóa - Thông tin đã có nhiều cố gắng để nâng cao chất lượng công tác truyền thông phòng chống ma túy ở cơ sở bằng cách tổ chức các cuộc liên hoan thông tin lưu động, tổ chức sáng tác kịch bản thông tin, mẫu tranh cổ động, tranh theo chủ đề và những mẫu tài liệu truyền thông cho địa phương, ngành, đơn vị sử dụng thuận tiện. Trong 5 năm qua đã xuất bản nhiều ấn phẩm, phóng sự, tiểu phẩm… để cung cấp cho các đội chiếu bóng lưu động. Sở Văn hóa - Thông tin đã chủ động phối hợp hoạt động với các sở, ngành liên quan mang lại hiệu quả cao, làm phong phú nội dung tuyên truyền, dễ tiếp thu, có sức thu hút với thanh thiếu niên và nhiều tầng lớp nhân dân, trong đó có sự tác động tới nhóm đối tượng nguy cơ cao về ma túy.
Công tác truyền thông phòng chống ma túy 5 năm qua đã lồng ghép vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở nhiều địa phương trong tỉnh. Bằng việc đưa nội dung tuyên truyền của chương trình phòng chống ma túy vào tiêu chuẩn xây dựng và bình xét công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa, Làng văn hóa, Khu phố văn hóa, Đơn vị văn hóa đã tạo ra phong trào thi đua giữa các gia đình, địa phương, đơn vị không có người nghiện ma túy, không có tệ nạn ma túy. Đây là phong trào được chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh hoan nghênh, tham gia thực hiện sôi nổi.
III. MỘT SỐ TỒN TẠI VÀ NGUYÊN NHÂN:
1. Tồn tại:
Công tác truyền thông phòng chống ma túy trên hệ thống thông tin đại chúng đã sôi nổi nhưng chưa sâu sát, chưa đủ mạnh tác động làm chuyển hóa nhận thức của đối tượng có nguy cơ cao, chưa phát huy đầy đủ các thế mạnh sẵn có. Việc phối hợp truyền thông liên ngành, phối hợp giữa các địa phương trong tỉnh còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa tạo được sức mạnh tổng hợp của phong trào “Toàn dân phòng chống ma túy”. Nhìn chung hoạt động truyền thông phòng chống ma túy ở cấp xã, phường, thị trấn của các đoàn thể hoạt động còn nhiều khó khăn lúng túng, nhiều nơi còn tình trạng buông lỏng, khoán trắng. Tài liệu truyền thông của các ngành, đoàn thể còn thiếu nhiều, lại ít và chậm được phát hành đến cơ sở; hình thức hoạt động còn nghèo nàn. Vẫn còn nhiều người, nhiều nơi chưa có đủ hiểu biết kiến thức nhất định về tệ nạn ma túy, về nhiệm vụ phòng chống ma túy.
Đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông phòng chống ma túy từ tỉnh đến tận cơ sở làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, xuất phát từ nhiệt tình và sự cấp thiết của nhiệm vụ là chủ yếu mà chưa có đầy đủ hiểu biết, kiến thức và kinh nghiệm về công tác phòng chống ma túy.
2. Nguyên nhân
Hình thức tổ chức tuyên truyền chưa sáng tạo, có lúc, có nơi còn nặng tính hình thức. So với truyền thông thay đổi hành vi của một số chương trình như dân số, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống HIV/AIDS có nhiều hình thức truyền thông phong phú mới lạ, thì tuyên truyền phòng chống ma túy chưa có nhiều biện pháp hỗ trợ hoạt động tuyên truyền trực tiếp đến đối tượng.
Nội dung truyền thông chưa nghiên cứu sâu và qua thử nghiệm để có biện pháp tác động trực tiếp có hiệu quả tới người dân, mà còn mang tính chất hô hào, hời hợt, áp đặt chủ quan của bộ máy thực hiện là chính, khó lôi cuốn được sự quan tâm của người dân và thuyết phục họ thực hiện.
