BỘ GIÁO DỤC | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số : 509-QĐ | Hà Nội, ngày 29 tháng 08 năm 1963 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH CHẾ ĐỘ KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT ĐỐI VỚI SINH VIÊN, HỌC SINH CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC
Căn cứ nghị định số 198-CP ngày 07-11-1961 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Giáo dục;
Căn cứ nghị định số 56-NĐ ngày 24-01-1958 của Bộ Giáo dục về chế độ khen thưởng và kỷ luật đối với sinh viên, học sinh các trường đại học và trung cấp chuyên nghiệp;
Căn cứ báo cáo về tình hình khen thưởng và kỷ luật ở các trường đại học và trung cấp chuyên nghiệp từ trước tới nay;
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng vụ Quản lý học sinh, sinh viên đại học và trung cấp chuyên nghiệp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. – Nay ban hành kèm theo quyết định này, quy chế khen thưởng, kỷ luật đối với sinh viên, học sinh các trường đại học và trung cấp chuyên nghiệp.
Điều 2. – Ông Vụ trưởng vụ Quản lý học sinh, sinh viên đại học và trung cấp chuyên nghiệp, các ông hiệu trưởng các trường đại học, các ông hiệu trưởng các trường trung cấp chuyên nghiệp chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC |
QUY CHẾ
KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT ĐỐI VỚI SINH VIÊN, HỌC SINH CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP
Năm 1958, Bộ Giáo dục đã có quy định chế khen thưởng và kỷ luật đối với sinh viên, học sinh các trường đại học và trung cấp chuyên nghiệp. Chế độ khen thưởng và kỷ luật đã có tác dụng giúp các trường quản lý sinh viên, học sinh ngày càng chặt chẽ hơn. Nhưng, vì các tiêu chuẩn và biện pháp tổ chức để thực hiện chưa được quy định cụ thể, nên việc khen thưởng và thi hành kỷ luật ở các trường có những thiếu sót dưới đây:
1. Các trường chưa quan tâm đúng mức đến việc khen thưởng để giáo dục, động viên sinh viên, học sinh thi đua học tập và rèn luyện tư cách đạo đức, mà chỉ thi hành kỷ luật khi có sinh viên, học sinh phạm sai lầm khuyết điểm.
2. Việc áp dụng các hình thức khen thưởng, kỷ luật không thống nhất giữa các trường. Việc xét và quyết định kỷ luật có nhiều trường hợp làm không đúng thủ tục, thiếu nghiên cứu, cân nhắc kỹ, thiếu thận trọng; thậm chí có những trường hợp các trường đã quyết định kỷ luật quá quyền hạn của mình không bảo đảm tính chất nghiêm túc và dân chủ, hạn chế tác dụng giáo dục.
Để khắc phục những thiếu sót trên, Bộ Giáo dục ban hành quy chế khen thưởng kỷ luật đối với sinh viên, học sinh các trường đại học và trung cấp chuyên nghiệp như sau:
Chương 1:
MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU VÀ PHƯƠNG CHÂM NGUYÊN TẮC
Điều 1. – Chế độ khen thưởng kỷ luật ở các trường đại học và trung cấp chuyên nghiệp nhằm mục đích:
1. Động viên giáo dục sinh viên, học sinh phát huy tinh thần tự giác thi đua học tập, rèn luyện phẩm chất xã hội chủ nghĩa, tự giác chấp hành nghiêm túc các quy tắc và nội quy trong nhà trường.
2. Củng cố và tăng cường công tác quản lý sinh viên, học sinh về mọi mặt góp phần tích cực vào việc giáo dục, rèn luyện sinh viên, học sinh trở thành những cán bộ tốt của Nhà nước.
3. Làm cho nhà trường dần dần trở thành những trung tâm văn hóa, trong đó sinh viên, học sinh có tư tưởng, đạo đức, tác phong và nếp sống tiến bộ, văn minh, gương mẫu và tiên tiến về mọi mặt.
Điều 2. – Việc khen thưởng, kỷ luật phải dựa theo những phương châm và nguyên tắc dưới đây:
1. Giáo dục, động viên nhiều hơn trừng phạt, khen thưởng nhiều hơn kỷ luật, nhằm phát huy tác dụng giáo dục của nhà trường.
2. Khen thưởng, kỷ luật phải chính xác và thật nghiêm minh, thật công bằng, không thành kiến cảm tình, đảm bảo chính sách và đảm bảo đúng nguyên tắc dân chủ và tập trung.
