ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5190/QĐ-UBND | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 09 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÔNG THÔN MỚI XÃ LÊ MINH XUÂN, HUYỆN BÌNH CHÁNH GIAI ĐOẠN 2013 - 2015
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ về ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới;
Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 8 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;
Căn cứ Thông tư số 54/2009/TT-BNNPTNT ngày 21 tháng 8 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC, ngày 13 tháng 4 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X;
Căn cứ Quyết định số 5930/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt “Quy hoạch sản xuất nông nghiệp phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”;
Căn cứ Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND ngày 24 tháng 6 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành cơ chế hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2020;
Xét Tờ trình số 581/TTr-BQL, ngày 02 tháng 8 năm 2013 của Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh về việc phê duyệt Đề án Nông thôn mới xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh giai đoạn 2013 - 2015 có ý kiến phê duyệt của Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Bình Chánh, ý kiến đề xuất của Tổ Công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố tại Thông báo số 380/TB-TCT ngày 29 tháng 11 năm 2012; đề xuất của Liên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Sở Tài chính - Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số: 1612/TTr-NNPTNT-TC-KHĐT ngày 23 tháng 8 năm 2013 về phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, giai đoạn 2013 - 2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay phê duyệt Đề án nông thôn mới xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh giai đoạn 2013 - 2015 (theo nội dung đề án đính kèm).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có phát sinh thay đổi về cơ chế, chính sách đầu tư xã nông thôn mới, Tổ Công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố phối hợp với Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Bình Chánh, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Lê Minh Xuân nghiên cứu, đề xuất kịp thời điều chỉnh, bổ sung.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải và các Sở, ngành liên quan; Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Bình Chánh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh, Trưởng Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Lê Minh Xuân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lê Minh Xuân - huyện Bình Chánh có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
ĐỀ ÁN
XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI XÃ LÊ MINH XUÂN, HUYỆN BÌNH CHÁNH GIAI ĐOẠN 2013 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 5190/QĐ-UBND ngày 23 tháng 9 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố)
Phần 1.
THỰC TRẠNG NÔNG THÔN XÃ LÊ MINH XUÂN, HUYỆN BÌNH CHÁNH
I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - DÂN SỐ LAO ĐỘNG
1. Vị trí địa lý
Xã Lê Minh Xuân là một xã của huyện Bình Chánh. Ranh giới xã được xác định như sau:
- Phía Đông giáp phường Tân Tạo quận Bình Tân;
- Phía Tây giáp xã Bình Lợi huyện Bình Chánh;
- Phía Nam giáp xã Tân Nhựt và một phần của địa bàn xã Bình lợi;
- Phía Bắc giáp xã Phạm Văn Hai huyện Bình Chánh và một phần phường Tân Tạo quận Bình Tân.
Tổng diện tích đất tự nhiên của xã Lê Minh Xuân là 3.509 ha, gồm: Đất nông nghiệp: 2.472 ha chiếm 70,44 % diện tích đất tự nhiên, đất phi nông nghiệp: 976 ha, chiếm 27,8%, đất khác: 61 ha, chiếm 1,76%
2. Dân số
- Dân số toàn xã tính đến cuối năm 2010 (tổng điều tra dân số) là 31.585 nhân khẩu, 9.581 hộ gia đình (bao gồm cả hộ đăng ký tạm trú trên 6 tháng), mật độ dân số bình quân 900 người/km2. Dân số của xã phân bố không đồng đều tại các ấp, chủ yếu tập trung dọc theo các trục đường chính, kênh rạch trong xã thuận lợi cho sản xuất và kinh doanh, tỉ lệ tăng dân số tự nhiên 11,95‰.
3. Lao động
- Tổng số người trong độ tuổi lao động: 7.060 người. Trong đó: lao động đang làm việc: 5.290 người (74,93%), đang đi học: 1.520 người (21,53%), nội trợ - có việc làm nhưng chưa ổn định: 250 người (3,54%).
- Cơ cấu lao động ngành nông nghiệp: 34,34%, Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: 6,79%, dịch vụ: 58,6% (Cụ thể: Nông nghiệp: 1.817 lao động, Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: 369 lao động, dịch vụ: 3.104 lao động)
II. ĐIỀU KIỆN KINH TẾ - XÃ HỘI
1. Quy hoạch
Ủy ban nhân dân xã Lê Minh Xuân đang phối hợp với đơn vị tư vấn lập đồ án quy hoạch xã Nông thôn mới.
2. Hạ tầng kinh tế - xã hội
a) Giao thông
Hệ thống giao thông trong xã chủ yếu là hệ thống đường trục xã, liên xã (7 tuyến với tổng chiều dài 41.508 m, gồm các tuyến: Mai Bá Hương, Thích Thiện Hòa, Kênh A, Võ Hữu Lợi, Lê Đình Chi, Láng Le Bàu Cò, Trần Đại Nghĩa), trục ấp, liên ấp, hệ thống các tuyến hẻm và đường trục chính nội đồng. Ngoài tuyến đường Tỉnh lộ 10 đang thi công, đường Trần Đại Nghĩa, Láng Le Bàu Cò và một số tuyến đường trục ấp, liên ấp đã hoàn chỉnh, còn lại các hạng mục công trình cần nâng cấp cứng hóa với tổng chiều dài lên tới 62,148 km, bao gồm:
- Đường trục xã, liên xã cần được láng nhựa 22,308 km.
