ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4909/QĐ-UBND | Quảng Bình, ngày 19 tháng 12 năm 2019 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15/11/2017;
Căn cứ Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ Quy định thi hành chi tiết một số điều Luật Lâm nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 2855/QĐ/BNN-KHCN ngày 17/9/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố việc xác định cây cao su là cây đa mục đích;
Căn cứ Quyết định số 750/QĐ-TTg ngày 03/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
Căn cứ Thông báo số 191-TB/BKTTW ngày 27/11/2019 của Ban Kinh tế Trung ương kết luận tại Hội nghị phát triển cao su Việt Nam hiệu quả, bền vững đến năm 2030;
Căn cứ ý kiến kết luận của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tại phiên họp ngày 16/12/2019;
Căn cứ Quyết định số 1484/QĐ-UBND ngày 10/6/2014 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc ban hành Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 3929/QĐ-UBND ngày 06/11/2018 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc phê duyệt đề cương nhiệm vụ và dự toán kinh phí xây dựng Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất cao su kém hiệu quả tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2019 - 2025;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 2785/TTr-SNN ngày 15/11/2019,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng cây cao su kém hiệu quả tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2019 - 2025 với các nội dung cơ bản sau:
1. Tên đề án: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng cây cao su kém hiệu quả tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2019 - 2025.
2. Phạm vi đề án: Thực hiện trên diện tích quy hoạch trồng cây cao su thuộc địa bàn các huyện, thành phố của tỉnh Quảng Bình.
3. Quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc và yêu cầu
3.1. Quan điểm
Chuyển đổi cây trồng trên đất trồng cây cao su kém hiệu quả theo hướng tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, đảm bảo sản xuất có hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cơ cấu cây trồng đối với từng địa phương, từng vùng được xác định trên cơ sở các yếu tố khí hậu, đất đai và thị trường để phát triển về loài cây, quy mô, giống... các đối tượng trong cơ cấu cây trồng được phát triển theo chuỗi giá trị, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm mang tính đặc thù từng địa phương. Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học, ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao; gắn kết chặt chẽ với công nghiệp bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
3.2 Mục tiêu
a) Mục tiêu chung
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng; nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích. Hạn chế và phân tán rủi ro do thiên tai, đảm bảo an toàn trong sản xuất. Duy trì và phát triển ổn định, bền vững những diện tích trồng cây cao su đang sản xuất có hiệu quả.
b) Mục tiêu cụ thể
Chuyển đổi những diện tích trồng cây cao su bị thiệt hại do bão không có khả năng phục hồi, diện tích trồng cây cao su kém hiệu quả để chuyển đổi sang cây trồng khác nhằm tăng năng suất, giá trị kinh tế cao hơn như: Cây lâm nghiệp, cây dược liệu, cây ăn quả, cây hồ tiêu và các loại cây nông nghiệp ngắn ngày, có xem xét quỹ đất để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Định hướng diện tích vùng trồng cây trồng cao su trên địa bàn toàn tỉnh đến năm 2025 khoảng 8.000 - 10.000 ha, tập trung đầu tư chăm sóc tốt những diện tích cao su được duy trì.
3.3. Nguyên tắc
Đối với cao su: Trên cơ sở các vùng đã quy hoạch trồng cây cao su, tiến hành điều chỉnh giảm diện tích, chỉ phát triển trồng cây cao su ở vùng tập trung, có điều kiện thuận lợi, có hiệu quả cao, ít chịu tác động của gió, bão.
Đối với diện tích trồng cây cao su kém hiệu quả: Xác định cụ thể từng vùng, từng diện tích và từng chân đất để xây dựng dự án, phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, đảm bảo đúng quy định hiện hành. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh đa dạng hóa cây trồng vùng gò đồi theo nguyên tắc phân tán rủi ro, phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng, sinh thái và gắn chặt với thị trường. Tập trung phát triển các mô hình nông lâm kết hợp giữa cây cao su với cây lâm nghiệp, trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ, chăn nuôi dưới tán rừng... Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa cây nông nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả, dưa hấu, cây dược liệu... Xác định quỹ đất phát triển các vùng, khu nông nghiệp công nghệ cao, phát triển một số cây mang tính đặc trưng của tỉnh gắn với du lịch.