3. Khen thưởng và kỷ luật phải làm kịp thời và làm đúng thủ tục.
Chương 2:
KHEN THƯỞNG
Điều 3. – Đối tượng khen thưởng là đơn vị tổ, lớp… và cá nhân sinh viên, học sinh đã có nhiều thành tích về một mặt nào đó hoặc về nhiều mặt.
Điều 4. – Có những hình thức khen thưởng dưới đây:
1. Biểu dương ở lớp,
2. Biểu dương ở khoa và cấp giấy khen của trường,
3. Biểu dương trước toàn trường, cấp giấy khen hoặc bằng khen của Bộ sở quan hay của Bộ Giáo dục, ghi vào bảng danh dự của nhà trường.
Điều 5. - Tuỳ từng trường hợp, có thành tích ít hay nhiều, mà áp dụng hình thức khen thưởng thích đáng đối với các đối tượng có tiêu chuẩn được khen thưởng.
Điều 6. – Việc khen thưởng phải căn cứ vào thành tích về các mặt:
a) Tu dưỡng tư tưởng, đạo đức, tác phong,
b) Học tập,
c) Lao động và công tác.
Thành tích phải thể hiện trong việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ của người sinh viên, học sinh, chủ yếu là nhiệm vụ học tập và trong việc chấp hành nghiêm chỉnh và tự giác các quy chế, chế độ, nội quy về 3 mặt nói trên.
Điều 7. – Hình thức và mức độ khen thưởng các đơn vị (tổ, lớp) ấn định như sau:
a) Một đơn vị tổ, lớp, tuy chưa đủ tiêu chuẩn là đơn vị tiên tiên tiến nhưng có thành tích trội về mặt nào đó, các mặt khác không có khuyết điểm lớn: được biểu dương ở khoa.
b) Một đơn vị tổ, lớp, đủ tiêu chuẩn là đơn vị tiên tiến: được biểu dương trước toàn trường và được nhà trường cấp giấy khen.
c) Đơn vị (tổ, lớp) nào, tiên tiến cả 2 học kỳ và có những thành tích trội nhất, xuất sắc nhất, có tác dụng gương mẫu cho các đơn vị khác trong nhà trường và cho cá trường khác: ngoài việc được biểu dương trước toàn trường vào cuối năm học, được cấp giấy khen hoặc bằng khen của Bộ sở quan hoặc của Bộ Giáo dục.
Điều 8. – Hình thức và mức độ khen thưởng cá nhân sinh viên, học sinh ấn định như sau:
a) Sinh viên, học sinh nào học tập đạt yêu cầu và có nhiều ưu điểm một mặt nào đó, các mặt khác không có khuyết điểm lớn sẽ được biểu dương ở lớp.
b) Sinh viên, học sinh nào đủ tiêu chuẩn là sinh viên, học sinh tiên tiến: được biểu dương ở khoa và ở trường và được nhà trường cấp giấy khen.
Điều 9. – Đơn vị nào, cá nhân nào, có những thành tích đột xuất được kịp thời biểu dương ở khoa hoặc toàn trường, được cấp giấy khen của trường hoặc được đề nghị Bộ sở quan khen thưởng (nếu xét thật xứng đáng) để phát huy tác dụng; không cần chờ đến kỳ sơ kết cuối học kỳ I hoặc tổng kết cuối năm học.
Điều 10. – Danh sách những đơn vị tiên tiến, cá nhân tiên tiến cuối học kỳ: được niêm yết ở các khoa và ở trường.
Điều 11. – Tất cả những đơn vị, cá nhân sinh viên, học sinh được khen thưởng cuối học kỳ, cuối năm hay đột xuất, từ hình thức thấp nhất đến hình thức cao nhất, đều được ghi vào một quyển sổ “khen thưởng” để ở mỗi khoa hoặc ở phòng tổ chức của trường.
Điều 12. - Những sinh viên, học sinh tiên tiến được ghi vào lý lịch, học bạ và sổ danh bạ những hình thức đã được khen thưởng.
Chương 3:
KỶ LUẬT
Điều 13. - Đối tượng thi hành kỷ luật là cá nhân sinh viên, học sinh có sai lầm, khuyết điểm.
Điều 14. – Có những hình thức kỷ luật dưới đây:
1. Khoa trực tiếp phê bình ở phòng làm việc, ở lớp.
2. Cảnh cáo thường ở khoa (không ghi vào lý lịch).
3. Cảnh cáo trước toàn khoa.
4. Cảnh cáo trước toàn trường và giảm hoặc cắt học bổng.
5. Đình chỉ học tập có thời hạn, cho đi lao động để giáo dục và đình chỉ cấp học bổng.
