ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 529/QĐ-UBND | Quảng Ninh, ngày 14 tháng 03 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG DU LỊCH, TỔ CHỨC LỄ HỘI, BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29/11/2005; Luật Du lịch ngày 14/6/2005; Luật Di sản Văn hóa ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 15/6/2009;
Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường; số 21/2008/NĐ-CP ngày 28/02/2008 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường; số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường; số 92/2007/NĐ-CP ngày 01/6/2007 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật du lịch; số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa; số 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 19/2013/TTLT-BVHTTDL-BTNMT ngày 30/12/2013 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
Xét đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 93/TTr-TNMT ngày 04/3/2014,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế Bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Điều 2. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan hướng dẫn và triển khai thực hiện bản Quy chế kèm theo Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các Ông, Bà: Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa thể thao và Du lịch; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành chức năng và đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG DU LỊCH, TỔ CHỨC LỄ HỘI, BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 529/QĐ-UBND ngày 14/3/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)
Chương I.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục đích, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Mục đích:
Quy chế Bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được ban hành nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường, gìn giữ cảnh quan và bảo vệ môi trường trong quá trình tiến hành các hoạt động đầu tư, kinh doanh du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, bảo đảm phát triển du lịch đi đôi với bảo tồn, phát huy tối đa các lợi thế tự nhiên, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, các giá trị văn hóa.
2. Phạm vi điều chỉnh:
Quy chế này quy định việc quản lý các hoạt động có liên quan đến bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, bao gồm:
1. Những quy định chung về bảo vệ môi trường, trách nhiệm bảo vệ môi trường đối với cơ sở và khách tham quan du lịch.
2. Trách nhiệm bảo vệ môi trường của cơ sở lưu trú du lịch, doanh nghiệp lữ hành, tổ chức, cá nhân vận chuyển khách du lịch, ban quản lý hoặc tổ chức, cá nhân quản lý khu, điểm du lịch.
3. Trách nhiệm bảo vệ môi trường của đơn vị tổ chức lễ hội, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ tổ chức lễ hội.
4. Trách nhiệm bảo vệ môi trường của đơn vị quản lý di tích và của tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh, dịch vụ trong và ngoài khu vực bảo vệ di tích.
5. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước.
3. Đối tượng áp dụng:
1. Các cơ quan quản lý nhà nước; các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
2. Ngoài việc chấp hành các quy định của Quy chế này, các tổ chức, cá nhân có liên quan phải chấp hành các quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 2. Thực hiện đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
1. Tổ chức, cá nhân quản lý cơ sở, chủ cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại cơ sở khi lập dự án đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp, sửa chữa, bảo quản, tu bổ, phục hồi các hạng mục đầu tư xây dựng trong khu di tích, khu du lịch, điểm du lịch phải căn cứ vào nội dung, quy mô của dự án để lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đăng ký xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường.
2. Việc lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; đăng ký xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường; thực hiện, kiểm tra, xác nhận việc thực hiện các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường phải tuân theo các quy định hiện hành.
3. Tổ chức, cá nhân quản lý cơ sở, chủ cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại cơ sở có trách nhiệm thực hiện hoạt động quan trắc môi trường định kỳ theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường đã được chấp thuận.
4. Chủ cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại cơ sở có trách nhiệm gửi báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường đã được chấp thuận tới tổ chức, cá nhân quản lý cơ sở để theo dõi việc thực hiện.
Điều 3. Áp dụng các quy chuẩn môi trường
Các tổ chức, cá nhân khi tổ chức hoặc thực hiện hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích phải tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường và các quy chuẩn có liên quan; Có trách nhiệm thông báo kịp thời và kiến nghị với UBND cấp huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch biện pháp xử lý khi chất lượng môi trường nơi diễn ra các hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích không đảm bảo hoặc có biểu hiện ô nhiễm môi trường.
Điều 4. Kế hoạch bảo vệ môi trường, niêm yết quy định về bảo vệ môi trường, chế độ báo cáo về môi trường tại cơ sở
1. Tổ chức, cá nhân quản lý cơ sở, chủ cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại cơ sở có trách nhiệm lập kế hoạch bảo vệ môi trường hàng năm. Kế hoạch bảo vệ môi trường của các cơ sở bao gồm các nội dung theo dõi giảm thiểu, xử lý ô nhiễm môi trường, ứng phó sự cố môi trường; Kế hoạch được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với những thay đổi có liên quan đến tác động môi trường và các yêu cầu khác.
