BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 478-BCNNG/KB2 | Hà Nội, ngày 13 tháng 10 năm 1961 |
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ HỘI HỌP, HỌC TẬP TRONG CÁC XÍ NGHIỆP THUỘC BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG
Căn cứ quy định số 76-CP ngày 24 tháng 5 năm 1961 của Hội đồng Chính phủ về chế độ hội họp, học tập trong các tổ chức, cơ quan.
Rút kinh nghiệm trong 3 tháng thi hành điều lệ tạm thời số 165-BCNNg-KB2 ngày 20 tháng 5 năm 1961 của Bộ về chế độ hội nghị, học tập và kỷ luật lao động trong các xí nghiệp;
Sau khi trao đổi thống nhất với Bộ Nội vụ.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. – Nay quy định: Chế độ hội họp, học tập trong các xí nghiệp thuộc Bộ Công nghiệp nặng.
Điều 2. –Chế độ hội họp, học tập trong các công trường cũng căn cứ tinh thần quy định này để áp dụng. Tùy điều kiện, hoàn cảnh xây dựng của công trường, có thể xê dịch thời gian hội họp, học tập cho thích hợp; nhưng trên nguyên tắc là phải cố gắng giảm giờ hội họp, có chế độ học tập chặt chẽ và chú ý dành giờ nghỉ ngơi, giữ gìn sức khỏe cho anh chị em.
Điều 3. –Chế độ hội họp, học tập ở các công ty cũng căn cứ những quy định này để thi hành. Riêng việc hội họp, giữa công ty và các xí nghiệp trực thuộc công ty, do công ty căn cứ quy định số 76-CP ngày 24 tháng 5 năm 1961 của Hội đồng Chính phủ và quy định này của Bộ để quy định.
Điều 4. – Các công ty, các xí nghiệp, các công trường phổ biến quy định này cho toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức biết và thi hành kể từ ngày 1 tháng 11 năm 1961.
Điều 5. – Các ông Chánh văn phòng Bộ, thủ trưởng các Cục quản lý, các công ty, các xí nghiệp, các công trường chịu trách nhiệm thi hành quy định này.
Điều 6. – Ông Vụ trưởng Vụ Tổ chức giáo dục có trách nhiệm hướng dẫn và theo dõi các công ty, các xí nghiệp, các công trường thi hành.
Điều 7. – Hủy bỏ điều lệ tạm thời số 165-BCNNg-KB2 ngày 20 tháng 5 năm 1961.
| BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG |
QUY ĐỊNH
CHẾ ĐỘ HỘI HỌP, HỌC TẬP TRONG CÁC XÍ NGHIỆP THUỘC BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG
Chương 1:
HỘI HỌP, HỌC TẬP TRONG GIỜ LÀM VIỆC
Điều 1. – Những buổi họp thường kỳ để kiểm tra tình hình và xây dựng chương trình công tác, sản xuất:
1. Mỗi tháng, mỗi quí, các phòng (hay các ban) họp một lần; Thời gian một buổi chiều thứ 7 tuần cuối tháng (tháng nào trùng với kỳ kiểm điểm quí thì thôi kiểm điểm tháng đó)
2. Mỗi tháng, có một lần họp giữa Chánh và Phó giám đốc xí nghiệp để thống nhất việc nhận định tình hình chung trong tháng và đề ra kế hoạch công tác, sản xuất tháng tới. Thời gian một buổi.
3. Hội họp giữa Giám đốc xí nghiệp, với các trưởng, phó phòng (hay các trưởng ban) và các Chánh phó quản đốc phân xưởng (hay các trưởng ngành):
- Mỗi tháng từ một đến hai lần; mỗi lần một buổi (tháng nào trùng với kỳ kiểm điểm quý, thì thôi kiểm điểm tháng đó).
- Mỗi quý một lần; Thời gian từ hai đến ba buổi (quý nào trùng với kỳ sơ kết nửa năm và tổng kết cả năm thì thôi kiểm điểm quý đó).
- 6 tháng sơ kết một lần; Thời gian từ hai đến ba buổi (sơ kết 6 tháng cuối năm thì kiểm điểm cùng với kỳ tổng kết cả năm)
- 1 năm tổng kết một lần; Thời gian từ ba đến bốn buổi.
