UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 53/2003/QĐ-UB | Tam Kỳ, ngày 9 tháng 6 năm 2003 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ BẢY BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA IX.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND các cấp sửa đổi năm 1994;
- Căn cứ Nghị quyết số 26/ NQTW ngày 12/3/2003 Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới chính sách Pháp luật đất đai trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
- Căn cứ kết luận Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII về nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện các Nghị quyết Trung ương 7 ( phần 2) khóa IX ( số 11 KL/TU ngày 30/4/2003 của Tỉnh uỷ);
- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Địa chính tại Tờ trình số : 36/ TTr- ĐK ngày 27 tháng 5 năm 2003.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này “ Đề án đổi mới công tác quản lý đất đai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX ".
Điều 2: Chánh văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Giám đốc các sở, thủ tưởng các Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, các đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM |
ĐỀ ÁN
ĐỔI MỚI CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ BẢY BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA IX
(Ban hành kèm theo Quyết định số 53/2003/QĐ-UB ngày 9/6/2003 của UBND tỉnh Quảng Nam)
I/ Một số tình hình liên quan đến vấn đề đất đai :
Quảng Nam là một tỉnh ven biển miền trung chịu tác động của nhiều yếu tố tự nhiên và xã hội nên đã hình thành một nền kinh tế đa dạng nông, lâm, ngư nghiệp, công ngheịep, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ. Khi tái lập năm 1997, Quảng Nam là một tỉnh nghèo, xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém, nền kinh tế phát triển chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chưa phát triển, mức sản xuất lưu thông hàng hoá thấp, thương mại - dịch vụ phát triển chậm.
Với tiềm năng sẵn có và quyết tâm phấn đấu của cán bộ, nhân dân trong tỉnh, từ năm 1997 đến nay nền kinh tế Quảng Nam có những biến chuyển tích cực, ổn định, có mặt tăng trưởng; nội lực bước đầu được khơi dậy và phát huy, GDP bình quân tăng hàng năm 8%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 22,5%, nông lâm nghiệp tăng 3,5%, dịch vụ tăng 12,8%.
Cơ cấu kinh tế bước đầu chuyển dịch theo hướng tích cực : tỷ trọng nông lâm nghiệp giảm (49,96%/1996, 38,3%/2002), tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ theo hướng tăng nhanh (công nghiệp 18,57%/1996, 28,3%/2002, dịch vụ 31,44%/1996; 33,4%/2002).
Quảng Nam có 2 thị xã gồm 12 phường và 12 thị trấn, có tổng diện tích đất đô thị là 56.495 ha với 197.817 khẩu. Mật độ cư dân đô thị bình quân 350 người/km2. Đô thị Tam Kỳ có diện tích 2.277 ha với 52.556 khẩu, đô thị Hội An có diện tích 1.034,6 ha với 27.849 khẩu. Các thị trấn hầu hết được hình thành từ sau năm 1975 (trừ thị trấn Vĩnh Điện, Nam Phước, Hà Lam) cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, đang từng bước được xây dựng và nâng cấp.
Ở khu vực nông thôn có 1.164.834 người, chiếm 86% dân số toàn tỉnh. Các khu dân cư nông thôn tự hình thành và phát triển ổn định qua nhiều thế hệ với diện tích 40.552 ha. Dân cư sinh sống trên địa bàn Quảng Nam gồm nhiều dân tộc khác nhau, trong đó dân tộc kinh chiếm 93,38%, các dân tộc còn lại chiếm 6,62% gồm : Cơ tu, Xê đăng, Cadong, Gie triêng và các dân tộc thiểu số khác.
Lao động trong độ tuổi 688.049 người, chiếm 50,13% dân số, trong đó lao động nông nghiệp chiếm 75,63%, lao động thuỷ sản chiếm 5,49%, lao động công nghiệp chiếm 5,85%, lao động khác là 13,03%.