6. Buộc phải thôi học.
7. Đuổi ra khỏi trường, và bắt bồi hoàn một nửa hoặc tất cả học bổng đã được cấp.
8. Đuổi ra khỏi trường, bắt bồi hoàn một nửa hoặc tất cả học bổng đã được cấp, và có kèm theo đề nghị cấm thi hoặc truy tố.
Điều 15. - Tuỳ từng trường hợp, căn cứ vào mức độ và tác hại của sai lầm khuyết điểm mà áp dụng hình thức kỷ luật thích hợp, theo đúng phương châm nguyên tắc quy định ở điều 2.
Điều 16. – Thi hành kỷ luật phải căn cứ vào sai lầm khuyết điểm về các mặt:
a) Chính trị, tư tưởng, đạo đức, tác phong.
b) Học tập.
c) Lao động và công tác.
Sai lầm khuyết điểm phải thể hiện trong việc thực hiện các nhiệm vụ của nhà trường đề ra cho học sinh, sinh viên, trong việc chấp hành các quy chế, nội quy, chế độ có liên quan đến toàn bộ hoạt động của người sinh viên, học sinh trong phạm vi nhà trường.
Điều 17. – Đối với tất cả những sinh viên, học sinh bị thi hành kỷ luật, từ hình thức thấp nhất đến hình thức cao nhất, đều phải ghi vào một quyển sổ “theo dõi kỷ luật” để ở mỗi khoa hay ở phòng tổ chức của trường.
Điều 18. – Đối với những sinh viên, học sinh bị kỷ luật từ hình thức cánh cáo trước toàn khoa trở lên (từ hình thức 3 đến hình thức 8, nhà trường phải ghi đầy đủ vào lý lịch học bạ và sổ danh bạ: lý do bị kỷ luật, ngày thi hành và các hình thức kỷ luật đã áp dụng.
Chương 4:
BIỆN PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
HỘI ĐỒNG KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT, QUYỀN HẠN, NHIỆM VỤ CỦA KHOA TRƯỞNG, HIỆU TRƯỞNG, HỒ SƠ VÀ LỀ LỐI LÀM VIỆC
Điều 19. - Để việc khen thưởng và kỷ luật đảm bảo nguyên tắc dân chủ tập trung, ở mỗi trường đại học và trung cấp chuyên nghiệp có một Hội đồng khen thưởng kỷ luật.
Điều 20. - Hội đồng khen thưởng kỷ luật là tổ chức có nhiệm vụ:
- Xét danh sách những đơn vị và cá nhân sinh viên, học sinh cần khen thưởng từ hình thức thứ 2 trở lên.
- Xét các vụ kỷ luật của sinh viên và kiến nghị những hình thức kỷ luật thích hợp (từ hình thức thứ 5 trở lên).
Những kiến nghị của Hội đồng phải được Hiệu trưởng ra quyết định chính thức mới được công bố và mới có hiệu lực.
Điều 21. – Thành phần Hội đồng khen thưởng, kỷ luật ấn định như sau:
- Hiệu trưởng Chủ tịch
- Các chủ nhiệm khoa Ủy viên
- Trưởng phòng tổ chức Ủy viên thường trực
- Trưởng phòng giáo vụ Ủy viên
- Đại biểu của tổ chức sinh viên, học sinh Ủy viên
- Đại biểu đoàn thanh niên lao động
trong sinh viên, học sinh Ủy viên
Ở các trường trung cấp chuyên nghiệp không có tổ chức khoa, các đơn vị tương đương cử đại diện và Hội đồng.
Điều 22. - Hội đồng khen thưởng kỷ luật họp mỗi năm học 4 kỳ thường lệ vào giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II và cuối năm học, để:
a) Xét và kiến nghị những hình thức khen thưởng đối với những đơn vị (tổ, lớp…) và cá nhân sinh viên, học sinh theo quy định ở điểm a điều 29 và điểm a điều 30.
b) Xét và kiến nghị những hình thức kỷ luật, theo quy định ở điểm b điều 29 và điểm b điều 30.
Điều 23. – Ngoài những kỳ họp thường lệ trong năm học, nếu có những việc khen thưởng đột xuất hoặc có những vụ kỷ luật cần giải quyết kịp thời, Hội đồng có thể họp bất thường, theo yêu cầu của Hiệu trưởng.
Điều 24. – Ngày họp và thời gian họp của Hội đồng, thường kỳ hay bất thường; do Chủ tịch hội đồng ấn định.
