ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 48/2008/QĐ-UBND | Vũng Tàu, ngày 04 tháng 08 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP KHAI THÁC, BẢO VỆ AN TOÀN CÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU.
CHỦ TỊCH UBND TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật đê điều số 79/2006/QH11 ngày 29/11/2006 của Quốc hội khóa XI kỳ họp thứ 10;
Căn cứ Pháp lệnh số 32/2001/PL-UBTVQH10 ngày 04/4/2001 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi;
Căn cứ Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi;
Căn cứ Nghị định số 140/2005/NĐ-CP ngày 11/11/2005 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi;
Căn cứ Nghị định số 154/2007/NĐ-CP ngày 15/10/2007 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi;
Căn cứ Nghị định số 129/2007/NĐ-CP ngày 02/8/2007 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về đê điều;
Căn cứ Nghị định số 113/2007/NĐ-CP ngày 28/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đê điều;
Căn cứ Nghị định số 72/2007/NĐ-CP ngày 07/5/2007 của Chính phủ về quản lý an toàn đập;
Căn cứ Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 61/2008/TTLT-BNN-BNV ngày 15/5/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và nhiệm vụ quản lý nhà nước của UBND cấp xã về nông nghiệp và phát triển nông thôn;
Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 60/SNN-TL ngày 05/6/2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo quyết định này quy định quy chế phối hợp khai thác, bảo vệ an toàn các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện, xã (phường, thị trấn), các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP KHAI THÁC, BẢO VỆ AN TOÀN CÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 48/2008/QĐ-UBND ngày 04 tháng 8 năm 2008 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi áp dụng
Việc phối hợp quản lý khai thác, bảo vệ an toàn công trình thủy lợi áp dụng đối với những công trình do Chi cục quản lý thủy nông đang quản lý đã được xây dựng và được đưa vào khai thác và sử dụng;
Việc phối hợp khai thác, bảo vệ an toàn công trình thủy lợi có liên quan đến đê điều, công trình phòng chống lụt, bão phải tuân theo các quy định của quy chế này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 2. Phối hợp khai thác, bảo vệ an toàn các công trình thủy lợi
1. Việc phối hợp khai thác, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi phải thống nhất giữa các cơ quan, không chia cắt theo ranh giới hành chính;
2. Việc phối hợp khai thác, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi phải tuân theo các quy định của pháp luật và quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
3. Tổ chức, cá nhân đều phải có trách nhiệm tham gia phối hợp khai thác, bảo vệ an toàn công trình thủy lợi.
4. Tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ công trình có trách nhiệm tham gia xây dựng kế hoạch khai thác và phương án bảo vệ công trình. Không được nuôi thả cá và nạo vét lòng hồ tùy tiện làm thay đổi chức năng chính của các hồ thủy lợi.
Chương 2.
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC SỞ, NGÀNH CÓ LIÊN QUAN
Điều 3. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của UBND cấp tỉnh về phân cấp quản lý các công trình thủy lợi vừa và nhỏ và chương trình mục tiêu cấp, thoát nước nông thôn trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm về việc xây dựng, khai thác, sử dụng và bảo vệ các công trình thủy lợi vừa và nhỏ; tổ chức thực hiện chương trình, mục tiêu cấp, thoát nước nông thôn đã được phê duyệt;
2. Thực hiện các quy định về quản lý sông, suối, khai thác sử dụng và phát triển các dòng sông, suối trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
3. Hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm về việc xây dựng, khai thác, bảo vệ đê điều, bảo vệ công trình phòng, chống lũ, lụt, bão; xây dựng phương án, biện pháp và tổ chức thực hiện việc phòng, chống lũ, lụt, bão, hạn hán, úng ngập, chua phèn, xâm nhập mặn, sạt, lở ven sông, ven biển trên địa bàn tỉnh;
4. Hướng dẫn việc xây dựng quy hoạch sử dụng đất thủy lợi, tổ chức cắm mốc chỉ giới trên thực địa và xây dựng kế hoạch, biện pháp thực hiện việc di dời công trình, nhà ở liên quan tới phạm vi bảo vệ đê điều và ở bãi sông theo quy định;
5. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định quản lý nhà nước về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; về hành lang bảo vệ đê đối với đê cấp IV, cấp V; việc quyết định phân lũ, chậm lũ để hộ đê trong phạm vi của địa phương theo quy định.
