BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 504/QĐ-BNN-TCCB | Hà Nội, ngày 15 tháng 02 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO CHƯƠNG TRÌNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TÂY NGUYÊN
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 503/QĐ-BNN-TCCB ngày 15 tháng 02 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc Kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Nguyên;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Nguyên.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 641QĐ/BNN-TCCB ngày 24 tháng 3 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Nguyên.
Điều 3. Các thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Nguyên, Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO CHƯƠNG TRÌNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TÂY NGUYÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 504/QĐ-BNN-TCCB ngày 15 tháng 02 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn)
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Ban Chỉ đạo Chương trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Nguyên (sau đây gọi chung là Ban Chỉ đạo Tây Nguyên) có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch hành động và triển khai thực hiện, kiểm tra, đôn đốc công tác phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên theo Quyết định số 504/QĐ-BNN-TCCB ngày 15 tháng 02 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Nguyên.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn và thành phần của Ban Chỉ đạo Chương trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Nguyên được qui định tại Quyết định số 504/QĐ-BNN-TCCB ngày 15 tháng 02 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Điều 3. Kinh phí và phương tiện làm việc:
1. Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phê duyệt và được tính vào chi phí quản lý các Chương trình của Bộ, gồm:
a) Phụ cấp cho các thành viên kiêm nhiệm của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và cán bộ, nhân viên phục vụ Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên;
b) Chi phí các đợt công tác, kiểm tra thực tế …;
c) Chi phí mua sắm trang thiết bị, văn phòng phẩm;
d) Chi phí các cuộc họp và chi phí thường xuyên khác.
2. Ban Chỉ đạo phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Vụ Kế hoạch, Vụ Tài chính lập Dự toán về điều kiện, phương tiện làm việc và kinh phí hoạt động hàng năm của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên trình Bộ phê duyệt.
3. Các thành viên kiêm nhiệm (và chuyên trách) của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên được hưởng phụ cấp làm thêm theo quy định hiện hành.
4. Điều kiện, phương tiện làm việc và kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên được Bộ bố trí và cung cấp thông qua tài khoản của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn theo dự toán được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phê duyệt và quyết toán vào chi phí quản lý của Cục.
Chương 2.
PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN VÀ NHIỆM VỤ CỦA VĂN PHÒNG BAN CHỈ ĐẠO TÂY NGUYÊN
Điều 4. Phân công trách nhiệm giữa các thành viên Ban Chỉ đạo Tây Nguyên:
1. Trưởng ban, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn:
a) Quyết định và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về toàn bộ hoạt động của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên;
b) Chỉ đạo chung hoạt động và thông qua kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; chủ trì các cuộc họp của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, trực tiếp trao đổi làm việc và kiểm tra thực tế tại các địa phương;
c) Chỉ đạo các đơn vị trong Bộ, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương giải quyết các vấn đề liên quan cụ thể đến lĩnh vực phát triển nông nghiệp và nông thôn của các tỉnh Tây Nguyên;
d) Kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trong Bộ và các địa phương liên quan đến thực hiện công tác phát triển nông nghiệp và nông thôn của các tỉnh Tây Nguyên;
đ) Ủy quyền cho các Phó Trưởng ban hoặc các thành viên khác của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền của Trưởng ban khi cần thiết.
2. Phó Trưởng ban thường trực, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn:
a) Giúp Trưởng ban điều hành giải quyết các công việc thuộc nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên;
b) Thừa ủy quyền Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong Bộ, các Bộ, Ngành và địa phương có liên quan giải quyết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực phát triển nông nghiệp và nông thôn của các tỉnh Tây Nguyên;
c) Trực tiếp chỉ đạo, báo cáo Trưởng ban và Ban Chỉ đạo Tây Nguyên về kế hoạch, tiến độ, tình hình thực hiện Chương trình; đề xuất giải quyết những vấn đề phát sinh trong công tác phát triển nông nghiệp và nông thôn của các tỉnh Tây Nguyên;
d) Chịu trách nhiệm về hoạt động của Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên;
đ) Chịu trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện các chương trình, dự án được giao để thực hiện công tác phát triển nông nghiệp và nông thôn của các tỉnh Tây Nguyên.
