ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 53/2006/QĐ-UBND | Tân An, ngày 07 tháng 11 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC, TRÌNH TỰ VÀ THỜI HẠN GIẢI QUYẾT CÔNG VIỆC HỘ TỊCH TẠI UBND CẤP XÃ VÀ CẤP HUYỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 989/TTr-STP ngày 20/10/2006,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về thủ tục, trình tự và thời hạn giải quyết công việc hộ tịch tại UBND cấp xã và cấp huyện trên địa bàn tỉnh Long An.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký. Quyết định này thay thế các điều quy định tại Chương II của Quy định việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của tổ chức, công dân theo cơ chế “một cửa” được ban hành kèm theo Quyết định số 312/2005/QĐ-UB ngày 25/01/2005 của UBND tỉnh Long An.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các Sở, Ban ngành tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
THỦ TỤC, TRÌNH TỰ VÀ THỜI HẠN GIẢI QUYẾT CÔNG VIỆC HỘ TỊCH TẠI UBND XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN VÀ UBND HUYỆN, THỊ XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 53 /2006/QĐ-UBND ngày 07/11/2006 của UBND Tỉnh Long An)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng
Quy định này quy định về thủ tục, trình tự và thời hạn giải quyết yêu cầu về hộ tịch của công dân thực hiện tại UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là cấp xã) và UBND huyện, thị xã (sau đây gọi tắt là cấp huyện) trên địa bàn tỉnh Long An.
Điều 2. Nguyên tắc giải quyết
Việc giải quyết yêu cầu về hộ tịch phải được thực hiện kịp thời, chính xác, đúng thẩm quyền, công khai và minh bạch theo quy định của pháp luật về hộ tịch và Quy định này.
Điều 3. Giấy tờ cá nhân xuất trình khi đăng ký hộ tịch
Khi đăng ký hộ tịch, nếu công chức Tư pháp hộ tịch cấp xã hoặc cán bộ Tư pháp của Phòng Tư pháp cấp huyện không biết rõ về nhân thân hoặc nơi cư trú của đương sự, thì yêu cầu xuất trình các giấy tờ sau đây để kiểm tra:
1. Giấy chứng minh nhân dân của người đi đăng ký hộ tịch để xác định về cá nhân người đó;
2. Sổ hộ khẩu, Giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể hoặc Giấy đăng ký tạm trú có thời hạn để làm căn cứ xác định thẩm quyền đăng ký hộ tịch.
Điều 4. Ủy quyền
Người có yêu cầu đăng ký hộ tịch (trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký việc nuôi con nuôi, đăng ký giám hộ, đăng ký việc nhận cha, mẹ, con) hoặc yêu cầu cấp các giấy tờ về hộ tịch mà không có điều kiện trực tiếp đến cơ quan đăng ký hộ tịch, thì có thể ủy quyền cho người khác làm thay. Việc ủy quyền phải bằng văn bản và phải được công chứng hoặc chứng thực hợp lệ.
Nếu người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền, thì không cần phải có văn bản ủy quyền.
Điều 5. Lệ phí đăng ký hộ tịch
Cơ quan đăng ký hộ tịch được thu lệ phí theo quy định của pháp luật, trong đó đã bao gồm cả chi phí cho giấy tờ, biểu mẫu hộ tịch.
Điều 6. Thời hạn
Thời hạn ấn định tại Quy định này là ngày làm việc theo quy định của pháp luật (không tính ngày thứ bảy, chủ nhật và ngày nghỉ lễ, tết trong năm).
Thời hạn giải quyết được tính từ khi công chức Tư pháp hộ tịch cấp xã hoặc cán bộ Tư pháp của Phòng Tư pháp cấp huyện nhận đủ hồ sơ giấy tờ hợp lệ.
