ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 49/2013/QĐ-UBND | Bà Rịa, ngày 17 tháng 12 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÁC CỤM CÔNG NGHIỆP TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU GIAI ĐOẠN 2013-2020.
ỦY BAN NHÂN DẤN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Quyết định số 15/2007/QĐ-TTg ngày 29/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giai đoạn 2006-2015, định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 09/2010/QĐ-UBND ngày 08/3/2010 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, về việc ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu;
Căn cứ Quyết định số 59/2011/QĐ-UBND ngày 27/09/2011 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, về phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giai đoạn 2011-2020, xét đến năm 2025;
Căn cứ Quyết định số 06/2012/QĐ-UBND ngày 14/02/2012 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, về phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giai đoạn 2011-2020, xét đến năm 2025;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại Tờ trình số 89/TTr-SCT ngày 27 tháng 11 năm 2013 về việc đề nghị phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2013-2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2013-2020 với các nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm phát triển.
- Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển ngành công nghiệp và quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp hỗ trợ của tỉnh giai đoạn 2011-2020 xét đến 2025, nhằm tạo ra kết cấu hạ tầng đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư các dự án của ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng;
- Phát triển các cụm công nghiệp nhằm di dời, sắp xếp, tập trung thu hút các dự án sản xuất công nghiệp nhỏ và vừa. Qua đó từng bước cải thiện môi trường sống trong các khu dân cư và tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp phát triển bền vững.
- Phát triển các cụm công nghiệp nhằm huy động năng lực của mọi thành phần kinh tế, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, phục vụ cho nhu cầu đầu tư của ngành công nghiệp.
- Phát triển các cụm công nghiệp phải phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh đến năm 2020 là đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong đó chú trọng đến việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhằm đáp ứng nhu cầu thu hút các dự án công nghiệp hỗ trợ vào hoạt động.
- Phát triển các cụm công nghiệp theo mô hình liên kết cụm công nghiệp, nhằm giúp doanh nghiệp tăng cường liên kết, chia sẻ thông tin, nguồn lực, qua đó từng bước nâng cao trình độ công nghệ và tăng năng lực cạnh tranh.
2. Định hướng phát triển:
Căn cứ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp, quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh giai đoạn 2011-2020, xét đến năm 2025 và căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế -xã hội của các địa phương; định hướng thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp gồm các ngành nghề chính như sau:
a) Ngành, cơ khí chế tạo.
- Công nghiệp hỗ trợ cơ khí cho các ngành công nghiệp chế tạo sản phẩm tiêu dùng (ôtô, xe máy, điện - điện tử...);
- Công nghiệp hỗ trợ cơ khí cho phục vụ khai thác và chế biến dầu khí;
- Công nghiệp hỗ trợ cơ khí phục vụ công nghiệp đóng tàu;
- Các dự án cơ khí dân dụng phục vụ đóng mới và sửa chữa máy móc thiết bị công nghiệp nông thôn và phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân.
- Xử lý chất lượng bề mặt sản phẩm cơ khí và xử lý nhiệt.
- Sản xuất và chế tạo khuôn mẫu và đồ gá.
b) Ngành điện - điện tử.
- Công nghiệp hỗ trợ điện - điện tử cho các ngành công nghiệp chế tạo sản phẩm tiêu dùng (ô tô, xe máy, điện - điện tử dân dụng,...).
- Công nghiệp hỗ trợ điện - điện tử chuyên dùng (Công nghiệp đóng tàu, khai thác và chế biến dầu khí, thiết bị hàng hải, y tế...).
- Các dự án sản xuất và lắp ráp các thiết bị điện gia dụng, điện tử.
c) Ngành chế biến nông - lâm - sản.
- Thu hút các dự án chế biến nông - lâm - sản chủ yếu như : Hạt điều, cà phê, Ca cao, tiêu, xay xát gạo, chế biến gỗ,...
- Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại sản xuất các mặt hàng có lợi thế của tỉnh, nhằm tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phát triển bền vững.
d) Ngành dệt, may mặc - giày da.
- Chỉ phát triển ngành dệt, may mặc - giày da hạn chế ở một số địa phương có nhu cầu, nhằm ưu tiên giải quyết việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn. Riêng ngành dệt - nhuộm chỉ phát triển ở cụm công nghiệp Ngãi Giao, do UBND tỉnh cấp phép; các cụm công nghiệp còn lại chỉ được thu hút ngành dệt, đối với ngành nhuộm chỉ được thu hút khi UBND tỉnh cho phép;
- Yêu cầu các doanh nghiệp phải đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại vào sản xuất, để nâng cao chất lượng sản phẩm. Từng bước chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, giảm gia công, tăng cường công tác nghiên cứu thiết kế, để tăng giá trị gia tăng của sản phẩm....
đ) Ngành sản xuất vật liệu xây dựng.
