ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 51/2006/QĐ-UBND | Đà Nẵng, ngày 26 tháng 5 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CÁC CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CỦA THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 2006 ĐẾN NĂM 2010
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 09 tháng 6 năm 2000;
Căn cứ Nghị định số 81/2002/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoa học và công nghệ;
Căn cứ Quyết định số 272/2003/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam đến năm 2010;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 28/TTr-SKHCN ngày 11 tháng 5 năm 2006,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt các Chương trình khoa học và công nghệ của thành phố Đà Nẵng giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2010 (sau đây gọi tắt là Chương trình, nội dung cụ thể kèm theo).
Điều 2. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm:
1. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các quận, huyện tổ chức triển khai và kiểm tra việc thực hiện các Chương trình.
2. Tham mưu cho UBND thành phố ban hành Quy chế quản lý các Chương trình.
3. Tham mưu cho UBND thành phố thành lập Ban Chủ nhiệm cho mỗi Chương trình.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và Chủ nhiệm các Chương trình chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
CÁC CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
CỦA THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 2006 ĐẾN NĂM 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 51/2006/QĐ-UBND ngày 26 tháng 5 năm 2006 của UBND thành phố Đà Nẵng)
Chương trình 1
NGHIÊN CỨU CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH TẠO ĐỘNG LỰC CHO SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI CỦA THÀNH PHỐ
1. Chủ nhiệm Chương trình: PGS.TS. Võ Xuân Tiến - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng.
2. Mục tiêu:
- Nghiên cứu thực tiễn và xây dựng luận cứ khoa học làm cơ sở cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và ban hành các chính sách, mô hình, giải pháp phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
- Nghiên cứu phát triển và huy động các nguồn lực phục vụ thiết thực cho yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác các lợi thế so sánh của thành phố.
- Nghiên cứu các vấn đề liên quan đến giải pháp, cơ chế nhằm nâng cao hiệu quả quản lý kinh tế-xã hội thành phố.
3. Nội dung:
- Nghiên cứu và ứng dụng các mô hình, giải pháp,... phục vụ phát triển kinh tế-xã hội bền vững: Các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, mô hình, giải pháp phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố.
- Điều tra cơ bản tổng hợp, liên ngành và một số lĩnh vực kinh tế-xã hội trọng điểm nhằm tổng kết thực tiễn, làm cơ sở cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của thành phố và của các ngành, lĩnh vực trọng điểm.
- Nghiên cứu các vấn đề bảo đảm quốc phòng, an ninh kết hợp phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong điều kiện mở cửa và hội nhập quốc tế.
Chương trình 2
NGHIÊN CỨU KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN PHỤC VỤ SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA THÀNH PHỐ
1. Chủ nhiệm Chương trình: ThS. Bùi Văn Tiếng - Bí thư Quận ủy Thanh Khê.
2. Mục tiêu:
- Đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ và năng lực điều hành của chính quyền các cấp của thành phố trong điều kiện mới.
- Nghiên cứu giải pháp gắn kết giữa phát triển kinh tế-xã hội với không ngừng nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá, văn nghệ nhằm đảm bảo sự phát triển nhanh và bền vững của thành phố. Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố.
- Xác định các luận cứ khoa học cho các chủ trương, dự án, đề xuất các cơ chế, chính sách, mô hình có liên quan đến quản lý và phát triển đô thị, phục vụ thực hiện mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế-xã hội của miền Trung.
- Xây dựng con người Đà Nẵng có nếp sống văn minh hiện đại.
3. Nội dung:
- Nghiên cứu các vấn đề liên quan đến đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị, đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; đề xuất giải pháp thực hiện và phát huy dân chủ, cải cách bộ máy hành chính nhà nước; các giải pháp để đổi mới và nâng cao công tác tư tưởng, chính trị; nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên trong tình hình mới; đổi mới và nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ thành phố trong điều kiện nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố.