Chương II
THỦ TỤC, TRÌNH TỰ, THỜI HẠN GIẢI QUYẾT VIỆC HỘ TỊCH Ở CẤP XÃ
Điều 7. Thủ tục, trình tự, thời hạn đăng ký khai sinh
1. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày sinh con, cha, mẹ có trách nhiệm đi khai sinh cho con; nếu cha, mẹ không thể đi khai sinh, thì ông, bà hoặc những người thân thích khác đi khai sinh cho trẻ em.
2. Người đi đăng ký khai sinh phải nộp Giấy chứng sinh (theo mẫu quy định).
Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi trẻ em sinh ra cấp; nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì Giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực.
3. Ngoài Giấy chứng sinh người đi đăng ký khai sinh phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ của trẻ em có đăng ký kết hôn). Trong trường hợp công chức Tư pháp hộ tịch biết rõ về quan hệ hôn nhân của cha, mẹ trẻ em thì không bắt buộc phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn.
4. Thời hạn giải quyết: trong ngày sau khi nhận đủ các giấy tờ hợp lệ.
Điều 8. Thủ tục, trình tự, thời hạn đăng ký khai sinh quá hạn
1. Việc sinh chưa được đăng ký trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 7 Quy định này, thì phải đăng ký theo thủ tục đăng ký quá hạn.
2. Người đi đăng ký khai sinh quá hạn phải nộp và xuất trình các giấy tờ theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 7 Quy định này.
3. Thời hạn giải quyết: Trong ngày sau khi nhận đủ các giấy tờ hợp lệ. Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn xác minh không quá 05 ngày.
Điều 9. Thủ tục, trình tự, thời hạn đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi
1. Khi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi, UBND hoặc Công an cấp xã nơi trẻ em bị bỏ rơi lập Biên bản xác nhận tình trạng trẻ em bị bỏ rơi và tìm người hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ em đó, đồng thời thông báo 03 lần trong 03 ngày liên tiếp trên Đài Phát thanh Truyền hình Long An để tìm cha, mẹ của trẻ. Hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo cuối cùng nếu không tìm thấy cha, mẹ đẻ của trẻ em thì người hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đi đăng ký khai sinh cho trẻ tại UBND cấp xã nơi người đó cư trú hoặc nơi có trụ sở của tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ em đó.
2. Người đi đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải xuất trình Biên bản xác nhận tình trạng trẻ em bị bỏ rơi.
3. Thời hạn giải quyết: trong ngày sau khi nhận đủ các giấy tờ hợp lệ.
Điều 10. Thủ tục, trình tự, thời hạn đăng ký lại việc sinh
1. Việc sinh đã được đăng ký nhưng sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đã bị mất hoặc hư hỏng không sử dụng được, thì được đăng ký lại.
2. Người yêu cầu đăng ký lại việc sinh phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định).
Trong trường hợp đăng ký lại tại UBND cấp xã, không phải nơi đương sự đã đăng ký việc sinh trước đây, thì Tờ khai phải có xác nhận của UBND cấp xã, nơi đã đăng ký việc sinh về việc đã đăng ký; trừ trường hợp đương sự xuất trình được bản sao Giấy khai sinh đã cấp hợp lệ trước đây.
3. Thời hạn giải quyết là 05 ngày kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ hợp lệ.
Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày.
Điều 11. Thủ tục, trình tự, thời hạn đăng ký kết hôn
1. Khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ phải nộp Tờ khai đăng ký kết hôn (theo mẫu quy định).
Trong trường hợp một người cư trú tại xã, phường, thị trấn này, nhưng đăng ký kết hôn tại xã, phường, thị trấn khác, thì phải có xác nhận của UBND cấp xã, nơi cư trú về tình trạng hôn nhân của người đó trong Tờ khai đăng ký kết hôn hoặc bằng giấy xác nhận riêng (theo mẫu quy định); Ngoài Tờ khai đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ phải xuất trình Giấy chứng minh nhân dân.
2. Thời hạn giải quyết là 05 ngày kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ hợp lệ. Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày.