2. Niêm yết quy định về bảo vệ môi trường tại cơ sở.
Tổ chức, cá nhân quản lý cơ sở có trách nhiệm niêm yết quy định về bảo vệ môi trường tại cơ sở bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) Trình bày thành bảng riêng hoặc thành một phần trong nội quy của cơ sở; Trình bày rõ ràng, đảm bảo mỹ quan, được đặt tại những khu vực thuận tiện quan sát và không ảnh hưởng đến cảnh quan của cơ sở.
b) Căn cứ đặc điểm của cơ sở, nội dung trong niêm yết phải ghi rõ các hành vi bị nghiêm cấm đã được quy định tại Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, các hành vi liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ môi trường của cơ sở.
3. Thực hiện chế độ báo cáo công tác giám sát môi trường định kỳ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 15 tháng 12 hàng năm; báo cáo đột xuất về bảo vệ môi trường theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tổ chức, cá nhân quản lý cơ sở có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý thông tin về các vi phạm bảo vệ môi trường xảy ra tại cơ sở.
Điều 5. Trách nhiệm bảo vệ môi trường tại cơ sở
1. Tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường bao gồm:
a) Chấp hành các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường và các quy định khác có liên quan.
b) Khắc phục ô nhiễm môi trường do hoạt động của mình gây ra.
c) Không khai thác, kinh doanh, tiêu thụ, sử dụng, vận chuyển trái phép các loài thực vật, động vật hoang dã quý hiếm thuộc danh mục cấm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
d) Chấp hành chế độ kiểm tra, thanh tra bảo vệ môi trường; thực hiện việc nộp thuế môi trường, phí bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
2. Khuyến khích hoạt động về bảo vệ môi trường tại cơ sở bao gồm;
a) Hưởng ứng, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật trên địa bàn. Đóng góp nguồn lực cho hoạt động bảo vệ môi trường tại địa phương; thường xuyên cải tạo, củng cố, phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp.
b) Xây dựng thói quen tiêu dùng thân thiện với môi trường, sử dụng máy móc, thiết bị, phương tiện đạt tiêu chuẩn môi trường. Hạn chế việc sử dụng nhiên liệu, nguyên liệu, thiết bị, phương tiện thải khí độc hại ra môi trường.
c) Thực hành tiết kiệm điện, nước, nhiên liệu, chất đốt, chất tẩy giặt, thực phẩm.
3. Quản lý và xử lý chất thải, khí thải, nước thải được thải ra từ hoạt động của cơ sở phải tuân thủ các quy định sau đây;
a) Có phương tiện, thiết bị thu gom, lưu giữ chất thải rắn, chất thải nguy hại; thực hiện phân loại chất thải rắn, chất thải nguy hại tại nguồn; thực hiện thu gom hoặc hợp đồng với các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện để thu gom chất thải tại cơ sở và chuyển đến nơi xử lý.
b) Bảo đảm có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về nước thải; trường hợp nước thải được chuyển về hệ thống xử lý nước thải tập trung thì phải tuân thủ các quy định của tổ chức quản lý hệ thống xử lý nước thải tập trung.
c) Đặt các thiết bị thu gom, phân nguồn rác hợp lý bảo đảm mỹ quan và tiện lợi.
d) Trong trường hợp tự xử lý chất thải rắn, lỏng thì công trình, hệ thống xử lý phải đạt tiêu chuẩn môi trường, bảo đảm về mặt công nghệ và được vận hành đúng quy định.
đ) Thực hiện quản lý và kiểm soát bụi, khí thải của cơ sở theo quy định; bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí thải, hơi, khí độc hại ra môi trường.
4. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức
a) Tổ chức tuyên truyền, giáo dục và vận động về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển rừng đối với người làm việc tại cơ sở, du khách và cộng đồng dân cư địa phương.
b) Hưởng ứng, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật trên địa bàn. Đóng góp nguồn lực cho hoạt động bảo vệ môi trường tại địa phương;
5. Nhà vệ sinh tại cơ sở
a) Cơ sở phải xây dựng, bố trí đầy đủ, hợp lý nhà vệ sinh phục vụ du khách; đáp ứng điều kiện bảo đảm hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn nhà tiêu tại QCVN 01:2011/BYT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà tiêu - Điều kiện bảo đảm hợp vệ sinh được ban hành kèm theo Thông tư số 27/2011/TT-BYT ngày 24 tháng 6 năm 2011 của Bộ Y tế;
b) Ngoài việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này, nhà vệ sinh tại cơ sở thực hiện một số quy định sau:
- Có biển chỉ dẫn nhà vệ sinh rõ ràng, bằng tiếng Việt và tiếng Anh (kèm chữ viết tắt tiếng Anh: WC), ở những nơi mang tính đặc thù cần thiết có thể có thêm ngôn ngữ khác;
- Có vị trí thuận lợi, dễ tiếp cận, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách khi sử dụng; Có khu vực vệ sinh riêng cho nam và nữ, có thể có ký hiệu bằng hình ảnh để phân biệt nhà vệ sinh dành cho nam và nữ, được đặt ở nơi dễ thấy;
- Có đầy đủ trang thiết bị tiện nghi cần thiết, hoạt động tốt, được lắp đặt chắc chắn, sắp xếp gọn gàng; bảo đảm thông thoáng, sạch sẽ, đủ ánh sáng; không bốc mùi gây ảnh hưởng đến môi trường tại cơ sở;
- Bố trí nhân lực để đảm bảo nhà vệ sinh luôn hoạt động tốt và dọn dẹp trong thời gian nhà vệ sinh có mật độ khách sử dụng cao.