Quảng Nam là tỉnh đất rộng người đông, tỷ lệ sử dụng đất còn thấp, hầu hết đất chưa sử dụng thuộc đất đồi núi, điều kiện để đầu tư khai thác sử dụng còn khó khăn.
Nền kinh tế của tỉnh đang có sự chuyển dịch đúng hướng. Để đạt được mục tiêu kinh tế xã hội của tỉnh, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, thì nhu cầu sử dụng đất của các ngành trong những năm đến còn rất lớn, đặc biệt là những vùng đông dân cư, gây áp lực lớn cho đất đai.
II/ Tình hình quản lý và sử dụng đất :
1. Tình hình sử dụng đất :
Quảng Nam có 14 huyện, thị xã với 222 xã, phường, thị trấn có diện tích tự nhiên 1.040.742 ha, bao gồm :
- Đất nông nghiệp 111.496 ha chiếm 10,71% tổng DTTN
- Đất lâm nghiệp có rừng 439.293 ha chiếm 42,21% tổng DTTN
- Đất chuyên dùng 27.362 ha chiếm 2,63% tổng DTTN
- Đất ở 7.342 ha chiếm 0,71% tổng DTTN
- Đất CSD và s.suối, núi đá 455.249 ha chiếm 43,74% tổng DTTN
2. Tình hình quản lý đất đai :
- Trên địa bàn tỉnh có 181/222 đơn vị đo vẽ bản đồ địa chính với diện tích là : 205.734 ha(trong đó có 34 đơn vị cấp xã đo vẽ bản đồ địa chính theo hệ toạ độ Nhà nước chính quy với diệntích 27.478 ha). Công tác đo đạc lập bản đồ địa chính đã phục vụ kịp thời cho việc kê khai đăng ký, xây dựng hồ sơ địa chính, cấp giấy CNQSD đất.
- Quy hoạch sử dụng đất của tỉnh đến năm 2010 đã xây dựng và được Chính phủ phê duyệt vào năm 2000. Có 10/14 huyện, thị xã và 79 xã có quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.
- Công tác kế hoạch sử dụng đất đã đi vào nề nếp, kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2001 - 2005) của tỉnh cũng đã được Chính phủ phê duyệt năm 2002 và UBND tỉnh đã có quyết định phân bổ cho các huyện để làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch sử dụng đất hàng năm.
- Toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài theo tinh thần Nghị định 64/CP vào năm 1998, với số hộ được giao là : 261.563 hộ, chiếm 96,48% tổng số hộ nông nghiệp. Đã cấp 237.245 giấy CNQSD đất cho hộ gia đình cá nhân, chiếm 95,55% tổng số hộ đăng ký.
- Đất lâm nghiệp đã giao cho 19 tổ chức với diện tích là 124.724 ha, chiếm 17,25% tổng diện tích đất lâm nghiệp và 17.483 hộ gia đình với diện tích là 23.057 ha chiếm 3,18% tổng diện tích đất lâm nghiệp.
- Đất ở trong đô thị đã cấp được 12.541 giấy chứng nhận/45.659 hộ đăng ký, chiếm 27,4% tổng số hộ trong đô thị.
- Đất quốc phòng do quân đội quản lý trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (đã được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 407/TTg ngày 13/6/1997) có 68 vị trí với diện tích 3.603,71 ha, đã được thực hiện việc cấp giấy CNQSD đất được 30/68 vị trí với diện tích 683,92 ha.
- Toàn tỉnh có 780 tổ chứuc đã được Nhà nước giao đất với diện tích là 96.703,7 ha và 718 tổ chức thuê đất với diện tích là 1.106,2 ha, trong đó có 329 đơn vị đã ký hợp đồng thuê đất với Sở Địa chính.
