UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 526 /QĐ-UBND | Tuyên Quang, ngày 31 tháng 12 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP VĂN HÓA TỈNH TUYÊN QUANG ĐẾN NĂM 2020
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Di sản Văn hóa ngày 29/6/2001, Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật Di sản văn hóa ngày 29/6/2009;
Căn cứ Luật Điện ảnh ngày 12/7/2006 và Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật Điện ảnh ngày 29/6/2009;
Căn cứ Luật Phòng chống bạo lực gia đình ngày 05/12/2007;
Căn cứ Pháp lệnh Thư viện ngày 28/12/2000 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Khóa X);
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 7/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 92/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Quyết định số 100/2008/QĐ-TTg ngày 15/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020";
Căn cứ Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 05/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 1649/QĐ-TTg ngày 06/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án điều chỉnh, bổ sung định hướng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng căn cứ cách mạng tỉnh Tuyên Quang đến năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 3067/QĐ-BVHTTDL ngày 29/9/2011 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực nhóm ngành văn hóa, thể thao giai đoạn 2011-2020;
Căn cứ Kết luận số 102-KL/TU ngày 25/12/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết luận hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy (kỳ thứ 26);
Xét đề nghị của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 178/TTr-VHTTDL ngày 24/12/2012 về việc xin phê duyệt Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, với nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm
- Xây dựng phát triển sự nghiệp văn hoá Tuyên Quang tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trên cơ sở bảo tồn, phát huy, kế thừa các giá trị văn hoá truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá tiên tiến. Chú trọng xây dựng và phát huy nhân tố con người, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.
- Phát triển văn hóa gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường quản lý, phục hồi, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích lịch sử cách mạng, quan tâm và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch.
- Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa với bước đi thích hợp đối với từng loại hình, dưới sự quản lý thống nhất của Nhà nước, để đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa, hoàn chỉnh các thiết chế văn hóa.
2. Mục tiêu
2.1. Mục tiêu chung
- Xây dựng, phát triển nền văn hoá Tuyên Quang tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội và con người trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế.
- Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, khuyến khích sáng tạo nhiều công trình văn hoá, nghệ thuật tiêu biểu có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Nâng cao chất lượng và mở rộng diện phổ biến các sản phẩm văn hoá đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá ngày càng cao, đa dạng của các tầng lớp nhân dân.
Đẩy mạnh công tác xã hội hoá các hoạt động văn hoá, nghệ thuật; định hướng xây dựng các chính sách, cơ chế quản lý và huy động các nguồn lực, sức sáng tạo trong xã hội để đầu tư xây dựng các công trình và thiết chế văn hoá, tổ chức các hoạt động văn hoá, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, đoàn thể tham gia hoạt động văn hoá, nghệ thuật, quản lý và bảo vệ di tích, di sản văn hoá.
2.2. Mục tiêu cụ thể
2.2.1.Đến năm 2015
- Phấn đấu 30% huyện, thành phố có trung tâm văn hóa - thể thao; 100% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, trong đó 7% xã có trung tâm văn hóa - thể thao đạt chuẩn; 80% số thôn, bản có nhà văn hóa, trong đó 7% thôn, bản có nhà văn hóa - khu thể thao đạt chuẩn.
- Phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn; thôn, bản, tổ dân phố có đội văn nghệ quần chúng hoạt động thường xuyên
- Trên 65% số di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn được xếp hạng.
- 100% số di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc được kiểm kê, phân loại.
- Đạt 0,4 bản sách/người/năm.
- Phấn đấu đạt 1,5 lần xem phim/người/năm.
- Xem nghệ thuật chuyên nghiệp đạt 0,4 lần/người/năm.
- 85% số xã có tủ sách.
- Phấn đấu trên 85% số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; trên 70% thôn, xóm, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu thôn, xóm, bản, tổ dân phố văn hóa; 80% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 7% số xã đạt chuẩn tiêu chí văn hóa nông thôn mới, 5% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.
2.2.2. Đến năm 2020
- Phấn đấu 100% huyện, thành phố có trung tâm văn hóa - thể thao; duy trì 100% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, trong đó trên 35% xã có trung tâm văn hóa - thể thao đạt chuẩn; 100% số thôn, bản có nhà văn hóa, trong đó 32% thôn, bản có nhà văn hóa - khu thể thao đạt chuẩn.