- Nước thải từ nhà vệ sinh phải được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường theo quy định trước khi thải vào nguồn tiếp nhận
6. Xây dựng phương án, chuẩn bị phương tiện và các điều kiện cần thiết để ứng phó với các sự cố môi trường có thể xảy ra; Khi xảy ra sự cố môi trường tổ chức cứu người, tài sản, kịp thời thông báo, tích cực phối hợp và tuân thủ sự điều hành của chính quyền địa phương hoặc cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường nơi xảy ra sự cố để có biện pháp ứng phó phù hợp và khắc phục hậu quả do sự cố môi trường gây ra.
7. Đảm bảo nguồn lực cho hoạt động bảo vệ môi trường
a) Đảm bảo tài chính duy trì hoạt động bảo vệ môi trường
- Căn cứ kế hoạch bảo vệ môi trường hằng năm, các cơ sở có trách nhiệm cân đối, bố trí kinh phí tài chính từ ngân sách nhà nước được cấp và các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật để đảm bảo cho hoạt động bảo vệ môi trường của cơ sở.
- Khuyến khích các cơ sở thành lập, duy trì quỹ bảo vệ môi trường của mình và hoạt động theo điều lệ của quỹ.
b) Bố trí nhân lực thực hiện nhiệm vụ: kiểm tra, giám sát việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với cơ sở; quản lý hệ thống thu gom, tập trung chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại; hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, hệ thống xử lý khí thải và vệ sinh môi trường hàng ngày.
8. Phòng, chống tác hại của thuốc lá tại cơ sở bao gồm:
a) Thực hiện các quy định trong Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;
b) Tuyên truyền, vận động, nhắc nhở du khách không hút thuốc lá.
c) Thực hiện các quy định khác có liên quan của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Điều 6. Trách nhiệm bảo vệ môi trường của khách du lịch
1. Tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường tại nơi đến du lịch và chỉ dẫn của doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, người có thẩm quyền quản lý khu, điểm du lịch, của tổ chức, cá nhân vận chuyển khách du lịch, cơ quan quản lý du lịch.
2. Có ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh nơi tham quan du lịch; Xả chất thải vào thiết bị thu gom chất thải đúng nơi quy định.
3. Không chặt cây, bẻ cành hoặc có hành vi khác phá hoại cây cối, các thảm thực vật, vườn hoa, phá hoại không gian xanh của cơ sở; không viết, vẽ, ký hiệu riêng làm ảnh hưởng đến mỹ quan của những bộ phận cấu thành của di tích; không làm ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài động vật hoang dã tại các cơ sở có động vật hoang dã sinh sống.
4. Không mang hóa chất độc hại, chất nổ, chất dễ gây cháy, các chất hôi thối, ô nhiễm đến nơi tham quan, du lịch.
5. Không đốt lửa, tạo tia lửa điện gần nguồn nhiệt dễ cháy trong các khu vực dễ gây cháy rừng hoặc hủy hoại thảm thực vật; Không đốt pháo, đốt và thả đèn trời.
6. Dâng lễ, đặt tiền lễ, tiền giọt dầu, thắp hương, hóa sớ, bỏ rác thải đúng nơi quy định; không xâm hại đến di vật, không viết, vẽ, ký hiệu riêng làm ảnh hưởng đến mỹ quan của những bộ phận cấu thành của di tích.
7. Không mua bán, sử dụng động vật, thực vật quý hiếm và sản phẩm có nguồn gốc từ động thực vật quý hiếm theo quy định; không mang các loại sinh vật ngoại lai gây nguy hại đối với môi trường, con người vào cơ sở. Thực hiện quy định về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển rừng.
8. Tham gia các phong trào bảo vệ môi trường, tuyên truyền, vận động mọi người cùng chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường tại cơ sở; sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.