- Đường trục ấp, liên ấp cần được nâng cấp là 8,67 km.
- Đường ngõ, xóm cần được bê tông hóa 1,53 km.
- Đường nội đồng: 29,64km cần được nâng cấp.
b) Kênh rạch (Thủy lợi - Phòng chống lụt bão)
Toàn xã có 31 tuyến kênh, mương với tổng chiều dài là 56,627 km đã cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh trên địa bàn xã.
c) Điện
Toàn xã có hệ thống điện trung thế 63 km chủ yếu nằm dọc theo các tuyến đường. Hệ thống điện hạ thế 80 km. Có 329 trạm biến thế (22 trạm 1 pha, 307 trạm 3 pha). Tổng dung lượng năm 2010 xã Lê Minh Xuân là 107.078 KVA. Hiện xã đã có 99,7% hộ dân đang sử dụng điện quốc gia đã có đồng hồ riêng. Tuy nhiên vẫn có khoảng 18 hộ phải câu nhờ điện sử dụng do các hộ này nằm tách biệt cách xa đường dây hạ thế. Yêu cầu về điện của các hộ dân đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu đời sống người dân.
d) Trường học
- Khối mầm non: Trường Mầm non Hoa Sen có 1 điểm chính (ấp 7), 4 điểm phụ (ấp 1, 2, 3, 6).
- Khối Tiểu học: Xã Lê Minh Xuân có 3 trường tiểu học: Lê Minh Xuân (2 điểm trường), Cầu Xáng.
- Khối trung học cơ sở: Có 1 trường trung học cơ sở với 13 lớp học.
- Trường phổ thông trung học: Có 1 trường trung học phổ thông.
đ) Cơ sở vật chất văn hóa
- Số nhà văn hóa xã, ấp: Xã Lê Minh Xuân chưa có nhà văn hóa xã, cũng như 7 ấp trên địa bàn xã vẫn chưa có tụ điểm sinh hoạt. Chỉ có Trung tâm văn hóa Láng Le kết hợp tụ điểm văn hóa (diện tích 32 ha) gồm có sân bóng, khu vui chơi giải trí,... chưa đạt chuẩn theo bộ tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa.
- Khu thể thao của xã: Địa bàn xã chưa có khu thể dục thể thao.
e) Chợ
Trên địa bàn xã hiện có 1 chợ tư nhân. Hiện nay các hộ dân buôn bán chỉ thông qua chợ tư nhân (chợ Khu Công nghiệp Lê Minh Xuân) gồm có 239 sạp và 27 kios kinh doanh chủ yếu các mặt hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân.
Phần lớn người dân xã Lê Minh Xuân có nhu cầu mua sắm chủ yếu tập trung tại 3 chợ: chợ Khu Công nghiệp Lê Minh Xuân (địa bàn xã Lê Minh Xuân), chợ Bà Lát và chợ Cầu Xáng (Tỉnh lộ 10 thuộc xã Phạm Văn Hai)
g) Bưu điện
- Xã hiện có 3 bưu điện văn hóa xã tại ấp 1, 3, 6.
- Về hệ thống thông tin liên lạc: Toàn xã có 3.038 điện thoại cố định; bình quân 1,89 hộ có 1 máy, chủ yếu là sử dụng điện thoại di động không dây.
- Toàn xã có 10 điểm truy cập Internet đang hoạt động tại 7 ấp.
h) Nhà ở dân cư nông thôn
- Tổng số nhà ở trên địa bàn xã là 6.476 căn, diện tích xây dựng ước tính khoảng 107,45 ha, trong đó phần lớn là nhà cấp 4.
- Hiện nay trên địa bàn xã không còn nhà tạm dột nát, tỷ lệ nhà kiên cố và bán kiên cố đạt khoảng 80%. Trên địa bàn xã còn 434 căn (7%) chưa đạt chuẩn Bộ Xây dựng cần vận động người dân sửa chữa nâng cấp.
3. Thực trạng kinh tế và tổ chức sản xuất
a) Kinh tế
Cơ cấu kinh tế của xã là Công nghiệp, Tiểu thủ công nghiệp (87,29%) - Thương mại, Dịch vụ (6,74%) - Nông nghiệp (5,97%)
- Thu nhập bình quân đầu người: 18 triệu đồng/người/năm.