- Nghiên cứu xây dựng những giải pháp, chiến lược đào tạo nguồn nhân lực của thành phố. Nghiên cứu con người và nguồn nhân lực với tư cách là chủ thể xã hội, các vấn đề liên quan đến phát triển toàn diện con người Đà Nẵng theo chỉ số phát triển người - HDI; nghiên cứu mô hình và giải pháp phát triển văn hoá, xã hội, giáo dục-đào tạo, y tế, thể dục thể thao, các chính sách xã hội, giải pháp đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả xoá đói, giảm nghèo, thực hiện công bằng, dân chủ, văn minh, phòng chống tệ nạn xã hội, giải quyết việc làm,...
- Nghiên cứu những biến đổi về tâm lý xã hội của con người Đà Nẵng trong quá trình phát triển thành phố, đề xuất những giải pháp quản lý xã hội trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nghiên cứu vấn đề gia đình, họ, tộc trong xây dựng con người và cộng đồng xã hội văn minh,…
- Nghiên cứu xây dựng luận cứ phục vụ xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển đô thị; các giải pháp chỉnh trang đô thị, chính sách tạo nguồn vốn bền vững phát triển cơ sở hạ tầng; giải pháp thực hiện quy hoạch; giải pháp thể chế hóa sự tham gia của nhân dân vào công tác lập và thực hiện quy hoạch. Nghiên cứu và ứng dụng các mô hình xã hội hóa quản lý đô thị.
- Nghiên cứu phát triển các điểm tham quan, du lịch mới, chú trọng phát triển toàn diện các hình thức du lịch biển; nghiên cứu ẩm thực đặc trưng của thành phố.
Chương trình 3
CHƯƠNG TRÌNH ỨNG DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH CÔNG NGHỆ CAO PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI CỦA THÀNH PHỐ
1. Chủ nhiệm Chương trình: GS.TSKH. Bùi Văn Ga - Giám đốc Đại học Đà Nẵng.
2. Mục tiêu:
- Xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ làm cơ sở cho việc tiếp nhận, thích nghi, làm chủ, cải tiến và phát triển các ngành công nghệ cao của thành phố.
- Ứng dụng các công nghệ tiên tiến thuộc các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ tự động hoá, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
- Hình thành khu công nghệ cao của thành phố.
3. Nội dung:
3.1. Công nghệ thông tin
- Ứng dụng công nghệ thông tin nhanh, rộng rãi và có hiệu quả trong quản lý Nhà nước, các cơ quan Đảng, trong ngành giáo dục và đào tạo, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
- Xây dựng các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý Nhà nước; triển khai ứng dụng công nghệ đa phương tiện trong các lĩnh vực y tế, văn hoá, du lịch; công nghệ GIS trong quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường.
- Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật tạo điều kiện phát triển nhanh ngành công nghệ thông tin, ưu tiên phát triển công nghệ phần mềm; phát triển có chọn lọc các cơ sở sản xuất linh kiện, thiết bị tin học; sản xuất các phần mềm thương mại phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
3.2. Công nghệ tự động hoá
- Ứng dụng công nghệ tự động hóa trong một số ngành công nghiệp chủ chốt và trong những khâu quan trọng quyết định chất lượng sản phẩm.
- Nghiên cứu sản xuất một số sản phẩm cơ khí thế hệ mới; điều khiển từ xa, thiết kế tự động CAD, CAM, các hệ thống SCADA, CNC, cơ khí chính xác, thiết bị đo lường và xử lý thông tin theo quy trình công nghiệp.
- Nghiên cứu nâng cao trình độ tự động hoá của các dây chuyền hiện có; nghiên cứu các môđun điều khiển tự động dây chuyền sản xuất, thay thế dần các thao tác thủ công trong sản xuất công nghiệp; nghiên cứu các công nghệ tự động áp dụng trong các ngành đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản.
3.3. Công nghệ sinh học
- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi: Công nghệ sản xuất giống; công nghệ chế biến và bảo quản nông, lâm, thuỷ sản nhằm đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm xuất khẩu và phục vụ tiêu dùng trong nước; ứng dụng chế phẩm sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản.
