ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5189/QĐ-UBND | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 09 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÔNG THÔN MỚI XÃ TÂN KIÊN, HUYỆN BÌNH CHÁNH GIAI ĐOẠN 2013 - 2015
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ về ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới;
Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 8 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;
Căn cứ Thông tư số 54/2009/TT-BNNPTNT ngày 21 tháng 8 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13 tháng 4 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính về hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 1 năm 2009 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X;
Căn cứ Quyết định số 5930/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt “Quy hoạch sản xuất nông nghiệp phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”;
Căn cứ Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND ngày 24 tháng 6 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành cơ chế hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2020;
Xét Tờ trình số tờ trình số 02/TTr-BQL ngày 7 tháng 8 năm 2013 của Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh về việc phê duyệt Đề án Nông thôn mới xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh giai đoạn 2013 - 2015 có ý kiến phê duyệt của Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Bình Chánh, ý kiến đề xuất của Tổ Công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố tại Thông báo số 394/TB-TCT ngày 12 tháng 12 năm 2012; đề xuất của Liên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Sở Kế hoạch và Đầu tư - Sở Tài chính tại Tờ trình số 1611/TTr-NNPTNT-KHĐT-TC ngày 23 tháng 8 năm 2013 về phê duyêt đề án xây dựng nông thôn mới xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, giai đoạn 2013 - 2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay phê duyệt Đề án nông thôn mới xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh giai đoạn 2013 - 2015 (theo nội dung đề án đính kèm).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có phát sinh thay đổi về cơ chế, chính sách đầu tư xã nông thôn mới, Tổ Công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố phối hợp với Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Bình Chánh, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Tân Kiên nghiên cứu, đề xuất kịp thời điều chỉnh, bổ sung.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải và các Sở, ngành liên quan; Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Bình Chánh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh, Trưởng Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Tân Kiên và Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Kiên - huyện Bình Chánh có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
ĐỀ ÁN
XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI XÃ TÂN KIÊN, HUYỆN BÌNH CHÁNH GIAI ĐOẠN 2013 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 5184/QĐ-UBND ngày 23 tháng 9 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố)
Phần 1.
THỰC TRẠNG NÔNG THÔN XÃ TÂN KIÊN - HUYỆN BÌNH CHÁNH
I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - DÂN SỐ LAO ĐỘNG
1. Đặc điểm tự nhiên
Xã Tân Kiên có diện tích đất tự nhiên là 1.148,53 ha; cách trung tâm huyện 1km về phía Nam.
- Phía Bắc giáp phường Tân Tạo A, phường An Lạc, quận Bình Tân.
- Phía Đông giáp phường 16, quận 8 và phường An Lạc, quận Bình Tân.
- Phía Tây giáp xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh.
- Phía Nam giáp xã An Phú Tây, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh.
Trên địa bàn xã có 34 kênh, rạch lớn và nhỏ với tổng chiều dài 34.65 km, phân bố tương đối đồng đều ở các ấp. Đây là điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp đô thị.
Địa hình xã Tân Kiên tương đối bằng phẳng, dốc thoải từ đường quốc lộ 1A về 2 phía. Các kênh tiêu nước chính chảy ra sông Chợ Đệm.
Tổng diện tích đất tự nhiên của xã Tân Kiên là 1.148,53 ha. Xã được chia thành 4 ấp (ấp 1, 2, 3, 4).
2. Dân số
- Dân số toàn xã tính đến cuối năm 2012 nhân khẩu với 50.579 người. Mật độ dân số bình quân là 4.404 người/km2.
- Lực lượng lao động của xã khá dồi dào, số người trong độ tuổi lao động 38.637 người, trong đó: lao động đã có việc làm: 30.253 người (78,3%), lao động chưa có việc làm 1.623 người (4,2%), lao động tham gia nội trợ - đang đi học: 6.762 người (17,5%).
- Dân số của xã phân bố tương đối đồng đều tại các ấp. Công tác dân số kế hoạch hóa gia đình được thường xuyên quan tâm tuyên truyền nên trong thời gian qua đã đạt được những kết quả tốt.
II. ĐIỀU KIỆN KINH TẾ XÃ HỘI
1. Quy hoạch
Xã Tân Kiên có 5 đồ án quy hoạch được phê duyệt do Ban quản lý đầu tư công trình huyện làm chủ đầu tư.
Hiện tại nhiệm vụ quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới của xã Tân Kiên đã được Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh phê duyệt tại Quyết định số 2850/QĐ-UBND ngày 29 tháng 5 năm 2012. Trên cơ sở nhiệm vụ quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới được duyệt, Ủy ban nhân dân xã tiếp tục thực hiện việc lập và trình phê duyệt Đồ án quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới; đồng thời rà soát quy hoạch ngành có liên quan trên địa bàn xã để thực hiện điều chỉnh, bổ sung đồng bộ theo nhiệm vụ quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới được duyệt.
2. Hạ tầng kinh tế - xã hội
a) Giao thông
Có tuyến đường quốc lộ 1A, đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương đi qua xã Tân Kiên với chiều dài 4,68 km. Ngoài ra, còn chuẩn bị đầu tư tuyến đường Võ Văn Kiệt nối dài đến đường dẫn vào đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương.
Ngoài ra, xã đã đầu tư nâng cấp, mở rộng 49,034 km đường liên ấp, liên xã, nội đồng tạo nhiều thuận lợi giao thông. Trong đó:
+ Đường trục xã, liên xã có 11 tuyến đường, tổng chiều dài là 21,096 km trong đó được nhựa hóa 4 tuyến, với tổng chiều dài 12,3 km (đạt tỷ lệ 58,38%).
+ Đường trục ấp có 10 tuyến đường, tổng chiều dài là 13,482 km, trong đó được nhựa hóa 4 tuyến, với tổng chiều dài 5,062 km (đạt tỷ lệ 37,54%).