6. Tổ chức nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa ra các biện pháp, giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác phối hợp khai thác, bảo vệ an toàn các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh;
7. Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành, địa phương hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy chế này trong phạm vi toàn Tỉnh; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh việc thực hiện Quy chế này và đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung khi cần thiết;
8. Tuyên truyền phổ biến pháp luật và giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng về phối hợp khai thác, bảo vệ an toàn các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh và các văn bản pháp luật có liên quan cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia khai thác và sử dụng các công trình thủy lợi;
Điều 4. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường
1. Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về phối hợp khai thác, bảo vệ an toàn các công trình thủy lợi theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã được quy định trình cơ quan có thẩm quyền ban hành; phối hợp với các Sở, Ngành có liên quan thực hiện tốt công tác phối hợp khai thác, bảo vệ an toàn các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy chế này;
2. Xây dựng và thực hiện tốt công tác phối hợp khai thác, bảo vệ an toàn các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh về tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, môi trường, khí tượng thủy văn, đo đạc bản đồ;
3. Tổ chức nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa ra các biện pháp, giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác phối hợp khai thác, bảo vệ an toàn các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh với các Sở, Ngành khác;
4. Phổ biến, tuyên truyền pháp luật và giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng về phối hợp khai thác, bảo vệ an toàn các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đơn vị;
5. Tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước đối với công tác quản lý bảo vệ an toàn các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đơn vị đã được quy định.
Điều 5. Trách nhiệm của Sở Xây dựng
1. Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về phối hợp khai thác, bảo vệ an toàn các công trình thủy lợi theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã được quy định trình cơ quan có thẩm quyền ban hành; phối hợp với các Sở, Ngành có liên quan thực hiện tốt công tác phối hợp khai thác, bảo vệ an toàn các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy chế này;
2. Xây dựng và thực hiện tốt công tác phối hợp khai thác, bảo vệ an toàn các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh về kiến trúc, quy hoạch xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, khảo sát, thiết kế xây dựng, vật liệu xây dựng;
3. Tổ chức nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa ra các biện pháp, giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác phối hợp khai thác, bảo vệ an toàn các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh với các Sở, Ngành khác;
4. Phổ biến, tuyên truyền pháp luật và giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng về phối hợp khai thác, bảo vệ an toàn các công trình thủy lợi trên địa bàn Tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đơn vị;
5. Tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước đối với công tác quản lý bảo vệ an toàn các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đơn vị đã được quy định.
Chương 3.
TRÁCH NHIỆM CỦA CHI CỤC QUẢN LÝ THỦY NÔNG
Điều 6. Điều tiết nước các hồ chứa
1. Điều hòa, phân phối nước công bằng, hợp lý phục vụ sản xuất và đời sống;
2. Xây dựng quy trình vận hành công trình, quy trình điều tiết nước của hồ chứa, quy trình vận hành của hệ thống công trình thủy lợi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện;
3. Điều tiết lũ, vận hành, tích trữ nước hồ chứa theo nhiệm vụ công trình;
4. Bảo vệ chất lượng nước, phòng, chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, phòng, chống lũ, lụt, xâm nhập mặn và các tác hại khác do nước gây ra;
5. Xây dựng phương án quản lý, bảo vệ an toàn công trình thủy lợi cho từng công trình, hồ chứa cụ thể mà đơn vị mình quản lý phối hợp triển khai đến từng địa phương.