- Sau khi hình thành Nông Trường quốc doanh Lê Minh Xuân do đất đai được tách ra từ 3 xã: Tân Tạo, Tân Nhựt, Bình Lợi thuộc huyện Bình Chánh. Cư dân của xã 2/3 là dân nghèo từ các quận nội thành giãn dân đi xây dựng kinh tế mới theo chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước, và một số cư dân địa phương trở về đất cũ sau 30/04/1975. Số lượng hộ nghèo: theo tiêu chí 12 triệu đồng/người/năm là 434 hộ chiếm khoảng 12% tổng số hộ toàn xã (3.726 hộ thường trú trên địa bàn xã).
b) Tỷ lệ lao động có việc làm
- Cơ cấu lao động:
+ Nông nghiệp: 5,3%
+ Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp - Xây dựng: 90,7%
+ Dịch vụ, thương mại: 4%
- Tỷ lệ người làm việc trên dân số trong độ tuổi lao động đạt 89,5% (23.409 lao động): Trong 26.143 lao động của xã, có 1800 lao động (chiếm 7 % tổng số lao động) đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật có cấp bằng chứng nhận, khoảng 60 % lao động đang làm việc được đào tạo tại chỗ làm (không có bằng chứng nhận).
c) Hình thức tổ chức sản xuất
- Số trang trại trên địa bàn xã năm 2012 là 8 trang trại chăn nuôi, thuộc hộ gia đình quản lý và kinh doanh (heo, bò thương phẩm, cá sấu giống và cá sấu thương phẩm, nhím, heo rừng...)
- Trên địa bàn xã Lê Minh Xuân có 126 cơ sở sản xuất nhỏ, 33 cơ sở sản xuất kinh doanh thương nghiệp, 44 cơ sở kinh doanh ăn uống.
- Kinh tế tập thể: Xã Lê Minh Xuân có 2 hợp tác xã (Phước An Thịnh và Đại Lực) hiện tại hoạt động không hiệu quả và 3 tổ hợp tác se nhang.
4. Văn hóa, xã hội và môi trường
a) Giáo dục
- Phổ cập giáo dục trung học cơ sở: Tổng số học sinh Trung học cơ sở là 1.053 học sinh, trong đó học sinh tốt nghiệp là 927 học sinh (tỷ lệ 88,03%).
- Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề) trong năm 2012 đạt 96,98%
- Tỷ lệ lao động được đào tạo chuyên môn: Trong 26.143 lao động của xã, có 23.409 (chiếm 89,5% tổng số lao động) lao động đã có việc làm, 1800 lao động (chiếm 7% tổng số lao động) đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật có cấp bằng chứng nhận, khoảng 60% lao động đang làm việc được đào tạo tại chỗ làm (không có bằng chứng nhận).
- Tỷ lệ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn xã đạt 99,44%
- Xã thực hiện xóa mù chữ theo quy định của ngành giáo dục đào tạo đạt 99,42%.
b) Y tế
- Xã có 1 trạm y tế đã đạt chuẩn quốc gia.
- Điều kiện trang thiết bị y tế hiện nay đã đáp ứng nhu cầu hiện tại nhưng về lâu dài cần đầu tư thêm một số trang thiết bị y tế. Cần thêm 2 bác sĩ, kỹ thuật viên xét nghiệm.
- Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 70% dân số toàn xã.
c) Văn hóa
Năm 2012 xã có 6/7 ấp được huyện công nhận đạt chuẩn ấp văn hóa, đạt tỷ lệ 85%.
d) Môi trường
- Hiện nay trên địa bàn xã hơn 80% dân số đều sử dụng chủ yếu là nhờ vào các giếng khoan do Công ty nước sạch nông thôn Thành phố khoan lọc cung cấp, một số hộ gia đình khác tự khoan với độ sâu trên 250 mét mới có thể sử dụng được. Tuy nhiên trong những năm trở lại đây, do việc đô thị hóa quá nhanh, các khu công nghiệp chưa thực sự giải quyết tốt vấn đề môi trường, các tuyến kênh thường bị ô nhiễm nặng mang từ thượng nguồn đổ về vùng trũng, việc thẩm thấu nguồn nước là vấn đề không thể tránh khỏi, nước ngầm phục vụ sinh hoạt và cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Lê Minh Xuân đang bị đe dọa khá nghiêm trọng, các giếng nước tự khoan trước đây của một số hộ dân đã không còn sử dụng được do bị nhiễm phèn, nhiễm bẩn.
- Trên địa bàn hiện có 4 giếng khoan đang hoạt động, nguồn nước còn bị nhiễm phèn. Hiện có dự án cấp nước kênh Đông đang phát triển mạng cấp 2 tiếp nhận nước đi qua ấp 1, 6
- Hiện nay trên địa bàn xã có 99,1% hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh. Trong đó giếng khoan chiếm 20%, nước cục bộ 30%, nước sạch nông thôn 50%.
- Tỷ lệ hộ có đủ 3 công trình (nhà tắm, hố xí, bể nước) đạt chuẩn 97%.
- Tỷ lệ cơ sở sản xuất chưa đạt tiêu chuẩn môi trường khoảng 20%.
- Xử lý chất thải: Trên địa bàn xã 95% số hộ đăng ký thu gom và xử lý rác thải dân lập, số hộ còn lại tự tiêu hủy rác bằng hình thức chôn hoặc đốt tại nhà vườn, do xe thu gom rác không vào được.
- Tỷ lệ số hộ có chăn nuôi hợp vệ sinh khoảng 70%.
- Trên địa bàn xã hiện nay có 1 nghĩa trang tại ấp 6 với diện tích 30 ha đã đáp ứng được nhu cầu chôn cất của người dân trên địa bàn xã.