+ Đường hẻm, xóm có 34 tuyến đường, tổng chiều dài 7,86 km, trong đó được bê tông hóa 17 tuyến, với tổng chiều dài 2,97 km (đạt tỷ lệ 37,78%)
+ Đường trục chính nội đồng có 10 tuyến đường, tổng chiều dài 6,596 km, trong đó có 9 tuyến được trải đá dăm, với tổng chiều dài 5,976 km (đạt tỷ lệ 90,6%) và 1 tuyến trải sỏi đỏ, với tổng chiều dài 0,62 km.
b) Thủy lợi
- Hệ thống thủy lợi trên địa bàn xã tương đối chằng chịt, phân bố đều trên các ấp. Tổng chiều dài 34,65 km. Có các hệ thống cống chủ động điều tiết nước như: cống 416; 04 cống nhỏ
+ Kênh cấp 2 tổng chiều dài là 8,32km (rộng 4 - 6m).
+ Kênh cấp 3 tổng chiều dài là 12,58km (kinh tiêu nội đồng, rộng 2 - 4m).
+ Rạch với tổng chiều dài là 13,75km (rộng 6-10 m).
c) Điện
- Xã có hệ thống điện hạ thế dài 13,626 km với 27 trạm biến áp và đường dây trung thế 22,935 km, chủ yếu nằm dọc theo các tuyến đường, có 3,794 km đường dây 500 KV và 2,778 km đường dây 110 KV.
- Toàn bộ xã có trên 99,9% số hộ sử dụng điện trực tiếp từ lưới điện quốc gia, còn 7 hộ dân chưa được gắn điện kế sinh hoạt, phải câu nhờ điện từ các hộ lân cận để sinh hoạt và thắp sáng do xa lưới điện.
- Hệ thống chiếu sáng đèn dân lập với 1.186 bóng trên các tuyến đường trong các ấp trên địa bàn. Tuy nhiên cần khắc phục các lưới điện thiếu an toàn (lưới điện bị võng) trên toàn địa bàn xã.
d) Trường học
- Trường Mầm non: Có 1 trường mầm non Baby bao gồm: 1 điểm chính ở ấp 2 và 2 điểm phụ ở ấp 1, ấp 4, với 19 giáo viên, 11 nhân viên, 3 cán bộ quản lý và 269 cháu.
- Trường Tiểu học: Có 1 trường tiểu học Tân Kiên bao gồm: 1 điểm chính và 1 điểm phụ với tổng số 43 lớp học, 39 phòng học, 63 giáo viên và 1.670 học sinh. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%
- Trường Trung học cơ sở: Có 1 trường trung học cơ sở Tân Kiên với 20 lớp, 20 phòng học, 47 giáo viên và 850 học sinh. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp năm học 2011 - 2012 đạt 100% (185/185 em).
- Trường Phổ thông trung học: chưa có.
đ) Cơ sở vật chất văn hóa
Xã có 4 câu lạc bộ đờn ca tài tử, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân 4 ấp. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế, chưa được đầu tư đúng mức. Trên địa bàn xã hiện có 4 ấp (ấp 1, 2, 3, 4) nhưng trụ sở văn phòng ban nhân dân ấp 1, 3 và 4 hiện đều nằm trong lộ giới giải phóng mặt bằng, còn trụ sở văn phòng ban nhân dân ấp 2 được xây dựng tạm trên phần đất thuê từ dân. Vì vậy để đáp ứng đủ nhu cầu làm việc của ban nhân dân ấp, đồng thời kết hợp tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa thay cho nhà văn hóa ấp, cần tiến hành xây dựng và trang bị cơ sở vật chất đầy đủ cho 04 văn phòng Ban nhân dân ấp (bao gồm: ấp 1, 2, 3 và 4).
Về thể thao: trên địa bàn xã còn có 5 sân bóng mini của tư nhân trên địa bàn ấp 1, 2 và ấp 3. Hiện tại, Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đang tiến hành xây dựng điểm sinh hoạt thanh niên - công nhân tại khu dân cư Tân Tạo, sẽ góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu thể dục thể thao của người dân xã.
e) Chợ
Xã Tân Kiên chưa có chợ đạt chuẩn nhưng có 2 chợ tạm cơ bản đáp ứng được nhu cầu mua bán, phục vụ sinh hoạt của người dân trong xã. Ngoài ra, trên địa bàn xã có các tuyến đường, tuyến xe buýt rất thuận lợi cho việc lưu thông, trao đổi hàng hóa và nhu yếu phẩm hàng ngày của người dân của xã.
g) Bưu điện
Toàn xã có 2.136 máy điện thoại cố định và trên 20.000 điện thoại di động 1.737 máy vi tính (trong đó có 1.021 máy đã được kết nối internet), 16 điểm truy cập internet đang hoạt động và các mạng kết nối không dây. Dọc theo các tuyến đường xã có 1 Bưu điện, 1 thùng thư (giáp với phường Tân Tạo A, Quận Bình Tân) và một thùng thư đặt trước Ủy ban nhân dân xã. Toàn xã có 5 đại lý bưu điện tại A3/20 ấp 1; B7/18 ấp 2; C3/1 ấp 3; C5/9 ấp 3; D9/14A và 12 điểm phục vụ điện thoại công cộng trên các ấp.
Mạng lưới viễn thông đã đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân địa phương.
h) Nhà ở dân cư nông thôn
- Tổng số nhà ở trên địa bàn xã là 13.070 căn, diện tích xây dựng ước tính khoảng 653.500 m2 (bình quân 50m2/căn), trong đó: nhà đạt chuẩn chiếm 64%. Tổng số nhà tạm bợ còn khoảng 75 căn (chiếm khoảng 0,6%), số nhà tạm bợ này đang được chính quyền địa phương vận động xây dựng, sửa chữa thành nhà bán kiên cố, đồng thời kêu gọi nhân dân (các mạnh thường quân) hỗ trợ xây dựng, sửa chữa đối với trường hợp thật sự khó khăn về kinh tế, không có khả năng xây dựng, sửa chữa nhà ở.
3. Thực trạng kinh tế và tổ chức sản xuất
a) Kinh tế
- Cơ cấu kinh tế của xã hiện nay là: Thương mại, dịch vụ - công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp.
