CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 49/2004/QĐ-TTG | Hà Nội, ngày 08 tháng 01 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH HƯỚNG DẪN TIÊU CHUẨN, CƠ CẤU ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP VÀ QUY TRÌNH CÔNG TÁC NHÂN SỰ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN, ỦY BAN NHÂN DÂN NHIỆM KỲ 2004 - 2009
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001;
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2003;
Căn cứ Chỉ thị số 31/CT-TW ngày 26 tháng 11 năm 2003 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2004 - 2009;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (tờ trình số 37/TTr-BNV ngày 07 tháng 01 năm 2004,
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Hướng dẫn tiêu chuẩn, cơ cấu đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và quy trình công tác nhân sự Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân nhiệm kỳ 2004 - 2009.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này ./.
Nơi nhân : | THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
HƯỚNG DẪN
VỀ TIÊU CHUẨN, CƠ CẤU ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP VÀ QUY TRÌNH CÔNG TÁC NHÂN SỰ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN, ỦY BAN NHÂN DÂN NHIỆM KỲ 2004 – 2009
(Ban hành kèm theo quyết định số 49/QĐ-TTG ngày 08 tháng 01 năm 2004 của thủ tướng Chính phủ
Thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 26 tháng 11 năm 2003 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2004 - 2009;
Căn cứ Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ tư thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Sau khi thống nhất ý kiến với ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban Tổ chức Trung ương, Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn về tiêu chuẩn, cơ cấu đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và quy trình công tác nhân sự Hội đồng nhân dân các cấp, quy trình nhân sự Thường trực Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2004 - 2009.
I. YÊU CẦU
1. Nhận thức đúng ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2004 - 2009, yêu cầu nâng cao chất lượng đại biểu, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân, chất lượng công tác quản lý, điều hành của ủy ban nhân dân; giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị.
2. Quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, các Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương về công tác tổ chức, cán bộ; Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; các quy chế, quy định hiện hành về công tác cán bộ nhằm củng cố, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp;
3. Đề cao vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng trong lãnh đạo công tác nhân sự Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân. Đổi mới công tác bầu cử theo hướng gắn công tác nhân sự và bố trí cơ cấu đại biểu với quy hoạch cán bộ và công tác nhân sự đại hội Đảng các cấp sắp tới, mở rộng và phát huy dân chủ trong việc dự kiến cơ cấu, thành phần và hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, đảm bảo số người ứng cử phải nhiều hơn đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử là hai người theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân;
II. VỀ TIÊU CHUẨN, CƠ CẤU ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
1. Đại biểu Hội đồng nhân dân phải hội đủ các tiêu chuẩn do Luật định
Việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp phải căn cứ vào các tiêu chuẩn do Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân quy định, tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khóa VIII) và kết luận của Hội nghị Trung ương 6, khóa IX về công tác cán bộ; trong đó đặc biệt chú ý đến những tiêu chuẩn sau đây:
1. Về phẩm chất chính trị: Người được giới thiệu ra ứng cử phải có lập trường, tư tưởng vững vàng, tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách và sự lãnh đạo của Đảng; có ý thức đấu tranh với những tư tưởng và hành động sai trái với chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước trên các lĩnh vực, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại.
2. Về đạo đức, lối sống: Người được giới thiệu ra ứng cử phải có lối sống trong sạch, lành mạnh, trung thực; chân thành với đồng chí và bản thân trong đấu tranh phê bình và tự phê bình; có ý thức giữ gìn và phát huy tinh thần đoàn kết trong nội bộ, tương trợ lẫn nhau trong công tác và cuộc sống; đúng mực trong quan hệ với mọi người xung quanh; tham gia tích cực vào công tác xã hội và đoàn thể, không vi phạm những điều cấm đối với đảng viên theo quy định của Bộ Chính trị; được tín nhiệm đại diện cho nhân dân địa phương.
3. Về năng lực thực tiễn: Người được giới thiệu ra ứng cử cần có khả năng hoạt động thực tiễn, đối với đại biểu Hội đồng nhân dân phải biết lắng nghe ý kiến nhân dân; tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân; thuyết phục nhân dân tham gia xây dựng chính quyền nhân dân và tham gia lao động sản xuất, góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển. Đối với nhân sự ủy ban nhân dân, bên cạnh những tiêu chuẩn cần có của người cán bộ dân cử, phải nắm vững pháp luật và có khả năng tham gia quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương.
Đối với những vùng đặc biệt khó khăn, kinh tế - xã hội chậm phát triển, cấp uỷ Đảng cần chỉ đạo để vận dụng các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương mình, để lựa chọn, giới thiệu được những người trung thành với lý tưởng của Đảng, có ý thức phấn đấu vì sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước; được nhân dân tín nhiệm, có năng lực hoạt động thực tiễn ra ứng cử để tham gia quyết định những vấn đề cụ thể ở địa phương.