Khi đăng ký kết hôn hai bên nam, nữ phải có mặt để bày tỏ ý muốn tự nguyện kết hôn, ký tên vào sổ đăng ký kết hôn và bản chính Giấy chứng nhận kết hôn.
Điều 12. Thủ tục, trình tự, thời hạn đăng ký lại việc kết hôn
1. Việc kết hôn đã được đăng ký, nhưng sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đã bị mất hoặc hư hỏng không sử dụng được, thì được đăng ký lại.
2. Người có yêu cầu đăng ký lại việc kết hôn phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định).
Trong trường hợp đăng ký lại tại UBND cấp xã, không phải nơi đương sự đã đăng ký kết hôn trước đây, thì Tờ khai phải có xác nhận của UBND cấp xã, nơi đã đăng ký kết hôn về việc đã đăng ký; trừ trường hợp đương sự xuất trình được bản sao Giấy chứng nhận kết hôn đã cấp hợp lệ trước đây. Khi đăng ký lại việc kết hôn các bên đương sự phải có mặt.
3. Thời hạn giải quyết là 05 ngày kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ hợp lệ.
Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày.
Điều 13. Thủ tục, trình tự, thời hạn đăng ký khai tử
1. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày chết, thân nhân của người chết có trách nhiệm đi khai tử; nếu người chết không có thân nhân thì chủ nhà hoặc người có trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức nơi người đó cư trú hoặc công tác trước khi chết đi khai tử.
2. Người đi khai tử phải nộp Giấy báo tử hoặc giấy tờ khác thay cho Giấy báo tử theo quy định tại Điều 22 Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch (sau đây gọi tắt là Nghị định 158/2005/NĐ-CP). Trường hợp chết tại nhà ở nơi cư trú mà cán bộ Tư pháp hộ tịch biết rõ việc chết thì không cần phải có Giấy báo tử hoặc văn bản xác nhận việc tử của người làm chứng.
3. Thời hạn giải quyết: trong ngày sau khi nhận đủ các giấy tờ hợp lệ.
Điều 14. Thủ tục, trình tự, thời hạn đăng ký khai tử quá hạn
1. Việc tử chưa được đăng ký trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 13 Quy định này, thì phải đăng ký theo thủ tục đăng ký quá hạn.
2. Người đi đăng ký khai tử quá hạn phải nộp các giấy tờ theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Quy định này.
3. Thời hạn giải quyết: trong ngày sau khi nhận đủ các giấy tờ hợp lệ.
Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 5 ngày.
Điều 15. Thủ tục, trình tự, thời hạn đăng ký lại việc tử
1. Việc tử đã được đăng ký nhưng Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đã bị mất hoặc hư hỏng không sử dụng được, thì được đăng ký lại.
2. Người có yêu cầu đăng ký lại việc tử phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định).
Trong trường hợp đăng ký lại tại UBND cấp xã, không phải nơi đương sự đã đăng ký việc tử trước đây, thì Tờ khai phải có xác nhận của UBND cấp xã, nơi đã đăng ký việc tử về việc đã đăng ký; trừ trường hợp đương sự xuất trình được bản sao Giấy chứng tử đã cấp hợp lệ trước đây.
3. Thời hạn giải quyết là 05 ngày kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ hợp lệ.
Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày.
Điều 16. Thủ tục, trình tự, thời hạn đăng ký việc nuôi con nuôi
1. Người nhận nuôi con nuôi phải trực tiếp nộp hồ sơ, gồm:
a) Giấy thỏa thuận về việc cho và nhận con nuôi (theo mẫu quy định);
b) Bản sao Giấy khai sinh của người được nhận làm con nuôi;
c) Biên bản xác nhận tình trạng trẻ bị bỏ rơi, nếu người được nhận làm con nuôi là trẻ bị bỏ rơi.
