TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 51/2002/QĐ-TANDTC | Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ CÁN BỘ TÒA ÁN NHÂN DÂN ĐỊA PHƯƠNG
CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
Căn cứ vào Luật tổ chức Tòa án nhân dân;
Căn cứ vào Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân;
Căn cứ vào Quy chế phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Hội đồng nhân dân địa phương trong việc quản lý của các Tòa án nhân dân địa phương về tổ chức (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 132/2002/NQ-UBTVQH11 ngày 04-10-2002 của Ủy ban thường vụ Quốc hội);
Căn cứ vào Quyết định số 49 ngày 03-5-1999 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy định phân cấp quản lý cán bộ;
QUYẾT ĐỊNH:
PHÂN CẤP QUẢN LÝ CÁN BỘ TÒA ÁN NHÂN DÂN ĐỊA PHƯƠNG NHƯ SAU:
1. Công tác tổ chức cán bộ Tòa án nhân dân địa phương đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ và thống nhất trong ngành Tòa án nhân dân, có sự thống nhất với cấp ủy địa phương và sự phối hợp chặt chẽ với Thường trực Hội đồng nhân dân địa phương theo đúng Quy chế phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Hội đồng nhân dân địa phương trong việc quản lý các Tòa án nhân dân địa phương về tổ chức (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 132/2002/NQ-UBTVQH11 ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Ủy ban thường vụ Quốc hội).
2. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quản lý công tác tổ chức cán bộ trong ngành Tòa án nhân dân.
3. Cán bộ, công chức thuộc đối tượng phân cấp quản lý cán bộ theo Quyết định này là những người làm việc tại Tòa án nhân dân địa phương được tuyển dung, bổ nhiệm hoặc giao giữ một nhiệm vụ thường xuyên trong biên chế, hưởng lương và được xếp vào một ngạch công chức chuyên môn, nghiệp vụ gồm có nhân viên, cán sự, chuyên viên, Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên và Thẩm phán Tòa án nhân dân địa phương được bổ nhiệm theo Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân.
4. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ủy quyền cho Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là Tòa án nhân dân cấp tỉnh) thực hiện một số công việc sau đây:
a) Xây dựng kế hoạch chỉ tiêu biên chế của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện và trình Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định.
Căn cứ vào kế hoạch chỉ tiêu biên chế của Tòa án nhân dân cấp huyện đã được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ biên chế cho Tòa án nhân dân cấp huyện và chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra việc tổ chức thực hiện.
b) Tổ chức thi tuyển cán bộ, công chức cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện theo chỉ tiêu biên chế được Tòa án nhân dân tối cao phân bổ và theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước, hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao. Kết quả thi tuyển và danh sách những người trúng tuyển phải báo cáo với Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ tổ chức cán bộ). Sau khi được Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đồng ý thì Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh ra quyết định tuyển dụng.
Đối với việc tiếp nhận cán bộ, công chức từ các cơ quan khác chuyển đến Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc Tòa án nhân dân cấp huyện thì Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh phải báo cáo với Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ tổ chức cán bộ). Sau khi được sự đồng ý của lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao thì Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh ra quyết định tiếp nhận.
c) Được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, có thời hạn đối với những trường hợp không thuộc đối tượng tuyển dụng cán bộ, công chức như nhân viên lái xe, tạp vụ, bảo vệ để phục vụ nhu cầu công tác của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, sau khi được lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đồng ý.
Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, có thời hạn đối với nhân viên tạp vụ, bảo vệ, lái xe (nếu có chỉ tiêu) để phục vụ nhu cầu công tác của Tòa án nhân dân cấp huyện, sau khi được Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh đồng ý.
d) Quyết định điều động cán bộ, công chức là nhân viên, cán sự, Thư ký Tòa án t ừ Tòa án nhân dân cấp huyện này đến Tòa án nhân dân huyện khác. Việc điều động chỉ được thực hiện trong phạm vi biên chế của mỗi đơn vị được giao có sự nhất trí của Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện nơi đi và nơi đến của cán bộ, công chức và báo cáo với Tòa án nhân dân tối cao.
đ) Khi cần thiết quyết định giao quyền Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện cho Phó Chánh án hoặc Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp huyện đối với Tòa án nhân dân cấp huyện chưa có Chánh án trong thời hạn 6 tháng và báo cáo với Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ tổ chức cán bộ).
e) Quyết định nâng bậc lương, xếp ngạch lương, điều chỉnh bậc lương cho cán bộ, công chức thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện theo quy định của pháp luật, trừ Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
g) Cử cán bộ, công chức thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, chính trị, quản lý kinh tế, quản lý nhà nước theo kế hoạch của Tòa án nhân dân tối cao, của cấp ủy địa phương tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong nước.
h) Quyết định tặng giấy khen cho tập thể, cá nhân thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện có thành tích trong công tác. Các hình thức khen thưởng cao hơn phải đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
i) Quyết định cán bộ, công chức của Tòa án nhân dân cấp tỉnh (trừ Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh) và cán bộ, công chức của Tòa án nhân dân cấp huyện nghỉ hưu khi cán bộ, công chức đó đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định của pháp luật và báo cáo với Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ tổ chức cán bộ).
k) Quyết định cán bộ, công chức của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện nghỉ thôi việc, chuyển ngành do sắp xếp tổ chức, giảm biên chế hoặc do cán bộ, công chức có nguyện vọng (trừ Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Chánh văn phòng, Phó Chánh văn phòng, Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp huyện). Trường hợp cho thôi việc, chuyển ngành do sắp xếp tổ chức, giảm biên chế chỉ được quyết định sau khi được lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đồng ý.
l) Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với cán bộ, công chức của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện (trừ khiếu nại, tố cáo đối với Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh).
m) Quyết định kỷ luật đối với cán bộ, công chức như sau:
- Áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo đối với Thẩm phán, Trường phòng, Phó Trưởng phòng, Chánh văn phòng, Phó Chánh văn phòng Tòa án nhân dân cấp tỉnh; Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp huyện.
- Áp dụng các hình thức kỷ luật theo quy định của Nhà nước đối với nhân viên, cán sự, chuyên viên, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện.
Đối với cán bộ, công chức trên đây có vi phạm phải xem xét kỷ luật, nếu xét thấy cần thiết Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh quyết định tạm đình chỉ công tác và báo cáo với Tòa án nhân dân tối cao. Nếu cán bộ, công chức phạm tội, bị bắt, bị tạm giam thì Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh phải báo cáo ngay với Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ tổ chức cán bộ) để có hướng dẫn xử lý).
5. Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh quyết định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chánh tòa, Phó Chánh tòa các Tòa chuyên trách và các chức vụ khác (trừ Phó Chánh án) của Tòa án cấp tỉnh, sau khi được lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đồng ý.
6. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hủy bỏ quyết định về công tác tổ chức, cán bộ của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh nếu quyết định đó trái pháp luật hoặc không đúng với Quyết định này.
7. Chánh văn phòng, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.