- Công tác thanh tra, kiểm tra đất đai cũng được các cấp, các ngành quan tâm, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Tình trạng tranh chấp đất đai trong những năm qua, mặc dầu chưa có điểm nóng, nhưng có nhiều vụ việc diễn biến phức tạp. Nhờ tổ chức tốt công tác tiếp dân, hoà giải ở cơ sở nên ít có đơn thư tồn đọng kéo dài, góp phần đáng kể lập lại trật tự trong quản lý và sử dụng đất.
3. Đánh giá tình hình thực hiện chính sách pháp luật đất đai :
3.1 Những kết quả đạt được trong việc quản lý sử dụng đất :
- Từ khi có Luật đất đai năm 1993, công tác quản lý đất đai dần dần đi vào nề nếp, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Nhận thức về Luậtd dất đai của cán bộ, nhân dân ngày càng được nâng cao nên tình trạng lấn chiếm đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, không đúng quy hoạch, kế hoạch, ngày càng ít. Tình trạng chặt phá rừng, khai thác gỗ trái phép đkược khắc phục dần. Các loại đất nông nghiệp, lâm nghiệp được bảo vệ. Việc chuyển đất nông - lâm nghiệp sang mục đích khác cũng được xem xét chặt chẽ,nghiêm túc.Việc giao đất và cấp giấy CNQSD đất nông - lâm nghiệp cho hộ gia đình cá nhân sử dụng ổn định lâu dài là hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, nông dân thực sự làm chủ, tích cực đầu tư thâm canh trên mảnh đất được giao, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
- Việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đã giải quyết đáng kể nhu cầu bức xúc của nhân dân về nhà ở, đất ở trong điều kiện tỉnh mới chia tách, góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách và xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương.
- Tình hình biến động đất đai trong những năm gần đây có xu hướng tích cực, các loại đất được khai thác sử dụng đảm bảo quy hoạch, hạn chế việc sử dụng đất lúa vào mục đích khác. Tuy nhiên hiệu quả sử dụng đất chưa cao, đặc biệt là đất nông nghiệp.
3.2 Những tồn tại trong việc quản lý sử dụng đất :
- Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tiến hành chậm, lúng túng, một số ngành, địa phương chưa thấy rõ vài trò quan trọng của nó, nên chỉ đạo thiếu tập trung, dẫn đến việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không sát thực tế. Mặt khác công tác quy hoạch hầu như chưa được công khai hoặc triển khai mốc giới cụ thể. Việc sử dụng hệ thống lưới trong quy hoạch còn tuỳ tiện chưua thống nhất, nên khó khớp nối được với nhau.
- Các dự án khu dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng còn manh mún, thường chỉ quan tâm đến quỹ đất ở hai bên trục đường, chưa chú trọng đến việc đầu tư khép kín. Một số dự án không đủ năng lực thi công, không có tính hiệu quả kinh tế, lãng phí đất, một số dự án không thực hiện đúng trình tự nội dung được duyệt mà cắt đất, chia lô để bán sau khi được phép triển khai...
- Tình trạng mua bán, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở không đúng quy hoạch được duyệt và trái với quy định cảu pháp luật hiện hành đang xảy ra ở một số nơi trên địa bàn tỉnh, đã có hiện tượng đầu cơ về nhà ở, đất ở, làm cho một số khu vực giá đất tăng vọt giả tạo.
- Việc quản lý đất chuyên dùng ở một số địa phương chưa được chặt chẽ, còn hiện tượng các tổ chức tự cắt đất, chia lô để phân cho cán bộ làm nhà ửo khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép, một số tổ chức kinh tế lợi dụng việc chuyển nhượng tài sản trên đất để bán đất...
- Chủ trương dồn điền đổi thửa để khắc phục dần tình trạng mang mún trong sử dụng đất còn ở dạng làm điểm, chưa được triển khai rộng rãi.
- Việc giải phóng mặt bằng thực hiện một số dự án còn nhiều bất cập đôi khi quá chậm không dứt điểm, thậm chí kéo dài nhiều năm làm ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống ổn định của nhân dân trong vùng dự án.
