TỔNG CỤC LƯƠNG THỰC
| VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
|
Số: 48-LT-QĐ | Hà Nội, ngày 06 tháng 04 năm 1964 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH CHẾ ĐỘ TẠM THỜI VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG BAO BÌ TRONG NGÀNH LƯƠNG THỰC
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC LƯƠNG THỰC
Căn cứ vào Nghị định số 167-CP ngày 18-10-1961 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Lương thực;
Xét sự cần thiết của công tác quản lý và sử dụng bao bì;
Theo đề nghị của các ông Vụ trưởng Cục Kho vận, Vụ trưởng Vụ Tài Vụ và Chánh văn phòng Tổng cục.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Nay ban hành chế độ tạm thời về quản lý và sử dụng bao bì trong ngành lương thực kèm theo quyết định này.
Điều 2: Bản chế độ này áp dụng cho tất cả các đơn vị, các cơ sở kinh doanh, chế biến trong ngành lương thực.
Điều 3: Những văn bản về quản lý và sử dụng bao bì của ngành lương thực từ trước đến nay không phù hợp với nội dung bản chế độ này đều bãi bỏ.
Điều 4: Các ông Cục trưởng Cục Kho vận Vụ trưởng Vụ Tài vụ và Chánh văn phòng Tổng cục có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện bản chế độ này.
Điều 5: Bản điều lệ này có giá trị thi hành kể từ ngày 15 tháng 4 năm 1964.
| TỔNG CỤC TRƯỞNG |
CHẾ ĐỘ TẠM THỜI
VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG BAO BÌ
Chương 1:
NGUYÊN TẮC CHUNG
Điều 1: Chế độ này ban hành nhằm mục đích tăng cường trách nhiệm của các đơn vị và cá nhân trong ngành lương thực đối với việc quản lý và sử dụng bao bì, chống tham ô, lãng phí, đưa việc quản lý và sử dụng bao bì vào nền nếp chặt chẽ; phục vụ tốt cho việc vận chuyển lương thực và kế hoạch kinh doanh của ngành.
Điều 2: Bao bì của ngành lương thực là tài sản quan trọng trong vốn đầu tư hàng năm của Nhà nước.
Bao bì nói đây là các loại bao bì bằng đay, gai, vải, cói, tre nứa (sọt, lồ…)
Điều 3: Tất cả cán bộ trong ngành lương thực trước hết là cán bộ bảo quản bao bì phải chấp hành nghiêm chỉnh chế độ quản lý, sử dụng bao bì và thủ tục xuất nhập bao bì.
Chương 2:
BẢO QUẢN BAO BÌ
Điều 4: Tất cả các loại bao bì trong kho, bao bì đang vận chuyển, bao bì giữ hộ cho các đơn vị khác, v.v…đều phải có người biết nghiệp vụ chịu trách nhiệm bảo quản, nếu để xẩy ra hư hỏng, mất mát thì người chịu trách nhiệm trực tiếp bảo quản và thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm.
Điều 5: Khi bảo quản bao bì cần phải thực hiện những việc sau đây:
- Kho chứa bao bì phải được phun thuốc sát trùng trước khi nhập, đồng thời phun thuốc khi nào kho có trùng bọ. Bao bì nhập kho phải đảm bảo sạch, khô, nếu bao bì bẩn, ướt phải giặt sạch, phơi khô mới được nhập kho.
- Khi nhập xuất bao bì, cán bộ trực tiếp bảo quản phải kiểm tra số lượng, chất lượng cụ thể, không giao người khác làm thay.
- Bao bì trong kho phải được sắp xếp theo từng loại, từng hàng, thuận tiện cho việc xuất nhập và kiểm kê.