2. Thời hạn kiểm tra, xác minh các nội dung sự việc là 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày.
3. Sau thời hạn nói trên nếu đủ điều kiện thì UBND đăng ký việc nuôi con nuôi. Khi đăng ký việc nuôi con nuôi bên cho, bên nhận con nuôi phải có mặt, nếu người được nhận làm con nuôi từ đủ 09 tuổi trở lên thì cũng phải có mặt.
Điều 17. Thủ tục, trình tự, thời hạn đăng ký lại việc nuôi con nuôi
1. Việc nuôi con nuôi đã được đăng ký nhưng sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đã bị mất hoặc hư hỏng không sử dụng được, thì được đăng ký lại.
2. Người có yêu cầu đăng ký lại việc nuôi con nuôi phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định). Trong trường hợp đăng ký lại tại UBND cấp xã, không phải nơi đương sự đã đăng ký việc nuôi con nuôi trước đây, thì Tờ khai phải có xác nhận của UBND cấp xã, nơi đã đăng ký việc nuôi con nuôi về việc đã đăng ký; trừ trường hợp đương sự xuất trình được bản sao Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đã cấp hợp lệ trước đây. Khi đăng ký lại việc nuôi con nuôi các bên đương sự phải có mặt.
3. Thời hạn giải quyết là 05 ngày kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ hợp lệ.
Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày.
Điều 18. Thủ tục, trình tự, thời hạn đăng ký giám hộ
1. Khi đi đăng ký giám hộ phải có mặt người cử giám hộ và người được cử làm giám hộ.
2. Người được cử làm giám hộ phải nộp Giấy cử giám hộ. Trong trường hợp người được giám hộ có tài sản riêng, thì người cử giám hộ phải lập danh mục tài sản và ghi rõ tình trạng của tài sản, có chữ ký của người cử giám hộ và người được cử làm giám hộ. Danh mục tài sản được lập thành 03 bản, 01 bản lưu tại UBND cấp xã, nơi đăng ký việc giám hộ, 01 bản giao cho người giám hộ, 01 bản giao cho người cử giám hộ.
3. Thời hạn giải quyết là 05 ngày kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ hợp lệ.
Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày.
Điều 19. Thủ tục, trình tự, thời hạn đăng ký chấm dứt, thay đổi việc giám hộ
1. Đăng ký chấm dứt việc giám hộ:
a) Người yêu cầu đăng ký chấm dứt việc giám hộ phải nộp: Tờ khai (theo mẫu quy định); quyết định công nhận việc giám hộ đã cấp trước đây.
Trong trường hợp người được giám hộ có tài sản riêng, đã được lập thành danh mục khi đăng ký giám hộ, thì người yêu cầu chấm dứt việc giám hộ phải nộp danh mục tài sản đó và danh mục tài sản hiện tại của người được giám hộ.
b) Ngoài các giấy tờ trên người yêu cầu chấm dứt việc giám hộ phải xuất trình các giấy tờ cần thiết để chứng minh đủ điều kiện chấm dứt việc giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự.
2. Đăng ký thay đổi việc giám hộ:
Trong trường hợp người giám hộ đề nghị được thay đổi giám hộ và có người khác có đủ điều kiện nhận làm giám hộ, thì các bên làm thủ tục đăng ký chấm dứt việc giám hộ cũ và đăng ký việc giám hộ mới.
Về thẩm quyền đăng ký, thủ tục hồ sơ và trình tự giải quyết chấm dứt việc giám hộ cũ và đăng ký giám hộ mới được thực hiện như đăng ký việc giám hộ lần trước.
3. Thời hạn giải quyết là 05 ngày kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ hợp lệ.
Điều 20. Thủ tục, trình tự, thời hạn đăng ký việc nhận cha, mẹ, con
1. Người yêu cầu đăng ký việc nhận cha, mẹ, con phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định).
2. Ngoài Tờ khai nêu trên, người yêu cầu đăng ký việc nhận cha, mẹ, con phải xuất trình:
a) Giấy khai sinh (bản chính hoặc bản sao) của người con;
b) Các giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con (nếu có).