3. Phó Trưởng ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tỉnh Đắk Lắk:
a) Giúp Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các địa phương liên quan thực hiện nhiệm vụ được giao trong công tác phát triển nông nghiệp và nông thôn;
b) Đề xuất giải quyết những vấn đề phát sinh trong công tác phát triển nông nghiệp và nông thôn của các tỉnh Tây Nguyên.
4. Các Ủy viên Ban Chỉ đạo:
Các ủy viên Ban Chỉ đạo Tây Nguyên được mời tham dự các cuộc họp liên quan đến lĩnh vực được phân công.
a) Cục trưởng Cục Lâm nghiệp:
- Chỉ đạo xây dựng quy hoạch, kế hoạch và mô hình phát triển lâm nghiệp các tỉnh Tây Nguyên;
- Đề xuất chủ trương, chính sách phát triển lâm nghiệp phù hợp với các tỉnh Tây Nguyên.
- Hướng dẫn chuyển dịch cơ cấu sản xuất phát triển lâm nghiệp, chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án phát triển trong lĩnh vực phát triển lâm nghiệp cho các tỉnh Tây Nguyên.
b) Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch:
- Đề xuất, tổng hợp kế hoạch về phát triển nông nghiệp và nông thôn của các tỉnh Tây Nguyên vào kế hoạch hàng năm của ngành;
- Hướng dẫn việc xây dựng kế hoạch hàng năm về công tác phát triển nông nghiệp và nông thôn của các tỉnh Tây Nguyên;
- Đề xuất xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư phục vụ cho công tác phát triển nông nghiệp và nông thôn của các tỉnh Tây Nguyên;
c) Cục trưởng các Cục: Thủy lợi, Nuôi trồng Thủy sản; Phó Cục trưởng các Cục: Kiểm lâm, Trồng trọt, Chăn nuôi; Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quốc gia, Giám đốc Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao và chương trình hành động của đơn vị mình để chỉ đạo các tỉnh Tây Nguyên trong công tác phát triển nông nghiệp và nông thôn.
d) Giám đốc các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Tây Nguyên:
- Chỉ đạo triển khai các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp nông thôn của tỉnh;
- Chỉ đạo xây dựng kế hoạch hàng năm về công tác phát triển nông nghiệp và nông thôn của tỉnh;
- Chỉ đạo, theo dõi công tác giải quyết đất ở và đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo của tỉnh;
- Báo cáo tình hình thực hiện công tác phát triển nông nghiệp và nông thôn của tỉnh theo định kỳ và theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên.
đ) Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Phước (gọi tắt là các tỉnh giáp Tây Nguyên):
- Chỉ đạo triển khai các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp nông thôn của tỉnh, đặc biệt là các huyện phía Tây của tỉnh;
- Chỉ đạo xây dựng kế hoạch hàng năm về công tác phát triển nông nghiệp và nông thôn của tỉnh, đặc biệt là các huyện phía Tây của tỉnh;
- Chỉ đạo, theo dõi công tác giải quyết đất ở và đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo của tỉnh, đặc biệt là các huyện phía Tây của tỉnh;
- Báo cáo tình hình thực hiện công tác phát triển nông nghiệp và nông thôn của tỉnh theo định kỳ và theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên;
e) Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên:
- Chỉ đạo nghiên cứu và chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho các tỉnh Tây Nguyên;
- Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về nông, lâm nghiệp cho các tỉnh Tây Nguyên;
g) Đại diện Hội đồng Quản trị Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam; Đại diện Hội đồng Quản trị các Tổng công ty: Cà phê Việt Nam, Lâm nghiệp Việt Nam: Căn cứ nhiệm vụ được giao và chương trình hành động của đơn vị, chỉ đạo xây dựng kế hoạch thu hút lao động của các tỉnh Tây Nguyên (đặc biệt lao động là đồng bào dân tộc thiểu số) tham gia sản xuất, kế hoạch chuyển giao đất vườn cây, đất rừng nghèo để cấp đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Điều 5. Giúp việc cho Ban Chỉ đạo Tây Nguyên có Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đặt tại Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn và bộ phận thường trực của Văn phòng đóng tại thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk.
1. Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên do Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phụ trách.
2. Thành viên của Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên bao gồm Chánh Văn phòng là Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm; các Phó Văn phòng và bộ phận Thường trực tại Văn phòng gồm cán bộ, chuyên viên của một số đơn vị thuộc Bộ do Phó Văn phòng phụ trách làm việc theo chế độ kiêm nhiệm hoặc chuyên trách do Trường Ban quyết định (nếu chuyên trách phải được sự đồng ý của Bộ trưởng).
3. Nhiệm vụ của Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên:
a) Dự thảo các chương trình, kế hoạch hành động phối hợp chỉ đạo phát triển nông, lâm nghiệp và phát triển nông thôn của các tỉnh Tây Nguyên thông qua Ban Chỉ đạo Tây Nguyên thảo luận thống nhất trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phê duyệt triển khai;
b) Xây dựng chương trình hoạt động của Trưởng ban và Ban Chỉ đạo Tây Nguyên;
c) Kiểm tra, đôn đốc các tỉnh Tây Nguyên (và các tỉnh giáp Tây Nguyên), các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện chương trình hành động và triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên (và các huyện phía Tây các tỉnh giáp Tây Nguyên) theo kế hoạch, chương trình đã được phê duyệt;
d) Lập dự toán kinh phí hoạt động hàng năm của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;
đ) Quản lý nguồn kinh phí được cấp theo kế hoạch được duyệt và đúng chính sách, chế độ Nhà nước;
e) Quyết định kinh phí hoạt động hàng năm của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên;
g) Tổng hợp báo cáo định kỹ và đột xuấ của các tỉnh Tây Nguyên và các cơ quan, đơn vị liên quan để Trưởng ban báo cáo Bộ và Chính phủ theo định kỳ và theo yêu cầu.
Điều 6. Bộ phận thường trực Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên:
1. Bộ phận thường trực Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đóng tại thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk gồm cán bộ, chuyên viên có chuyên môn về các lĩnh vực Thủy lợi, Lâm nghiệp, Trồng trọt, Chăn nuôi, Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn do Phó Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên (hàm Phó Cục trưởng hoặc Trưởng phòng) phụ trách.
2. Phó Văn phòng phụ trách bộ phận thường trực có nhiệm vụ chỉ đạo các thành viên phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh giáp Tây Nguyên trong công tác phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trường hợp vượt quá thẩm quyền giải quyết theo nhiệm vụ được phân công phải báo cáo Chánh Văn phòng và trường hợp đột xuất báo cáo trực tiếp Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Nguyên.
3. Nhiệm vụ của bộ phận thường trực Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên:
a) Giúp Ban Chỉ đạo Tây Nguyên chỉ đạo trực tiếp công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn các tỉnh Tây Nguyên (và các huyện phía Tây các tỉnh giáp Tây Nguyên);
b) Phối hợp với các Cục, Vụ chức năng của Bộ để thống nhất các vấn đề thuộc chuyên môn và giúp Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Lãnh đạo Bộ chỉ đạo các công việc theo sự phân công của Lãnh đạo Bộ;
c) Thực hiện nhiệm vụ khác do Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phân công.
Điều 7. Ban Chỉ đạo Tây Nguyên làm việc theo nguyên tắc tập trung thống nhất, các thành viên Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách.
Trưởng ban quyết định các vấn đề của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên. Trưởng Ban, các Phó Trưởng ban, các thành viên Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và các chuyên viên giúp việc làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và chuyên trách.
Chương 3.