- Vấn đề đáng lo ngại về môi trường tại xã Lê Minh Xuân là việc xả thải gây ô nhiễm của khu công nghiệp Lê Minh Xuân trên địa bàn xã. Ngoài ra, xã còn chịu ảnh hưởng ô nhiễm môi trường nguồn nước từ các khu công nghiệp Vĩnh Lộc (Kênh C), khu công nghiệp Tân Đức - Long An.
5. Hệ thống chính trị - an ninh trật tự xã hội
a) Hệ thống chính trị của xã
- Hiện nay Đảng bộ có 15 chi bộ trực thuộc, với tổng số đảng viên của xã là 154 đảng viên. Trong đó, đảng viên là cán bộ công chức là 50 Đảng viên, hưu trí là 53 đảng viên, đơn vị sự nghiệp là 25 Đảng viên, nghề nghiệp khác là 26 đảng viên. Cụ thể như sau: Chi bộ ấp 1 có 11 đảng viên, ấp 2 có 10 đảng viên, ấp 3 có 9 đảng viên, ấp 4 có 6 đảng viên, ấp 5 có 8 đảng viên, ấp 6 có 17 đảng viên, ấp 7 có 26 đảng viên, chi bộ Quân sự có 12 đảng viên, chi bộ Cơ quan có 16 đảng viên, chi bộ Công an có 6 đảng viên, chi bộ Thanh tra Xây dựng có 6 đảng viên, chi bộ trường học có 25 đảng viên và chi bộ trung học cơ sở có 7 đảng viên. Chất lượng sinh hoạt của Ban chấp hành từng bước được nâng cao, kết quả đánh giá tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên có 12/14 Chi bộ Đảng đạt trong sạch vững mạnh (kết quả năm 2010).
- Về trình độ chính trị: Cao cấp 4, trung cấp 14, sơ cấp 14.
Số cán bộ công chức có trình độ hiện đạt chuẩn theo quy định là 78%.
- Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã thực hiện tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy trong việc tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của huyện và xã, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước và các nhiệm vụ chính trị của xã. Mặt trận và các đoàn thể đã tổ chức nhiều hoạt động phong trào gắn với nhiệm vụ và quyền lợi của đoàn viên, hội viên. Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, tổ chức hiệp thương nhân sự bầu trưởng ban nhân dân ấp, hội nghị nhân dân định kỳ theo quy định. Các hoạt động và phong trào gắn liền với nhiệm vụ chính trị đơn vị.
b) Tình hình trật tự xã hội an ninh trên địa bàn
Nhìn chung, trong thời gian qua chính quyền xã thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, thực hiện chương trình mục tiêu “3 giảm”. Giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, không xảy ra các tình huống bất ngờ, nhân dân đồng thuận thực hiện tốt chương trình chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước.
Xây dựng và duy trì tốt “Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”, “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”, ý thức cảnh giác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong nhân dân, cán bộ công chức ngày càng nâng cao.
Lực lượng công an xã từng bước được củng cố, được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ nhằm đáp ứng khả năng yêu cầu giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã trong tình hình mới.
Phần 2.
NỘI DUNG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TẠI XÃ LÊ MINH XUÂN ĐẾN NĂM 2015
I. MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2015
1. Mục tiêu chung
Xây dựng xã Lê Minh Xuân - huyện Bình Chánh thành xã nông thôn mới thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, thể hiện các đặc trưng: có kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn được nâng cao, có kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hoàn chỉnh, có các hình thức sản xuất phù hợp, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch, xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ... nâng cao sức mạnh của hệ thống chính trị ở xã dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Xây dựng xã Lê Minh Xuân trở thành xã nông thôn mới theo phương pháp tiếp cận dựa vào nội lực và do cộng đồng địa phương làm chủ.
2. Mục tiêu cụ thể
- Hoàn thành 19/19 tiêu chí về nông thôn mới theo bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới theo từng giai đoạn cụ thể:
+ Năm 2012 đạt 9/19 tiêu chí (3, 4, 7, 8, 12, 13, 15, 16, 19)
+ Năm 2013 phấn đấu đạt 11/19 tiêu chí (thêm 2 tiêu chí: 1, 18)
+ Năm 2014 phấn đấu đạt 14/19 tiêu chí (thêm 3 tiêu chí: 5, 9, 14)
+ Năm 2015 phấn đấu đạt 19/19 tiêu chí (thêm 5 tiêu chí: 2, 6, 10, 11, 17)
* Những chỉ tiêu cụ thể:
- Hoàn thành quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng kinh tế xã hội, quy hoạch khu dân cư (giúp cho người dân ổn định sản xuất, đảm bảo cho người dân có nơi đổ rác thải, nơi chôn cất đúng quy định, chỉnh trang khu dân cư, cải thiện bộ mặt nông thôn).
- Xây dựng mạng lưới giao thông nông thôn với chất lượng bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ nông sản.
- Nâng cấp và cải tạo hệ thống cống thủy lợi đảm bảo tốt cho phục vụ sản xuất của người dân.
- Kiên cố hóa trường, lớp, hoàn thiện các điều kiện về cơ sở vật chất trong hệ thống trường học, tiến tới hiện đại hóa các phương tiện dạy học. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%.
- Chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị hiệu quả cao, an toàn vệ sinh dịch bệnh, tăng tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm.
- Thu nhập bình quân đầu người/năm đến năm 2015 tăng từ 1,5 - 1,8 lần so với lúc xây dựng đề án (không thấp hơn 37 triệu/người/năm).
- Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn thành phố (dưới 12 triệu đồng/người/năm) đến năm 2015 cơ bản xóa hộ nghèo theo Nghị quyết của Đảng bộ huyện đã đề ra.
- Duy trì và phát triển đời sống văn hóa ở nông thôn với 100% số ấp đạt tiêu chuẩn văn hóa, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 90%.
II. NỘI DUNG VÀ NHIỆM VỤ CỤ THỂ
1. Quy hoạch
- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí 1 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới về quy hoạch
- Nội dung: Hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới theo Thông tư liên tịch số 13/2011/TTLT/BXD-BNNPTNT-BTNMT ngày 28 tháng 10 năm 2011 của liên Bộ Xây dựng - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc quy định lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới.
2. Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn
a) Giao thông
- Mục tiêu: Đạt tiêu chí số 2 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới:
- Nội dung thực hiện: Cải tạo, nâng cấp 62,148 km, bao gồm:
+ Đường trục xã, liên xã được láng nhựa: 22,308 km
+ Đường trục ấp, liên ấp cần được nâng cấp là 8,67 km
+ Đường ngõ, xóm cần được bê tông hóa 1,53 km
+ Đường nội đồng: 29,64 km cần được nâng cấp
b) Thủy lợi
- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 3 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.
- Nội dung thực hiện: Duy trì, phát triển tính hiệu quả của các công trình thủy lợi trên địa bàn xã. Nâng cấp kết hợp đường giao thông và bờ bao dân cư, giải quyết nhu cầu giao thông và chống ngập nước của người dân dọc tuyến bờ bao
c) Điện
- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 4 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.
- Nội dung thực hiện:
+ Bổ sung lưới điện, chiều dài 8700m, bổ sung kéo điện 3 pha đường Thích Thiện Hòa, đường Lô 2, lắp đặt hệ thống chiếu sáng các tuyến đường ngõ xóm, hẻm.
+ Gắn đồng hồ điện riêng sử dụng từ lưới điện quốc gia cho những hộ chưa có.
+ Điều tra khảo sát và gắn mới điện kế sản xuất cho những hộ sản xuất nông nghiệp.
d) Trường học
- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 5 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.
- Nội dung thực hiện:
+ Cải tạo nâng cấp các điểm phụ trường mầm non
+ Nâng cấp trường mầm non Hoa Sen tại ấp 7
+ Nâng cấp trường tiểu học Lê Minh Xuân 2
+ Xây dựng mới Trường mầm non đạt chuẩn tại ấp 3
đ) Cơ sở vật chất văn hóa
- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 6 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.
- Nội dung thực hiện:
+ Xây mới trung tâm văn hóa Thể dục thể thao
+ Nâng cấp văn phòng ban nhân dân kết hợp điểm sinh hoạt văn hóa 7 ấp
+ Xây dựng mới 2 trạm phát thanh
e) Chợ nông thôn
- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 7 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.
- Nội dung thực hiện: Nâng cấp và phát triển chợ Khu Công nghiệp Lê Minh Xuân.
g) Bưu điện
- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 8 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới
- Nội dung thực hiện: Cải tạo, nâng cấp, sửa chữa Bưu điện hiện có.
h) Nhà ở dân cư nông thôn
- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 9 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới - Chỉnh trang nhà ở các khu dân cư phù hợp với quy hoạch phát triển, đảm bảo vẻ mỹ quan khu dân cư nông thôn ven đô. Trên địa bàn xã không còn nhà tạm, dột nát.
- Nội dung thực hiện: vận động xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa; Vận động và tuyên truyền người dân cải tạo sửa chữa để không còn nhà tạm, tham khảo nhà mẫu cho nông thôn khi có nhu cầu xây nhà mới.
3. Phát triển kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất
a) Phương hướng phát triển các ngành sản xuất nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập người dân:
- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 10 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới. Đến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người/năm đến năm 2015 tăng từ 1,5 đến 1,8 lần.
- Nội dung thực hiện:
+ Khuyến khích phát triển nông nghiệp và các dịch vụ nông nghiệp (hoa cây kiểng, cá cảnh,....) theo hướng đô thị, diện tích đất ít nhưng hiệu quả kinh tế cao, tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường. Xã quy hoạch ổn định vùng đất sản xuất nông nghiệp để Nhà nước hỗ trợ cho quy hoạch hạ tầng cơ bản (đường, điện, cấp nước,...) phục vụ sản xuất.
+ Tăng cường khuyến nông đối với nông dân qua các hình thức bồi dưỡng ngắn hạn, tham quan, hội thảo,...
+ Đẩy mạnh phát triển các hình thức kinh doanh, sản xuất, dịch vụ thương mại góp phần giải quyết việc làm, giảm thời gian nông nhàn, tăng thu nhập cho người dân như phát triển các hình thức tiểu thủ công nghiệp, tạo thêm việc làm tại nhà, dạy nghề mới.