9. Kịp thời phản ánh với người có trách nhiệm tại cơ sở những hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.
Chương II
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG DU LỊCH
Điều 7. Trách nhiệm bảo vệ môi trường của các cơ sở lưu trú du lịch
1. Sử dụng hợp lý, tiết kiệm điện, nước, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và các tài nguyên khác trong quá trình hoạt động du lịch.
2. Bảo đảm các điều kiện vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm khi cung cấp các dịch vụ trong cơ sở lưu trú du lịch theo quy định.
3. Việc sử dụng hóa chất trong cơ sở lưu trú du lịch phải đúng quy trình, chủng loại và liều lượng quy định; an toàn cho người sử dụng và khách lưu trú; không gây ô nhiễm môi trường.
4. Bố trí đủ số lượng các thùng rác ở vị trí thuận tiện cho khách bỏ rác, lựa chọn địa điểm tập kết rác thải đảm bảo hợp vệ sinh, mỹ quan; Hợp đồng với các đơn vị có chức năng để thu gom toàn bộ rác thải, vận chuyển đến nơi quy định để xử lý; Không thực hiện các biện pháp đốt, chôn lấp rác thải trong các khu du lịch, điểm du lịch. Quản lý chất thải rắn theo đúng quy định tại Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 của Chính phủ về Quản lý chất thải rắn. Các loại chất thải nguy hại phải được thu gom, phân loại, bố trí khu vực lưu giữ đảm bảo, thực hiện quản lý chất thải nguy hại theo quy định tại Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT ngày 14/4/2011 Quy định về quản lý chất thải nguy hại.
5. Công trình vệ sinh phải đáp ứng các quy định hiện hành về việc xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch.
6. Thực hiện quản lý, theo dõi, đánh giá định kỳ về tình hình môi trường tại cơ sở lưu trú du lịch và hàng năm lập báo cáo về công tác bảo vệ môi trường kèm theo kết quả quan trắc hiện trạng môi trường báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch để theo dõi, giám sát trước ngày 15 tháng 01 năm sau; Đồng thời thu thập thông tin phản hồi của khách về môi trường tại các cơ sở du lịch để không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường.
7. Bố trí cán bộ (chuyên trách hoặc kiêm nhiệm) có kiến thức, nghiệp vụ về bảo vệ môi trường theo dõi công tác bảo vệ môi trường tại cơ sở. Có đầy đủ lực lượng làm công tác vệ sinh môi trường tại cơ sở lưu trú du lịch.
8. Trường hợp các cơ sở lưu trú du lịch nhằm trong hoặc liền kề với các khu vực nhạy cảm về môi trường như: các khu bảo tồn thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa, danh lam, thắng cảnh hoạt động du lịch phải đảm bảo không ảnh hưởng tiêu cực đến cảnh quan, môi trường khu vực.
9. Khuyến khích đăng ký cấp nhãn hiệu cơ sở lưu trú du lịch thân thiện với môi trường như nhãn sinh thái, nhãn du lịch bền vững.
10. Chấp hành nghiêm chỉnh các yêu cầu của đoàn thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
11. Thực hiện các quy định khác có liên quan của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Điều 8. Trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành
1. Tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường khi xây dựng chương trình và tổ chức các hoạt động du lịch, không tổ chức các loại hình du lịch gây tổn hại đến môi trường.
2. Lồng ghép các nội dung về bảo vệ môi trường vào tài liệu hướng dẫn du lịch. Thông báo, nhắc nhở, chỉ dẫn khách du lịch tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường nơi đến du lịch; không được phép đưa khách vào những nơi không được phép hoạt động du lịch tại các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên và các khu vực cấm khác;
3. Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình môi trường, không đưa khách đến các vùng bị ô nhiễm nặng, vùng đang xảy ra sự cố môi trường, đảm bảo an toàn cao nhất về sức khỏe, tính mạng cho du khách;
4. Trang bị kiến thức về bảo vệ môi trường, các biện pháp ứng cứu trong trường hợp xảy ra sự cố môi trường cho các hướng dẫn viên du lịch;
5. Tích cực tham gia hoạt động bảo vệ môi trường tại các địa phương nơi doanh nghiệp tổ chức các chương trình du lịch; tuân thủ sự điều hành của cơ quan có thẩm quyền về tránh và khắc phục hậu quả do sự cố môi trường gây ra.