+ Về công nghiệp, thương mại - dịch vụ: toàn xã hiện có 5 doanh nghiệp (100% vốn đầu tư nước ngoài), 238 doanh nghiệp (vốn đầu tư trong nước), 1.173 hộ kinh doanh cá thể trên nhiều lĩnh vực, 6 hộ kinh doanh dịch vụ kho lạnh,... .
+ Về nông nghiệp: chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi, trong đó: về trồng trọt: chủ yếu là trồng lúa (diện tích gieo trồng lúa hè thu: 231,5 ha), gieo trồng rau màu các loại: 35,1 ha, trồng hoa cây kiểng: chủ yếu là trồng lan (4,11ha), mai (1,38 ha), sứ kiểng (0,5 ha); về chăn nuôi: chủ yếu là nuôi heo (1.209 con), trâu bò (252 con), nhím (238 con).
- Thu nhập bình quân đầu người: 17,25 triệu đồng/người/năm.
- Số lượng hộ nghèo: toàn xã hiện có 58 hộ có thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm, chiếm 0,44% tổng số hộ toàn xã (13.070 hộ).
b) Lao động:
- Tổng số lao động trong độ tuổi: 38.637 người, trong đó: lao động đã có việc làm: 30.253 người (78,3%), lao động chưa có việc làm 1.623 người (4,2%), lao động tham gia nội trợ - đang đi học: 6.762 người (17,5%).
- Cơ cấu lao động theo ngành: nông nghiệp: 468 người (1,55%), công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: 15.930 người (52,65%), thương mại - dịch vụ: 13.855 người (45,80%).
- Lao động phân theo kiến thức phổ thông:
+ Tiểu học: 25,57%
+ Trung học cơ sở: 41,13%
+ Trung học phổ thông: 33,30%
- Lao động qua đào tạo: 9.659 người (chiếm 25% trong tổng số lao động trong độ tuổi). Trong đó:
+ Sơ cấp (3 tháng trở lên): 66,25%
+ Trung cấp: 10,98%
+ Cao đẳng: 5,94%
+ Đại học: 16,65%
+ Thạc sĩ: 0,18%
c) Hình thức tổ chức sản xuất
- Kinh tế tư nhân có 381 doanh nghiệp và 1.054 hộ kinh doanh cá thể.
- Kinh tế tập thể có 1 câu lạc bộ sinh vật cảnh, 1 câu lạc bộ nông dân sản xuất giỏi.
4. Văn hóa, xã hội và môi trường.
a) Văn hóa - giáo dục
- Năm 2012 đã tổ chức bình xét “Gia đình văn hóa”, gương “Người tốt, việc tốt”, kết quả: có 4.315/4.590 hộ gia đình văn hóa, đạt 94% và 215 gương “Người tốt, việc tốt”. Năm 2012 ở xã không có ấp được công nhận ấp văn hóa (0/4 ấp).
- Giáo dục
+ Tỷ lệ phổ cập giáo dục trung học đạt yêu cầu.
+ Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề đạt 90%.
+ Tỷ lệ lao động qua đào tạo: 25% (9.659/38.637 người).
b) Y tế
- Trong những năm qua, xã Tân Kiên đã phối hợp với ngành Y tế thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Công tác phòng chống dịch bệnh thực hiện có hiệu quả, tình hình dịch bệnh nhiều năm liền được kéo giảm.
- Xã Tân Kiên có một trạm Y tế xã đã đạt chuẩn quốc gia năm 2008 (trạm y tế có 1 bác sĩ, 1 y sĩ đông y, 1 y sĩ đa khoa, 1 nữ hộ sinh trung cấp, 1 dược tá, 3 y tá.
- Toàn xã có 50.579 dân, trong đó tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế là 20.231 người, đạt tỷ lệ 40%.
c) Môi trường
- Hiện nay trên địa bàn xã có 100% hộ (13.070 hộ) sử dụng nước hợp vệ sinh. Tuy nhiên hệ thống ống dẫn nước cấp 3 còn hạn chế, chưa lắp đặt đến từng hộ dân.
- Tỷ lệ hộ có đủ 3 công trình (nhà tắm, hố xí, bể nước) đạt chuẩn: 99,8%.
- Tỷ lệ cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường là 21/221 cơ sở dựa trên kiểm tra định kỳ, chiếm tỷ lệ 9,5%.
- Tỷ lệ hộ có cơ sở chăn nuôi hợp vệ sinh (phần lớn các hộ sản xuất theo mô hình VAC): 60%.
- Xử lý chất thải: Trên địa bàn xã có 7 tổ thu gom rác, 100% hộ dân và các cơ sở sản xuất kinh doanh trên các trục đường giao thông tham gia đăng ký thu gom rác và xử lý theo quy định; tại những nơi xe thu gom rác không vào được 90% hộ dân ký cam kết với chính quyền xã tự xử lý rác bằng hình thức chôn hoặc đốt tại nhà vườn.
- Nghĩa trang: Ủy ban nhân dân xã vận động nhân dân không chôn cất người thân tại khu vực dân cư, tuyên truyền vận động người dân thực hiện hỏa táng hoặc chôn tại các nghĩa trang đã được quy hoạch tập trung (nghĩa trang Đa Phước, nghĩa trang tại Long An).
5. Hệ thống chính trị và tình hình an ninh trật tự - xã hội
a) Hệ thống chính trị của xã
Đảng bộ xã có 11 chi bộ trực thuộc, với 174 đảng viên. Trong đó có 4 Chi bộ ấp, 3 Chi bộ trưởng học, các Chi bộ Cơ quan, Công an, Quân sự và Thanh tra xây dựng. Đảng bộ xã được công nhận trong sạch vững mạnh nhiều năm liền, năm 2011 được công nhận Đảng bộ trong sạch tiêu biểu, trong đó có 9/10 Chi bộ trực thuộc đạt trong sạch vững mạnh.