- Phấn đấu 100% các huyện xây dựng được đội nghệ thuật quần chúng hoạt động thường xuyên.
- Trên 80% di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh được xếp hạng.
- Đạt 0,6 bản sách/người/năm.
- 100% thị trấn của các huyện có rạp chiếu phim đạt chuẩn.
- Đạt trên 1,9 lần xem phim/người/năm.
- Xem nghệ thuật chuyên nghiệp đạt 0,6 lần/người/năm.
- 100% số xã có tủ sách.
- Trên 90% số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 80% số thôn, xóm, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa; 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 30% số xã đạt chuẩn tiêu chí văn hóa nông thôn mới; 30% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.
3. Nội dung Quy hoạch
3.1. Xây dựng thiết chế văn hóa, phát triển sản phẩm dịch vụ văn hóa
a) Giai đoạn 2013 - 2015:
- Đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa và Triển lãm tỉnh.
- Đầu tư xây dựng 02 Trung tâm văn hóa – thể thao huyện tại huyện Na Hang và huyện Lâm Bình.
- Đầu tư xây dựng 30 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn, đảm bảo 80% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa.
- Đầu tư xây dựng 10 xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã đạt chuẩn gồm các xã: Mỹ Bằng, Nhữ Hán, Tân Trào, Đại Phú, Thượng Lâm, Kim Bình, Bình Xa, An Khang, Năng Khả, Tràng Đà.
- Xây dựng 146 Nhà Văn hóa - Khu thể thao thôn đạt chuẩn, thuộc các thôn của xã: Mỹ Bằng, Nhữ Hán, Tân Trào, Đại Phú, Thượng Lâm, Kim Bình, Bình Xa, An Khang, Năng Khả, Tràng Đà.
- Tăng cường nhân rộng mô hình nông thôn mới; nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân. Đảm bảo cho nhân dân được tham gia các hoạt động văn hóa mang tính cộng đồng. Đầu tư và đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ văn hóa, gắn các dịch vụ văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của tỉnh.
- Xây dựng điểm vui chơi cho trẻ em gắn với xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở.
- Hỗ trợ đầu tư trang thiết bị cho 100 nhà văn hóa cơ sở.
b) Giai đoạn 2016 - 2020:
- Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp 05 Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện thành phố, gồm: Thành phố Tuyên Quang, huyện Chiêm Hóa, huyện Yên Sơn, huyện Hàm Yên, huyện Sơn Dương.
- Xây dựng 50 Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã đạt chuẩn.
- Cải tạo, nâng cấp, xây dựng đảm bảo 100% số thôn, bản có nhà văn hóa, trong đó 670 thôn, bản có Nhà văn hóa, khu thể thao thôn, bản đạt chuẩn.
- Hoàn thiện thiết chế văn hóa cả về số lượng và chất lượng đạt chuẩn đối với các huyện, xã, thôn, bản.
- Đầu tư nâng cấp công viên Tân Quang, công viên Sông Lô (từ ngã ba Quảng trường Nguyễn Tất Thành đến Cầu Chả).
- Xây dựng các công viên văn hóa, khu vui chơi giải trí; xây dựng điểm vui chơi cho trẻ em gắn với xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở.
- Hỗ trợ đầu tư trang thiết bị cho 100 nhà văn hóa cơ sở.
3.2. Di sản văn hóa
3.2.1. Di sản văn hóa vật thể:
a) Giai đoạn 2013 - 2015:
- Lập Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, gắn với phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025 và thực hiện tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt theo quy hoạch.
- Lập và thực hiện dự án đầu tư bảo vệ, phục hồi, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2012 - 2015.
- Triển khai thi công dự án phục hồi, bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử quốc gia cách mạng Lào, thôn Làng Ngòi và thôn Đá Bàn, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
- Hệ thống hóa các di sản văn hóa vật thể phục vụ cho công tác nghiên cứu, tra cứu.
- Tin học hóa 50% tài liệu, hiện vật quý hiếm trong Bảo tàng tỉnh.