- Hầu hết các đô thị trên địa bàn tỉnh còn mang tính chất nông nghiệp nông thôn, phần lớn nhà ở, đất ở chưua có giấy tờ hợp lệ, nên khó giải quyết nhanh và hoàn chỉnh toàn bộ hồ sơ địa chính, do đó còn nhiều tồn đọng trong quá khứ về nhà đất chưa giải quyết được.
- Việc đăng ký thế chấp đối với hộ gia đình, cá nhân theo Luật đất đai 2001 được thực hiện tại UBND xã là sự cải cách hành chính hết sức ý nghĩa, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân thực hiện quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật. Nhưng đây là vấn đề mới mẻ, trong khi cán bộ địa chính xã, phường không ổn định, kiêm nhiệm nhiều việc nên chưa tạo được sự tin tưởng của các Ngân hàng.
- Giá đất hiện tại được xây dựng theo khung giá Chính phủ quy định, nên còn quá thấp so với giá trị trường, do đó người bị thu hồi đất khó chấp nhận nên công tác giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn, ngược lại người được giao đất, cho thuê đất có lợi vì tiền sử dụng đất phải trả thấp hơn nhiều so với giá trị trường, sự chênh lệch đó thường xảy ra tiêu cực khi xem xét lựa chọn đối tượng giao đất, cho thuê đất, đây cũng là nguyên nhân tạo nên thị trường ''ngầm'' về đất đai...
III/ Giải pháp chỉ đạo thực hiện đổi mới công tác quản lý đất đai :
1. Về chế độ sử dụng đất :
1.1 Đối với đất nông nghiệp :
(1) Công tác quy hoạch : điều tra đánh giá lại tiềm năng đất đai (kể cả tài nguyên rừng), phục vụ cho việc xây dựng, nâng cao chất lượng, hoàn thiện quy hoạch phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh.
(2) Công tác giao đất, cấp GCNQSD đất, chính sách khuyến nông, khuyến lâm, khai hoang phục hoá :
- Đẩy mạnh và hoàn thành việc giao đất cấp giấy CNQSD đất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh.
- Xây dựng các chương trình dự án đầu tư phát triển, mở rộng hoạt động khuyến nông, khuyến lâm giành cho đồng bào dân tộc, khu vực miền núi, xác định cộng đồng dân cư, thôn, bản cũng là đối tượng giao đất. Xây dựng dự án và xúc tiến việc giao đất cho cộng đồng theo ranh giới đã hình thành lâu nay để quản lý bảo vệ rừng, từng bước điều tra chi tiết tài nguyên rừng, tiếp tục thực hiện chính sách về giao đất rừng theo quy định của pháp luật.
(3) Xây dựng chính sách phục hồi quỹ đất công ích : bằng hình thức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân không còn nhu cầu sử dụng, chuyển ngành nghề... nhằm phục hồi quỹ đất công ích, quỹ đất dự trữ để điều phối cho những đối tượng có nhu cầu bức xúc về đất sản xuất.
1.2 Đối với đất phi nông nghiệp :
(1) Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất :
-Rà soát bổ sung sớm hoàn thiện quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành, quy hoạch ngành, quy hoạch đô thị, quy hoạch khu dân cư nông thôn, quy hoạch kết cấu hạ tầng, trên cơ sở đó điều chỉnh, bổ sung quy họach sử dụng đất cấp tỉnh, huyện, xã cho đồng bộ, thống nhất, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương trong tình hình mới.
- Thống nhất sử dụng bản đồ nền địa chính đã được đo đạc chính quy theo lưới toạ độ Nhà nước để làm bản đồ nền trong quy hoạch. Đo đạc toàn bộ diện tích đất đã được quy hoạch sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp để tiến hành quản lý và xúc tiến việc bồi thường, giải phóng mặt bằng.