- Tập trung thu hút các dự án sản xuất vật liệu xây dựng như : vật liệu xây dựng không nung, sứ vệ sinh, gạch men, gạch trang trí, Đá chẻ - đá mỹ nghệ, sản phẩm trang trí nội ngoại thất, Bột đá Granit,...
- Trong đó, đặc biệt ưu tiên thu hút các dự án vật liệu xây dựng không nung, các dự án sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng, không gây ô nhiễm môi trường.
e) Một số cụm công nghiệp được quy hoạch để phục vụ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, sẽ được thu hút thêm một số ngành nghề đặc trưng của địa phương, không thuộc 05 nhóm ngành nghề nêu trên vào cụm công nghiệp.
3. Mục tiêu phát triển:
Trong giai đoạn 2013 - 2020, đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật 14 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 564 ha, vốn đầu tư hạ tầng dự kiến khoảng 2.840 tỷ đồng. Dự kiến thu hút vốn đầu tư sản xuất khoảng 13.080 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho khoảng 17.150 người. Định hướng Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp tại các địa phương, cụ thể như sau:
a) Huyện Tân Thành:
Phát triển 05 cụm công nghiệp, với qui mô khoảng 206 ha, vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật dự kiến khoảng 775 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư vào các dự án sản xuất dự kiến khoảng 4.120 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 7.400 lao động.
b) Huyện Châu Đức:
Phát triển 02 cụm công nghiệp, với qui mô khoảng 105 ha, vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật dự kiến khoảng 430 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư vào các dự án sản xuất dự kiến khoảng 3.500 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 3.500 lao động.
c) Thành phố Bà Rịa:
Phát triển 03 cụm công nghiệp, với qui mô khoảng 100 ha, vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật dự kiến khoảng 350 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư vào các dự án sản xuất dự kiến khoảng 2.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 2.500 lao động.
d) Huyện Long Điền:
Phát triển 01 cụm công nghiệp, với qui mô khoảng 43 ha, vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật dự kiến khoảng 151 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư vào các dự án sản xuất khoảng 860 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động.
đ) Huyện Đất Đỏ:
Phát triển 01 cụm công nghiệp, với qui mô khoảng 50 ha, vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật dự kiến khoảng 175 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư vào các dự án sản xuất khoảng 1.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 1.250 lao động.
e) Thành phố Vũng Tàu:
Phát triển 01 cụm công nghiệp, với qui mô khoảng 40 ha, vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật dự kiến khoảng 900 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư vào các dự án sản xuất khoảng 1.200 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động.
g) Huyện Côn Đảo:
Phát triển 01 cụm công nghiệp, với qui mô khoảng 20 ha, vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật dự kiến khoảng 60 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư vào các dự án sản xuất khoảng 400 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 500 lao động.
4. Một số giải pháp chung để thực hiện quy hoạch.
a) Giải pháp về tài chính:
- Dự kiến tổng mức vốn đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp của tỉnh giai đoạn 2013-2020 là 2.840 tỷ đồng. Vốn đầu tư này sẽ được huy động từ mọi thành phần kinh tế, trong đó có phần vốn ngân sách dùng để xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp phục vụ cho việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong các khu dân cư. Nhưng chủ yếu vẫn là vốn kêu gọi từ các nhà đầu tư có năng lực, để triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp.
- Nguồn vốn ngân sách tỉnh bố trí để xây dựng các hạng mục kỹ thuật (đường giao thông, thoát nước thải, đường dân sinh...) ngoài hàng rào các cụm công nghiệp.
- Vốn ngân sách (liên kết với kinh phí của doanh nghiệp), để thực hiện các chương trình xúc tiến kêu gọi đầu tư (trong và ngoài nước) vào các cụm công nghiệp.
b) Giải pháp về lao động.
Để thực hiện quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp, chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phải được ưu tiên hàng đầu. Chính sách phát triển nguồn nhân lực của tỉnh cho các cụm công nghiệp trong giai đoạn 2013-2020 cần hướng đến các doanh nghiệp sản xuất, các ngành cơ khí, cơ điện tử và ngành điện - điện tử.... Ngân sách cần dành riêng một khoản kinh phí, để xây dựng chương trình trọng điểm phát triển nguồn nhân lực đáp ứng cho các cụm công nghiệp. Cụ thể như sau:
- Đào tạo công nhân kỹ thuật cho các chuyên ngành nghề ưu tiên thu hút vào các cụm công nghiệp đặc biệt là ngành công nghiệp hỗ trợ. Đổi mới chương trình, đào tạo, máy móc trang thiết bị đào tạo nghề, chia sẻ thông tin, việc làm... Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực cho các trường Cao đẳng nghề, trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh, đi đôi với việc đổi mới chương trình và nội dung đào tạo cho phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động, chú trọng các nghề phục vụ cho ngành công nghiệp hỗ trợ như: gia công chính xác, kỹ thuật điện, cơ khí chế tạo, cơ điện tử,...
- Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng đất đai, cơ sở hạ tầng,... cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước thành lập các cơ sở dạy nghề chất lượng cao trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt khuyến khích thành lập cơ sở dạy nghề tại doanh nghiệp và khuyến khích phát triển dạy nghề tại dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp.
- Dành kinh phí Chương trình, mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2012-2015, Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; Đề án khuyến công quốc gia; Đề án Trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; Đề án Trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ,... để hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
- Đặt hàng đào tạo công nhân kỹ thuật cho các nghề phục vụ cho ngành công nghiệp hỗ trợ như: cơ khí chính xác, cơ điện tử, cơ khí chế tạo, điện - điện tử. Bên cạnh đó phải huy động doanh nghiệp trực tiếp tham gia và phối hợp với cơ sở dạy nghề xây dựng mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy nghề, danh mục nghề, tiêu chuẩn nghề, tham gia giảng dạy và đánh giá kỹ năng nghề cho người lao động.
- Cơ quan lao động các cấp phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề trong việc xác định nhu cầu của doanh nghiệp về nguồn nhân lực trong những năm tới: cơ sở dạy nghề phải chủ động điều tra để có được thông tin về nhu cầu của doanh nghiệp, (nghề, trình độ, mức độ kỹ năng,....) để tổ chức đào tạo phù hợp; doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan lao động và cơ sở dạy nghề về nhu cầu về lao động.
- Nâng cao năng lực của đội ngũ công nhân kỹ sư hiện có thông qua Chương trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu của các doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp hỗ trợ mũi nhọn của tỉnh, như: Ngành cơ khí, cơ điện tử, điện - điện tử..., trong đó có sự hỗ trợ một phần kinh phí của tỉnh.
- Phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Trung tâm Khuyến công, các trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh triển khai các chương trình đào tạo nghề ngắn và dài hạn theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và theo nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung và của các cụm công nghiệp nói riêng.
c) Giải pháp về xúc tiến thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về các cụm công nghiệp, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về định hướng phát triển các cụm công nghiệp của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên Website của Sở Công Thương, qua các ấn phẩm của ngành Công Thương hoặc thông qua các brochure chuyên ngành về phát triển các cụm công nghiệp.
- Xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp cũng như các doanh nghiệp đầu tư các dự án thứ cấp vào cụm công nghiệp. Trong đó chú trọng công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan...
- Tổ chức các chương trình hội chợ, triển lãm, hội nghị về các cụm công nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp tham gia các hoạt động này. Nguồn và mức kinh phí hỗ trợ này được thực hiện thông qua chương trình xúc tiến đầu tư hàng năm của Tỉnh.
- Xây dựng các mối liên kết với các tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như trên cả nước, để liên kết phát triển ngành nghề trong cụm công nghiệp.
d) Giải pháp về môi trường.
Để môi trường trong các cụm công nghiệp được trong sạch không gây ô nhiễm, nhằm đảm bảo phát triển bền vững, đòi hỏi các cụm công nghiệp phải tuân thủ các quy định sau:
- Trong mỗi cụm công nghiệp phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nước thải được xử lý nước đạt tiêu chuẩn theo quy định trong báo cáo đánh giá tác động môi trường do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi thải ra môi trường; từng nhà máy trong cụm công nghiệp phải có hệ thống xử lý nước thải cục bộ (đạt tiêu chuẩn) trước khi thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung.
- Chất thải rắn trong từng nhà máy phải được đăng ký, bảo quản và xử lý đúng quy định hiện hành.
- Các ngành nghề thu hút vào cụm công nghiệp phải đúng quy hoạch được duyệt, không được thu hút các ngành nghề nằm trong danh mục cấm và hạn chế thu hút đầu tư của tỉnh (trừ trường hợp được sự cho phép của tỉnh).
Điều 2. Danh mục các cụm công nghiệp quy hoạch giai đoạn 2013-2020 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được ban hành kèm theo Quyết định này.
Điều 3. Tổ chức thực hiện:
Để tổ chức triển khai quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp, UBND Tỉnh giao trách nhiệm như sau:
1. Sở Công Thương:
- Tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát kế hoạch hành động và tham mưu đề xuất UBND Tỉnh trong việc thực hiện các nội dung trong quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, để các tổ chức, các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân biết thực hiện.
- Xây dựng chương trình phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt để dành nguồn ngân sách đầu tư cho các hạng mục kỹ thuật ngoài hàng rào cụm công nghiệp và đầu tư cho các chương trình xúc tiến đầu phát triển các cụm công nghiệp.
- Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện quy hoạch trong các kế hoạch hàng năm, hoặc 5 năm. Theo dõi và báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch, kịp thời đề xuất UBND tỉnh các giải pháp về điều hành thực hiện quy hoạch bảo đảm yêu cầu phát triển các cụm công nghiệp trong mối quan hệ tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
- Phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chức năng quản lý Nhà nước, các chính sách và giải pháp đối với việc phát triển các cụm công nghiệp.
2. Các cơ quan chuyên môn khác thuộc UBND tỉnh: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động thực hiện các công việc liên quan đến quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp thuộc trách nhiệm của đơn vị mình; đồng thời phối hợp với Sở Công Thương để xử lý các vấn đề liên quan theo đề xuất của Sở Công Thương.
3. UBND các huyện, thành phố thuộc tỉnh có trách nhiệm:
- Trên cơ sở các định hướng, mục tiêu phát triển các cụm công nghiệp trong quy hoạch này, tiến hành cụ thể hóa và điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng trên địa bàn.
- Đưa các nội dung triển khai quy hoạch này vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm của từng địa phương.
- Bố trí ngân sách địa phương, để xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào các cụm công nghiệp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối hạ tầng giữa trong và ngoài cụm công nghiệp theo đúng tiến độ thực tế. Riêng đối với các cụm công nghiệp phục vụ di dời do địa phương làm chủ đầu tư, thì phải phân công nhân lực và bố trí kinh phí xây dựng hạ tầng kịp thời, để sớm có mặt bằng phục vụ di dời.
- Trong quá trình thực hiện, UBND các huyện, thành phố thuộc tỉnh có trách nhiệm kiến nghị UBND tỉnh xem xét điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Quyết định này thay thế cho Quyết định số 22/2012/QĐ-UBND ngày 25/7/2012 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2012- 2020.
Điều 5. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thuộc tỉnh và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
DANH MỤC
14 CỤM CÔNG NGHIỆP PHÁT TRIỂN GIAI ĐOẠN 2013-2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
(Kèm theo Quyết định số 49/2013/QĐ-UBND ngày 17/12/2013 của UBND tỉnh)
STT | Tên cụm CN | Qui mô (ha) | Địa điểm | Ngành nghề | Ghi chú |
1 | Hắc Dịch 1 | 30 | Huyện Tân Thành | Lắp ráp điện tử, cơ khí, hàng may mặc,.... |
|
2 | Tóc Tiên 2 | 30 | Huyện Tân Thành | Công nghiệp cơ khí chế tạo; công nghiệp chế biến thực phẩm; sản xuất các sản phẩm nhựa, cao su. |
|
3 | Boomin Vina | 50 | Huyện Tân Thành | Sản xuất chăn len, bao bì đựng chăn len, công nghiệp hỗ trợ ngành chăn len. |
|
4 | Hắc Dịch 6 | 75 | Huyện Tân Thành | Cơ khí, công nghiệp điện tử, công nghiệp nhẹ, công nghiệp hỗ trợ, phụ kiện đóng tàu. |
|
5 | Đá tẩy - đá chẻ. | 21 | Huyện Tân Thành | Sản xuất VLXD, đá tẩy, đá chẻ, đá mỹ nghệ xuất khẩu. |
|
6 | Ngãi Giao | 30 | Huyện Châu Đức | Sản xuất sợi, dệt kim, nhuộm. |
|
7 | Đá Bạc 1 | 75 | Huyện Châu Đức | Sản xuất cơ khí, lắp ráp điện tử, công nghiệp hỗ trợ. |
|
8 | Hồng Lam | 30 | Thành phố Bà Rịa | Sản xuất thủy tinh, sành sứ, chế biến thực phẩm cao cấp |
|
9 | Hòa Long | 50 | Thành phố Bà Rịa | Di dời các cơ sở ô nhiễm trong thành phố; Chế biến nông sản, sản xuất cơ khí, điện, điện tử. |
|
10 | Long Hương 2 | 20 | Thành phố Bà Rịa | Sản xuất cơ khí, vật liệu xây dựng. |
|
11 | An Ngãi | 43 | Huyện Long Điền | Công nghiệp hỗ trợ (Sản xuất phụ kiện phục vụ công nghiệp giầy da, may mặc), lắp ráp điện tử, vật liệu xây dựng. |
|
12 | Long Tân | 50 | Huyện Đất Đỏ | Sản xuất cơ khí, lắp ráp điện tử, công nghiệp phụ trợ, chế biến nông sản. |
|
13 | Phước Thắng | 40 | Thành phố Vũng Tàu | Di dời các cơ sở ô nhiễm trong thành phố. |
|
14 | Bến Đầm | 20 | Huyện Côn Đảo | Kho lạnh bảo quản, gia công cơ khí, DV hàng hải, DV hậu cần nghề cá, di dời các cơ sở SX ô nhiễm từ trung tâm huyện. |
|
| Tổng | 564 |
|
|
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.