ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 497/QĐ-UBND | Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 27 tháng 03 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH VÀ KINH PHÍ PHÒNG, CHỐNG BỆNH DẠI Ở ĐỘNG VẬT NĂM 2014 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU.
CHỦ TỊCH UBND TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
Căn cứ luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29/04/2004;
Căn cứ Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/03/2005 quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh thú y;
Căn cứ Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày 09/01/2007 của Chính phủ về phòng chống bệnh dại động vật;
Căn cứ Thông tư số 48/2009/TT-BNNPTNT ngày 04/08/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật;
Căn cứ Thông tư số 04/2012/TT-BTC ngày 05/01/2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí trong công tác thú y;
Căn cứ Quyết định số 2731/QĐ-BNN-TY ngày 07/11/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc phê duyệt chương trình quốc gia khống chế và loại trừ bệnh dại giai đoạn 2011 - 2015;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 20/TTr-SNN-NN ngày 10/02/2014 về việc xin phê duyệt kế hoạch và kinh phí phòng, chống bệnh dại ở động vật năm 2014 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch và kinh phí phòng, chống bệnh dại ở động vật năm 2014 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, nội dung cụ thể như sau:
I/ Mục tiêu:
- Nâng cao nhận thức của người dân về bệnh dại và các biện pháp phòng chống bệnh dại ở động vật.
- Nâng cao hiệu quả giám sát bệnh dại ở động vật của ngành thú y và chính quyền địa phương.
- Không để xảy ra trường hợp người tử vong do bệnh dại.
- 80% đàn chó nuôi được quản lý,
- Tỷ lệ tiêm phòng vắc xin phải đạt 80% so với tổng đàn chó nuôi.
II/ Nội dung thực hiện:
1. Công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn:
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản vi phạm pháp luật về phòng, chống bệnh dại ở động vật bằng nhiều hình thức khác nhau trên các phương tin thông tin đại chúng. Xây dựng và tổ chức thực hiện các nội dung chương trình truyền thông phòng, chống bệnh dại,
- Tăng cường tuyên truyền việc thực hiện 05 không:
+ Không nuôi chó, mèo chưa khai báo với Chính quyền địa phương;
+ Không nuôi chó, mèo không tiêm phòng bệnh dại;
+ Không nuôi chó thả rông;
+ Không để chó cắn người;
+ Không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường,
- Tổ chức tập huấn hướng dẫn phòng, chống bệnh dại ở động vật, công tác quản lý chó mèo, công tác điều tra và giám sát ổ dịch, tiêm phòng bệnh dại, quản lý ổ dịch, kiểm dịch và chống dịch khi có dịch xảy ra.
2. Công tác quản lý đàn chó nuôi và giám sát bệnh dại:
- Hướng dẫn đăng ký, quản lý đàn chó nuôi, tổ chức tiêm phòng định kỳ, kiểm dịch và kiểm soát vận chuyển, bắt và xử lý chó thả rông. - Thống kê số hộ nuôi chó, mèo và số lượng chó, mèo nuôi để quản lý;
- Lập sổ theo dõi số lượng chó nuôi, số hộ có nuôi chó;
- Lập sổ theo dõi tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo;
- Cấp giấy chứng nhận tiêm phòng dại cho chủ nuôi chó, mèo.
- Tổ chức việc giám sát động vật nghi mắc bệnh dại, nhiễm bệnh dại, nghi nhiễm bệnh dại, giám sát, phát hiện sớm bệnh dại, điều tra ổ dịch, quản lý ổ dịch.
3. Thời gian và đối tượng tiêm phòng bệnh dại:
3.1. Thời gian tiêm phòng: Triển khai chiến dịch tiêm phòng chính vào tháng 3 - 4 và tiêm bổ sung vào tháng 9-10.
Ngoài đợt tiêm phòng chính và tiêm bổ sung, hàng tháng Trạm thú y cấp huyện, thú y cấp xã tiêm phòng cho đàn chó, mèo và động vật cảm nhiễm mới phát sinh hoặc hết thời gian miễn dịch. Người nuôi chó, mèo có thể mang vật nuôi đến cơ quan thú y gần nhất để tiêm phòng dại vào bất cứ thời điểm nào trong năm.
3.2. Đối tượng tiêm phòng bắt buộc: chó, mèo, động vật cảm nhiễm khác như khỉ, vượn... trên địa bàn toàn tỉnh.
4. Thu phí và công tiêm phòng bệnh dại:
Thực hiện hướng dẫn của Sở Tài chính về quy định chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực thú y và các quy định hiện hành khác có liên quan.
5. Công tác bắt chó chạy rong:
Tổ chức bắt chó thả rông ở các khu đô thị, nơi đông dân cư 4 đợt/năm nhằm giảm thiểu chó chạy rong cắn người, gây tai nạn giao thông, làm mất vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.
Riêng đối với huyện Côn Đảo: tổ chức bắt chó chạy rong theo hướng dẫn của Chi cục Thú y. Nguồn kinh phí thực hiện được sử dụng từ nguồn kinh phí của địa phương.
