ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 473/QĐ-UBND | Cao Bằng, ngày 15 tháng 3 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI XỬ LÝ VI PHẠM ĐỐI VỚI VIỆC KHAI THÁC KHOÁNG SẢN TRÁI PHÁP LUẬT TRÊN ĐẤT SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Đất đai năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ Quy định chi tiết tinh hành mộit số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008;
Căn cứ nghị định số 105/2009/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực Đất đai;
Theo đề nghị của Giám đốc sở Tài Nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 1070/TTr-TNMT ngày 03 tháng 11 năm 2010.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm Quyết định này Quy định tạm thời xử lý vi phạm đối với việc khai thác khoáng sản trái pháp luật trên đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và phát triển Nông Thôn, Công Thương, Tài chính; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; các tổ chức, cá nhân và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
XỬ LÝ VI PHẠM ĐỐI VỚI VIỆC KHAI THÁC KHOÁNG SẢN TRÁI PHÁP LUẬT TRÊN ĐẤT SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 473/QĐ-UBND ngày 15/03/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng)
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh
Tất cả các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái pháp luật trên đất sản xuất nông nghiệp làm suy giảm đất và làm huỷ hoại đất (đặc biệt là đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm) trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Điều 2. Nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt được thực hiện theo Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật đất đai; Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008 và Nghị định số 105/2009/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực Đất đai.
II. MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái pháp luật trên đất sản xuất nông nghiệp làm suy giảm đất và làm huỷ hoại đất thì bị xử lý như sau:
1. Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, xử lý theo Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 528/QĐ-UBND ngày 13 tháng 4 năm 2010 của UBND tỉnh Cao Bằng ban hành Quy định tạm thời thu giữ, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản và bảo vệ môi trường.
2. Xử phạt vi phạm hành chính theo các mức quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8 và Điều 10 của Nghị định số 105/2009/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực Đất đai.
3. Buộc các tổ chức, cá nhân có vi phạm, khôi phục lại tình trạng đất đai như trước khi vi phạm, thời gian thực hiện việc tự khắc phục lại tình trạng đất đai là 6 (sáu) tháng kể từ ngày lập biên bản vi phạm.
4. Hết thời hạn tự khắc phục, tổ chức, cá nhân không khôi phục lại đất đai thì chủ sử dụng đất sẽ bị thu hồi đất.
5.Nếu hành vi gây hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý theo quy định của Luật hình sự.
Điều 4. Trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất sản xuất nông nghiệp sau đó sử dụng để khai thác khoáng sản trái pháp luật thì bị xử lý huỷ bỏ hợp đồng chuyển nhượng và giao cho UBND cấp xã quản lý.
Trường hợp hộ gia đình hoặc cá nhân tự khai thác khoáng sản trái pháp luật hoặc hợp đồng với các tổ chức, cá nhân khác khai thác khoáng sản trái pháp luật trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp thuộc quyền sử dụng của mình thì chủ sử dụng đất bị xử lý theo các nội dung của bản quy định này.
Điều 5. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
Theo quy định tại Điều 25, Điều 26, Nghị định số 105/2009/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực Đất đai và Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
Điều 6. Thẩm quyền thu hồi đất
Uỷ ban nhân dân huyện thu hồi đất đối với hộ gia đình và cá nhân, Uỷ ban nhân dân tỉnh thu hồi đất đối với tổ chức.
Điều 7. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính
Thực hiện theo quy định của Pháp lệnh số 44/2002/PL-UBTVQH10 , Pháp lệnh số 04/2008/UBTVQH12 và Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường
Thường xuyên theo dõi hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh, phối hợp chặt chẽ với UBND cấp huyện, cấp xã nơi xảy ra hiện tượng khai thác khoáng sản trái phép có biện pháp ngăn chặn, giải tỏa kịp thời, thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền; Lập hồ sơ trình UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính và thu hồi đất đối với các đối tượng thuộc thẩm quyền của UBND tình.
Điều 9. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân các cấp
1. Uỷ ban nhân dân cấp huyện, thị xã:
- Chỉ đạo các phòng ban chuyên môn thường xuyên theo dõi, kiểm tra để kịp thời phát hiện những nơi có hiện tượng khai thác khoáng sản trái pháp luật trên đất sản xuất nông nghiệp làm suy giảm đất và làm huỷ hoại đất.
- Chỉ đạo phòng ban chuyên môn kịp thời lập biên bản vi phạm, ban hành quyết định xử phạt theo thẩm quyền và buộc khôi phục lại tình trạng đất đai như trước khi vi phạm.
- Ban hành quyết định thu hồi đất đai theo thẩm quyền khi các đối tượng vi phạm hết thời hạn tự khắc phục mà không khôi phục lại đất đai.
- Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh nếu để xảy ra việc khai thác khoáng sản trái pháp luật trên đất sản xuất nông nghiệp làm suy giảm đất và làm hủy hoại đất trên địa bàn.
2. Uỷ ban nhân cấp xã, phường, thị trấn:
- Thường xuyên theo dõi, kịp thời phát hiện các trường hợp khai thác khoáng sản trái pháp luật trên đất sản xuất nông nghiệp làm suy giảm đất, làm huỷ hoại đất
- Kịp thời lập biên bản vi phạm đối với các đối tượng vi phạm hành chính, ban hành quyết định xử phạt theo thẩm quyền và buộc khôi phục lại tình trạng đất đai như trước khi vi phạm.
- Theo dõi việc tự khắc phục lại tình trạng đất đai như trước khi vi phạm của các đối tượng vi phạm, nếu quá thời hạn tự khắc phục theo quy định tại Điều 3 của Quy định này mà các đối tượng chưa thực hiện thì lập văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân huyện thu hồi đất đai.
- Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp huyện nếu để xảy ra việc khai thác khoáng sản trái pháp luật trên đất sản xuất nông nghiệp làm suy giảm đất và làm huỷ hoại đất trên địa bàn xã, phường, thị trấn.
Điều 10. Điều khoản thi hành
Các cơ quan chức năng có liên quan theo chức năng nhiệm vụ, có trách nhiệm phối hợp, tổ chức thực hiện Quy định này. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc, các cấp các ngành gửi văn bản đến Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, bổ sung và điều chỉnh./.
| CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.