Cán bộ làm công tác truyền thông chưa được bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên nên dẫn đến trở ngại, khó khăn trong việc tổ chức thực hiện.
Kinh phí cho công tác truyền thông phòng chống ma túy còn rất hạn chế và phân tán. Phần lớn kinh phí giao cho các cơ quan thực hiện ở thành phố Quy Nhơn chưa tập trung ngân sách cho những điểm nóng vùng trọng điểm. Những nơi xa xôi như tuyến biển, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn thiếu thông tin, thiếu sự phối hợp truyền thông về phòng chống ma túy, trong đó có nguyên nhân thiếu kinh phí hoạt động.
Những tồn tại và nguyên nhân nêu trên của công tác truyền thông phòng chống ma túy cần được đánh giá, rút kinh nghiệm bổ khuyết cho công tác giáo dục truyền thông phòng chống ma túy giai đoạn 2006 - 2010.
Phần thứ hai
CHƯƠNG TRÌNH THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC PHÒNG CHỐNG MA TÚY TRONG GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
I. MỤC TIÊU CỦA CÔNG TÁC THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN GIÁO DỤC PHÒNG CHỐNG MA TÚY GIAI ĐOẠN 2006 - 2010:
1. Mục tiêu tổng thể:
Tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma túy trên mọi lĩnh vực, nâng cao hiệu quả của truyền thông đối với công tác phòng chống ma túy. Truyền thông có nhiệm vụ nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tệ nạn ma túy, động viên các ngành, các cấp và mỗi người dân tham gia công tác phòng chống ma túy theo chức năng của mình, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ và mục tiêu của kế hoạch tổng thể phòng chống ma túy đến năm 2010 của Chính phủ.
Cung cấp thông tin rộng rãi, đầy đủ cho toàn xã hội về tệ nạn ma túy và nhiệm vụ phòng chống ma túy trong từng lĩnh vực. Quan tâm đẩy mạnh các biện pháp truyền thông cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng có nguy cơ cao, tạo được phong trào sâu rộng trong xã hội với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, các tầng lớp xã hội nhiệt tình tham gia ủng hộ. Truyền thông vừa hướng dẫn, động viên vừa hỗ trợ các ngành, đoàn thể, địa phương góp phần thực hiện các mục tiêu trong các lĩnh vực công tác phòng chống ma túy. Kết hợp giữa xây và chống trong truyền thông phòng chống ma túy thông qua kết hợp với phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, tạo nếp sống lành mạnh trong các tầng lớp nhân dân. Đó chính là môi trường xã hội bền vững để phòng chống ma túy.
Nâng cao trách nhiệm của mỗi cơ quan, đoàn thể, của các cấp, các ngành và mỗi người dân về công tác phòng chống ma túy. Vận động toàn dân có ý thức cảnh giác và nhiệt tình tham gia hoạt động phòng chống ma túy. Kiên quyết đấu tranh với tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường sống lành mạnh, góp phần phòng ngừa sự gia tăng tệ nạn ma túy.
Công tác thông tin tuyên truyền góp phần thực hiện mục tiêu của kế hoạch tổng thể phòng chống ma túy giai đoạn 2006 - 2010, trong việc “Nâng cao nhận thức của mọi người trong toàn xã hội về ma túy để đến năm 2015 cơ bản thanh toán được tệ nạn ma túy trong cả nước, góp phần vào xu thế phát triển lành mạnh, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”… Thông tin, tuyên truyền, giáo dục là biện pháp phòng chống ma túy quan trọng và hiệu quả, cần tiếp tục được tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa để góp phần thực hiện yêu cầu nhiệm vụ của Chính phủ theo định hướng phấn đấu đến năm 2015 không còn tệ nạn ma túy ở Việt Nam.
2. Mục tiêu cụ thể:
- 100% các cơ sở xã, phường, thị trấn thường xuyên tổ chức được hoạt động tuyên truyền phòng chống ma túy đều đặn hàng năm. Hàng tháng, quý có treo tranh cổ động, khẩu hiệu, tranh tuyên truyền ở những tụ điểm dân cư.