- Không được để bao bì bừa bãi ở những nơi không quy định. Chỉ dùng bao bì để đóng gói hàng hóa, không được dùng vào việc khác như: rải đường đi, chắn nước mưa, kê cân, lau nhà, lót giường hoặc đựng tài liệu, đồ dùng cho cá nhân v.v…
- Kho bao bì phải có đủ khoá, đủ dụng cụ phòng hoả, cứu hỏa, chống lụt, chống bão. Không được xếp bao bì sát đất, sát tường, không được để lâu trong kho quá ba tháng những bao bì có chứa đựng hàng hoá.
Điều 6: Tất cả các loại bao bì trước khi đem đóng gói hàng hoá, cần phải kiểm tra phẩm chất cẩn thận; nếu bao bì có trùng bọ thì phải diệt trùng bọ, nếu rách thì phải khâu vá lại. Nhất thiết không dùng bao bì có trùng bọ, bẩn, rách để đóng gói hàng hóa.
Điều 7: Cán bộ phụ trách bảo quản nếu được điều động đi làm công tác khác phải bàn giao đầy đủ số lượng, chất lượng theo từng hạng bao (kèm theo giấy tờ sổ sách) cho cán bộ bảo quản mới, có tập thể hoặc phụ trách đơn vị xác nhận.
Điều 8: Phòng hoặc bộ phận kho vận của Sở, Ty Lương thực, Công ty Lương thực cấp I v.v…chịu trách nhiệm bố trí đầy đủ kho và các loại dụng cụ thiết bị cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo quản bao bì.
Điều 9: Các đơn vị đều phải lập số danh mục bao bì: Tên bao bì, hàng bao bì, nhãn hiệu, trọng lượng đóng gói hàng của bao bì, lập nội quy bảo quản bao bì. Tất cả các loại bao bì phải đóng dấu có chữ lương thực trước khi sử dụng.
Cán bộ phụ trách bảo quản phải ghi chép kịp thời, cụ thể tình hình bao bì thực nhập, thực xuất và tồn kho vào sổ kho, thẻ kho.
Chương 3:
PHÂN HẠNG, PHÂN CẤP SỬ DỤNG BAO BÌ
Điều 10: Bao bì phải được phân loại, phân hạng rành mạch.
Hạng nhất: gồm bao bì chưa vá (mới cũng như cũ).
Hạng hai: gồm bao bì vá từ 1 đến 3 miếng (mới cũng như cũ).
Hạng ba: gồm bao bì vá từ 4 đến 6 miếng.
Hạng bốn: gồm bao bì vá từ 7 miếng trở lên.
Điều 11: Mọi việc xuất nhập bao bì đều phải có đầy đủ giấy tờ hợp lệ. Bao bì điều động ngoại tỉnh và ngoài phạm vị cấp vốn thì phải có lệnh của Tổng cục Lương thực. Nếu điều động, xuất nhập số bao bì trong phạm vị được cấp vốn cho đơn vị mình thì kể cả nội, ngoại tỉnh đều do thủ trưởng đơn vị đó quyết định.
Điều 12: Không được cho mượn, bán, đổi chác các loại bao bì; trường hợp cần thiết bán thì do Tổng cục Lương thực quyết định; nếu cho mượn, đổi chác thì do Sở, Ty, Công ty quyết định.
Điều 13: Sở, Ty, Công ty chịu trách nhiệm quản lý về số lượng và chất lượng toàn bộ các loại bao bì, mở sổ sách theo dõi, nắm tồn kho bao bì từng huyện, từng vùng kho, từng cửa hàng và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận chuyên trách thực hiện.
- Phòng hoặc bộ phận bảo quản chịu trách nhiệm hướng dẫn bảo quản bao bì, theo dõi số lượng xuất nhập và tồn kho, tổ chức sửa chữa, khâu vá, làm vệ sinh bao bì, hướng dẫn sử dụng bao bì vào việc đóng gói hàng hóa cho thích hợp đồng thời giúp Sở, Ty, Công ty báo cáo hàng tháng về tồn kho bao bì lên Tổng cục.