- Phục chế 200 hiện vật gốc quý hiếm có tại Bảo tàng tỉnh để trưng bày.
- Xếp hạng trên 35 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.
- Phục dựng Đình Yên Thượng, Thôn Yên Thượng xã Trung Yên, huyện Sơn Dương.
b) Giai đoạn 2016 - 2020:
- Tiếp tục thực hiện việc tu bổ, tôn tạo và xây dựng di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, gắn với phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang theo quy hoạch.
- Tiếp tục đầu tư xây dựng, bảo vệ, phục hồi, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh.
- Xếp hạng trên 90 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.
- Tin học hóa 70% tài liệu, hiện vật quý hiếm trong Bảo tàng tỉnh.
- Phục chế 250 hiện vật gốc quý hiếm có tại Bảo tàng tỉnh để trưng bày.
- Phấn đấu xây dựng 01 bảo tàng tư nhân.
3.2.2. Di sản văn hóa phi vật thể:
a) Giai đoạn 2013 - 2015:
- Kiểm kê, phân loại 100% số di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc trên địa bàn 141 xã, phường, thị trấn.
- Lập 05 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
- Hoàn thiện hồ sơ di sản văn hóa Then (dân tộc Tày) đề nghị UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
- Phục dựng lễ hội truyền thống, các phong tục, tập quán độc đáo của các dân tộc: Tày, Dao, Cao Lan trên địa bàn tỉnh.
- Đầu tư, hỗ trợ xây dựng, bảo tồn làng văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch (xây dựng điểm) của đồng bào dân tộc Tày tại thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương và làng văn hóa dân tộc Cao Lan, thôn Giếng Tanh, xã Kim Phú, huyện Yên Sơn.
- Xây dựng mô hình bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, trang phục một số dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một.
- Tổ chức trưng bày, triển lãm giới thiệu văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh 1 lần/năm, tổ chức diễn xướng dân gian các dân tộc 1 lần/năm.
b) Giai đoạn 2016 - 2020:
- Đầu tư, hỗ trợ xây dựng, bảo tồn làng văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch tại một số địa phương có điều kiện.
- Phục dựng lễ hội truyền thống, các phong tục, tập quán độc đáo của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
- Hoàn thiện công tác điều tra, sưu tầm, xây dựng “Ngân hàng dữ liệu” về văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể tiêu biểu.
- Lập 10 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
- Bảo tồn 05 làng văn hóa dân tộc.
- Tiếp tục duy trì, phát triển làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, trang phục một số dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
- Trưng bày, triển lãm giới thiệu văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh 2 lần/năm, tổ chức diễn xướng dân gian các dân tộc 2 lần/năm
3.3. Thư viện
a) Giai đoạn 2013 - 2015:
- Xây dựng Thư viện huyện Na Hang, huyện Lâm Bình.
- Khai thác, sử dụng hiệu quả dự án "Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tại Việt Nam" tại Thư viện tỉnh, 06 thư viện huyện và 10 thư viện xã.
- Thư viện tỉnh mỗi năm nhập trên 4.000 bản sách, thư viện huyện mỗi năm nhập trên 1.000 bản sách.
- Tin học hóa 40% số tài liệu quý hiếm trong thư viện tỉnh.
- Đầu tư, trang bị 85% số xã có tủ sách.
- 85% - 88% số tủ sách của cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang và thư viện trường học trên địa bàn tỉnh được nâng cấp chất lượng.
- Kết nối các hoạt động thư viện tỉnh với thư viện huyện và tủ sách của các địa phương, các cơ quan, trường học trên cơ sở mở rộng hệ thống thư viện điện tử.
b) Giai đoạn 2016-2020:
- Xây dựng Thư viện huyện Hàm Yên, huyện Yên Sơn.
- Nâng cao chất lượng thư viện điện tử; xây dựng 02 thư viện huyện đạt chuẩn.
- Thư viện tỉnh mỗi năm nhập trên 5.000 bản sách, thư viện huyện mỗi năm nhập trên 1.500 bản sách.
- Phấn đấu nâng tỷ lệ tin học hóa tài liệu quý hiếm lên tỷ lệ từ 60 – 70%.