+ Phát triển các ngành nghề nông thôn, thực hiện các chương trình dạy nghề cho người dân.
+ Xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với địa phương:
• Trồng mai vàng nguyên liệu, trồng mai chậu
• Trồng mía thâm canh năng suất cao
• Trồng dừa
• Trồng hoa màu các loại
• Trồng lúa
• Ngành nghề nông thôn: thực hiện các chương trình dạy nghề cho người dân xã Lê Minh Xuân như: sinh vật cảnh (hoa kiểng, bon sai, cá kiểng...), các ngành nghề nông thôn khác (se nhang, mộc,...) phù hợp với lao động lớn tuổi.
b) Giảm nghèo và an sinh xã hội
- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 11 của Bộ tiêu chí quốc gia và phù hợp với đặc điểm riêng của thành phố.
- Nội dung:
+ Phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo theo tiêu chí mới của thành phố, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 1% vào năm 2015.
+ Thực hiện các chương trình an sinh xã hội.
+ Kế hoạch giảm hộ nghèo khoảng 4%/năm, đến năm 2015 trên địa bàn xã giảm còn dưới 1% hộ nghèo theo chuẩn 12 triệu đồng/người/năm.
c) Tỷ lệ lao động có việc làm
- Mục tiêu: Duy trì đạt yêu cầu tiêu chí số 12 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.
- Nội dung thực hiện:
+ Ban quản lý xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã liên kết chặt chẽ với trường dạy nghề trên địa bàn huyện, các trường lân cận và các doanh nghiệp nhằm có định hướng đào tạo công nhân kỹ thuật góp phần giải quyết việc làm cho người lao động.
+ Đào tạo nghề cấp chứng chỉ, tập huấn kỹ thuật sản xuất cho nông dân, kỹ năng khuyến nông cho cán bộ khuyến nông cơ sở, nông dân giỏi.
+ Đẩy mạnh hợp tác, liên kết giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, trường đại học, Viện nghiên cứu... với nông dân, hộ sản xuất trong công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống mới, công nghệ sau thu hoạch.
+ Đào tạo và nâng cao trình độ quản lý, nghiệp vụ kế toán cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp của xã, hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác sản xuất, doanh nghiệp.
+ Lưu ý quan tâm đến việc tạo nghề cho nữ lao động nông thôn, phấn đấu đến 2015 đạt tỷ lệ 40% lao động nữ nông thôn được đào tạo nghề nghiệp (chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015”
+ Lĩnh vực đào tạo nghề cho 400 lao động nông thôn.
d) Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn
- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 13 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.
- Nội dung:
+ Tuyên truyền, vận động nhằm giúp người nông dân nắm bắt được chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế tập thể.
+ Bồi dưỡng, đào tạo: tổ trưởng, tổ phó tổ hợp tác nhằm nâng cao về năng lực quản lý.
+ Hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu như trang thiết bị phục vụ thông tin liên lạc, đào tạo trao đổi, cập nhật thông tin (điện thoại, máy fax, máy vi tính,...).
+ Hỗ trợ để mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động Sản xuất - Kinh doanh, dịch vụ của các tổ chức kinh tế tổ hợp tác thông qua:
4. Giáo dục, y tế, văn hóa xã hội và môi trường
a) Phát triển giáo dục - đào tạo ở nông thôn
- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 14 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.
- Nội dung thực hiện:
+ Nâng cao chất lượng hoạt động Ban chỉ đạo phổ cập, xóa mù chữ của xã. Vận động các em đúng độ tuổi ra lớp và các em bỏ học trở lại lớp, đồng thời động viên gia đình quan tâm và tạo điều kiện để tất cả các em trong độ tuổi đi học được đến trường.
+ Tích cực vận động quỹ khuyến học. Khảo sát, xét tặng học bổng cho các em học sinh nghèo, hiếu học, tuyệt đối không để học sinh trong độ tuổi phổ cập bỏ học vì kinh tế.
+ Tạo môi trường học tập thân thiện, gần gũi để động viên, khuyến khích các em vượt qua khó khăn, tích cực học tập; tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình và chính quyền.
+ Phối hợp trường trung cấp nghề tổ chức dạy nghề cho lao động nữ; phối hợp Trung tâm dạy nghề của huyện tổ chức thi, cấp giấy chứng nhận nghề cho công nhân đã qua đào tạo nghề tại các doanh nghiệp. Tích cực tuyên truyền, vận động thanh niên tham gia đào tạo nghề nông thôn miễn phí tại Trung tâm dạy nghề của huyện.
b) Phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe cư dân nông thôn
- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 15 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới và phù hợp với đặc điểm riêng của thành phố.
- Nội dung thực hiện:
+ Hoàn thiện hệ thống các công trình phục vụ việc chuẩn hóa về y tế trên địa bàn xã.
+ Vận động nâng tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế.
c) Xây dựng đời sống văn hóa, thông tin và truyền thông nông thôn
- Mục tiêu: Duy trì đạt yêu cầu tiêu chí số 16 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.