- Phòng hoặc bộ phận vận tải chịu trách nhiệm về vận chuyển bao bì, bảo đảm có đủ bao bì cho nhu cầu vận chuyển hàng hoá, giữ gìn tốt bao bì trong quá trình vận chuyển.
- Phòng hoặc bộ phận kế toán chịu trách nhiệm theo dõi tài sản, bao bì, phối hợp chặt chẽ với Phòng hoặc bộ phận kho vận để cấp vốn bao bì, định giá và bán các loại bao bì cần thiết, hướng dẫn thực hiện tốt chế độ tạm thời về kế toán kho hàng số 529-TC-QĐKT ngày 23-8-1962 của Bộ Tài chính.
Điều 14: Phân cấp sử dụng bao bì:
a) Bao bì dùng cho vận chuyển nội tỉnh:
Hàng năm, căn cứ vào các kế hoạch vận chuyển lương thực, vào tình hình đặc điểm vận tải mỗi địa phương, Tổng cục cấp cho mỗi Sở, Ty một số lượng bao bì nhất định; số lượng bao bì này được tính thành vốn của đơn vị và do đơn vị chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng. Trong quá trình vận chuyển, nếu do số lượng hàng hóa vận chuyển tăng hoặc giảm, làm cho số lượng bao bì thừa hoặc thiếu thì phải kịp thời báo cáo lên Tổng cục, nếu cần Tổng cục sẽ điều chỉnh.
b) Bao bì dùng cho vận chuyển ngoại tỉnh:
Hàng năm, căn cứ vào các kế hoạch điều vận lực lượng lương thực cho các nhu cầu cần thiết, Tổng cục cấp cho mỗi loại đơn vị một số lượng bao bì nhất định để dùng vào việc đi mua hàng.
Số lượng bao bì này chỉ dùng vào việc vận chuyển theo các kế hoạch điều vận lương thực ngoại tỉnh. Các tỉnh đi mua hàng có trách nhiệm chuyển bao bì đến các tỉnh bán hàng để đóng gói hàng hoá. (việc chuyển bao bì này không cần có lệnh của Tổng cục). Thực hiện xong một kế hoạch, các đơn vị mua hàng có nhiệm vụ thu hồi đủ số bao bì để tiếp tục đi mua hàng. Nếu vì vận chuyển bao bì chậm trễ, gây ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện kế hoạch vận chuyển lương thực thì đơn vị mua hàng phải chịu trách nhiệm.
Số lượng bao bì này, Tổng cục sẽ cấp thêm hoặc rút bớt nếu khối lượng hàng hoá điều vận tăng hoặc giảm.
c) Bao bì dùng trong các nhà máy xay:
Các nhà máy xay có trách nhiệm giữ gìn tốt các loại bao bì do Sở, Ty, Công ty gửi và hàng tháng phải báo rõ tình hình bao bì trong phạm vi nhà máy cho các Sở, Ty, Công ty Lương thực để Sở, Ty, Công ty này có kế hoạch sử dụng kịp thời.
Điều 15: Sử dụng bao bì:
- Bao bì hạng nhất dùng để đóng gói gạo, ngô hạt, ngô mảnh;
- Bao bì hạng hai dùng để đóng gói thóc;
- Bao bì hạng ba dùng để đóng gói khoai khô, sắn khô, cám;
- Bao bì hạng bốn dùng để đóng gói ngô bắp, trấu, cám hoặc dùng vào việc chống lụt, chống bão, cứu hỏa, phá làm mụn vá, chỉ khâu bao v.v…Riêng thành phố Hà-nội, Hải-phòng có thể dùng bao bì hạng bốn này để đóng gói sắn tươi, khoai tươi vận chuyển từ kho chính hoặc cửa hàng chính đến cửa hàng bán lẻ trong phạm vi thành phố; khi chuyển đến nơi, hàng phải được tháo ra ngay, không được dùng hạng bao bì này để bảo quản sắn tươi, khoai tươi;
- Các loại bao bì bằng vải, bằng gai chỉ dùng để đóng gói các loại bột: gạo, ngô, khoai khô, săn khô;
- Các loại bao bì bằng tre, nứa chỉ dùng để đóng gói khoai tươi, sắn tươi, ngô bắp.