- Phải xây dựng khu tái định cư để bố trí cho những hộ gia đình, cá nhân thuộc diện diện giải toả trước khi triển khai thực hiện các dự án có ảnh hưởng đến việc di dời nhà ở, đất ở của nhân dân.
- Cơ quan quản lý quy hoạch, tham mưu cho UBND thuộc cấp có thẩm quyền ban hành quy định xây dựng nhà ở cụ thể trong đô thị : khu vực nào được giao đất, được nhượng bán quyền sử dụng đất để từng hộ gia đình, cá nhân làm nhà ở riêng rẽ theo quy chế xây dựng, hoặc theo mẫu quy định; khu vực nào giao cho Ban quản lý các đơn vị sự nghiệp, UBND cấp huyện được UBND tỉnh giao nhiệm vụ sử dụng quỹ đất để xây dựng các khu dân cư hoặc giao cho các tổ chức kinh doanh nhà - đất thực hiện việc đấu giá, đấu thầu để xây dựng đồng bộ khu chung cư, nhà vườn, nhà theo mẫu thiết kế để bán hoặc cho thuê; khu vực nào định giá hoặc đấu giá để thực hiện việc giao đất có thu tiền sử dụng đất 1 lần hoặc cho thuê đất.
(2). Đất nhà thờ tộc họ, các công trình gắn liền với thôn, xóm :
- Đất sử dụng vào mục đích làm nhà thờ tộc họ và tín ngưỡng dân gian (đình làng, miếu am...) do tộc họ và cộng đồng tự giải quyết trên cơ sở phù hợp quy hoạch khu dân cư, theo hạn mức sử dụng quy định của Nhà nước và được cấp giấy phép xây dựng để tránh tình trạng sử dụng và xây dựng trái phép, ảnh hưởng đến cảnh quan khu vực.
- Xem xét những dự án, công trình xây dựng có quy mô nhỏ gắn liền với thôn, xóm, cộng đồng dân cư, làng, bản như : cơ quan thôn, đội, sân vận động, điểm vui chơi giải trí, các côgn trình thuỷ lợi, giao thông nông thôn... trong phạm vi ranh giới của địa phương để phân cấp cho UBND cấp huyện quyết định (ngoài những quy định theo thẩm quyền hiện hành).
(3) Đối với tổ chức sử dụng đất :
- Tiến hành đo đạc xác định lại quy mô diện tích, nhu cầu sử dụng của các tổ chức đang sử dụng đất.
- Những trường hợp sử dụng có đủ giấy tờ hợp lệ hoặc sử dụng ổn định hợp pháp, phù hợp với nhu cầu thực tế của đơn vị, sử dụng có hiệu quả thì đăng ký để được cấp giấy CNQSD đất.
- Trường hợp sử dụng không hết diện tích, không đúng mục đích, bỏ đất hoang hoá, mua bán chuyển nhượng trái phép, không còn nhu cầu sử dụng thì tuỳ trường hợp cụ thể mà địa phương đề xuất hướng xử lý cương quyết, trình UBND tỉnh xem xét quyết định.
- Những trường hợp đang tranh chấp phải được giải quyết xong mới hướng dẫn cho các đơn vị lập thủ tục cấp giấy CNQSD đất.
(4) Đối với đất nghĩa địa :
- Sớm hoàn thành quy hoạch nghĩa địa nhân dân ở các địa phương, xây dựng quy chế quản lý, sử dụng đất cụ thể, ngăn chặn kịp thời việc xây dựng mộ phần chiếm nhiều diện tích đất, nhanh chóng hạn chế đi đến chấm dứt việc chôn cất trong các nghĩa địa ở đô thị, các khu vực nằm trong quy hoạch phát triển đô thị.
- Xây dựng cơ sở hoả táng và khuyến khích hình thức hoả táng ở các đô thị và nơi đông dân.
