THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 51/2008/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 24 tháng 4 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CỦA NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CƠ SỞ SẢN XUẤT KINH DOANH DÀNH RIÊNG CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG TÀN TẬT
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp ngày 26 tháng 6 năm 2003;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 10 tháng 12 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Người tàn tật ngày 30 tháng 7 năm 1998;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Đối tượng áp dụng
Các cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người lao động là người tàn tật (sau đây gọi chung là cơ sở kinh doanh) được áp dụng chính sách hỗ trợ quy định tại Quyết định này bao gồm: các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp doanh, hợp tác xã, tổ hợp tác được thành lập theo quy định của pháp luật có trên 51% số lao động là người tàn tật và có quy chế hoạt động hoặc điều lệ phù hợp với đối tượng lao động là người tàn tật.
Điều 2. Chính sách hỗ trợ
1. Ưu đãi về thuế: cơ sở kinh doanh quy định tại Điều 1 Quyết định này được:
a. Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Riêng đối với hoạt động kinh doanh hàng xuất khẩu (trừ xuất khẩu mặt hàng dệt, may không được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp) được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đến hết năm 2011.
b. Miễn tiền thu sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước. Trong thời gian được miễn tiền thu sử dụng đất, cơ sở kinh doanh không được chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; không được thế chấp, cầm cố, bảo lãnh, góp vốn liên doanh liên kết bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
2. Ưu đãi về vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội như sau:
a. Điều kiện được vay:
- Các cơ sở kinh doanh có nhu cầu cần vay vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh nhằm ổn định việc làm cho người tàn tật và thu hút thêm người tàn tật vào làm việc;
- Thực hiện đảm bảo tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.
b. Lãi suất cho vay: bằng 50% mức lãi suất cho vay ưu đãi đối với các đối tượng khác vay vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay trong hạn.
c. Mức vốn cho vay: được vay phần vốn còn thiếu của dự án đầu tư, sản xuất sau khi cơ sở sản xuất, kinh doanh đã sử dụng nguồn vốn tự có và các nguồn vốn hợp pháp khác, mức vốn vay tối đa cho một dự án căn cứ vào số lao động là người tàn tật được thu hút vào dự án và không quá 30 triệu đồng/một lần lao động thu hút.
d. Thời hạn vay vốn: thực hiện theo quy định hiện hành áp dụng đối với các dự án vay vốn giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách Xã hội.
3. Ngoài chính sách ưu đãi trên đây, cơ sở kinh doanh còn được Nhà nước hỗ trợ từ Quỹ việc làm cho người tàn tật theo quy định tại Nghị định số 81/CP ngày 23 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về lao động là người tàn tật.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Tài chính có trách nhiệm:
a. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Quyết định này.
b. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn cho vay giải quyết việc làm, kinh phí cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để thực hiện cho vay theo quy định.
c. Định kỳ 6 tháng và hàng năm tổng hợp các báo cáo về tình hình thực hiện Quyết định này của Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Quyết định này.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính bố trí vốn cho vay giải quyết việc làm, kinh phí cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách Xã hội.
4. Ngân hàng Chính sách Xã hội có trách nhiệm:
a. Sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp cho vay giải quyết việc làm hàng năm và huy động vốn bảo đảm đủ nguồn cho vay theo quy định tại Quyết định này.
b. Hướng dẫn quy trình và thủ tục cho vay bảo đảm đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu; thực hiện cho vay vốn, thu hồi nợ theo quy định; định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo Bộ Tài chính.
5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm:
a. Cân đối trong dự toán ngân sách địa phương hàng năm để cấp vốn cho Quỹ việc làm cho người tàn tật.
b. Phân công trách nhiệm cho các Sở, Ban, ngành thực hiện chính sách ưu đãi về thuế quy định tại khoản 1 Điều 2 Quyết định này; hướng dẫn các cơ sở kinh doanh sử dụng vốn vay có hiệu quả và trả được nợ cho Ngân hàng Chính sách Xã hội.
c. Kiểm tra, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ quy định tại Quyết định này; định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo Bộ Tài chính.
6. Hiệp hội sản xuất kinh doanh của người tàn tật Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các cơ quan liên quan giám sát tình hình thực hiện Quyết định này.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.