Điều 2. – Ngoài chế độ hội họp thường kỳ trên, một số hội nghị khác quy định như sau:
1. Hội nghị của các hội đồng: Hội đồng kỹ thuật, Hội đồng xét sáng kiến, Hội đồng thi đua, Hội đồng khen thưởng, Hội đồng kỷ luật, Hội đồng lương bổng, Hội đồng bảo hộ, an toàn lao động, Hội đồng tuyển dụng. Tùy mức độ, yêu cầu của từng hội nghị, Chủ tịch Hội đồng đề nghị với Giám đốc xí nghiệp ấn định thời gian cho từng hội nghị (có thể trong hoặc ngoài giờ sản xuất)
2. Những buổi sinh hoạt và hội nghị bất thường để giải quyết những việc đột xuất trong sản xuất, và công tác; Nếu là sinh hoạt toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức, hoặc họp các trưởng, phó phòng (hay các trưởng ban) Chánh phó quản đốc các phân xưởng (hay các trưởng ngành) phải có sự thống nhất giữa Đảng ủy, Giám đốc và Ban Chấp hành công đoàn nhà máy để ấn định, nhưng nên hết sức hạn chế.
Điều 3. – Nói chung sinh hoạt Đảng và các đoàn thể khác đều tiến hành ngoài giờ làm việc. Trường hợp thật cần thiết và được Giám đốc xí nghiệp đồng ý, ủy viên chấp hành (vừa làm công tác chính quyền) các cấp Đảng bộ và các đoàn thể khác được dùng mỗi tháng nhiều nhất là 4 giờ làm việc của Nhà nước để làm việc đoàn thể.
Điều 4. – Ở những nơi cần thiết, Chánh, phó giám đốc, trưởng, phó phòng (hay trưởng ban) Chánh, phó quản đốc phân xưởng (hay trưởng ngành) và các cán bộ, viên chức kỹ thuật nghiệp vụ trong các phòng kỹ thuật, nghiệp vụ, mỗi tuần được dùng một buổi chiều thứ 7 để học tập kỹ thuật nghiệp vụ. Nhưng phải có chương trình, kế hoạch học tập và được Giám đốc xí nghiệp thông qua, mới được nghỉ làm việc để học tập.
Điều 5. – Ở những địa phương có chương trình học tập chính trị cho cán bộ, thì Chánh, phó giám đốc, trưởng, phó phòng (hay trưởng ban) Chánh, phó quản đốc phân xưởng (hay trưởng ngành) được dùng một buổi chiều thứ 3 để học tập chính trị.
Điều 6. – Các xí nghiệp đều phải có chế độ và lịch hội họp, học tập. Các cuộc họp phải ngắn, gọn, có chuẩn bị chu đáo, có nội dung thiết thực. Mọi sinh hoạt và công tác đều tiến hành theo chế độ thủ trưởng, đúng với chế độ tập trung dân chủ. Những việc chỉ cần phổ biến, hoặc chỉ do cán bộ phụ trách giải quyết thì không đưa ra hội nghị.
Khi hội họp, học tập, nhất thiết phải có người thường trực để giải quyết công việc.
Điều 7. – Ngoài những quy định trên, xí nghiệp nào muốn dùng thì giờ làm việc của Nhà nước để hội họp, học tập hay làm những việc ngoài phạm vi công tác của xí nghiệp, đều phải được Bộ trưởng hay người được ủy quyền cho phép.
Chương 2:
HỘI HỌP, HỌC TẬP NGOÀI GIỜ LÀM VIỆC
Điều 8. – Những buổi hội họp thường kỳ để kiểm điểm tình hình và thảo luận chương trình công tác, sản xuất, xây dựng:
1. Mỗi tuần, mỗi tháng, tổ sản xuất sinh hoạt một lần thời gian từ 30 phút đến 45 phút vào trước hay sau giờ sản xuất theo ca trong ngày thứ 7. Tuần nào sinh hoạt tổ công đoàn thì lồng vào buổi sinh hoạt đó để kiểm điểm, hoặc trùng với kỳ kiểm điểm tháng thì thôi kiểm điểm tuần đó.
2. Sinh hoạt Đảng hay các đoàn thể (Công đoàn, Thanh niên, phụ nữ) 2 tuần một lần vào tối thứ 6, hoặc sinh hoạt trước hay sau giờ sản xuất theo ca trong ngày đó; Sinh hoạt tổ Đảng từ 30 phút đến 1 giờ, sinh hoạt chi bộ Đảng, chi đoàn thanh niên, công đoàn, phụ nữ cơ quan, phân xưởng từ một đến hai giờ.
3. Các phân xưởng (hay các ngành), mỗi tháng, mỗi quý có một lần họp giữa Chánh, phó quản đốc phân xưởng (hay trưởng ngành) với các đốc công và tổ trưởng sản xuất trong phân xưởng (hay trong ngành); Thời gian từ 2 đến 3 giờ (tháng nào trùng với kỳ kiểm điểm quý thì thôi kiểm điểm tháng đó).