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ THÔNG TIN BÁO CÁO
Điều 8. Ban Chỉ đạo Tây Nguyên là đầu mối phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong Bộ và các Bộ, ngành có liên quan chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các cơ chế, chính sách đã ban hành; đồng thời kiến nghị bổ sung, sửa đổi hoặc xây dựng mới cơ chế, chính sách và những giải pháp áp dụng cho các tỉnh Tây Nguyên (và các huyện phía Tây thuộc các tỉnh giáp Tây Nguyên) để hoàn thành nhiệm vụ được Bộ giao.
Điều 9. Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Nguyên triệu tập và chủ tọa các phiên họp định kỳ và các phiên họp bất thường khác theo yêu cầu. Phó trưởng ban được Trưởng ban ủy quyền chủ tọa các phiên họp. Các thành viên có trách nhiệm tham dự đầy đủ và chuẩn bị nội dung báo cáo theo quy định.
Các thành viên Ban Chỉ đạo Tây Nguyên vắng mặt trong các cuộc họp phải ủy quyền cho cán bộ đi dự họp. Cán bộ được thành viên Ban Chỉ đạo Tây Nguyên ủy quyền dự họp thay phải là người nắm được Chương trình hành động của đơn vị mình và báo cáo kết quả tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên (và các huyện phía Tây các tỉnh giáp Tây Nguyên) của đơn vị mình; đồng thời, phải báo cáo ngay cho thủ trưởng cơ quan, đơn vị phụ trách sau cuộc họp.
Điều 10. Nội dung phiên họp thường kỳ nhằm đánh giá các hoạt động của Ban Chỉ đạo, kết quả thực hiện nhiệm vụ của các địa phương, các cơ quan, đơn vị; kiến nghị Bộ giải quyết những vấn đề vượt quá thẩm quyền.
Điều 11. Chế độ thông tin, báo cáo:
a) Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên có trách nhiệm cung cấp kịp thời các tài liệu cần thiết liên quan lĩnh vực công tác được phân công chi các thành viên của Ban Chỉ đạo;
b) Các thành viên Ban Chỉ đạo Tây Nguyên báo cáo định kỳ (hàng quý và năm) tình hình thực hiện nhiệm vụ do Trưởng ban Chỉ đạo phân công để kịp thời xử lý các yêu cầu và kiến nghị đề ra. (Báo cáo quý phải nộp cho Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tại Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn trước ngày 10 tháng đầu của quý sau);
c) Tháng 9 hàng năm, các thành viên Ban Chỉ đạo Tây Nguyên xem xét báo cáo của Ban Chỉ đạo về tình hình thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch năm của các địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan và thông qua kế hoạch, tiến độ cho năm tiếp theo;
d) Các thành viên Ban Chỉ đạo Tây Nguyên có trách nhiệm báo cáo đột xuất theo nội dung do trưởng ban Ban Chỉ đạo yêu cầu; Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Nguyên báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về tình hình phát triển nông nghiệp và nông thôn các tỉnh Tây Nguyên (và các huyện phía Tây các tỉnh giáp Tây Nguyên).
Ngoài các nhiệm vụ được phân công tại Điều 4, các thành viên Ban Chỉ đạo Tây Nguyên trên có trách nhiệm theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch, chính sách đã được thông qua; báo cáo về Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đúng thời gian quy định.
Điều 12. Các tài liệu, văn bản đi và đến của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên được quản lý, sử dụng và lưu trữ theo quy định của Nhà nước và của Bộ về việc phát hành văn bản và lưu giữ hồ sơ.
Điều 13. Căn cứ vào yêu cầu công việc và chương trình công tác, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức các chuyến công tác hoặc các thành viên chủ động đi công tác để theo dõi, nắm tình hình và giải quyết những khó khăn, vướng mắc theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
Chương 4.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Các thành viên Ban Chỉ đạo Tây Nguyên chịu trách nhiệm trước Trưởng ban, trước Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ về những công việc được Trưởng ban phân công, sử dụng các phương tiện, các trang thiết bị do đơn vị quản lý để thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Điều 15. Trong quá trình thực hiện Quy chế hoạt động nếu có vướng mắc Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổng hợp ý kiến, đề xuất nội dung cần sửa đổi trình Ban Chỉ đạo báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xem xét, quyết định./.
| BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.