3. Thời hạn giải quyết là 05 ngày kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ hợp lệ. Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày.
Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên cha, mẹ, con phải có mặt trừ trường hợp người được nhận là cha, mẹ đã chết.
Điều 21. Thủ tục, trình tự, thời hạn giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người dưới 14 tuổi
1. Người yêu cầu thay đổi, cải chính hộ tịch phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định);
Xuất trình bản chính Giấy khai sinh của người cần thay đổi, cải chính hộ tịch, và các giấy tờ liên quan để làm căn cứ cho việc thay đổi, cải chính hộ tịch;
2. Thời hạn giải quyết là 05 ngày kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ hợp lệ.
Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày.
Điều 22. Thủ tục, trình tự, thời hạn giải quyết việc bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch
1. Người yêu cầu bổ sung hộ tịch phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định);
Xuất trình bản chính Giấy khai sinh của người cần bổ sung hộ tịch và các giấy tờ liên quan để làm căn cứ cho việc bổ sung hộ tịch.
2. Người yêu cầu điều chỉnh nội dung đã được đăng ký trong sổ hộ tịch và các giấy tờ hộ tịch khác (không phải Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh) thì phải xuất trình bản chính Giấy khai sinh để làm căn cứ điều chỉnh những nội dung đã được đăng ký trong sổ hộ tịch và các giấy tờ hộ tịch đó cho phù hợp với nội dung tương ứng trong Giấy khai sinh;
Trường hợp yêu cầu điều chỉnh nội dung của sổ hộ tịch và các giấy tờ hộ tịch khác không liên quan đến nội dung khai sinh thì phải xuất trình các giấy tờ có liên quan để làm căn cứ cho việc điều chỉnh.
3. Thời hạn giải quyết: trong ngày sau khi nhận đủ các giấy tờ hợp lệ.
Điều 23. Thủ tục, trình tự, thời hạn ghi vào Sổ hộ tịch các thay đổi hộ tịch khác
1. Các thay đổi hộ tịch khác bao gồm: xác định cha, mẹ, con (do Toà án xác định); thay đổi quốc tịch, ly hôn; hủy việc kết hôn trái pháp luật; chấm dứt nuôi con nuôi.
2. Người có yêu cầu ghi vào sổ hộ tịch các thay đổi hộ tịch khác phải nộp các giấy tờ cần thiết để làm căn cứ cho việc ghi vào sổ hộ tịch.
3. Thời hạn giải quyết: trong ngày sau khi nhận đủ các giấy tờ hợp lệ.
Điều 24. Thủ tục, trình tự, thời hạn cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
1. Người yêu cầu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định).
Trong trường hợp người yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã có vợ, có chồng, nhưng đã ly hôn hoặc người kia đã chết, thì phải xuất trình Trích lục bản án/ Quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về việc ly hôn hoặc bản sao Giấy chứng tử.
2. Thời hạn giải quyết: trong ngày sau khi nhận đủ các giấy tờ hợp lệ.
Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn xác minh là 05 ngày.
Điều 25. Cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ Sổ hộ tịch
Việc cấp bản sao giấy tờ hộ tịch được giải quyết trong ngày sau khi tiếp nhận yêu cầu sao lục giấy tờ hộ tịch của công dân.
Chương III
THỦ TỤC, TRÌNH TỰ, THỜI HẠN GIẢI QUYẾT VIỆC HỘ TỊCH Ở CẤP HUYỆN
Điều 26. Thủ tục, trình tự, thời hạn giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên và xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính
1. Người yêu cầu thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định);
Xuất trình bản chính Giấy khai sinh người cần thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính và các giấy tờ liên quan để làm căn cứ cho việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính.
2. Thời hạn giải quyết là 05 ngày kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ hợp lệ. Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày.