Điều 16: Các loại bao bì ngoài số lượng cấp vốn cho các Sở, Ty, Công ty, nếu chưa sử dụng đến thì sẽ tập trung theo địa điểm do Tổng cục quy định.
Số lượng bao bì này, Công ty Lương thực cấp I chịu trách nhiệm quản lý.
Điều 17: Khi giao bao bì cho bất cứ đơn vị nào ngoài ngành lương thực thì đều phải có hợp đồng giao nhận bao bì trong đó quy định chi tiết: loại bao, hạng bao, giá cả thời gian sử dụng và phương pháp thu hồi; hướng dẫn chu đáo cách sử dụng, tuyệt đối không để công nhân dùng móc sắt (ngáo) bốc dỡ hàng hoá. Nếu đơn vị đó không làm đúng những điều đã quy định, làm hư hỏng, mất mát bao bì thì tùy mức độ và tình hình cụ thể mà buộc họ bồi thường và xử lý thích đáng.
Chương 4:
TÀI VỤ BAO BÌ
Điều 18: Giá cả bao bì, thanh toán và giao dịch nội bộ.
a) Bao bì đay:
- Hạng nhất, phẩm chất từ 90% đến 100%:
Loại 100kg giá: 4đ20
Loại 70kg - : 3đ35
- Hạng hai, phẩm chất còn từ 60% đến 80% thì:
Loại 100kg giá : 3đ00
Loại 70kg giá: 2đ00
- Hạng ba, phẩm chất còn từ 40% đến 50% thì:
Loại 100kg giá : 2đ00
Loại 70kg giá : 1đ50
- Hạng bốn, giá quy định cho cả hai loại 100 và 70kg là 1 đồng.
b) Bao bột vải loại 45kg, 50kg giá: 2đ50; loại 25kg giá: 1đ50.
c) Bao cói mới giá: 1đ35; bao cói đã sử dụng lần thứ hai giá: 0đ50.
d) Giá các loại bao bằng tre, nứa thì tính theo giá thành sản xuất tại địa phương.
Điều 19: Giá các loại bao bì do nhường lại, bán lại hoặc bắt bồi thường sẽ có quy định riêng.
Điều 20: Trên cơ sở số lượng các loại bao bì được cấp cho từng đơn vị, hàng năm Tổng cục quy số bao bì ấy thành tiền. Số tiền này thành vốn của đơn vị, có thể điều chỉnh thêm hoặc bớt tuỳ theo khối lượng hàng hoá vận chuyễn của từng đơn vị.
Điều 21: Trong quá trình sử dụng bao bì cần dựa vào giá cả quy định mà khấu hao theo một tỷ lệ nhất định cho các loại và hạng bao bì như sau:
- Bao bì hạng nhất, hạng hai và hạng ba mỗi năm khấu hao 33,3%, mỗi quý khâu hao 8,33%, mỗi tháng khấu hao 2,92%.
Ví dụ: Bao hạng nhất loại 100kg giá 4đ20 tính như sau:
- Mỗi năm khấu hao
4.2 X 33.3 | = 1.3986 |
100 |
tính tròn số là 1đ40.
- Mỗi quý khấu hao
4.2 X 8.33 | = 0.34986 |
100 |
tính tròn số là 0đ35.
- Mỗi tháng khấu hao
4.2 X 2.92 | = 0.12264 |
100 |
tính tròn số là 0đ123.
Điều 22: Tất cả các loại bao bì hạng bốn cũng như các loại bao bì dự trữ không sử dụng đến do Công ty Lương thực cấp I quản lý đều không tính khấu hao.