- Nghiên cứu dụng công nghệ sinh học trong xử lý ô nhiễm môi trường (nước thải, mùi hôi, ô nhiễm do hóa chất, dầu...), xử lý và chế biến rác thải, các phụ phẩm, phế phẩm trong nông nghiệp.
- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong chẩn đoán bệnh, chữa bệnh và phòng bệnh cho nhân dân.
3.4. Công nghệ vật liệu mới
- Nghiên cứu phát triển các loại vật liệu phục vụ cho việc sản xuất các sản phẩm chiến lược của thành phố.
- Nghiên cứu sản xuất các loại vật liệu mới có tính năng kỹ thuật cao để thay thế các loại vật liệu truyền thống trong công nghiệp, xây dựng và dân dụng như bêtông polyme, vật liệu compozit, các tổ hợp vật liệu chịu nhiệt, chịu tác động của môi trường,...
- Nghiên cứu sản xuất các chế phẩm thay xăng.
Chương trình 4
KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ PHỤC VỤ KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG HỢP LÝ TÀI NGUYÊN VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
1. Chủ nhiệm Chương trình: PGS.TS. Trần Văn Nam - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng.
2. Mục tiêu:
- Cung cấp luận cứ, cơ sở khoa học cho việc quy hoạch sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phục vụ phát triển bền vững kinh tế-xã hội của thành phố.
- Đề xuất các giải pháp sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ngăn ngừa và giảm nhẹ tai biến, sự cố môi trường.
3. Nội dung:
- Điều tra cơ bản toàn diện các điều kiện tự nhiên, các nguồn tài nguyên, sinh thái và môi trường, nhất là tài nguyên biển; xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường; thống kê và dự báo diễn biến môi trường trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội thành phố.
- Nghiên cứu xây dựng mô hình quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường theo vùng; giải pháp công nghệ để cải thiện môi trường đô thị, nông thôn, các làng nghề truyền thống; nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhằm kiểm soát ô nhiễm biển; nghiên cứu bảo vệ các nguồn gen và các nguồn lợi quý hiếm; nghiên cứu hình thành khu bảo tồn biển quanh Bán đảo Sơn Trà và Nam Hải Vân.
- Nghiên cứu phân tích các yếu tố gây sạt lở và dự báo phòng tránh sạt lở một số khu vực ven bờ (sông, biển); các giải pháp phòng chống sạt lở bờ biển, cửa sông; các giải pháp phòng, tránh và giảm nhẹ hậu quả thiên tai.
- Nghiên cứu sử dụng năng lượng tái sinh (mặt trời, gió); nghiên cứu phát triển các mô hình sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng.
- Nghiên cứu đánh giá mức độ nguy hiểm và xây dựng phương án phòng chống lụt bão vùng hạ lưu khi vỡ các hồ chứa nước Hoà Trung, Đồng Nghệ đối với các địa phương có liên quan.
- Nghiên cứu quy hoạch thoát lũ các sông trên địa bàn thành phố.
- Nghiên cứu các giải pháp khai thác, quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên nước.
- Nghiên cứu các biến đổi về môi trường khi nạo vét sông, các công trình trên sông Hàn, sông Cu Đê, sự thu hẹp lòng sông...
- Nghiên cứu đánh giá hệ thống cấp thoát nước của thành phố.
Chương trình 5
KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN CÁC SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP CHỦ LỰC NHẰM NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH, ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU
1. Chủ nhiệm Chương trình: PGS.TS. Trương Bá Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng.
2. Mục tiêu:
Nghiên cứu, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố trên thị trường trong và ngoài nước.
3. Nội dung:
3.1. Ngành chế biến thuỷ, hải sản
- Nghiên cứu đổi mới thiết bị công nghệ chế biến, nâng cao chất lượng và đa dạng hoá các mặt hàng thủy hải sản, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
- Nghiên cứu, lựa chọn công nghệ hiện đại để sản xuất một số sản phẩm tươi sống xuất khẩu.