- 100% cán bộ các cơ quan nhà nước, bộ đội, công an, công nhân trong các doanh nghiệp, thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên có hiểu biết về tệ nạn ma túy, nhiệm vụ phòng chống ma túy và trách nhiệm của mỗi người trong công tác phòng chống ma túy.
- Thực hiện thường xuyên và nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền phòng chống ma túy trên báo chí. Duy trì và phát triển các chuyên trang, chuyên mục báo chí phòng chống ma túy, cung cấp thông tin về phòng chống ma túy đều đặn trên các loại hình báo chí, phương tiện thông tin đại chúng.
- Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh, Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao các huyện, thành phố, Thư viện tỉnh, huyện; thư viện, tủ sách thuộc các sở, ngành, đơn vị, trường học, làng, khu phố, thôn có tài liệu truyền thông phòng chống ma túy và tổ chức góc truyền thông cho các điểm sinh hoạt văn hóa của xã, phường, thị trấn như nhà văn hóa xã, phường, thị trấn, nhà văn hóa thôn, nhà rông để tổ chức được mô hình hoạt động câu lạc bộ phòng chống ma túy có tác dụng tốt trong cộng đồng.
- Các đội thông tin lưu động, đội chiếu bóng lưu động của ngành văn hóa - thông tin, công an và quân đội, tổ tuyên truyền văn hóa Bộ đội biên phòng được cấp tài liệu truyền thông, các chương trình băng đĩa chuyên đề phòng chống ma túy để lồng ghép trong nội dung các hoạt động phục vụ nhân dân.
3. Yêu cầu:
Thông tin, tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma túy cần bám sát nội dung nhiệm vụ của “Kế hoạch tổng thể phòng chống ma túy giai đoạn 2006 - 2010” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 49/2005/QĐ-TTg ngày 10/3/2005.
Hoạt động truyền thông cần tham gia góp phần thực hiện nhiệm vụ phòng chống ma túy trong mọi lĩnh vực: Cai nghiện ma túy, truy bắt tội phạm, kiểm soát ma túy… thông qua phổ biến rộng rãi nhiệm vụ, kinh nghiệm của các ngành, các cấp, thông tin kịp thời tình hình, kết quả các hoạt động. Kết quả hoạt động không chỉ phục vụ phòng ngừa ma túy trong nhân dân mà còn hỗ trợ cho chính công tác chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ phòng chống ma túy của các ngành, địa phương.
Phấn đấu tăng cường hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma túy, tiếp tục những biện pháp hoạt động đã thực hiện có hiệu quả, đồng thời chú ý chỉ đạo, hỗ trợ để tổ chức tăng cường hoạt động ở những lĩnh vực còn yếu và thiếu như công tác thông tin, tuyên truyền ở vùng sâu, vùng xa, ở những địa bàn trọng điểm, các loại hình truyền thông trực tiếp, truyền thông tới nhóm các đối tượng có nguy cơ cao về ma túy và tệ nạn xã hội.
Nâng cao chất lượng và hiệu quả của truyền thông bằng nhiều biện pháp cải tiến, hình thức tổ chức, tăng cường nguồn lực, học tập kinh nghiệm, phối kết hợp giữa các lực lượng, các địa phương, lồng ghép với các nội dung hoạt động khác để đưa nhiệm vụ phòng chống ma túy trở thành kiến thức của toàn dân.
Công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma túy ở các sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh và các tổ chức chính trị xã hội khác để đẩy mạnh hoạt động truyền thông, thống nhất nội dung, biện pháp tuyên truyền nhằm hỗ trợ và nâng cao hiệu quả hoạt động ở từng lĩnh vực. Hướng dẫn, động viên, tạo điều kiện để tất cả các tổ chức đoàn thể cơ sở, phường, xã, cơ quan, trường học đều quan tâm và có tổ chức các hoạt động phòng chống ma túy, hoặc lồng ghép nhiệm vụ phòng chống ma túy với các hoạt động xã hội khác của địa phương, đơn vị, cơ sở.