- Hình thành thư viện tư nhân tại thành phố Tuyên Quang, khu đô thị đông dân cư.
- Hoàn thiện và phổ cập tủ sách và nâng cao chất lượng hoạt động của các tủ sách đối với tất cả các xã, phường, thị trấn, các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh.
- Hoàn thiện và hiện đại hóa từng bước cơ sở hạ tầng, thiết bị phục vụ công tác nghiệp vụ thư viện tuyến huyện, tăng khả năng kết nối hoạt động chuyên môn giữa thư viện tỉnh và thư viện huyện.
3.4. Điện ảnh
a) Giai đoạn 2013 - 2015:
- Cải tạo, nâng cấp Rạp Tháng Tám đạt chuẩn rạp chiếu phim đối với đô thị loại III.
- Phấn đấu xây dựng 01 bộ phim tài liệu.
- Từng bước đầu tư trang thiết bị cho 07 đội chiếu phim lưu động tại địa bàn các huyện có thôn, bản thuộc khu vực III để phục vụ các nhiệm vụ chính trị, nâng cao giá trị tinh thần, phổ biến khoa học kỹ thuật cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
- Thành lập Trung tâm Điện ảnh (đơn vị sự nghiệp, trên cơ sở tổ chức, bộ máy, biên chế của Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng hiện nay).
b) Giai đoạn 2016-2020:
- Phấn đấu có 6 rạp chiếu phim tại các huyện.
- Phấn đấu xây dựng 02 bộ phim ngắn.
- Đầu tư các trang thiết bị chiếu phim hiện đại, đồng bộ cho 08 đội chiếu bóng lưu động.
- Hoàn thiện và hiện đại hóa từng bước cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật các rạp chiếu phim, các đội chiếu phim lưu động đạt mức chuẩn quy định; tăng lượng phim ngắn, lồng tiếng dân tộc, nội dung bám sát nhu cầu thực tế.
- Tăng kinh phí đầu tư, trang thiết bị hiện đại, đạt tiêu chuẩn cho các đội chiếu bóng lưu động và xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích cho các đội chiếu bóng lưu động, đặc biệt đối với các đội chiếu bóng lưu động phục vụ các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh.
3.5. Nghệ thuật biểu diễn
a) Giai đoạn 2013 - 2015:
- Đoàn Nghệ thuật dân tộc của tỉnh dàn dựng mới ít nhất 02 vở diễn.
- Xây dựng 04 đội nghệ thuật quần chúng cấp huyện có trình độ nghiệp vụ chuyên môn nghệ thuật.
- Tập trung sưu tầm, phục hồi và phát triển một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ thất truyền.
- Bảo tồn, giữ gìn và phát huy các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống, đặc biệt là một số loại hình nghệ thuật có nguy cơ thất truyền.
- Biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp 120 buổi/năm.
- 141 xã, phường, thị trấn; 2095 thôn, bản, tổ dân phố có đội văn nghệ quần chúng hoạt động thường xuyên.
b) Giai đoạn 2016 - 2020:
- Phấn đấu dàn dựng mới ít nhất 04 vở diễn (chương trình ca múa nhạc, chèo...), khuyến khích dàn dựng các tiết mục, chương trình trên cơ sở khai thác chất liệu dân gian của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
- Biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp trên 120 buổi/năm.
- Nâng cao chất lượng nghệ thuật các đội văn nghệ quần chúng xã, phường, thị trấn.
- Đầu tư, kinh phí xây dựng một số đội văn nghệ truyền thống của một số huyện; khuyến khích và nhân rộng các mô hình văn nghệ quần chúng gắn với nội dung sinh hoạt tại các nhà văn hóa xã, thôn, bản, tổ dân phố.
- Khuyến khích thành lập các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp tư nhân.
3.6. Phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật
- Tiếp tục thực hiện Quy định chế độ khen thưởng đối với tập thể, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật đoạt giải tại các cuộc liên hoan, hội diễn, hội thi, cuộc thi khu vực, toàn quốc và quốc tế; Quy định xét, tặng "Giải thưởng Tân Trào"; sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí sáng tác, quảng bá về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
- Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, coi trọng những đề tài về truyền thống dân tộc, về cách mạng và kháng chiến.