6. Hỗ trợ kinh phí phòng bệnh dại cho lực lượng tham gia công tác phòng chống bệnh dại:
Các đối tượng tham gia công tác phòng, chống bệnh dại ở động vật khi bị thương tổn do chó, mèo hoặc động vật khác cảm nhiễm với bệnh dại gây ra (cắn, cào) được hỗ trợ kinh phí tiêm vắc xin (Verorab) phòng bệnh dại trên người.
7. Tổ chức sơ, tổng kết, thi đua khen thưởng:
Tổ chức sơ, tổng kết, thi đua khen thưởng theo quy định hiện hành.
III/ Kinh phí thực hiện:
1. Tổng kinh phí: 400.225.520 đồng (Bốn trăm triệu, hai trăm hai mươi lăm ngàn, năm trăm hai mươi đồng).
Trong đó:
- Công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn: | 47.400.000 đồng |
- Công tác quản lý đàn chó nuôi: | 78.600.000 đồng |
- Công tác bắt chó chạy rong: | 208.075.520 đồng |
- Công tác giám sát bệnh dại: | 52.400.000 đồng |
- Kinh phí tiêm ngừa cho cán bộ tiếp xúc chó, mèo: | 9.720.000 đồng |
- Tổ chức hội nghị sơ kết: | 4.030.000 đồng |
| 400.225.520 đồng |
(đính kèm dự trù kinh phí phòng, chống bệnh dại động vật năm 2014)
2. Nguồn kinh phí:
- Ngân sách tỉnh: đảm bảo kinh phí thực hiện phòng, chống bệnh dại ở động vật năm 2014 là 400.225.520 đồng (Bốn trăm triệu, hai trăm hai mươi lăm ngàn, năm trăm hai mươi đồng).
- Nguồn ngân sách huyện, thành phố: sử dụng nguồn ngân sách dự phòng hàng năm của địa phương để chi cho công tác phòng chống bệnh dại ở động vật theo quy định hiện hành.
IV/ Tổ chức thực hiện:
1. Chi cục Thú y:
- Tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh dại khi xảy ra dịch.
- Xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng đợt tiêm phòng chính trong năm 2014; hướng dẫn các địa phương tổ chức đợt tiêm phòng chính và tiêm phòng bổ sung đảm bảo đạt mục tiêu đề ra.
- Chịu trách nhiệm tổ chức đấu thầu mua, bảo quản vắc xin, vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch theo đúng quy định và cung ứng đầy đủ, kịp thời, đảm bảo chất lượng cho các địa phương để thực hiện đạt hiệu quả cao.
- Chỉ đạo Trạm thú y cấp huyện, thú y cấp xã tiêm phòng cho đàn chó, mèo, động vật cảm nhiễm mới phát sinh hoặc hết thời gian miễn dịch hàng tháng ngoài đợt tiêm phòng chính và tiêm bổ sung. Đồng thời hướng dẫn người nuôi chó, mèo có thể mang vật nuôi đến cơ quan thú y gần nhất để tiêm phòng dại vào bất cứ thời điểm nào trong năm.
- Soạn thảo nội dung, in ấn tài liệu tuyên truyền, tổ chức tập huấn phổ biến các quy định phòng, chống bệnh dại theo quy định của pháp luật.
- Chủ động phối hợp với ngành y tế trong việc quản lý, giám sát tình hình dịch tễ bệnh dại ở các địa phương để sớm phát hiện, xử lý kịp thời, đồng thời hướng dẫn các biện pháp an toàn cho người tham gia phòng, chống bệnh dại. Giải quyết kịp thời những trường hợp rủi ro xảy ra đối với người tham gia phòng, chống bệnh dại.
- Xây dựng biểu mẫu thống nhất, hướng dẫn các địa phương ghi chép đầy đủ các thông tin cần thiết để các địa phương căn cứ thực hiện.
- Lập phiếu theo dõi tiêm phòng, cấp giấy chứng nhận tiêm phòng để kiểm tra đối chiếu khi cần thiết.
- Phối hợp UBND các huyện, thành phố hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện phòng, chống bệnh dại theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Tra cứu, cập nhật về tình hình dịch tễ bệnh dại ở động vật trên địa bàn tỉnh, xác định vùng có nguy cơ cao với bệnh dại để tham mưu cho chính quyền các cấp thực hiện các biện pháp phù hợp, chủ động phòng chống bệnh.
- Hướng dẫn chuyên môn về các biện pháp phòng, chống bệnh dại, tổ chức triển khai giám sát bệnh dại và thực hiện bắt chó chạy rong trên địa bàn tỉnh, đồng thời hướng dẫn huyện Côn Đảo tổ chức thực hiện bắt chó chạy rong trên địa bàn quản lý.