- Áp dụng công nghệ mới trong chế biến các sản phẩm truyền thống như nước mắm, sản phẩm cá, mực khô tẩm gia vị…
3.2. Ngành dệt - may
- Nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật; các công nghệ tiên tiến vào quá trình dệt, nhuộm, in, may và hoàn tất sản phẩm theo tiêu chuẩn tiên tiến, hiện đại.
- Nghiên cứu lựa chọn nhập một số công nghệ, thiết bị hiện đại để đồng bộ hóa dây chuyền sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
- Nghiên cứu đầu tư công nghệ sản xuất một số phụ liệu phục vụ cho ngành may.
3.3. Ngành da giày
- Nghiên cứu lựa chọn, nhập một số thiết bị hiện đại cho dây chuyền giày da, chú ý thiết bị cho các khâu quyết định năng suất và chất lượng sản phẩm.
- Bước đầu hình thành trung tâm thiết kế mẫu.
3.4. Ngành cơ khí, điện tử
- Nghiên cứu áp dụng các công nghệ cơ bản ở trình độ tiên tiến của các ngành như: Công nghệ gia công áp lực, công nghệ phun phủ bảo vệ bề mặt kim loại, công nghệ hàn tự động. Nghiên cứu, lựa chọn nhập một số công nghệ hiện đại để chế tạo khuôn mẫu phục vụ cho ngành cơ khí và các ngành sản xuất khác. Ứng dụng các phần mềm chuyên dùng trong thiết kế, công nghệ gia công khuôn mẫu có độ chính xác và phức tạp cao.
- Nghiên cứu ứng dụng các thành quả của công nghệ cao trong chế tạo máy; thiết kế, chế tạo các máy móc thiết bị, phụ tùng, chi tiết máy cho ô tô và xe máy, nhằm từng bước nâng tỉ lệ nội địa hoá sản phẩm.
- Nghiên cứu thiết kế, chế tạo các máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ phục vụ cho các ngành sản xuất như: chế biến nông-hải sản, thực phẩm, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng cơ kim khí.
- Ứng dụng rộng rãi kết quả nghiên cứu chuyển đổi một số loại xe từ sử dụng xăng sang sử dụng gas.
3.5. Ngành điện tử
- Nghiên cứu sản xuất các bo mạch, các cụm linh kiện điện tử phục vụ cho các ngành sản xuất xe máy, ô tô, máy vi tính… nhằm thay thế nhập khẩu và nâng dần tỉ lệ nội địa hoá sản phẩm.
- Tiếp tục nghiên cứu công nghệ, đầu tư phát triển thêm các loại tụ điện bằng kim loại phục vụ cho các sản phẩm điện tử.
3.6. Ngành vật liệu xây dựng
- Nghiên cứu đầu tư công nghệ hiện đại cho sản xuất gạch thuỷ tinh.
- Cải tiến, áp dụng công nghệ mới để sản xuất tấm lợp từ các loại nguyên liệu mới thay thế cho tấm lợp amiăng.
- Nghiên cứu công nghệ tạo khuôn mẫu trong sản xuất sứ vệ sinh nhằm thay thế các khuôn sản phẩm nhập khẩu.
- Nghiên cứu công nghệ sấy trước sản phẩm thô trong sản xuất gạch men; đổi mới công nghệ sản xuất các loại gạch không nung theo hướng từng bước sử dụng thiết bị tự động trong các khâu sản xuất.
3.7. Ngành chế biến nông sản, thực phẩm
- Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ thu hoạch và sấy lá thuốc quy mô phù hợp cho các cơ sở vệ tinh để cung cấp nguyên liệu cho chế biến thuốc lá.
- Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ trang trí bề mặt sản phẩm gỗ chế biến. Phát triển công nghệ chế biến sản phẩm gỗ từ cơ lý sang chế biến cơ lý hoá tổng hợp, công nghệ sản xuất ván nhân tạo đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế.
- Nghiên cứu sản xuất các loại bao bì đóng gói thích hợp và lựa chọn, nhập thiết bị đóng gói tự động cho các loại sản phẩm đang chế biến.