- Nội dung thực hiện:
+ Đẩy mạnh, tăng cường công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của cán bộ Hội, đoàn thể của xã và nhân dân về ý nghĩa của phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, làm cho phong trào càng phát triển sâu rộng, góp phần làm chuyển biến tích cực đến đời sống kinh tế, xã hội trên địa bàn ấp.
+ Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12 tháng 8 năm 1998 của Bộ Chính trị và quy chế thực hiện văn minh trong tiệc cưới, lễ tang và lễ hội. Thực hiện tốt chính sách về người nghèo.
+ Triển khai dần từng bước nâng cao chất lượng các phong trào: gia đình văn hóa, ấp văn hóa, gương người tốt, việc tốt.
+ Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe, hội thi giao lưu bóng đá, bóng chuyền, tổ chức các trò chơi truyền thống phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân.
d) Bảo vệ và phát triển môi trường nông thôn
- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 17 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.
- Nội dung thực hiện:
+ Trồng cây xanh các tuyến đường, trường học, cơ quan, y tế... vận động dân tham gia các hội thi Môi trường xanh của Sở, ngành thành phố (Môi trường xanh, Chủ nhật xanh...).
+ Vận động người dân thực hiện chôn cất đúng theo quy định
+ Xây dựng, cải tạo hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt của hộ dân, nơi đổ rác chung cho cộng đồng; Lắp đặt hệ thống cấp nước sinh hoạt.
+ Ủy ban nhân dân xã phối hợp với Cty TNHH Một thành viên Dịch vụ công ích huyện để thiết lập, quản lý và vận hành các tuyến đường thu gom, vận chuyển rác cho phù hợp với quy định chung của thành phố.
+ Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân thực hiện tốt các quy định về vệ sinh môi trường và phòng chống ô nhiễm môi trường sản xuất.
5. Hệ thống chính trị - an ninh trật tự xã hội
a) Nâng cao chất lượng tổ chức Đảng, chính quyền đoàn thể chính trị xã hội trên địa bàn
- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 18 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.
- Nội dung thực hiện:
+ Tổ chức đào tạo cán bộ đạt chuẩn theo quy định của Bộ Nội vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới. Cán bộ xã đạt chuẩn phải đảm bảo tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức cấp xã và phải hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16 tháng 01 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về ban hành tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và Thông tư số 06/2012/TT-BNV ngày 30 tháng 10 năm 2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức trách, tiêu chuẩn cụ thể, nhiệm vụ và tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn.
+ Đảng bộ, chính quyền xã đạt tiêu chuẩn “Trong sạch, vững mạnh”.
+ Các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội của xã đều đạt danh hiệu tiên tiến trở lên theo quy định của từng tổ chức.
+ Thực hiện các chính sách khuyến khích, thu hút cán bộ trẻ đã được đào tạo, đủ tiêu chuẩn về công tác để nhanh chóng chuẩn hóa đội ngũ cán bộ xã.
+ Hoàn thiện hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu xây dựng nông thôn mới.
b) An ninh chính trị và trật tự xã hội nông thôn
- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 19 của Bộ tiêu chí quốc gia.
- Nội dung thực hiện:
+ Nội dung 1: Thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, xây dựng và ban hành nội quy, quy ước làng xóm về trật tự, an ninh; phòng chống các tệ nạn xã hội và các hủ tục lạc hậu; nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tại cơ sở. Các tổ chức đoàn thể tăng cường công tác vận động tuyên truyền hội viên, đoàn viên làm nòng cốt trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
+ Nội dung 2: Điều chỉnh và bổ sung chức năng, nhiệm vụ và chính sách tạo điều kiện cho lực lượng an ninh xã, ấp, tổ hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn theo yêu cầu xây dựng nông thôn mới
III. DỰ KIẾN KINH PHÍ VÀ NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ HỖ TRỢ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
A. Tổng kinh phí đầu tư, hỗ trợ để thực hiện Đề án nông thôn mới xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, dự kiến: 802.532 triệu đồng, gồm:
1. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản: 762.758 triệu đồng (chiếm 95%).
2. Vốn sự nghiệp hỗ trợ cho các hoạt động trên địa bàn xã: 39.774 triệu đồng (chiếm 5%)
B. Nguồn vốn
1. Vốn từ Ngân sách nhà nước: 658.664 triệu đồng, chiếm 82,07 %; gồm:
+ Vốn Nông thôn mới: 172.837 triệu đồng;
+ Vốn lồng ghép: 485.827 triệu đồng, chia ra:
* Vốn ngân sách tập trung: 474.200 triệu đồng (đã có chủ trương và Quyết định đầu tư của cấp thẩm quyền);
* Vốn phân cấp huyện: 0 triệu đồng;
* Vốn sự nghiệp: 11.627 triệu đồng (dự kiến bố trí thực hiện từ nguồn vốn sự nghiệp hàng năm của các ngành).
