THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 493/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 08 tháng 04 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Phòng cháy và Chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và Chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và Chữa cháy.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 493 /QĐ-TTg ngày 08 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ)
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Xác định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và Chữa cháy (Luật PCCC), bảo đảm kịp thời, thống nhất, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn;
b) Tổ chức tốt việc phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC đến các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; làm tốt công tác tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng làm công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH);
c) Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức trong công tác PCCC nhằm ngăn ngừa các vụ cháy, nổ, bảo đảm an toàn về người, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội bền vững; kiện toàn tổ chức, biên chế của lực lượng PCCC và CNCH để triển khai thi hành có hiệu quả pháp luật về PCCC và CNCH trong phạm vi cả nước.
2. Yêu cầu
a) Xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC;
b) Trong quá trình thực hiện phải bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan; kịp thời hướng dẫn và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình tổ chức thực hiện để bảo đảm tiến độ triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC.
II. NỘI DUNG
1. Phổ biến pháp luật về PCCC và CNCH
a) Biên soạn tài liệu phục vụ công tác phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC và các văn bản hướng dẫn thi hành;
b) Tổ chức phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC và các văn bản hướng dẫn thi hành với nội dung và hình thức phù hợp với từng đối tượng cụ thể, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của nhân dân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, nhất là những người trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước về PCCC;
c) Phân công thực hiện
- Bộ Công an phối hợp với Bộ Tư pháp biên soạn tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC và CNCH cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân với nội dung rõ ràng, dễ hiểu, bảo đảm cho việc thực hiện Luật được thống nhất. Tổ chức hội nghị triển khai, phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC;
- Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình ở Trung ương và địa phương dành thời lượng phù hợp phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC và các văn bản hướng dẫn thi hành trên các phương tiện thông tin đại chúng;
- Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC và các văn bản hướng dẫn thi hành; hướng dẫn, chỉ đạo các báo, tạp chí, đơn vị làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ, ngành, địa phương mình xây dựng kế hoạch mở các đợt cao điểm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định pháp luật về PCCC và CNCH.
d) Thời gian thực hiện: Năm 2014 và các năm tiếp theo.
2. Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ pháp luật PCCC và CNCH
a) Biên soạn tài liệu tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC và CNCH với nội dung phù hợp cho đối tượng được tập huấn;
b) Tổ chức tập huấn, tập huấn chuyên sâu, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ lãnh đạo cơ quan, tổ chức và người trực tiếp làm công tác PCCC và CNCH;
c) Phân công thực hiện
- Bộ Công an tổ chức biên soạn tài liệu tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC và CNCH; tổ chức tập huấn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC cho lãnh đạo phụ trách về PCCC và CNCH của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; tổ chức tập huấn chuyên sâu cho Báo cáo viên pháp luật và lãnh đạo các đơn vị Cảnh sát PCCC và CNCH;
- Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC và CNCH cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị, chính quyền cấp cơ sở và những người trực tiếp làm công tác PCCC và CNCH ở địa phương mình.
d) Thời gian thực hiện: Năm 2014 và các năm tiếp theo.
3. Rà soát, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đế thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC
a) Bộ Công an
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC theo thủ tục rút gọn, trình Chính phủ trong tháng 4 năm 2014;
- Ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC vào quý II năm 2014;
- Ban hành Thông tư quy định cụ thể về định mức, tiêu chuẩn trang bị phương tiện PCCC và CNCH cho lực lượng Cảnh sát PCCC vào quý III năm 2014;
- Ban hành Thông tư quy định chế độ quản lý, bảo quản, bảo dưỡng, sử dụng phương tiện PCCC và CNCH vào quý III năm 2014;
- Ban hành Thông tư quy định về định mức trang bị phương tiện, thiết bị PCCC cho lực lượng dân phòng và PCCC cơ sở vào quý IV năm 2014.
b) Bộ Tài chính
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an ban hành Thông tư liên tịch quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí thẩm duyệt về PCCC vào quý IV năm 2014;
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an ban hành Thông tư liên tịch quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí kiểm định các phương tiện, thiết bị PCCC trong năm 2014.
c) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan ban hành Thông tư liên tịch quy định chế độ, chính sách đối với người tham gia chữa cháy vào Quý III năm 2014.
d) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác trong lĩnh vực quản lý của mình liên quan đến công tác PCCC và CNCH để ban hành mới, sửa đổi, bãi bỏ hoặc kiến nghị ban hành mới, sửa đổi, bãi bỏ những nội dung trái với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC và các văn bản hướng dẫn thi hành.
4. Bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và tổ chức công tác PCCC và CNCH
a) Bộ Công an
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan tập trung tăng cường trang bị phương tiện và nâng cao năng lực hoạt động của lực lượng Cảnh sát PCCC theo Quyết định số 1110/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 1110/QĐ-TTg);
- Khẩn trương chuẩn bị thành lập các Sở Cảnh sát PCCC và các đội chữa cháy, CNCH tại các địa phương trọng điểm về PCCC theo đúng Quyết định số 1110/QĐ-TTg ; nghiên cứu, đề xuất kiện toàn mô hình hệ thống tổ chức cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH ở Trung ương và địa phương đề bảo đảm yêu cầu thống nhất trong lãnh đạo, chỉ huy; nghiên cứu, đề xuất bổ sung quy định về tổ chức lực lượng Cảnh sát PCCC khi tiến hành sửa đổi Luật Công an nhân dân;
- Tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng cho lực lượng Cảnh sát PCCC; ưu tiên bố trí những người có năng lực, trình độ chuyên sâu về PCCC làm việc tại các bộ phận nghiệp vụ PCCC và đảm nhận vị trí lãnh đạo, chỉ huy về PCCC ở các đơn vị, địa phương; cải tiến phương pháp làm việc bảo đảm yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực PCCC theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC;
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo mở rộng quy mô đào tạo trình độ trung cấp, đại học chuyên ngành PCCC cho các đối tượng ngoài ngành Công an để làm nòng cốt cho lực lượng PCCC cơ sở và dân phòng. Trước mắt, cần nghiên cứu đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và bổ sung đội ngũ giảng viên cho các trường, cơ sở đào tạo về PCCC.
b) Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục quy định cụ thể việc lồng ghép kiến thức và rèn luyện kỹ năng về PCCC vào chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác phù hợp với từng ngành học, cấp học ở từng địa phương.
c) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Chỉ đạo việc thành lập đội dân phòng ở cấp xã và đội PCCC ở cơ sở, đội PCCC chuyên ngành, chuyên trách theo quy định của Luật; nghiên cứu, đề xuất Hội đồng nhân dân cùng cấp về mức hỗ trợ thường xuyên cho Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng và Đội trưởng, Đội phó đội PCCC cơ sở hoạt động theo chế độ không chuyên trách. Hàng năm, phân bổ ngân sách riêng dành cho các hoạt động PCCC và CNCH nói chung và cho lực lượng dân phòng nói riêng từ nguồn ngân sách dành cho quốc phòng, an ninh của địa phương theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC;
- Tiếp tục xây dựng Đề án quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát PCCC ở địa phương; bố trí quỹ đất và có chính sách ưu tiên đầu tư xây dựng doanh trại, trụ sở làm việc của các đơn vị Cảnh sát PCCC;
- Nghiên cứu các giải pháp, phương án di chuyển hoặc cải tạo, nâng cấp các cơ sở không đảm bảo yêu cầu an toàn PCCC và điều kiện thoát nạn được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực (đặc biệt là chợ, nhà cao tầng, công trình công cộng tập trung đông người, cơ sở sản xuất, chế biến hóa chất, hàng hóa dễ cháy, nổ) để tăng cường điều kiện thoát nạn và bảo đảm an toàn PCCC, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.
d) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình tăng cường điều kiện cơ sở vật chất, trang bị phương tiện bảo đảm yêu cầu về PCCC tại chỗ.
5. Kinh phí triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC
Kinh phí triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước. Riêng năm 2014, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước được giao từ đầu năm để triển khai thực hiện.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện Kế hoạch này.
2. Bộ Tài chính, cơ quan tài chính địa phương có trách nhiệm tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán ngân sách, bảo đảm nguồn kinh phí để triển khai Kế hoạch này trên cơ sở dự toán kinh phí của các Bộ, ngành, địa phương.
3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả; xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC trong Bộ, ngành, địa phương mình./
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.