Điều 27. Thủ tục, trình tự, thời hạn giải quyết việc bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch
1. Người yêu cầu bổ sung hộ tịch phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định).
Xuất trình bản chính Giấy khai sinh người cần bổ sung hộ tịch và các giấy tờ liên quan để làm căn cứ cho việc bổ sung hộ tịch.
2. Người yêu cầu điều chỉnh nội dung đã được đăng ký trong sổ hộ tịch và các giấy tờ hộ tịch khác (không phải Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh) thì phải xuất trình bản chính Giấy khai sinh để làm căn cứ điều chỉnh những nội dung đã được đăng ký trong sổ hộ tịch và các giấy tờ hộ tịch đó cho phù hợp với nội dung tương ứng trong Giấy khai sinh.
Trường hợp yêu cầu điều chỉnh nội dung của sổ hộ tịch và các giấy tờ hộ tịch khác không liên quan đến nội dung khai sinh thì phải xuất trình các giấy tờ có liên quan để làm căn cứ cho việc điều chỉnh.
3. Thời hạn giải quyết: trong ngày sau khi nhận đủ các giấy tờ hợp lệ.
Điều 28. Thủ tục, trình tự, thời hạn cấp lại bản chính Giấy khai sinh
1. Trong trường hợp bản chính Giấy khai sinh bị mất, hư hỏng hoặc phải ghi chú quá nhiều nội dung do được thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch hoặc điều chỉnh hộ tịch mà Sổ đăng ký khai sinh còn lưu trữ được, thì được cấp lại bản chính Giấy khai sinh.
2. Người yêu cầu cấp lại bản chính Giấy khai sinh phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định) và bản chính Giấy khai sinh cũ (nếu có).
3. Thời hạn giải quyết: trong ngày sau khi nhận đủ các giấy tờ hợp lệ.
Điều 29. Cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch
Việc cấp bản sao giấy tờ hộ tịch được giải quyết trong ngày sau khi tiếp nhận yêu cầu sao lục giấy tờ hộ tịch của công dân.
Chương IV
CÔNG CHỨC TƯ PHÁP HỘ TỊCH
Điều 30. Nhiệm vụ của công chức Tư pháp hộ tịch
1. Công chức Tư pháp hộ tịch giúp UBND cùng cấp thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
a) Thụ lý hồ sơ, kiểm tra, xác minh và đề xuất với Chủ tịch UBND cùng cấp xem xét, quyết định việc đăng ký hộ tịch theo quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ;
c) Sử dụng các loại sổ hộ tịch, biểu mẫu hộ tịch theo quy định của Bộ Tư pháp;
d) Tổng hợp tình hình và thống kê chính xác số liệu hộ tịch để UBND cùng cấp báo cáo về trên theo quy định;
đ) Tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về hộ tịch;
e) Giữ gìn, bảo quản, lưu trữ sổ hộ tịch và giấy tờ hộ tịch; khi thôi giữ nhiệm vụ phải bàn giao đầy đủ cho người kế nhiệm;
g) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
2. Khi thực hiện nhiệm vụ của mình công chức Tư pháp hộ tịch phải đeo Thẻ công chức và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định đối với cán bộ công chức.
3. Những quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, cũng được áp dụng đối với cán bộ Tư pháp của Phòng Tư pháp.
Điều 31. Những việc công chức Tư pháp hộ tịch không được làm
1. Công chức Tư pháp hộ tịch không được làm những việc sau đây:
a) Cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khi đăng ký hộ tịch;
b) Nhận hối lộ;
c) Thu lệ phí hộ tịch cao hơn mức quy định hoặc tự ý đặt ra các khoản thu khi đăng ký hộ tịch;
d) Tự đặt ra những thủ tục, giấy tờ trái với quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP khi đăng ký hộ tịch;
đ) Làm sai lệch các nội dung đã được đăng ký trong sổ hộ tịch, biểu mẫu hộ tịch;
e) Cố ý cấp các giấy tờ hộ tịch có nội dung không chính xác.