Quan tâm hỗ trợ thông tin và tổ chức tuyên truyền phòng chống ma túy cho các đối tượng nguy cơ cao, cho vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu thông tin về tệ nạn ma túy cũng như thiếu thông tin nói chung bằng các hình thức thông tin lưu động, chiếu bóng lưu động, cung cấp sản phẩm văn hóa thông tin phù hợp. Có kế hoạch phục vụ những vùng cần thiết để xóa điểm trắng về truyền thông phòng chống ma túy, đặc biệt là những vùng chưa phủ sóng phát thanh, truyền hình, vùng thiếu thông tin và vùng trọng điểm về tệ nạn ma túy.
Tăng cường cung cấp các sản phẩm, tài liệu truyền thông phòng chống ma túy cho cơ sở. Chú ý tăng cường các loại sản phẩm, tài liệu truyền thông phục vụ trực tiếp cho nhân dân, dễ hiểu, dễ tiếp thu, có khả năng lôi cuốn sự quan tâm của nhân dân bằng các cách thể hiện phong phú, cụ thể và phát hành đến đúng địa chỉ cần thiết. Thử nghiệm, kiểm tra kết quả và cũng như khả năng tác động đến nhận thức của nhân dân của các loại hình sản phẩm truyền thông để áp dụng, phổ biến và nhân rộng.
Đẩy mạnh các hình thức hoạt động có hiệu quả như tổ chức các cuộc thi trong lĩnh vực báo chí, biểu diễn ca nhạc, tranh cổ động, sáng tác văn học nghệ thuật, tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ, triển lãm…
Động viên và phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp phát huy vai trò trong công tác phòng chống ma túy thông qua truyền thông trực tiếp, tạo ra phong trào sâu rộng trong toàn dân. Lồng ghép nội dung công tác phòng chống ma túy vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nhằm xây dựng nếp sống lành mạnh trong cộng đồng, trong mỗi gia đình, lấy đó làm cơ sở vững chắc để phòng chống ma túy.
Tổ chức tốt tháng cao điểm truyền thông phòng chống ma túy hàng năm, làm cho hoạt động này trở thành phong trào sôi nổi trong tỉnh và phát triển sâu rộng đến từng cơ quan, đơn vị, trường học, từng gia đình, người dân, đặc biệt chú trọng đến học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên trên địa bàn toàn tỉnh.
II. NỘI DUNG TRUYỀN THÔNG TUYÊN TRUYỀN GIÁO DỤC PHÒNG CHỐNG MA TÚY GIAI ĐOẠN 2006 - 2010:
Nội dung tuyên truyền phải bám sát nhiệm vụ phòng chống ma túy giai đoạn 2006 - 2010 trong kế hoạch tổng thể của Chính phủ và kế hoạch triển khai Chương trình hành động phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006 - 2010. Cụ thể là:
1. Đảm bảo thông tin kịp thời, rộng rãi đến các ngành, các cấp và toàn xã hội các quan điểm mục tiêu, biện pháp phòng, chống ma túy của kế hoạch tổng thể phòng chống ma túy đến 2010, nhiệm vụ phòng chống ma túy trong từng lĩnh vực như cai nghiện ma túy, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đấu tranh chống tội phạm. Thông qua công tác truyền thông để vận động nhân dân và các ngành, các cấp, đoàn thể, cơ quan nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ phòng chống ma túy giai đoạn 2006 - 2010.
2. Phản ánh thực tế tình hình tệ nạn ma túy, tội phạm ma túy, công tác đấu tranh phòng chống ma túy, những nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân đối với công tác phòng chống ma túy đầy đủ và kịp thời. Thường xuyên thông tin về các hoạt động phòng chống ma túy của các địa phương, các lực lượng phòng chống ma túy, các ngành, đoàn thể đến toàn xã hội. Phát huy những điển hình tốt, khắc phục “điểm nóng”, “vùng trắng” đáp ứng các nhu cầu truyền thông phòng chống ma túy và giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc khác đặt ra từ công tác truyền thông phòng chống ma túy.
