ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 539/QĐ-CT/UBND | Quảng Bình, ngày 20 tháng 3 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP TRONG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM BẰNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, TÀI SẢN GẮN LIỀN VỚI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 20/2011/TTLT-BTP-BTNMT ngày 18 tháng 11 năm 2011 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Công văn số 100/STP-BTTP ngày 07 tháng 3 năm 2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp trong quản lý Nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Điều 2. Giao Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Quy chế này.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Quảng Bình, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. CHỦ TỊCH |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP TRONG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM BẰNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, TÀI SẢN GẮN LIỀN VỚI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH
(ban hành kèm theo Quyết định số 539/QĐ-CT ngày 20 tháng 3 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục đích
Quy chế này quy định việc phối hợp giữa Sở Tư pháp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của hai đơn vị nhằm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý thống nhất và có hiệu quả về công tác giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Điều 2. Nguyên tắc phối hợp
1. Quan hệ phối hợp được thực hiện trên cơ sở tuân thủ đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật nói chung và pháp luật về giao dịch bảo đảm nói riêng.
2. Quan hệ phối hợp phải thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, hợp tác; tránh hình thức, chồng chéo nhiệm vụ, cản trở hoạt động bình thường của mỗi ngành.
3. Việc trao đổi thông tin về công tác giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất phải được tiến hành thường xuyên giữa Sở Tư pháp với Sở Tài nguyên và Môi trường, giữa Sở Tư pháp với các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo đúng quy định của pháp luật và Quy chế này.
Điều 3. Cơ quan chủ trì và các cơ quan phối hợp
1. Sở Tư pháp là cơ quan chủ trì giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các chức năng quản lý Nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thực hiện quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ đối với Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất; đồng thời phối hợp với Sở Tư pháp để giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh.
3. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Quảng Bình có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường để thực hiện các nhiệm vụ về giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh.
4. Các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Chương II
TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN CHỦ TRÌ, CƠ QUAN PHỐI HỢP
Điều 4. Trách nhiệm của Sở Tư pháp
1. Tăng cường công tác tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức phong phú và thiết thực.
2. Hướng dẫn, chỉ đạo các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, tổ chức hành nghề công chứng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm.
3. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực, trình độ, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác đăng ký giao dịch bảo đảm tại các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện và cấp tỉnh, cán bộ của các tổ chức tín dụng, công chứng viên, công chức của Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường.
4. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh;
5. Định kỳ 06 tháng, hàng năm chủ động xây dựng kế hoạch, thành lập Đoàn công tác liên ngành tiến hành kiểm tra các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện và cấp tỉnh về kết quả thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả kiểm tra và biện pháp xử lý vi phạm (nếu có).
Thành phần Đoàn công tác liên ngành bao gồm đại diện Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, tùy tình hình có thể mời thêm một số ngành có liên quan.
6. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nội vụ, Sở Tài chính tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí đủ nguồn nhân lực, kinh phí để phục vụ hoạt động quản lý Nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm tại địa phương; trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động đăng ký, cung cấp thông tin về thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
7. Định kỳ mỗi năm một lần Sở Tư pháp chủ trì phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tổ chức cuộc họp giao ban với sự tham gia của đại diện các tổ chức hành nghề công chứng, Cơ quan thi hành án dân sự, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, các tổ chức tín dụng nhằm giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình ký kết, thực hiện hợp đồng về giao dịch bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
8. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh sơ kết, tổng kết và báo cáo kết quả hàng năm về triển khai hoạt động quản lý Nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm trên địa bàn tỉnh.
Điều 5. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường
1. Thực hiện quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ đối với các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Hướng dẫn các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện nghiệp vụ đăng ký giao dịch bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật hiện hành; thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác giao dịch bảo đảm tại các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.
2. Rà soát, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy trình đăng ký, cung cấp thông tin về thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất phù hợp với các quy định về hồ sơ, thủ tục theo quy định tại Thông tư và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
3. Thực hiện tin học hóa, kết nối thông tin giữa các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất nhằm giúp các tổ chức, cá nhân ký kết thực hiện giao dịch bảo đảm an toàn, đúng pháp luật; ban hành Quy chế quản lý và khai thác thông tin giữa các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất;
4. Phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất nói riêng và đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nói chung;
5. Phối hợp với Sở Tư pháp kiểm tra đột xuất hoặc định kỳ 06 tháng và hàng năm các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh về kết quả thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
6. Chỉ đạo các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư Liên tịch số 20/2011/TTLT-BTP-BTNMT ngày 18 tháng 11 năm 2011 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Điều 6. Trách nhiệm của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Bình
1. Quán triệt, tổ chức triển khai việc thực hiện các văn bản pháp luật về giao dịch bảo đảm cho các tổ chức tín dụng;
2. Phối hợp Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường tham gia Đoàn công tác liên ngành nhằm kiểm tra định kỳ về công tác giao dịch bảo đảm tại các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện và cấp tỉnh.
3. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường mối quan hệ công tác phối hợp với các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh để thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
4. Theo dõi việc triển khai thực hiện và nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc để giải quyết hoặc phối hợp với các sở, ngành có liên quan giải quyết hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết
5. Phối hợp Sở Tư pháp thực hiện khoản 6 Điều 4 của Quy chế này.
Điều 7. Trách nhiệm của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất
1. Thực hiện đúng các quy định về trình tự, thủ tục, thời hạn đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các văn bản pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm.
2. Thực hiện việc báo cáo 06 tháng và hàng năm về công tác đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, gửi Sở Tư pháp để Sở Tư pháp tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Đối với báo cáo 06 tháng, thời điểm lấy số liệu tính từ ngày 01/10 năm trước đến hết ngày 31/03 năm sau. Đối với báo cáo hàng năm, thời điểm lấy số liệu tính từ ngày 01/10 năm trước đến hết ngày 30/9 năm sau.
Báo cáo 06 tháng và hàng năm phải được gửi đến Sở Tư pháp chậm nhất là 07 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ báo cáo nêu trên.
3. Chấp hành nghiêm túc việc kiểm tra, thanh tra định kỳ về đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Điều khoản thi hành
1. Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước và các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc Quy chế này theo chức năng và nhiệm vụ được phân công và theo quy định của pháp luật có liên quan.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, kịp thời phản ánh với Sở Tư pháp để Sở chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp yêu cầu của công tác quản lý./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.