- Nghiên cứu xây dựng và phát triển các làng nghề sản xuất sản phẩm mới dựa trên nguồn nguyên liệu sẵn có tại chỗ.
- Nghiên cứu chế biến thức ăn gia súc, gia cầm trên cơ sở tận dụng phế phẩm từ chế biến hải sản, các nguyên liệu nông sản.
Chương trình 6
KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ PHỤC VỤ CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN
1. Chủ nhiệm Chương trình: KS. Trần Văn Huy - Giám đốc Sở Thủy sản Nông Lâm thành phố Đà Nẵng.
2. Mục tiêu:
- Nghiên cứu các luận cứ khoa học cho cơ chế, chính sách, quy hoạch đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị.
- Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng gia tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; giải quyết việc làm cho người lao động. Hình thành nông thôn mới.
- Nghiên cứu đề xuất các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở và người sản xuất áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để nâng cao chất lượng nông sản, thực phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hoá trong quá trình hội nhập.
3. Nội dung:
3.1. Thuỷ sản
- Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ đẩy mạnh đánh bắt xa bờ có hiệu quả, áp dụng công nghệ tiên tiến trong thăm dò, khai thác thuỷ sản, hoàn thiện ngư cụ đánh bắt; Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khai thác, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn.
- Nghiên cứu ứng dụng các chương trình quản lý để hình thành, tổ chức và quản lý các đoàn tàu đánh bắt xa bờ hiện có, tiến tới tổ chức quản lý các tổ hợp tác nghề cá liên hợp: Khai thác - Chế biến - Tiêu thụ sản phẩm.
- Nghiên cứu quản lý có hiệu quả cơ sở hạ tầng, dịch vụ nghề cá theo hướng tiên tiến, hiện đại.
- Ứng dụng công nghệ tiên tiến sau thu hoạch và chế biến. Phát triển công nghệ nuôi trồng thuỷ sản (công nghệ giống, phòng trừ dịch bệnh, sản xuất thức ăn), chế biến chất lượng cao để xuất khẩu. Hoàn thiện các quy trình nuôi trồng đối với các loài thuỷ sản của địa phương. Nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới về xử lý môi trường nuôi và phòng trừ dịch bệnh. Hình thành các khu nuôi, tạo con giống thuỷ đặc sản có giá trị kinh tế cao; Xây dựng các mô hình nuôi trồng thuỷ sản theo hướng thâm canh.
3.2. Nông nghiệp
- Nghiên cứu đề xuất chính sách và giải pháp chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đề xuất chính sách tạo việc làm cho các vùng kinh tế trọng điểm trong tiến trình đô thị hoá. Đánh giá thực trạng vấn đề sử dụng đất nhằm đề xuất các giải pháp để thực hiện “dồn điền, đổi thửa”; nghiên cứu mô hình kinh tế trang trại, mô hình nông nghiệp sinh thái.
- Nghiên cứu quy hoạch để xây dựng hình thành các vùng sản xuất chuyên canh cây, con tập trung áp dụng công nghệ cao vào sản xuất. Tổ chức sản xuất gắn chế biến, tiêu thụ và an toàn thực phẩm; hình thành và phát triển các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung áp dụng công nghệ cao.
- Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau sạch, nuôi trồng sinh vật cảnh phục vụ du lịch và xuất khẩu.
- Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất như: Làm đất, tưới, chăm sóc, thu hoạch, phòng trừ dịch bệnh, bảo quản sản phẩm cho cây trồng, con vật nuôi.
- Nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ nâng cao giá trị sản phẩm của các làng nghề truyền thống (làng đá mỹ nghệ Non Nước, nước mắm Nam Ô, chiếu Cẩm Nê,...).
- Hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, các dịch vụ về điện, nước, viễn thông, y tế giáo dục, văn hoá thể thao,... đáp ứng kịp thời sản xuất vào đời sống nông dân, xoá đói giảm nghèo.
- Nghiên cứu xây dựng các mô hình nông thôn mới nhằm nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần, nâng cao dân trí.