Điều 7. Duy tu, bảo dưỡng công trình
1. Theo dõi phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố; duy tu, bảo dưỡng, vận hành đảm bảo an toàn công trình; kiểm tra, sửa chữa công trình trước và sau mùa mưa lũ;
2. Chỉ đạo các phòng, ban, các Trạm quản lý thủy nông xây dựng kế hoạch bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp công trình được nhà nước đầu tư và giao quản lý; xây dựng nội quy quản lý bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi phổ biến cho các tổ chức, cá nhân liên quan biết để thực hiện;
3. Làm chủ đầu tư trong việc duy tu, sửa chữa, nâng cấp công trình thủy lợi; duy trì phát triển năng lực công trình, bảo đảm công trình làm việc an toàn và sử dụng lâu dài;
4. Quan trắc, theo dõi, nghiên cứu tổng hợp và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào việc khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
Điều 8. Triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ các công trình thủy lợi
1. Tham mưu giúp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác chỉ đạo quản lý, bảo vệ an toàn các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh;
2. Phối hợp với cơ quan chức năng, tuyên truyền phổ biến quy chế phối hợp khai thác, bảo vệ an toàn các công trình thủy lợi và các văn bản pháp luật có liên quan cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia quản lý khai thác, bảo vệ an toàn công trình thủy lợi;
3. Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định của quy chế về quản lý, bảo vệ an toàn công trình thủy lợi của địa phương;
4. Thực hiện đầy đủ các quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn có liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ an toàn công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Quản lý, bảo vệ an toàn các công trình thủy lợi
1. Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia khai thác, sử dụng các tài nguyên trong công trình thủy lợi theo pháp luật. Hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào khai thác các công trình thủy lợi theo thẩm quyền và quy định của pháp luật hiện hành;
2. Lập sổ theo dõi diễn biến, tình hình khai thác, sử dụng công trình, tình trạng kỹ thuật của các công trình thủy lợi;
3. Quản lý, khai thác, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả các công trình thủy lợi được giao quản lý;
4. Báo cáo định kỳ, đột xuất về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có thẩm quyền về tình hình quản lý, khai thác và sử dụng công trình;
Điều 10. Phối hợp quản lý, bảo vệ an toàn công trình thủy lợi
1. Phối hợp với cơ quan chức năng có thẩm quyền
a) Thông báo tình hình an toàn của các công trình, tình hình tích trữ nước các hồ chứa cho địa phương để lập kế hoạch phòng, chống bão, lũ; kế hoạch phục vụ sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Trong trường hợp vận hành xã lũ hồ chứa, làm dâng đột ngột mực nước tại vùng hạ lưu công trình, phải có biện pháp báo động, thông báo trước cho nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng được biết, nhằm đảm bảo an toàn cho người, gia súc và các sản xuất nông nghiệp trên địa bàn;
b) Điều tra các hành vi vi phạm làm ảnh hưởng đến an toàn của công trình thủy lợi và thực hiện xử lý theo quyền hạn, nhiệm vụ được giao;
c) Đề nghị xử lý vi phạm hành chính các tổ chức, cá nhân vi phạm quy chế này và các hành vi vi phạm pháp luật khác có liên quan đến công trình thủy lợi;
2. Phối hợp với các cơ quan có liên quan, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng các công trình thủy lợi;
a) Tổ chức thực hiện gìn giữ an ninh, trật tự, phòng, chống mọi hành vi phá hoại; phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn người; phòng, chống cháy nổ; tổ chức tập huấn, diễn tập phòng chống lụt, bão; thực hiện giữ gìn vệ sinh môi trường trong khu vực các công trình thủy lợi;
b) Xử lý, di dời các tổ chức, cá nhân ra khỏi phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi khi không chấp hành các nội quy, quy định về đảm bảo an toàn công trình thủy lợi;
Điều 11. Phòng, chống lụt, bão trong phạm vi các công trình thủy lợi
1. Căn cứ vào tình hình thực tế của các công trình thủy lợi Chi cục quản lý thủy nông - Thường trực Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão của Ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng và tổ chức triển khai phương án phòng, chống lụt, bão cho các công trình thủy lợi; phối hợp cùng với địa phương xây dựng phương án phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn đối với các công trình thủy lợi nằm trên địa bàn của địa phương và các công trình thủy lợi do địa phương quản lý.
2. Trường hợp có bão, lũ, áp thấp nhiệt đới xảy ra
a) Chủ động triển khai phương án phòng, chống lụt, bão, áp thấp nhiệt đới đối với các công trình thủy lợi do mình quản lý. Bằng các phương tiện thông tin đã có, thông báo thường xuyên, kịp thời cho các đơn vị trực thuộc, các cơ quan có liên quan biết về tình hình diễn biến của bão, lũ, áp thấp nhiệt đới và yêu cầu tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi, xử lý các tình huống xấu xảy ra;
b) Ra hiệu lệnh báo động khi bão, lũ, áp thấp nhiệt đới gây ảnh hưởng đến công trình thủy lợi vượt mức báo động cho phép;
c) Tổ chức, hướng dẫn di dời các tổ chức, cá nhân ra khỏi khu vực nguy hiểm ở phía hạ lưu công trình đúng quy định, đảm bảo an toàn;
d) Yêu cầu khắc phục các sự cố công trình sau khi bão, lũ, áp thấp nhiệt đới đi qua.