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc: có 4 ban công tác Mặt trận ở 4 ấp, với 28 thành viên
- Hội Cựu chiến binh: có 4 Chi hội trực thuộc, với 112 hội viên
- Hội Liên hiệp phụ nữ: có 4 Chi hội, với 3.292 hội viên
- Hội Nông dân: có 5 chi hội (4 chi hội ấp, 1 chi hội ngành nghề), với 824 hội viên
- Đoàn Thanh niên: có 9 Chi đoàn, với 291 đoàn viên
b) An ninh trật tự xã hội
Tình hình trật tự xã hội, an ninh trên địa bàn cơ bản ổn định. Trong nhiệm kỳ qua, tình hình an ninh chính trị được giữ vững, ổn định, không xảy ra các hoạt động phá hoại, gây rối an ninh trật tự, đặc biệt đã kéo giảm được 46% số vụ phạm pháp hình sự so với đầu nhiệm kỳ, tệ nạn xã hội được kéo giảm; thực hiện có hiệu quả Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, phân loại phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc hàng năm đạt loại khá; nhiều mô hình phòng chống tội phạm đang phát huy hiệu quả như đội dân phòng chuyên trách, chốt dân phòng, Tổ xe ôm tự quản, bản tin nhà trọ,... công tác phòng cháy chữa cháy được quan tâm, các khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao được chuyển biến; việc giáo dục cảm hóa người lầm lỗi, người chấp hành hình phạt tù cho hưởng án treo, thanh niên sau cai nghiện tái hòa nhập vào cộng đồng được quan tâm và thực hiện tốt.
Phần 2.
NỘI DUNG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TẠI XÃ TÂN KIÊN - HUYỆN BÌNH CHÁNH ĐẾN NĂM 2015
I. MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2015:
1. Mục tiêu chung:
- Xây dựng xã Tân Kiên trở thành xã nông thôn mới thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa thể hiện các đặc trưng: có kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn được nâng cao; có kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội hoàn chỉnh, có các hình thức sản xuất phù hợp, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch, xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc dân tộc, dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ,... nâng cao sức mạnh của hệ thống chính trị ở xã, ấp dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.
- Xây dựng xã Tân Kiên trở thành xã nông thôn mới theo phương pháp tiếp cận dựa vào nội lực và do cộng đồng địa phương làm chủ.
2. Mục tiêu cụ thể
- Hoàn thành 19/19 tiêu chí về nông thôn mới theo bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới theo từng giai đoạn cụ thể:
+ Năm 2012 đạt 5/19 tiêu chí (4, 8, 11, 18, 19)
+ Năm 2013 phấn đấu đạt 8/19 tiêu chí (thêm 3 tiêu chí: 1, 16, 17)
+ Năm 2014 phấn đấu đạt 13/19 tiêu chí (thêm 5 tiêu chí: 3, 6, 7, 12, 13)
+ Năm 2015 phấn đấu đạt 19/19 tiêu chí (thêm 6 tiêu chí: 2, 5, 9, 10, 14, 15)
* Những chỉ tiêu cụ thể:
- Thu nhập bình quân đầu người/năm đến năm 2015 tăng 1,5 đến 1,8 lần so với mức khởi điểm xuất phát năm 2012. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn thành phố (dưới 12 triệu đồng/người/năm): đến cuối năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo còn lại dưới 0,5%.
- Cơ cấu kinh tế theo hướng: Thương mại, dịch vụ - công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - nông nghiệp. Cơ cấu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đào tạo nghề ít nhất cho 250 lao động/năm, giới thiệu việc làm cho 120 lao động/năm.
- Phấn đấu đến năm 2014 tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm (trừ số lao động trong độ tuổi đang đi học tập trung tại các trường Trung học phổ thông, Trung cấp, Cao đẳng, Đại học theo quy định,...) đạt 90%.
- Chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị hiệu quả cao, an toàn vệ sinh dịch bệnh.
- Xây dựng mạng lưới giao thông nông thôn với chất lượng bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm.
- Kiên cố hóa trường, lớp, hoàn thiện các điều kiện về cơ sở vật chất trong hệ thống trường học, tiến tới hiện đại hóa các phương tiện, thiết bị, đồ dùng dạy học.
- Duy trì và phát triển đời sống văn hóa ở nông thôn với 4/4 ấp đạt tiêu chuẩn văn hóa theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100%; 100% doanh nghiệp, hộ dân dọc các tuyến đường lớn và 90% hộ dân khu vực dân cư tập trung đăng ký thu gom, xử lý rác theo quy định.
- Nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng, hoạt động của các hội, đoàn thể thông qua việc vận động tuyên truyền hội viên, đoàn viên làm nòng cốt trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tỷ lệ cán bộ xã đạt chuẩn trên 90%. Hàng năm Đảng bộ giữ vững danh hiệu trong sạch, vững mạnh, chính quyền và tổ chức chính trị xã hội đạt vững mạnh và từ tiên tiến trở lên. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững.
II. NỘI DUNG VÀ NHIỆM VỤ CỤ THỂ
1. Quy hoạch:
a) Mục tiêu: Đạt tiêu chí số 01 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.
b) Nội dung thực hiện: Việc quy hoạch xây dựng nông thôn mới phải theo Thông tư liên tịch số 13/2011/TTLT-BXD-BNNPTNT-BTNMT ngày 28 tháng 10 năm 2011 của liên Bộ Xây dựng - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài nguyên và Môi trường về Quy định việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xã nông thôn mới.
2. Hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn
a) Giao thông
- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 2 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.
- Nội dung thực hiện:
+ Mở rộng, nâng cấp (nhựa hóa) đường liên xã: 2 tuyến đường, với tổng chiều dài 9,77 km, kinh phí: 398.362 triệu đồng.
+ Mở rộng, nâng cấp (láng nhựa) đường liên ấp: 2 tuyến đường, với tổng chiều dài 3,3 km, kinh phí: 24.358 triệu đồng.
+ Nâng cấp đường ngõ xóm: 2 tuyến đường, với tổng chiều dài 1,06 km, kinh phí: 6.680 triệu đồng.
+ Cải tạo đường nội đồng: 4 tuyến, với tổng chiều dài 2,25 km, kinh phí: 10.548 triệu đồng.
b) Thủy lợi
- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 3 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.
+ Nâng cao chất lượng, hoàn thiện hệ thống các công trình, đảm bảo cung cấp phục vụ sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn xã.
+ Cải tạo kênh mương, nâng cấp mở rộng đê bao kết hợp phục vụ giao thông nông thôn.