6. Khuyến khích phát triển loại hình du lịch thân thiện với môi trường.
7. Thực hiện các quy định khác có liên quan của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Điều 9. Trách nhiệm bảo vệ môi trường của các tổ chức cá nhân kinh doanh vận chuyển khách du lịch
1. Không vận chuyển các chất nổ, chất cháy, chất phóng xạ; các loài động thực vật quý hiếm hoặc các loại hàng hóa trái phép theo quy định. Đối với các loại hàng hóa có mùi khó chịu mà được phép vận chuyển thì trước khi đưa lên phương tiện vận chuyển phải được gói bọc kỹ, không để lọt mùi ra bên ngoài, không để rơi vãi trên phương tiện vận chuyển và trên đường vận chuyển
2. Hướng dẫn nhắc nhở khách du lịch không xả rác bừa bãi, tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường tại các điểm dừng chân trên tuyến, đường đi. Thu gom, đổ đúng nơi quy định rác thải phát sinh trên phương tiện trong quá trình vận chuyển khách du lịch.
3. Sử dụng các phương tiện vận chuyển bảo đảm đủ tiêu chuẩn theo quy định hiện hành để kinh doanh vận chuyển khách du lịch. Đối với các phương tiện lưu trú, vận chuyển khách du lịch, nhà hàng nổi, khách sạn nổi nói chung, các tàu vận chuyển khách tham quan du lịch và tàu lưu trú khách du lịch trên Vịnh Hạ Long nói riêng phải đảm bảo các yêu cầu tại Thông tư số 43/2012/TT-BGTVT ngày 23/10/2012 của Bộ Giao thông vận tải Quy định các yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi và các quy định của UBND Tỉnh Quảng Ninh về việc quản lý hoạt động tàu vận chuyển khách tham quan du lịch và tàu lưu trú khách du lịch trên Vịnh Hạ Long.
4. Trang bị kiến thức về bảo vệ môi trường, các biện pháp ứng cứu trong trường hợp xảy ra sự cố môi trường cho các nhân viên điều khiển và phục vụ trên phương tiện vận chuyển khách du lịch.
5. Khuyến khích áp dụng công nghệ tiên tiến; tăng cường nghiên cứu, chế tạo thiết bị, phương tiện vận chuyển khách du lịch tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng nhiên liệu sạch, năng lượng tái tạo và các dạng nhiên liệu thay thế khác thân thiện với môi trường.
6. Thực hiện các quy định khác có liên quan của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Điều 10. Trách nhiệm bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân trong khu, điểm du lịch
1. Hướng dẫn, yêu cầu tổ chức, cá nhân hoạt động trong phạm vi khu, điểm du lịch thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường; yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong phạm vi khu, điểm du lịch có bản cam kết bảo vệ môi trường và kiểm tra việc thực hiện cam kết này. Chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên nếu để xảy ra các vi phạm về bảo vệ môi trường.
2. Thực hiện bảo vệ môi trường ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển theo quy định của pháp luật.
3. Tại bãi tắm du lịch đơn vị quản lý, khai thác có trách nhiệm đảm bảo không có chất thải rắn thải xuống bãi tắm du lịch; chất thải lỏng trước khi thải xuống khu vực này phải được xử lý bảo đảm tiêu chuẩn cho phép; không đánh bắt thủy sản, neo đậu phương tiện đánh bắt thủy sản và phương tiện vận tải thủy ở khu vực bãi tắm.
4. Không đưa các loài động vật, thực vật, vi sinh vật ngoại lai thuộc danh mục cấm vào chăn thả, nuôi, trồng ở khu, điểm du lịch.
5. Kịp thời phát hiện các hiện tượng suy thoái, ô nhiễm, sự cố môi trường tại khu, điểm du lịch, thông báo ngay cho các cơ quan có trách nhiệm, đồng thời áp dụng các biện pháp ngăn ngừa và khắc phục hậu quả theo quy định. Tham gia khắc phục ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường và các phong trào bảo vệ môi trường do địa phương và ngành du lịch phát động.
6. Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng tiến hành quan trắc, theo dõi biến động môi trường tại khu, điểm du lịch.
7. Trường hợp khu, điểm du lịch nằm trong hoặc liền kề với các khu vực nhạy cảm về môi trường, phải bảo đảm hoạt động tại khu, điểm du lịch không ảnh hưởng xấu đến môi trường ở các khu vực xung quanh.
Điều 11. Trách nhiệm bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân kinh doanh các hoạt động dịch vụ du lịch khác
1. Tổ chức, cá nhân sinh sống, hoạt động trong các khu, điểm du lịch hoặc các khu vực đã được quy hoạch cho phát triển du lịch không được có các hoạt động gây tác động xấu đến cảnh quan, môi trường du lịch; Tham gia khắc phục ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường và các phong trào bảo vệ môi trường do địa phương và ngành du lịch phát động
2. Thực hiện thu gom, xử lý rác thải và tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường theo hướng dẫn của tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý khu, điểm du lịch; tham gia bảo vệ, tôn tạo môi trường du lịch, phòng và chống ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường trên địa bàn.