2. Đảm bảo cơ cấu hợp lý và tính đại diện của Hội đồng nhân dân các cấp
Trên cơ sở những quy định của Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, phải chỉ đạo chặt chẽ để Hội đồng nhân dân có cơ cấu hợp lý, đảm bảo đại diện cho các thành phần xã hội, nghề nghiệp, dân cư, tôn giáo, độ tuổi, giới tính, dân tộc và cộng đồng dân cư.
Tuỳ theo tình hình cụ thể của mỗi đơn vị hành chính, mỗi cấp hành chính để dự kiến và và điều chỉnh cơ cấu, thành phần theo hướng:
1. Đảm bảo để có tỷ lệ thích đáng đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ, là người dân tộc ít người (đối với các địa phương có nhiều dân tộc); là đại diện các tôn giáo đối với những nơi có đông đồng bào có đạo;
2. Tăng tỷ lệ người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ, trẻ tuổi (dưới 35 tuổi), người ngoài đảng và đại diện cho các thành phần kinh tế;
3. Giảm tỷ lệ người của các cơ quan hành chính nhà nước ra ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu định hướng cơ cấu sau đây:
1. Về cơ cấu đại biểu trẻ dưới 35 tuổi:
Phấn đấu đạt tỷ lệ 15% ở cấp tỉnh, 20% ở cấp huyện và 25% ở cấp xã.
2. Về cơ cấu đại biểu là phụ nữ:
Phấn đấu đạt tỷ lệ chung không dưới 25%, ở các thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, phấn đấu đạt tỷ lệ 27%.
3. Về tỷ lệ đại biểu là người ngoài Đảng:
Phấn đấu đạt tỷ lệ 15 đến 20% ở cấp tỉnh, 20 đến 25% ở cấp huyện và 25 đến 30% ở cấp xã.
4. Về cơ cấu đại biểu là người dân tộc ít người và đại biểu tôn giáo:
ở những địa phương có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống hoặc ở những nơi có đông đồng bào theo đạo, cần chỉ đạo để có tỷ lệ hợp lý đại biểu là người dân tộc ít người, đại biểu đại diện cho tổ chức tôn giáo hoặc là người có đạo (không thấp hơn tỷ lệ đã có trong nhiệm kỳ 1999 - 2004).
5. Về cơ cấu đại biểu là đại diện các thành phần xã hội, nghề nghiệp:
Tuỳ theo cơ cấu kinh tế, xã hội, dân cư ở mỗi địa phương để dự kiến cơ cấu phù hợp, thành phần hợp lý và số lượng người ra ứng cử tương ứng với vị trí, vai trò và cơ cấu của cơ quan, tổ chức, đơn vị và các thành phần kinh tế (trong đó có đại diện của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh).
Dưới sự chỉ đạo của Thường vụ cấp ủy các cấp, Thường trực Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân và ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp phối hợp để chuẩn bị chu đáo và tiến hành thận trọng việc dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người tự ứng cử, được giới thiệu ứng cử của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đến khâu tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân; đảm bảo để Hội đồng nhân dân mỗi cấp đều có đủ cơ cấu kết hợp, thành phần xã hội, nghề nghiệp; có tỷ lệ cân đối giữa những người được giới thiệu ứng cử của các cơ quan, tổ chức đơn vị cấp trên và những người ứng cử đại diện cho các đơn vị hành chính cấp dưới (huyện, xã); người ứng cử đại diện cho cộng đồng dân cư (thôn, tổ dân phố) hoặc những người tiêu biểu trong lao động, sản xuất và đại diện của các thành phần kinh tế.
3. Về nhân sự lãnh đạo Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân
Khi thực hiện công tác nhân sự Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2004 - 2009, các cấp ủy Đảng cần quán triệt tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3, khóa VIII của Đảng là bầu cử có nhiệm kỳ, bổ nhiệm có thời hạn.
Số lượng thành viên của Thường trực Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân và số Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân thực hiện theo Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân và các quy định hiện hành.
Người được giới thiệu bầu vào Thường trực Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân phải có đủ các tiêu chuẩn quy định tại Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3, khóa VIII và kết luận của Hội nghị Trung ương 6, khóa IX về công tác cán bộ; có tính Đảng cao, có phẩm chất chính trị tốt và gương mẫu về đạo đức, lối sống; kiên quyết chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí;
Không bố trí tiếp tục hoặc bố trí mới người không đủ phẩm chất, năng lực, tín nhiệm và sức khỏe đảm đương nhiệm vụ vào các vị trí công tác nói trên.
Về độ tuổi: Cán bộ được bố trí lần đầu phải đảm bảo đủ tuổi làm nhiệm vụ trọn hai nhiệm kỳ (10 năm), trường hợp đặc biệt cũng phải đủ tuổi để làm nhiệm vụ trọn một nhiệm kỳ (5 năm).