3. Các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ phòng chống ma túy để tuyên truyền sâu rộng, hướng dẫn các biện pháp thực hiện có kết quả ở các sở, ngành, địa phương, các cơ sở cho toàn xã hội theo dõi và học tập kinh nghiệm. Đặc biệt, tuyên truyền, phổ biến kịp thời các kinh nghiệm, cách làm mới, hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ mang tính xã hội hóa cao như cai nghiện, xây dựng khu dân cư, trường học không có ma túy, tổ chức việc làm và giúp đỡ người nghiện sau cai tái hòa nhập cộng đồng; tuyên truyền, giáo dục và xây dựng nếp sống lành mạnh để phòng ngừa ma túy. Giáo dục thanh, thiếu niên sống lành mạnh để tự bảo vệ bản thân trước tệ nạn ma túy.
4. Biểu dương các đơn vị, cá nhân thực hiện tốt công tác phòng chống ma túy, giới thiệu các mô hình hoạt động thành công trong từng lĩnh vực nhằm động viên và phổ biến kinh nghiệm hoạt động cho các đơn vị học tập, thúc đẩy phong trào thi đua liên tục, sôi nổi và có hiệu quả từ tỉnh tới cơ sở, tới địa bàn khu dân cư.
5. Tăng cường thông tin trực tiếp đến những người trong cuộc như người nghiện, người buôn bán ma túy, gia đình của các đối tượng nêu trên. Đặc biệt là những kinh nghiệm thành công trong việc cai nghiện, giúp người cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, kết quả giáo dục đối với người buôn bán ma túy, các mô hình tuyên truyền trong nhóm những người có nguy cơ cao.
III. NHIỆM VỤ TRUYỀN THÔNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY GIAI ĐOẠN 2006 - 2010:
1. Hoạt động báo chí: Tiếp tục đẩy mạnh và tăng cường các hoạt động báo chí tham gia phòng chống ma túy. Duy trì các chuyên trang, chuyên mục phòng chống ma túy trên các báo, tạp chí, trên hệ thống phát thanh, truyền hình. Sử dụng các thể loại đa dạng như tin, bài, phóng sự, điều tra, thơ, truyện, tranh… Các chương trình vui chơi giải trí có lồng ghép nội dung phòng chống ma túy trên hệ thống phát thanh, truyền hình là những hình thức được người xem, người nghe quan tâm. Đầu tư thực hiện các biện pháp truyền thông hiện đại như trang tin điện tử trên mạng, các hình thức đố vui, quảng cáo trên phát thanh truyền hình nhằm tác động rộng rãi và có hiệu quả trong phạm vi rộng.
Xây dựng và tổ chức các mô hình câu lạc bộ phóng viên phòng chống ma túy, các cuộc thi để định hướng và động viên các báo, tạp chí, đài truyền thanh - truyền hình, các phóng viên tuyên truyền có nội dung cụ thể, thiết thực, hình thức phong phú và hấp dẫn.
2. Thông tin cổ động: Các hình thức tuyên truyền trực quan như bảng tin, tranh cổ động, triển lãm, băng rôn, khẩu hiệu… cần sử dụng rộng rãi tới mọi khu dân cư. Phấn đấu để 100% xã, phường, thị trấn đều có các khẩu hiệu, thông điệp, tranh cổ động phòng chống ma túy. Nội dung các hình thức tuyên truyền trực quan cần phù hợp với biện pháp tuyên truyền, cụ thể và có sức thuyết phục nhằm thay đổi hành vi với đối tượng, có hình thức thể hiện sinh động, lôi cuốn sự quan tâm của nhân dân, tránh chủ quan, áp đặt, hời hợt.