3.4. Yêu cầu
Chuyển đổi những diện tích trồng cây cao su kém hiệu quả chịu ảnh hưởng của gió bão, bị gãy đổ nhiều, mật độ còn lại không đảm bảo theo quy định; một số diện tích trồng cây cao su phân tán, khả năng đầu tư thấp, cây phát triển kém; một số diện tích không phù hợp với quy hoạch theo Quyết định số 1358/QĐ-UBND ngày 15/6/2011 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch phát triển cao su tỉnh Quảng Bình đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Đối với vùng đất có độ phì cao, tập trung phát triển các cây trồng có hiệu quả, bền vững như cây dược liệu, cây ăn quả, cây nông nghiệp ngắn ngày... Đối với vùng đất xấu, độ dốc lớn, chuyển sang trồng cây lâm nghiệp.
Tập trung khôi phục những diện tích trồng cây cao su bị thiệt hại do bão có mật độ còn trên 50% số cây so với thiết kế trồng. Chỉ tái canh cây cao su trên đất phù hợp, đất tốt đủ điều kiện cho cây cao su. Tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, ưu tiên các biện pháp chống gió bão nhưng vẫn đảm bảo giá thành.
4.1. Định hướng phát triển trên đất đã quy hoạch trồng cây cao su
Tổng diện tích đã phê duyệt quy hoạch trồng cây cao su đến năm 2020 toàn tỉnh là 27.627,4 ha, trong đó đã trồng cao su đến năm 2015 là 18.527 ha và diện tích trồng cây cao su hiện có (năm 2019) 13.601,02 ha. Định hướng phát triển như sau:
- Tiếp tục duy trì phát triển, đầu tư kinh doanh lâu dài, ổn định 9.734,05 ha cao su có điều kiện thuận lợi, có hiệu quả cao, ít chịu tác động của gió, bão.
- Không trồng mới, đưa ra khỏi quy hoạch trồng cây cao su của tỉnh 9.100,4 ha đã quy hoạch nhưng chưa trồng cao su có hiện trạng là rừng tự nhiên nghèo, rùng tự nhiên nghèo kiệt.
- Chuyển đổi sang cây trồng khác 3.866,97 ha diện tích đã trồng cây cao su bị thiệt hại do bão, mật độ cây không đảm bảo, cây cao su sinh trưởng, phát triển kém, sản xuất không hiệu quả. Tiếp tục nâng cao chất lượng cây trồng chuyển đổi đã được người sản xuất thực hiện trước năm 2019 với diện tích 4.925,98 ha.
4.2. Tập trung đầu tư, chăm sóc, nâng cao hiệu quả diện tích trồng cây cao su tập trung sản xuất kinh doanh lâu dài
Đến năm 2025, duy trì ổn định diện tích trồng cây cao su trên địa bàn tỉnh hiện có 9.734,05 ha, gồm: cao su kinh doanh 6.166,51 ha, cao su kiến thiết cơ bản 3.567,54 ha tại Công ty Cổ phần Việt Trung, Công ty Cổ phần Lệ Ninh, Đoàn Kinh tế quốc phòng 79, cao su tiểu điền ở các huyện Bố Trạch, Lệ Thủy, Quảng Ninh và thành phố Đồng Hới. Tiếp tục đầu tư chăm sóc diện tích trồng cây cao su các vùng tập trung, đảm bảo ổn định sản xuất lâu dài của tỉnh trong thời gian tới; thực hiện trồng và chăm sóc cao su theo đúng quy trình kỹ thuật, trong đó cần quan tâm đến các khâu: Lựa chọn giống phù hợp, thiết kế đai rừng chắn gió, kỹ thuật trồng, kỹ thuật chăm sóc, tạo tán...