- Nội dung thực hiện:
+ Cải tạo, nạo vét 11 tuyến kênh rạch với tổng chiều dài 3,42 km, tổng kinh phí: 30.480 triệu đồng.
c) Điện
- Mục tiêu: Duy trì đạt yêu cầu tiêu chí số 4 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.
- Nội dung thực hiện:
+ Đôn đốc, phối hợp với Công ty Điện lực Bình Chánh khẩn trương thực hiện: phát triển lưới điện và gắn điện kế sinh hoạt cho các hộ dân (7 hộ) chưa được gắn điện kế, phải câu nhờ từ các hộ lân cận; kiểm tra, khắc phục các lưới điện thiếu an toàn trên toàn địa bàn xã.
+ Chủ động phối hợp với ngành điện kiểm tra và xử lý triệt để các trường hợp xây dựng lấn chiếm hành lang an toàn lưới điện.
d) Trường học
- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 5 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.
- Nội dung thực hiện:
+ Xây dựng mới trường mầm non đạt chuẩn.
+ Xây dựng mới trường tiểu học đạt chuẩn.
+ Xây dựng mới trường trung học cơ sở đạt chuẩn.
+ Trường tiểu học Tân Kiên hiện hữu: bổ sung trang thiết bị học tập, xây dựng bổ sung 5 phòng chức năng nhằm phục vụ nhu cầu học tập ngày một tốt hơn.
+ Trường trung học cơ sở Tân kiên hiện hữu: bổ sung trang thiết bị, dụng cụ dạy học cho các phòng bộ môn (máy vi tính, bàn ghế) và xây dựng lại sân chơi đã xuống cấp, phòng học anh văn còn thiếu.
đ) Cơ sở vật chất văn hóa
- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 6 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.
- Nội dung thực hiện:
+ Phối hợp với Thành Đoàn khai thác điểm sinh hoạt Thanh niên - công nhân tại khu dân cư Tân Tạo.
+ Xây dựng thêm 2 trạm phụ phát thanh nông thôn không dây trên địa bàn xã.
+ Tạo điều kiện để tư nhân đầu tư xây dựng 1 khu thể thao
+ Xây dựng, trang bị cơ sở vật chất đầy đủ cho 4 văn phòng Ban nhân dân ấp
e) Chợ nông thôn
- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 7 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới
- Nội dung thực hiện:
+ Tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh tại 2 chợ tạm (chợ Bờ Ngựa, Khải Hoàn) thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài địa bàn xã, thực hiện tốt các quy định về phòng cháy, chữa cháy, tránh lấn chiếm lòng lề đường gây mất trật tự mỹ quan đô thị,...
+ Xây dựng các cửa hàng tiện ích phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng của người dân trên địa bàn xã.
g) Bưu điện
- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 8 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.
- Nội dung thực hiện:
+ Tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông đầu tư xây dựng các trạm phát sóng BTS, phát triển mở rộng mạng lưới cáp internet trên địa bàn xã, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông cho nhân dân.
+ Đề nghị bưu điện huyện Bình Chánh quan tâm, đầu tư thêm các dịch vụ bưu chính trên địa bàn xã.
h) Nhà ở dân cư nông thôn
- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 9 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.
- Nội dung thực hiện:
- Vận động hỗ trợ xây dựng nhà tình thương cho các hộ gặp khó khăn đang phải sinh sống trong các căn nhà tạm. Xóa nhà tạm: 75 căn x 30 triệu đồng/căn = 2.250 triệu đồng.
3. Phát triển kinh tế và các hình thức tổ chức
a) Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nâng cao thu nhập
- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 10 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới;
- Nội dung thực hiện:
+ Do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh trên địa bàn xã Tân Kiên, vì vậy, định hướng phát triển nông nghiệp trên địa bàn xã sẽ thực hiện theo hướng nông nghiệp đô thị (thực hiện Quyết định số 13/2011/QĐ-UBND ngày 09 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015), trong đó, tập trung khuyến khích các hộ dân chuyển đổi diện tích trồng lúa năng suất thấp, các loại cây trồng vật nuôi kém hiệu quả chuyển sang trồng mai, lan, rau an toàn và các loại vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao.
b) Giảm nghèo và an sinh xã hội
- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 11 của Bộ tiêu chí quốc gia và phù hợp với đặc điểm riêng của thành phố.
- Nội dung thực hiện:
+ Định kỳ tổ chức khảo sát, đánh giá chính xác tình hình thu nhập của hộ nghèo trên địa bàn của xã, đưa ra khỏi chương trình những hộ đã khá giả do chuyển nhượng đất, có việc làm, có điều kiện kinh doanh ổn định,... và bổ sung vào chương trình những hộ nghèo mới để có kế hoạch trợ giúp.
+ Tuyên truyền vận động lao động trong hộ nghèo tham gia học nghề; liên hệ với các doanh nghiệp trên địa bàn xã có nhu cầu lao động để giới thiệu việc làm hoặc giới thiệu hàng gia công tại gia đình. Sớm hình thành văn phòng giới thiệu việc làm của Đoàn thanh niên xã Tân Kiên để giới thiệu việc làm và tư vấn học nghề cho thanh niên và người lao động có nhu cầu.
+ Tập trung quan tâm, hỗ trợ về vốn, chính sách cho nhóm hộ có thu nhập từ trên 10 triệu đồng/người/năm đến 12 triệu đồng/người/năm; giới thiệu các nguồn vốn như quỹ Xóa đói, giảm nghèo, nguồn cho vay từ các đoàn thể, của ngân hàng chính sách,... để hộ nghèo tiếp cận và vay vốn khi có nhu cầu.
+ Cho vay vốn từ quỹ vì người nghèo của xã cho các đối tượng hộ nghèo là hội viên, đoàn viên, bộ đội xuất ngũ để chăn nuôi, kinh doanh hoặc học nghề.
+ Giải quyết cho học sinh, sinh viên vay vốn; phát động các phong trào nuôi heo đất, vận động quỹ khuyến học để chăm lo cho các em có nguy cơ bỏ học vì điều kiện kinh tế.
