BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 503/QĐ-BTTTT | Hà Nội, ngày 20 tháng 4 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA NHÀ XUẤT BẢN THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;
Căn cứ Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 10 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông;
Căn cứ Quyết định số 1882/QĐ-BTTTT ngày 17 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đổi tên Nhà Xuất bản Bưu điện thành Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông;
Theo đề nghị của Giám đốc Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí và chức năng
Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, có tôn chỉ mục đích phục vụ các đối tượng bạn đọc sử dụng các tri thức khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghiệp vụ, kinh tế và pháp luật về báo chí; xuất bản; bưu chính và chuyển phát; viễn thông và Internet; truyền dẫn phát sóng; tần số vô tuyến điện; công nghệ thông tin, điện tử; phát thanh truyền hình và cơ sở hạ tầng thông tin truyền thông quốc gia (sau đây gọi tắt là thông tin và truyền thông); thực hiện chức năng xuất bản các xuất bản phẩm về thông tin và truyền thông và các xuất bản phẩm phục vụ nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông là đơn vị sự nghiệp công lập, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật; trụ sở chính đặt tại thành phố Hà Nội.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
1. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch xuất bản; tổ chức biên soạn, biên tập, chế bản, in và phát hành sách, xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật;
2. Thực hiện xuất bản:
a. Sách, tài liệu chính trị, pháp luật, văn hóa - xã hội, văn học, nghệ thuật: các văn kiện của Đảng, văn bản quản lý, chính sách, pháp luật về thông tin và truyền thông; sách lịch sử truyền thống, văn học nghệ thuật về thông tin và truyền thông; sách phục vụ nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền đối ngoại;
b. Sách, tài liệu khoa học - công nghệ, kinh tế: sách khoa học, công nghệ, quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật trong sản xuất, xây dựng; sách quản lý điều hành khai thác mạng lưới, kinh doanh; sách giáo trình, sách tra cứu, tài liệu tham khảo dùng cho các bậc học phổ thông, các hệ đào tạo, giới thiệu các công trình khoa học, các giải pháp mới trong và ngoài nước về thông tin và truyền thông;
c. Sách nghiệp vụ; danh bạ điện thoại, niên giám điện thoại và những trang vàng; các xuất bản phẩm khác có nội dung về thông tin và truyền thông (lịch; băng, đĩa; bưu ảnh, bưu thiếp ...).
3. Phối hợp phổ biến, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông trên các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ;
4. Phối hợp, tổ chức thực hiện các xuất bản phẩm, các chương trình phục vụ sự nghiệp thông tin, tuyên truyền đối ngoại của Đảng và Nhà nước theo quy định của pháp luật;
5. Phối hợp, tổ chức xây dựng và xuất bản các tài liệu phục vụ công tác tập huấn, đào tạo về lĩnh vực thông tin và truyền thông;
6. Được chủ động phát triển các hoạt động xuất bản, in, phát hành và các hoạt động khác; bảo toàn và phát triển các nguồn lực được giao;
7. Được hợp tác, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong hoạt động xuất bản, in, phát hành theo qui định của pháp luật;
8. Quản lý về tổ chức, cán bộ, viên chức, lao động, tài sản, hồ sơ tài liệu của Nhà xuất bản theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng.
9. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức và biên chế
1. Lãnh đạo:
Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông có Giám đốc, Phó Giám đốc, Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập.
Giám đốc chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về mọi mặt hoạt động của Nhà Xuất bản theo quy định của Luật Xuất bản và tại Quyết định này.
Phó Giám đốc giúp Giám đốc chỉ đạo, điều hành các mặt công tác của Nhà Xuất bản và chịu trách nhiệm trước Giám đốc và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.
Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được Giám đốc giao theo quy định của Luật Xuất bản.
2. Tổ chức bộ máy, biên chế:
2.1. Các phòng, ban chức năng
- Ban Biên tập sách Chính trị - Kinh tế - Xã hội;
- Ban Biên tập sách Khoa học - Kỹ thuật;
- Phòng Kế hoạch - Tổng hợp;
- Phòng Tài chính - Kế toán;
- Phòng Thiết kế - Sản xuất;
- Phòng Kinh doanh xuất bản phẩm;
- Chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh;
- Chi nhánh tại thành phố Đà Nẵng.
2.2. Các tổ chức trực thuộc:
- Trung tâm Truyền thông và Khai thác bản quyền;
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác giữa các phòng, ban, chi nhánh, trung tâm do Giám đốc quy định.
Chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh, chi nhánh tại thành phố Đà Nẵng và Trung tâm Truyền thông và Khai thác bản quyền có con dấu và tài khoản theo quy định của pháp luật.
Biên chế của Nhà Xuất bản do Giám đốc xây dựng trình Bộ trưởng quyết định.
Điều 4. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Bãi bỏ các quy định trước đây trái với Quyết định này.
Điều 5. Trách nhiệm thi hành
Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Giám đốc Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.