- Thực hiện chế độ báo cáo đột xuất khi có dịch xảy ra; Định kỳ báo cáo công tác phòng, chống bệnh dại về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cục Thú y một năm 2 lần vào 30/6 và 30/12 về các nội dung: Tổng số chó, mèo, kết quả tiêm phòng, tình hình bệnh dại, công tác giám sát bệnh dại, tình hình quản lý chó nuôi ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức sơ, tổng kết công tác phòng chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh năm 2014 để đánh giá hiệu quả thực hiện, rút kinh nghiệm cho lần kế tiếp và tham mưu đề xuất khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân đạt thành tích trong công tác phòng, chống bệnh dại.
- Sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, có hiệu quả và chịu trách nhiệm thanh quyết toán kinh phí sử dụng, các hóa đơn, chứng từ có liên quan theo đúng quy định.
2. UBND các huyện, thành phố:
- Phối hợp với Chi cục Thú y phổ biến, thực hiện Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày 09/01/2007 của Chính phủ về phòng, chống bệnh dại ở động vật và Thông tư số 48/2009/TT-BNNPTNT ngày 04/08/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật.
- Chỉ đạo xây dựng, phê duyệt kế hoạch và sử dụng ngân sách địa phương cho công tác phòng, chống bệnh dại, đặc biệt là khi có ổ dịch phát sinh…
- Chỉ đạo các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan ở địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dại trên địa bàn quản lý.
- Huy động lực lượng phục vụ công tác phòng chống bệnh dại, đặc biệt công tác tiêm phòng, tiêu hủy chó, mèo mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh.
- Chỉ đạo lực lượng hỗ trợ Chi cục Thú y thực hiện bắt chó chạy rong theo kế hoạch.
- Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Phòng Kinh tế kết hợp với Trạm Thú y:
+ Tham mưu UBND huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, kinh phí phòng, chống bệnh dại ở động vật năm 2014 thuộc địa bàn quản lý theo hướng dẫn của Chi cục Thú y;
+ Hướng dẫn quản lý đàn chó, mèo nuôi theo quy định của pháp luật.
+ Tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống bệnh dại ở các địa phương.
+ Hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại đến tận xã, thôn, ấp và chủ nuôi.
+ Định kỳ báo cáo công tác phòng, chống bệnh dại theo hướng dẫn của Chi cục Thú y.
- Chỉ đạo UBND các xã, phường kết hợp với Trạm Thú y:
+ Thực hiện có hiệu quả kế hoạch phòng, chống bệnh dại ở động vật năm 2014.
+ Thực hiện kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, quản lý đàn cho nuôi, đặc biệt là khu vực nội thành, nội thị.
+ Hướng dẫn tổ chức, cá nhân nuôi chó, mèo thực hiện Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày 09/01/2007 của Chính phủ về phòng, chống bệnh dại ở động vật và Thông tư số 48/2009/TT-BNNPTNT ngày 04/08/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật.
+ Vận động và hướng dẫn chủ vật nuôi thực hiện đăng ký chó với UBND cấp xã.
+ Thống kê số lượng chó, mèo và số hộ nuôi chó, mèo để quản lý, lập sổ theo dõi số lượng chó nuôi, số hộ có nuôi chó trên địa bàn xã.
- Chỉ đạo các tổ chức đoàn thể (Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ) Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và các tổ chức đoàn thể khác) tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao nhận thức về tính chất nguy hiểm của bệnh dại và tích cực tham gia chiến dịch tiêm phòng, quản lý đàn chó nuôi.
3. Sở Tài Chính:
Dự phòng ngân sách, cấp phát kịp thời kinh phí để triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật năm 2014 trên địa bàn tỉnh khi được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Hướng dẫn các đơn vị thực hiện chế độ thu, nộp, sử dụng phí, lệ phí và thanh quyết toán nguồn kinh phí sử dụng theo các quy định hiện hành.
4. Sở Y tế:
Chỉ đạo phòng chuyên môn, nghiệp vụ và các đơn vị trực thuộc phối hợp cùng Chi cục Thú y thường xuyên theo dõi, giám sát, phát hiện kịp thời và có kế hoạch xử lý nhanh những trường hợp rủi ro xảy ra đối với người tham gia phòng, chống dịch bệnh dại.
5. Công An tỉnh:
Chỉ đạo phòng nghiệp vụ hoặc đơn vị trực thuộc hỗ trợ Chi cục Thú y thực hiện công tác bắt chó thả rong trên địa bàn tỉnh và các vấn đề khác có liên quan theo quy định của pháp luật.
6. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Bà Rịa-Vũng Tàu:
Phối hợp với Chi cục Thú y xây dựng kế hoạch truyền thông, tổ chức tuyên truyền về tác hại của bệnh dại và các biện pháp phòng chống bệnh dại đến các tổ chức, cá nhân có liên quan và mọi người dân biết để thực hiện.
Điều 2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chỉ đạo Chi cục Thú y phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các ngành có liên quan triển khai thực hiện theo nội dung được phê duyệt tại điều 1; tổ chức nghiệm thu, thanh quyết toán nguồn vốn theo đúng quy định hiện hành.
Điều 3. Chánh văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Thú y, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và thủ trưởng các đơn vị có liên quan căn cứ quyết định thi hành./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.