3. Không sử dụng nguyên liệu là thực vật, động vật hoang dã quý hiếm hoặc có nguồn gốc từ thực vật, động vật hoang dã quý hiếm thuộc danh mục cấm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định trong dịch vụ ăn uống, chế biến thực phẩm, sản xuất hàng hóa phục vụ khách du lịch.
4. Không sử dụng các hóa chất gây hại cho sức khỏe của du khách.
Chương III
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG TỔ CHỨC LỄ HỘI
Điều 12. Trách nhiệm về bảo vệ môi trường của đơn vị tổ chức lễ hội
1. Trong quá trình tiến hành các hoạt động lễ hội, liên hoan du lịch, đơn vị tổ chức lễ hội phải khoanh vùng để hạn chế khách du lịch vào tham quan tại khu vực có hệ sinh thái nhạy cảm và có biện pháp tránh tập trung lượng khách quá lớn tại một thời điểm để bảo đảm an toàn cho du khách, và môi trường tại nơi tổ chức lễ hội;
2. Đơn vị tổ chức lễ hội có trách nhiệm kiểm soát, hạn chế, giảm thiểu tiếng ồn để không ảnh hưởng đến không gian tổ chức lễ hội cũng như sinh hoạt, sức khỏe của cộng đồng dân cư tại nơi diễn ra lễ hội.
3. Sắp xếp, kiểm soát các phương tiện vận chuyển, các cơ sở kinh doanh dịch vụ và các nguyên nhân khác phát sinh khí thải, bụi, chất thải vượt giới hạn cho phép, ảnh hưởng tới du khách và cộng đồng dân cư tại nơi diễn ra lễ hội.
4. Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về công tác bảo vệ môi trường trong quá trình tổ chức cho cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
5. Đối với những lễ hội mà đặc thù không có nhà vệ sinh cố định theo quy định tại Khoản 5, Điều 5 Quy chế này, đơn vị tổ chức phải bố trí nhà vệ sinh lưu động hoặc thuê nhà vệ sinh đủ điều kiện gần nơi tổ chức lễ hội để đảm bảo cho khách tham gia lễ hội có nhà vệ sinh sử dụng.
6. Bố trí nơi đặt thùng rác thuận tiện cho khách; tổ chức hoặc phối hợp với cơ quan liên quan tiến hành thu gom rác để đưa đến nơi xử lý.
7. Thực hiện các quy định khác có liên quan của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Điều 13. Bộ phận chuyên trách về bảo vệ môi trường trong tổ chức lễ hội
1. Đối với những lễ hội có quy mô lớn, số lượng người tham gia đông, thời gian tổ chức kéo dài quá ba ngày, Ban tổ chức phải thành lập bộ phận chuyên trách thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, tiếp nhận và xử lý những thông tin được phản hồi về bảo vệ môi trường. Người đứng đầu phải là thành viên Ban tổ chức lễ hội có kiến thức, nghiệp vụ về bảo vệ môi trường.
2. Đối với những lễ hội không thuộc quy định tại Khoản 1 Điều này phải có bộ phận thường xuyên thu gom, phân loại, xử lý rác thải, vệ sinh môi trường trước, trong và sau quá trình tổ chức lễ hội.
Điều 14. Kế hoạch bảo vệ môi trường trong quá trình tổ chức lễ hội
1. Đối với những lễ hội không phải xin cấp phép, ngoài báo cáo bằng văn bản về thời gian, địa điểm, nội dung, kịch bản (nếu có) và danh sách Ban Tổ chức lễ hội với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa theo quy định, đơn vị tổ chức phải xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường. Nội dung kế hoạch phải có cam kết bảo vệ môi trường, phương án ứng phó trong trường hợp xảy ra sự cố về môi trường trước, trong và sau quá trình tổ chức lễ hội.
2. Đối với những lễ hội khi tổ chức phải được phép của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hồ sơ xin phép tổ chức lễ hội phải bao gồm kế hoạch bảo vệ môi trường. Nội dung kế hoạch phải có cam kết bảo vệ môi trường, phương án ứng phó trong trường hợp xảy ra ra sự cố về môi trường trước, trong và sau quá trình tổ chức lễ hội.
3. Đơn vị tổ chức lễ hội chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong việc thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường; cam kết bảo vệ môi trường, đồng thời chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm về bảo vệ môi trường trong quá trình tổ chức lễ hội.
Điều 15. Trách nhiệm bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ phục vụ tổ chức lễ hội.
1. Thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường của pháp luật; các quy định cụ thể về bảo vệ môi trường của ban tổ chức lễ hội.
2. Cam kết bảo vệ môi trường với ban tổ chức lễ hội; bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.
3. Không giết mổ, kinh doanh động, thực vật quý hiếm, cũng như hàng hóa có nguồn gốc từ động thực vật quý hiếm theo quy định tại khu vực tổ chức lễ hội.
4. Thu gom và xử lý chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh dịch vụ, bảo đảm vệ sinh môi trường không làm ảnh hưởng đến môi trường lễ hội.
5. Có trách nhiệm xây dựng môi trường lễ hội thân thiện.
Chương IV
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH
Điều 16. Trách nhiệm bảo vệ môi trường của đơn vị quản lý di tích
1. Đối với các di tích có tổ chức các lễ hội thì trong quá trình tổ chức lễ hội phải thực hiện các quy định có liên quan tại Chương III Quy chế này.
2. Đối với các di tích thường xuyên có khách đến tham quan, phải thành lập bộ phận chuyên trách về bảo vệ môi trường, trong đó người đứng đầu phải là thành viên trong Ban quản lý di tích.
3. Bố trí hợp lý nơi thắp hương, hóa sớ đảm bảo an toàn và phòng, chống cháy nổ; bố trí hệ thống thông gió tại những nơi thắp hương không phải ngoài trời, có nhiều người thắp hương trong cùng thời điểm.
4. Thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, giáo dục, vận động các tổ chức, cá nhân sinh sống, hoạt động kinh doanh dịch vụ bên ngoài khu di tích thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Kiến nghị với các cơ quan chức năng xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh di tích.
5. Đưa nội dung quy định bảo vệ môi trường tại cơ sở, trách nhiệm bảo vệ môi trường của du khách vào tài liệu hướng dẫn di tích.
6. Bố trí hợp lý thuận tiện các phương tiện thu gom, phân loại rác cho khách tham quan trên hành trình tham quan di tích.
7. Thực hiện các quy định khác có liên quan của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Điều 17. Bảo vệ môi trường trong hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi, xây mới hạng mục liên quan đến di tích
1. Nguyên tắc
a) Thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong Luật Di sản văn hóa, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật Bảo vệ môi trường và các quy định khác có liên quan;
b) Trong quá trình bảo quản, tu bổ, phục hồi, xây mới di tích phải giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực đến không gian, cảnh quan môi trường xung quanh di tích; Có biện pháp giảm thiểu sự biến đổi về địa hình và sự thay đổi chất lượng đất; Trong suốt quá trình thực hiện và sau quá trình thi công có phương án thu gom, xử lý chất thải rắn xây dựng và các loại chất thải khác phát sinh.
2. Sử dụng hóa chất trong bảo quản, tu bổ, phục hồi, xây mới hạng mục liên quan đến di tích
a) Việc sử dụng hóa chất trong công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi, xây mới các hạng mục liên quan đến di tích phải lập thành dự án trong đó có phần đánh giá tác động của hóa chất sử dụng đến di tích và môi trường của di tích;
b) Thực hiện các quy định của Luật hóa chất và các quy định khác có liên quan; Các loại hóa chất được sử dụng trong quá trình bảo quản, tu bổ, phục hồi, xây mới di tích phải nằm trong danh mục cho phép sử dụng của cơ quan chức năng, đảm bảo an toàn cho người sử dụng hóa chất và không gây ô nhiễm môi trường.
Điều 18. Bảo vệ môi trường trong hoạt động thăm dò, khai quật khảo cổ
Tổ chức, cá nhân khi tiến hành thăm dò, khai quật khảo cổ phải tuân thủ các quy định của pháp luật, đảm bảo không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường tự nhiên, ô nhiễm nguồn nước nơi khai quật khảo cổ, có phương án xử lý đất đá trong quá trình thăm dò, khai quật không làm ảnh hưởng đến môi trường dân sinh.
Điều 19. Trách nhiệm bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh, dịch vụ trong và ngoài khu vực bảo vệ di tích
1. Trong khu vực bảo vệ di tích, tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm.
a) Thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường của pháp luật; các quy định cụ thể về bảo vệ môi trường của đơn vị quản lý di tích;
b) Cam kết bảo vệ môi trường với đơn vị quản lý di tích; bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm;
c) Thu gom và xử lý chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh dịch vụ, bảo đảm vệ sinh môi trường không làm ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan di tích;
d) Trường hợp đơn vị quản lý di tích đứng ra tổ chức các hoạt động kinh doanh, dịch vụ trong phạm vi khuôn viên di tích, phải tuân thủ quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều này và phải chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên nếu để xảy ra các vi phạm về bảo vệ môi trường.