2. Vốn cộng đồng đóng góp: 133.731 triệu đồng, chiếm 16,67%; trong đó:
+ Vốn dân: 126.331 triệu đồng;
+ Vốn doanh nghiệp: 7.400 triệu đồng;
3. Vốn vay tín dụng: 10.137 triệu đồng, chiếm 1,26%.
* Vốn đầu tư các nguồn được xác định cụ thể theo chương trình, dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Phần 3.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thời gian thực hiện đề án: từ nay đến năm 2015.
2. Qui mô và khối lượng thực hiện: theo các biểu đính kèm.
3. Phương châm và nguyên tắc đầu tư, hỗ trợ
- Phát huy nội lực của địa phương là chính, đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ sự hỗ trợ của Trung ương và Thành phố, đáp ứng nhu cầu đầu tư, giúp đỡ của các doanh nghiệp.
- Phát huy dân chủ, công khai trong cộng đồng dân cư, khẩn trương, đồng bộ và chặt chẽ trong thủ tục hành chính và đầu tư.
a) Cơ chế huy động và quản lý các nguồn vốn
- Thực hiện theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;
- Thực hiện theo Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 8 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;
- Thực hiện theo Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT- BKHĐT-BTC ngày 13 tháng 4 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ;
- Thực hiện theo Thông tư số 28/2012/TT-BTC ngày 24 tháng 2 năm 2012 của Bộ Tài chính Quy định về quản lý vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách xã, phường, thị trấn;
- Thực hiện theo Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2020;
- Thực hiện theo Quyết định số 15/2013/QĐ-UBND ngày 17 tháng 4 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Quy định cơ chế quản lý đầu tư và xây dựng, quản lý nguồn vốn đầu tư tại các xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2013 - 2020;
- Vận dụng theo Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND ngày 24 tháng 6 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành cơ chế hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2020.
b) Quản lý đầu tư và xây dựng
- Thực hiện theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;
- Thực hiện theo Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC, ngày 13 tháng 4 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ;
- Vận dụng theo Thông tư số 28/2012/TT-BTC ngày 24 tháng 2 năm 2012 của Bộ Tài chính quy định về quản lý vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách xã, phường, thị trấn;
- Thực hiện theo Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2020;
- Thực hiện theo Quyết định số 15/2013/QĐ-UBND ngày 17 tháng 04 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Quy định cơ chế quản lý đầu tư và xây dựng, quản lý nguồn vốn đầu tư tại các xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2013 - 2020.
4. Phân công thực hiện
a) Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh, Ủy ban nhân dân xã Lê Minh Xuân, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Bình Chánh và Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Lê Minh Xuân:
- Tập trung triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân, Đảng viên, cán bộ công chức quán triệt chủ trương của Trung ương và thành phố về chương trình xây dựng mô hình nông thôn mới tại xã; vận động cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp và nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia và đóng góp hỗ trợ để thực hiện các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới trên địa bàn xã.
- Thực hiện theo đúng nội dung của Đề án được phê duyệt, không được thay đổi nội dung của Đề án khi chưa được chấp thuận của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố.
- Phân công các Phòng, ban, đơn vị chức năng của huyện, cán bộ chuyên môn của xã tham gia, hỗ trợ Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Lê Minh Xuân xây dựng kế hoạch tổng thể thực hiện đề án giai đoạn 2013 - 2015, xây dựng kế hoạch cụ thể từng năm đảm bảo tiến độ và mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
- Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo đúng quy định hướng dẫn của pháp luật hiện hành.
b) Các Sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố
- Phân công: cán bộ công chức theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ Ban quản lý xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh chuẩn bị và thực hiện, đảm bảo tiến độ thực hiện các tiêu chí của ngành trên địa bàn xã.
- Chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu của Trung ương và Thành phố do Sở, ngành phụ trách trên địa bàn xã.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hướng dẫn Ủy ban nhân dân xã Lê Minh Xuân và Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã Lê Minh Xuân triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo Đề án được phê duyệt.
- Sở Quy hoạch - Kiến trúc hướng dẫn, hoàn tất thẩm định quy hoạch chung, quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch hạ tầng thiết yếu (theo phân công, phân cấp) của huyện Bình Chánh và xã Lê Minh Xuân; tổ chức giám sát việc công bố, công khai các quy hoạch được phê duyệt.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, các Sở ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Lê Minh Xuân cân đối, đề xuất và dự thảo văn bản trình Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết và bố trí vốn ngân sách tập trung, vốn phân cấp hàng năm (2013 - 2015), đảm bảo tiến độ đầu tư, hoàn thành các tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn xã Lê Minh Xuân.
- Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc nhà nước, các Sở ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh và Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã Lê Minh Xuân, đề xuất và dự thảo văn bản trình Ủy ban nhân dân thành phố bổ sung, giao kế hoạch kinh phí sự nghiệp chi thường xuyên để thực hiện các hoạt động, đảm bảo tiến độ thực hiện các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới trên địa bàn xã Lê Minh Xuân.
c) Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các chương trình, dự án, các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới trên địa bàn xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh; định kỳ hàng tháng báo cáo Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố, Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố kết quả thực hiện; tham mưu, đề xuất, giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện; chuẩn bị hồ sơ, tài liệu để thành phố tổ chức sơ kết hàng năm, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện xây dựng xã nông thôn mới trên địa bàn thành phố./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.