4.3. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng cây cao su kém hiệu quả, đa dạng hóa cây trồng vùng gò đồi theo nguyên tắc phân tán rủi ro, phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng, sinh thái và gắn với thị trường.
a) Chuyển đổi sang trồng rừng phục vụ công nghiệp chế biến, kết hợp du lịch sinh thái
Chuyển sang trồng rừng nguyên liệu gắn với trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa đối với diện tích trồng cao su nhỏ lẻ manh mún, đất xấu (tầng đất <70 cm và từ 70 cm - 100 cm), có độ dốc từ 15° trở lên tại huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh; những diện tích chịu tác động mạnh của gió bão ở vùng dọc đường mòn Hồ Chính Minh nhánh Đông huyện Bố Trạch chuyển sang trồng thông Caribe kết hợp phục vụ du lịch sinh thái. Diện tích chuyển sang trồng rừng nguyên liệu gắn với trồng rừng gỗ lớn 1.276,37 ha.
b) Chuyển đổi sang trồng cây dược liệu
Tập trung chuyển đổi những diện tích trồng cây cao su có điều kiện canh tác tốt ở vùng phía tây các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa sang trồng cây dược liệu. Nghiên cứu, lựa chọn những cây dược liệu sống dưới tán rừng để trồng xen dưới tán cây lâm nghiệp, cây cao su theo mô hình nông lâm kết hợp, đa dạng nguồn thu trên đơn vị diện tích đất canh tác, phân tán rủi ro do thiên tai. Định hướng tập đoàn cây dược liệu: Sâm bố chính, cà gai leo, đinh lăng, sâm cau.... Diện tích chuyển sang trồng cây dược liệu 333,38 ha.
c) Chuyển đổi sang trồng cây ăn quả
Những vùng có điều kiện đất đai thuận lợi, đất có độ phì tốt, thoát nước tốt, nguồn nước tưới ổn định ở các xã phía tây huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa và thành phố Đồng Hới chuyển đổi sang trồng cây ăn quả theo vùng tập trung. Diện tích chuyển sang trồng cây ăn quả 715,01 ha.
d) Chuyển đổi sang trồng cây Hồ tiêu
Phát triển có kiểm soát cây hồ tiêu trên vùng đất thích hợp, có điều kiện thuận lợi, đất có độ phì tốt, thoát nước tốt, nguồn nước tưới ổn định nên chuyển đổi sang trồng hồ tiêu như các xã phía tây huyện Bố Trạch, huyện Quảng Trạch. Diện tích chuyển sang trồng cây hồ tiêu là 9,0 ha.
đ) Chuyển đổi sang trồng cây nông nghiệp ngắn ngày và một số loài cây trồng khác (bao gồm diện tích chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao)
Những vùng đất tương đối bằng phẳng, thoát nước tốt, ở vùng phía tây các huyện: Bố Trạch, Tuyên Hóa, thành phố Đồng Hới tập trung phát triển các loại cây ngắn ngày phù hợp để phát huy hết hiệu quả, tiềm năng đất đai như: dưa hấu, sắn nguyên liệu, trồng cỏ, trồng ngô sinh khối. Diện tích chuyển sang trồng cây nông nghiệp ngắn ngày và một số loài cây trồng khác 1.533,21 ha, trong đó, diện tích chuyển sang nông nghiệp công nghệ cao khoảng 300 ha ở huyện Bố Trạch, thành phố Đồng Hới có vị trí thuận lợi, gần nguồn nước, kết nối với hệ thống giao thông dễ dàng.
(Chi tiết có các biểu 01, 02 và 03 kèm theo)
5. Tiến độ chuyển đổi cây trồng trên đất trồng cây cao su kém hiệu quả
Đến năm 2025, tổng diện tích cao su kém hiệu quả chuyển đổi sang cây trồng khác 3.866,97 ha (cao su tiểu điền 1.953,07 ha; cao su đại điền 1.913,90 ha). Cụ thể:
- Giai đoạn 2019 - 2020: Chuyển đổi 858,0 ha, trong đó: Cây ăn quả 80,0ha, cây dược liệu 65,0ha, cây nông nghiệp ngắn ngày 360,0ha, cây hồ tiêu 3,0ha, cây lâm nghiệp 350,0ha.
- Giai đoạn 2021 - 2025: Chuyển đổi 3.008,97ha, trong đó: Cây ăn quả 635,01 ha, cây dược liệu 268,38ha, cây nông nghiệp ngắn ngày (gồm diện tích nông nghiệp công nghệ cao) 1.173,21 ha, cây hồ tiêu 6,0ha, cây lâm nghiệp 926,37ha.