1.3 Đối với đất chưa sử dụng : Mở rộng đối tượng giao đất không thu tiền sử dụng đất trong hạn mức, đồng thời quy định hình thức giao đất nông - lâm nghiệp có thu tiền (hoặc cho thuê đất) tại các khu vực miền núi để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp cho những đối tượng có nhu cầu trực canh về sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng trang trại, ưu tiên cho những người có hộ khẩu thường trú tại địa phương ngoài những đối tượng Nhà nước quy định.
2. Một số chính sách về quản lý thị trường bất động sản và chính sách tài chính về đất đai.
(1) Chính sách xây dựng quỹ đất công : xây dựng đề án quản lý đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp quy hoạch vào mục đích xây dựng đô thị, kết cấu hạ tầng, xem xét, có kế hoạch từng bước thu hồi, hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hình thành quỹ đất công, để Nhà nước nắm và quản lý chặt chẽ quỹ đất này. Trong thời gian chưa xây dựng thì cho dân mượn hoặc cho thuê để sản xuất.
(2) Đối với công tác xác định giá đất : nghiên cứu để hình thành một cơ quan định giá đất chuyên nghiệp hoặc tăng cường chức năng để chuyên môn hoá công tác định giá cho một cơ quan quản lý Nhà nước.
(3) Tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ ngành địa chính :
- Xây dựng đội ngũ địa chính xã, phường, thị trấn thực sự chuyên trách, không kiêm nhiệm, có đủ năng lực chuyên môn ngang tầm với nhiệm vụ và được chỉ đạo quản lý trực tiếp theo ngành (từ tỉnh xuống xã, phường, thị trấn).
- Xem xét đề xuất hình thức tổ chức cơ cấu chức danh thanh tra viên đất đai cấp huyện để giúp cho địa phương chủ động tổ chức thanh tra, kiểm tra nhằm xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm chính sách đất đai, cũng như bảo vệ quyền hưởng lợi và giám sát trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng đất.
(4) Vấn đề tích tụ ruộng đất : ban hành quy định khuyến khích tích tụ đất đai bằng hình thức cho phép các tổ chức, cá nhân thông qua việc chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn, góp cổ phần bằng quyền sử dụng đất để hình thành các tổ chức hợp tác, công ty cổ phần trực tiếp sử dụng đất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng chính sách tích tụ đất đai để đầu cơ trục lợi.
(5) Về chính sách giao đất cho thu tiền sử dụng đất : xây dựng, ban hành những quy định để áp dụng đối với các doanh nghiệp sử dụng đất trong nước, thí điểm đối với các doanh nghiệp nước ngoài dưới 2 hình thức : cho thuê đất hoặc giao đất có thời hạn, thu tiền sử dụng đất 1 lần.
(6) Hoàn thiện việc xây dựng tài liệu địa chính : đầu tư có trọng điểm, để từng bước hoàn chỉnh hệ thống tài liệu cơ bản về đất đai nhằm phục vụ kịp thời cho việc khai thác, quản lý, sử dụng đất đai, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới chính sách đất đai.
IV/ Phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện :
Trên cơ sở dự án được duyệt, các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã căn cứ nội dung công việc, trách nhiệm được phân công để chủ trì và phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dụng các hình thức văn bản cụ thể nhằm triển khai thực hiện và trình UBND tỉnh xem xét quyết định những trường hợp thuộc thẩm quyền :
1. Sở Địa chính :
(1) Xây dựng dự án đầu tư và từng bước tổ chức thực hiện để hoàn thiện hệ thống tài liệu cơ bản về đất đai nói chung và hồ sơ địa chính ban đầu nói riêng, nhằm phục vụ kịp thời công tác quản lý đất đai trong tình hình mới. Trước mắt, xây dựng dự án đầu tư và hoàn thiện bản đồ nền địa chính theo lưới toạ độ để kịp thời cung cấp cho các địa phương, các ngành sử dụng thống nhất.