2. Khu vực bên ngoài di tích đơn vị quản lý di tích có trách nhiệm.
a) Thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, giáo dục, vận động các tổ chức, cá nhân sinh sống, hoạt động kinh doanh dịch vụ bên ngoài khu di tích thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
b) Nếu phát hiện những trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên xung quanh di tích, Đơn vị quản lý có trách nhiệm kiến nghị với các cơ quan chức năng xử lý kịp thời.
Chương V
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
Điều 20. Trách nhiệm của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh thực hiện các nhiệm vụ:
1. Tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn các đơn vị hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn thực hiện các quy định tại Quy chế này.
2. Tổ chức kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích tại các đơn vị trên địa bàn; Xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan có trách nhiệm xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
3. Phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
4. Xây dựng và triển khai các mô hình bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia; hỗ trợ tuyên truyền các cơ sở đạt tiêu chuẩn môi trường, các hoạt động tại cơ sở có gắn với bảo vệ môi trường
5. Phối hợp theo dõi tình hình môi trường du lịch tại các khu du lịch, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; Phát hiện kịp thời các hiện tượng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường, các hành vi xâm phạm môi trường du lịch; Xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.
6. Hàng năm báo cáo công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước ngày 15 tháng 12; thực hiện báo cáo đột xuất trong trường hợp xảy ra sự cố môi trường du lịch trên địa bàn.
Điều 21. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường
Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh thực hiện các nhiệm vụ:
1. Hướng dẫn về công tác bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, quản lý di tích.
2. Thực hiện hoạt động quan trắc môi trường các khu, điểm du lịch, di tích, danh thắng... theo mạng điểm quan trắc hiện trạng môi trường được Ủy ban nhân dân Tỉnh phê duyệt. Thông tin cho các cơ quan quản lý có liên quan, các đơn vị hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, quản lý di tích, cộng đồng dân cư và khách du lịch biết về hiện trạng môi trường khi có yêu cầu theo quy định.
3. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn về công tác bảo vệ môi trường cho các đơn vị hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, quản lý di tích; đào tạo, hướng dẫn cán bộ nghiệp vụ môi trường.
4. Phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất về công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, quản lý di tích trên địa bàn quản lý; Xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan có trách nhiệm xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
5. Phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức phòng, chống, khắc phục suy thoái môi trường, ô nhiễm môi trường các khu, điểm du lịch.
Điều 22. Trách nhiệm của Công an Tỉnh
Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành chức năng trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch. Phát hiện và xử lý các hoạt động vi phạm có liên quan như: hàng hóa vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; các loại giống cây trồng, vật nuôi không qua kiểm dịch, có khả năng gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường; Kiểm tra, xử lý các loại phương tiện cơ giới không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, các phương tiện đã hết niên hạn sử dụng tham gia giao thông; Xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên các tuyến giao thông thủy, bộ và trên biển.
Điều 23. Trách nhiệm của UBND các huyện, thị xã, thành phố
1. Chủ trì hoặc phối hợp các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, giáo dục và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch; Đồng thời đưa nội dung bảo vệ môi trường vào kế hoạch phát triển du lịch địa phương.
2. Chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện nhiệm vụ công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch thuộc phạm vi quản lý.
3. Phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cấp trên trực tiếp.
4. Phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định ranh giới, phạm vi hoạt động du lịch, các loại hình du lịch được phép hoạt động, diện tích công trình kiến trúc, các chỉ tiêu bảo vệ sinh thái, đa dạng sinh học tại các khu rừng đặc dụng, vườn quốc gia và các khu bảo tồn khác.
5. Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động cải thiện môi trường du lịch trong quá trình hoạt động.
6. Khen thưởng cho các cơ sở kinh doanh du lịch thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường; Khi xem xét công nhận thành tích của các doanh nghiệp trong hoạt động du lịch phải xem xét việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường.
Điều 24. Trách nhiệm của UBND các xã, phường, thị trấn
1. Chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện nhiệm vụ công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch thuộc phạm vi quản lý.
2. Phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cấp trên trực tiếp.
3. Phối hợp với các cơ quan chức năng, tham gia bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích tại địa phương.
4. Tuyên truyền cho cộng đồng dân cư trên địa bàn trách nhiệm bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích tại địa phương.
Chương VI
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 25. Tổ chức thực hiện
1. Các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy chế này theo chức năng, nhiệm vụ đã được giao.
2. Trong quá trình thực hiện Quy chế, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.