CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHÍA VIỆT NAM |
Số: 494/TTg | Hà Nội, ngày 14 tháng 9 năm 1994 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ THẨM QUYỀN KÝ CÁC VĂN BẢN CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định 13/CP ngày 01/12/1992;
Thực hiện Nghị quyết 38/CP ngày 04 tháng 5 năm 1994 của Chính phủ về cải cách một bước thủ tục hành chính trong giải quyết các công việc của công dân và tổ chức ;
Xét đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ .
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Từ nay, mọi quyết định giải quyết công việc nhân danh Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đều phải được thể hiện bằng văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phải do Thủ tướng ký hoặc Phó Thủ tướng ký thay Thủ tướng. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ký thừa lệnh Thủ tướng văn bản để xử lý vụ việc cụ thể, sau khi Thủ tướng (Phó Thủ tướng) có ý kiến giải quyết.
Không dùng hình thức thông báo của Văn phòng Chính phủ để điều hành công việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ . Trong trường hợp cần thiết, theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ (Phó Thủ tướng) Văn phòng Chính phủ ra thông báo để truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ (Phó Thủ tướng) về một số công việc, về kết quả các phiên họp, các cuộc làm việc của Thủ tướng, Phó Thủ tướng với các cơ quan ở Trung ương và địa phương. Đối với các vấn đề cần được thực hiện thì tiếp theo thông báo, phải có văn bản để các cơ quan có căn cứ thực hiện.
Điều 2: Việc ký văn bản của Thủ tướng ( Phó Thủ tướng ) được phân định như sau:
1- Thủ tướng Chính phủ ký
a) Các Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ; các báo cáo, tờ trình của Chính phủ hoặc của Thủ tướng trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
b) Các Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
c) Các Quyết định để giải quyết các vấn đề về chính sách, chế độ cụ thể áp dụng cho một ngành, địa phương vượt qua thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2- Phó Thủ tướng làm nhiệm vụ thường trực ký
a) Các Quyết định để giải quyết các vấn đề về tổ chức bộ máy và nhân sự các cơ quan hành chính dưới Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, và dưới Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhưng được quy định do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập hoặc giải thể tổ chức hoặc bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ lãnh đạo của tổ chức đó; Chỉ thị để chỉ đạo, hướng dẫn thi hành Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ hoặc một Quyết định do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành .
b) Quyết định (hoặc công văn) để giải quyết các vấn đề cụ thể vượt qua thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhưng nội dung không thuộc các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực giải quyết, không thuộc vấn đề do Thủ tướng ký ở điểm (c) khoản 1 Điều 2 trên đây; Quyết định phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật công trình thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ nhưng có tầm rất quan trọng hoặc vốn đầu tư lớn.
c) Khi có sự uỷ nhiệm cuả Thủ tướng, hoặc khi Thủ tướng đi vắng, ký các văn bản nói ở khoản 1 Điều 2 trên đây.
3- Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực công tác ký
a) Chỉ thị để chỉ đạo, đôn đốc hoặc tổ chức sự điều hoà phối hợp nhằm đảm bảo thi hành các Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các vấn đề thuộc lĩnh vực đã được Thủ tướng ( hoặc Phó Thủ tướng làm nhiệm vụ thường trực uỷ nhiệm) ký ban hành .
b) Chỉ thị hoặc công văn để giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành ( thuộc lĩnh vực) chuẩn bị các dự án, dự thảo văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ .
c) Quyết định hoặc công văn để giải quyết các vấn đề cụ thể vượt quá thẩm quyền của các Thủ trưởng Bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (thuộc lĩnh vực) và không do Thủ tướng ( hoặc Phó Thủ tướng làm nhiệm vụ thường trực ) ký; quyết định xét duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật các công trình thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng vốn đầu tư không lớn.
d) Khi có sự uỷ nhiệm của Thủ tướng ký tờ trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước các dự thảo luật, pháp lệnh về vấn đề thuộc lĩnh vực.
Điều 3: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ký:
1- Công văn thừa lệnh Thủ tướng Chính phủ giải quyết những việc cụ thể do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị không thuộc phạm vi của Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực.
2- Công văn để giải quyết đoàn ra, đoàn vào của cấp Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh và cấp tương đương, sau khi có ý kiến giải quyết của Thủ tướng, Phó Thủ tướng ; yêu cầu Thủ trưởng Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ gửi chương trình công tác, hoặc tham gia ý kiến vào dự thảo chương trình công tác của Chính phủ .
3- Thông báo tình hình công tác của Chính phủ cho các Bộ trưởng và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thông tin định kỳ gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các thành viên Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan Trung ương của các đoàn thể.
4- Công văn để nhắc nhở, đôn đốc, kiểm tra các ngành, địa phương thi hành một công việc được Chính phủ giao; trả lại một đề nghị của Bộ hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vì không thuộc thẩm quyền Thủ tướng giải quyết; thông tư để hướng dẫn kiểm tra các ngành, địa phương trong việc thi hành Điều lệ, chế độ công tác và quy chế làm việc của Chính phủ .
5- Giấy mời các thành viên của Chính phủ và các cơ quan hữu quan khác dự họp Chính phủ.
6- Ký xác nhận biên bản các phiên họp Chính phủ, ký sao các văn bản do Thủ tướng (Phó Thủ tướng) ký.
7- Quyết định, Chỉ thị hoặc Thông tư để giải quyết các việc thuộc chức trách của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ có thể uỷ nhiệm cho một Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ được phân công làm nhiệm vụ thường trực ký thay các văn bản nói trong các khảon 3, 4, 5, 6, 7 của Điều này; Khi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ vắng thì Phó Chủ nhiệm này ký thay Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tất cả các văn bản nói trong Điều này (trừ khoản 1).
Điều 4: Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành .
Điều 5: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào Quyết định này để chấn chỉnh lại việc ký văn bản trong nội bộ cơ quan, địa phương, kiện toàn tổ chức và sửa đổi cách làm việc đảm bảo các việc trình lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề đúng thẩm quyền Thủ tướng giải quyết, đã được quy định tại Luật tổ chức Chính phủ, quy chế làm việc của Chính phủ và theo đúng Quyết định này.
Điều 6: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hướng dẫn kiểm tra các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc thi hành Quyết định này.
| THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.