- Bảo tồn, bảo vệ những tinh hoa nghệ thuật truyền thống, văn hóa dân gian và phát huy có hiệu quả trong đời sống xã hội hiện đại.
- Tổ chức bồi dưỡng đào tạo năng khiếu văn học, nghệ thuật nhằm tăng cường đội ngũ văn nghệ sỹ cho hoạt động văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp và làm hạt nhân cho hoạt động văn nghệ quần chúng của tỉnh.
- Khuyến khích quần chúng nhân dân, những người làm công tác văn hóa cơ sở.
- Có cơ chế đãi ngộ, tôn vinh đối với các nghệ nhân dân gian trong việc tham gia sáng tạo, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống của các dân tộc trong tỉnh.
3.7. Thông tin cổ động, mỹ thuật, nhiếp ảnh, quảng cáo, nhà hàng karaoke
a) Giai đoạn 2013- 2015:
- Thành lập Đội tuyên truyền lưu động huyện Lâm Bình.
- Đầu tư trang thiết bị nghe nhìn, máy camera cho các đội thông tin lưu động, trang bị xe văn hóa thông tin lưu động chuyên dùng cho Đội tuyên truyền lưu động huyện Lâm Bình.
- 100% các đội thông tin lưu động được củng cố; được đầu tư trang thiết bị, xe lưu động.
- Thực hiện xây dựng 03 điểm, cụm quảng cáo trên địa bàn thành phố Tuyên Quang và 02 điểm, cụm quảng cáo/huyện.
- Phát triển, nâng cao chất lượng các đội tuyên truyền cơ sở.
- Tổ chức trại sáng tác mỹ thuật, nhiếp ảnh 1 cuộc/năm;
- Tổ chức triển lãm các tác phẩm mỹ thuật - nhiếp ảnh trong tỉnh 1cuộc/năm.
- Tiếp tục thực hiện Quy hoạch nhà hàng karaoke, vũ trường trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
+ Hoàn thiện các quy định về tuyên truyền, cổ động thực hiện nhiệm vụ chính trị và quảng cáo sản phẩm trên địa bàn tỉnh.
b) Giai đoạn 2016 - 2020:
- Xây dựng 07 điểm, cụm quảng cáo trên địa bàn thành phố Tuyên Quang; 03 điểm/huyện tại các huyện: Sơn Dương, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn, Lâm Bình; 05 điểm tại huyện Na Hang.
- Hoàn thiện hệ thống biển quảng cáo giới thiệu sản phẩm trên các trục đường chính
- Phấn đấu tổ chức trại sáng tác mỹ thuật, nhiếp ảnh 2 cuộc/năm.
- Tổ chức triển lãm các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh trong tỉnh 2 cuộc/năm.
- Tiếp tục thực hiện quy hoạch nhà hàng karaoke, vũ trường; rà soát, điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
3.8. Công tác gia đình và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”
a) Giai đoạn 2013- 2015:
- Phấn đấu trên 85% số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; trên 70% số thôn, xóm, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu thôn, xóm, bản, tổ dân phố văn hóa; 80% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 7% số xã đạt chuẩn tiêu chí văn hóa nông thôn mới; 5% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.
- Phấn đấu trên 90% gia đình được phổ biến tuyên truyền cam kết thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật về hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn các tệ nạn xã hội thâm nhập vào gia đình; 90% thanh niên trước khi kết hôn được trang bị kiến thức về gia đình, chống bạo lực gia đình; 90% các cặp vợ chồng xây dựng quan hệ vợ chồng bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; 90% cha mẹ dành thời gian chăm sóc, dạy bảo con cái, không phân biệt giới tính, con cái hiếu thuận, có trách nhiệm với cha mẹ; 90% số hộ gia đình phụng dưỡng, bảo vệ, chăm sóc chu đáo người cao tuổi và trẻ em; 70% số hộ gia đình được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ văn hóa, y tế.
b) Giai đoạn 2016 - 2020:
- Phấn đấu trên 90% số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 80% số thôn, xóm, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa; 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 30% số xã đạt chuẩn tiêu chí văn hóa nông thôn mới; 30% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.