2. Những quy định tại khoản 1 Điều này, cũng được áp dụng đối với cán bộ Tư pháp của Phòng Tư pháp.
Chương V
KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
Điều 32. Khiếu nại, tố cáo
1. Công dân, người có yêu cầu giải quyết việc hộ tịch có quyền khiếu nại với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những quyết định hành chính của cơ quan đăng ký và quản lý hộ tịch hoặc hành vi hành chính trong đăng ký và quản lý hộ tịch của cán bộ, công chức làm công tác hộ tịch khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
2. Công dân có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà hoặc cố ý làm trái các quy định pháp luật của cơ quan đăng ký hộ tịch hoặc cán bộ công chức làm công tác hộ tịch gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của chính mình hoặc của người khác. Mọi thông tin phản ánh phải được cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền tiếp nhận, xử lý nghiêm minh và đúng pháp luật.
3. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện theo các quy định của pháp luật về khiếu nại tố cáo.
Chương VI
KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT
Điều 33. Khen thưởng
Cán bộ công chức trực tiếp làm công tác Tư pháp hộ tịch có thành tích xuất sắc được đề nghị xét khen thưởng theo quy định.
Điều 34. Kỷ luật
Người có thẩm quyền đăng ký và quản lý hộ tịch mà do thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc cố ý làm trái với các quy định của Nghị định 158/2005/NĐ-CP và Quy định này, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Chương VII
ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
Điều 35. Áp dụng Quy định trong một số trường hợp đặc biệt
1. Các quy định về đăng ký khai sinh tại Điều 7, Điều 8 và Điều 10 Chương II của Quy định này, cũng được áp dụng để đăng ký khai sinh trong các trường hợp sau:
a) Trẻ em sinh ra tại Việt Nam, có cha và mẹ là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;
b) Trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước, còn người kia là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;
c) Trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha và mẹ là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch cư trú ổn định lâu dài tại Việt Nam;
d) Trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch cư trú ổn định lâu dài tại Việt Nam, còn người kia là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước;
đ) Trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú tại khu vực biên giới, còn người kia là công dân của nước láng giềng thường trú tại khu vực biên giới.
2. Các quy định về đăng ký khai tử tại Điều 13, Điều 14 và Điều 15 Chương II của Quy định này cũng được áp dụng đối với những trường hợp người chết là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch cư trú ổn định lâu dài tại Việt Nam.
3. Việc giải quyết cải chính hộ tịch, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch cho người nước ngoài hoặc người không quốc tịch cư trú ổn định lâu dài tại Việt Nam mà đã đăng ký hộ tịch tại UBND cấp xã theo quy định tại Nghị định 158/2005/NĐ-CP , thì được thực hiện như đối với công dân Việt Nam ở trong nước.
4. Các quy định về đăng ký lại việc kết hôn, đăng ký lại việc nuôi con nuôi tại Điều 12 và Điều 17 Chương II của Quy định này, cũng được áp dụng để giải quyết đăng ký lại việc kết hôn, nhận nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam thường trú tại khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng thường trú tại khu vực biên giới với Việt Nam mà việc kết hôn, nuôi con nuôi đó trước đây đã được đăng ký tại UBND cấp xã theo quy định tại Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.
Điều 36. Tổ chức thực hiện
1. Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn, các huyện, thị xã trong tỉnh có trách nhiệm triển khai, tổ chức thực hiện Quy định này, thực hiện việc niêm yết công khai bản Quy định này tại trụ sở cơ quan để công dân biết, thực hiện.
2. Sở Tư pháp theo dõi việc thực hiện Quy định này và thực hiện chế độ báo cáo định kỳ cho UBND tỉnh.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, khó khăn hoặc phát sinh quan hệ mới, Sở Tư pháp kịp thời kiến nghị UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.