ở những nơi chưa kịp chuẩn bị nhân sự thay thế, nếu có yêu cầu của tập thể cấp ủy và được cấp trên trực tiếp đồng ý thì người đương chức, có đủ phẩm chất, năng lực, tín nhiệm và sức khỏe, còn đủ tuổi để làm nhiệm vụ từ ba năm trở lên có thể tái cử và đảm nhiệm công việc cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu. Nếu là chức danh Chủ tịch Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân thì cấp ủy cần chỉ đạo bầu người kế cận làm đại biểu Hội đồng nhân dân và bố trí công tác phù hợp để sẵn sàng thay thế khi có yêu cầu.
III. QUY TRÌNH CHUẨN BỊ NHÂN SỰ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN
1. Quy trình dự kiến cơ cấu, thành phần đại biểu Hội đồng nhân dân
Căn cứ Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ở Trung ương, quy hoạch cán bộ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực tế hoạt động của Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 1999 - 2004, Thường trực Hội đồng nhân dân chủ trì, dự kiến cơ cấu, thành phần người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và thôn, tổ dân phố (đối với cấp xã) theo quy trình sau đây:
1. Thường trực Hội đồng nhân dân chủ trì dự kiến cơ cấu thành phần người tự ứng cử, được giới thiệu ứng cử sau khi đã thống nhất ý kiến với Uỷ ban nhân dân và ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp uỷ địa phương trước khi chuyển dự kiến cơ cấu, thành phần người tự ứng cử, đựoc giới thiệu ứng cử cho ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp tổ chức hiệp thương theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
3. Trong quá trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, nếu việc điều chỉnh cơ cấu, thành phần người ứng cử còn có ý kiến khác nhau thì Thường trực Hội đồng nhân dân báo cáo Thường vụ cấp uỷ để cho ý kiến chỉ đạo.
2. Quy trình chuẩn bị nhân sự Chủ tịch Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân
Căn cứ Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân và văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, Thường trực Hội đồng nhân dân xin ý kiến chỉ đạo của Thường vụ cấp ủy về định hướng nhân sự Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2004 - 2009, trọng tâm là nhân sự sẽ giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch ủy ban nhân dân.
Nhân sự Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch ủy ban nhân dân; Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trực Trung ương và quy trình chuẩn bị do Ban Tổ chức Trung ương Đảng hướng dẫn.
Việc chuẩn bị nhân sự Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã được thực hiện trên cơ sở:
1. Quy hoạch cán bộ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
2. Nhận xét, đánh giá của cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể và dư luận của cán bộ, công chức, nhân dân nơi cán bộ công tác và cư trú; kết quả sinh hoạt phê bình và tự phê bình; kết quả hoạt động, công tác của cá nhân hoặc của cơ quan, tổ chức nơi cán bộ đó phụ trách.
3. Giới thiệu của Thường vụ cấp uỷ ở cấp bầu cử.
4. ý kiến của Thường vụ cấp uỷ cấp trên trực tiếp.
Riêng đối với các chức danh Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Chủ tịch ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thì cần tổ chức lấy ý kiến của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các trưởng thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc, tổ dân phố trước khi Hội đồng nhân dân tiến hành bầu cử.
3. Chuẩn bị nhân sự Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân và ủy viên thường trực Hội đồng nhân dân
Việc chuẩn bị nhân sự Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và ủy viên Thường trực Hội đồng nhân dân; Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân và các thành viên khác của ủy ban nhân dân được thực hiện trên cơ sở:
1. Quy hoạch cán bộ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Nhận xét, đánh giá của cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể và dư luận của cán bộ, công chức, nhân dân nơi cán bộ công tác và cư trú; kết quả sinh hoạt phê bình và tự phê bình; kết quả hoạt động, công tác của cá nhân hoặc của cơ quan, tổ chức nơi cán bộ đó phụ trách.
3. Quy định của pháp luật về số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân mỗi cấp.
IV. NHỮNG ĐIỂM CẦN LƯU Ý KHI TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban Thường vụ cấp ủy chỉ đạo và phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức thực hiện, kết hợp với quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử để xác định tiêu chuẩn, cơ cấu đại biểu Hội đồng nhân dân theo đúng quy định của Luật hiện hành và phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương mình.
2. Đảm bảo thực hiện chủ trương mở rộng danh sách người ứng cử, bầu cử có số dư đối với tất cả các chức danh lãnh đạo Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, từ Chủ tịch trở xuống ở cả ba cấp chính quyền địa phương; nhưng phải chỉ đạo để chọn lựa những người có đủ phẩm chất, năng lực, tiêu chuẩn và ngang sức, ngang tài để nhân dân dân lựa chọn với tinh thần ai trúng cử cũng có thể thực hiện tốt nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân;
3. Phấn đấu đảm bảo cơ cấu định hướng, nhưng không bố trí có chủ định người “đệm” trong danh sách người ứng cử; không được vì đảm bảo cơ cấu mà quên mất chất lượng người được giới thiệu ra ứng cử.
Căn cứ hướng dẫn này, Thường trực Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp tổ chức thực hiện phù hợp với từng cấp, từng địa phương theo đúng quy định của pháp luật và các văn bản hiện hành./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.