+ Quan tâm hỗ trợ các thủ tục về đất đai, xây dựng để hộ nghèo được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng phòng cho thuê hoặc thực hiện các hoạt động kinh doanh khác.
c) Tỷ lệ lao động có việc làm
- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí 12 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới;
- Nội dung thực hiện:
+ Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã phối hợp chặt chẽ với trung tâm dạy nghề trên địa bàn huyện, các trường nghề, các doanh nghiệp và điểm tư vấn giới thiệu việc làm của Hội liên hiệp thanh niên xã nhằm định hướng nghề cần đào tạo.
+ Đào tạo nghề, cấp chứng chỉ, tập huấn kỹ thuật sản xuất cho nông dân, kỹ năng khuyến nông cho cán bộ khuyến nông cơ sở, nông dân sản xuất giỏi.
+ Đẩy mạnh hợp tác, liên kết giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, các cơ quan chuyên môn,... với nông dân, hộ sản xuất trong việc giới thiệu tiến bộ Khoa học kỹ thuật, giống mới, công nghệ sau thu hoạch.
+ Đào tạo và nâng cao trình độ quản lý, nghiệp vụ kế toán cho cán bộ quản lý tổ hợp tác sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn xã.
d) Hình thức tổ chức sản xuất
- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 13 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới;
- Nội dung thực hiện:
+ Tuyên truyền, phổ biến nhằm giúp nông dân nắm bắt được chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế tập thể.
+ Bồi dưỡng, đào tạo: tổ trưởng, tổ phó tổ hợp tác nhằm nâng cao về năng lực quản lý, kinh nghiệm làm kinh tế.
+ Hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu như trang thiết bị phục vụ thông tin liên lạc, tập huấn trao đổi kinh nghiệm, cập nhật thông tin (điện thoại, máy fax, máy vi tính,...).
+ Hỗ trợ để mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh, dịch vụ của các tổ chức kinh tế tổ hợp tác thông qua:
+ Hỗ trợ kỹ thuật: tạo điều kiện cho người dân tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh, nhằm tăng năng suất chất lượng sản phẩm và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.
+ Hỗ trợ về thông tin thị trường và xúc tiến thương mại.
+ Tham quan học tập mô hình liên kết sản xuất đáp ứng tốt dịch vụ cho người dân.
4. Giáo dục, y tế, văn hóa và môi trường
a) Giáo dục
- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 14 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới;
- Nội dung thực hiện:
+ Không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động Ban chỉ đạo phổ cập, xóa mù chữ của xã.
+ Duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động lớp học tình thương của xã. Hỗ trợ, động viên các em trong độ tuổi phổ cập bậc Trung học phổ thông tiếp tục theo học các lớp phổ cập tại trường Trung học phổ thông Bình Chánh.
+ Tích cực vận động quỹ khuyến học, đa dạng các hình thức tạo quỹ (nuôi heo đất, vận động các mạnh thường quân, từng đoàn thể tự vận động hội viên để chăm lo cho con em của mình,…)
+ Tạo môi trường học tập thân thiện, gần gũi để động viên, khuyến khích các em vượt qua khó khăn, tích cực học tập; tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình và chính quyền; phát động phong trào thi đua học tập, động viên, chia sẻ với các em học lực yếu, kiên trì giáo dục các em có hạnh kiểm chưa tốt, hay quậy phá để giúp các em trở thành người tốt.
+ Tích cực đeo bám, kiến nghị huyện chỉ đạo các ngành chức năng, các Chủ đầu tư sớm đầu tư xây dựng trường mầm non mới trong khu dân cư Hồ Bắc, khu dân cư Tân Tạo hoặc tại địa điểm trường tiểu học Tân Kiên cũ để giảm áp lực trường lớp của khối mầm non. Mặt khác, tìm kiếm kêu gọi các nhà đầu tư tham gia xây dựng nhóm trẻ hoặc trường tư thục trên địa bàn.
+ Tiếp tục phối hợp trường trung cấp nghề Lê Thị Riêng tổ chức dạy nghề cho lao động nữ.
b) Y tế
- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 15 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới;
- Nội dung thực hiện:
+ Tích cực mời gọi đầu tư phòng khám tư nhân trên địa bàn xã; tạo điều kiện cho các cá nhân phát triển hệ thống nhà thuốc tây để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân.
+ Tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, tích cực vận động các bà mẹ đưa trẻ uống vitamin A, thực hiện tiêm chủng mở rộng đối với các loại bệnh thường gặp. Phối hợp với các đoàn khám bệnh từ thiện, các bệnh viện tổ chức khám chữa bệnh và cấp phát thuốc cho nhân dân.
+ Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, nhất là bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng, kiềm chế không để phát sinh các ổ dịch mới.
+ Vận động nhân dân thường xuyên thực hiện vệ sinh khu vực xung quanh và bên trong nhà
+ Thực hiện cung cấp đầy đủ các loại dung dịch, hóa chất khử khuẩn để người dân thường xuyên vệ sinh nhà cửa.
+ Kiểm tra thường xuyên các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, phát hiện xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm nhằm ngăn chặn không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.
+ Nâng cấp, sửa chữa, trang bị trang thiết bị cho trạm y tế xã Tân Kiên để phục vụ tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
+ Vận động gia đình đảng viên, hộ nghèo, gia đình đoàn viên, hội viên, gia đình cán bộ, công chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tích cực tham gia bảo hiểm y tế; làm việc với các chủ doanh nghiệp, cơ sở vận động mua bảo hiểm y tế cho công nhân.
+ Nâng cấp Trạm y tế: cải tạo, sơn sửa lại khuôn viên Trạm y tế xã; nâng cấp một số trang thiết bị đã cũ. Xây dựng phòng trưng bày hình ảnh về các cây thuốc nam tại trạm y tế xã.
c) Xây dựng đời sống văn hóa phong phú lành mạnh
- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 16 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới;
- Nội dung thực hiện:
+ Đẩy mạnh, tăng cường công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của cán bộ, hội đoàn thể của xã và nhân dân về ý nghĩa của phòng trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
+ Tổ chức phát động các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động văn hóa thể thao, kịp thời tuyên dương gương người tốt, việc tốt, gia đình văn hóa, tiêu biểu trên các lĩnh vực.