Sáng tác, dàn dựng tiểu phẩm sân khấu, tấu, hài, ca khúc, các chương trình thông tin cổ động tuyên truyền có đề tài, nội dung bám sát nhiệm vụ phòng chống ma túy của từng giai đoạn, địa bàn và đối tượng để góp phần động viên, thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ phòng chống ma túy ở từng sở, ngành và địa phương. Chỉ đạo hệ thống tổ, đội thông tin lưu động xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chương trình truyền thông phòng chống ma túy tại các địa bàn dân cư. Tổ chức các đợt liên hoan đội thông tin lưu động phòng chống ma túy ở các địa phương và toàn tỉnh.
3. Điện ảnh: Tiếp cận các sản phẩm điện ảnh về phòng chống ma túy của trung ương và tổ chức sản xuất sản phẩm đĩa hình về phòng chống ma túy để cung cấp cho các đội chiếu bóng lưu động, các đài truyền thanh - truyền hình để chiếu phục vụ theo chế độ trợ cấp hưởng thụ văn hóa cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa điện ảnh trong lĩnh vực truyền thông phòng chống ma túy để huy động các lực lượng khai thác đề tài phòng chống ma túy.
4. Thư viện: Tăng cường ấn phẩm tuyên truyền phòng chống ma túy của thư viện các cấp, các ngành. Tạo điều kiện khuyến khích các thư viện cộng đồng, thư viện dân lập tổ chức các hình thức giới thiệu, tuyên truyền cho người đọc các ấn phẩm chủ đề phòng chống ma túy qua kho sách luân chuyển, qua các hoạt động giới thiệu sách nhân dịp tháng cao điểm phòng chống ma túy. Tổ chức các cuộc thi kể chuyện, giới thiệu sách về phòng chống ma túy kết hợp với các hình thức tuyên truyền khác. Tổ chức tập huấn, hội thảo, các hình thức, biện pháp phát huy vai trò văn hóa đọc trong truyền thông phòng chống ma túy.
5. Các hình thức truyền thông khác: Mít tinh, hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp và quần chúng, triển lãm cần được quan tâm tổ chức thường xuyên và theo từng đợt ở những vùng trọng điểm, đông dân cư để nâng cao hiệu quả. Các sở, ngành, địa phương tùy từng nhiệm vụ phối hợp với ngành văn hóa - thông tin để phát huy thế mạnh của mỗi lĩnh vực truyền thông trong công tác phòng chống ma túy.
6. Cung cấp tài liệu truyền thông: Tiếp cận tài liệu truyền thông từ trung ương, đồng thời tổ chức nghiên cứu, đề xuất hướng sản xuất tài liệu truyền thông để có đủ tài liệu hoạt động tuyên truyền phòng chống ma túy, nhân bản, phổ biến, phát hành theo nhu cầu ở cơ sở. Đa dạng hóa các loại hình tài liệu, đặc biệt là các loại tài liệu phù hợp với các đối tượng tuyên truyền, cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, dễ hiểu, dễ đọc. Chú ý tài liệu bằng tiếng dân tộc cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Các loại tài liệu như băng, đĩa hình chú ý tới biện pháp phát hành, giới thiệu đến nhân dân, lồng ghép hoạt động giới thiệu tài liệu truyền thông với các nội dung hoạt động biểu diễn nghệ thuật, quảng cáo, cổ động. Chú trọng đến việc sản xuất các sản phẩm truyền thông hướng dẫn tác nghiệp cho cán bộ truyền thông phục vụ đối tượng có nguy cơ cao về tệ nạn ma túy.
IV. BIỆN PHÁP THỰC HIỆN CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY GIAI ĐOẠN 2006 - 2010:
1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và Chính quyền các cấp đối với công tác truyền thông phòng chống ma túy:
Tiếp tục tăng cường vai trò quan trọng của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác truyền thông phòng chống ma túy, coi đó là một trong những nhiệm vụ đưa vào nghị quyết công tác định kỳ để chỉ đạo, theo dõi và đôn đốc, kiểm tra thực hiện.
Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động đội ngũ cán bộ lãnh đạo và các đảng viên, đoàn viên, hội viên các đoàn thể quần chúng đi đầu trong công tác truyền thông phòng chống ma túy.
Tăng cường sự quan tâm chỉ đạo của tổ chức đảng, chính quyền các cơ quan, đoàn thể trong việc thực hiện nhiệm vụ truyền thông phòng chống ma túy. Thường xuyên giáo dục cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cảnh giác với tệ nạn ma túy và tích cực tham gia hoạt động phòng chống ma túy ở địa bàn dân cư và trong cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp. Vận động tuổi trẻ tránh xa ma túy, sống lành mạnh cho bản thân và cho xã hội.
2. Nâng cao chất lượng các hoạt động truyền thông phòng chống ma túy:
Huy động đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tác các tiết mục sân khấu, ca khúc, tấu, hài, các tác phẩm tranh, ảnh, phim phục vụ tuyên truyền phòng chống ma túy thông qua các cuộc thi sáng tác. Từng bước sáng tác, sản xuất những tác phẩm điện ảnh, văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, ca múa nhạc có chất lượng cao để phục vụ tuyên truyền phòng chống ma túy.
Tổ chức liên hoan, hội thi các loại hình tuyên truyền phòng chống ma túy ở các phạm vi khác nhau từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã để động viên và tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, tuyên truyền viên, cộng tác viên, nghệ sĩ, diễn viên trao đổi học tập kinh nghiệm lẫn nhau về truyền thông phòng chống ma túy.
Sử dụng các biện pháp truyền thông đa dạng, học tập kinh nghiệm trong truyền thông phòng chống ma túy của các tỉnh, thành phố trong cả nước và các tổ chức quốc tế để có những sáng tạo, đổi mới trong hình thức truyền thông. Phát huy và tăng cường sử dụng các biện pháp truyền thông có hiệu quả, phù hợp với khả năng về kinh phí và bộ máy hoạt động của công tác phòng chống ma túy nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông, có tác dụng làm thay đổi nhận thức hành vi trong toàn xã hội.
3. Xây dựng đội ngũ làm công tác truyền thông phòng chống ma túy:
Kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy và cán bộ thực hiện nhiệm vụ truyền thông phòng chống ma túy của các cấp, nhằm đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ của mỗi sở, ngành, cơ quan, đơn vị được giao. Tổ chức hội thảo, tập huấn hướng dẫn cán bộ các cấp về nội dung, nhiệm vụ, biện pháp tổ chức truyền thông phòng chống ma túy.
Xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện hoạt động thường xuyên cho đội ngũ cán bộ truyền thông để chủ động chuẩn bị các hoạt động tuyên truyền phòng chống ma túy tránh hình thức, hời hợt. Biên soạn, phát hành sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ truyền thông phòng chống ma túy sử dụng cho cán bộ và tuyên truyền viên phòng chống ma túy ở cơ sở.
4. Nâng cao năng lực và nguồn lực thực hiện công tác truyền thông phòng chống ma túy:
Tổ chức sản xuất, cung cấp tài liệu truyền thông có chất lượng và đảm bảo nội dung bám sát các lĩnh vực công tác phòng chống ma túy cho cơ sở, cho các đơn vị thực hiện công tác truyền thông phòng chống ma túy.
Tổ chức các hoạt động tuyên truyền để phát huy thế mạnh của các sở, ngành, đoàn thể và nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động. Lồng ghép công tác phòng chống ma túy vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Nguồn lực thực hiện cần huy động, sử dụng nhiều khả năng hiện có của từng sở, ngành, đoàn thể. Kinh phí hoạt động cho công tác truyền thông phòng chống ma túy được dự toán trong ngân sách nhà nước của từng lĩnh vực, ngành, đoàn thể, của chính quyền các cấp.
5. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất:
Hàng năm tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác truyền thông phòng chống ma túy ở địa phương, sở, ngành, đoàn thể. Trong 5 năm tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành về truyền thông phòng chống ma túy, điều tra xã hội học về tệ nạn ma túy và hiệu quả truyền thông ở một số địa bàn trọng điểm để đánh giá tổng kết rút kinh nghiệm cho giai đoạn 2010 - 2015.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, triển khai thực hiện nội dung Chương trình truyền thông phòng chống ma túy giai đoạn 2006 - 2010 trên địa bàn tỉnh Bình Định áp dụng cho địa phương, cơ sở. Xây dựng và xác lập các chương trình truyền thông phòng chống ma túy trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương mình. Ngoài nguồn ngân sách trung ương, tỉnh cấp, các địa phương chủ động đầu tư ngân sách, nhân lực, cơ sở vật chất cho chương trình truyền thông phòng chống ma túy. Tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ như hoạt động báo chí, thông tin cổ động, chiếu bóng, liên hoan, hội thi, hội thảo…
2. Sở Văn hóa - Thông tin chịu trách nhiệm hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình truyền thông phòng chống ma túy giai đoạn 2006 - 2010 trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Công an tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Y tế và các sở, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức triển khai nội dung chương trình truyền thông trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Sở Văn hóa - Thông tin chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị ngành dọc và các cơ quan, đơn vị làm nhiệm vụ truyền thông phòng chống ma túy các cấp có trách nhiệm tham mưu giúp Chủ tịch UBND cùng cấp tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể trong Chương trình truyền thông, theo dõi, giám sát việc thực hiện, tổ chức sơ kết định kỳ, tổng kết và báo cáo kết quả thực hiện về Sở Văn hóa - Thông tin để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống ma túy, mại dâm.
3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin, Sở Y tế, Công an tỉnh và các sở, ngành liên quan thực hiện các chế độ chính sách phù hợp phục vụ công tác truyền thông phòng chống ma túy và đề xuất sản xuất các sản phẩm truyền thông phòng chống ma túy phù hợp với địa bàn tỉnh.
4. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện việc lồng ghép nội dung chương trình truyền thông phòng chống ma túy với công tác kiểm tra, kiểm soát ma túy, tổ chức liên hoan các sản phẩm thuộc các thể loại phim ngắn tuyên truyền về công tác phòng chống ma túy và sau cai nghiện.
5. Sở Y tế chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai Chương trình truyền thông phòng chống ma túy gắn với công tác thông tin, truyền thông thay đổi hành vi, phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS do tiêm chích ma túy. Thông qua Chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe giai đoạn 2006 - 2010, đưa Chương trình truyền thông phòng chống ma túy đến tận cơ sở, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.
6. Sở Giáo dục - Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai chương trình giáo dục kiến thức truyền thông phòng chống ma túy trong các trường học phổ thông, trường dạy nghề, cao đẳng, đại học phù hợp với từng đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên.
7. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính chịu trách nhiệm bố trí và cấp kịp thời kinh phí cho các hoạt động của Chương trình truyền thông phòng chống ma túy theo kế hoạch ngân sách được trung ương, địa phương phân bổ hàng năm. Tích cực huy động các nguồn tài trợ trong và ngoài nước đầu tư cho công tác truyền thông phòng chống ma túy.
8. Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Bình Định phối hợp với các cơ quan truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn đài truyền thanh các huyện, thành phố đưa các thông tin về công tác truyền thông phòng chống ma túy thành chuyên mục thường xuyên.
9. Các sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS, Phòng chống tệ nạn mại dâm, ma túy tỉnh có trách nhiệm chủ động xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình truyền thông phòng chống ma túy trên địa bàn tỉnh theo chức năng nhiệm vụ được giao và đặc thù của cơ quan, đơn vị; chủ động đầu tư kinh phí cho công tác này.
10. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc cùng các đoàn thể chính trị xã hội tích cực tham gia triển khai thực hiện Chương trình truyền thông phòng chống ma túy trong phạm vi hoạt động của nhiệm vụ cơ quan, đơn vị mình./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.