- Dự kiến vốn đầu tư sản xuất trên diện tích chuyển đổi các loại cây trồng khoảng 270 tỷ đồng (Trong đó: Vốn hỗ trợ 19,34 tỷ đồng từ nguồn chính sách nông nghiệp của tỉnh; Vốn người sản xuất tự có và huy động hợp pháp khác 250,66 tỷ đồng). Cụ thể:
+ Giai đoạn 2019 - 2020: Tổng vốn 60,1 tỷ đồng (Vốn hỗ trợ: 4,3 tỷ đồng; Vốn tự có và huy động hợp pháp khác: 55,8 tỷ đồng).
+ Giai đoạn 2021- 2025: Tổng vốn đầu tư 209,9 tỷ đồng (Vốn hỗ trợ 15,04 tỷ đồng; Vốn tự có và huy động hợp pháp khác: 194,86 tỷ đồng).
- Nguồn vốn: Nhà nước sẽ hỗ trợ chi phí chuyển đổi theo nguồn chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hàng năm. Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tự đảm nhận phần vốn để đầu tư phát triển trên diện tích quản lý, diện tích thuê và liên doanh, liên kết. Các đơn vị kinh tế khác có đủ điều kiện thì huy động vốn tự có hoặc vốn vay của các tổ chức tín dụng.
7. Các giải pháp thực hiện đề án
7.1. Đất đai
Thực hiện tốt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo đúng quy định; rà soát, bổ sung các quy hoạch phù hợp với thực tiễn; đẩy mạnh giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, rừng theo đúng quy định.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia dồn điền, đổi thửa, góp vốn bằng quyền sử dụng đất để tham gia vào các Dự án đầu tư trồng rừng, trồng cây dược liệu, nông nghiệp công nghệ cao...
Thực hiện tốt việc giao đất, cho thuê đất đúng quy định tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư phát triển. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng đất đai theo quy hoạch, đồng thời kiên quyết xử lý và thu hồi các diện tích đất quy hoạch sử dụng sai mục đích, kém hiệu quả.
7.2. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức
Tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt đầy đủ, sâu rộng nội dung Đề án, tạo đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và cộng đồng doanh nghiệp, người dân nhằm thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất theo hướng liên kết, liên doanh để hình thành vùng sản xuất tập trung; chuyển đổi theo loài cây trồng trên đất trồng cây cao su kém hiệu quả nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng của từng vùng trên địa bàn toàn tỉnh.
7.3. Khoa học - kỹ thuật
- Đối với cây cao su: Thực hiện trồng, chăm sóc cây cao su tuân thủ quy trình kỹ thuật của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam. Chỉ đạo thực hiện tốt từ khâu lựa chọn giống, thiết kế đai rừng chắn gió, chăm sóc, tỉa cành, tạo tán phù hợp ở thời kỳ kiến thiết cơ bản để giảm ảnh hưởng của gió bão.
- Đối với các loại cây trồng chuyển đổi khác: Tuân thủ quy trình kỹ thuật của cơ quan chuyên môn; quá trình thực hiện phải thường xuyên đánh giá, hoàn thiện công nghệ, quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến phù hợp với đặc điểm của từng cây và điều kiện đất đai, khí hậu Quảng Bình.
- Đẩy mạnh xã hội hóa công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao quy trình, công nghệ kỹ thuật sản xuất, chế biến, thương mại, nhất là đối với các cây trồng chuyển đổi trên đất trồng cây cao su. Hỗ trợ nông dân kết nối, tiếp cận với dịch vụ nghiên cứu, chuyển giao, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, thị trường.
7.4. Cơ chế, chính sách
Thực hiện tốt các chính sách của Trung ương kết hợp lồng ghép với chính sách của tỉnh và nguồn vốn từ các chương trình dự án, ưu tiên cho doanh nghiệp đầu tư vào các đối tượng cây trồng chuyển đổi trên đất trồng cây cao su kém hiệu quả, nhất là doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy phục vụ chế biến sản phẩm các loại cây trồng chuyển đổi, chế biến mủ cao su và gỗ cao su. Kiến nghị với ngân hàng Nhà nước có chính sách khoanh nợ, giãn thời gian trả nợ và tiếp tục cho người sản xuất vay vốn để khôi phục duy trì những vườn cây, đầu tư trồng mới trên diện tích được quy hoạch trồng cao su.
Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu ứng dụng khoa học từ khâu chọn tạo, nhân giống, sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp; Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp theo các tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tạo ra các sản phẩm có giá trị, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của tỉnh.
7.5. Quản lý và tổ chức sản xuất
Phát triển đa dạng các loại hình quản lý, tổ chức sản xuất, trong đó lấy mô hình quản lý sản xuất cao su đại điền các công ty, doanh nghiệp (Công ty cổ phần Lệ Ninh, Công ty Cổ phần Việt Trung, Đoàn kinh tế quốc phòng 79) làm trung tâm và là động lực để duy trì, phát triển bền vững vùng cao su tiểu điền thông qua liên kết, liên doanh trong tổ chức sản xuất, khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích doanh nghiệp liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân; phát triển các mô hình tổ chức sản xuất trong nông nghiệp (Hợp tác xã, Tổ hợp tác) để hỗ trợ nông dân tiếp cận, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, tạo sự liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị.
Các cấp ủy, chính quyền xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng cây cao su kém hiệu quả của địa phương và lồng ghép vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Các đơn vị, địa phương phối hợp với cơ quan chuyên môn hỗ trợ thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã chủ động liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong sản xuất gắn với tiêu thụ để người sản xuất an tâm chuyển đổi cây trồng lâu dài, ổn định.
Các công ty nông lâm nghiệp có vốn sở hữu nhà nước thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng cây cao su theo đúng quy định về quản lý vốn, tài sản nhà nước.
7.6. Thị trường, chế biến
Trên cơ sở 8 nhà máy chế biến mủ cao su hiện nay, tập trung cải tiến, nâng cấp công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, có công suất phù hợp với sản lượng của tỉnh nhằm đa dạng cơ cấu sản phẩm chế biến cao su, phù hợp với thị trường, đặc biệt là các sản phẩm cao su xuất khẩu; phát triển các cơ sở chế biến, bảo quản sản phẩm cây trồng chuyển đổi.
Dự báo và nắm bắt kịp thời những biến động của thị trường để điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ xây dựng, chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, xúc tiến thương mại, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản Quảng Bình; tăng cường quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường mới, trong đó doanh nghiệp là trung tâm đầu mối kết nối với người sản xuất.
(Chi tiết có Đề án kèm theo Tờ trình số 2785/TTr-SNN ngày 15/11/2019 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án. Thường xuyên báo cáo UBND tỉnh về tình hình, kết quả thực hiện để kịp thời chỉ đạo.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ; Giám đốc các Công ty nông lâm nghiệp trên địa bàn; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. CHỦ TỊCH |
HIỆN TRẠNG, DIỆN TÍCH TRỒNG CÂY CAO SU TỈNH QUẢNG BÌNH NĂM 2019 THEO ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH
(Kèm theo Quyết định số 4909/QĐ-UBND ngày 19/12/2019 của UBND tỉnh Quảng Bình)