+ Xây dựng các Câu lạc bộ thể dục thể thao cấp xã, ấp để người dân tham gia luyện tập giữ gìn sức khỏe. Vận động xã hội hóa việc xây dựng các khu sinh hoạt thể dục thể thao...
+ Đẩy mạnh công tác tấn công, truy quét trấn áp tội phạm, thường xuyên kiểm tra làm trong sạch địa bàn, tuyệt đối không để xảy ra các điểm nóng về tội phạm, về tệ nạn xã hội, kiên quyết đấu tranh phòng chống tội phạm bằng việc xây dựng các mô hình tự quản hoạt động hiệu quả trong nhân dân.
d) Bảo vệ và phát triển môi trường nông thôn
- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 17 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới;
- Nội dung thực hiện:
+ Tiếp tục quán triệt, triển khai Nghị quyết số 13-NQ/HU của Huyện ủy Bình Chánh, Chỉ thị số 04/2010/CT-UBND của Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh cho đảng viên, cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân về công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn hiện nay.
+ Xây dựng mới 2 trạm cấp nước tập trung
+ Lắp đặt đường ống nước cấp 3 để cung cấp nước sạch cho người dân
+ Tích cực phối hợp với các ngành của huyện, cũng như chủ động kiểm tra tại các cơ sở, doanh nghiệp có nghi vấn về hoạt động gây ô nhiễm môi trường
+ Thường xuyên làm việc các tổ thu gom rác dân lập, chấn chỉnh ngay tình trạng thu gom rác không đảm bảo thời gian, không đảm bảo vệ sinh trong quá trình thu và vận chuyển. Đồng thời, hướng dẫn người dân thực hiện chôn cất đúng nơi quy định.
+ Tiếp tục tuyên truyền nhắc nhở, vận động dỡ bỏ cầu xí trên sông, rạch, đồng thời hướng dẫn người dân vay vốn để xây dựng nhà vệ sinh tự hoại.
+ Vận động nhân dân cùng với chính quyền giữ gìn vệ sinh đường phố và trồng cây xanh trong vườn nhà; ra quân trồng và chăm sóc thêm ít nhất 1.500 cây xanh các loại trên các tuyến bờ bao, đường Kênh 8. Thực hiện chăm sóc 500 cây xanh đã được trồng năm 2010 dọc bờ bao rạch Bàu Gốc.
+ Đối với các khu đất bỏ hoang (để cỏ mọc, trở thành nơi vứt rác) buộc chủ sử dụng phải có kế hoạch khai thác. Sau nhiều lần nhắc nhở, nếu chủ đất không khắc phục thì phải kiên quyết xử lý, thậm chí kiến nghị thu hồi đất theo quy định pháp luật.
5. Hệ thống chính trị và an ninh trật tự xã hội
a) Củng cố, nâng cao chất lượng và vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở
- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí 18 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới;
- Nội dung thực hiện:
+ Trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Hội đồng nhân dân xã thông qua, từng bộ phận, từng cá nhân chủ động cụ thể hóa bằng những kế hoạch, chương trình công tác với những giải pháp, biện pháp thiết thực phù hợp với khả năng, điều kiện và tình hình đặc thù của địa phương.
+ Tạo sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, nêu cao tinh thần trách nhiệm của Thường trực Ủy ban nhân dân và đội ngũ cán bộ công chức của xã trong quá trình thực thi công vụ, gắn trách nhiệm cá nhân trong sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận chuyên môn.
+ Tăng cường công tác đi cơ sở, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời giải quyết kịp thời những ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội.
+ Phối hợp chặt chẽ giữa Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để Hội đồng nhân dân tham gia giám sát hoạt động của Ủy ban nhân dân, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc giám sát cán bộ và phản biện xã hội đối với những chương trình, kế hoạch của Ủy ban nhân dân nhằm kịp thời phát hiện những hạn chế trong công tác điều hành, những mặt tồn tại, yếu kém của đội ngũ cán bộ công chức và bổ sung những giải pháp phù hợp cho chương trình, kế hoạch sẽ được ban hành.
+ Tổ chức đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, công chức đạt chuẩn để không ngừng đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới.
b) An ninh chính trị và trật tự xã hội nông thôn
- Mục tiêu: Duy trì đạt yêu cầu tiêu chí số 19 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới;
- Nội dung thực hiện:
+ Các tổ chức trong hệ thống chính trị phải có nghị quyết, kế hoạch cụ thể, sát thực về công tác đảm bảo an ninh trật tự, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân trong việc tham gia giữ gìn an ninh, trật tự, đem lại sự bình yên, hạnh phúc cho mỗi người.
+ Triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, biện pháp bảo vệ an ninh trật tự và phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tại xã với nhiều mô hình, cách làm cụ thể, thiết thực.
+ Củng cố, xây dựng lực lượng công an xã ngày càng trong sạch, vững mạnh. Các loại tệ nạn xã hội phải được phát hiện và xử lý ngay từ đầu, thực hiện quản lý tốt các đối tượng có tiền án, tiền sự, các đối tượng đã bị xử lý hành chính. Đặc biệt phải tạo được sự đoàn kết, thống nhất trong Ban chỉ huy, sự đồng thuận, chấp hành trong cán bộ, chiến sĩ, sự phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy quân sự xã, với Trưởng Ban nhân dân ấp và Tổ trưởng Tổ nhân dân.
+ Tăng cường công tác tuần tra, xử lý người vi phạm trên các tuyến đường giao thông do xã quản lý.
+ Nắm chắc tình hình dư luận xã hội, tập trung giải quyết cơ bản những vấn đề bức xúc trong dân. Thực hiện tốt hơn nữa công tác cải cách hành chính, không để đơn thư, hồ sơ tồn đọng kéo dài; Tập trung tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân bị ảnh hưởng trong các dự án hiểu, đồng thuận, góp phần đẩy nhanh tiến độ bồi thường, bàn giao mặt bằng.