Điều 25. – Hội đồng khen thưởng, kỷ luật có ban Thường vụ thành phần gồm có: Hiệu trưởng, trưởng phòng tổ chức và đại biểu sinh viên, học sinh.
- Ban thường vụ có trách nhiệm:
+ Chuẩn bị các buổi sinh hoạt của Hội đồng.
+ Thi hành các nghị quyết của Hội đồng. Theo dõi việc thi hành quy chế trong phạm vi nhà trường.
+ Làm nhiệm vụ thường trực của Hội đồng.
- Ban Thường vụ có quyền được thay thế Hội đồng trong những trường hợp thật cần thiết, do một thông tư của Bộ quy định cụ thể sau.
Điều 26. – Khoa trưởng và Hiệu trưởng có quyền xét và quyết định những hình thức khen thưởng và kỷ luật ở mức độ thấp, không cần đưa ra Hội đồng khen thưởng, kỷ luật xét.
Quyền hạn của khoa trưởng và Hiệu trưởng quy định như sau:
Điều 27. – Khoa trưởng có quyền quyết định những hình thức khen thưởng và kỷ luật dưới đây:
a) Về khen thưởng: biểu dương 1 hay nhiều sinh viên, học sinh ở khoa.
b) Về kỷ luật:
- Phê bình 1 sinh viên, học sinh.
- Cảnh cáo thường 1 sinh viên, học sinh ở khoa (không ghi vào học bạ và lý lịch).
Điều 28. - Hiệu trưởng có quyền quyết định, theo đề nghị của khoa trưởng, những hình thức khen thưởng, kỷ luật dưới đây:
a) Về khen thưởng:
- Biểu dương một đơn vị tổ, lớp trước toàn khoa.
- Biểu dương những sinh viên, học sinh tiên tiến trước toàn khoa và cấp giấy khen.
b) Về kỷ luật:
- Cảnh cáo 1 sinh viên, học sinh trước toàn khoa.
- Cảnh cáo 1 sinh viên, học sinh trước toàn trường và giảm hay cắt học bổng.
Điều 29. - Hiệu trưởng có quyền quyết định, theo đề nghị của khoa trưởng và kiến nghị của Hội đồng, những hình thức khen thưởng kỷ luật dưới đây:
a) Về khen thưởng: biểu dương 1 đơn vị tổ, lớp tiên tiến trước toàn trường và cấp giấy khen.
b) Về kỷ luật: cảnh cáo 1 sinh viên, học sinh trước toàn trường đình chỉ cấp học bổng, đình chỉ học tập có thời hạn cho đi lao động để giáo dục.
Điều 30. - Những hình thức khen thưởng kỷ luật dưới đây phải được Hiệu trưởng đề nghị căn cứ vào kiến nghị của Hội đồng và được Bộ trưởng Bộ có trường chuẩn y mới được thi hành:
a) Về khen thưởng: tặng giấy khen hoặc bằng khen của Bộ sở quan hoặc Bộ Giáo dục và có tặng phẩm.
b) Về kỷ luật:
- Buộc 1 sinh viên, học sinh phải thôi học.
- Đuổi ra khỏi trường và bắt bồi hoàn một nửa hoặc tất cả tiền học bổng đã được cấp.
- Đuổi ra khỏi trường, bắt bồi hoàn học bổng đã được cấp và có kèm thêm đề nghị cấm thi, truy tố.
Điều 31. – Hình thức kỷ luật cấm thi phải do Bộ trưởng Bộ Giáo dục xét và quyết định, căn cứ vào đề nghị của các ông hiệu trưởng các trường.
Điều 32. - Trước khi đưa ra Hội đồng xét các vụ kỷ luật phải được chuẩn bị đầy đủ về hồ sơ và tài liệu. Người phạm sai lầm phải được kiểm thảo sâu sắc.
Điều 33. - Chủ tịch Hội đồng chủ trì các buổi họp của Hội đồng. Ủy viên thường trực có trách nhiệm trình bày nội dung các sự việc trước Hội đồng. Riêng về việc khen thưởng cuối học kỳ và cuối năm, các khoa trưởng sẽ trình bày dự kiến trước Hội đồng.
Điều 34. – Khi Hội đồng xét xử kỷ luật đối với một sinh viên, học sinh, đương sự được phép tới dự để trình bày ý kiến của mình trước Hội đồng, hoặc để tự bào chữa.
Đương sự có thể được phép mời thêm 1 người cùng đơn vị biết rõ sự việc đến dự để báo cáo rõ thêm trước Hội đồng.
Hội đồng cũng có quyền mời thêm nhân chứng tới dự.