TT | Địa phương | Diện tích Cao su hiện có (ha) | Trong đó phân ra | ||||||||
Cao su kinh doanh | Cao su kiến thiết cơ bản | Ghi chú | |||||||||
Tổng cộng | Cao su để lại kinh doanh | Cao su kém hiệu quả | Cộng | Cao su để lại kinh doanh | Cao su kém hiệu quả | Cộng | Cao su để lại kinh doanh | Cao su kém hiệu quả | |||
1 | 2 | 3=4+5 | 4=7+10 | 5=8+11 | 6=7+8 | 7 | 8 | 9=10+11 | 10 | 11 | 12 |
| Tổng | 13.601,02 | 9.734,05 | 3.866,97 | 9.328,96 | 6.166,51 | 3.162,45 | 4.272,06 | 3.567,54 | 704,52 |
|
1 | Huyện Tuyên Hóa | 229,49 | - | 229,49 | 227,49 | - | 227,49 | 2,00 | - | 2,00 |
|
2 | Huyện Minh Hóa | 71,10 | - | 71,10 | 71,10 | - | 71,10 |
| - | - |
|
3 | Huyện Quảng Trạch | 279,88 | - | 279,88 | 242,38 | - | 242,38 | 37,50 | - | 37,50 |
|
4 | Huyện Bố Trạch | 6.874,20 | 4.398,97 | 2.475,23 | 5.055,82 | 2.835,12 | 2.220,70 | 1.818,38 | 1.563,85 | 254,53 |
|
5 | Thành Phố Đồng Hới | 287,02 | 190,40 | 96,62 | 220,88 | 190,40 | 30,48 | 66,14 | - | 66,14 |
|
6 | Huyện Lệ Thuỷ | 5.436,17 | 5.088,52 | 347,65 | 3.210,79 | 3.122,49 | 88,30 | 2.225,38 | 1.966,03 | 259,35 |
|
7 | Huyện Quảng Ninh | 423,16 | 56,16 | 367,00 | 300,50 | 18,50 | 282,00 | 122,66 | 37,66 | 85,00 |
|
ĐỊNH HƯỚNG DIỆN TÍCH TRỒNG CÂY CAO SU TẬP TRUNG SẢN XUẤT KINH DOANH LÂU DÀI THEO ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH
(Kèm theo Quyết định số 4909/QĐ-UBND ngày 19/12/2019 của UBND tỉnh Quảng Bình)
TT | Địa phương | Diện tích cây cao su tập trung sản xuất kinh doanh lâu dài (ha) | Ghi chú | ||
Tổng | Cao su kinh doanh | Cao su kiến thiết cơ bản | |||
1 | 2 | 3=4+5 | 4 | 5 | 6 |
| Tổng | 9.734,05 | 6.166,51 | 3.567,54 |
|
1 | Huyện Tuyên Hóa | - | - | - |
|
2 | Huyện Minh Hóa | - | - | - |
|
3 | Huyện Quảng Trạch | - | - | - |
|
4 | Huyện Bố Trạch | 4.398,97 | 2.835,12 | 1.563,85 |
|
5 | Thành Phố Đồng Hới | 190,40 | 190,40 | - |
|
6 | Huyện Lệ Thuỷ | 5.088,52 | 3.122,49 | 1.966,03 |
|
7 | Huyện Quảng Ninh | 56,16 | 18,50 | 37,66 |
|
DIỆN TÍCH TRỒNG CÂY CAO SU KÉM HIỆU QUẢ VÀ ĐỊNH HƯỚNG CHUYỂN ĐỔI THEO ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH
(Kèm theo Quyết định số 4909/QĐ-UBND ngày 19/12/2019 của UBND tỉnh Quảng Bình)
TT | Địa phương | Diện tích chuyển đổi (ha) | Diện tích định hướng chuyển đổi theo loài cây và nhóm loài cây (ha) | |||||
Cây ăn quả | Cây dược liệu | Cây nông nghiệp ngắn ngày, nông nghiệp công nghệ cao | Hồ tiêu | Rừng nguyên liệu | Ghi chú | |||
1 | 2 | 3=4+5+6+7+8 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 |
| Tổng | 3.866,97 | 715,01 | 333,38 | 1.533,21 | 9,00 | 1.276,37 |
|
1 | Huyện Tuyên Hóa | 229,49 | 9,56 | 5,08 | 5,00 | - | 209,85 |
|
2 | Huyện Minh Hóa | 71,10 | 11,10 | 5,00 | - | - | 55,00 |
|
3 | Huyện Quảng Trạch | 279,88 | 11,50 | 25,00 | - | 1,00 | 242,38 |
|
4 | Huyện Bố Trạch | 2.475,23 | 392,10 | 206,20 | 1.446,59 | 8,00 | 422,34 |
|
5 | Thành Phố Đồng Hới | 96,62 | 4,00 | 1,00 | 81,62 | - | 10,00 |
|
6 | Huyện Lệ Thuỷ | 347,65 | 159,65 | 5,00 | - | - | 183,00 |
|
7 | Huyện Quảng Ninh | 367,00 | 127,10 | 86,10 | - | - | 153,80 |
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.