(2) Trên cơ sở phát triển kinh tế xã hội hiện nay và những định hướng, yếu tố mới páht sinh để năm 2005 điều chỉnh bổ sung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đến năm 2010. Hướng dẫn điều chỉnh hoặc xây dựng hoàn thiện quy hoạch sủ dụng đất cấp huyện, xã.
(3) Tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề việc thực hiện chính sách đất đâi, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đề xuất xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp vi phạm chính sách đất đai để lập lại kỹ cương về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.
(4) Hướng dẫn việc dồn điền đổi thửa trên nguyên tắc tự nguyện, tự thoả thuận và các bên cùng có lợi.
(5) Xây dựng quy định về chính sách giao đất cho tổ chức có thời hạn, thu tiền sử dụng đất 1 lần thông qua giá quy định của Nhà nước hiện hành hoặc tổ chức đấu giá.
(6). Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 06/2003/CT-UB ngày 7/4/2003 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác và quản lý sử dụng đất đối với các tổ chức. Tham mưu cho UBND tỉnh để thu hồi những trường hợp đất đã giao hoặc cho thuê nhưng không sử dụng, sử dụng không hết diện tích, sử dụng không đúng mục đích, vi phạm chính sách đất đai... sau khi rà soát theo chỉ thị này.
(7) Hoàn thành công tác cấp giấy CNQSD đất cho các tổ chức tôn giáo theo Chỉ thị 22/2001/CT-UB ngày 17/10/2001 của UBND tỉnh về việc tổ chức thực hiện một số nội dung trong công tác quản lý sử dụng đất đối với các cơ sở thờ tự tôn giáo đang sử dụng vào năm 2004.
(8) Hoàn thiện dự án giao đất giao rừng trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng việc giao đất lâm nghiệp cho cộng đồng các dân tộc thiểu số nhằm hoàn thành việc giao đất, cấp giấy CNQSD đất lâm nghiệp theo dự án vào năm 2007. Xây dựng chính sách và biện pháp cần thiết để đồng bào giữ được đất sản xuất và ổn định cuộc sống.
(9) Xây dựng đề án thành lập tổ chức dịch vụ công về đất đai, quy định việc quản lý hoạt động hành chính công và dịch vụ công về đất đai.
(10) Hướng dẫn, tổ chức điều tra thống kê lập đề án xây dựng quỹ đất công trên cơ sở thu hồi hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đối với đất nông nghiệp, lâm nghiệp đã quy hoạch voà mục đích xây dựng đô thị, kết cấu hạ tầng...
2. Sở Nông nghiệp - PTNT :
(1) Lập dự án đầu tư và tổ chức thực hiện việc đánh giá tiềm năng đất đai, xây dựng bản đồ thích nghi đất đai trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó xây dựng phương án quy hoạch phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp bền vững, quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy đã được xây dựng trên địa bàn tỉnh.
(2) Xây dựng dự án phát triển mở rộng hoạt động khuyến nông - khuyến lâm, ưu tiên đối với khu vực miền núi dành cho cộng đồng các dân tộc thiểu số.
(3) Điều tra, khảo sát xây dựng đề án khai hoang phục hoá ưu tiên việc cải tạo đồng ruộng trồng lúa nước, khai thác tốt tiềm năng quỹ đất chưa sử dụng, đặc biệt phục vụ cho việc phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại.
(4) Xây dựng chính sách về quyền hưởng lợi và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao đất, được thuê, được nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp.
3. Sở Tài chính - Vật giá :
(1) Xây dựng tổ chức định giá đất chuyên nghiệp, hoặc chuyên môn hoá bộ phận định gí đất của đơn vị, để vừa đảm bảo thực hiện nhanh, linh hoạt công tác định giá đất trên toàn tỉnh, vừa kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn chính sách, quy chế tài chính về đất đai, kể cả việc thu tiền sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu, nhận thầu dự án, để mọi tổ chức, cá nhân và UBND các cấp có cơ sở tổ chức thực hiện.