Điều 35. – Tất cả các kiến nghị Hội đồng khen thưởng, kỷ luật đều phải được biểu quyết theo nguyên tắc đa số. Các cuộc họp phải có biên bản và có đủ chữ ký của những ủy viên có mặt.
Nếu không có đủ trên một nửa số ủy viên có mặt, buổi họp của Hội đồng coi như không hợp lệ.
Nếu có trường hợp số phiếu biểu quyết bằng nhau, thì ý kiến của bên có Chủ tịch Hội đồng là ý kiến quyết định.
Điều 36. – Đối với các hình thức khen thưởng và kỷ luật quy định ở điều 28, 29, Hiệu trưởng phải ký quyết định chính thức, trước khi công bố.
Bản chính của quyết định sẽ lưu hồ sơ, bản sao sẽ niêm yết, gửi cho đương sự, báo cáo về Bộ sở quan và Bộ Giáo dục (vụ Quản lý học sinh, sinh viên) và đồng thời thông báo cho gia đình các đương sự biết, nếu xét thấy cần thiết.
Điều 37. – Trong hồ sơ lưu trữ, mỗi quyết định phải đính kèm đầy đủ báo cáo biên bản cùng các tài liệu có liên quan.
Phòng tổ chức có trách nhiệm giúp Hiệu trưởng sưu tầm nghiên cứu các tài liệu, quản lý và bảo vệ các hồ sơ về khen thưởng, kỷ luật đối với sinh viên, học sinh.
Điều 38. – Để việc khen thưởng kỷ luật được giải quyết kịp thời, không để chậm trễ, kéo dài, thời gian để các trường chuẩn bị, nghiên cứu xét và quyết định, ấn định như sau:
a) Về khen thưởng:
- Khen thưởng cuối học kỳ I: phải công bố vào dịp sơ kết học kỳ I.
- Khen thưởng cuối học kỳ II và cuối năm học: phải công bố vào dịp tổng kết năm học.
- Khen thưởng đột xuất: phải xét và quyết định hình thức khen thưởng nhanh chóng, không để chậm quá 1 tháng.
b) Về kỷ luật:
- Đối với những sai lầm khuyết điểm ở mức độ cảnh cáo trở xuống: không để chậm quá 15 ngày.
- Đối với những sai lầm nghiêm trọng về các mặt đạo đức, tác phong, sinh hoạt chấp hành quy chế, nội quy… không có vấn đề chính trị phức tạp, ở mức độ cần đình chỉ học tập, buộc thôi học hoặc đuổi ra khỏi trường: không để chậm quá 2 tháng.
- Đối với những sai lầm thuộc các vấn đề chính trị phức tạp cần phải có thời gian nghiên cứu, thẩm tra, xác minh, cũng không để kéo dài quá lâu.
Điều 39. – Sinh viên, học sinh bị kỷ luật có thể làm đơn đề nghị xét lại kỷ luật, gửi cho nhà trường hoặc gửi cho cấp trên trực tiếp của trường. Nếu gửi đơn cho trường, thì trong thời hạn 10 ngày, trường phải chuyển lên cấp trên của mình, kèm theo ý kiến của mình.
Trong khi chờ đợi xét đơn khiếu nại của mình, người bị kỷ luật vẫn phải thi hành quy định kỷ luật đã công bố.
Chương 5:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 40. – Đối với trường trung cấp chuyên nghiệp, không có tổ chức khoa, các đơn vị chuyên môn tương đương của trường đảm nhiệm phần quyền hạn, nhiệm vụ quy định cho các khoa.
Điều 41. – Đối với các trường do địa phương mở, hoặc do các Bộ, Tổng cục phân cấp cho địa phương quản lý, Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh đảm nhiệm phần quyền hạn, nhiệm vụ quy định cho Bộ và cấp trên trực tiếp của trường.
Điều 42. – Quy chế khen thưởng, kỷ luật này áp dụng ở tất cả các trường đại học và trung cấp chuyên nghiệp trực thuộc các Bộ, các Tổng cục và các trường thuộc quyền quản lý của các khu, thành, tỉnh kể từ ngày ban hành.
Điều 43. – Các quy định trước đây về chế độ khen thưởng, kỷ luật đối với sinh viên, học sinh, trái với quy chế này đều bãi bỏ.
Điều 44. – Ông Vụ trưởng vụ Quản lý học sinh, sinh viên đại học và trung cấp chuyên nghiệp chịu trách nhiệm giải thích, hướng dẫn và theo dõi kiểm tra việc thi hành quy chế này.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.