3.3. Lâm nghiệp
- Ứng dụng công nghệ cao vào trồng rừng phòng hộ bằng cây bản địa, cây nhập ngoại. Chú trọng bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng ở các vùng có liên quan của thành phố như: Hoà Vang, Sơn Trà, Hải Vân và ven biển.
- Ứng dụng công nghệ cao trong chế biến các sản phẩm lâm sản phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
Chương trình 7
KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ PHỤC VỤ CHĂM SÓC VÀ BẢO VỆ SỨC KHOẺ CỘNG ĐỒNG
1. Chủ nhiệm Chương trình: BSCKII. Trịnh Lương Trân - Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng.
2. Mục tiêu:
- Góp phần đảm bảo công bằng xã hội trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
- Phát triển và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.
3. Nội dung:
- Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán và điều trị; phát triển các phương pháp điều trị thay thế và ghép phủ tạng; phẫu thuật chỉnh hình, mổ hở tim, phẫu thuật thần kinh; phục hồi chức năng.
- Nghiên cứu mô hình bệnh và các biện pháp phòng, chống nhằm từng bước khống chế và tiến tới thanh toán một số bệnh xã hội và bệnh dịch nguy hiểm ở Đà Nẵng.
- Nghiên cứu các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm. Nghiên cứu ảnh hưởng của hoá chất độc hại, tình trạng ô nhiễm môi trường đối với sức khoẻ cộng đồng và đề xuất những giải pháp khắc phục.
- Nghiên cứu dịch tễ học các bệnh nhiễm trùng và các bệnh không nhiễm trùng; các yếu tố môi trường tác động đến sức khỏe và bệnh tật của cộng đồng.
- Đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất thuốc chữa bệnh, vật tư y tế. Ưu tiên nghiên cứu sản xuất thuốc chữa bệnh từ nguồn dược liệu trong nước; ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nguyên liệu làm thuốc.
- Triển khai công tác điều tra cơ bản phục vụ việc xây dựng kế hoạch, chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dân: Thực trạng trang thiết bị y tế và trình độ chuyên môn kỹ thuật cũng như khả năng đáp ứng của các dịch vụ y tế đối với nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân thành phố; đánh giá vai trò của hệ thống y tế tư nhân,…
- Nghiên cứu các giải pháp hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế, xây dựng và hoàn chỉnh mạng lưới y tế; các chính sách hỗ trợ cho công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ của nhân dân vùng sâu, vùng xa, người nghèo và các đối tượng chính sách; các giải pháp giáo dục và phát triển thể chất cho trẻ em và nâng cao thể lực cho nhân dân.
Chương trình 8
NGHIÊN CỨU CÁC GIẢI PHÁP PHÁT HUY TIỀM LỰC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VÀ NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
1. Chủ nhiệm Chương trình: Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng.
2. Mục tiêu:
- Phát huy nội lực và tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế để nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá thành phố.
- Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực cho khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
3. Nội dung:
- Xây dựng hệ thống chỉ tiêu và cơ chế thu thập thông tin khoa học và công nghệ toàn thành phố làm cơ sở cho việc đề xuất các chủ trương chính sách về khoa học và công nghệ.
- Xây dựng Phòng nuôi cấy mô tế bào thực vật, Phòng thí nghiệm công nghệ sinh học, Phòng thử nghiệm đo lường chất lượng hàng hoá, Trung tâm thông tin khoa học và công nghệ, Viện nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ, Trung tâm nghiên cứu chiến lược phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng và một số cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ khác.
- Đầu tư nâng cấp phòng thí nghiệm hiện có ở Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Phòng thí nghiệm Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, trang thiết bị Trung tâm thông tin khoa học và công nghệ. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ từ cấp thành phố đến cơ sở.
- Hợp tác với các cơ quan trong và ngoài nước trong việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ; trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ cấp thành phố và quận huyện.
- Đẩy mạnh hợp tác và liên kết giữa Chính quyền thành phố với các Trường Đại học, Học viện, các tổ chức khoa học và công nghệ để phát huy tiềm lực khoa học và công nghệ của thành phố, gắn kết nhà khoa học với nhà doanh nghiệp.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.