Chương 4.
TRÁCH NHIỆM CỦA UBND CẤP HUYỆN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ, XÃ (PHƯỜNG, THỊ TRẤN) VÀ CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THAM GIA KHAI THÁC, BẢO VỆ CÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI
Điều 12. Trách nhiệm của UBND các huyện, thị xã, thành phố
1. Chỉ đạo các ngành chức năng trực thuộc phối hợp với Chi cục quản lý thủy nông kiểm tra, ngăn chặn, xử lý, di dời các trường hợp lấn chiếm đất công trình;
2. Chỉ đạo công tác quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng, xây dựng hệ thống tưới, tiêu trên hệ thống kênh mương cấp II và nội đồng; lập kế hoạch tưới, tiêu, điều phối nước, thu thủy lợi phí thuộc phạm vi trên địa bàn mình quản lý;
3. Chỉ đạo các ngành có liên quan của huyện phối hợp với Chi cục quản lý thủy nông tăng cường lực lượng kiểm tra, trực ban, thường xuyên theo dõi sát diễn biến mưa, bão, lũ, lụt và xử lý kịp thời các công trình thủy lợi, các công trình đê, kè nằm trên địa bàn của huyện khi xảy ra sự cố do tình hình mưa, bão, lũ, lụt gây ra;
4. Huy động vật tư, phương tiện tại địa phương để hộ đê đập, cứu hộ đê đập khi đập có sự cố; thẩm quyền huy động lực lượng, vật tư, phương tiện, tại địa phương để hộ đê, đập là Chủ tịch UBND huyện, Trưởng BCH PCLB huyện. Sau khi xử lý sự cố, người ra lệnh huy động lực lượng, vật tư, phương tiện phải tiến hành kiểm tra việc sử dụng và thực hiện các thủ tục trình cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết để bồi thường, hoặc hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân được huy động;
5. Chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp với Chi cục quản lý thủy nông để thực hiện nhiệm vụ hộ đê đập, phòng, chống lũ, lụt;
6. Chỉ đạo tổ chức thực hiện phương án hộ đê đập, đối phó với lũ, theo phương châm 4 tại chỗ: “Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư tại chỗ, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ”;
7. Chỉ đạo các biện pháp bảo đảm an ninh trên địa bàn;
8. Chỉ đạo đài phát thanh, truyền thanh ở địa phương đưa tin kịp thời về tình hình nguy hiểm của công trình do mưa, bão, lũ gây ra và công tác chỉ đạo;
9. Có trách nhiệm phối hợp với Chi cục quản lý thủy nông tổ chức, triển khai, thực hiện quy chế phối hợp khai thác, bảo vệ an toàn các công trình thủy lợi và phương án quản lý, bảo vệ an toàn các công trình thủy lợi khi quy chế và phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt ban hành;
10. Phổ biến, ban hành quy chế phối hợp quản lý bảo vệ an toàn các công trình thủy lợi chung cho toàn huyện, thị xã;
11. Tổ chức và phân cấp quản lý đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi thuộc phạm vi quản lý của địa phương;
12. Chỉ đạo UBND cấp xã (phường, thị trấn) nơi có công trình có trách nhiệm hỗ trợ các Trạm quản lý thủy nông cấp huyện thực hiện tốt quy chế này và các quy định khác có liên quan;
Điều 13. Trách nhiệm của UBND các xã, phường, thị trấn
1. Phối hợp với Chi cục quản lý thủy nông kiểm tra, ngăn chặn, xử lý, di dời các trường hợp lấn chiếm đất công trình;
2. Quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng, xây dựng hệ thống tưới, tiêu trên hệ thống kênh mương cấp II và nội đồng; lập kế hoạch tưới, tiêu, điều phối nước, thu thủy lợi phí thuộc phạm vi trên địa bàn mình quản lý;
3. Phối hợp với Chi cục quản lý thủy nông kiểm tra, trực ban, thường xuyên theo dõi sát diễn biến mưa, bão, lũ, lụt và xử lý kịp thời các công trình thủy lợi, các công trình đê, kè nằm trên địa bàn của huyện khi xảy ra sự cố do tình hình mưa, bão, lũ, lụt gây ra.