III. DỰ KIẾN KINH PHÍ VÀ NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ HỖ TRỢ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
A. Tổng kinh phí đầu tư, hỗ trợ để thực hiện Đề án nông thôn mới xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, dự kiến 828.137 triệu đồng, gồm:
1. Vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản: 688.737 triệu đồng (chiếm 83,17%)
2. Vốn sự nghiệp hỗ trợ cho các hoạt động trên địa bàn xã: 139.400 triệu đồng (chiếm 16,83%).
B. Nguồn vốn
1. Vốn ngân sách: 555.071 triệu đồng, chiếm 67,03 %, gồm:
- Vốn NTM: 68.871 triệu đồng
- Vốn lồng ghép: 486.200 triệu đồng
+ Vốn ngân sách tập trung: 445.000 triệu đồng;
+ Vốn phân cấp huyện: 0 triệu đồng;
+ Vốn sự nghiệp: 41.200 triệu đồng.
2. Vốn cộng đồng: 226.566 triệu đồng, chiếm 27,36%, gồm:
- Vốn dân: 148.016 triệu đồng;
- Vốn doanh nghiệp: 78.550 triệu đồng.
3. Vốn tín dụng: 46.500 triệu đồng, chiếm 5,61%.
* Vốn đầu tư các nguồn được xác định cụ thể theo chương trình, dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Phần 3.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thời gian thực hiện đề án: từ nay đến hết năm 2015.
2. Quy mô và khối lượng thực hiện: theo các biểu đính kèm.
3. Phương châm và nguyên tắc đầu tư, hỗ trợ
- Phát huy nội lực của địa phương là chính, đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ sự hỗ trợ của Trung ương và Thành phố, đáp ứng nhu cầu đầu tư, giúp đỡ của các doanh nghiệp.
- Phát huy dân chủ, công khai trong cộng đồng dân cư, khẩn trương, đồng bộ và chặt chẽ trong thủ tục hành chính và đầu tư.
a) Cơ chế huy động và quản lý các nguồn vốn
- Thực hiện theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;
- Thực hiện theo Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 8 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;
- Thực hiện theo Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13 tháng 4 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ;
- Thực hiện theo Thông tư số 28/2012/TT-BTC ngày 24 tháng 2 năm 2012 của Bộ Tài chính quy định về quản lý vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách xã, phường, thị trấn;
- Thực hiện theo Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2020;
- Thực hiện theo Quyết định số 15/2013/QĐ-UBND ngày 17 tháng 4 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Quy định cơ chế quản lý đầu tư và xây dựng, quản lý nguồn vốn đầu tư tại các xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2013 - 2020;
- Vận dụng theo Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND ngày 24 tháng 6 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành cơ chế hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2020.
b) Quản lý đầu tư và xây dựng
- Thực hiện theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;
- Thực hiện theo Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13 tháng 4 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ;
- Vận dụng theo Thông tư số 28/2012/TT-BTC ngày 24 tháng 2 năm 2012 của Bộ Tài chính quy định về quản lý vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách xã, phường, thị trấn;
- Thực hiện theo Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2020;
- Thực hiện theo Quyết định số 15/2013/QĐ-UBND ngày 17 tháng 4 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Quy định cơ chế quản lý đầu tư và xây dựng, quản lý nguồn vốn đầu tư tại các xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2013 - 2020.
4. Phân công thực hiện
a) Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh, Ủy ban nhân dân xã Tân Kiên, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Bình Chánh và Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Tân Kiên
- Tập trung triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân, Đảng viên, cán bộ công chức quán triệt chủ trương của Trung ương và thành phố về chương trình xây dựng mô hình nông thôn mới tại xã; vận động cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp và nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia và đóng góp hỗ trợ để thực hiện các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới trên địa bàn xã.
- Thực hiện theo đúng nội dung của Đề án được phê duyệt, không được thay đổi nội dung của Đề án khi chưa được chấp thuận của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố.
- Phân công các Phòng, ban, đơn vị chức năng của huyện, cán bộ chuyên môn của xã tham gia, hỗ trợ Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Tân Kiên xây dựng kế hoạch tổng thể thực hiện đề án giai đoạn 2012-2015, xây dựng kế hoạch cụ thể từng năm đảm bảo tiến độ và mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
- Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo đúng quy định hướng dẫn của pháp luật hiện hành.
b) Các Sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố:
- Phân công cán bộ, công chức theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ Ban quản lý xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Tân Kiên huyện Bình Chánh chuẩn bị và thực hiện, đảm bảo tiến độ thực hiện các tiêu chí của ngành trên địa bàn xã.
- Chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu của Trung ương và thành phố do Sở ngành phụ trách trên địa bàn xã.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hướng dẫn Ủy ban nhân dân xã Tân Kiên và Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã Tân Kiên triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo Đề án được phê duyệt.
- Sở Quy hoạch - Kiến trúc hướng dẫn, hoàn tất thẩm định quy hoạch chung, quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch hạ tầng thiết yếu (theo phân công, phân cấp) của huyện Bình Chánh và xã Tân Kiên; tổ chức giám sát việc công bố, công khai các quy hoạch được phê duyệt.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, các Sở ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Tân Kiên cân đối, đề xuất và dự thảo văn bản trình Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết và bố trí vốn ngân sách tập trung, vốn phân cấp hàng năm (2013 - 2015), đảm bảo tiến độ đầu tư, hoàn thành các tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn xã Tân Kiên.
- Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc nhà nước, các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh và Ban quản lý xây dựng nông thôn mới Tân Kiên, đề xuất và dự thảo văn bản trình Ủy ban nhân dân thành phố bổ sung, giao kế hoạch kinh phí sự nghiệp chi thường xuyên để thực hiện các hoạt động, đảm bảo tiến độ thực hiện các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới trên địa bàn xã Tân Kiên.
c) Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các chương trình, dự án, các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới trên địa bàn xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh; định kỳ hàng tháng báo cáo Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố, Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố kết quả thực hiện; tham mưu, đề xuất, giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện; chuẩn bị hồ sơ, tài liệu để thành phố tổ chức sơ kết hàng năm, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện xây dựng xã nông thôn mới trên địa bàn thành phố./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.