4. Mỗi quý, các phân xưởng (hay các ngành) có một buổi họp chung toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức trong phân xưởng (hay trong ngành). Thời gian một buổi tối, do chính quyền kết hợp với các đoàn thể để bố trí.
5. Hội nghị công nhân viên chức theo luật công đoàn mỗi năm họp hai lần, mỗi lần không quá ba buổi.
Hội nghị sơ kết 6 tháng và tổng kết cả năm đều kết hợp với Đại hội công nhân viên chức để Giám đốc xí nghiệp báo cáo trước đại hội và toàn thể xí nghiệp.
Điều 9. – Những buổi học tập:
1. Cán bộ, công nhân, viên chức (không kể những cán bộ phụ trách đã nêu trong điều 5, chương 1) mỗi tuần dùng 1 buổi tối thứ 3 (hay từ 1 đến 2 giờ trước hoặc sau giờ làm việc, sản xuất trong ngày đó) để học tập chính trị hay chính sách hoặc thời sự.
2. Học tập chỉnh huấn chính trị theo chương trình chung của Ban Tuyên giáo trung ương, Ban tuyên huấn tỉnh, thành ủy và của Bộ thống nhất quy định. Xí nghiệp kết hợp với tình hình sản xuất để bố trí.
3. Mỗi tuần dùng hai buổi tối thứ 2 và thừ 5 để học tập văn hóa.
4. Đối với công nhân sản xuất, nếu xí nghiệp có chương trình, kế hoạch học tập kỹ thuật; Mỗi tuần có từ 1 đến 2 giờ trươc hoặc sau giờ sản xuất theo ca trong ngày thứ 4 để học tập.
Điều 10. – Để giành thì giờ cần thiết cho sinh hoạt gia đình, cho việc nghỉ ngơi giữ gìn sức khỏe của cán bộ công nhân, viên chức … Mỗi tuần, xí nghiệp cần đảm bảo cho anh chị em được nghỉ cả ngày chủ nhật (tức là cả đêm chủ nhật) và hai tối khác (tối thứ 4 và thứ 7). Các buổi hội họp, học tập ban đêm không quá 21 giờ 30.
Điều 11. – Trường hợp cần thiết phải huy động anh chị em làm thêm giờ để hoàn thành kế hoạch sản xuất, thì sau đó phải có chế độ bồi dưỡng hay được nghỉ bù theo quy định của Nhà nước.
Trường hợp khẩn cấp (bão, lụt, hỏa hoạn v.v...) thì Giám đốc xí nghiệp có quyền huy động toàn thể cán bộ, công nhân viên chức làm trong giờ nghỉ.
Điều 12. – Thời gian luyện tập quân sự và hoạt động văn nghệ, câu lạc bộ, do xí nghiệp nghiên cứu, xếp sắp cho anh chị em luyện tập ngoài giờ sản xuất. Nhưng cố gắng tránh xâm phạm nhiều vào giờ nghỉ của anh chị em.
Chương 3:
THÌ GIỜ LÀM VIỆC VÀ LAO ĐỘNG NGHĨA VỤ
Điều 13. – Cán bộ, công nhân, viên chức trong xí nghiệp phải phục tùng cán bộ phụ trách, giữ vững kỷ luật lao động, đi về đúng giờ, bảo đảm ngày làm việc thực sự 8 giờ (trừ những người hưởng chế độ làm việc ít giờ); Phải giữ vững kỷ luật sinh hoạt, hội nghị, học tập đã quy định, không được vắng mặt vì lý do không chính đáng, đi họp đúng thành phần triệu tập.
Điều 14. – Cán bộ, viên chức (hành chính, nghiệp vụ, kỹ thuật) có trách nhiệm tham gia lao động sản xuất mỗi tuần một buổi trong giờ làm việc. Lịch tham gia lao động do công đoàn thống nhất với chính quyền quy định.
Chương 4:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15. – Quy định này áp dụng chung cho các xí nghiệp thuộc Bộ Công nghiệp nặng.
Các ông Giám đốc các xí nghiệp, có trách nhiệm thi hành nghiêm chỉnh quy định này và quản lý chặt chẽ lịch hội họp, học tập trong đơn vị mình.
Các xí nghiệp tùy hoàn cảnh sản xuất, mà ấn định chế độ hội họp, học tập cho thích hợp, nhưng không được trái với nhân dân chung đã quy định. Trong kế hoạch thi hành, có điều gì chưa thích hợp, phải đề nghị Bộ, Bộ chuẩn y mới được sửa đổi.
Điều 16. – Ông Vụ trưởng Vụ Tổ chức Giáo dục có trách nhiệm hướng dẫn và theo dõi các xí nghiệp thi hành.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.