6. Huy động vật tư, phương tiện tại địa phương để hộ đê đập, cứu hộ đê đập khi đập có sự cố; thẩm quyền huy động lực lượng, vật tư, phương tiện, tại địa phương để hộ đê, đập là Chủ tịch UBND xã. Sau khi xử lý sự cố, người ra lệnh huy động lực lượng, vật tư, phương tiện phải tiến hành kiểm tra việc sử dụng và thực hiện các thủ tục trình cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết để bồi thường, hoặc hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân được huy động;
7. Phối hợp với Chi cục quản lý thủy nông để thực hiện nhiệm vụ hộ đê đập, phòng chống lũ, lụt;
8. Tổ chức thực hiện phương án hộ đê đập, đối phó với lũ, theo phương châm 4 tại chỗ: “Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư tại chỗ, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ”;
9. Thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh trên địa bàn;
10. Thông tin kịp thời về tình hình nguy hiểm của công trình do mưa, bão, lũ gây ra và công tác chỉ đạo cho nhân dân trên địa bàn mình được biết để phòng tránh và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn theo sự chỉ đạo của các ngành chức năng;
11. Công trình thủy lợi phục vụ xã, phường, thị trấn nào thì do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đó tổ chức, triển khai thực hiện phương án bảo vệ các công trình thủy lợi đó khi phương án bảo vệ công trình thủy lợi được cấp có thẩm quyền phê duyệt ban hành;
12. Tổ chức quản lý đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi thuộc phạm vi quản lý của địa phương;
13. Có trách nhiệm hỗ trợ các Trạm quản lý thủy nông của cấp huyện thực hiện tốt quy chế này và các quy định khác có liên quan.
Điều 14. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia khai thác, quản lý và sử dụng công trình thủy lợi
1. Thực hiện nghiêm túc quy chế này và các quy định khác có liên quan;
2. Chấp hành các quy định phòng, chống lụt, bão; phòng, chống cháy nổ và giữ gìn vệ sinh môi trường, an toàn lao động trong phạm vi các công trình thủy lợi. Tổ chức và cá nhân phải chấp hành quyết định của cơ quan nhà nước thẩm quyền được quy định tại khoản 6 điều 13 và khoản 6 điều 14 của quyết định này, khi được huy động nhân lực, vật tư, phương tiện để hộ đê, đập;
3. Cung cấp các số liệu về tưới, tiêu đầy đủ, chính xác để chủ động trong việc điều tiết nước;
4. Khi phát hiện thấy sự cố thuộc bộ phận, hạng mục ở các công trình phải báo cáo kịp thời, chính xác cho Chi cục quản lý thủy nông biết và tham gia xử lý. Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố phải báo cáo và phối hợp với Chi cục quản lý thủy nông để giải quyết và khắc phục hậu quả sự cố;
5. Giữ gìn và bảo vệ an toàn cơ sở hạ tầng của các công trình thủy lợi, phối hợp với Chi cục Quản lý Thủy nông trong việc đảm bảo an ninh trật tự thuộc khu vực các công trình;
6. Chấp hành sự kiểm tra, giám sát và xử lý của cơ quan có thẩm quyền về kiểm tra xử lý vi phạm trong phạm vi khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi;
7. Nộp các khoản phí, lệ phí theo quy định của các cấp có thẩm quyền về khai thác và sử dụng công trình;
8. Tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ công trình thủy lợi có trách nhiệm tham gia xây dựng phương án bảo vệ công trình; trường hợp công trình xảy ra sự cố hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố thì phải tham gia ứng cứu bảo vệ công trình theo sự huy động của Chủ tịch UBND địa phương.
Chương 5.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15. Điều khoản thi hành
Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Chủ tịch UBND cấp xã, theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện, hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện quy chế này. Trong quá trình thực hiện, nếu cần bổ sung, sửa đổi Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm đầu mối trình UBND tỉnh xem xét, quyết định./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.