- Phấn đấu trên 95% gia đình được phổ biến tuyên truyền cam kết thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật về hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn các tệ nạn xã hội thâm nhập vào gia đình; 95% thanh niên trước khi kết hôn được trang bị kiến thức về gia đình, chống bạo lực gia đình; 95% các cặp vợ chồng xây dựng quan hệ vợ chồng bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; 90% cha mẹ dành thời gian chăm sóc, dạy bảo con cái, không phân biệt giới tính, con cái hiếu thuận, có trách nhiệm với cha mẹ; 95% số hộ gia đình phụng dưỡng, bảo vệ, chăm sóc chu đáo người cao tuổi và trẻ em; 100% trẻ em đi học đúng tuổi; 75% số hộ gia đình được thụ hưởng dịch vụ văn hóa, y tế.
3.9. Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực
a) Giai đoạn 2013 - 2015:
Phấn đấu 100% cán bộ, công chức lãnh đạo, tham mưu của cơ quan, sở, ngành có trình độ đại học, trong đó trên 10% số cán bộ có trình độ trên đại học; 60% cán bộ các đơn vị sự nghiệp văn hóa cấp tỉnh có trình độ đại học, trong đó 6% số cán bộ có trình độ trên đại học; 100% cán bộ, công chức phòng văn hóa – thông tin cấp huyện có trình độ đại học; 50% cán bộ trung tâm văn hóa – thông tin và thể thao cấp xã có trình độ đại học; 30% cán bộ chuyên trách văn hóa – thông tin cấp xã có trình độ đại học, cao đẳng chuyên ngành văn hóa hoặc chuyển ngành khác (được bồi dưỡng chuyên ngành văn hóa, thể thao và du lịch).
b) Giai đoạn 2016 - 2020:
100% cán bộ, công chức lãnh đạo, tham mưu cơ quan Sở có trình độ đại học, trong đó trên 15% có trình độ trên đại học; 70% cán bộ, viên chức các đơn vị sự nghiệp văn hóa cấp tỉnh có trình độ đại học, trong đó trên 8% có trình độ trên đại học; 100% cán bộ công chức Phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện có trình độ đại học; 60% cán bộ Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao cấp huyện có trình độ đại học; 40% cán bộ chuyên trách văn hóa – xã hội cấp xã có trình độ đại học, cao đẳng chuyên ngành văn hóa hoặc chuyên ngành khác (được bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2016 - 2020).
3.10. Quy hoạch sử dụng đất giành cho hoạt động văn hóa
Quy hoạch đến năm 2020, đất cơ sở văn hóa của tỉnh là 403 ha, cụ thể như sau:
- Thành phố Tuyên Quang: 152 ha;
- Huyện Hàm Yên: 40 ha
- Huyện Yên Sơn: 58 ha;
- Huyện Na Hang: 15 ha
- Huyện Sơn Dương: 85 ha;
- Huyện Chiêm Hóa: 40 ha
- Huyện Lâm Bình: 13 ha
Đất cơ sở văn hóa của toàn tỉnh cho các hạng mục công trình:
- Quảng trường Nguyễn Tất Thành: 5 ha
- Khu tưởng niệm Bác Hồ (huyện Sơn Dương): 6 ha
- Trung tâm văn hóa - thể thao, khu vui chơi trẻ em: 11 ha
- Công viên cây xanh: 181 ha
- Các cơ sở văn hóa khác (Rạp chiếu bóng; Đài phát thanh, truyền hình; Nhà văn hóa trung tâm huyện, thành phố...): 35 ha.
3.11. Nhu cầu tổng vốn đầu tư (2013 – 2020)
Tổng số nhu cầu vốn: 499.500,0 triệu đồng
Phân kỳ:
- Giai đoạn 2013 - 2015: 237.000,0 triệu đồng
- Giai đoạn 2016 - 2020: 262.500,0 triệu đồng
Trong đó:
Vốn ngân sách TW: 141.350,0 triệu đồng (28,5%)
Vốn ngân sách ĐP: 207.150,0 triệu đồng (41,5%)
Vốn huy động hợp pháp khác: 150.000,0 triệu đồng (30,0%)
4. Một số giải pháp thực hiện quy hoạch
4.1. Nâng cao nhận thức tư tưởng, xây dựng con người
- Học tập, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa; học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Xác định phát triển văn hóa chính là phát huy nguồn lực con người. Giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị, nhân cách văn hóa cho mọi người trên cơ sở các quan điểm của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa; gắn mục tiêu xây dựng con người với hoạt động thực tiễn và các phong trào thi đua yêu nước sâu rộng của quần chúng.
- Nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của các tổ chức đảng, chính quyền các cấp đối với lĩnh vực văn hóa.
- Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các đơn vị trong lĩnh vực văn hóa nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp và trách nhiệm cộng đồng đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, đặc biệt là trong xây dựng đời sống văn hoá cơ sở; trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" và công tác thông tin tuyên truyền.
- Tăng cường công tác tuyên truyền bằng những hình thức phù hợp nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về chủ trương, mục đích, ý nghĩa của văn hóa.
4.2. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị
- Tăng ngân sách đầu tư cho sự nghiệp văn hoá theo mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh và không thấp hơn mức 1,8% tổng ngân sách hàng năm (theo mức đầu tư cho sự nghiệp văn hoá - thông tin được Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX xác định).
- Tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa; tăng cường đầu tư xây dựng, cải tạo và nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa theo quy chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Hằng năm bố trí nguồn ngân sách, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác và lồng ghép các chương trình, dự án để xây dựng, cải tạo, nâng cấp thiết chế văn hóa, ưu tiên đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa ở các thôn bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
4.3. Về sử dụng đất
- Xây dựng kế hoạch sử dụng đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao và hạ tầng du lịch theo quy chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Sử dụng hiệu quả diện tích đất bố trí để xây các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở.
4. 4. Liên kết, lồng ghép mục tiêu phát triển văn hóa với các lĩnh vực khác
- Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển văn hoá với phát triển du lịch, đặc biệt là khai thác di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến với du lịch sinh thái.
- Lồng ghép xây dựng công trình văn hoá với công trình thể thao, khu vui chơi giải trí của trẻ em tại trung tâm tỉnh, trung tâm cấp huyện, cấp xã; xây dựng trạm truyền thanh cơ sở gắn với xây dựng nhà văn hoá xã; xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của các điểm Bưu điện - Văn hoá xã; xây dựng Trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã; nhà văn hóa, khu thể thao thôn gắn với Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
- Tăng cường các hoạt động hợp tác, giao lưu văn hóa với các tỉnh, thành trong cả nước; gắn việc quảng bá văn hóa Tuyên Quang với các chương trình xúc tiến du lịch, xúc tiến thương mại.
4.5. Tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
- Kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; các đơn vị sự nghiệp văn hoá từ tỉnh đến cơ sở theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả và chuyển dần một số đơn vị sang tự chủ về tài chính khi có đủ điều kiện.
- Chú trọng công tác đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, người hoạt động văn hoá nghệ thuật; lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu lĩnh vực văn hóa, văn nghệ có đủ năng lực, trình độ và phẩm chất đảm đương công việc; thu hút và đãi ngộ tài năng văn hoá - nghệ thuật.
- Liên kết, phối hợp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên ngành văn hoá, thể thao và du lịch đáp ứng nhu cầu phát triển văn hóa, thể thao và du lịch.
- Xây dựng cơ chế thu hút, trọng dụng tài năng văn học, nghệ thuật. Chú trọng phát hiện và bồi dưỡng tài năng văn hoá - nghệ thuật; xét đề nghị phong tặng danh hiệu nghệ sỹ ưu tú, công nhận nghệ nhân nghề truyền thống tiêu biểu, nghệ nhân văn hoá dân gian tiêu biểu.
- Thành lập Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Tuyên Quang.
- Chú trọng tăng cường nguồn nhân lực phát triển văn hóa nông thôn.
4.6. Hệ thống cơ chế chính sách
- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về văn hóa; xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức xã hội, giữa ngành văn hoá, thể thao và du lịch với các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, các doanh nghiệp để phát triển sự nghiệp văn hóa.
- Triển khai các Luật, Bộ luật, chính sách về văn hóa, nhất là hệ thống cơ chế, chính sách về các thành phần kinh tế tư nhân tham gia các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa.
- Quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tư nhân kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa, thực hiện nghiêm túc các chính sách, các văn bản quy định của nhà nước về các điều kiện hoạt động của đơn vị.
- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý đáp ứng phát triển sự nghiệp văn hoá thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập.
4.7. Nghiên cứu khoa học
- Chú trọng đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, chuyên gia làm công tác nghiên cứu khoa học.
- Hoàn thành biên soạn, xuất bản Địa chí tỉnh Tuyên Quang; các đề tài nghiên cứu khoa học về bảo tồn văn hoá truyền thống dân tộc: Tày, Dao, Sán Dìu, Cao Lan, Mông, Nùng, Thuỷ... ở Tuyên Quang gắn với phát triển du lịch; nghiên cứu văn hoá Tuyên Quang thời kỳ đổi mới.
4.8. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá
- Tăng cường huy động, khuyến khích các các tổ chức, cá nhân doanh nghiệp, tổ chức xã hội trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, hỗ trợ các hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh và tham gia đầu tư kinh doanh phát triển các dịch vụ văn hoá như: Rạp chiếu phim, rạp hát, bảo tàng, thư viện, ...
- Phấn đấu huy động xã hội hoá đến năm 2015 bằng 25% kinh phí hoạt động văn hoá, đến năm 2020 bằng 35%.
- Đối với cấp xã thực hiện cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm, địa phương cơ sở chủ động huy động kinh phí xây dựng công trình, trang thiết bị và kinh phí hoạt động.
- Tại các thôn, xóm, bản, tổ nhân và các xã đặc biệt khó khăn có giải pháp thích hợp huy động sự đóng góp công sức lao động của nhân dân cùng với việc hỗ trợ của ngân sách Nhà nước để xây dựng công trình và tổ chức các hoạt động văn hóa.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
- Công bố và phổ biến rộng rãi quy hoạch.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ quy hoạch văn hóa đến năm 2020.
- Xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển sự nghiệp văn hóa trên địa bàn. Kiểm tra, giám sát các tổ chức doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa.
- Phát huy vai trò chức năng, tăng cường thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển phong trào văn hóa cơ sở, duy trì và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh quy hoạch kịp thời khi không phù hợp.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư cơ sở vật chất và ngân sách để thực hiện quy hoạch.
3. Sở Xây dựng
Chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thẩm định các hồ sơ quy hoạch, các dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ sự nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Đề xuất cơ chế chính sách trong lĩnh vực đất đai, quỹ đất dành cho phát triển văn hóa trên cơ sở thống kê tổng quỹ đất dành cho văn hóa, phân chia quỹ đất cho các hạng mục công trình văn hóa theo các giai đoạn xác định trong quy hoạch phát triển văn hóa.
- Phối hợp kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để xây dựng các thiết chế văn hóa.
5. Sở Nội vụ
Đề xuất giải quyết yêu cầu về tổ chức bộ máy của ngành văn hóa, xây dựng tiêu chuẩn, quy trình chọn lựa bổ nhiệm cán bộ trong ngành văn hóa.
6. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Xây dựng chương trình và đưa nội dung giáo dục lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục gia đình vào trường học dưới nhiều hình thức sinh động, hấp dẫn, phù hợp và hiệu quả thiết thực.
- Tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh, sinh viên: Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Bảo tồn và phát huy ngôn ngữ, trang phục dân tộc thiểu số; Tham quan bảo tàng, di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh; xem biểu diễn nghệ thuật, lễ hội; tổ chức các liên hoan, hội thi về văn hóa, lịch sử, ...
7. Báo Tuyên Quang, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh
Tăng cường tuyên truyền về cơ chế chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Phối hợp với các sở, ban, ngành chuyên môn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch và tổ chức, quản lý chặt chẽ quy hoạch về phát triển sự nghiệp văn hóa của tỉnh trên địa bàn.
- Lồng ghép nội dung quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa của tỉnh trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thành phố cho phù hợp. Xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển sự nghiệp văn hóa trên địa bàn.
- Quan tâm bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách và vận động các tổ chức cá nhân xây dựng thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở.
9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện các nội dung trong quy hoạch.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.