(2) Đề xuất trích tỷ lệ các nguồn thu từ đất để đầu tư xây dựng hệ thống các tài liệu cơ bản về quản lý đất đai, môi trường và tài nguyên khác như : quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đo đạc, xây dựng hồ sơ địa chính, đăng ký biến động đất đai, định giá đất, đánh giá tiềm năng đất đai, tổ chức thanh kiểm tra chuyên đề, cấp giấy CNQSD đất cho các tổ chức sử dụng đất, cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sử dụng đất.
(3) Xây dựng chính sách ưu đãi về giá, thuế, vay lãi suất thấp, mua nhà trả góp... đối với đối tượng chính sách, người nghèo...
(4) Tiếp tục hoàn chỉnh quy chế đấu giá nhận quyền sử dụng đất, việc đổi đất xây dựng cơ sở hạ tầng.
4. Sở Xây dựng, Ban triển khai đề án khu KTM, Ban quản lý đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc :
(1) Tiếp tục hướng dẫn xây dựng và hoàn thiện đồng bộ các dự án quy hoạch đô thị, cơ sở hạ tầng, khu trung tâm, quy hoạch nghĩa trang nhân dân, cơ sở hoả táng cho từng địa phương, phân bổ lại khu dân cư theo yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, quy hoạch xây dựng đô thị sinh thái ven biển, ven đường Hồ Chí Minh và đường Đông Trường Sơn, công khai rộng rãi, xác định mốc giới quy hoạch cụ thể ngoài thực địa để địa phương triển khai thực hiện.
(2) Xây dựng và công bố quy hoạch chi tiết từng khu vực phân theo chức năng sử dụng để tiến hành giao đất, cho thuê đất dưới nhiều hình thức, nhiều loại hình đã được xác định.
(3) Đề xuất hình thứuc tổ chức quản lý xây dựng, quản lý quy họach cấp giấy phép xây dựng trong các thị trấn và khu dân cư nông thôn, xây dựng nhà thờ tộc họ, xây dựng các công trình tín ngưỡng dân gian...
5. UBND các cấp, các Sở, Ban, ngành có nhu cầu sử dụng đất : Sớm xây dựng hoặc điều chỉnh bổ sung quy hoạch sử dụng đất cho phù hợp với tình hình phát triển chung để hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất theo ngành, địa phương trong năm 2004.
6. Sở Thể dục - Thể thao, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở y tế, Sở Văn hoá Thông tin : xây dựng quy hoạch ,kế hoạch sử dụng đất theo tinh thần Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và công văn hướng dẫn số 811/BTNMT-ĐKTKĐĐ ngỳa 24/3/2003 cảu Bộ Tài nguyên - Môi trường về việc dành quỹ đất cho các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao...
7. UBND các cấp, các tổ chức sử dụng đất theo dự án : Khi thực hiện các dự án đầu tư liên quan đến việc di dời giải phóng mặt bằng nhà ở, đất ở phải lập dự án xây dựng khu tái định cư trước để bố trí đất ở cho người bị di dời, cũng như các chính sách hỗ trợ khác theo nguyên tắc ''đảm bảo cho người bị thu hồi đất đến chỗ ở mới có điều kiện phát triển bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ''.
8. Các cấp các ngành, các hội, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng tiến hành tuyên truyền vận động phổ biến để quán triệt đầy đủ nội dung :
- Nghị quyết số 26/NQ-TW hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp hành TW Đảng khoá IX về việc tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước để nhân dân nắm bắt, hưởng ứng và thực hiện.
- Đề án thực hiện đổi mới công tác đất đai đã được UBND tỉnh phê duyệt.
- Tổ chức lấy ý kiến nhân dân tham gia xây dựng luật đất đai sửa đổi khi Quốc hội ban hành dự thảo luật và quán triệt thi hành luật khi Quốc hội thông qua và Chủ tịch nước ký lệnh ban hành./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.