Điều 23: Các đơn vị tiêu thụ như: Bộ đội biên phòng, hải đảo, nếu cần mượn bao của ngành lương thực thì phải ký quỹ 6 đồng một chiếc đối với loại bao 100kg; 4 đồng 1 chiếc đối với loại bao 70kg và yêu cầu họ nhất thiết phải mang bao trả lại cho ngành lương thực để thu hồi tiền ký quỹ. Khi họ trả bao bì phải tính khấu hao trong thời gian sử dụng. Dưới mười ngày khấu hao một chiếc 0đ20, từ 11 đến 20 ngày khấu hao một chiếc 0đ30, từ 21 đến 30 ngày khấu hao mỗi chiếc 0đ40, quá một tháng khấu hao mỗi ngày mỗi chiếc 0đ40. Mức khấu hao này áp dụng cho cả hai loại bao 100kg và 70kg.
Điều 24: Những đơn vị bộ đội, cơ quan, trường học, xí nghiệp v.v… được vận chuyển thẳng hàng đến nơi thì ngành lương thực thu hồi ngay bao bì lại; đơn vị, cơ quan nào làm chậm trễ thì phải chịu tiền khấu hao như các đơn vị tiêu thụ nói trên (điều 23); nếu làm hư hỏng mất mát, hoặc đổi chác thì phải bồi thường theo quy định của ngành lương thực.
Điều 25: Các đơn vị mua bán trong ngành, khi ký hợp đồng giao nhận hàng hoá, phải ghi cả thủ tục giao nhận bao bì trong hợp đồng ấy. Trường hợp bên mua chưa chuyển kịp bao bì đến thì có thể thương lượng bên bán dùng bao bì của mình mà đóng gói chuyển cho bên mua; bên mua có trách nhiệm hoàn lại đủ số lượng và chất lượng bao bì của bên bán. Trong hợp đồng giao nhận cần quy định thời gian mà bên mua phải chuyển bao bì đến, nếu quá hạn thì bên mua cũng phải chịu tiền khấu hao như điều 23 đã quy định.
Điều 26: Các đơn vị trung chuyển không chịu tiền khấu hao về bao bì. Ví dụ: hàng của Công ty Lương thực cấp I chuyển cho Vĩnh-linh phải trung chuyển qua Nghệ-an hoặc Quảng-bình, thì Nghệ-an và Quảng-bình không phải chịu tiền khấu hao về bao bì, mà Vĩnh-linh phải mang bao bì trả lại cho Công ty Lương thực cấp I và phải chịu tiền khấu hao ấy.
Điều 27: Các phí tổn về vận chuyển bao bì, đơn vị mua hàng phải thanh toán với chủ phương tiện vận tải đến chặng đường cuối cùng của phương tiện đó, đồng thời phải chịu các khoản tạp phí về vận chuyển bao bì nếu có.
Chương 5:
ĐIỀU KHOẢN CHUNG
Điều 28: Mười ngày một lần, cán bộ phụ trách bảo quản ở kho phải báo cáo tình hình xuất nhập bao bì về Phòng Lương thực, cuối tháng, Phòng Lương thực phải báo cáo về Sở, Ty, Hàng tháng, Sở, Ty, Công ty phải báo cáo tình hình bao bì về Tổng cục.
Điều 29: Đơn vị, bộ phận, cán bộ nào trong ngành lương thực chấp hành nghiêm chỉnh chế độ, có thành tích trong việc bảo quản sử dụng, thu hồi bao bì v.v… đều được khen thưởng về tinh thần cũng như về vật chất.
Điều 30: Đơn vị, bộ phận, cán bộ nào trong ngành lương thực vi phạm chế độ, thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc bảo quản và sử dụng bao bì, làm hư hỏng, mất mát bao bì, cản trở đến việc thực hiện kế hoạch vận chuyển lương thực, thì tùy lỗi nặng nhẹ, xử lý theo chế độ hiện hành.
Điều 31: Chế độ này ban hành kèm theo Quyết định số 48-LT-QĐ ngày 06 tháng 4 năm 1964 của Tổng cục Lương thực.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.